Nguyễn Hoàng Đức
viet-studies
Văn học Việt trong nhiều năm mới đây đã từng khơi lên “Việt Nam bao giờ có được giải Nobel văn học?” Xét về nền móng đã được biểu hiện trên sách báo của chúng ta hiện nay, rõ ràng câu hỏi chưa tiếp cận hiện thực nói theo ngôn ngữ phim hoạt hình thỏ và sói của Nga là “hãy đợi đấy!” Có một nhà văn không nhỏ viết ra một phương ngôn đắng cay rằng “kẻ nào viết văn để giành giải Nobel sẽ không bao giờ giật được!” Giờ chúng ta hãy ngắm môn nghệ thuật trình diễn cho dễ hiểu: một tay chơi đàn vừa biểu diễn vừa lo ngắm nhìn khán giả sẽ chào mừng mình thế nào, ban giám khảo bị cuốn hút để trao giải cho mình, tâm trí của anh ta đặt ngoài cây đàn, anh ta liệu có hoàn thành bản nhạc cách xuất sắc hay không?! Một người muốn yêu nhưng không yêu theo cách tự giác hết mình hết sức mà chỉ lo đến hiệu quả của các hành động quyến rũ của mình, liệu tình yêu của anh ta có cháy lên ngọn lửa vong kỷ hướng tha tột đỉnh?! Thử tưởng tượng Đức Phật Thích Ca chưa lo ngồi thiền dưới gốc bồ đề để chứng quả mà chỉ lo soạn diễn văn trong tâm trí ngày mãn nguyện rồi phô trương cho chúng sinh, liệu ngài có giác ngộ thành công?! Chúa Jesus trước khi treo trên thánh giá Ngài đâu có hiểu được nỗi đau chưa trải nghiệm nhưng lòng Ngài vẫn tươi dòng niềm xao xuyến sợ hãi mơ hồ về con đường sứ mệnh cứu chuộc mà Ngài chỉ có thể hoàn tất khi đi xuyên qua nó?!
Muốn có quả để trao giải Nobel ư? Chúng ta buộc phải nhìn vào Cây, nghĩa là nhìn vào những tác giả sinh ra quả đó. Người Trung Quốc có câu “đại nhân đi đại lộ”. Có nghĩa là: người lớn sẽ đi con đường lớn tương xứng với họ. Nói đơn giản tất yếu rằng: xe lớn không thể đi vào đường nhỏ nơi làm cho hai hàng bánh của nó chìa ra ngoài. Tầu lớn không thể xuất phát từ bến cảng nhỏ. Một con tầu lớn cần những gì? Trước hết là tầm nhìn hoa tiêu thật xa, thứ đến cần máy móc công xuất lớn, sau là bánh lái lớn, cuối cùng là một lộ trình lớn để đi xa. Một tác giả như con tầu lớn cần cái gì? Tầm nhìn lớn chính là cái nhìn lý tưởng. Động cơ lớn chính là nội lực. Bánh lái là tri thức. Còn lộ trình lớn chính là sứ mệnh để đi xa.
Một con tầu lớn không có dự trình đi xa có khác gì ụ nổi nằm ệch trên bến cảng vòi vĩnh mấy đồng tiền sơn quết. Một tác giả không có sứ mệnh cho ngòi bút, chỉ ra ra vào vào, sinh hoạt đoàn thể vui chơi giả trí, ngâm nga dăm câu ba điều theo kiểu một đêm làm cả trăm bài thơ chắp nhặt đồng nát vụn vặt. Nếu chúng ta làm ra cả trăm cái bát đẹp thì chồng bát đó đâu có thể sánh với một tượng đài nguy nga tráng lệ đứng giữa trời.
Mới đây một nhà thơ cỡ lớn nhất của hệ bao cấp đã nói : chúng ta không ai là cá to, mà chỉ là tép. Thử hỏi một đàn tép khổng lồ cả vạn con kia liệu có đáng một cái hớp của cá voi? Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hàn mạc Tử, nhà xuất bản Phương Đông có ra mắt bốn tuyển tập thơ của Hàn Mạc Tử và hàng trăm tác giả, vị giám mục Hoàng Đức Oanh ở giáo phận Kontum có viết đại ý: trong vài trăm năm qua, người công giáo (bao gồm cả ngàn giáo sĩ học vấn rất uyên thâm) nhưng có mấy ai đã viết ra truyện ngắn hay tiểu thuyết để tôn vinh con đường cứu chuộc của đức tin. Mà chủ yếu chỉ có những bài thơ ngắn (“Có một vườn thơ đạo” NXB Phương Đông 2012, tr 13). Bên đạo đã vậy, bên đời cũng chẳng khá hơn, trong đằng đẵng lịch sử, Việt Nam chủ yếu chi có vài áng văn xuôi đáng chú ý như “Hịch tướng sĩ” hay tiểu thuyết lịch sử trên mức mini là “Hoàng Lê nhất thống chí”. Còn lại chúng ta chỉ có những bài thơ tức cảnh sinh tình, cũng là thơ sinh hoạt, những cái gọi là tác phẩm chỉ làm trong chốc lát, giống Tào Thục kia đi bảy bước làm xong bài thơ.
Thế nào là tác phẩm lớn? Tác phẩm lớn là đề tài phải lớn! Thể tài cũng phải lớn! Đó là “y phục xứng kỳ đức” tất yếu, và là đăng đối bắt buộc. Đề tài lớn nhất là gì? Bao giờ cũng là công lý! Những tác giả lớn sinh ra những tác phẩm lớn như Dostoievski với “Tội ác và trừng phạt”, và Kafka với “Vụ kiện”… bản thân những tác phẩm này đã nói lên cái nội dung công lý ở bên trong. Và chúng đầy uy thế bước vào hàng những tác phẩm đứng đầu thế giới. Đến mức một nhà văn phương Tây có viết trào lộng “Viết văn mà không thành Kafka thì viết làm gì?” Một cách kinh viện đây cũng chính là cách triết gia Aristote khẳng định: Văn học hơn hẳn các loại hình nghệ thuật khác vì chỉ có văn học mới tiếp cận được vẻ đẹp cao nhất của tâm hồn – đó là công lý.
Vẻ đẹp của tâm hồn là Công lý. Còn cái xấu xa của tâm hồn là Bất công. Muốn có công lý, thì người ta phải biết phân biệt phải – trái, đúng – sai, thiện – ác. Muốn phân biệt được thì phải có nhân vật để đối thoại. Hai trường ca Illiad và Odyssey vĩ đại, bởi chúng không chỉ là thi ca, chúng còn là tiểu thuyết, cũng còn là kịch với những nhân vật đấu và đối thoại nhau chan chát. Trong khi đó mới đây hàng trăm nhà thơ Việt được thống kê cùng vài trăm trường ca, nhưng chúng không hề có cốt truyện, nhân vật, cũng như đối thoại. Vậy chúng sinh ra là nhân danh cái gì? Nhân danh công lý ư? Nhân danh đề tài gì? Chẳng có tên gọi khác nào giành cho chúng là “sinh hoạt”.
Muốn làm một ngôi nhà lớn người ta phải có kết cấu bằng thép. Và những ngôi nhà kỷ lục cao nhất, chúng được nêu ra kỷ lục chiều cao, mà không cần đếm xỉa đến việc kiểu dáng xấu hay đẹp. Chiều cao và cấu trúc tòa nhà, đó chính là tầm vóc mà tư tưởng đạt đến. Nhiều chuyên gia thế giới có phân biệt văn minh chiều dài và văn minh chiều cao. Văn minh chiều dài như Vạn lý trường thành dù vĩ đại cũng chỉ là thứ bò dài, như chùa Trăm gian ở Việt nam làm thêm vài gian cho đến cả nghìn gian nới dài cũng chẳng có gì khó. Nhưng chỉ cần đạt một mét chiều cao sẽ vô cùng thách thức.
Cái cao nhất của tư duy là khả năng lý luận, bởi đó chính là phần cứng xây lên ý thức của con người cũng như làm cho một quốc gia trở thành cường quốc. Chỉ có với ý thức tiến bộ con người mới trưởng thành. Cả nước ta hiện nay mới có khoảng trên dưới chục mống chuyên chú việc lý luận phê bình văn chương nghệ thuật; còn lại đa số lẩn trốn tư duy lý luận cho đời nhàn hạ tươi mát, vì thế mà độ trưởng thành rất thấp, đa số còn ở não trạng tư duy vần vèo, không thể trực ngôn bàn vào chức năng của nhân vật cũng như cánh tả hay cánh hữu của công lý. Vì tư tưởng của chúng ta còn lẹt đẹt quá nên chúng ta mới chỉ có thể ra lò những bài thơ ngẵn tũn, có kéo dài một chút mong thành trường ca thì là cách tập hợp câu giờ theo kiểu ngâm nga ý ỳ y…
Cây nào ra trái ấy. Nhà máy sản xuất xe cải tiến thì không thể cho ra lò máy bay được. Muốn sản xuất ra máy bay, người ta phải lắp đặt một quy trình công nghệ khác hẳn. Mới đây, nhiều doanh nghiệp muốn nội địa hóa các phụ tùng lắp vào ô tô mà không làm nổi, đủ thấy tư duy ruộng lúa không dễ biến thành dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại. Vậy thì bằng cách đội giải thưởng lên đầu các nhà thơ tép riu liệu có biến họ thành tôm hùm được không? Nếu là tôm hùm thì bao lâu mới thành cá voi? Sự kiện Hoàng Quang thuận mới đây ứng cử giải Nobel chưa đầy vài tháng đã sụp đổ tan tành cho chúng ta nhận biết rằng: lâu đài cát xây vội vàng không hề có khung thép của tư tưởng và sứ mệnh chữ nghĩa chỉ là cái lấp lánh của bong bóng xà phòng.
Liệu chúng ta có nên nhìn về phía nhà văn may mắn Mạc Ngôn chăng? Mạc Ngôn được sự hậu thuẫn của một dân tộc đông nhất thế giới, tiền nhiều thứ hai thế giới… các nhà văn Việt đừng tưởng bở một bản sao của Mạc ngôn. Muốn đạt giải cao cho tác phẩm của mình thì trước hết hãy biết nâng cao tầm vóc của mình, chớ đừng cầm tóc mình nhấc lên, hay cắm tóc lên đầu nhau bằng giải thưởng. Một chiếc thuyền thúng bơi rất duyên dáng ở trong ao, đó là cách nó múa may khoe khéo khoe khôn để đạt nhiều giải thưởng hợp tác xã. Nhưng một chiến hạm khổng lồ không biết múa may mà vẫn vĩ đại. Trong cuộc đời, đám rước cờ quạt trống phách bao giờ cũng đi ra trước. Đó cũng là cách đắc chí theo đuổi của những người bé bỏng. Ngai vàng bao giờ cũng ra sau cùng. Một bức tường trong tầm mắt người ta thấy nó nhẵn nhụi, nhưng chỉ cần lùi ra xa chục mét, độ xù xì cũng không còn. Một cái tháp cao trăm mét nhìn thấy từ trăm dặm, người ta không bao giờ để ý đến tường của nó nhẵn hay xù xì. Những tác phẩm lớn cũng thế, chúng ám ảnh bạn đọc và gây hiệu quả cho thế giới. Còn những tác phẩm mùi mẫn đọc cho vui mơn trớn trên làn da làm sao có thể tác động đến tư tưởng? Nhưng nói vậy thôi, các tác phẩm thi ca, truyện ngắn hay tiểu thuyết của chúng ta ngay cả đến việc đọc cho vui cũng không xong, vì thơ thì phải dúi tặng, sách có nghìn người đọc… cốt truyện yếu, nhân vật yếu, đối thoại yếu làm sao đọc thấy cuốn hút mà vui. Vậy người bán được nhiều, người bán được ít thì sao? Sách bán được nhiều đa số nhờ cơ chế mậu dịch nhồi vào các thư viện, nhờ hệ thống lăng xê, và những định hướng thiên vị lệch lạc. Giờ chúng ta thử đặt một câu hỏi khác: tại sao sách anh bán được nhiều, anh ẵm nhiều giải thưởng mà giá trị ngòi bút của anh chưa nâng tầm, vẫn chỉ là tép?
Sáng tạo là một chặng đường tất yếu: con tầu lớn, lộ trình lớn, cập cảng lớn. Còn nếu bạn có là cái thuyền nhỏ, dù với bao nhiêu giải thưởng chăng nữa cũng đừng bao giờ áo tưởng rằng, thuyền ta may mắn trúng số độc đắc sẽ cập bến cảng lớn. Có rất nhiều thuyền lá tre bơi trong cảng bán mấy hàng xén vớ vẩn, ta chớ có lầm tưởng đó là cách ta đang cập cảng lớn. Không có chuyến đi xa thì không bao giờ vào cảng lớn! Đi càng xa thì hành trang càng lớn. Nhưng hành trang đầu tiên là ta hãy biết vứt bỏ ảo tưởng về việc chưa đi đã cập bờ cùng tiếng reo hò tung hô vang dội với vòng nguyệt quế của địa phương đội lên đầu. Con đường của địa phương, của thời cuộc thường ngược chiều với con đường vĩnh cửu của nhân loại. Văn học Xô-Viết đã chứng tỏ bài học đó. Còn chúng ta có đợi bài học đó đến đánh thức mình?
N H Đ 08/11/2012
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 8-11-12
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét