Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Gỡ băng chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH chiều 13.11

Gỡ băng chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH chiều 13.11
BẢN TỔNG HỢP THẢO LUẬN TẠI HỘI TRƯỜNG
(Ghi theo băng ghi âm)
Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa Thống đốc,
Tôi xin có 2 vấn đề đặt câu hỏi với Thống đốc.
Vấn đề thứ nhất, phàm cái xấu chẳng bao giờ ai đem đi cho và người được cho chẳng bao giờ dám nhận, ngược lại đã cho rồi không ai dại gì đi đòi. Tuy nhiên cái gọi là nợ xấu mà ngành ngân hàng bấy lâu nay sử dụng xin Thống đốc cho biết nó như thế nào và cơ cấu của nó ra sao. Mặc dù Thống đốc đã trả lời trước đó cũng như Thống đốc đã cho biết nguyên nhân và giải pháp, nhưng tôi muốn biết cụ thể thêm trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay từng ngành, từng nghề nào được ngân hàng đòi lại cái xấu và có hay không việc lợi dụng nợ xấu để khuynh đảo nền kinh tế của các nhóm lợi ích.

Vấn đề thứ hai, trong thời gian qua việc tạo điều kiện cho nông dân vay vốn có rất nhiều chính sách từ phía ngân hàng, tuy nhiên cũng còn gặp rất nhiều bất cập, nhất là đối với nông dân nghèo. Cụ thể khi người dân đi vay số tiền 10 triệu đồng thì bản thân người dân phải để lại thế chân 1 triệu đồng cộng với tiền lãi vay 6 tháng, như vậy trên giấy tờ tiền vay là 10 triệu nhưng thực chất không đến 10 triệu. Mặt khác khi đến thời điểm đáo hạn phải nộp đủ 10 triệu từ đó dẫn đến nhiều trường hợp nông dân nghèo lại nghèo thêm do đi vay nóng bên ngoài để đáo hạn. Càng khó hơn nếu ngân hàng không cho tiếp tục vay, vô hình chung nông dân sẽ thành con nợ bên ngoài với lãi suất cao ngất ngưởng dẫn đến thêm bần cùng. Như vậy, theo Thống đốc cách làm của ngân hàng đã đúng chưa, nếu còn bất cập thì theo Thống đốc có giải pháp nào để hỗ trợ cho nông dân trong việc vay vốn phát triển sản xuất. Xin hết, xin cảm ơn.

Vũ Thị Hương Sen   - Hải Dương
Kính thưa Quốc hội.
Kính thưa Thống đốc.
Tôi có ba câu hỏi xin gửi đến Thống đốc.
Thứ nhất, nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường có định hướng của nhà nước thì khi cần thiết nhà nước có thể áp dụng các biện pháp hành chính để can thiệp, tuy nhiên việc can thiệp sâu và kéo dài đang làm méo mó thị trường, đặc biệt thị trường tiền tệ và thị trường vàng, dẫn đến hệ lụy gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người dân.
Nhiều cử tri cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang tạo nên độc quyền doanh nghiệp đối với kinh doanh vàng miếng và sự chênh lệch trên 3 triệu đồng một lượng so với giá vàng thế giới là do độc quyền doanh nghiệp thao túng. Đặc biệt nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát đã nêu không để tái diễn tình trạng hỗn loạn tỷ giá vàng, điều hành  giá vàng liên thông với giá vàng thế giới. Quan điểm của Thống đốc về vấn đề này như thế nào và Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để khắc phục tình trạng trên?
Thứ hai, việc kinh doanh lời ăn, lỗ chịu là quy luật thị trường, nhưng hình như với các doanh nghiệp nhà nước nói chung và doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ nói riêng thì lời doanh nghiệp hưởng, lỗ đẩy sang nhà nước chịu. Tình trạng nợ xấu ngân hàng ở mức rất cao hiện nay có sự tiếp tay của một số cán bộ lãnh đạo và nhân viên các ngân hàng. Song mới chỉ thấy một số vụ được cơ quan điều tra phát hiện. Đề nghị Thống đốc cho biết từ khi ở cương vị đứng đầu ngành đến nay, hệ thống Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện và xử lý được bao nhiêu vụ và làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này trong thời gian tới?
Thứ ba, trong phần trả lời các đại biểu trước tôi, Thống đốc nói 46% nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản thế chấp, ở đây đặt ra hai vấn đề xin Thống đốc làm rõ:
Thứ nhất, tài sản đó có dễ bán để thu hồi được vốn hay không?
Thứ hai, khi bán đấu giá tài sản thế chấp thì số tiền thu được có đủ trả nợ nhà nước hay không? Vì nhiều tài sản đã bị nhân viên ngân hàng thẩm định trước khi cho vay vốn nâng gấp rất nhiều lần so với giá trị thực của tài sản. Tôi xin hết, xin cảm ơn Thống đốc.

Đỗ Mạnh Hùng - Thái Nguyên
Kính thưa Quốc hội,
Thưa Thống đốc,
Tôi xin có 3 câu hỏi.
Câu hỏi thứ nhất, có nhiều ý kiến cho rằng 3 vấn đề sau đều liên quan đến nợ xấu và có trách nhiệm của ngân hàng nhà nước.
Thứ nhất là chính sách quản lý vàng vừa qua có những bất cập tạo ra độ chênh của giá vàng trong nước và thế giới, trong nước với nhau làm cho một số người được lợi và một số người thiệt hại, tạm gọi là lỗ trong kinh doanh vàng.
Vấn đề thứ hai là việc dồn vốn cho một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán góp phần tạo nên thị trường ảo, tạo nên hiện tượng bong bóng.
Vấn đề thứ ba là việc các ngân hàng nợ lẫn nhau trong điều kiện có tình trạng thiếu minh bạch, thiếu lành mạnh trong hoạt động vay và cho vay.
Đề nghị Thống đốc cho biết 3 vấn đề trên có ảnh hưởng gì đến nợ xấu không và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước như thế nào.
Câu thứ hai, trong xử lý nợ xấu Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất thành lập công ty mua bán nợ hay công ty quản lý tài sản. Xin hỏi Thống đốc một số nội dung mà cử tri băn khoăn.
Thứ nhất, nói là công ty mua bán nợ nhưng cụ thể công ty dự kiến mua tài sản gì, mua của ai, mua với giá như thế nào và sẽ bán như thế nào và nguồn tiền ở đâu
Thứ hai, có dự kiến công ty đó được phát hành trái phiếu không và nếu có trái phiếu thì trái phiếu đó có được dùng làm tài sản đảm bảo để vay vốn Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba, nếu tự thành lập công ty đó sẽ có mô hình tổ chức như thế nào, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hay một mô hình khác.
Thứ tư, có ý kiến cho rằng có tiêu cực trong tái cấu trúc ngân hàng. Ví dụ không công khai tiêu chí, thanh tra bất thường và sau đó có kết luận áp đặt. Ý kiến Thống đốc về vấn đề này như thế nào. Nhân đây xin đề nghị một ý mà đại biểu Hương Sen vừa nói và đề nghị Thống đốc cho biết trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra một số vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng vừa qua. Mong Thống đốc trả lời ngắn gọn để không ảnh hưởng đến chất vấn của những đại biểu sau. Xin cảm ơn Thống đốc.

Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Kính thưa toàn thể Quốc hội,
Tôi xin phép lần lượt trả lời các ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội vừa rồi. Sáng nay còn có một số ý kiến đã nêu ra nhưng hết thời gian nên chưa trả lời được. Tôi xin phép tiếp tục trả lời những ý kiến sáng nay trước.
Sáng nay trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Hồng Hà có nói một số nội dung có liên quan về nợ xấu, tôi xin phép nội dung này tôi đã trình bày nhiều trong phần sáng nay tôi xin không nhắc lại. Ở đây đại biểu Hồng Hà có quan tâm đến việc thành lập công ty mua bán nợ và đại biểu có đặt vấn đề các công ty mua bán nợ hiện hành của Bộ Tài chính cũng như của các ngân hàng thương mại hoạt động chưa hiệu quả, lý do tại sao? Trong việc thành lập công ty mua bán nợ hay với các cơ chế hoạt động của công ty mua bán nợ có biểu hiện gì của lợi ích nhóm hay không v.v...Về vấn đề này tôi xin báo cáo với Quốc hội như sau:
Thứ nhất, đề án để thành lập ra công ty mua bán nợ đó không phải là đề án của Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao thay mặt Chính phủ soạn thảo dự thảo và nghiên cứu kinh nghiệm trong nước và ngoài nước để đề xuất mô hình hoạt động, nội dung hoạt động của Công ty mua, bán nợ này, tôi cũng xin nói để giải thích cho chính xác hơn, trên thực tế người ta gọi là công ty quản lý tài sản thì theo đúng các mô hình mà các nước trong khu vực và thế giới đã áp dụng trong thời gian khủng hoảng để xử lý nợ xấu. Do vậy, đề án này không phải là đề án của riêng ngân hàng Nhà nước mà nói rằng tại sao trong xử lý nợ xấu cần phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, nhiều cơ quan mà lại giao riêng cho ngân hàng Nhà nước thì tôi xin phép trình bày như vậy.
Đề án này của chúng tôi trong dự thảo ban đầu cũng đúng như đại biểu Quốc hội đã nêu, cũng nêu ra một loạt các nhóm giải pháp liên quan đến rất nhiều các bộ, ban, ngành và ngay cả mô hình của công ty này cũng phải có sự tham gia của rất nhiều các bộ, ban, ngành. Ví dụ, ai tham gia quản trị điều hành mô hình này trong vấn đề xét duyệt từng khoản nợ xấu mà công ty này mua thì ai là người quyết định và mua với giá như thế nào, cơ chế thanh toán ra sao, công cụ tài chính thế nào v.v... thì sẽ có đầy đủ trong dự thảo này và theo chương trình thì sau kỳ họp này của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tất cả các bộ, ngành sẽ tham gia vào đề án này. Vậy, có thể nói rằng đây là một đề án của Chính phủ nhằm góp phần vào việc xử lý nợ xấu. Tôi cũng xin báo cáo với Quốc hội là xử lý nợ xấu bao gồm một gói các giải pháp như chúng ta đã bàn trong mấy phiên hôm nay và việc thành lập ra công ty, chúng ta tạm gọi là công ty mua, bán nợ xấu hay công ty quản lý tài sản này cũng chỉ là một trong số các giải pháp đó. Vì công ty còn chưa thành lập và là công ty của Chính phủ chứ không phải của một ai, do vậy, trong giai đoạn hiện nay không thể nói đến vấn đề lợi ích nhóm gì cả. Tôi xin được báo cáo như vậy để các đại biểu Quốc hội cùng nắm.
Trong phần thứ hai, đại biểu có hỏi là tại sao lại bắt người dân phải chuyển đổi từ các vàng khác SJC sang vàng SJC.
Xin báo cáo với các đại biểu Quốc hội là trong Nghị định 24 không có một nội dung nào bắt người dân phải chuyển đổi các loại vàng miếng nhãn hiệu khác sang vàng miếng nhãn hiệu SJC. Ngược lại, theo quy định của Nghị định 24, sau ngày 25-5 tất cả các loại vàng miếng có nhãn khác đã được lưu hành từ trước đến nay vẫn được tiếp tục lưu hành một các bình thường.
Đại biểu có hỏi về vấn đề quyền lợi của người dân. Trong Nghị định 24 quy định rất rõ là đảm bảo đầy đủ các quyền lợi hợp pháp của người dân trong việc nắm giữ, tích trữ, mua bán vàng.
Ý thứ ba, về việc tăng trưởng tín dụng thấp có liên quan gì đến thị trường vàng. Như sáng nay tôi đã trình bày. Nếu chúng ta còn để tiếp tục tình trạng vàng hóa như trong những năm vừa qua thì một nguồn lực rất lớn của xã hội chúng ta sẽ bị đầu tư, găm giữ vào vàng. Vì vậy, rất hạn chế đến khả năng tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế nói chung. Do vậy, chính việc chúng ta kiên quyết chống vàng hóa là góp phần khơi thông được nguồn vốn này để phục vụ cho việc phát triển nên kinh tế của đất nước hay nói một cách khác là để hoạt động cho phục vụ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng đầu tư cho nền kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Tố Nga hỏi về các nội dung liên quan đến chủ trương gần đây sẽ ban hành theo Quyết định 1149 của Chính phủ trong việc yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước giãn nợ tối đa không quá 24 tháng đối với các doanh nghiệp thủy sản, nuôi trồng, chế biến cá tra, cá ba sa cũng như chế biến thực phẩm. Theo đại biểu muốn biết là kết quả thực hiện đến nay và có khó khăn, bất cập gì? Tôi xin trình bày là Quyết định 1149 được Chính phủ ban hành ngày 8/8/2012, ngay ngày 20/8 ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản 5294 hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng quốc doanh, tức là 5 ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước để thực hiện quyết liệt chủ trương này. Đến nay 5 ngân hàng thương mại đã có văn bản hướng dẫn trong toàn hệ thống về triển khai chủ trương này. Tính đến 31/10/2012, tức là khoảng sau hơn 2 tháng thực hiện đã có kết quả ban đầu như sau:
Số nợ được gia hạn, các khoản nợ đến hạn đã được các tổ chức tín dụng gia hạn với tổng số 1.216 nghìn tỷ đồng, đa số các khoản gia hạn này đều có phần gia hạn trên 12 tháng.
Về tình hình cho vay mới, theo tinh thần của Quyết định 1149 này, trong giai đoạn từ ngày 15/8-31/10 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cho vay mới 21.111 tỷ đồng và tổng số dư nợ đạt trong lĩnh vực này là 34.876 tỷ đồng, với 366.715 lượt khách hàng được vay vốn. Ngày 3/10 vừa qua ngân hàng Nhà nước tiếp tục có Văn bản số 6341 yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc của 5 ngân hàng thương mại Nhà nước phải tích cực chỉ đạo triển khai quyết liệt hơn nữa chỉ thị này.
Trong khi chúng ta đang ngồi họp ở đây một phó thống đốc của ngân hàng Nhà nước đang họp với 13 tỉnh Tây Nam bộ, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng như các chi nhánh ngân hàng Nhà nước để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề triển khai tinh thần nghị quyết này. Theo chương trình sáng mai đoàn sẽ làm việc với ban chỉ đạo Tây Nam bộ để phối hợp trong vấn đề xử lý nội dung này.
Như vậy, có thể nói chúng tôi đã triển khai chương trình này hết sức quyết liệt và bước đầu cũng đã đạt được những kết quả, tôi cho rằng trong một thời gian ngắn có một số lượng như vậy cũng thể hiện quyết tâm rất cao. Tuy nhiên trong chương trình này chúng ta cũng gặp phải một số khó khăn:
Khó khăn thứ nhất là ở đây chúng tôi thấy trong thời gian vừa qua giá cá tra, cá basa xuống rất thấp nên phần lớn các doanh nghiệp và người dân đều có lỗ làm cho tình hình tài chính cũng trở lên vô cùng khó khăn.
Thứ hai là hiện nay đối với một số doanh nghiệp chế biến cá tra đang có tình hình tài chính cũng khó khăn cho nên lòng tin đối với những người nuôi trồng thủy sản cũng không cao do vậy cũng rất khó trong vấn đề thanh toán và ứng trước tiền.
Thứ ba là một số các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng thực trạng tài chính quá yếu kém, phương án đưa ra cũng chưa có khả năng thuyết phục, do vậy cũng còn có khó khăn trong lĩnh vực này.
Cuối cùng cũng có một khó khăn là lãi suất theo tinh thần quyết định này là lãi suất phải từ 11% trở xuống. Hiện nay cơ cấu lãi suất này của các ngân hàng thương mại cũng không phải là có nhiều do vậy trong đợt công tác này của một Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước chúng tôi cũng sẽ phối hợp để làm sao tìm ra được cơ chế thích hợp hơn để đẩy nhanh được tốc độ giải ngân và xử lý được tinh thần của Quyết định 1149 này.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương có hỏi về nợ xấu như thế nào và có nhóm lợi ích, trong phần này tôi trình bày nặng về phần có nhóm lợi ích gì không trong vấn đề làm gia tăng nợ xấu, vì phần trình bày về nợ xấu tôi cũng đã trình bày khá nhiều trong buổi sáng nay. Báo cáo đại biểu Quốc hội trong đợt thanh tra toàn diện, chúng tôi triển khai rất tích cực từ đầu năm 2012 đến nay thì ngoài thanh tra các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém nằm trong diện phải tái cơ cấu lại, chúng tôi đã triển khai chương trình thanh tra đến với 27 tổ chức tín dụng trong toàn quốc. Đấy cũng là một số lượng các tổ chức tín dụng được thanh tra toàn diện lớn nhất từ trước đến nay và qua kết quả thanh tra thì chúng ta cũng thấy nổi lên rất nhiều vấn đề, tôi đã có dịp trình bày với đại biểu Quốc hội một phần sáng nay, riêng trong nợ xấu thì chúng ta thấy nổi lên một vấn đề, có nhiều tổ chức tín dụng chi phối bởi một nhóm cổ đông và dư nợ của nhóm cổ đông này và các khách hàng có liên quan đến nhóm cổ đông này thì chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng dư nợ của một tổ chức tín dụng, thậm chí có thể chiếm tới 90%. Việc này là vi phạm hết sức nghiêm trọng các quy định của pháp luật, đặc biệt là vi phạm các quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật của ngân hàng Nhà nước.
Hơn nữa chính dư nợ của một tổ chức tín dụng nằm trong một nhóm các khách hàng mà phần lớn các nhóm khách hàng này lại liên quan đến bất động sản. Thị trường bất động sản của chúng ta, như chúng ta vẫn hay nói còn đang đóng băng, do vậy làm cho tỷ lệ nợ xấu của nhóm khách hàng này gia tăng rất nhiều và cũng là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của bản thân tổ chức tín dụng đó và cũng là nguyên nhân dẫn đến các tổ chức tín dụng đó bị thua lỗ trong thời gian vừa qua. Đó là một thực trạng của hệ thống ngân hàng qua kết quả thanh tra, tôi xin báo cáo với đại biểu Quốc hội.
Biện pháp xử lý của ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng đánh giá sau một quá trình phát triển quá nóng, công tác thanh tra giám sát của hệ thống ngân hàng, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức tín dụng rất yếu kém, không phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy, đến nay chúng tôi kiên quyết thanh tra một cách triệt để để phát hiện đầy đủ các sai phạm đó, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của các tổ chức tín dụng, chúng tôi có các giải pháp phù hợp như tôi đã trình bày trong phiên họp sáng nay là nếu chỉ vi phạm pháp luật dân sự, chỉ vi phạm pháp luật về kinh tế, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa để các đối tượng vi phạm có thể khắc phục được tình trạng của mình. Nhà nước có thể tạo những cơ chế để khắc phục được tình trạng này, làm sao để khôi phục lại tính lành mạnh tài chính của mỗi một tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tiền của dân, tiền của nhà nước phải được đảm bảo, phải được trả về đúng đối tượng.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương có hỏi một số vấn đề về cho vay nông nghiệp và nông thôn, ở đây có một số biểu hiện mà đại biểu cho rằng là tiêu cực. Tôi xin báo cáo với đại biểu như sau, lĩnh vực cho vay nông nghiệp và nông thôn chúng tôi xin khẳng định đó là lĩnh vực cứu cánh đối với nền kinh tế của nước ta trong những năm khó khăn vừa qua, đặc biệt cũng là lĩnh vực cứu cánh cho hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua.
Tôi cũng xin báo cáo là chỉ riêng từ năm 2009 trở lại đây, tức là khi Chính phủ ban hành Nghị định 41 về phát triển, cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nông nghiệp và nông thôn trong 3 năm đã tăng lên gấp đôi. Ngay cả trong năm nay là năm là chúng ta thấy vô cùng khó khăn như tôi đã báo cáo buổi sáng, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung trong hệ thống của chúng ta mới chỉ đạt khoảng 3,3% nhưng cả hệ thống của chúng ta tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10 trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đã tăng tới 5,3%. Trong nhiều lĩnh vực, ngay cả lĩnh vực thủy sản cũng vậy cũng có mức tăng trưởng trên 10%, trong các lĩnh vực cà phê cũng có mức tăng trưởng ổn định. Đó là đóng góp của hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân đối với ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước cũng như hoạt động bình thường của các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, trong hoạt động này có nhiều sai phạm, đại biểu Quốc hội nói là cho vay 10 triệu đồng bắt giữ lại 1 triệu đồng v.v... thì tôi xin khẳng định tất cả các hoạt động đó là trái với pháp luật, chúng tôi kiên quyết đấu tranh với việc này. Chúng tôi mong cử tri và đại biểu Quốc hội trong toàn quốc nếu có địa chỉ cụ thể trong khi thanh tra của chúng tôi chưa phát hiện ra, vì các khoản vay rất lớn nên không thể phát hiện ra hết được, chúng tôi rất mong cử tri và đại biểu gửi về ngân hàng Nhà nước để chúng tôi kịp thời xử lý, chấn chỉnh, uốn nắn, thậm chí xử theo quy định của pháp luật.
Hiện nay trên địa bàn nông thôn chúng tôi có chỉ đạo chung trong hệ thống như sau; Chúng tôi đã có văn bản gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh thành trên cả nước và rất mong muốn các đoàn đại biểu Quốc hội cho phép giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng như các ngân hàng thương mại Nhà nước được tham gia vào các đợt tiếp xúc cử tri để trực tiếp nắm bắt các nội dung chất vấn của đại biểu, cử tri để kịp thời xử lý trên địa bàn, nếu có vấn đề vượt thẩm quyền thì báo lại cho ngân hàng Nhà nước Trung ương để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tôi cũng rất mong muốn các đại biểu Quốc hội trong quá trình đi tiếp xúc cử tri cho phép chúng tôi được làm việc này để góp phần làm cho ý kiến của cử tri được xử lý nhanh nhất, kịp thời nhất. Ngoài ra chúng tôi cũng lập đường dây nóng cũng như giao cho giám đốc ngân hàng Nhà nước trên địa bàn để phối hợp các ngân hàng thương mại trên địa bàn để có tất cả các vụ việc tiêu cực hay có những dự án tốt mà doanh nghiệp, người dân không tìm được địa chỉ vay vốn để cho giám đốc các ngân hàng Nhà nước trên địa bàn có trách nhiệm xử lý kịp thời, đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh kịp thời của doanh nghiệp.
Đại biểu Vũ Thị Hương Sen có hỏi hai nội dung chính, nhưng có rất nhiều ý.
Thứ nhất là các biện pháp hành chính nói chung và đặc biệt là các biện pháp hành chính của ngân hàng Nhà nước tạo ra độc quyền của doanh nghiệp. Chẳng hạn tạo độc quyền doanh nghiệp về giá vàng. Theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội thì không được để xảy ra hỗn loạn về tỷ giá vàng, làm sao đảm bảo cho giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế liên thông.
Về ý này, tôi xin phép được trả lời như sau:
Hiện nay, trong Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010 cho phép trong những giai đoạn thị trường có nhiều biến động bất ổn thì ngân hàng Nhà nước được quyền áp dụng các biện pháp hành chính. Triển khai điều này thì báo cáo Quốc hội, từ năm 2010 chúng ta đã có nhiều biện pháp hành chính. Chẳng hạn, trong lãi suất cho vay chúng ta đã có trần lãi suất huy động, v.v., Đó là các biện pháp hành chính.
Trong thị trường vàng hiện nay, nếu ta coi rằng việc độc quyền về việc dập vàng miếng là một biện pháp hành chính thì đó cũng là một biện pháp hành chính. Biện pháp hành chính bởi vì nó xuất phát từ điều kiện thực tế của nước ta, từ tình hình thực tế hiện nay.
Như vậy, qua một số năm chúng ta triển khai trần lãi suất mặc dù còn nhiều bất cập. Còn nhiều ý kiến phản ánh, nhưng chúng ta xét trên tổng thể của nền kinh tế thì nhờ có biện pháp hành chính này chúng ta mới đảm bảo được có mặt bằng lãi suất cho vay tương đối phù hợp để đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, chúng tôi cũng đang triển khai tất cả những biện pháp để làm sao chúng ta làm cho ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước chúng ta, nó được vững vàng hơn, nó được vững chắc hơn như sáng ngày chúng tôi đã nói mặc dù thanh khoản đã được cải thiện, nhưng còn hết sức mong manh. Khi thanh khoản của hệ thống chúng ta đã được cải thiện ở một mức cần thiết thì chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng bỏ các quy định hành chính này.
Còn vấn đề độc quyền về vàng thì tôi xin khẳng định đây là độc quyền nhà nước chứ không có  một độc quyền doanh nghiệp nào. Theo quy định tại Nghị định số 24 thì sau ngày 25 tháng 5 tất cả các doanh nghiệp mà được phép dập vàng trước đây phải chấm dứt việc dập vàng. Do vậy, không còn ai được quyền dập vàng khác ngoài nhà nước độc quyền dập vàng và tất cả các doanh nghiệp thì vẫn bình đẳng như nhau trong vấn đề vẫn được phép kinh doanh vàng miếng và các loại vàng trang sức mỹ nghệ khác theo quy định của pháp luật. Do vậy, tất cả các loại vàng miếng khác như tôi đã trình bày ở trên vẫn được phép lưu hành và các doanh nghiệp, người dân vẫn được phép kinh doanh.
Ý thứ hai, đại biểu Vũ Thị Hương Sen có nói tài sản thế chấp có dễ bán hay không và khi bán được có đủ để bù chi phí hay không?
Tôi xin báo cáo với đại biểu Quốc hội, theo quy định hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, việc trích lập dự phòng rủi ro nó không phụ thuộc vào việc là khoản vay đó có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo. Như tôi đã trình bày sáng ngày, nếu mà nợ rơi vào nhóm 4 thì tổ chức tín dụng đã phải trích lập đến 50% giá trị khoản vay và nếu như rơi vào nhóm 5 thì tổ chức tín dụng đã phải trích lập đến 100%, tài sản bảo đảm nếu bán được cũng chỉ giúp tổ chức tín dụng giải quyết một phần các tổn thất phải có. Do vậy, chúng tôi xin khẳng định một tài sản đảm bảo ví dụ nhận thế chấp là 100%, lúc bán đi chỉ 20% nhưng tổ chức tín dụng cũng sẵn sàng bán bởi vì họ cũng sẽ bù đắp được 20% đó trong tổng số 100% họ phải bỏ ra.
Còn ý đại biểu hỏi nợ xấu cao có sự tiếp tay của cán bộ lãnh đạo ngân hàng đó không? tôi cũng xin báo cáo với đại biểu Quốc hội như tôi đã trình bày ở phần trên có những tổ chức tín dụng bị thao túng bởi 1 nhóm các cổ đông mà nhóm cổ đông này thông thường giữ các chức danh lãnh đạo trong các tổ chức tín dụng. Cho nên chính vì vậy mặc dù có thể cán bộ cấp dưới biết là vi phạm nhưng cán bộ cấp trên vẫn quyết định do vậy dẫn tới dư nợ tín dụng của một ngân hàng rơi vào một nhóm cổ đông từ đó gây ra những hệ lụy.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, liên quan đến vấn đề về chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước tôi xin kết hợp trả lời luôn cả ý kiến của đại biểu trước có nói đến việc có liên thông hay không? Tôi xin báo cáo với đại biểu Quốc hội như sau: Theo đề án chống đô la hóa của Ngân hàng nhà nước như tôi đã nói sáng nay bao gồm có 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 là tạo dựng khuôn khổ pháp lý thì chúng ta đã hoàn thành về cơ bản giai đoạn này.
Giai đoạn 2 là chúng ta chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Giai đoạn 3 là khi chúng ta chấm dứt rồi thì chuyển toàn bộ quan hệ sang quan hệ mua bán.
Ở đây nếu chúng ta đặt vấn đề giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới thì hoàn toàn đi ngược với mục tiêu mà chúng ta đang đặt ra vì như sáng nay tôi đã trình bày với Quốc hội. Chính việc này nó làm cho chúng ta bất ổn kinh tế vĩ mô và nó làm cho quá trình vàng hóa trong nền kinh tế của chúng ta ngày càng tăng lên. Cho nên sau khi ban hành Nghị định 24 và nghị định đi vào triển khai thực hiện thì hiện tượng này đã được ngăn chặn một bước hết sức cơ bản. Do vậy, chúng ta không đặt vấn đề liên thông về giá giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới. Chúng ta nhớ lại năm 2008 khi chúng ta đặt vấn đề này ra và thị trường đặt vấn đề này ra dẫn tới việc lúc đó ngân hàng Nhà nước cho phép mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, để đảm bảo liên thông, trên cơ sở đó thì nhiều tổ chức tín dụng và nhiều doanh nghiệp lập ra các sàn vàng. Chính sự liên thông này tạo ra cho hoạt động đầu cơ về vàng, kinh doanh về vàng và ở một chừng mực nào đó, chúng ta đã nói đánh bạc về giá vàng diễn ra hết sức sôi động và cuốn hút vào đây một lượng vốn rất lớn, khi Chính phủ đã kiên quyết đóng sàn vàng và đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, lúc đó cũng có rất nhiều ý kiến phản đối, nhưng đến nay sau 3, 4 năm chúng ta triển khai việc đó, tôi cũng xin báo cáo với Quốc hội là nhiều chủ các sàn vàng trước đây đã đến gặp tôi và nói rằng ngày đó em căm anh lắm, nhưng đến bây giờ thấy rằng nếu còn tiếp tục thực tiễn đó thì đến nay có lẽ em cũng giống bầu Kiên, cũng lỗ hàng trăm tỷ. Do vậy, chúng tôi cũng xin báo cáo với đại biểu Quốc hội là liên thông về giá vàng và chúng ta không đặt ra, nhưng còn bình ổn thị trường vàng thì đó là trách nhiệm của ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 3 khi chúng ta chuyển sang quan hệ mua, bán thì ngân hàng Nhà nước sẽ đóng vai trò là người kiến tạo và người can thiệp cuối cùng vào thị trường vàng theo đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng Trung ương các nước. Lúc đó chúng tôi sẽ căn cứ vào diễn biến của giá vàng trong nước để có thể quyết định và chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ để quyết định là ngân hàng Nhà nước bán vàng ra hay mua vàng vào một cách hợp lý đảm bảo được mục tiêu của chính sách tiền tệ, đảm bảo được ít nhất là bảo tồn và nếu điều kiện cho phép để tăng thêm dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng và thông qua hoạt động này chúng tôi sẽ làm bình ổn thị trường vàng.
Trong thời gian vừa qua, vì sao ngân hàng Nhà nước lại không can thiệp ngay từ giai đoạn này, vì qua phân tích diễn biến thị trường chúng tôi thấy giá vàng trong thời gian vừa qua tăng cao, chúng ta đã phân tích là không có hiện tượng sốt vàng, người dân không đổ xô đi mua vàng mà cớ gì giá vàng trong nước tăng cao thế? Theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước các tổ chức tín dụng phải đóng hoạt động huy động cho vay bằng vàng nên chính các tổ chức tín dụng phải mua vàng vào để trả dân cho nên đã đẩy giá vàng cao lên, đối tượng thiệt hại lớn nhất ở đây chính là các tổ chức tín dụng. Nói đi cũng phải nói lại vì trong cuộc sống làm ăn có lãi có lỗ là chuyện bình thường. Trước đây tổ chức tín dụng bán tiền vàng của dân lấy tiền kinh doanh, trước đây lãi suất của chúng ta rất cao thì tổ chức tín dụng đã có lãi rồi, nay có phải trả lại tiền đó cho dân cũng là chuyện bình thường và hợp với đạo lý. Do vậy, ngân hàng nhà nước không can thiệp. Trong thời gian vừa qua chúng tôi cũng chịu rất nhiều áp lực từ các phía, đứng đội danh dưới nhiều góc độ khác nhau và thậm chí mang tiếng cả người dân nói rằng ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân để ép Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng để giảm mức chênh lệch này nhưng thực tế là ép Ngân hàng Nhà nước phải dùng ngoại tệ của quốc gia để làm giảm lỗ cho một số tổ chức tín dụng và một số tổ chức kinh doanh vàng, chúng tôi kiên quyết không cho làm việc này.
Về dư nợ bất động sản. Tôi có trình bày về dư nợ bất động sản. Đúng là thị trường bất động sản có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế nói chung và hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng. Đúng là trong thời gian trước đây nguồn vốn rất lớn của chúng ta thông qua hệ thống tín dụng đã đổ vào bất động sản. Chính vì trong lĩnh vực này tất nhiên có trách nhiệm của rất nhiều phía, ngay cả việc chúng ta để thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng hay bong bóng thì cũng có trách nhiệm từ các tổ chức tín dụng, trách nhiệm chính sách tín dụng của ngân hàng nhà nước, có trách nhiệm trong việc quy hoạch thị trường bất động sản v.v... Do vậy, hiện nay chúng ta đã bàn từ sáng tới giờ việc làm sao có được thị trường bất động sản ổn định, với mặt bằng giá hợp lý, nhưng quan trọng là thị trường đó có lưu thông là vấn đề hết sức quan trọng. Đó là những vấn đề chúng ta đưa ra nhiều giải pháp và bàn luận từ sáng đến giờ.
Đại biểu cũng có hỏi về nợ lẫn nhau giữa các ngân hàng. Báo cáo đại biểu là có nợ lẫn nhau giữa các ngân hàng. Thị trường liên ngân hàng chúng ta nếu về mặt quy mô không lớn, trên thị trường liên ngân hàng dao động khoảng 400-800 nghìn tỷ đồng, về mặt tích cực đây là một thị trường rất tốt, nhưng về mặt tiêu cực của nó là trong suốt giai đoạn phát triển vừa qua, cả mười mấy năm, về phía ngân hàng Nhà nước có những quy định, chúng ta có rất nhiều quy định về cho vay giữa ngân hàng và khách hàng, nhưng chúng ta gần như bỏ trống các quy định trong việc các ngân hàng vay mượn lẫn nhau. Do vậy, các ngân hàng luôn luôn đứng trên quan điểm là ngân hàng thì không được đổ vỡ, do vậy ngân hàng A biết ngân hàng B rất yếu kém nhưng ngân hàng B vì yếu kém, vì thiếu tiền, thiếu thanh khoản nên sẵn sàng vay với lãi suất cao nhưng ngân hàng A bất chấp rủi ro vẫn cho ngân hàng B vay. Điều đó dẫn tới có nhiều tổ chức tín dụng dựa vào nguồn vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để đầu tư lại trên thị trường cho vay với khách hàng, trong khi đó bản chất của thị trường liên ngân hàng chỉ là điều tiết vốn ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh khoản tạm thời giữa các tổ chức tín dụng với nhau thôi. Thực tế này là có và là vấn đề nhức nhối đối với chúng tôi đang phải xử lý.
Đại biểu Mạnh Hùng hỏi về công ty mua bán nợ thì mô hình tổ chức như thế nào, mua bán như thế nào, nguồn tiền ở đâu, có được phát hành trái phiếu hay không, trái phiếu đó có được mang đi để thế chấp vay ngân hàng Nhà nước hay không. Tất cả các vấn đề này đều nằm trong dự thảo đề án của chúng tôi. Khi nào Chính phủ thông qua về nguyên tắc thì chúng tôi mới có thể thông báo chính thức đến đại biểu Quốc hội được. Nhưng nói chung, tất cả các nội dung này đều được đề cập, đều được đưa ra các phương án xử lý trong đề án.
Ý kiến cuối cùng của đại biểu Mạnh Hùng có nói vấn đề là có tiêu cực gì không trong tái cơ cấu và tái cơ cấu ngân hàng có gì không minh bạch.
Xin báo cáo với đại biểu Quốc hội là trong đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là bám sát tinh thần của Quyết định 254 tức là Đề án tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Nếu đại biểu Quốc hội nào có điều kiện thì chúng ta nghiên cứu thêm.
Tôi xin báo cáo là từ hôm chúng ta tiến hành tái cấu trúc đến nay, chúng tôi chưa bắt một tổ chức tín dụng nào phải tái cấu trúc. Chúng tôi mới triển khai bước một là vạch rõ thực trạng của tổ chức tín dụng đó. Có những yếu kém như thế đấy, có những không lành mạnh như thế đấy, có những nguy cơ như thế đấy và chúng tôi dành cho tổ chức tín dụng phương án đầu tiên là tự khắc phục. Nếu tổ chức tín dụng có thể xoay xở bằng cách bán các tài sản của mình, bằng cách tìm được các cổ đông, đối tác mới đủ sức với số tiền hợp lý, nguồn gốc minh bạch thì chúng tôi cho tổ chức tín dụng được tái cấu trúc. Do vậy, chưa bắt ép một tổ chức tín dụng nào phải thực hiện tái cấu trúc. Do vậy, không thể nói có lợi ích nhóm hay không có lợi ích nhóm ở đây.
Đại biểu có nói về các tiêu chí. Xin báo cáo đại biểu Quốc hội là riêng về lĩnh vực quản lý ngân hàng thì các quy định của Nhà nước ta là vô cùng chặt chẽ, nó được thể hiện trong Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Tổ chức tín dụng. Mọi tiêu chí đã được quy định trong 2 văn bản pháp luật này và các nghị định, thông tư hướng dẫn hai văn bản quy phạm pháp luật này.
Trong mỗi lần chúng tôi xuống thanh tra thì kết luận thanh tra bao giờ cũng được thông qua hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng đó. Các tổ chức tín dụng phải thấy chấp nhận những sai phạm đó và ký vào biên bản. Theo đúng Luật Thanh tra trong vòng 90 ngày tổ chức tín dụng có quyền khiếu nại để được xử lý nhưng đến nay không có những hiện tượng đó xảy ra.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Xin cám ơn Thống đốc, thời gian dành cho Thống đốc còn 30 phút, cho phép tôi được điều hành là có một số tỉnh đã có đại biểu phát biểu rồi, nhường tỉnh khác. Thứ hai là để không khí trao đổi sôi nổi hơn ưu tiên một vài chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi. Số đại biểu còn lại còn nhiều câu hỏi xin gửi tới Thống đốc sẽ lần lượt trả lời.

Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh
Trước hết tôi xin cám ơn Chủ tịch Quốc hội dành ưu tiên để trao đổi lại một số vấn đề với Thống đốc.
Kính thưa Quốc hội
Kính thưa Thống đốc,
Từ sáng tới giờ tôi ngồi nghe Thống đốc trình bày, trước hết tôi xin nói một tâm trạng dường như thống đốc trình bày theo logic của thống đốc chứ không trình bày theo logic của cuộc sống. Dường như tôi hy vọng sau kỳ họp này tôi là người rất lạc quan nghĩ rằng chúng ta làm sao lấy lại niềm tin thị trường, với tiềm năng của đất nước năm tới chúng ta sẽ vực lên được. Nhưng qua trình bày Thống đốc niềm tin, lạc quan của tôi nó giảm đi. Tôi đi thẳng vào vấn đề đề nghị Thống đốc làm rõ khi đánh giá nợ xấu nhiều lúc Thống đốc trà lời cho tôi cũng như các đại biểu khác thì dường như vấn đề không nghiêm trọng như vậy. Vậy, tại sao chúng ta lại đặt vấn đề nghiêm trọng, đặt cả vấn đề lập công ty mua bán nợ, Thống đốc bảo chúng ta không giải quyết được mà cần cả hệ thống chính trị. Thống đốc nói rõ vấn đề có nghiêm trọng không? Có ảnh hưởng đến hệ thống không? Nó ảnh hưởng đến vấn đề hấp thụ vốn nền kinh tế không nếu ta chậm? Thống đốc nói rõ ràng quan điểm ra. Đó là vấn đề thứ nhất.
Thứ hai, qua phần trình bày Thống đốc mới rõ một điều là tất cả biện pháp siết tín dụng làm doanh nghiệp điêu đứng và nền kinh tế thiếu máu. Thống đốc nói rõ huy động 400.000 tỷ, riêng mua trái phiếu 180.000 tỷ, còn lại một phần Ngân hàng Nhà nước điều tiết về để giảm lạm phát. Như vậy, chúng ta muốn giảm lãi suất trong khi đó chúng ta giảm cầu thì làm sao giảm lãi suất được, lãi suất là quan hệ cung cầu, phải chăng Ngân hàng Nhà nước nói muốn giảm lãi suất nhưng thực tế điều hành lại không muốn. Bây giờ Thống đốc trình bày tôi mới thấy rõ tại sao doanh nghiệp điêu đứng. Chúng ta chống lạm phát là đúng nhưng với tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trước đây, với đặc điểm doanh nghiệp Việt Nam là kinh doanh dự trữ nợ nên biện pháp của Chính phủ là đúng, giảm bước đi linh hoạt nhưng ta hình dung nếu cơ thể con người 1 ngày cần 1 lít nước nhưng thấy nó thừa, chúng ta chỉ còn 100cc thôi thì không co giật sao được. Trong vấn đề này, tôi cho rằng vấn đề nền kinh tế khó khăn thế này có trách nhiệm về chính sách điều hành chính sách tín dụng vừa qua, lãi suất. Tôi muốn đối thoại một chút để làm rõ.
Vấn đề thứ ba, liên quan đến vàng, tôi đồng tình chống vàng hóa, nhưng cách thực hiện xin thưa rằng sáng nay Thống đốc trình bày dường như muốn tiêu diệt thị trường vàng, chứ không phải bình ổn thị trường vàng. Tôi xin đọc Nghị định 24 của Thủ tướng Chính phủ ký, ngân hàng Nhà nước quản lý vàng thế nào, ngân hàng Nhà nước tại Điều 16, Khoản 3 Nhà nước thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp sau đây, trách nhiệm bình ổn, trong đó có vấn đề xuất nhập khẩu nguyên liệu và đặc biệt là Khoản c: thực hiện mua, bán vàng miếng cho thị trường trong nước, tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc vừa rồi đi tới giai đoạn 3 là không huy động nữa. Đấy là vấn đề vàng và sáng nay Thống đốc có nêu là chúng ta bỏ thị trường vàng không quản lý, tới khi Thống đốc lên đề xuất mới quản lý. Xin thưa vấn đề này xem lại, chúng ta có thể còn nhiều bất cập, nhưng bảo rằng đất nước này không quản lý thị trường vàng cho tới khi có Thống đốc lên làm nghị định mới quản lý. Như vậy, bất công Chính phủ quá. Tôi đề nghị làm rõ vấn đề này, đó là 3 việc, tôi xin nêu. Xin cám ơn

Đỗ Ngọc Niễn - Bình Thuận
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa Thống đốc,
Tôi xin được chuyển đến Thống đốc 3 câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất liên quan đến vấn đề nợ xấu. Tôi nhận thấy từ sáng đến giờ, Thống đốc đã trả lời rất rõ ràng, phân tích rất cụ thể tình hình và đề ra rất nhiều biện pháp xử lý nợ xấu. Vậy mà khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2012, thống đốc có nói với tư cách là Thống đốc ngân hàng Nhà nước, tôi không hứa gì về việc xử lý nợ xấu. Xin hỏi Thống đốc không hứa là vì e ngại điều gì chăng hay những vấn đề ta đang xử lý đều không chắc chắn hoặc những giải pháp đặt ra tính khả thi không cao, độ tin cậy không lớn, đề nghị Thống đốc cho biết ý kiến của mình về vấn đề này.
Câu hỏi thứ hai, có hay không có tình trạng nợ xấu của ngân hàng do có sự tiêu cực của cán bộ ngân hàng trong đánh giá giá trị thực tế của tài sản thế chấp khi làm thủ tục cho vay vốn, nếu có thì xử lý trách nhiệm về vấn đề này như thế nào.
Câu hỏi thứ ba, dư luận đang đồn rằng trong hệ thống ngân hàng có lợi ích nhóm, Thống đốc cũng vừa cho biết có lợi ích nhóm trong nhóm khách hàng trên lĩnh vực bất động sản với ngân hàng, vậy thì với các lĩnh vực khác thì sao. Xin Thống đốc cho một lời khẳng định có hay không có lợi ích nhóm trong hệ Thống ngân hàng, đến nay Thống đốc đã xử lý bao nhiêu trường hợp vi phạm về vấn đề này. Xin cảm ơn thống đốc.

Lê Thị Nguyệt - Vĩnh Phúc
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa Thống đốc, tôi xin có 2 câu hỏi dành cho Thống đốc.
Thứ nhất, như chúng tôi biết đồng tiền lưu thông vào ngân hàng có hệ số tiền tệ so với tiền cơ bản, tôi muốn nói tới tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà ngân hàng nhà nước có chức năng kiểm soát, điều đó đảm bảo sự điều tiết của chính sách kinh tế vĩ mô. Vậy, theo Thống đốc vừa qua ngân hàng nhà nước đã làm gì để thực hiện hướng này, vừa đóng góp phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội khác.
Thứ hai, cử tri phản ảnh tình trạng tín dụng đen hiện nay vẫn tràn lan ngoài thị trường, tác động lũng đoạn đến lĩnh vực tiền tệ, lượng tiền và vàng ở ngoài nhiều, vay thì thuận tiện hơn hay nói cách khác thanh khoản dễ hơn là ngân hàng. Vậy, trách nhiệm của Thống đốc trong việc quản lý nhà nước về vấn đề này như thế nào? tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội, cảm ơn Thống đốc.

Trần Khắc Tâm - Sóc Trăng
Kính thưa Quốc hội.
Kính thưa Thống đốc.
Tình hình nuôi tôm ở Sóc Trăng nói riêng và cả đồng bằng Sông Cửu Long nói chung đang tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Vụ tôm 2011 - 2012 tại tỉnh Sóc Trăng với thiệt hại trên 4000 tỷ đồng, thiệt hại nặng nề do tôm bị bệnh lạ và hơn 80% người nuôi tôm đang bị lao đao, số ao bị treo rất nhiều. Sóc Trăng cũng đã xuất ngân sách để hỗ trợ nông dân nuôi tôm bị thiệt hại nhưng nông dân nuôi tôm vẫn còn rất khổ, cầu mong phao cứu sinh từ Chính phủ. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ra tay nhưng việc chỉ đạo thực hiện còn chưa thống nhất.
Tôi xin cụ thể tại Công văn số 5294 ngày 20/8/2012 của Ngân hàng Nhà nước ghi: thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1149 ngày 8/8/2012 về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản, tuy nhiên tại công văn này Ngân hàng Nhà nước bóp lại chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại cho vay đối với khách hàng vay là các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất, chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu. Như vậy, con tôm sú không nằm trong diện này, đây là một bất lợi và thiệt thòi nặng nề cho người nuôi tôm. Bởi người nuôi cá tra bị thua lỗ ít nhiều có bán được cá, trong khi đó hàng chục ngàn người nuôi tôm đang bị thiệt hại bởi bệnh lạ tôm sú chết hàng loạt.
Vậy, xin đặt câu hỏi với Thống đốc việc chỉ đạo như vậy có nhất quán không và vì sao chỉ có đối tượng cá tra được cho vay ưu đãi? tới đây Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ con tôm như đối với cá tra theo Công văn 1149 ban hành tháng 8-2012 của Thủ tướng Chính phủ là giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất 11%/năm hay không. Xin Thống đốc cho biết và trả lời cụ thể vấn đề này vì cử tri là nông dân nuôi tôm đang quan tâm theo dõi trực tiếp tuyền hình trả lời của Thống đốc và đang mong chờ kết quả, sẵn sàng cho điểm 9 và nghiêng mình cảm ơn Thống đốc nếu Thống đốc chỉ đạo có hiệu quả cho các ngân hàng thương mại thực  hiện nhất quán theo tinh thần Công văn 1149 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng cho đối tượng là người nông dân nuôi tôm sú, thủy sản.
Một vấn đề nữa là gần đây trên diễn dàn trong nghị trường và thông tin trong cử tri, hay nói chính xác hơn, ngân hàng đang kêu ca tình trạng nợ xấu trong ngân hàng, nhiều giải pháp đưa ra xử lý nợ xấu này.
Xin đặt câu hỏi với Thống đốc: Nợ xấu cụ thể của từng ngân hàng thương mại lớn là bao nhiêu và nợ xấu thuộc lĩnh vực nào, tỷ lệ nợ xấu trong nhóm đối tượng là nông dân nuôi tôm vay và nông dân sản xuất nông nghiệp vay hiện nay so với đối tượng vay khác là ra sao và bao nhiêu. Nếu Thống đốc không làm sáng tỏ câu hỏi này thì rất nhập nhằng vì tỷ lệ nợ xấu trong thủy sản, nông nghiệp không cao so với lĩnh vực khác. Tôi đề nghị Thống đốc chỉ đạo phân loại nợ xấu. Vì chỉ như vậy, chúng ta mới biết lĩnh vực nào cần xử lý khắc phục, lĩnh vực nào cần tiếp tục đầu tư. Không vì lý do nợ xấu của một lĩnh vực mà phải bắt nhiều lĩnh vực nuôi tôm, thủy sản và nông nghiệp khác phải gánh chịu.
Xin trân trọng cám ơn Thống đốc.

Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Xin phép Quốc hội, tôi lần lượt trả lời các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội.
Thứ nhất, câu hỏi của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch. Đại biểu có nói trong quá trình trình bày của tôi thì không thấy vấn đề nợ xấu là vấn đề nghiêm trọng và vấn đề có vẻ là hồng hào quá, mà trên thực tế thì vấn đề này đang là vấn đề hết sức bức xúc, nó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội không những trong giai đoạn hiện nay mà còn trong giai đoạn sắp tới. Từ đó, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng các biện pháp về siết tín dụng trong thời gian qua là không đúng, từ đó dẫn tới doanh nghiệp điêu đứng v.v... Có ý kiến là tại sao Ngân hàng Nhà nước lại hút tiền về trong khi nền kinh tế của chúng ta đang thiếu tiền, phải chăng là gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp. Tôi xin trân trọng trả lời đại biểu Trần Du Lịch như sau:
Tôi với anh Lịch cùng sinh hoạt trong Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. Đúng bằng giờ này năm trước khi chúng ta họp Hội đồng chính sách tự tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nếu anh Lịch còn nhớ, tôi là người đầu tiên đặt vấn đề về nợ xấu, tôi cũng là người đầu tiên đặt vấn đề là nợ xấu này ảnh hưởng thế nào cho năm 2012 và những năm tiếp theo. Tôi cũng là người đầu tiên nói rằng tảng băng nợ xấu làm đông cứng nền kinh tế của chúng ta như thế nào, cách gì để chúng ta làm cho tảng băng này chảy và nếu nó chảy có dẫn đến ngập lụt hay không. Do vậy, vấn đề nợ xấu là vấn đề chúng ta đã thấy từ trước và sự nguy hại của nó trong thời gian tiếp theo sẽ rất lớn.
Nợ xấu trong thời điểm hiện tại có thể là con số, về những thực tại hiện tại chưa phải là ghê gớm nhưng diễn biến nợ xấu mới là vấn đề nguy hiểm, vì nợ xấu có thể tăng lên hàng ngày, hàng giờ, tiếp tục tăng nữa nếu chúng ta không dừng nó lại. Ví dụ hiện nay chúng ta nói từ 8,6 - 8,82 theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nhưng tôi cũng đã báo cáo với đại biểu Quốc hội là tốc độ tăng nợ xấu của nước ta rất cao qua các năm, nếu chúng ta không tái cơ cấu lại theo Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước với kết quả từ tháng 4 trở lại đây là 252 nghìn tỷ. 252 nghìn tỷ này bây giờ nếu không có biện pháp cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp đã trở thành nợ xấu.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Tôi thấy nhận định về nợ xấu giữa đồng chí Thống đốc và đồng chí Trần Du Lịch không khác nhau gì, hai người đều cho là nghiêm trọng. Đồng chí nói gọn lại. Tôi nói để đồng chí trả lời cho đúng, nó khác nhau là đồng chí Trần Du Lịch chưa tin tưởng các giải pháp mà đồng chí đưa ra, có khác nhau chỗ đó thôi. Bây giờ biện pháp gì để anh Lịch tin tưởng và chúng ta thấy có kết quả, nói thêm chỗ đó thôi.

Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Báo cáo Quốc hội là các giải pháp như tôi đã báo cáo, có giải pháp ngành ngân hàng chúng tôi chủ động làm được và nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi, cái đó tôi có thể khẳng định. Có giải pháp chúng tôi phải chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, kể cả chính quyền địa phương, với những giải pháp này chúng tôi chỉ là một bên phối hợp, do vậy biện pháp nào chắc, nằm trong ý chí, quyết tâm, biện pháp của mình tôi có thể khẳng định. Ví dụ chúng tôi đang làm là việc tích cực tái cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, ví dụ yêu cầu các tổ chức tín dụng phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro nhiều hơn nữa, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải sử dụng dự phòng rủi ro để trích lập trong năm nay, không được chia lợi nhuận nếu như chưa trích lập rủi ro đầy đủ, thậm chí phải xuất cả vốn tự có, tức là bao gồm vốn điều lệ và các nguồn vốn dự phòng khác của mình để xử lý nợ xấu. Đó là những lĩnh vực chúng tôi chủ động được, chúng tôi làm được, còn những lĩnh vực khác chúng tôi tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành. Do vậy chúng ta thấy nếu có quyết tâm chung của tất cả các bộ, ban, ngành chúng ta mới xử lý được nợ xấu.
Còn việc ngân hàng Nhà nước có hút tiền về? Báo cáo đại biểu Trần Du Lịch, như chúng tôi đã nói, tổ chức tín dụng hiện nay dư tiền, mặc dù dư không nhiều mà lại được đầu tư ra được, số tiền dư vẫn phải trả lãi tiền gửi của dân. Do vậy, nếu không có biện pháp xử lý tiền dư này thì các tổ chức tín dụng sẽ có rất nhiều áp lực về sử dụng tiền, rất nhiều hoạt động đầu tư khác. Ví dụ trong thực tiễn hoạt động ngân hàng thông thường, các tổ chức tín dụng sẽ quay sang kinh doanh ngoại tệ, từ đó làm cho thị trường ngoại tệ lại bất ổn.
Vậy, như tôi cũng đã báo cáo cái chính đúng đắn trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước là làm sao lượng tiền dư thừa trên thị trường liên ngân hàng khi người ta đã gửi vào Ngân hàng nhà nước ở mức độ hợp lý nhất, vừa đủ phục vụ cho mục tiêu giữ lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ổn định. Như chúng ta đã thấy từ đầu năm 2012 lãi suất trên thị trường ngân hàng rất ổn định và phù hợp với diễn biến của lạm phát và định hướng kỳ vọng của lạm phát. Ví dụ chúng ta định hướng lạm phát là 8%, trên thị trường liên ngân hàng của chúng tôi lúc nào cũng duy trì lãi suất liên ngân hàng kỳ hạng 1 tháng ở mức khoảng 7% và các kỳ hạn khác còn thấp hơn. Đây là kỹ năng, nghệ thuật điều hành của Ngân hàng Trung ương. Do vậy, việc hút tiền về của Ngân hàng nhà nước cũng là cực chẳng đã. Bởi vì chúng tôi phải phát hành tín phiếu Ngân hàng nhà nước có nghĩa là ta phải mất tiền để mua lại khoản tiền đó.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng có nói đến vấn đề về vàng, tôi xin báo cáo với đại biểu Quốc hội là trong Nghị định 24 chúng tôi cũng để ngỏ rất nhiều nội dung. Trong đó có cả nội dung là Ngân hàng nhà nước trực tiếp mua bán vàng, trong đó cũng có cả nội dung Ngân hàng nhà nước huy động vàng. Nhưng xét tình hình hiện nay kinh tế vĩ mô của đất nước chúng ta thì giải pháp huy động vàng trong giai đoạn hiện nay không phát huy được hiệu quả vì giá vàng thế giới đang biến động rất mạnh do những bất ổn của kinh tế thế giới. Nếu có bất kỳ một hoạt động nào về mặt huy động dưới góc độ tiền gửi bằng vàng chỉ làm tăng thêm tính vàng hóa của nền kinh tế mà thôi. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay chúng ta áp dụng phương thức quan hệ mua bán. Như tôi đã nói lúc ban đầu là Ngân hàng nhà nước sẽ đóng vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường này để vừa là người kiến tạo nhưng cũng vừa là người cầm nhịp đảm bảo sự ổn định của thị trường vàng này.
Đại biểu có nói trước đây không có quản lý gì đến bây giờ lại có quản lý gì, tôi cũng xin báo cáo với đại biểu Quốc hội, ở đây có Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, Nghị định 24 của chúng tôi đã được thảo luận từ năm 2009, ngay sau khi chúng ta đóng sàn vàng, vì khi chúng ta thảo luận về sàn vàng thì lúc đó, chúng ta thấy rằng các quy định của pháp luật của chúng ta quá bất cập. Ở đây có đầy đủ các bộ tham gia vào, ví dụ Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ về chất lượng vàng, chính quyền địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vấn đề cấp phép doanh nghiệp v.v... Tất cả thực trạng này đã được tập thể Chính phủ đánh giá bằng văn bản, chứ không phải đánh giá của thống đốc ngân hàng Nhà nước, vì Nghị định 174 trước đây là Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, sau đó từ năm 2009, chúng tôi đã bắt tay vào việc xây dựng Nghị định 24 và cũng trải qua rất nhiều gian nan, rất nhiều đấu tranh, rất nhiều ý kiến, rất nhiều thắc mắc, mãi đến cuối 2011, chúng ta mới ban hành được văn bản này. Tôi không gắn gì với thời gian của tôi mà tôi gắn với thời gian ban hành văn bản nghị định và nó đạt được các kết quả, mong đại biểu hiểu cho đúng.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Đề nghị đồng chí lưu ý câu của đại biểu Trần Du Lịch: Siết tín dụng như thế có làm điêu đứng doanh nghiệp không? Giải quyết như thế nào cho hợp lý?

Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Quả thật chúng ta cũng phải thấy mọi chính sách, đặc biệt là chính sách vĩ mô thì không thể nào đáp ứng được mọi yêu cầu, ví dụ tôi đã có dịp trình bày với Quốc hội nhân vật người ta tìm ra được bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nôben mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nôben cũng được, nếu em làm được 1 trong 2. Đó là điều khó của chính sách. Do vậy, cuối năm 2010 chuyển sang năm 2011 Chính phủ lập tức có Nghị quyết số 11 và Bộ chính trị cũng đã có Kết luận số 02 về việc triển khai các biện pháp để nhằm nhanh chóng kiềm chế được lạm phát.
Chúng ta cũng thấy rất rõ khi áp dụng các biện pháp này thì nhất định là doanh nghiệp sẽ khó khăn, chúng ta biết được chuyện đó. Nếu mà nói chúng ta cũng phải thấy rằng đây là cái giá mà chúng ta phải trả để lập lại ổn định kinh tế vĩ mô. Còn nếu đại biểu có quan tâm đến thời tôi làm thì xin báo cáo với đại biểu Quốc hội từ tháng 9 năm 2011 tất cả các chính sách của chúng ta đã dần nới lỏng. Từ hôm đó đến nay lãi suất chỉ có giảm, các đối tượng mà không được ưu tiên vay vốn đều được tháo gỡ và trong một thời gian rất ngắn chỉ từ quý IV mà cho đến đầu năm 2012 hầu như chúng ta không còn các đối tượng trước đây chúng ta gọi là không khuyến khích đầu tư hay hạn chế đầu tư. Như tôi đã báo cáo chỉ còn lại hai đối tượng rất nhỏ là khu công nghiệp. Vì trên thực tế khu công nghiệp của chúng ta như tôi đã báo cáo đại biểu Quốc hội là đã rất nhiều. Hai là đầu tư vào chứng khoán mà thôi. Còn tất cả các lĩnh vực khác đều được thả ra hết không có diện nghiêm cấm gì cả.
Tôi xin trả lời ý kiến của đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, đại biểu có nói trong thảo luận chúng tôi có nói chúng tôi không có hứa gì về tỷ lệ nợ xấu giảm xuống, có thể tính khả thi của các biện pháp không cao thì như tôi vừa mới trình bày với trách nhiệm là Thống đốc tôi có thể chủ động được trong lĩnh vực mà mình phụ trách và mình cũng chủ động được trong vấn đề mình phối hợp với các bộ, ban ngành. Những kết quả mà liên quan đến ngành mình, biện pháp cho mình mình có thể khẳng định được. Còn những biện pháp chung mà phải phối hợp thì phải phụ thuộc vào ý chí chung của tập thể chúng ta. Do vậy, với tinh thần trách nhiệm cao nhất tôi đã trả lời như thế. Ở đây tôi có hàm ý một mình ngân hàng không thể làm được việc này, chúng ta có cần đến sự thống nhất chung của toàn hệ thống chúng ta để giải quyết vấn đề nợ xấu.
Đại biểu có hỏi là có tiêu cực của cán bộ ngân hàng trong việc đánh giá tài sản. Tôi khẳng định luôn: Có. Trong đợt thanh tra vừa rồi, cũng như trong những đợt thanh tra trước đây, nhất là trong đợt thanh tra toàn diện vừa rồi, có một số tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng như tôi đã nói, có một nhóm cổ đông thao túng thì bằng các công ty sân sau, họ có bất động sản, họ đánh giá rất cao và chính họ cũng phê duyệt cho ngân hàng đó cho vay khoản đó. Do vậy là có việc đánh giá tài sản cao hơn so với giá trị thật. Biện pháp như tôi đã trình bày. Xác định rõ sai phạm, nhưng đây là biện pháp kinh tế, chúng tôi đề nghị các bên sai phạm khắc phục tình trạng đó trước khi chuyển sang cho cơ quan pháp luật nếu như có để xảy ra thất thoát.
Có lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng hay không, xử lý thế nào thì tôi đã báo cáo Quốc hội từ buổi sáng hôm nay. Chúng ta khẳng định là có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực nhất định. Có lợi ích nhóm như tôi vừa trình bày. Cả một ngân hàng mà phụ thuộc vào một vài ông và mấy ông này quyết định hết mọi hoạt động của ngân hàng. Sai phạm, vi phạm pháp luật để phục vụ cho lợi ích của mình và nhóm khách hành của mình là lợi ích nhóm và biện pháp xử lý như tôi đã trình bày là nếu ở mức độ nghiêm trọng thì phải tái cấu trúc lại ngân hàng, có những biểu hiện hình sự thì phải chuyển sang cho hình sự. Còn nói chung chúng tôi đề nghị các bên sai phạm phải có được biện pháp khôi phục lại sự lành mạnh về tài chính, đảm bảo tiền của dân và của Nhà nước.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt hỏi về tỷ lệ dự trữ bắt buộc và sử dụng công cụ này như thế nào trong thời gian vừa qua.
Tôi xin báo cáo: dự trữ bắt buộc là một công cụ rất quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước. Nhưng tôi cũng xin báo cáo với đại biểu Quốc hội là trong rất nhiều năm vừa qua, công cụ này đã mất tác dụng. Bởi lẽ, trước đây chúng ta tăng trưởng tín dụng nóng quá. Dự trữ bắt buộc ở tỷ lệ thấp quá, đến bây giờ chúng ta lạm phát cao trong những năm vừa qua, đáng ra lạm phát cao thì phải hút bớt tiền về, muốn hút bớt tiền về phải tăng dự trữ bắt buộc, công cụ dự trữ bắt buộc phát huy tác dụng ở đó. Nhưng vì chúng ta vừa lạm phát cao, vừa thiếu thanh khoản trong năm vừa rồi, vì vậy nếu chúng tôi tăng dự trữ bắt buộc có thể góp phần kiềm chế lạm phát nhanh hơn nữa, nhưng cũng gây khó khăn rất lớn cho nền kinh tế. Cho nên ở góc độ này hiện nay nếu nói nặng thì công cụ này đang bị tê liệt, nếu nói nhẹ thì chúng ta cần có biện pháp để khôi phục lại thanh khoản của hệ thống, sử dụng linh hoạt hơn công cụ này để nó có thể phát huy trong thời gian tới.
Đại biểu có hỏi về tín dụng đen quá thuận lợi, thậm chí còn thuận lợi hơn thị trường liên ngân hàng. Như tôi đã trình bày, các tổ chức tín dụng hiện nay họ rất quan tâm đến chất lượng tín dụng nên các dự án, phương án vay vốn họ cũng xem xét hết sức thận trọng. Do vậy, có nhiều bên vay không đáp ứng được yêu cầu nên không vay được, trên cơ sở đó thị trường tín dụng đen phát triển. Về phía ngân hàng chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quản lý thị trường, công an để phát hiện, xử lý các trường hợp này. Trong thời gian vừa qua chúng tôi đã phối hợp cùng công an phát hiện một vụ khá lớn về lĩnh vực này, chắc là các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xử lý trong thời gian sắp tới.
Đại biểu Trần Khắc Tâm có đề nghị vấn đề trong công văn của ngân hàng Nhà nước nên đưa thêm đối tượng nuôi tôm. Dưới góc độ như đại biểu nói chúng tôi cũng hết sức xúc động và hết sức chia sẻ với đồng bào nuôi tôm, nhưng chúng tôi cũng chỉ thực hiện Quyết định 1140 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đối tượng chỉ là cá tra và chăn nuôi gia cầm và lợn, chứ danh mục không có con tôm. Cho nên, chúng tôi cũng phải thực hiện một cách nghiêm túc như trên ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ nhanh chóng có đánh giá để cùng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bổ sung con tôm vào trong danh mục này. Tôi cũng chỉ cần điểm 8, không cần điểm 9, điểm 10.
Đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm có nói đến nợ xấu và đại biểu cho rằng trong nhiều lĩnh vực khác có nợ xấu cao, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là thủy sản thì nợ xấu không cao mà nợ xấu ở các vùng khác thì như vậy sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của thủy sản. Tôi cũng xin phép báo cáo với các đại biểu Quốc hội. Như tôi đã trình bày sáng nay, nông nghiệp và nông thôn là một mặt trận cứu cánh cho chúng ta trong những năm vừa qua và kể cả trong năm nay và đến nay dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn có chất lượng rất tốt, tỷ lệ nợ xấu của chúng ta trong toàn hệ thống là 4,49, nhưng tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn thì thấp hơn rất nhiều và con số báo cáo là chính xác. Bởi vì ở đây không có những điều kiện để cho các bên báo cáo, để cho các tổ chức tín dụng có thể báo cáo sai. Do vậy, chất lượng trong cho vay nông nghiệp và nông thôn rất tốt.
Chính vì vậy, trong 2 năm vừa qua chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phát triển hoạt động của mình về lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn như tôi đã trình bày ở trên. Do vậy, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đã tăng lên gấp đôi và hiện nay mặc dù trong điều kiện chúng ta đang tái cấu trúc lại hệ thống các ngân hàng thương mại, nhưng chúng tôi cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại lành mạnh tiếp tục cho phép mở chi nhánh ở các địa bàn, vùng sâu, vùng xa, ở các vùng nông thôn để làm sao dẫn vốn về cho các vùng này. Chúng tôi cũng có chủ trương đề nghị Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn phải tăng được tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn lên đến 80%. Trong năm vừa qua đến nay Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đưa tỷ trọng này lên đến 75%. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp, các ngân hàng thương mại khác để tập trung nguồn vốn một cách thỏa đáng cho việc phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trên đây tôi xin trả lời các ý kiến của đại biểu Quốc hội.


Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Xin cám ơn Thống đốc. Đại biểu Trần Du Lịch đang muốn hỏi lại, xin với đại biểu là trao đổi với Thống đốc sau. Đại biểu hỏi 1 câu thôi.

Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh
Tôi nói về vấn đề dư nợ tín dụng kế hoạch đầu năm thông qua 15%, 17% của lãi suất ngân hàng, tới giữa năm ta rút xuống 10 %, 12%, tôi dự kiến kỳ họp trước như vậy mỗi tháng bơm 50.000 tỷ. Bây giờ trượt vài % Thống đốc vẫn nói là hợp lý tôi không hiểu được chúng ta điều hành thế nào.
Vấn đề thứ hai là vàng, dường như Thống đốc hứa rằng thị trường biến động chênh lệch 400.000 giữa trong nước, ngoài nước thì Ngân hàng nhà nước điều tiết. Bây giờ không làm được thì lại bảo rằng không cần liên thông thị trường nước ngoài thì thống đốc nghĩ thế nào, dư luận người ta nghĩ như vậy, Thống đốc phải nhớ rằng 400.000 thì điều tiết không? tôi xin hỏi lại.

Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Thực ra trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không bao giờ có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đó là chỉ tiêu điều hành thôi. Bây giờ chúng ta tính trên góc độ vĩ mô nếu nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng đầu năm là 6 - 6,5, tức là những chỉ tiêu Quốc hội chúng ta đã thông qua. Như vậy, để đáp ứng yêu cầu đó  trong điều kiện kinh tế nước ta trong những năm trước đây thì tăng trưởng tín dụng vào khoảng mức độ đó. Vì sao có con số chúng tôi đã nói là 15 - 17 hay 14 - 16 gì đó.
Năm ngoái tăng trưởng tín dụng của chúng ta là 14% nhưng chúng ta không mua được trái phiếu Chính phủ, toàn bộ tiền của chúng ta dồn vào tăng trưởng tín dụng. Năm nay do đặc thù của nền kinh tế một phần tiền đã được đầu tư gián tiếp qua trái phiếu Chính phủ. Như tôi đã báo cáo với đại biểu Quốc hội sáng nay, nếu đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào nền kinh tế của hệ thống ngân hàng cũng đã xấp xỉ 10%, như vậy chúng ta cũng đảm bảo được tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta ở mức 5 - 5,2 của năm nay với trình độ phát triển kinh tế của nước ta thì mức đầu tư đó là hợp lý.
Vấn đề thứ hai, đại biểu Quốc hội lại nói chuyện 400.000 thì tôi cho rằng từ sáng đến giờ tôi đã giải thích quá nhiều và năng lực giải thích của tôi cũng có hạn cho nên đại biểu chưa hiểu hết được. Tôi rất mong có vấn đề gì mời đại biểu cùng với chúng tôi tiếp tục trao đổi thêm vấn đề này để chúng ta làm rõ và có hiểu biết với nhau hơn. Tóm lại trong thời gian qua chúng tôi cũng thấy cử tri và đại biểu cả nước rất quan tâm đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp với chúng tôi. Có rất nhiều nhiều ý kiến động viên, khích lệ, chia sẻ hay làm động lực để chúng tôi cố gắng vươn lên khắc phục khó khăn, có rất nhiều ý kiến phê bình chỉ trích để chúng tôi kịp thời xử lý và rút kinh nghiệm. Thay mặt hơn 200.000 cán bộ của toàn hệ thống ngân hàng chân thành cảm ơn cử tri và đại biểu Quốc hội trong toàn quốc.
Chúng tôi rất mong muốn trong thời gian sắp tới vì khó khăn của đất nước chúng ta vẫn còn nhiều rất mong muốn được sự ủng hộ, sự chia sẻ và sự phê phán của Quốc hội, của cử tri nhà nước để chúng tôi liên tục hoàn thiện mình, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Thưa Quốc hội,
Có thể nói chúng ta đã dành sự ưu ái cho vấn đề lớn của quốc gia đó là điều hành chính sách tiền tệ cùng với đó là chính sách vàng. Đây có thể nói là mạch máu của nền kinh tế, cũng rất tế nhị, rất nhạy cảm, rất khó khăn, Quốc hội rất quan tâm nên lần này mời thống đốc trả lời chất vấn cũng là dịp để tiến hành thảo luận thêm để chúng ta có những quyết đáp chính xác trong điều hành chính sách tài chính tiền tệ nói chung, kinh tế vĩ mô nói chung và điều hành thị trường vàng nói riêng. Cho đến nay đã có 17 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và Thống đốc đã trực tiếp trả lời, tôi thấy câu hỏi rất phong phú, rất sâu sắc và cũng vừa với thời gian. Thống đốc trả lời cũng rất chi tiết, rất đầy đủ và chúng ta còn tranh luận với nhau nhiều vấn đề nữa. Rất tiếc là thời gian có hạn theo chương trình của Quốc hội cho phép nên chúng ta phải chuyển chương trình, còn lại 23 đại biểu nữa chưa đặt được câu hỏi, có lẽ trong các câu hỏi này, 23 đại biểu chắc khoảng 40 câu hỏi, cũng sẽ rất phong phú, xin các đại biểu gửi tới Thống đốc, đề nghị Thống đốc trả lời các đại biểu và gửi cho Quốc hội phần trả lời. Xin cảm ơn Thống đốc.
Tôi xin dành một thời gian ngắn còn lại để báo cáo với Quốc hội một số điểm rút ra từ chương trình chất vấn Thống đốc. Chúng ta có thể nhất trí được với nhau việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một việc hết sức quan trọng, ngân hàng mạnh thì doanh nghiệp mạnh, nền kinh tế ổn, cho nên mục tiêu của chúng ta là tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu thị trường tài chính, tiền tệ, đặc biệt là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tái cơ cấu ngân hàng lần này chúng ta đặt ra vấn đề giải quyết một cách đồng bộ, cả việc giải quyết nợ xấu, cả việc tổ chức mô hình hoạt động và giải quyết cho được những ngân hàng yếu kém, có sự sắp xếp. Đồng thời giải quyết cho tốt trong quá trình tái cơ cấu phải vừa giải quyết chính sách về tín dụng, cả huy động, cả cho vay, cả lãi suất làm sao cho hợp lý. Đồng thời giải quyết tái cơ cấu nhưng phải bảo đảm nền tài chính, nền tiền tệ, nền kinh tế đảm bảo thanh khoản. Tái cơ cấu vừa cho vay ra nhưng không làm cho lạm phát tăng cao, phải giữ được lạm phát ở mức cho phép. Chúng ta giao cho ngân hàng Nhà nước thay mặt Chính phủ, cũng là nhiệm vụ của Chính phủ, đồng thời là nhiệm vụ của Quốc hội chúng ta chỉ đạo, tổ chức, giám sát việc tái cơ cấu ngân hàng, hệ thống ngân hàng của chúng ta hiện nay có khoảng 60-70 ngân hàng, được tổ chức lại trong năm 2013 này, năm 2014 sang 2014 là một hệ thống ngân hàng lành mạnh. Với tinh thần tổng hợp như vậy. Đấy là một mục tiêu tổng quát. Qua thảo luận chúng ta không thể đặt một nhiệm vụ gì mà không đặt trong tổng thể đó được. Đấy chính là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng một cách đầy đủ, một các tổng thể, không thể coi nặng mặt này, coi nhẹ mặt kia thì đều để ra bất ổn trong thị trường tiền tệ.
Chỉ việc cho vay ra và lạm phát thôi, hai việc này không ổn, hai việc này không khéo thì nó bất ổn. Đẩy tiền ra nhiều thì lạm phát, rút tiền ra nhiều thì kinh tế đình trệ. Cho nên không được để sụp đổ bất kể khâu nào, đơn vị nào gây ra sốc trong chính sách tiền tệ của chúng ta. Đó là một điểm.
Điểm thứ hai là đối với nợ xấu thì Quốc hội và Thống đốc đánh giá là nghiêm trọng. Nợ xấu, nợ đọng là nghiêm trọng, có thể nói là nó ở các lĩnh vực. Đặc biệt là bất động sản. Bởi vì bất động sản không phải chỉ tài sản ở trên sàn mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng thống kê được mà nó còn liên quan tới đất đai, liên quan tới người vay để mua nhà, liên quan tới nhà xây dựng vay để đầu tư và những bất động sản khác như giao thông, thủy lợi liên quan tới đầu tư của ngân sách, v.v.,
Cho nên ách tắc bất động sản thì làm cho nợ xấu khó giải quyết và nó sẽ lớn lên. Không chỉ trong bất động sản, trong sản xuất công nghiệp, trong sản xuất nông nghiệp, trong các loại hình kinh tế, trong ngành kinh tế dịch vụ đều có sự tồn đọng. Đi theo nó là tồn kho lớn chưa giải đáp được. Cho nên vừa giải quyết nợ xấu, vừa giải quyết tồn kho.
Tôi thấy Quốc hội và Thống đốc đều nhất trí và nghiêm trọng, chúng ta phải từng bước giải quyết và giải quyết thành công. Năm 2013 phải tạo cho được chuyển biến, Thống đốc sẽ không đơn độc, đồng chí Bình nói với trách nhiệm đồng chí thì đồng chí lo đồng chí nói thế nhưng Quốc hội chúng ta, Chính phủ chúng ta, các ngành chúng ta và các bộ trưởng, 3 cộng 1 v.v... các công thức, cho nên đồng chí không bao giờ đơn độc, nên phải tạo lên quyết tâm và năm nay tạo cho được chuyển biến, tôi cũng nói là giải quyết hết được nợ xấu. Năm 2013 Quốc hội giao cho Thống đốc là phải tạo ra được một chuyển biến tích cực hơn trong giải quyết nợ xấu. Phân loại nợ xấu, tìm biện pháp cụ thể đối với từng loại nợ xấu khác nhau, các loại nợ xấu khác nhau thì biện pháp khác nhau mới giải quyết được, biện pháp phối hợp cũng khác nhau.
Thứ hai là doanh nghiệp giải quyết tức là tổ chức tín dụng giải quyết, doanh nghiệp đi vay giải quyết, Ngân hàng nhà nước có giải quyết và chủ trương chính sách của Quốc hội và Chính phủ tích cực giải quyết và phải tạo cho được sự chuyển biến nợ xấu. Năm 2013 cố gắng phải giảm nợ xấu để đến năm 2015 tới 3% như Thống đốc đã cam kết.
Thứ ba là hoạt động huy động cho vay hỗ trợ doanh nghiệp để làm cho nền kinh tế của nước ta, hoạt động của doanh nghiệp của nước ta không bị lâm vào tình trạng khó khăn, bế tắc, không phát triển được, mất việc làm, không bảo đảm được an sinh xã hội. Nên huy động cho vay và lãi suất đi theo là phải có một quá trình gắn chặt với nhau để giải quyết. Đặc biệt là lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên như là con gà, con lợn, con trâu, con bò, con tôm, con cá, sản phẩm trồng lúa, cao su, cà phê, nói chung là sản phẩm nông nghiệp ưu tiên số 1. Sản phẩm công nghiệp phụ trợ và một số ngành công nghiệp xuất khẩu là số hai và một số các lĩnh vực quan trọng khác. Chúng ta phải lựa chọn đồng tiền để cho lạm phát nó khỏi lên, bơm tiền vừa phải thì chúng ta có cách giải quyết, thu vào 12% tăng trưởng mà đưa ra có 23% cho sản xuất thì chưa cân đối, cho nên cố gắng phải giải quyết mục này.
Điểm thứ tư là phải đảm bảo thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, thanh khoản giữa các tổ chức tín dụng và điều hành lãi suất phù hợp với chỉ tiêu lạm phát mà Quốc hội vừa thông qua, Chính phủ đã đề ra, sang năm chúng ta tính toán lạm phát cỡ 8%, điều hành lãi suất phù hợp với mức lạm phát đó, tôi không nói là bằng, nhưng phù hợp với mức lạm phát đó, có bước đi thích hợp để chúng ta giải quyết cho được và bảo đảm cho được thanh khoản, không chỉ thanh khoản giữa người đi vay và người cho vay mà thanh khoản trong toàn bộ nền kinh tế mà lại giữ được lạm phát. Đấy vừa là nghề, vừa là tài, vừa là trách nhiệm của Thống đốc ngân hàng Nhà nước trong điều hành lạm phát và tín dụng.
Thứ năm là về thị trường vàng, chúng ta còn nhiều ý kiến khác nhau, xưa nay trong chúng ta đều sử dụng vàng, thích vàng và dự trữ vàng, để vàng làm của hồi môn, làm trang sức, nhưng quản lý thị trường vàng thì mình chưa có kinh nghiệm. Trước đây khi hội nhập mình mở ra quá rộng, sau này mình cho cả thị trường vàng phát triển tất cả các loại ngành nghề và cho phép sàn vàng phát triển, sàn vàng là không có vàng, sàn vàng chỉ buôn tiền và nước ngoài được lợi. Thị trường vàng phát triển mua, bán, dập, xuất, thanh toán trả tiền nhà bằng vàng v.v... thậm chí cưới, hỏi cũng đưa vàng đi đặt, có thể nói mình quản lý nó lỏng lẻo thì bây giờ Chính phủ chủ trương và Quốc hội chúng ta cũng chủ trương quản lý thị trường vàng, thị trường vàng phát triển có sự quản lý của nhà nước đó là nói chung, nhưng thị trường vàng nghĩa là như thế nào? Vàng không phải là loại hàng hóa bình thường mà nó là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ dùng để cất trữ, nếu nhà nước cất trữ thì nó như ngoại tệ, gọi là ngoại hối, cá nhân tích trữ thì là của cá nhân, của gia đình truyền đi truyền lại cho tặng và để làm trang sức, trang sức đúng là hàng hóa. Sau này nếu dùng vàng để dát lên chỗ này chỗ kia thì đó cũng là hàng hóa. Nhưng tuyệt nhiên không cho phép dùng vàng để làm phương tiện thanh toán mua bán, ví dụ mua nhà trả bằng vàng, mua xe trả bằng vàng và đô la cũng vậy, tư tưởng của chúng ta là theo hướng đó. Cho nên có thể Thống đốc nói quá lên là cấm đoán nhưng đại biểu Trần Du Lịch cũng cởi mở quá mức cho nên 2 bên không hoàn toàn gặp nhau.
Nghị định của Chính phủ mới ban hành chúng ta cứ thế mà làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đã hội nhập quốc tế thì không phải cái gì chúng ta cũng cho liên thông. Hàng xuất nhập khẩu của chúng ta bây giờ cũng chưa liên thông hết, khi nào tháo hết thuế thì chúng ta đang bàn tới việc là biện pháp kỹ thuật, nhưng sự chênh lệch giữa trong nước và quốc tế để quá lớn thì không được, chúng ta quản lý như thế nào để cho lưu thông, cho đảm bảo và quyền xuất, quyền nhập, quyền in, quyền đúc là quyền của nhà nước và đảm bảo lợi ích của người dân, giá trị sử dụng của vàng để làm nữ trang, buôn bán nữ trang như một loại hàng hóa, để cất trữ là việc của dân thì chúng ta bảo đảm. Cho nên tôi đề nghị Thống đốc phải tăng cường các biện pháp cần thiết và phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua sẽ tiếp tục biện pháp cần thiết để cho thị trường vàng phát triển vàng với nghĩa là hàng hóa phát triển, còn vàng với nghĩa là tiền để thanh toán thì dứt khoát phải cấm. Với tinh thần đó tôi nghĩ hiện nay còn nhiều trục trặc thì chúng ta rút kinh nghiệm để làm cho tốt hơn.
Vấn đề thứ sáu, trong chất vấn hôm nay chúng ta Quốc hội và Thống đốc cũng đánh giá có nhiều tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tài chính tiền tệ nói chung ở các ngân  hàng, công ty tài chính liên quan đến lợi ích nhóm, liên quan tới việc kê giá lên để làm tài sản thế chấp, liên quan tới việc nợ xấu phát sinh ra nhiều lĩnh vực có liên quan và muốn thâu tóm ngân hàng để làm của riêng đầu tư bất động sản, đấy là những hiện tượng tiêu cực. Yêu cầu Thống đốc tăng cường, kiểm tra kiểm soát, phối hợp lực lượng với các cơ quan chức năng để làm tốt quản lý thị trường, làm tốt điều tra, kiểm tra chặt chẽ để ngăn chặn các lực lượng này. Phát hiện cho kịp thời, xử lý kinh tế cho nghiêm và chuyển để xử lý hình sự cho nghiêm.
Đấy là sáu vấn đề tôi thấy Quốc hội từ hôm qua thảo luận đã rút ra được giao nhiệm vụ cho Thống đốc trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện tốt hơn, tiếp tục phát huy tốt hơn những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa rồi. Có thể nói giải quyết thị trường tiền tệ của chúng ta, thị trường vàng của chúng ta trong gần 1 năm qua nó có những chuyển biến tích cực, nó có tạo ra cho nền kinh tế của chúng ta một sự ổn định hơn, phát triển tốt hơn và giữ được lạm phát. Đó là những kết quả tiếp tục khắc phục những tồn tại để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Xin Quốc hội cho dừng phiên chất vấn Ngân hàng Nhà nước tại đây, xin cảm ơn Quốc hội, cảm ơn đồng chí Thống đốc. Mời Quốc hội nghỉ giải lao sau đó đến phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

(Quốc hội nghỉ giải lao)

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Kính thưa Quốc hội,
Xin phép Quốc hội cho tiếp tục chương trình chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Chủ đề Quốc hội quan tâm là chất lượng khám, chữa bệnh và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế về trách nhiệm khám, chữa bệnh. Nói đến khám, chữa bệnh là bao gồm các đơn vị y tế công lập, các đơn vị y tế tư thục, ngoài công lập thuộc các thành phần kinh tế, nhất là các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài chữa bệnh ở nước ta cũng có nhiều vấn đề như quá tải, y đức, các hiện tượng này hiện tượng kia không an toàn cho người bệnh. Đó là một nội dung.
Nội dung thứ hai là vấn đề giá thuốc, viện phí. Khi điều chỉnh viện phí thì đó là chủ trương chung của nhà nước nhưng triển khai tiến hành còn có những trục trặc gây ra tâm trạng trong xã hội chưa được tốt, nhất là quản lý giá thuốc.
Thứ ba, vấn đề Bộ trưởng Bộ Y tế liên quan đến nhiều bộ trong cả nước đó là vệ sinh an toàn thực phẩm từ cánh đồng cho đến bàn ăn, liên quan đến Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, liên quan đến Bộ Công thương, liên quan đến Bộ Công an và Bộ Y tế được Chính phủ giao làm đầu mối trong việc quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các hiện tượng mất vệ sinh, mất an toàn thực phẩm hiện nay đang nổi lên thành một vấn đề lớn và ảnh hưởng tới đời sống, tới cuộc sống của người dân mà rất nhiều người quan tâm.
Ba nội dung lớn tôi xin đề nghị đại biểu Quốc hội lần lượt đặt câu hỏi và Bộ trưởng sẽ lần lượt trả lời.
Xin kính mời đại biểu Phạm Xuân Thường đoàn Thái Bình đặt câu hỏi. Đại biểu Huỳnh Tuấn Dương đoàn Hải Dương chuẩn bị.

Phạm Xuân Thường - Thái Bình
Kính thưa Quốc hội.
Thưa Bộ trưởng.
Tôi chuyển tới Bộ trưởng hai câu hỏi.
Một, việc quy định mức trần khám chữa bệnh cho bệnh viện tuyến dưới nhưng không quy định trần cho bệnh viện tuyến trên. Việc nhập viện quá dễ dàng và quá lạm dụng các xét nghiệm cận lâm sàng của bệnh viện tuyến trên đã và đang tác động đến tâm lý muốn chuyển tuyến của bệnh nhân gây khó khăn cho tuyến dưới, quá tải cho bệnh viện tuyến trên, gây bức xúc trong dư luận. Thí dụ, một bệnh viện cấp huyện quý I năm 2012 được bảo hiểm cấp 7,2 tỷ để khám chữa bệnh cho trên 70.000 thẻ bảo hiểm y tế. Hết quý I, bệnh viện này đã phải trả cho các bệnh viện Trung ương 3,6 tỷ đồng, cho bệnh viện đa khoa tỉnh 3 tỷ, tổng cộng 6,6 tỷ. 6,6 tỷ chỉ để chi trả cho 540 bệnh nhân do bệnh viện này giới thiệu chuyển tuyến cộng với số bệnh nhân tự vượt tuyến mà bản thân bệnh viện không biết tổng số là bao nhiêu, chữa bệnh gì chỉ được bảo hiểm thông báo chi trả bằng số tiền trên. Số tiền còn lại 600 triệu đồng chỉ sử dụng khám chữa bệnh cho 69.500 lượt bệnh nhân có thẻ bảo hiểm ý tế.
Chính vì vậy, bệnh viện cấp huyện chỉ mua thuốc giá rẻ hạn chế xét nghiệm cận lâm sàng và  phụ thu thêm của bệnh nhân để đảm bảo yêu cầu tối thiểu cho việc khám chữa bệnh. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho bệnh viện nơi đăng ký khám ban đầu mà còn gây bức xúc cho bệnh nhân.
Đây không phải vấn đề mới, nhưng không được Bộ Y tế quan tâm giải quyết. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp nào hiệu quả để khắc phục tình trạng trên.
Câu hỏi thứ hai. Hiện nay giá thuốc ở các bệnh viện mặc dù qua đấu thầu nhưng cao hơn rất nhiều so với thuốc cùng chủng loại được bán trên thị trường, giá thuốc cao không chỉ gây thiệt hại cho người bệnh vì phải trả nhiều tiền, nhưng không được sử dụng loại thuốc tốt mà còn là một trong các nguyên nhân gây vỡ Quỹ bảo hiểm y tế, lợi nhuận thì rơi vào các công ty dược. Xin Bộ trưởng cho biết vì sao thuốc qua đấu thầu lại đắt hơn thuốc ngoài thị trường mà lẽ ra phải rẻ hơn. Đây không phải là vấn đề mới, Bộ trưởng đã, sẽ và có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Huỳnh Tuấn Dương - Hải Dương
Kính thưa Chủ tọa,
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa nữ Bộ trưởng,
Sau đây, tôi xin có 3 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng. Câu hỏi thứ nhất: Nhiều cử tri cho rằng Thông tư 04 về điều chỉnh giá dịch vụ y tế được triển khai thực hiện không đồng bộ ở các tỉnh, thành phố dẫn đến tình trạng quá tải bệnh nhân, cục bộ ở một số tỉnh chưa điều chỉnh giá dịch vụ.
Một vấn đề nữa là quy định về đấu giá thuốc hiện nay trao quyền cho các bệnh viện có hiện tượng chung, khi lợi ích cá nhân ở cùng một địa phương, cùng một loại thuốc, nhưng giá chênh lệch nhau đến cả 10%, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Câu thứ hai: Tình trạng thuốc đông y bị chiết rút hoạt chất, tinh chất và sao tẩm bằng hóa chất độc hại tràn ngập thị trường cùng với lương y Trung Quốc khám bệnh không được quản lý chặt chẽ, gây nhiều tiêu cực và hậu quả nghiêm trọng, lâu dài. Với tư cách lãnh đạo ngành Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên.
Câu thứ ba: Hiện nay nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, có nhiều tỉnh, thành phố 125 bé trai/100 bé gái, nếu không có sự can thiệp tích cực thì khoảng 10 năm, 20 năm nữa tình trạng sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình, an ninh, xã hội và là tai họa cho sự phát triển bền vững của đất nước. Để giảm thiểu tình trạng này, theo Bộ trưởng cần có giải pháp nào? Đâu là giải pháp cốt yếu nhất để tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trở lại mức bình thường. Tôi xin hết, xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng.

Trương Văn Vở - Đồng Nai
Kính thưa Quốc hội.
Kính thưa Bộ trưởng.
Trước hết tôi xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng sớm trả lời nội dung chất vấn của tôi, phải nói là trong những tháng đầu năm 2012 việc điều hành quản lý giá thuốc đã được Bộ Y tế quan tâm giải quyết kịp thời thông qua việc sửa đổi, bổ sung thông tư liên tịch của Bộ Y tế, Bộ Tài chính năm 2007 và đặc biệt tôi rất quan tâm việc hướng dẫn của Bộ Y tế về tổ chức mời thầu trong đấu thầu quản lý giá thuốc tại các bệnh viện công mới đây vào tháng 6 năm 2012. Tuy nhiên nghịch lý vẫn xảy ra ngay vào tháng 8/2012 về cùng một chủng loại, cùng một địa phương nhưng giá thuốc lại chênh lệch lớn, có nơi từ 20 đến 40%, có loại thuốc từ 1 đến 1,5 lần. Vấn đề này cử tri đang quan tâm bức xúc về quản lý giá thuốc. Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ thái độ của ngành đối với việc xử lý nghịch lý này trong khi chờ hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp về quản lý giá thuốc như Bộ trưởng đã nêu. Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Chu Sơn Hà - TP Hà Nội
Kính thưa Quốc hội.
Kính thưa Bộ trưởng.
Tôi xin gửi tới Bộ trưởng ba vấn đề sau:
Một, dư luận xã hội đang lo lắng trước thảm họa ma túy đá và đang đặt câu hỏi về sự gia tăng đột biến số lượng nhập khẩu tiền chất PSE một trong những thành phần sản xuất ra các loại thuốc trị cảm cúm cũng là tiền chất tổng hợp ma túy đá.
Thưa Bộ trưởng, tại sao trong điều kiện không có biến động lớn về cơ cấu bệnh mà Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu và cho mua lưu hành một số khối lượng tiền chất trên quá lớn. Chỉ riêng công ty BV Pharma tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong 45 đơn vị được cấp phép nhập khẩu đã vượt đến 4 lần năm 2010 là 1.100kg, năm 2011 là 4.055 kg, đấy là theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, còn nếu số liệu bên ngoài thì nhiều hơn nữa.
Ngày mùng 9 tháng 7 năm 2012, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự đối với công ty nói trên về kinh doanh trái pháp luật và có liên quan đến tiền chất trên. Đề nghị Bộ trưởng báo cáo trước cử tri cả nước về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thời gian qua, các giải pháp trong thời gian tới để nhằm quản lý chặt chẽ tiền chất nói trên.
Vấn đề thứ hai, Bộ trưởng với tư cách là một người đứng đầu một cơ quan ban hành chính sách đến bây giờ, giờ phút này Bộ còn nợ bao nhiêu văn bản hướng dẫn để thực hiện các văn bản được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Việc được giao lâu nhất là bao nhiêu thời gian tính từ ngày luật, nghị định, quyết định v.v... có hiệu lực pháp luật đến nay Bộ ban hành nhưng chưa có ban hành hướng dẫn.
Tôi đơn cử Quyết định Số 73/2011 có hiệu lực ngày 25/2/2012 đến bây giờ vẫn chưa có hướng dẫn. Đặc biệt trong đó có các yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn các khoản chi phụ cấp đối với công tác thường trực, đối với phẫu thuật, thủ thuật, quyền lợi này liên quan đến trực tiếp cán bộ thuộc ngành y tế quản lý. Thưa Bộ trưởng, bao giờ Bộ trưởng trả nợ xong những trách nhiệm trên và Bộ trưởng có hứa chắc với Quốc hội là không bao giờ để cho các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền đã có yếu lực pháp luật mà thiếu hướng dẫn của bộ.
Vấn đề thứ ba, cử tri nói nhiều về tiêu cực của nhiều cán bộ công chức, viên chức ngành y, Bộ trưởng là người phát động phong trào cán bộ công chức viên chức ngành y "nói không với phong bì" trong bệnh viện và cơ sở y tế. Kết quả cuộc vận động này đến đâu, giải pháp tiếp theo trong thời gian tới là như thế nào? Đề nghị Bộ trưởng báo cáo để cử tri giám sát trên thực tiễn. Xin cám ơn đồng chí Bộ trưởng. Xin cám ơn Quốc hội.

Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ y tế
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước,
Kính thưa các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước,
Kính thưa Chủ trì Hội nghị,
Kính thưa tất cả đại biểu Quốc hội,
Tôi sẽ xin phép Chủ tọa đoàn là không trả lời theo lần lượt của các đại biểu đã đặt mà xin trả lời theo các nhóm vấn đề. Tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội vừa nêu đều rất sát đáng và có thể chia sang nhóm; Thứ nhất là vấn đề về giá thuốc; Thứ hai là vấn đề về viện phí; Thứ ba là vấn đề về y đức; Thứ tư là vấn đề về mất cân bằng giới tính khi sinh; Thứ năm là vấn đề quản lý tiền chất; Thứ sáu là vấn đề ban hành các quy phạm pháp luật có kịp thời hay không.
Chúng tôi trân trọng cám ơn các đại biểu đã nêu các vấn đề hết sức là sát sườn và đấy cũng là những vấn đề quan tâm của Bộ Y tế đang tìm cách giải quyết và tháo gỡ.
Thứ nhất là vấn đề về giá thuốc thì những phản ánh của đại biểu về vấn đề chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện trong một địa phương và giữa các địa phương, giữa kết quả đấu thầu giá thuốc của bệnh viện so với giá thuốc của thị trường trong thời gian qua có sự chênh lệch có thể khoảng 10 - 15% nhưng có những nơi hơn như thế.
Thứ nhất, chúng tôi muốn nói về thực trạng giá thuốc bất cập hiện nay, phần nguyên nhân và giải pháp đã và đang thực hiện, giải pháp sẽ thực hiện. Đó là một thực trạng.
Thực trạng thứ hai là vấn đề giá thuốc cũng bị đẩy lên do quá trình lòng vòng, tức là qua các tầng lớp trung gian cũng làm cho giá thuốc đẩy lên.
Thực trạng thứ ba là thầy thuốc bắt tay với các hãng dược để kê đơn các loại thuốc biệt dược, thuốc nhập ngoại không cần thiết để hưởng chênh lệch hoa hồng.
Thực trạng thứ tư là kết quả đấu thầu của các bệnh viện có thể cao hơn giá đã niêm yết và giá công khai, vấn đề này trong ngành chúng tôi có thể biết được. Nhưng sau những sai phạm ở mức độ vừa phải thì có kiểm tra nhưng có những sai phạm lớn như chênh lệch quá lớn giữa cơ sở khám, chữa bệnh trong cùng một địa phương đã được xử lý hình sự, các địa phương, sở y tế và chính quyền đã xử lý. Nguyên nhân của hiện tượng này là như thế nào? Cơ bản vẫn là do quản lý nhà nước. Chúng ta có Thông tư 10 về quản lý nhà nước từ năm 2007, có những kẽ hở như:
Thứ nhất là chia các nhóm thuốc đó không theo tiêu chuẩn kỹ thuật như GNP là tiêu chuẩn các hãng sản xuất và theo các hãng nguồn gốc sản xuất ở các nước khác nhau ví dụ thuốc ở Châu Âu, của Mỹ thì khác với các nước ở Châu Á, của Pakistang, của Indonexia, của Việt Nam và của Trung Quốc, cho nên trong quá trình đấu thầu đã có những thuốc Trung Quốc nhưng giá của Mỹ và đẩy giá lên. Đó là nguyên nhân thứ nhất.
Thứ hai là không hướng dẫn kỹ hồ sơ mời thầu cho nên khi đấu thầu có thể chủ đầu tư lợi dụng những vấn đề này để đẩy thuốc và hạ giá thấp nhất để chọn những thuốc phù hợp với mình hơn. Đó là ý thứ hai.
Thứ ba là trong thông tư này không quy định kết quả đấu thầu của các đơn vị đó phải thấp hơn giá đã được niêm yết và các giá kê khai trước đó của các hãng đã kê khai. Đó là những nguyên nhân cơ bản.
Một nguyên nhân hết sức sâu xa là chúng ta đã dùng các văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định đấu thầu cho thuốc là một loại hàng đặc biệt nhưng cũng dùng nghị định quản lý đấu thầu trang thiết bị, xây dựng, đáng lẽ thuốc phải là vấn đề đó.
Vấn đề thứ năm cũng là nguyên nhân sâu xa và chúng tôi cũng sẽ đề xuất sắp tới là bệnh viện, ngành y tế là cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, sản xuất, kê đơn chữa bệnh, nhưng đồng thời cũng là cơ quan quản lý giá thì điều đó hết sức bất cập. Bởi vì như vậy dù minh bạch đến đâu cũng là vừa đá bóng, vừa thổi còi. Cơ quan Bộ Y tế cũng như bệnh viện hoặc sở y tế chỉ nên quản lý về chuyên môn, về tiêu chuẩn kỹ thuật để làm sao có đủ thuốc, đảm bảo an toàn thuốc đến tận tay người bệnh và nhân dân, còn làm thêm nhiệm vụ quản lý giá thì không phù hợp. Đó là những nguyên nhân cơ bản, còn nhiều nguyên nhân nhỏ khác nữa thì thời gian không cho phép.
Những giải pháp mà Bộ Y tế trong thời gian qua hết sức nỗ lực cùng các bộ, ngành phối hợp là Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thứ nhất, đã ban hành Thông tư 01 để thay Thông tư 10. Thông tư này hơn hẳn ở chỗ chia các nhóm thuốc thành xuất xứ khác nhau dựa vào các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng kỹ thuật, thuốc của châu Âu khác, Mỹ khác, châu Á, Trung Quốc, Việt Nam khác. Đồng thời trong đó chúng tôi cũng quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá kê khai và giá trước đó đã kê khai. Thứ ba là ban hành Thông tư 11 hướng dẫn về hồ sơ mời thầu thống nhất để làm sao khách quan nhất, đồng thời hướng dẫn giá thuốc khi kê khai có cả giá đô la và giá Việt. Bởi vì một số doanh nghiệp tự tăng giá kê khai lên, họ kêu là tỷ giá giữa đô la và đồng Việt Nam thay đổi, nhưng thực chất là không thay đổi, nên đề nghị lúc kê khai giá có cả tỷ giá đồng đô la. Đó là những điểm cơ bản mà Thông tư 01 thay thế Thông tư 10.
Ban hành Thông tư 50 về quản lý giá thuốc, chúng tôi quy định là dứt khoát các giá trúng thầu phải thấp hơn giá đã kê khai. Còn giá kê khai là giá như thế nào là đã thành lập một tổ liên ngành gồm có Bộ Tài chính, hải quan, Bộ Y tế, Bộ Công thương kết hợp với lãnh sự ở các nước và tham khảo trên mạng quốc tế để lập ra một danh mục 17 ngàn loại thuốc với giá tham khảo giá CIP, tức là giá gốc chuyển về đến cảng và so sánh với giá Việt Nam trong thời gian qua và đưa lên trang Web của Cục quản lý dược 17 ngàn danh mục đó, với giá đó tham khảo thì những giá mà các doanh nghiệp nhập khẩu sản xuất thì phải dựa vào danh mục những thuốc đó được thông báo công khai rộng rãi ở Cục quản lý dược. Đó là Thông tư 50, những kết quả đó đồng thời chúng tôi cũng đã làm một diễn đàn, làm cuộc vận động là người Việt dùng thuốc Việt để hỗ trợ những doanh nghiệp Việt Nam trong nước có thể tiếp cận. Đấy là cuộc vận động rất lớn kết hợp với Mặt trận Tổ quốc đã làm rồi và sẽ làm một đề án trình Chính phủ để giúp những công nghiệp trong nước và cũng là giảm giá.
Một thông tư nữa, chúng tôi cũng ban hành là quy chế kê đơn, có nghĩa là các thày thuốc kê đơn phải ghi rõ ràng tên thuốc bằng tên gốc generic và hạn chế dùng các thuốc biệt dược. Đó là những giải pháp cơ bản trong thời gian vừa qua và hiện nay phải nói nếu thông tư vừa rồi ra về quản lý giá thuốc và đấu thầu thì phải nói những đơn vị nào muốn chênh lệch những giá để có lời hoặc những doanh nghiệp thì cảm thấy rất khó khăn, cảm thấy vướng và những doanh nghiệp vốn tìm từ nguồn lợi này bắt đầu cảm thấy rất khó khăn và cũng tâm sự rằng quả thật những thông tư này làm cho vấn đề chênh lệch giá sẽ khó. Đấy là những giải pháp đã và đang làm. Tuy nhiên, những cái đó cũng không phải là giải pháp căn cơ đến tận gốc, trong thời gian qua Bộ Y tế đã xin phép Chính phủ và Công văn của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý cho chúng tôi và đang làm đề án thí điểm quản lý giá tối đa toàn chặng. Có nghĩa là chỉ quy định các loại thuốc nội hoặc nhập có giá lời tối đa đối với ngoại nhập và nội nhập thì không thể nào vượt hơn.
Thứ hai, trong quá trình vừa rồi chúng tôi đang có một đề nghị mạnh dạn, thực ra không phải đột phá nhưng chúng ta quản lý như vậy cũng không minh bạch, chúng tôi muốn rằng trong tương lai Luật Dược sắp tới trình (sửa đổi) thì chúng tôi muốn rằng cơ quan quản lý giá là những cơ quan. Thuốc cũng là mặt hàng thiết yếu cũng như xăng, dầu và những mặt hàng khác, tại sao mặt hàng này lại để một bộ chuyên ngành vừa sản xuất, vừa kê thuốc lại đi quản lý giá. Trong luật sắp tới, chúng tôi muốn chuyển quản lý giá cho một đơn vị khác về quản lý về tiền tệ.
Thứ hai, chúng tôi muốn thí điểm thành lập một ủy ban đấu giá chứ không phải đấu thầu quốc gia gồm có Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công thương và Bộ Y tế, nhưng chủ tịch của ủy ban đó không phải là người của Bộ Y tế để đấu giá. Có nghĩa là chọn một mặt hàng giống nhau như vậy thì chọn toàn quốc một giá thống nhất và thấp nhất để ứng dụng trong cả nước. Có như vậy, chúng ta mới chọn được giá vừa là tương đối thấp nhất trong mặt bằng của đất nước, vừa thống nhất trong cả nước.
Tuy nhiên, ba phần đề nghị đằng sau của chúng tôi thì thứ nhất là quản lý giá tối đa toàn chặng đang trong giai đoạn chuẩn bị gần xong. Về thí điểm Ủy ban quản lý giá, đấu giá chứ không phải đấu thầu bởi vì Luật Đấu thầu thì chủ đầu tư người ta mới đấu thầu, Chứ còn Bộ Y tế không thể đứng ra. Ủy ban đó chỉ đấu giá để cho các nơi tham khảo và rất nhẹ nhàng cho công tác đầu thầu cho các đơn vị.
Luật thì phải chờ Quốc hội thông qua. Chúng tôi mong rằng muốn quản lý giá tốt thì phải tách bạch giữa những người sử dụng, sản xuất và quản lý ngành với vấn đề quản lý giá. Đó là giải pháp đã, đang làm và sẽ làm. Về sẽ làm thì không biết có đạt hay không còn tùy thuộc vào sự quyết định, cho phép của Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành, liên quan.
Như vậy, chúng tôi xin phép hết câu trả lời về giá thuốc.
Thứ hai, chúng tôi muốn nói về thông tư về tài chính, y tế thông qua Thông tư 04 cũng như các vấn đề về bảo hiểm y tế bất cập khi chuyển tuyến giữa bệnh viện huyện lên bệnh viện tuyến trên. Bức xúc của đại biểu rất sát đáng và trong quá trình kiểm tra các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương. Chúng tôi hết sức chia sẻ với bệnh viện huyện và bệnh viện tỉnh bởi vì có khi chỉ chuyển khoảng độ 10 bệnh nhân lên trên tuyến Trung ương và tuyến tỉnh thì hết mất quỹ bởi vì Luật Bảo hiểm cũ của chúng ta có những bất cập. Sắp tới chúng tôi sẽ có điều chỉnh trong luật về quy định vượt tuyến. Hiện nay Luật Bảo hiểm chúng ta quy định vượt tuyến vẫn thanh toán 30% thì bệnh nhân sẽ hầu hết muốn vượt lên tuyến trên. Bởi vì giá dịch vụ rất thấp và chênh lệch giữa các tuyến lại không nhiều, vượt tuyến thì vẫn thanh toán 30% cho nên ngoài chuyện vượt tuyến qua bệnh viện đó giới thiệu thì còn tự ý vượt tuyến và làm quá tải không cần thiết trên bệnh viện Trung ương.
Ví dụ Bệnh viện Nhi đồng 1 quá tải thì 40% là vượt tuyến tự ý, ngoài ra làm chi phí ở trên rất cao để quay về để trừ tiền bảo hiểm thanh toán cho tuyến huyện rất bất bình, chúng tôi đã đề nghị bảo hiểm xã hội. Hiện nay chúng tôi với bảo hiểm xã hội rất hợp tác với nhau, đúng 3 tháng thì giao ban một lần, chúng tôi quan niệm rằng khi đối đầu với nhau bây giờ chúng tôi bắt tay với nhau và trên quan điểm là cùng thắng và người được hưởng lợi nhất phải là người bệnh. Vì thế trong thời gian tới chúng tôi đã, đang và chuẩn bị điều chỉnh Luật Bảo hiểm y tế trong năm sau và cũng cùng xây dựng một đề án tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân mà các vị đại biểu cũng đã ủng hộ những ý đóng góp cho chúng tôi trong thời gian xây dựng vừa qua.
Vấn đề về thông tư cũng trong vấn đề tài chính y tế, đây là vấn đề nhạy cảm, và cũng có khó khăn là tính cần thiết; Thứ hai là quy trình, quá trình thực hiện thông tư này như thế nào; Thứ ba là thông tư này sẽ tác động tốt hay xấu đến kinh tế và xã hội; Thứ tư là thực tế hiện nay đã triển khai như thế nào và kèm theo đó chất lượng có thay đổi hay không. Thông tư 04 điều chỉnh 447 giá dịch vụ trên 3000 giá dịch vụ, hiện nay giá dịch vụ quá lỗi thời vì quy định từ năm 1995 đến nay là 17 năm và lần sau quy định từ năm 2006 cách đây 6 năm, từ đó tới nay lương đã tăng 7 - 8 lần và thu nhập của người dân từ năm 1995 là 2 - 3 triệu và bây giờ là hàng nghìn đôla, trượt giá là 3,34 lần. Tất cả giá đầu vào như xăng, dầu, điện, nước đều tăng, dịch vụ y tế cũng là dịch vụ đòi hỏi đầu vào, đó là tính bức thiết phải điều chỉnh giá. Chủ trương này có theo đường lối của Đảng, nhà nước, Quốc hội và Chính phủ hay không, chúng tôi căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội Đảng số 10, số 11.
Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về chăm sóc sức khỏe, Kết luận 41, 42 của Bộ Chính trị về tài chính y tế và gần đây nhất là Thông báo 37 của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp. Nội dung tóm tắt là: các giá dịch vụ công phải tiến tới tính đúng, tính đủ và đảm bảo đúng giá của thị trường, nhà nước chỉ lo hỗ trợ cho những thành phần là người nghèo, người dân tộc thiểu số, những người thuộc diện chính sách, đồng bào nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn, còn lại phải cùng đóng góp giữa cá nhân - xã hội và nhà nước thì chúng ta mới có nguồn tài chính tăng lên được.
Quá trình này được thống nhất rất cao giữa Bảo hiểm xã hội họ là người cầm tiền và từ trước đến nay không muốn chi bất kỳ cái gì, nhưng đến thời điểm này thì họ cũng phải nói rằng người dân không tham gia bảo hiểm y tế và ước vọng bảo hiểm y tế toàn dân sẽ còn xa vời nữa. Bởi vì khi giá cắt Amedan chỉ 40.000 trong khi thực chi ít nhất là 350.000 còn nếu dùng các loại thuốc có gây mê thì 700.000. Vậy, chênh lệch giữa những giá đó người bệnh phải mua thuốc, mua đủ thứ và cuối cùng người thiệt thòi nhất là người bệnh, chúng ta tính đủ giá dịch vụ thì người bệnh đến không phải trả thêm những cái đó nữa. Hiện nay giá chúng ta tính ở đây có 3/7 yếu tố, gồm có: Một là giá đầu vào, thuốc, dịch truyền hóa chất; Hai là điện, nước, xăng, dầu; Ba là một phần bảo trì, bảo hành máy móc, mới có 3/7 yếu tố. Chúng tôi nghĩ những cái đó không thể bắt bệnh nhân mua thêm nữa.
Chúng ta thấy những điều bất cập vừa qua phải giải quyết như vậy, chúng ta cũng phải tiến tới một giai đoạn như các nước đã bảo hiểm toàn dân, tức là người bệnh chỉ biết chữa bệnh và bệnh viện chỉ biết chăm sóc, còn việc thanh toán tiền là giữa cơ quan trả tiền là bảo hiểm xã hội và cơ quan thực hiện nhiệm vụ đó là bệnh viện. Hiện nay với giá như vậy thì bệnh nhân phải trả thêm đủ thứ, bởi vì giá quá thấp so với giá thực chi. Như vậy, vô hình chung chúng ta đã làm khổ người dân rất nhiều và phiền toái rất nhiều. Khi tiếp xúc cử tri nhiều đại biểu ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiệm kỳ trước là Hà Tĩnh họ nói với dịch vụ của bảo hiểm y tế này chúng tôi không muốn tham gia bảo hiểm y tế, thà đi khám dịch vụ hoặc khám ở phòng mạch tư, còn giá như thế thì thấp, trên bệnh viện Trung ương là 3.000, còn dưới trạm y tế xã 1.000 và các giường bệnh chi phí quá thấp. Báo cáo quý vị đại biểu là tính cần thiết và chủ trương có đúng hay không?
Thứ ba là quá trình, ở đây Bộ Y tế trong 3 nhiệm kỳ đều muốn trình và 8 lần đều có ý định trình nhưng không được ủng hộ. Bởi lẽ cứ tưởng tăng giá dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến người nghèo, ảnh hưởng đến mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng chúng tôi sẽ phân tích là tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến những người đã thụ hưởng, mà những người đã thụ hưởng bảo hiểm y tế có lợi hơn, trong đó thành phần là những người làm công ăn lương như chúng ta, hai là những người nghèo, thứ ba là diện chính sách, thứ tư là trẻ em dưới 6 tuổi, thứ năm là người dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn, gần đây nữa là những người cận nghèo Chính phủ trong năm nay đã ra quyết định hỗ trợ thêm 70% cho người cận nghèo và rất nhiều tỉnh đã hỗ trợ để mua luôn 100% cho người cận nghèo và Bộ Y tế, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ phê duyệt là dùng hỗ trợ 70% đó để mua 100% cho người cận nghèo mà mới thoát khỏi hộ nghèo và ở những xã vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số để những người cận nghèo cũng được mua 100%. Đó là cái mà chúng tôi thấy nói rằng tăng giá dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến người nghèo, thì hoàn toàn ngược lại. Và phần đồng chi trả khó khăn dù chỉ 5% đối với người nghèo, còn dân tộc thiểu số, diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi thì được 100%, chúng tôi thấy rằng 5% đồng chi trả cũng khó thì năm nay chúng tôi cũng tham mưu với Chính phủ ban hành Quyết định 14 có nghĩa rằng dùng quỹ khám chữa bệnh người nghèo ngày xưa theo Quyết định 139 để hỗ trợ cho phần đồng chi trả của những bệnh nhân nghèo mà phải bệnh mãn tính như chạy thận nhân tạo, bệnh tim, bệnh ung thư và ngoài ra còn hỗ trợ tiền ăn, tiền vận chuyển bệnh thì tôi nghĩ rằng những quy trình đó đã cơ bản đáp ứng được việc tăng giá, điều chỉnh giá dịch vụ, đấy là tác động.
Thứ hai nữa, đối với cơ sở khám, chữa bệnh. Cơ sở khám, chữa bệnh thì trong ngành chúng tôi họp rất nhiều lần các đồng chí giám đốc các bệnh viện Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, nhiều cuộc giao ban thì các bệnh viện nói rằng nếu Bộ trưởng không thay đổi giá dịch vụ này nữa, bởi vì yêu cầu nào là y đức, nào là chất lượng các thứ thì các đồng chí giám đốc bệnh viện ở đây thì chúng tôi cũng ở giữa, bệnh nhân thì kêu sao chất lượng kém như thế, giá thuốc thì cao, các giám đốc bệnh viện thì là mỗi lần tăng lương là đầu chúng tôi bạc thêm một tí nữa. Bởi vì giá dịch vụ không cho tăng và họ bảo phải hiểu rằng chúng tôi như thế này còn tồn tại là may, chứ bao nhiêu năm như thế. Có những đồng chí giám đốc bệnh viện nói gần như phát khóc lên là chúng tôi đã tự ăn vào người chúng tôi như thế này:
Thứ nhất, ngân sách của chúng ta không cấp, cấp rất hạn chế, tiêu chí một giường bệnh chỉ 40 - 50 triệu mà trong khi đó phải chi 60 triệu trên tất cả, giám đốc bệnh viện phải  rất tiết kiệm mọi thứ. Cho nên bệnh viện nhếch nhác, lương thấp, thu nhập thấp, phải đi làm ngoài v.v... và cái đó đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và kể cả những thái độ mà chúng tôi sẽ phân tích ở phần mục y đức.
Các bệnh viện nói như vậy và bảo nói rằng Bộ trưởng cứ để kéo dài thời gian này thì có lẽ bệnh viện công không thể tồn tại được, chúng tôi đã họp rất nhiều lần về đổi mới cơ chế tài chính vì vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một nghị định về đổi mới cơ chế tài chính số 85 mà Bộ Y tế cũng là bộ đầu tiên xây dựng nghị định về đổi mới cơ chế tài chính theo Kết luận 37 của Bộ Chính trị trong vấn đề đổi mới cơ chế tài chính trong đơn vị sự nghiệp. Báo cáo các đồng chí như vậy và điều chỉnh giá dịch vụ này làm cho bệnh viện có điều kiện tăng hơn chất lượng nguồn thu, lát nữa chúng tôi sẽ nói chất lượng sẽ thay đổi nào với giá điều chỉnh đó.
Thứ ba, đối với nhà nước sẽ bớt hơn, nguyên tắc là đổi mới cơ chế tài chính là nhà nước sẽ giảm dần đầu tư trực tiếp cho cơ sở điều trị mà đầu tư trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm y tế. Đó là phương pháp tài chính văn minh và cũng giúp cho nhà nước tập trung ngân sách vào giải quyết những vấn đề hệ thống lương bảng của các cán bộ làm công chức hệ thống hành chính còn đơn vị sự nghiệp, giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ thông qua bảo hiểm y tế. Nhà nước cũng sẽ bớt đầu tư cho các đơn vị đó và bản thân bệnh viện sẽ có thêm kinh phí, như chúng tôi nói 3 yếu tố mà họ đã phải bù.
Về chất lượng y tế, chúng tôi nghĩ rằng không thể một sớm một chiều vì có những tỉnh mới ban hành, tiền đó trước mắt là phải cải thiện khoa khám bệnh, phải mắc thêm quạt, phải mở thêm cửa, thay ga trải giường, thay bảng biểu công khai toàn bộ giá dịch vụ y tế. Đồng thời kèm theo đó đã trình Chính phủ ngày 23/8/2012 đề án giảm tải bệnh viện gồm rất nhiều giải pháp tổng thể, chúng tôi cũng hy vọng với giải pháp đó thì trong tương lai sẽ cải thiện. Tuy nhiên hôm qua bản cuối cùng chúng tôi gửi lên Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã phê duyệt thì thực chất chỉ có một đề án nội dung hoàn toàn không có một chút kinh phí nào cả, vẫn dựa vào nguồn kinh phí cho nên rất khó khăn trong vấn đề giảm tải khi chúng ta không có kinh phí tuy nhiên phần giảm tải chúng tôi cũng có chuyên đề riêng.
Phần tiếp theo là vấn đề về mất cân bằng giới tính, rất hoan nghênh đồng chí đại biểu đã quan tâm đến sự phát triển của nòi giống và sự phát triển bền vững của dân tộc trong tương lai. Hiện nay tình trạng này của Việt Nam ngày càng trầm trọng và thực trạng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng có tỉnh đến 130, nhẹ hơn một chút ở các tỉnh phía Nam. Hiện nay vấn đề chọn giới tính khi sinh không phải lần đẻ con thứ ba, tức là khi đẻ 2 lần đầu toàn con gái đến lần thứ sau họ mới chọn mà vì quy mô dân số của chúng ta quy định chỉ đẻ 2 con cho nên ngay từ đầu đã chọn con trai.
Hơn nữa nền kỹ thuật y học đã giúp cho họ phát hiện trai hay gái từ khoảng 7-8 tuần đầu, thậm chí bằng các test sinh học có thể phát hiện từ 2 tuần đầu, kèm theo đó là sẽ nạo phá thai khi phát hiện đó là con gái. Hậu quả vô cùng nghiêm trọng là vấn đề phân biệt đối xử trọng nam khinh nữ và đến một thế hệ rất nhiều người đàn ông sẽ không lấy được vợ vì quá nhiều đàn ông mà thiếu đàn bà và sẽ có hiện tượng buôn, bán phụ nữ qua biên giới, hiện nay chúng ta đã bắt đầu thấy chịu ảnh hưởng do Trung Quốc là nước mất chênh lệch giới tính, bản thân Hàn Quốc và Đài Loan cũng vậy là những nước Châu Á, tức là truyền thống phải có nối dõi tông đường. Nguyên nhân và giải pháp.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là các ông đàn ông muốn có con nối dõi tông đường. Ở đây nhiều câu ca dao chắc các đồng chí nam giới thuộc nhiều hơn chúng tôi đã phản ánh lên một bản chất khát vọng sâu xa của các đồng chí là phải có con trai thì vấn đề đó rất nặng nề về nho giáo là nguyên nhân cơ bản, chứ không phải nguyên nhân kinh tế-xã hội nào cả.
Giải pháp: Chúng tôi nghĩ đây là nhiệm vụ của ngành y tế dân số, nhưng đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, hệ thống Đảng và đặc biệt là cơ quan truyền thông, hiện nay chúng tôi đã làm những đề án về cân bằng giới tính để trình Chính phủ. Chúng tôi đã xử phạt các thông tư về vấn đề siêu âm ở các cơ sở y tế công lập, kể cả ngoài công lập và phạt nặng những trường hợp siêu âm để chọn giới tính. Gần đây Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng chủ trì một cuộc họp toàn quốc về vấn đề mất cân bằng giới tính với những giải pháp và chúng tôi đã đi trực tiếp, tất cả các đồng chí lãnh đạo Bộ đi 10 tỉnh có tỷ lệ cân bằng giới tính khi sinh cao nhất, tập trung nhiều ở đồng bằng sông Hồng, làm việc với cấp ủy, Ủy ban nhân dân Mặt trận Tổ quốc để có những giải pháp. Hiện nay có một số tỉnh cũng tương đối chững lại, nhưng xu hướng tăng. Chúng tôi cũng hy vọng để hệ thống chính trị và mong rằng các đoàn đại biểu Quốc hội về giám sát các hoạt động về cân bằng giới tính ở các tỉnh, địa phương và chúng tôi sẽ có danh sách những tỉnh cao nhất.
Vấn đề tiếp theo là vấn đề đạt ma túy đá. Rất cám ơn đại biểu đã nêu lên vấn đề mà xã hội quan tâm.
Thứ nhất, tôi muốn nói thực trạng xung quanh vấn đề quản lý tiền chất, thứ hai là nguyên nhân, thứ ba là giải pháp.
Để quản lý về ma túy, bao gồm có chất gây nghiện, chất hướng tâm thần và tiền chất thì do ba bộ là Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương phối hợp với nhau thì đã có Luật Phòng, chống ma túy và những nghị định.
Trong quá trình này đã có hiện tượng, nguy cơ nhất, ở đây chúng tôi chỉ nói tiền chất là chất pseudoephedrine là chất để tạo ra thuốc cảm dùng phổ biến trên thị trường, đó là thuốc chúng ta hay gặp như decolgen hay tiffi. Các tội phạm chế biến, tái chế tiền chất này thành chất ma túy đá.
Vừa qua, trên thông tin đại chúng, các đồng chí thấy lực lượng công an đã phá án ở Nghệ An, Thanh Hóa và bắt những bọn thu gom thuốc cảm cúm này với khối lượng lớn để tái tạo ra ma túy đá.
Vào tháng 8-2011, có một loạt đơn của tám doanh nghiệp tố cáo Cục quản lý dược Bộ Y tế có cấp phép số lượng lớn hơn bình thường tiền chất pseudoephedrin, viết tắt là PSE, và có thiên vị ưu đãi cho một công ty tư nhân đóng tại thành phố Hồ Chí Minh.
Lúc bấy giờ chúng tôi mới nhận nhiệm vụ và thông báo rằng số cấp từ tháng 1-2011 đến tháng 7-2011 là gấp 4 - 6 lần so với năm trước, và thứ hai là ưu đãi. Trước đó chúng tôi thấy thanh tra bộ phối hợp với các cơ quan chức năng cũng đã thanh tra và cũng không phát hiện gì. Tuy nhiên tôi thấy đây là vấn đề phức tạp và muốn rằng cũng chuẩn đoán đến tận cùng trong đấy vấn đề là bệnh gì, bệnh viêm thì chữa bằng thuốc còn nếu bệnh ung thư thì phải có giải pháp sớm nếu không thì cắt dù là đau một lần. Cho nên chúng tôi đề nghị Thanh tra Chính phủ thành lập Đoàn Thanh tra và sau đó đến tháng 11 Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận 94, thanh tra thì kết luận rất nhiều ý tuy nhiên ngay trong thời điểm tháng 8 đó Bộ Y tế đã ngừng không cho nhập khẩu tiền chất PSE đó từ 31/8 đến bây giờ.
Thứ hai là khuyến khích các doanh nghiệp dùng chất thay thế PSE để không ảnh hưởng đến nguyên liệu làm thuốc là một chất khác có thể chế tạo được tiền chất, Bộ Y tế khuyến khích để nhập cái đó. Đồng thời tháng 11 Thanh tra Chính phủ đã có kết luận là những tố cáo của doanh nghiệp đó chưa có căn cứ và đánh giá rằng quản lý tiền chất của Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công thương, cơ quan phòng chống ma túy, thường trực văn phòng là C56 và cơ quan phòng chống tội phạm là C47 cùng với A83, cùng với Ủy ban phòng chống tham nhũng cũng vào điều tra, còn thanh tra làm thanh tra riêng và có bản kết luận thanh tra. Quá trình quản lý tiền chất hết sức chặt chẽ, chúng tôi không có thời gian để giải bởi vì:
Thứ nhất là doanh nghiệp phải đạt lên nguyện vọng được phép của Cục Quản lý dược nhưng Cục Quản lý dược gửi sang cho Văn phòng thường trực phòng chống ma túy là C56, C56 sẽ kết hợp với hải quan và phải có thông báo với nước xuất khẩu lượng và nước định xuất khẩu sang mình đồng ý và đồng thời cũng báo cáo với Interpol để có giám sát theo dõi quá trình vận chuyển nhập khẩu. Có nghĩa rằng Bộ Công thương, hải quan cũng phải nắm được số lượng, Interpol cũng nắm được và Văn phòng thường trực phòng, chống ma túy cũng nắm được số lượng này, đương nhiên Cục quản lý dược Bộ Y tế sẽ cấp phép, kết luận đó đã kết luận là chưa phát hiện ra được và Cục quản lý dược Bộ Y tế đã xây dựng ban hành, công bố thao tác chuẩn của từng mảng công việc một cách khoa học, quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Cục quản lý dược, các phòng chức năng cán bộ, công chức của Cục quản lý dược đã nỗ lực thực hiện hết trách nhiệm được giao, cơ bản tuân thủ các quy định, trình tự, thủ tục, quy trình thao tác chuẩn đề ra, công tác kiểm nghiệm thuốc, công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực dược đã được Bộ Y tế quan tâm.
Vì đây là vấn đề lớn, không thể nói là Bộ Y tế buông lỏng quản lý, nếu đại biểu, cử tri và lực lượng cảnh sát, công an phát hiện ra những sai phạm nào trong lĩnh vực quản lý Nhà nước thì chúng tôi cũng mong muốn được thấy rõ đó là vấn đề gì, nếu có chứng cớ chúng tôi sẵn sàng hợp tác. Trong thời gian đó tôi đã có công văn gửi đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, vì các doanh nghiệp đóng trên đó nhiều và chủ tịch Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành đề nghị các đồng chí giám sát, điều tra và chỉ đạo Sở công an thanh tra, kiểm tra nếu cần thì khởi tố khi phát hiện những doanh nghiệp dùng các tiền chất để sản xuất ra thuốc làm thành ma túy đá.
Câu tiếp theo tôi xin nói về thuốc đông y, chất độc hại và vấn đề các lương y có yếu tố nước ngoài là Trung Quốc đã có giải pháp và giải pháp gì? Vấn đề về lương y có yếu tố nước ngoài, về văn bản quy phạm pháp luật cơ bản Bộ Y tế đã có hết, Luật khám chữa bệnh, Luật bảo hiểm y tế và ban hành các thông tư về cấp chứng chỉ hành nghề, về điều kiện hành nghề và phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho phép những người lao động nước ngoài hành nghề tại Việt Nam và cũng chỉ cấp phép giao ủy quyền cho Sở y tế thực hiện. Tuy nhiên những phòng khám có người nước ngoài vì lợi nhuận nên không làm đúng pháp luật, lượng thanh tra của chúng ta quá mỏng, có những sở y tế cả sở chỉ có 5 thanh tra và thanh tra đủ thứ việc cho nên lâu lâu mới đi thanh tra và khi thanh tra phát hiện ra thì phạt theo mức phạt cũ, hiện nay chúng ta đã có nghị định xử phạt về khám, chữa bệnh nhưng sắp tới sẽ nhập chung hết tất cả nghị định xử phạt đó vì có luật vừa rồi và thành một nghị định chung nhưng cũng không ăn thua gì so với lợi nhuận của họ. Cho nên không có tính chất răn đe.
Thứ ba, vấn đề bằng cấp của người Trung Quốc với chúng ta, Bộ Giáo dục và Đào tạo của chúng ta và Bộ Giáo dục và Đào tạo của Trung Quốc đã ký thỏa thuận về tương đương bằng cấp. Chúng tôi cũng rất vất vả khi công nhận những bằng đó họ học 4 năm và tên của họ khác nhau nhưng họ có 1 năm thực hành ở bệnh viên thì họ được công nhận là bác sỹ y học cổ truyền. Còn một điểm nữa gây ảnh hưởng là vấn đề xác định khả năng phiên dịch và khả năng nói tiếng Việt của các bác sỹ nước ngoài đó, Bộ Y tế cũng nhận là việc này chưa làm được và sắp tới có làm cũng rất khó vì người ở đâu mà đi xác nhận phiên dịch của từng phòng khám đó. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo và các Sở y tế sẽ trực tiếp làm vấn đề này.
Còn tình trạng thuốc đông y có chất độc hại và không còn chất lượng. Vừa qua Bộ Y tế các đồng chí lãnh đạo vụ đã tổ chức một cuộc khảo sát chọn những loại thuốc nhìn bên ngoài đã thấy nghi ngờ là mốc hoặc có đổi mầu. Trong số 125 thuốc y học cổ truyền thì 60% không đạt tiêu chuẩn chất lượng do dược biệt chứ không phải kém chất lượng, đương nhiên không đạt chất lượng là kém chất lượng. Hiện nay chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, tập huấn và một loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành bây giờ phải đi kiểm tra thực hiện, đây là mảng tương đối bị hổng từ giai đoạn nuôi trồng, sản xuất, lưu thông, phân phối sử dụng và kể cả một nguồn nhập khẩu qua hải quan, nhưng một lượng lớn nữa là nhập khẩu không chính ngạch, tức là nhập lậu và vấn đề này cũng phối hợp với Bộ Công thương, nhưng cũng chưa quản lý vấn đề này và chúng tôi cũng thấy mảng này đang là mảng trống.
Hiện nay chúng tôi đã có giải pháp là nâng Vụ y học cổ truyền thành Cục y học cổ truyền trong Nghị định tổ chức bộ máy trong nhiệm kỳ này và tăng cường nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực này đáp ứng cao hơn trong thời gian tới và để cho y học cổ truyền Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đặc biệt là mạng lưới y học cổ truyền và mong rằng người dân vẫn tiếp tục tin tưởng nền y học của Việt Nam, y học cổ truyền và ngày càng sử dụng nhiều hơn thuốc y học cổ truyền.
Câu cuối cùng là văn bản, báo cáo các đồng chí, Quyết định 73 là anh em cán bộ ngành y tế rất trông chờ và Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định đó để nâng hỗ trợ tiền trực, trước bồi dưỡng cho bác sỹ mổ 25.000 đồng và tiền trực thì chia ra nữa, cho nên gây bức xúc thì vừa rồi là khoảng 125.000 đồng cả tiền trực, tiền ăn đối với bác sỹ trực đêm v.v... và tiền trực cũng gấp 2,5 lần, nhưng các đồng chí bảo chưa hướng dẫn thì thực ra chúng tôi đã tổ chức huấn luyện và có các văn bản hướng dẫn. Còn các luật, vừa rồi có một số đồng chí nói chậm ban hành, thực ra các luật mà Bộ Y tế xây dựng thì đều xây dựng các nghị định để thực hiện các luật đó. Ví dụ gần đây nhất là Luật an toàn thực phẩm mới ra thì đã có Nghị định 83 hướng dẫn và gần đây nhất là nghị định xử phạt mới ban hành cách đây mấy ngày.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Bộ trưởng nói rất mềm mại, thời gian cũng dài, xin mời Bộ trưởng tạm nghỉ, còn lại vấn đề y đức thì sáng mai Bộ trưởng sẽ trả lời. Xin mời các vị đại biểu đặt tiếp câu hỏi. Xin mời đại biểu Lê Đắc Lâm.

Lê Đắc Lâm - Bình Thuận
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa Bộ trưởng,
Công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở chữa bệnh, y bác sỹ hành nghề y, dược tư nhân thời gian vừa qua ở một số địa phương không được chặt chẽ có việc lỏng lẻo như việc cấp phép thanh, kiểm tra đối với các cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài. Tình trạng nói trên đã dẫn đến một số vấn đề không lành mạnh như việc kê đơn bán thuốc nhận hoa hồng của nhà thuốc, chất lượng khám, chữa bệnh chưa biết ra sao, giá cả dịch vụ không biết như thế nào, có cơ sở khám, chữa bệnh gây chết người, không an toàn cho người dân, y đức bị giảm sút v.v.... Có thể có sự so sánh hơi khập khiễng nhưng theo tôi việc quản lý dạy tư của giáo viên ngành giáo dục khá chặt chẽ trong khi đó quản lý thầy thuốc khám bệnh tư của ngành y tế thì buông lỏng. Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào và giải pháp của Bộ Y tế ra sao nhằm chỉ đạo, quản lý nhà nước chặt chẽ việc hành nghề y dược tư nhân trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng từ 1 đến 2 năm tới mức độ khắc phục tình trạng trên như thế nào. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Nguyễn Xuân Thủy - Phú Thọ
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa Bộ trưởng, tôi có 3 câu hỏi gửi đến Bộ trưởng,
Thứ nhất, qua phản ánh của cử tri và các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy vẫn còn có một bộ phận cán bộ y, bác sỹ có tinh thần thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt, trách nhiệm với người bệnh chưa cao, trình độ chuyên môn còn hạn chế dẫn đến những sai sót không đáng có trong việc khám, chữa bệnh cho người dân. Ví dụ điển hình như khoảng cuối năm 2011 đầu năm 2012 một bệnh nhân nữ được các bác sỹ ở bệnh viện đa khoa Thành phố Cần Thơ xác định là bị thận móng ngựa nhưng khi tiến hành phẫu thuật các bác sỹ nhầm là một quả thận nên đã cắt hết 2 quả thận của bệnh nhân. Một ví dụ gần đây nhất là sự việc đáng tiếc ở tỉnh Khánh Hòa, một cháu bé mới 21 tháng tuổi vào viện để mổ thoát vị bẹn nhưng bác sĩ lại cắt nhầm vào bàng quang của cháu bé và nhiều vụ việc khác nữa như việc xét nghiệm sai, siêu âm nhầm, v.v.,
Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp thế nào để giải quyết tình trạng trên để người dân vào bệnh viện khám chữa bệnh yên tâm điều trị.
Thứ hai, liên quan đến trình độ của y, bác sĩ nhiều cử tri cũng phản ánh hiện nay có nhiều cơ sở giáo dục đào tạo từ trung cấp đến đại học đặc biệt là các trường tư thục không thuộc khối đào tạo chuyên ngành y, dược nhưng vẫn tuyển sinh các chuyên ngành này.
Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thực trạng vấn đề này, hiện nay có bao nhiêu cơ sở đào tạo như vậy, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chất lượng đào tạo có đảm bảo hay không? Với câu hỏi này, tôi đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ thêm với Quốc hội.
Thứ ba, hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, cùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ y, bác sĩ, nhất là bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nên chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân khi nhu cầu này ngày càng cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Hơn nữa, giá thuốc cao với mỗi nơi một giá không ổn định, chi phí đi lại tốn kém khiến người dân vốn khó khăn khi bị bệnh lại càng khó khăn hơn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết biến pháp lâu dài để giải quyết những vấn đề trên.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Trương Minh Hoàng - Cà Mau
Kính thưa Quốc hội.
Kính thưa Bộ trưởng.
Tôi có gửi chất vấn đến Bộ trưởng về trách nhiệm của Bộ trưởng đối với việc giáo dục, nâng cao y đức, ý thức trách nhiệm, nghề nghiệp cho đội ngũ y, bác sĩ thực hiện lời dạy của Bác Hồ "thầy thuốc như mẹ hiền" nhưng lại được trả lời chất vấn số 7674 ngày 9-11 gửi đến đại biểu Nguyễn Thanh Hồng. Song, văn bản này, Bộ trưởng đã trả lời về y đức. Tôi đề nghị Bộ trưởng trả lời với Quốc hội như sau:
Một, khi dẫn ra ba nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng nhận thức về đạo đức nghề nghiệp yếu kém của một bộ phận cán bộ y tế, Bộ trưởng cho rằng chủ yếu do yếu tố khách quan, do xã hội mà không cho đó là do yếu kém trong công tác giáo dục, đào tạo y đức nghề nghiệp quản lý của cán bộ mang tính đặc thù của ngành. Đặc thù ở đây tôi muốn nói là đối với y, bác sỹ thì làm việc vì sinh mạng của con người và ngày đêm khi có việc cũng phải trách nhiệm dốc hết sức mình cần phải có một đặc thù này để giáo dục càng nâng cao trách nhiệm.
Hai, các cơ sở y tế, chính sách, các cơ chế chính sách mà Bộ trưởng tham mưu đề xuất với Quốc hội, Chính phủ chủ yếu là cơ chế tài chính cho y tế, tức là tăng chi cả về phía Nhà nước và người dân cũng như Bộ trưởng vừa giải trình.
Tôi xin hỏi các đề xuất này có được xây dựng và xuất phát từ thu nhập thực tế của người dân cũng như khả năng cân đối ngân sách của nhà nước hay chưa? và tính khả thi của các cơ chế, chính sách đó sẽ thực hiện như thế nào để đảm bảo như Bộ trưởng vừa trình bày. Xin cảm ơn Quốc hội, xin cảm ơn Bộ trưởng.

Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận
Kính thưa Quốc hội.
Kính thưa Bộ trưởng.
Trong phần hỏi của tôi thì có một số nội dung đã trùng với các đại biểu khác, nhưng tôi xin phép chất vấn Bộ trưởng xung quanh vấn đề trách nhiệm của ngành.
Thứ nhất, về vấn đề giá thuốc và khám bệnh tư nhân, tôi khẳng định nó bị buông lỏng quá mức. Tôi xin khẳng định là ngành y tế không quản lý được giá thuốc được bán trên thị trường. Cùng một loại thuốc, ở đây là cùng chủng loại, cùng hàm lượng và cùng một cơ sở sản xuất nhưng bán ở các cửa hàng có giá khác nhau và chênh từ 1,2 đến 1,5 lần. Điều đó khẳng định ngành y tế không quản lý được các nhà thuốc và các nhà thuốc muốn bán giá bao nhiêu thì bán.
Thứ hai, việc mở phòng khám, tôi không muốn nhắc đến vấn đề chuyên môn như đại biểu ở Phú Thọ đã nhắc đến mà tôi muốn nói đến giá khám, chữa bệnh ở các phòng khám tư nhân muốn lấy 20.000 đồng/lượt cũng được mà 200.000 đồng/lượt cũng được vì không có ai quản lý vấn đề này. Tôi cảm thấy khi đã cấp phép xong thì các phòng khám muốn làm gì thì làm.
Vấn đề thứ hai đó là vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày hôm qua chúng tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương  về vấn đề hàng kém chất lượng. Tuy nhiên rất nhiều hàng hóa kém chất lượng mà là thực phẩm ví dụ như thịt gà, trái cây, mỳ ăn liền v.v... Cử tri có hỏi tôi là trách nhiệm của Bộ Y tế mà không thấy Bộ Y tế có một công bố nào về vấn đề đó, họ rất chờ công bố của ngành y tế để người làm cơ sở có tiêu dùng loại thực phẩm đó hay không, trong khi đó trách nhiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của ngành y tế mà có hẳn một hệ thống về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ ba, vấn đề tiêu cực trong ngành y tế, ngày mai Bộ trưởng mới trả lời về vấn đề này nhưng nhân tiện tôi hỏi luôn. Tôi xin dẫn lời một đồng chí Trưởng khoa của một bệnh viện lớn ở Hà Nội có nói với tôi: các anh là đại biểu Quốc hội thì làm thế nào chứ bản thân chúng tôi là người trong ngành rất bức xúc, bệnh nhân thì ăn cơm từ thiện của nhà chùa còn tiền thì để đưa cho bác sỹ, tôi cảm thấy đau lòng. Thưa Bộ trưởng cứ hô hào chống tiêu cực là không phong bì nhưng hết khóa Bộ trưởng này đến khóa Bộ trưởng khác chúng tôi thấy tình trạng này không giảm. Câu hỏi cuối cùng của tôi xung quanh vấn đề đó Bộ trưởng nhận trách nhiệm như thế nào của ngành y tế. Tôi xin cảm ơn.

Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông
Kính thưa Chủ tọa phiên chất vấn,
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa Bộ trưởng,
Có lẽ vấn đề tôi đặt ra cũng đã trùng ý với các đại biểu trước, tuy nhiên tôi cũng xin được đặt vấn đề trao đổi ở góc độ khác theo suy nghĩ của mình. Trong nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến trên hiện nay theo tôi có 2 nguyên nhân quan trọng:
Thứ nhất là trình độ chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến dưới còn hạn chế. Trong khi trước đó để trúng tuyển vào các trường đại học ngành y, các thí sinh phải đạt điểm chuẩn đầu vào rất cao, có thể nói là cao nhất so với các ngành học khác cho thấy trình độ nền tảng của các bác sĩ khởi đầu là rất tốt. Nhưng cuối cùng khi bác sĩ ra trường làm việc ở các bệnh viện tuyến dưới thì có nhiều người dân chấp nhận khăn gói lên bệnh viện tuyến trên để khám chữa bệnh hoặc đến các phòng khám chữa bệnh ngoài giờ ở địa phương.
Thứ hai là trách nhiệm của Bộ Y tế và quản lý và tổ chức việc khám chữa bệnh cho nhân dân ở bệnh viện tuyến dưới được thực hiện chưa tốt. Từ những nội dung trên tôi xin đặt ra hai câu hỏi cho Bộ trưởng.
Một là Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về chất lượng chương trình đào tạo đội ngũ y, bác sĩ ở các trường đại học ngành y tế hiện nay và cần phải cải tiến bổ sung, sửa đổi chương trình đào tạo để đáp ứng vào thực tiễn như thế nào.
Câu hỏi thứ hai của tôi trùng với đại biểu Lâm ở Bình Thuận tuy nhiên tôi cũng xin đặt lại là tương tự như hậu quả tiêu cực ở việc dạy thêm ở lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng có giải pháp như thế nào để hạn chế những hậu quả tiêu cực do việc khám chữa bệnh ngoài giờ có thể gây ra. Xin cảm ơn Quốc hội. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội
Xin cám ơn đại biểu, đại biểu Chu Sơn Hà có đăng ký nhưng do Bộ trưởng chưa trả lời hết câu hỏi của đồng chí Chu Sơn Hà nên Bộ trưởng sáng mai trả lời xong thì đồng chí Chu Sơn Hà có thể hỏi thêm. Bây giờ kính mời Quốc hội nghỉ. Sáng mai chúng ta tiếp tục.

Quốc hội nghỉ.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét