Câu chuyện đằng sau vị trí thứ nhất
Ngoài chiến thắng dễ dàng nhìn thấy được là đã vượt qua Thái Lan để giành ngôi vị số 1 trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, nhưng đã ai tính, chúng ta đạt được gì từ việc xuất khẩu gạo hàng năm?
Vươn lên trở thành nước xuất khẩu số một thế giới là một nỗ lực "phi thường” của Việt Nam trong năm 2012 này và là một thắng lợi đáng tự hào. Tuy nhiên, ngoài chiến thắng dễ dàng nhìn thấy được là đã vượt qua Thái Lan để giành ngôi vị số 1 trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, nhưng đã ai tính, chúng ta đạt được gì từ việc xuất khẩu gạo hàng năm?
Trọng số lượng mà bỏ qua chất lượng
Ngay tại thị trường Hoa Kỳ nơi có cộng đồng người châu Á khoảng 15 triệu người, trong đó có 2 triệu là người gốc Việt, họ đã và đang ăn gạo có xuất xứ từ châu Á nhưng không phải Việt Nam.
Ông Đào Trần Nhân, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: "Từ đầu năm đến nay, gạo Việt Nam xuất vào thị trường này khoảng 20.000 tấn, một con số khiêm tốn so với các thị trường khác. Nhưng điều quan trọng, gạo có xuất xứ từ Việt Nam chủ yếu chỉ được dùng làm nguyên liệu”.
Gạo Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ được dùng để chế biến thành nguyên liệu, điều này đồng nghĩa với việc giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam rất thấp so với gạo Thái Lan. Theo ước tính, từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu gạo Thái Lan vào thị trường Hoa Kỳ cao gấp khoảng 30 lần so với Việt Nam.
Trong khi đó, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết tình hình giá gạo thế giới hiện nay diễn biến rất bất thường. Thế giới đang hình thành 3 khung giá. Giá gạo cấp thấp thuộc về Ấn Độ, Myanmar, còn thị trường gạo giá trung bình thuộc về Việt Nam và Pakistan... Riêng gạo giá cao do Mỹ và Thái Lan chi phối.
Giáo sư Peter Timmer (Đại học Stanford-Hoa Kì) trong một cuộc hội thảo an ninh lương thực tại Việt Nam: Thực trạng, chính sách và triển vọng, đã chỉ ra "Phải chăng một cuộc khủng hoảng lúa gạo đang ló dạng” ông cũng cho biết nhu cầu tiêu thụ lương thực tại châu Á đã giảm đi rất mạnh và xu thế này ngày càng tăng trong những những năm gần đây. Theo GS Timmer, thu nhập cao hơn thì lại tiêu thụ (gạo) ít đi. Có nghĩa là lúa gạo ngày càng trở thành một phần nhỏ trong khẩu phần năng lượng. Điều này cho thấy một cuộc khủng hoảng dư thừa lúa gạo đang ló dạng.
Như vậy cần phải có chiến lược xây dựng thương hiệu gạo cấp quốc gia, chất lương tốt. Điều Việt Nam cần hướng đến là lúa chất lượng cao.
Tính lại bài toán
Cùng là nước có vai trò xuất khẩu gạo nhưng quốc gia nào cũng có thương hiệu và tên sản phẩm riêng. Chẳng hạn Pakistan có Basmati, Thái Lan có Khaodawkmali, Nhật Bản có Japonica… còn Việt Nam chỉ biết đến gạo trắng.
Đã thế tiêu chuẩn gạo trắng Việt Nam hiện nay được xác định bởi hình thức, trong đó tỷ lệ tấm là số 1. Các tiêu chí khác như độ dài hạt gạo, tỷ lệ bạc bụng cũng được đề cập đến nhưng là thứ yếu; Đặc biệt các tiêu chuẩn xác định chất lượng như hàm lượng Amylose, độ dài thể gen… không được đề cập đến. Gạo xuất khẩu Việt Nam được đánh giá ở mức độ bình thường và vì vậy trị giá đưa về thấp.
Ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc trung tâm khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định, cần hướng tới gạo thơm, để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Các chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, với cách thức công nghiệp hóa hiện nay thì trong thời gian ngắn một khối lượng lớn người nông dân khó có thể có việc làm từ dịch vụ và công nghiệp. Do vậy nông nghiệp vẫn là nguồn sống chính của nông dân trong thời gian dài và trồng lúa vẫn là ngành nghề chính. Vì vậy phía sau việc xuất khẩu gạo số 1, cần phải làm rõ việc tăng thu nhập cho người sản xuất.
Theo khảo sát của VFA, hiện nay người trồng lúa đang phải chịu tới 13-14 khoản thu liên quan đến thuế, phí, trong đó có nhiều khoản thu không hợp lý và tạo ra nhiều khó khăn cho họ. Do vậy, trong tuần tới VFA sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đề nghị bổ sung vấn đề hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho người trồng lúa vào quy chế tạm trữ lúa, gạo sắp tới trình Chính phủ xem xét.
Theo Hồ Hương - Đại đoàn kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét