Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

(1) Biển Đông cho muôn đời sau


Chủ quyền ở khu vực biển Đông đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc tranh cãi kéo dài, liên quan tới nhiều bên, trong nhiều thập niên. Theo thời gian, những cuộc tranh cãi đó càng lúc càng nóng và không thể loại trừ khả năng xảy ra xung đột, không chỉ trong khu vực mà đã đang và sẽ còn diễn ra ngay trong lòng một số dân tộc, một số quốc gia có liên quan.Riêng với Việt Nam - một quốc gia có chiều dài khoảng 3000 cây số ven bờ biển Đông, cuộc tranh chấp chủ quyền ở khu vực biển Đông không chỉ đơn thuần là nỗ lực gìn giữ những lợi ích mang tính tất nhiên, mà còn liên quan tới sự sống còn, sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Vào lúc này, Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, song cũng có không ít cơ hội để bảo vệ chủ quyền của mình trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở khu vực biển Đông.
LTS: Việc hệ thống các sự kiện chính, liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở biển Đông bao gồm hai phần: Phần thứ nhất là một bảng do Sống Magazine thực hiện, liệt kê những sự kiện đáng quan tâm từ 1816 đến 2010 mà quí vị đã đọc và phần dưới đây, là bài viết về những diễn biến mới nhất liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở biển Đông trong năm vừa qua, do ông Nguyễn Mạnh Trí dành cho Sống Magazine.
Ông Nguyễn Mạnh Trí - cựu Trung tá Hải quân Việt Nam Cộng Hòa - là người lập và điều hành website: www.tranhchapbiendong.com vào năm 2009, nhằm giúp giới nghiên cứu quốc nội nói riêng và người Việt trong cũng như ngoài Việt Nam nói chung, cập nhập các thông tin cần chú ý về biển Đông. Đến nay, website này đạt khoảng 150,000 lượt truy cập và chủ yếu là từ Việt Nam (73%). Đây cũng là dịp, Sống Magazine hân hạnh giới thiệu với độc giả website: www.tranhchapbiendong.com.



Một số sự kiện tiêu biểu trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông từ 1816 -2010

1816:
Hoàng đế Gia Long triều Nguyễn tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa, sau khi triều đại này thành lập năm 1802.
1835:
Vua Minh Mạng phái một đoàn thám hiểm tới Hoàng Sa để xác lập chủ quyền.

1836:
Vua Minh Mạng ra chiếu chỉ, lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa tới các đảo Hoàng Sa để ghi lại lộ trình.
1867:
Năm Tự Đức thứ 20, nhà vua tôn vinh các thủy binh đã tử vong trong quá trình ra các đảo.
1884:
Nhà Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước chính thức, biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp.
3/1909:
Chính quyền Quảng Đông - Trung Quốc cử một đội khảo sát Hoàng Sa và tháng 6/1909 cử Đô Đốc Lý Chuẩn tới Hoàng Sa.
1930:
Pháp tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa của An Nam và chủ quyền đối với Trường Sa cho Pháp.
1933:
Pháp tuyên bố chính thức về việc chiếm cứ một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó bao gồm đảo Trường Sa, Ba Bình, Thị Tứ và Loại Ta.
1938:
Pháp thiết lập sự hiện diện thường xuyên ở Hoàng Sa. Một phân đội cảnh sát người Việt được gửi đến đồn trú thường xuyên ở đó.
1939:
Sau khi chiếm hầu hết các tỉnh ven biển Trung Quốc và đảo Hải Nam, Nhật Bản đổ bộ lên Trường Sa. Nhật Bản tuyên bố chủ quyền chính thức ở quần đảo Hoàng Sa và coi đây là một vùng của đế chế Nhật Bản.
1940:
Nhật xây dựng các căn cứ tàu ngầm trên đảo Ba Bình và Trường Sa, và một phi đạo trên Ba Bình - thuộc quần đảo Trường Sa.
1945:
Đại chiến thứ II kết thúc, Nhật rút khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và một lần nữa đặt các đảo vào tình trạng 'không có người ở'.
1946:
Pháp gửi một đoàn thám sát lại Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời nhắc lại yêu sách của An Nam (Việt Nam) đối với Hoàng Sa và của Pháp đối với Trường Sa, nhưng không lưu lại quân đồn trú. Cùng thời điểm này, Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch cũng gửi các đoàn khảo sát đến hai quần đảo, đánh dấu chủ quyền và thiết lập sự hiện diện trên đảo Phú Lâm (ở phía Đông của quần đảo Hoàng Sa) và Ba Bình (Trường Sa).
07/1/1947:
Bộ Ngoại Giao Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố, chính phủ Trung Quốc đã lấy lại các đảo Hoàng Sa và khôi phục lại chủ quyền của họ trên các đảo đó.
1948:
Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc ban bố bản đồ với “Đường Lưỡi bò” bao gần hết biển Đông.
1949:
Phe Cộng sản chiến thắng ở lục địa Trung Quốc, thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc chạy sang Đài Loan, tàn quân bị rượt đuổi từ Hải Nam, nên buộc phải rút quân ở Phú Lâm (Hoàng Sa) vào tháng 4 năm 1950 và Ba Bình (Trường Sa) vào tháng 5 năm 1950.
15/8/1951:
Trung Cộng nêu lập trường về vấn đề hải đảo qua 'Tuyên bố về Dự thảo Hiệp ước Hòa Bình với Nhật Bản và Hội nghị San Francisco của Mỹ và Anh' của Thủ tướng Chu Ân Lai: 'Quần đảo Tây Sa và Nam Sa, giống như Đông Sa và Trung Sa, luôn thuộc lãnh thổ Trung Quốc.'
6/9/1951:
Đại diện của Việt Nam Cộng Hòa dự hội nghị San Fransisco. Trong phát biểu tại Hội nghị, đoàn Việt Nam khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
1951:
Nhật Bản ký Hiệp ước Hòa bình với Đồng minh, theo đó, Nhật chính thức đồng ý từ bỏ các quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với một số vùng lãnh thổ, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên hiệp ước không nêu ai được nhượng lại các quần đảo này.
1952:
Hiệp ước Hòa bình Trung-Nhật được ký kết tại Đài Loan giữa Đài Loan và Nhật Bản, trong đó có nội dung Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3/1956:
Một người Philippines là Thomas Cloma cùng những người đồng hành đổ bộ lên một số đảo của Trường Sa, đưa yêu sách chiếm hữu 33 đảo và bãi trong một vùng biển rộng 65000 hải lý vuông, đặt tên vùng này là Kalayaan (tiếng Anh là Freedomland).
1956:
Khi Pháp rút khỏi Đông Dương, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đưa quân ra thay thế quân Pháp, tại các đảo thuộc nhóm phía Tây của quần đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đảo chính của quần đảo Trường Sa, đặt các cột mốc và kéo cờ của Việt Nam Cộng Hòa.
14/9/1958:
Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Công hàm, thừa nhận tuyên bố của Trung Cộng ấn định chiều rộng lãnh hải Trung Quốc 12 hải lý.
1971:
Đài Loan quay lại Trường Sa và thiết lập sự có mặt liên tục trên đảo Ba Bình. Philippines chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
1971:
Sau khi Đài Loan bắn vào một tàu đánh cá của Philippines, Philippines đòi Đài Loan rút khỏi đảo Ba Bình và cho quân chiếm đóng các đảo Vĩnh Viễn, Song Tử Đông, Loại Ta và Thị Tứ.
1971:
Philippines ra tuyên bố chính thức, yêu sách 53 đảo, theo đó, Philippines coi những đảo này là vô chủ, và họ có thể tự do chiếm hữu, theo các hình thức thụ đắc lãnh thổ phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế là chiếm đóng và quản lý hiệu quả.
1973:
Việt Nam Cộng Hòa sát nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
15/1/1974-20/1/1974:
Trung Cộng dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm phía Tây của quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ. Kể từ đây, Trung Cộng chiếm trọn Hoàng Sa.
1974:
Tại hội nghị Luật biển lần thứ 3, kỳ 2 tại Caracas, đại diện chính phủ Việt Nam Cộng hòa tố cáo Trung Cộng chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực, và khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.
14/3/1975:
Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa phát hành Sách Trắng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lên án mạnh mẽ Trung Cộng dùng vũ lực cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và tỏ rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo.
1975:
Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tiếp quản Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và tuyên bố giành cho mình quyền bảo vệ chủ quyền đó.
11/11/1975:
Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Cộng, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
02/7/1976:
Cộng Hòa XHCN Việt Nam ra đời và kế thừa yêu sách chủ quyền của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và trên thực tế đã tiếp tục kiểm soát Trường Sa.
1976:
Việt Nam công bố bản đồ của Việt Nam thống nhất, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
12/ 5/ 1977:
Việt Nam ra Tuyên bố thứ nhất về đường cơ sở để xác lập vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
1978:
Philippines ban hành Nghị định 1599, trong đó có sử dụng tên bằng tiếng Philippines Kalayaan để gọi quần đảo Trường Sa, khẳng định, về mặt pháp lý, quần đảo Trường Sa không thuộc bất kỳ quốc gia nào, nhưng do yếu tố kế cận, tầm quan trọng sống còn về an ninh, nhu cầu thiết yếu, sự chiếm đóng và kiểm soát hữu hiệu, nên Philippines thiết lập chủ quyền hợp pháp với quần đảo này.
17/2/1979:
Bắt đầu chiến tranh biên giới Trung-Việt.
3/1979:
Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Bị Vong lục về vấn đề biên giới Việt - Trung, trong đó có điểm 9, tố cáo Trung Cộng đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974.
30/7/1979:
Bộ Ngoại giao Trung Cộng công bố Sách Trắng, xuyên tạc một số tài liệu có liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để chứng minh rằng, Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc với hai quần đảo này.
28/9/1979:
Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giới thiệu thêm 19 tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo.
1979
- Malaysia xuất bản bản đồ vùng thềm lục địa, trong đó bao gồm 3 đảo của quần đảo Trường Sa.
- Anh thay mặt cho Brunei ra tuyên bố phản đối việc Malaysia đưa đảo Louisa vào bản đồ thềm lục địa.
1980:
Trung Cộng công bố Sách Trắng lần thứ hai, tuyên bố chủ quyền với quần đảo Tây Sa và Nam Sa, trong đó thay đổi lập luận, cho rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chỉ là những đảo ven bờ của Việt Nam, không phải là Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc.
7/1980:
Tại kỳ họp lần thứ 26 của Hội Địa chất quốc tế ở Paris, đoàn đại biểu Trung Cộng báo cáo và cho lưu hành tài liệu địa chất về các bể dầu khí trong đó có đoạn nói quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phần kéo dài của lục địa Trung Quốc.
12/11/1982:
Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải.
1982:
Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Cộng là Dương Đắc Chí thị sát Hoàng Sa và Trường Sa.
12/1982:
Việt Nam ban hành quyết định thành lập Trường Sa và Hoàng Sa là hai huyện đảo riêng biệt, trực thuộc tỉnh Phú Khánh và Quảng Nam - Đà Nẵng.
1982:
Đài Loan công khai quyết định đặt quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền tài phán của mình. Đồng thời, chính quyền thành phố Cao Hùng thông qua kế hoạch 3 năm xây dựng các cảng và định cư tại đảo Ba Đình.
1982:
Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển được ký kết và được coi là một bản Hiến pháp quốc tế về biển, bởi nội dung đồ sộ và toàn diện, qua 320 điều, 17 phần và 9 phụ lục. Chính thức có hiệu lực vào ngày 16/11/1994.
1/1983:
Tại hội nghị lần thứ hai về Hàng không khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Trung Cộng đưa ra hai tấm bản đồ vẽ đường biên giới trên biển, bao quanh gần hết Biển Đông.
4/1983:
Ủy ban địa danh của Trung Cộng đặt tên cho các đảo, bãi, đá trong biển Đông và đưa ra yêu sách đổi tên tiếng Anh của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành Tây Sa và Nam Sa.
1983:
Malaysia chiếm đóng và chính thức tuyên bố chủ quyền đối với đảo Hoa Lau của quần đảo Trường Sa. Tuyên bố này nói rằng từ lâu, đảo Hoa Lau đã là một bộ phận của lãnh thổ Malaysia.
6/1984:
Hội nghị lần thứ 2 của Quốc vụ viện Trung Cộng khóa 6, phê chuẩn việc thành lập khu hành chính Hải Nam, bao gồm cả hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) và cho rằng đều thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.
4/1985:
Tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm quần đảo Trường Sa.
1987:
Tổng bí thư Trung Cộng Hồ Diệu Bang tiếp tục có chuyến thị sát Hoàng Sa.
1987:
Brunei xuất bản một bản đồ để xác định ranh giới của vùng đánh cá và thềm lục địa trong đó có đảo Louisa thuộc quần đảo Trường Sa.
12/1987:
Malaysia chiếm đóng thêm hai đảo là Kỳ Vân và Kiệu Ngựa thuộc quần đảo Trường Sa.
1988:
Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia ra tuyên bố rằng, các đảo Hoa Lau, Kỳ Vân, Kiệu Ngựa và Louisa nằm trên thềm lục địa của Malaysia nên thuộc Malaysia.
14/3/1988:
Trung Cộng đánh chìm 2 tàu của hải quân Việt Nam, bắn hư một tàu khác, làm chết và bị thương 20 người, mất tích 74 người. Chiến dịch này kéo dài đến ngày 6/4/1988, kết thúc với việc Trung Cộng chiếm 6 nhóm đảo và đá ngầm gồm Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Xubi.
3/1/1989:
Trung Cộng đặt bia chủ quyền trên các đảo và bãi đá đã chiếm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
28/4/1989:
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng lên án Việt Nam xâm phạm trái phép một số “bãi Vạn An và bãi Nhã thuộc quần đảo Nam Sa”.
1990:
Tại Hội nghị Thành Đô, lãnh đạo hai nước Việt-Trung quyết định bình thường hóa quan hệ hai nước sau hơn 10 năm tuyệt giao.
1990:
Trong chuyến thăm Singapore và Philippines, Thủ tướng Trung Cộng Lý Bằng chính thức đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác phát triển quần đảo Nam Sa (Trường Sa), thông qua hiệp thương hữu nghị giải quyết vấn đề đảo Nam Sa vào lúc thích hợp“
25/2/1992:
Quốc vụ viện Trung Cộng thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp”, quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).
8/5/1992:
Trung Cộng ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone của Mỹ, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí một lô 225.255 km2, trong khu vực Trung Cộng gọi là Vạn An Bắc 21(Vanguard Bank), nằm trong khu vực được coi là thềm lục địa của Việt Nam, ở phía Tây Nam của quần đảo Trường Sa, cách đảo Hải Nam Trung Quốc hơn 600 dặm về phía Nam.
16/5/1992:
Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm cho Trung Cộng, phản đối việc ký kết vừa kể vì khu vực này nằm trong thềm lục địa của Việt Nam (bãi Tư Chính), yêu cầu công ty Crestone phải ngừng ngay các hoạt động thăm dò tại đó.
22/7/1992:
ASEAN ra Tuyên bố ASEAN về biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết bất đồng về chủ quyền và tài phán thông qua các biện pháp hòa bình
7/1992:
Việt Nam tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC).
9/1992:
Trung Cộng khoan thăm dò tìm dầu ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ thuộc phía Việt Nam.
1993:
Brunei ra Tuyên bố về ranh giới thềm lục địa, có một phần liên quan đến vùng biển của quần đảo Trường Sa nhưng không yêu sách chủ quyền đối với bất kỳ một đảo, đá, bãi nào của quần đảo.
5/1993:
Tàu Trung Cộng cùng công ty BP tiến hành thăm dò khai thác ở vùng biển thuộc Việt Nam.
12/1993:
Việt Nam yêu cầu công ty Mỹ Crestone hủy bỏ việc thăm dò khai thác dầu ở vùng biển thuộc Việt Nam
4/1994:
Việt Nam ký hợp đồng với công ty dầu khí Mobil Oil của Mỹ thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực Thanh Long.
12/5/1994:
Bộ Ngoại giao Trung Cộng phản đối Việt Nam cho phép công ty dầu khí Mobil Oil thăm dò khai thác ở khu vực Thanh Long là vùng biển phụ cận của quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc.
8/1994:
Công ty Crestone cùng với công ty Trung Cộng khai thác bãi Vạn An Bắc 21 (lô 133, 134, 135). Trung Cộng đề nghị chia phần cho phía Việt Nam, cho rằng chủ quyền thuộc về Trung Quốc. Tàu có trang bị súng của Việt Nam buộc tàu khai thác Trung Cộng rời khỏi giếng dầu thuộc lãnh hải Việt Nam
1995:
Trung Cộng xây dựng công trình trên dải ngầm Vành Khăn, căng thẳng Trung-Phi.
7/1995:
Việt Nam gia nhập ASEAN.
8/1995:
Trung Cộng và Philippines ký kết bộ quy tắc ứng xử [code of conduct] gồm 8 nguyên tắc với mục đích tránh những sự vụ tiếp theo trên biển Đông và tăng cường hợp tác trên biển.
19/10/1995:
Trung Cộng phản đối Việt Nam thăm dò địa chấn trong Vịnh Bắc Bộ.
15/12/1995:
Trung Cộng đưa dàn khoan Nam Hải-02 vào Vịnh Bắc Bộ, cách đường trung tuyến 5-6 hải lý về phía Việt Nam.
10/3/1996:
Trung Cộng đưa dàn khoan Nam Hải-06 hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, vào sâu trong vùng biển của Việt Nam 3 hải lý.
10/4/1996:
PetroVietnam và công ty Conoco (Mỹ) ký hợp đồng thuê khai thác, đòi công ty đã ký hợp đồng khai thác với công ty Trung Cộng ngừng hoạt động.
15/5/1996:
Ủy ban thường vụ quốc hội Trung Cộng khóa VIII phê chuẩn công ước luật biển 1982. Cùng ngày, chính phủ Trung Cộng tuyên bố một phần đường cơ sở của Trung Quốc lục địa và đường cơ sở thẳng của quần đảo Hoàng Sa.
1996:
Đụng độ giữa tàu chiến Trung Cộng và tàu của hải quân Philippines ở Trường Sa và gần bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham), hải quân Philippines đã bắt giữ tàu cá và tàu nghiên cứu hải dương của Trung Cộng, bắt giữ ngư dân và “nhà nghiên cứu” Trung Cộng, bắn súng cảnh cáo và bắn hạ các cột mốc lãnh thổ do Trung Cộng dựng lên.
12/1997:
Việt Nam phản đối tàu khai thác số 8 và hai tàu hộ vệ 615 và 616 của Trung Cộng thăm dò, khảo sát dầu khí cách phía Tây bãi Phúc Tần 15 hải lý thuộc khu vực DK-1, bãi Tư Chính của Việt Nam. Tàu hải quân Việt Nam phải áp tải, buộc các tàu này ra ngoài.
6/4/1998:
Tàu Hải dương 4 của Trung Cộng tiến hành thăm dò ở phía Nam Hoàng Sa cách đường cơ sở của Việt Nam 155 hải lý.
4/1998:
Hai tàu chiến của Trung Cộng số 772 và 697 đi sâu vào vùng biển của Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ cản trở hoạt động của tàu khảo sát địa chấn GECOECHO của Việt Nam.
9/1998:
Việt Nam phản đối sau khi Trung Cộng tuyên bố công ty Crestone và Trung Cộng tiếp tục thăm dò ở các đảo Trường Sa.
10/1998:
Căng thẳng Trung-Phi tái diễn liên quan đến việc Trung Cộng củng cố công trình trên dải Vành Khăn.
1998:
Philippines và Mỹ ký Hiệp định về thăm viếng quân sự (Visiting Forces Agreement).
1998:
Cả Trung Cộng và Đài Loan đều công bố Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo đó, một lần nữa, chính thức thể hiện quan điểm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng mà họ thường gọi là “vùng nước phụ cận”.
Từ năm 1999 đến nay:
Trung Cộng đơn phương ra lệnh, hàng năm, cấm đánh bắt cá trong phạm vi từ vĩ tuyến 12 độ Bắc trở lên trong thời gian 3 tháng. Cũng kể từ thời điểm này, các lực lượng vũ trang của Trung Cộng liên tục bắt giữ ngư dân Việt Nam khi họ đang đánh cá trong vùng biển thuộc Việt Nam, rồi buộc nộp tiền phạt. Nhiều tàu đánh cá của Việt Nam bị bắn, bị đâm chìm hoặc bị Trung Cộng tịch thu.
12/1999:
Ký kết Hiệp định phân định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Cộng.
12/2000:
Việt Nam và Trung Cộng ra “Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa hai nước” và ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ
4/11/2002:
ASEAN và Trung Cộng ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong khuôn khổ của cuộc họp cấp cao ASEAN 8 tại Phnom Penh (Cambodia)
5/11/2002:
Ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Trung Cộng và ASEAN, tại Phnom Penh.
2003:
Trung Cộng tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC)
5/2003:
Tranh chấp giữa Malaysia và Brunei ở ngoài khơi Bắc Borneo.
9/2004:
Trung Cộng thuyết phục Philippines để hai công ty dầu lửa quốc gia CNOOC và PNOC ký Thỏa thuận thăm dò địa chấn Trường Sa trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines. Việt Nam phản đối Thỏa thuận này.
14/3/2005:
Ký kết “Thỏa thuận ba bên về tiến hành thăm dò địa chấn biển chung trong khu vực xác định tại Biển Đông” giữa ba Công ty dầu khí quốc gia (CNOOC của Trung Cộng, PetroVietnam và PNOC của Philippines). Thời hạn của Thỏa thuận là ba năm.
20/10/2007:
Công ty ARCO của Mỹ và công ty dầu khí ngoài khơi của Trung Cộng (CNOOC) ký hợp đồng khai thác dầu khí tại khu vực Tây Nam đảo Hải Nam 100 km, trong đó có một phần diện tích lấn sang vùng biển của Việt Nam thuộc lô 111 và 113.
Cuối năm 2007:
- Quốc Vụ Viện Trung Cộng phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, trực tiếp quản lý 3 quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động này dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng ở Việt Nam.
- Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức phản đối việc làm của Trung Cộng thông qua người phát ngôn.
2/2/2008:
Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển thăm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam và Philippines phản đối
20/7/2008:
Báo South China Morning Post (Hồng Kông) đưa tin giới ngoại giao Trung Cộng tại Mỹ đã liên tiếp phản đối ban lãnh đạo của công ty ExxonMobil, đồng thời đe dọa rằng công việc kinh doanh của công ty này tại Trung Quốc có thể gặp trở ngại trong tương lai, nếu ExxonMobil hợp tác với PetroVietnam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực ngoài khơi miền Trung và miền Nam Việt Nam.
8/2008:
Phó Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak ra đảo Hoa Lau để thị sát tình hình và tái khẳng định chủ quyền của Malaysia đối với đảo này và 4 đảo khác.
2008:
Những bức ảnh trên vệ tinh thương mại khẳng định rằng Trung Cộng đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm lớn ở Tam Á, thuộc đảo Hải Nam.
24/11/2008:
Theo hãng tin Bloomberg, Tập đoàn dầu khí CNOOC Ltd của Trung Cộng, công bố dự án gần 30 tỷ đôla để khoan tìm dầu khí trong các khu vực nước sâu tại biển Đông.
20/3/2009:
Công ty British Petroleum (BP) của Anh tuyên bố rút khỏi dự án dầu khí ở lô số 05.2 và 05.3 thuộc bồn trũng Côn Sơn ngoài khơi Việt Nam.
 5/3/09:
Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi thăm đảo Hoa Lau mà Malaysia gọi là đảo Layang Layang thuộc quần đảo Trường Sa
3/2009:
Va chạm giữa giữa tàu tuần tra USNS Impeccable của Mỹ và năm tàu treo cờ Trung Cộng, cách đảo Hải Nam 75 dặm.
10/3/2009:
Tổng thống Philippines Arroyo ban hành Luật Cộng hòa số 9522 về đường cơ sở mới (đường cơ sở cũ năm 1968), qua đó quản lý quần đảo Trường Sa và bãi cạn Hoàng Nham theo “quy chế đảo”. Trung Cộng, Đài Loan, Việt Nam phản đối.
6/5/2009:
- Malaysia và Việt Nam nộp bản báo cáo chung, đăng ký thềm lục địa mở rộng khu vực phía nam Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hiệp quốc (CLCS).
- Trung Cộng gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên hiệp quốc phản đối, trong đó đính kèm bản đồ “đường lưỡi bò”. Việt Nam phản đối công hàm của Trung Cộng.
7/5/2009
- Việt Nam nộp báo cáo đăng ký thềm lục địa mở rộng khu vực phía Bắc lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hiệp quốc (CLCS).
- Trung Cộng gửi công hàm cho Tổng Thư ký Liên hiệp quốc phản đối, trong đó đính kèm bản đồ “đường lưỡi bò”. Việt Nam phản đối công hàm của Trung Cộng.
4/8/2009
- Philippines chính thức gửi công hàm đến Tổng Thư ký Liên hiệp quốc phản đối báo cáo về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam khu vực phía Bắc và báo cáo chung Việt Nam, Malaysia khu vực phía Nam.
- Việt Nam và Malaysia phản đối công hàm của Philippines.
14/8/2009:
Đại sứ Trung Cộng tại Philippines, Lưu Kiến Siêu tuyên bố, Trung Cộng phản đối những kế hoạch khai thác dầu khí của Philippines ở Bãi Cỏ Rong trên Biển Đông và cho rằng, hành động này vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa, nằm cách đảo Palawan khoảng 60 dặm (100 km) về phía Tây.
10/2009:
Dưới sức ép của Trung Cộng, tranh chấp biển Đông không được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN- Trung Cộng lần thứ 12 tại Cha-am, Thái Lan.
8/3/2010:
Hai tàu Trung Cộng cản đường tàu thăm dò USNS Impeccable của Mỹ khi tàu này đang ở vùng biển cách đảo Hải Nam khoảng 120 km.
10/3/2010:
Tổng thống Philippines Gloria Arroyo ban hành đạo luật 9522, tái khẳng định chủ quyền với hơn 7100 đảo, bao gồm cả một số đảo trong vùng quần đảo Trường Sa và cả vùng Trung Sa (Macclesfield) bị Trung Cộng và Đài Loan tranh chiếm.
Từ 4/6 đến 6/6/2010:
Tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần 9 về an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore, Mỹ khẳng định “Biển Đông tiếp tục là vấn đề sống còn của Mỹ” và “Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết ở diễn đàn đa phương” nhưng sẽ không đứng về nước nào trong tranh chấp. Trung Cộng tuyên bố “Không bành trướng”. Việt Nam thì xác nhận “Kiên quyết giữ an ninh hòa bình trên Biển Đông”.
6/2010:
Trả lời tờ Asahi Shimbun ở Nhật, Đô đốc Partick Walsh, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng, các hoạt động của hải quân Trung Cộng “gây quan ngại cho tất cả các bên hiện đang có mặt ở Thái Bình Dương”.
22/6/2010:
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Cộng, phản đối việc Trung Cộng thông qua “Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020”.
28/6/2010:
Việt Nam và Philippines ký thỏa thuận hợp tác nghề cá  ở Biển Đông.
7/2010:
- Lần đầu tiên, Trung Cộng chính thức bày tỏ với Mỹ, lập trường “Biển Đông là ‘lợi ích cốt lõi’, liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.
- Indonesia gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Cộng.
- Thăm Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định “Mỹ phản đối bất kỳ sự sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào”.
- Ngay sau đó, Trung Cộng tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ở biển Đông.
- Phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên Hiệp Quốc kết luận đường lưỡi bò của Trung Cộng hoàn toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế.
8/2010:
Việt Nam phản đối Trung Cộng tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn.
12/10/2010:
Lần đầu tiên sau khi bị Việt Nam phản đối, Trung Cộng thả vô điều kiện 9 ngư dân Việt Nam của tàu đánh cá QNg66478TS, bị Trung Cộng bắt giữ.
11/2010:
- Việt Nam yêu cầu Trung Cộng gỡ bỏ các dữ liệu vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại bản đồ trực tuyến Map World.
- Đô đốc Agus Suhartono của Indonesia cho biết Indonesia và Việt Nam đang xem xét khả năng tuần tra chung để bảo vệ an ninh vùng giáp ranh ở biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét