Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

(2) Biển Đông cho muôn đời sau


Tác giả : Nguyễn Mạnh Trí


Trong năm 2011, tình hình biển Đông không có đột biến về phương diện quân sự nhưng rất sôi động về phương diện ngoại giao cũng như chuẩn bị quân sự của các quốc gia liên hệ. Như lời phát biểu của phát biểu của đại sứ Đặng Đình Quý trong buổi Hội thảo quốc tế về biển Đông vào đầu tháng 11-2011 do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng ngày càng hiển nhiên của biển Đông đối với hòa bình và ổn định của toàn khu vực khi cảnh báo rằng: “Biển Đông vẫn còn đầy rẫy những mối căng thẳng tiềm tàng có nguy cơ leo thang thành xung đột trên quy mô toàn diện nếu không cố gắng tự kiềm chế và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”. Bài viết này chỉ ghi lại những nét tổng quát về tình hình biển Đông trong năm 2011. Để biết chi tiết về các biến cố, xin vào các đề mục liên hệ trong website: www.tranhchapbiendong.com.

Trung Quốc
Cho đến bây giờ, Trung Quốc vẫn dùng hai chiến thuật cố hữu để hăm dọa các láng giềng Đông Nam Á và ngăn cản không cho các quốc gia khác can thiệp vào vấn đề biển Đông:


- Dùng bản đồ lưỡi bò bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông (biển Nam Trung Hoa) là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, Pratas và Macclesfield, với khoảng 75% diện tích mặt nước của biển Đông (1.7 triệu km2), chỉ chừa lại khoảng 25% cho tất cả các nước: Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam, tức mỗi nước chỉ có trung bình 5%. Trung Quốc viện dẫn yếu tố lịch sử để xác định có “chủ quyền không thể tranh cãi tại các hòn đảo trên biển Hoa Nam (biển Đông) và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này”. Trung Quốc luôn bác bỏ những lời kêu gọi quốc tế hóa hồ sơ biển Đông. Trung Quốc nói rằng Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) “không thể nào là nền tảng cho đòi hỏi lãnh thổ của một nước” cũng như UNCLOS “cũng không thể thay đổi vị thế pháp lý không tranh cãi của Trung Quốc trong việc có chủ quyền ở Nam Sa” [tên Trung Quốc đặt cho quần đảo Trường Sa]. Trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 19/11/2011 tại Bali, Bắc Kinh đã hoài công chống lại ý định của Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn nêu vấn đề biển Đông ra trước hội nghị - gồm 18 nước. Chẳng những thế, quan điểm chủ quyến lịch sử của Trung Quốc hầu như đã bị toàn bộ các nước có mặt tại Bali phủ nhận.
- Các nước trong vùng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề biển Đông, thế nhưng tiến trình đã bị ngưng trệ, bởi Trung Quốc áp dụng chính sách ba không: nói không với quốc tế hóa vấn đề biển Đông, nói không với đối thoại đa phương, nói không với bất kỳ bên thứ ba nào can dự giải quyết vấn đề biển Đông. Trong nhiều cuộc họp song phương hay đa phương, kể cả trong các cuộc họp với Trung Quốc, vấn đề này đã được gợi lên và đi đến cùng một kết luận: tranh chấp phải được giải quyết trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế. Trung Quốc vẫn ngoan cố giữ luận điệu cố hữu. Trong cuộc họp với các lãnh đạo Đông Nam Á, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, tranh chấp biển Đông là một vấn đề riêng của khu vực, và “Các thế lực bên ngoài không nên viện bất kỳ cớ nào để can thiệp”, với mục đích là loại Hoa Kỳ ra khỏi vùng này để dễ bề khống chế các nước nhỏ. Ông ta nói: “Vấn đề này cần được giải quyết thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”. Lời cảnh báo trên đây được đưa ra đúng vào lúc bế mạc thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 tại Bali. Hoàn cầu Thời báo, cánh tay phải của đảng Cộng sản Trung Quốc, lại tiếp lời đe dọa “Bất kỳ một cuốc gia nào muốn trở thành quân cờ của Mỹ sẽ mất đi cơ hội gặt hái những thành quả kinh tế của Trung Quốc”. Chính sách đối ngoại ba không này, khiến cho xung đột Biển Đông không có hướng giải quyết. Quan điểm dấn thân của Mỹ vào hồ sơ biển Đông đã từng chi phối Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ nhất ở Singapore vào năm 2009, được nêu bật tại Hội nghị lần 2 tại New York vào năm ngoái, và năm nay lại càng nổi bật hơn nữa sau một loạt hành động của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam và Philippines, mà mới đây đã gián tiếp bị Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gọi là hành vi hù dọa.
Trung Quốc xem Việt Nam và Philippines là hai mục tiêu hàng đầu trong nỗ lực bành trướng của họ, bằng cách phối hợp hoạt động xâm nhập của các lực lượng bán quân sự (tàu hải giám, tàu đánh cá) và các hành động dọa nạt tấn công trên các mạng truyền thông:
- Lực lượng bán quân sự: Trung Quốc dùng các tàu hải giám, tàu đánh cá xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải của Philippines và Việt Nam để lượng giá hệ thống phòng thủ cũng như xem phản ứng của hai nước này. Trong năm 2011, Trung Quốc đã dùng tàu hải giám và tàu đánh cá xâm nhập lãnh hải với ý đồ cắt cáp tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam trong thềm lục địa nước này. Trung Quốc cũng nhiều lần làm như vậy đối với vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Philippines.
(Hình 2: Dây cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải Việt Nam ngang nhiên cắt đứt - DR)
- Chiến tranh tâm lý: Trung Quốc dùng mạng truyền thông chính thức (Tân Hoa Xã) cũng như bán chính thức (Hoàn Cầu Thời Báo - Global Times, The China Post, China.com) để dọa nạt Việt Nam và Philippines không được thân thiện với Hoa Kỳ, đồng thời thách thức cả Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia. Các báo này thường xuyên đe dọa tấn công Trường Sa. Các tập đoàn dầu khí của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Anh Quốc cũng bị cảnh cáo không được hợp tác với Việt Nam.
Các diễn biến liên hệ đến vấn đề Biển Đông trong năm 2011 có thể chia làm hai giai đoạn:
- Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự của mình: Trong 6 tháng đầu, các mạng truyền thông Trung Quốc thường xuyên đánh bóng sức mạnh của quân lực, nhất là hải quân Trung Quốc. Hàng không mẫu hạm cũ Thi Lang (Varyag), mua của Ukraine năm 1998, được thử nghiệm đầu tiên vào tháng 8-2011 và sau đó Trung Quốc cũng im hơi lặng tiếng luôn. Dàn khoan dầu CNOOC 981, trị giá 900 triệu USD, có thể hoạt động ở độ sâu 3,000 m, hoàn tất tháng 5-2011. Trung Quốc tuyên bố sẽ đặt dàn khoan này gần đảo Bình Nguyên (Flat Island) thuộc lãnh hải Philippines. Bị Philippines chất vấn và phản đối mãnh liệt với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, đến bây giờ chưa thấy bóng dáng dàn khoan này.
(Dàn khoan dầu nước sâu khổng lồ do Trung Quốc chế tạo sẽ được kéo tới dò tìm dầu khí ở biển Đông, khu vực đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với một số nước ASEAN - (Hình: China.org.cn)

- Hành động đối trọng của các quốc gia ASEAN và các đồng minh trong vùng: Trong sáu tháng cuối 2011, Hoa Kỳ bắt đầu thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong vùng Á Châu - Thái Bình Dương trên hai mặt trận kinh tế - quân sự. Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cũng đã đưa ra những quyết định quan trọng, trong thế liên minh với Hoa Kỳ. Philippines và Việt Nam đã có những hành động rõ ràng trong nỗ lực bảo vệ lãnh hải của mình. Có thể nói rằng tại Hội nghị Bali, Bắc Kinh bị bị đẩy vào thế thủ, đơn độc trên vấn đề biển Đông vì không có nước nào lên tiếng ủng hộ quan điểm chủ quyền của Trung Quốc. Trước áp lực của Hoa Kỳ sau hai hội nghị thượng đỉnh APEC và Đông Á, Trung Quốc có vẻ dịu giọng . Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nhấn mạnh, Bắc Kinh cam kết giữ an ninh cho các thủy lộ. Theo bài nhận định đăng tải trên Bloomberg ngày 21-11, Trung Quốc đã hạ giảm những căng thẳng với Hoa Kỳ và đề nghị tài trợ để củng cố sự hợp tác hàng hải tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời gọi Hoa Kỳ là nước đóng vai trò quan trọng tại Châu Á kể từ sau đệ nhị thế chiến. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không chỉ trích thỏa thuận giữa Mỹ với Australia hầu củng cố sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực.

Hoa Kỳ
Vấn đề nợ công và thâm thủng ngân sách ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ tại Á Châu. Hoa Kỳ cần giảm từ 4 ngàn đến 4,5 ngàn tỷ đô la (3 ngàn tỷ từ cắt giảm chi tiêu và 1,5 ngàn tỷ từ tăng thuế). Tuy nhiên Hoa kỳ vẫn cố gắng thể hiện vai trò lãnh đạo của mình tại khu vực Á Châu — Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 12-1-2010 đã tuyên bố: “Như vậy, tôi cho là không có gì đáng hoài nghi về sự kiện Mỹ trở lại châu Á, nếu trước đây người ta có đôi chút nghi ngờ khi chính quyền này mới nhậm chức. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi trở lại để ở lại tại đó”. Bài viết mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, trên tạp chí Foreign Policy tiêu biểu cho tư duy này: “Tương lai của Mỹ được đan quyện thiết thân với tương lai khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, đồng thời bà Clinton đề cao “vai trò không thể thay thế [của Washington] trong khu vực Thái Bình Dương”.
Mục tiêu chiến lược chính của Mỹ là đối trọng với Trung Quốc đang ngày càng mạnh, đặc biệt sau khi Bắc Kinh có những động thái, yêu sách một cách gây hấn về biển trong khu vực. Trong năm 2010, khá nhiều quốc gia trong vùng Á Châu - Thái Bình Dương mong mỏi sự hiện diện của Hoa Kỳ nhưng cũng không tin tưởng lắm về sự cam kết của Hoa Kỳ.
Bắt đầu 2011, những chuyến viếng thăm của những nhân vật cao cấp nhất của hai ngành ngoại giao và quốc phòng Hoa Kỳ, và những chuyển động trong việc tái phối trí lực lượng Hoa Kỳ tại vùng Đông Bắc và Nam Á, bắt đầu mang lại sự an tâm cho cac quốc gia trong vùng.

Tháng 11-2011, ở Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Hawaii và Hội nghị Đông Á (EAS) tổ chức tại Indonesia, Tổng thống Obama đã loan báo những cam kết về kinh tế và an ninh, xác nhận vai trò lãnh đạo trong các tổ chức đa phương của châu Á, cũng như tăng cường các mối quan hệ song phương với các nước châu Á, bao gồm cả các đồng minh truyền thống và các cường quốc đang nổi của khu vực.
Về hồ sơ biển Đông, tổng thống Obama đã xác định với Trung Quốc và các lãnh đạo ASEAN rằng, đây là một vấn đề liên quan đến mọi người và tất cả đều cùng phải góp sức giải quyết, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trước đó một hôm, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố trước nghị viện Australia rằng, với tư cách cường quốc Châu Á - Thái Bình Dương, “Mỹ đang và sẽ hiện diện tại đây”.
Một điểm quan trọng là vấn đề chia sẻ trách nhiệm. Cả Robert Gates lẫn Leon Panetta, trong chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã từng đến châu Âu để nói với các đồng minh của Mỹ ở đó về việc họ không dành ngân sách đầy đủ cho quân lực của họ. Đây không phải là hiện tượng lạ tại châu Âu - thậm chí trong thời Chiến tranh lạnh, các đối tác của Mỹ tại châu Âu cũng chỉ đóng những vai phụ trong vở tuồng giữa hai vai chính là Washington và Moscow. Từ khi Liên Xô sụp đổ đến nay, sự cách biệt về ngân sách quốc phòng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trở nên tồi tệ hơn nữa: Chỉ 4 trong 27 quân đội của các nước thành viên NATO, không tính đến Mỹ, chịu chi tiêu đủ tỷ số đã thỏa thuận là 2% GDP vào ngân sách quốc phòng. Các cường quốc Á Châu như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Đại Hàn và các quốc gia ASEAN, chắc chắn sẽ đóng góp công bằng trong thế liên minh với Hoa Kỳ. Sự tăng cường ngân sách của các quốc gia Đông Nam Á trong thời gian gần đây đã chứng tỏ điều này.
Trong chiến dịch quân sự tại Lybia, Hoa Kỳ quyết định chỉ đóng vai trò yểm trợ, để cho NATO dưới sự chỉ huy của Anh-Pháp đóng vai trò chủ động. Mô hình này cũng có thể áp dụng cho biển Đông. Thay vì chủ động lãnh đạo, Hoa Kỳ có thể chia sẻ trách nhiệm với Ấn Độ - Nhật Bản - Úc Đại Lợi - Đại Hàn để có một sự hợp tác tập thể. Trên bình diện châu Á - Thái Bình Dương, nhìn chi tiết hơn:

Mặt trận kinh tế
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Hawaii tháng 11-2011. Trọng tâm của chính sách khu vực này là mậu dịch: Với việc Hiệp ước Tự do Thương mại Mỹ-Hàn đã được Quốc hội Mỹ thông qua, bây giờ Hoa Kỳ tìm cách thắt chặt vai trò lãnh đạo kinh tế của mình tại châu Á bằng cách thúc đẩy hoàn tất Hiệp ước Đối tác Xuyên-Thái Bình Dương (TPP), một hiệp ước thương mại đang được đàm phán giữa chín nước Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, dự trù sẽ hoàn tất vào đầu năm 2012.

Nhật Bản tuyên bố sẽ tham gia vòng đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP và ngày 13/11/2011, có thêm hai nước thông báo gia nhập TPP, đó là Canada và Mexico. Đối với Hoa Kỳ, đây là thành công lớn nhất tại Diễn đàn APEC 2011
Như vậy, hiện nay, đã có 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một thị trường rộng lớn với 800 triệu người tiêu dùng và chiếm gần 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới. Với quy mô này, TPP lớn hơn nhiều so với Liên Hiệp Châu Âu.
Trung Quốc và Nga chắc chắn cũng sẽ được mời tham dự với những điều kiện của những nước đi trước.

Mặt trận quân sự
Tạp chí The National Interest số tháng 2 năm 2011 đã phác họa một chiến lược mới, tạm dịch là Phòng Thủ Từ Xa (Offshore Balancing) trong đó đưa ra một liên minh gồm Hoa Kỳ - Việt - Ấn - Nhật - Nam Hàn - Singapore - Úc Đại Lợi (Chú thích: Nguyên bản có Nga nhưng không có Úc Đại Lợi) nhằm ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. Cùng với chủ trương trở lại châu Á, Mỹ đưa ra chiến lược tác chiến mới — “Tác chiến không-biển” để vô hiệu hóa chiến lược “chống tiếp cận — phong tỏa khu vực” của Trung Quốc và duy trì ưu thế quân sự của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu.
Gần đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã tuyên bố về sự di chuyển một phần quân lực Hoa Kỳ từ những căn cứ vùng Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đại Hàn) xuống các căn cứ mới ở Đông Nam Á và Úc Châu trong vài tháng hay vài năm sắp đến:
- Úc đã đồng ý đón nhận lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong những năm tới, Thủ tướng Julia Gillard công bố tại một cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Canberra. Bà Gillard cho biết khoảng 250 lính thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tới căn cứ Darwin, phía Bắc Úc vào năm tới, và rồi sẽ nâng lên 2.500 lính.
- Mỹ đã 'lặng lẽ' đưa một tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia, chiếc USS Texas (SSN 775) với tàu yểm trợ USS Emory (AS 39) tới vịnh Subic ở Philippines hôm 10-11. Tuy Mỹ đã đưa tàu ngầm tấn công tới Tây Thái Bình Dương từ hôm 10-11 nhưng thông tin về sự kiện này chỉ được giới truyền thông thông báo vài ngày sau đó.
(Mỹ đã bí mật đưa tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Texas cùng một tầu yểm trợ USS Emory tới vịnh Subic ở Philippines)
- Singapore, dù rằng với một diện tích rất nhỏ, đã đón các chiến hạm Hoa Kỳ vào nghỉ ngơi và sửa chữa.
- Tháng 8-2011, Hoa Kỳ và Việt Nam đã khởi đầu mối quan hệ quân sự đầu tiên kể từ sau chiến tranh, với việc ký một hiệp ước hợp tác giữa hai Cục Quân y. Lãnh đạo Việt Nam cũng tuyên bố, hải cảng Cam Ranh đang được tân trang để đón các chiến hạm Hoa Kỳ và Đồng Minh vào nghỉ ngơi và sửa chữa.
(Hình 5: Tàu tiếp liệu đạn dược và đồ khô USNS Richard E. Byrd đến Cam Ranh trong năm 2011 - Hình: msc.navy.mil)
- Căn cứ Utapao tại Thái Lan cũng có thể tái khởi động. Miến Điện trong tương lai cũng có khả năng trở thành một đồng minh nhiều tiềm năng.

Việt Nam
Trong năm 2011, Việt Nam đã có những cố gắng đáng kể trong hai lãnh vực ngoại giao và tăng cường nỗ lực phòng thủ hải phận:
Về ngoại giao: Trong các tháng cuối năm, ba lãnh đạo Việt Nam đã có những cuộc thăm viếng dồn dập:
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Vương quốc Hà Lan (cuối tháng 9-2011).
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc trong năm ngày (từ 10-10 đến 15-10-2011). Cùng lúc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Ấn Độ (từ 10-10 đến 13-10-2011).
- Sáng 11-10-2011, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, Angela Merkel đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 11 đến 12-10) theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Philippines từ 26-10 đến 28-10-2011.
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản trong bốn ngày, bắt đầu từ ngày 30-10-2011 theo lời mời của tân Thủ tướng Yoshihiko Noda. Đáng chú ý là chuyến thăm này chỉ diễn ra ba ngày sau khi phái đoàn quân sự Việt Nam, do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh rời Nhật Bản.
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hàn Quốc từ 8-11 đến 9-11 và sau đó đến Hawaii tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19 (từ ngày 10-11 đến 13-11).
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội nghị Đông Á (EAS) tại Bali, Indonesia (từ 17-11 đến 19-11-2011).
- Tổng thống Israel Shimon Peres thực hiện chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 đến ngày 26-11-2011 theo lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang.
- Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ ba do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đảm trách tại Hà Nội ngày 4 và 5-11-2011. Trong thông cáo báo chí của hội nghị thì có 31 tham luận và hơn 70 ý kiến được đưa ra qua 8 phiên làm việc của hội nghị. Số người tham dự gồm gần 200 học giả và đại biểu từ nhiều nước khác nhau trong đó có 8 học giả Trung Quốc.
Tăng cường phòng thủ: Trong năm 2011,Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để tăng cường khả năng phòng thủ của mình:
- Hai chiếc tàu hộ tống Gepard 3.9 thế hệ mới (dự án 11661) của Nga đã hoàn tất tại Nga và được bàn giao tháng 3 và tháng 8 - 2011. Hai chiếc Gepard kế tiếp có thể đóng tại Việt Nam với chuyển giao kỹ thuật từ Nga.
- Trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam ngỏ ý muốn mua 4 tàu hộ tống lớp Sigma của Hòa Lan. Hai nước đã thỏa thuận về giá trị của 4 tàu hộ tống trên, tuy nhiên, hợp đồng mua 4 tàu hộ tống lớp Sigma chưa được ký kết.
- Nga đang hỗ trợ Việt Nam đóng thêm một số tàu tên lửa Molnya thuộc dự án 12418. Hãng thông tấn Itar-Tass dẫn lời Phó giám đốc nhà máy đóng tàu Vympel, ông Dmitry Belyakov, nói rằng, công ty của ông đang chuyển đến Việt Nam các bộ phận để đóng 6 tàu tên lửa Molniya đầu tiên theo kế hoạch. Việt Nam cũng đang cân nhắc đóng thêm 4 tàu khác nửa.
- Bản tin trên báo điện tử Strategypage.com ngày 3/11/2011 cho hay, Việt Nam vừa tiếp nhận hai chiếc tàu tuần tra cỡ nhỏ Svetlyak (dự án 10412) trọng tải 375 tấn do Nga sản xuất. Như vậy, tổng cộng Việt Nam đã nhận 4 chiếc tàu kiểu này từ công ty đóng tàu Almaz Shipyard ở thành phố St Peterburg của Nga cung cấp. Hai chiếc ban đầu được giao vào năm 2002. Theo tờ Maritime Propulsion, thêm hai chiếc nữa đang được hoàn thành tại công ty Vostochnaya Verf ở Vladivostok, và dự kiến sẽ giao cho Việt Nam vào năm sau.
- Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá gần 2 tỷ Mỹ Kim để mua của Nga 6 tàu ngầm tấn công loại Kilo cải tiến 636. Chiếc đầu tiên đã được khởi công 2011, dự trù chuyển giao năm 2014.
- Báo Đất Việt dẫn nguồn tin tạp chí quốc phòng Kanwa - chuyên các vấn đề an ninh Đông Á - nói Việt Nam đã ký hợp đồng mua 8 chiếc Su-30MK2 năm 2009 và 12 chiếc năm 2010. Cho tới giữa năm nay, đã có 4 chiếc Su-30MK2 được giao hàng. Theo Kanwa, công ty sản xuất máy bay Sukhoi nói sẽ chuyển cho Việt Nam 16 chiếc còn lại trước cuối năm 2011. Tổng giá trị của hai hợp đồng mua Su-30MK2 không được công bố, nhưng người ta ước tính lên tới 1 tỷ đôla. Su-30MK2 là phiên bản nâng cấp của loại Su-27UB Flancker hai chỗ ngồi, có khả năng phóng tên lửa chống tàu, tiêu diệt mục tiêu mặt nước và mặt đất. Việt Nam được nói đang cân nhắc việc cùng Nga mở trung tâm bảo dưỡng chiến đấu cơ Sukhoi ở trong nước.
- Hoa Kỳ đã đề nghị bán loại thủy phi cơ United Capital Corporation (Grumman) G-111T. Canada cũng có thể cung cấp thủy phi cơ tương tự, loại The Bombardier 415MR, có thể dùng để tuần tiễu và săn tàu ngầm.
- Tập đoàn NPO Mashinostroenia của Nga đã giao hai hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P cho Việt Nam năm 2011. Chi phí cho hợp đồng này được lấy từ tín dụng nhà nước do Nga cấp cho Việt Nam. Tờ Ruvr của Nga cho biết, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán để mua thêm hai tổ hợp Bastion của Nga.
- Hồi tháng Hai năm 2007, BBC đưa tin, Nga thiết lập hai trung tâm bảo trì vũ khí do họ sản xuất, một tại Việt Nam và một tại Trung Quốc. Với hợp đồng mua sáu tàu ngầm tấn công loại Kilo cuối năm 2009, Việt Nam đã trả thêm cho Nga 2 tỷ Mỹ Kim để giúp thiết lập một căn cứ tầu ngầm, cung cấp thiết bị bảo trì và sửa chữa, thành lập một trung tâm chỉ huy và truyền tin, và huấn luyện các cán bộ chuyên môn cho Việt Nam.

Các cường quốc Á Châu — Thái Bình Dương
Trong năm 2011, các cường quốc Á Châu đã tỏ rõ quyết tâm trong thế liên minh với Hoa Kỳ nhằm đối lại những tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực:
Nhật Bản: Nhật Bản luôn nhấn mạnh nguyên tắc luật pháp quốc tế cần được tôn trọng tại biển Đông. Thủ tướng Noda đã có hai cuộc họp thượng đỉnh liên tiếp: một với 10 lãnh đạo ASEAN, và một với 5 lãnh đạo các nước vùng Mekong. Trong bản thông cáo chung của cuộc họp thượng đỉnh Nhật Bản - Mekong chẳng hạn, các bên đã gợi lại vấn đề biển Đông, và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được mọi người thừa nhận. Các nguyên tắc này bao gồm tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Những quyết định gần đây của Nhật Bản:
- Công khai tăng cường hợp tác quốc phòng với hai nước ASEAN đang bị Bắc Kinh chèn ép dữ dội là Việt Nam và Philippines.
- Sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực (Đối thoại quốc phòng với các nước ASEAN để bàn về an ninh hàng hải biển Đông, đề nghị thành lập Diễn đàn An ninh Hàng hải Đông Á).
- Tăng cường hợp tác an ninh với Ấn Độ.
- Chuyển trọng điểm chiến lược theo hướng khu vực phía Tây và Tây Nam, nhằm bao vây đường đi ra Thái Bình Dương của Trung Quốc.
- Tập trận lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, điều quân từ Bắc xuống Nam với sự tham gia của 5,400 binh sĩ cùng 30 máy bay chiến đấu, 1,500 xe tăng lội nước, trong đó có cả loại xe tăng 90 hiện đại nhất của Nhật Bản.

Ấn Độ: Trước năm 2011, Ấn Độ vẫn giữ thế cân bằng tế nhị giữa quan hệ Trung-Ấn và liên hệ với các quốc gia ASEAN. Quan hệ Hoa Kỳ-Ấn Độ gần đây trở nên nồng ấm hơn và với sự khuyến khích của Hoa Kỳ, để có một vai trò mạnh mẽ hơn ở Châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã có những bước tiến đầu tiên nhằm tiến tới xác lập ‘một sự hiện diện lâu dài’ trên biển Đông”. Những quyết định gần đây của Ấn Độ:
- Tăng cường sức mạnh hải quân cho cánh phía Đông. Hải quân Ấn Độ sẽ tham gia bảo vệ an ninh hàng hải trên biển Đông.
- Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam về huấn luyện và đóng tàu. Hiện nay, Ấn Độ đang cân nhắc yêu cầu hỗ trợ quân sự của Việt Nam (huấn luyện phi công cho SU-MK2, thủy thủ đoàn tàu ngầm Kilo, hiện đại hóa hải cảng chiến lược, chuyển giao tàu chiến cỡ trung và hỏa tiễn BrahMos).
(Hỏa tiễn BrahMos trên giàn phóng lưu động.)
- Tập đoàn ONGC Videsh Ltd. của Ấn Độ sẽ vào khai thác 2 lô 127 và 128 ở biển Đông. Tuy Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra phản đối hôm 15-9-2011 nhưng Ấn Độ đã chính thức bác bỏ phản đối của Trung Quốc. Trong cuộc gặp song phương với đồng nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã thông báo là New Delhi vẫn xúc tiến công việc thăm dò dầu khí ngoài biển Đông, tại khu vực được Việt Nam giao quyền khai thác. Theo ông Singh, đó là một vấn đề “thuần túy thương mại”. Tuyên bố này đã mặc nhiên bác bỏ lời phản đối chính thức mà Bắc Kinh đưa ra, cho là tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh đã xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Úc: Úc là một quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản, đất rộng, người thưa, lại ở xa biển Đông nên có nhiều chọn lựa đối với sự bành trướng của Trung Quốc. Úc cuối cùng đã quyết định đa dạng hóa các quan hệ chiến lược của Úc, bằng cách mở rộng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia, những nước chia sẻ bản sắc dân chủ và lợi ích của Úc trong việc duy trì một trạng thái cân bằng của châu Á mà vẫn thân thiện với Mỹ. Một chiến lược như vậy sẽ không nhằm vào Trung Quốc, mà sẽ là tiền đề cho việc mở rộng những lựa chọn chiến lược của Úc, bằng cách xây dựng những liên minh mới nhằm cung cấp “hàng hóa công” cho an ninh và ổn định. Những quyết định gần đây của Úc:
- Úc đang nghiên cứu việc thay thế 6 tàu ngầm Collins cũ bằng 12 tàu ngầm mới. Giải pháp khả thi nhất là mua hay thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân loại Virginia của Hoa Kỳ hay loại Astute của Anh.
- Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng Mỹ Úc, hay còn gọi là AUSMIN đã kết thúc hôm 15-9-2011 tại San Fransisco, Mỹ. Tuyên bố chung AUSMIN lần này cũng khẳng định quan điểm của Úc và Mỹ, đối với vấn đề biển Đông, đó là không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền thuộc vùng biển này. Cả hai nước khẳng định quyền lợi của mình đối với việc đảm bảo tự do hàng hải, an ninh và ổn định tại khu vực này. Mỹ và Úc kêu gọi các bên liên quan thực hiện nghiêm túc bản tuyên bố về ứng xử năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, tránh mọi hành động sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp.
- Úc đã đồng ý đón nhận lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong những năm tới, tại một cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Canberra, Thủ tướng Julia Gillard cho biết, khoảng 250 thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tới Darwin, phía Bắc Úc Đại Lợi vào năm tới, và rồi sẽ nâng lên 2.500 lính.
(Các tàu chiến của Mỹ, Úc, Ấn trong một cuộc tập trận chung tại vịnh Bengal - Ảnh: Irandefence.net)
Đại Hàn: Dù phải lo đối phó với Bắc Hàn, Đại Hàn vẫn có những hành động phối hợp với các đồng minh đối với vấn đề biển Đông:
- Tham gia tập trận với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
- Viện trợ cho Philippines tàu hộ tống cỡ 1,350 tấn loại Pohang hay Donghae.
- Thảo luận với Việt Nam về những dự án năng lượng và kỹ thuật.
ASEAN: Dù là một tổ chức lỏng lẻo, ASEAN trong hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2011 đã có hai hành động đáng khích lệ:
- Hôm 13/11/2011, tại Bali, Indonesia - các quan chức cao cấp của ASEAN đã họp phiên đầu tiên thảo luận về việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông - COC, nhằm tìm kiếm giải pháp loại bỏ nguy cơ gây xung đột ở vùng biển này. Việc xây dựng bộ Quy tắc COC thể hiện một bước tiến và làm tăng thêm sức ép đối với Trung Quốc. Nếu ASEAN có thể hoàn tất được bộ luật này với chữ ký của các quốc gia trong vùng và các nước Hoa Kỳ, Nga Sô, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Đại Hàn thì Trung Quốc sẽ ở thế hạ phong. Tham gia vào bộ luật này là quyết định của Trung Quốc, để xem họ có muốn trở thành một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng thế giới hay không.
- Các nhà lãnh đạo ASEAN lên án “những hành vi xâm lấn” trong vụ tranh chấp biển Đông. Theo tin của hãng GMA News ở Philippines, trong tuyên bố mạnh mẽ nhất kể từ khi xảy ra một loạt những vụ xích mích ở quần đảo Trường Sa giữa Trung Quốc với các thành viên ASEAN là Việt Nam và Philippines, các nhà lãnh đạo vùng Đông Nam Á đã lên án những hăm dọa quân sự và những hành động gây hấn không phù hợp với luật pháp quốc tế, có thể gây bất ổn cho khu vực. Tuyên bố vừa kể được đưa ra một ngày trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc.
Nếu nhìn gần hơn vào từng thành viên ASEAN:
Philippines: Philippines là nước yếu nhất trong khu vực về kinh tế-quân sự nhưng lại có thái độ cương quyết nhất khi đương đầu với Trung Quốc. Là một quốc gia biển-đảo và với hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Hoa Kỳ, Philippines tương đối có lợi thế hơn Việt Nam trong chính sách ngoại giao của mình. Những quyết định gần đây của Philippines:
- Đổi tên khu vực lãnh hải tiếp giáp Philippines từ Nam Hải thành biển phía Tây Philippines. Vùng biển và đảo mà Bắc Kinh tranh giành nằm ngoài khơi tỉnh Palawan có 80 km và cách Hoa Lục 800 km. Philippines đã chia khu vực này thành 15 lô thăm dò dầu khí. Manila cho biết là bằng mọi giá sẽ bảo vệ lãnh thổ và các nhà đầu tư dầu khí. Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc, ngày 21-11 lên tiếng cảnh cáo chính phủ Manila về việc đặt tên cho Biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông theo cách gọi của Việt Nam) là biển Tây Philippines, đồng thời lên án Ngoại trưởng Hillary Clinton của Hoa Kỳ đã dùng cách gọi này trong chuyến thăm Philippines.
(Bãi Cỏ Rong tiếp giáp đảo Palawan của Philippines.)
- Hợp tác quân sự với Nhật Bản. Chi tiết hợp tác chưa được tiết lộ. Bắt đầu nhận tàu tuần duyên từ Hoa Kỳ và tàu hộ tống từ Đại Hàn.
- Phản ứng mạnh trước những lời tuyên bố hiếu chiến của báo chí Trung Quốc. Manila đã bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc, đòi hoàn trả hàng chục thuyền câu mà Philippines bắt được tại khu vực Bãi Cỏ Rong ở biển Đông. Hôm 18-10, khi ở khu vực gần đảo Palawan, tàu tuần tra BRP Rizal của hải quân Philippines đã phát hiện một tàu cá của Trung Quốc kéo theo 35 tàu câu nhỏ không người. Tàu hải quân Philippines đã đâm vào một thuyền cá đằng sau, hành động sau đó được Philippines giải thích là do trục trặc về bánh lái chứ không cố ý.
- Tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44) ở Bali, Indonesia, hồi tháng 7-2011, Philippines đề nghị tập hợp các chuyên gia luật biển của khu vực để định ra những khu vực tranh chấp và không tranh chấp ở quần đảo Trường Sa theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Đề xuất về việc xây dựng “Khu vực Hòa Bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác”, những nơi đang có tranh chấp về chủ quyền trong vùng quần đảo Trường Sa được tách ra khỏi những vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Sáng kiến của Philippines về việc phân định vùng tranh chấp trên biển Đông đã đạt được kết quả bước đầu, sau cuộc họp của các chuyên gia luật biển ASEAN.
Miến Điện: Kể từ khi có chính phủ “dân sự” đầu tiên, Miến Điện đang có những diễn biến ngoạn mục làm ngạc nhiên giới quan sát quốc tế, chẳng hạn đại diện cao cấp của chính quyền Miến Điện nói rằng, họ muốn Liên đoàn Dân chủ cùng “tham gia hòa giải dân tộc”. Đặc biệt là có một số dấu hiệu cho thấy, chính quyền Miến Điện đang cố gắng tách khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc:
- Chính phủ Miến Điện tạm dừng một dự án đập thủy điện gây tranh cãi sau khi dân Miến phản đối mạnh mẽ. Đập Myitsone là dự án do Trung Quốc hợp tác đầu tư trên sông Irrawaddy, tại khu vực hiện xảy ra xung đột vũ trang giữa quân chính phủ và lực lượng thiểu số.
- Chủ tịch Miến Điện Thein Sein thăm Ấn độ ngày 14-10 trong bốn ngày.
- Ngày 14-11, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về chuyến viếng thăm Hà Nội của tướng Min Aung Hlaing, tân Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Miến Điện. Irrawaddy, tờ báo nổi tiếng theo xu hướng dân chủ của người Miến Điện ở hải ngoại, có bài phân tích tầm quan trọng của chuyến đi này. Theo Irrawaddy, việc ông Min Aung Hlaing chọn Việt Nam thay vì Trung Quốc để xuất hành lần đầu, đã phá vỡ tiền lệ của những người trong cương vị của ông và khiến nhiều người tin rằng Miến Điện đang có các hành động để giãn ra xa và tách khỏi quỹ đạo của Trung Quốc.

Kết luận
Năm 2011 là một năm có nhiều biến chuyển tích cực về tình hình biển Đông. Với hội nghị APEC tại Hawaii và hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali - Indonesia, Hoa Kỳ, các cường quốc trong vùng Á Châu - Thái Bình Dương và các quốc gia ASEAN đang tiến dần đến việc hình thành một liên minh kinh tế - quân sự để bảo vệ sự cân bằng và thịnh vượng cho toàn vùng. Trung Quốc, với dân số 1.3 tỷ người và một quân lực đang phát triển mạnh mẽ, đang có sự lựa chọn để trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế hay vẫn tìm cách dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền vô lý của họ. (N.M.T)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét