Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Câu hỏi “đầu tiên”

“Tiền đâu” đang là câu hỏi lớn nhất của nền kinh tế.
Nhưng thực ra câu hỏi mà Chính phủ phải trả lời không phải là tiền đâu, mà là dùng tiền như thế nào.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Sáng 11.11, tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam đăng một tin ''hot'': Duy nhất một đại biểu gửi văn bản chất vấn Thủ tướng. Cái “hot” còn nằm ở nội dung câu hỏi, nói một cách dân dã là “tiền đâu” và “bao giờ”.

Tỉnh Nghệ An đã có 3.119 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng; 80.615 cá nhân, gia đình được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa được nhận tiền khen thưởng kèm theo. Chỉ tính riêng tiền thưởng kèm theo bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh (tính theo Luật Thi đua khen thưởng) đã lên tới gần 100 tỉ đồng. Đây là vấn đề nổi cộm được cử tri kiến nghị rất nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết.

Nghệ An là tỉnh khó khăn, đối tượng chính sách lớn nên ngân sách tỉnh không cân đối nổi. UBND tỉnh đã có tờ trình 7498- ngày 1.12.2011 gửi Thủ tướng đề nghị hỗ trợ tiền thưởng, nhưng chưa được giải quyết. Vị đại biểu Quốc hội này chất vấn Thủ tướng: Thủ tướng có quyết định thưởng kèm theo cho 3.119 bằng khen của Thủ tướng không? Nếu có thì bao giờ được? Chính phủ có hỗ trợ tỉnh Nghệ An số tiền thưởng kèm theo bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh không? Nếu có thì bao giờ được?

Một câu hỏi “tiền đâu”, cho những người có công với cách mạng - dường như cũng đã già cả lắm rồi. Một câu hỏi được đặt ra không hề khôi hài, dù trong bối cảnh ngân sách thâm thủng đến độ không có nổi tiền tăng lương “theo lộ trình”.

Thật khó cho Thủ tướng. Thật khó cho Chính phủ; trước nguyện vọng, cũng thật khó có thể nói là không chính đáng của cử tri.

Khó là bởi câu hỏi “tiền đâu” đang là câu hỏi lớn nhất của nền kinh tế.

60 tấn vàng đã được “thu hút vào nền kinh tế”. Dự trữ ngoại hối đến hết tháng 10 đạt hơn 23 tỉ USD- tương đương 11,5 tuần nhập khẩu. Chín tháng đầu năm, huy động vốn của các ngân hàng tăng 11,7%. 50.000 tỉ đồng đang chất đống trong nhà băng. Ấy thế mà doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được nguồn vốn, khi phần “cho vay” chỉ tăng 2,52% so với 31.12.2011.

PGS-TS Nguyễn Thị Mùi có lần dẫn ra hai hiện tượng: “Hoạt động cho vay vẫn diễn ra, nhưng tín dụng không có tăng trưởng hoặc tăng trưởng rất thấp”; trong khi “Những hoạt động thâu tóm, mua bán, sáp nhập, các công ty sân sau, sở hữu chéo trong ngân hàng... đã và đang tạo ra những vòng luẩn quẩn của dòng tiền”. Nỗi lo nợ xấu và vấn đề nhóm lợi ích trong khối ngân hàng đang khiến dòng tiền “lòng vòng trong các ngân hàng”.

Câu hỏi mà Chính phủ phải trả lời, vì thế, không phải là tiền đâu, mà sẽ dùng tiền như thế nào.

Bộ trưởng “tay hòm chìa khóa” Vương Đình Huệ từng than thở: “Không còn dư địa nào để tăng thu, trừ phi được… in thêm tiền”. Hình như ông quên không giải thích rõ với dân vì sao ngân sách giảm thu nặng nề đến như vậy. Hình như khi than thở, ông cũng quên bẵng câu chuyện thu tiền, chi tiền là nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Tài chính.

Nhưng không chỉ những người có công với cách mạng ở Nghệ An, 22 triệu người hưởng lương khác cũng đang chờ câu trả lời “tiền đâu” của Bộ Tài chính, 200 ngàn doanh nghiệp “không còn đóng thuế” năm 2011, 26 ngàn “cái chết” tiếp trong 6 tháng đầu năm 2012 và hàng chục ngàn khác đang “thoi thóp” cũng chờ câu trả lời “tiền đâu” từ thống đốc.

Và đó là những câu hỏi đòi hỏi phải được trả lời bằng thực tế, chứ không phải chỉ là những hứa hẹn trên nghị trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét