Ở Sài Gòn người ta người ta có thể làm tất cả để tồn tại. Có người khi ở quê thì chăn trâu, cắt cỏ, cuộc sống rất đỗi êm đềm, nhưng vào đây nhờ học được nhiều kỹ xảo trong buôn bán làm ăn nên họ lanh lẹ hẳn ra.
Làm tướng nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội
“Một ngày làm ở Sài Gòn bằng người ngoài quê làm cả năm” đó là câu nói của một anh hàng xóm chỗ tôi trọ. Anh vào Sài Gòn đã hơn 12 năm. Mới đầu anh làm nghề bán muối, sau đó buôn bán nhiều thứ nữa, kiếm được nhiều tiền. Nhưng việc tiêu xài cũng tăng không kém so với mức độ kiếm tiền.
Một phần anh gửi về nhà để lo cho mấy đứa em ăn học và phụ giúp gia đình. Còn lại để ăn nhậu, cờ bạc, cá độ đá banh...
Anh tiêu tiền để chứng tỏ sự thành đạt, thể hiện "đẳng cấp" và cũng muốn hưởng thụ một phần nào những gì thiếu thốn ở quê. Có nhiều người như anh, lúc đầu nghĩ vào Sài Gòn làm vài năm có tiền rồi về. Nhưng đã có mấy ai thực hiện lời hứa lúc lên đường?
Quê tôi nằm ở phía tây huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - miền Trung Việt Nam. Mọi người như dòng thác đổ xô vào Sài Gòn kiếm sống. Họ làm những việc lao động chân tay hoặc buôn gánh bán bưng với hàng rong, mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Giống như bao làng xóm nghèo khác ở “khúc giữa nghèo” này, quê tôi không có đất đai màu mỡ mà được "ưu đãi" những trận thiên tai, lụt lội, thường cuốn đi thành quả một mùa làm việc, hoặc thậm chí là một đời của một hộ gia đình.
Trung bình mỗi hộ khoảng 4-5 người con. Đất đai đã quá nghèo nàn lại chật chội không đủ nuôi sống bấy nhiêu con người. Bọn trẻ khi học hết cấp 2 nếu gia đình có điều kiện sẽ cho con học tiếp, hoặc bỏ trường lớp vào Nam kiếm sống. Và những người học lên cao sẽ không quay về tỉnh làm việc mà theo tiếng gọi của tuổi trẻ lưu lạc khắp nẻo nơi.
Và họ vào Sài Gòn, thành phố năng động nhất nước. Người dân trong Nam vốn nhiệt tình, thân thiện và cũng ham tiêu xài. Tiêu xài là động lực để sản xuất để tăng trưởng.
Ở Sài Gòn người ta có thể làm tất cả để tồn tại. Có người khi ở quê thì chăn trâu, cắt cỏ, cuộc sống rất đỗi êm đềm, nhưng vào đây họ tiếp xúc với nhiều người, học được nhiều kỹ xảo trong buôn bán làm cho con người lanh lẹ hẳn ra.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy một người hàng xóm của tôi. Ngày trước ở quê anh rất đỗi bình thường, vậy mà vào Sài Gòn thành một người khác hẳn với cái miệng giỏi buôn bán làm ăn. Anh ta có thể kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Ở quê giờ chỉ còn lại những cặp “vợ chồng mới cưới” tuổi 50-70, bởi con cái của họ bay nhảy khắp nơi, để lại nhà cửa ruộng vườn cho cha mẹ lo. 8h tối, khi bản tin thời sự kết thúc thì đó cũng là âm thanh cuối cùng trong ngày. Người ta có thể nghe tiếng xe máy ở xa đó 1 km, chứng tỏ ở đây yên tĩnh và buồn tẻ đến mức nào.
Quê giờ đã có rất nhiều căn nhà khang trang được xây dựng nhờ tiền của những người xa quê gửi về. Nhưng xây nhà rộng làm gì khi không có người ở?
Những người có trình độ rời cái mảnh đất ấy để học tập và rồi không trở về.
Họ đã ở quá lâu ở đây? Họ quen với nếp sống Sài Gòn và muốn vươn tới sự nghiệp cao xa hay ở quê chẳng có việc gì phù hợp với họ? Không chịu trở về nên vùng quê nghèo vẫn nghèo.
Nghèo đói - thiếu kiến thức - ly hương- không hẹn ngày trở về? Tôi tự hỏi một vài năm nữa khi lớp người già không còn thì ai sẽ là người ở quê? Và quê hương tôi ơi bao giờ thay đổi?
Phan Trọng Thức
Tiền Giang
các bạn hãy xem lại ở quê tốt hơn hay ở Sài Gòn tốt hơn, ở Sài Gòn với mức lức 15000 triệu đồng 1 tháng thì bao lâu bạn mua được căn nhà ở thành phố với mức giá trên dưới 1 tỷ đồng, nếu trừ các chí phí ăn uống sinh hoạt ở Sài Gòn thì tôi nghĩ chắc cả đời chưa mua được căn nhà để ở, chẳng lẽ suốt đời bạn ở nhà trọ mãi so?
một số bạn ngụy biện nói là ở quê không tạo cho các bạn để cống hiến, thật sự bạn có tài để cống hiến không?
biết bao nhiêu đại gia từ mọc lên từ vùng quê bạn có biết không, họ tạo công ăn việc làm cho dân quê rất nhiều, họ đã cống hiến cho quê hương rất nhiều, chẳng qua một số bạn mơ mộng xa xôi mới lên thành phố lập nghiệp, quê nhà luôn mong chờ người có tài.
Cục bộ của quê hương
Không biết mọi người thế nào, em rất muốn được về quê, ở thành phố bao giờ cho có nhà mà ở, chẳng nhẽ cả đời đi thuê nhà. Nhưng về quê thì biết làm gì bây giờ, các công ty, các văn phòng nhà nước đều là con ông cháu cha, cho dù nó học dốt, trình độ thấp thì nó vẫn làm ở chỗ ngon, còn con em nông dân chính gốc, khó mong một chỗ làm tốt.
Mong các vị lãnh đạo hãy suy nghĩ về điều này. Đừng để bà con đi ra mọi người hỏi "sao không về quê làm mà ở đây cho khổ" lại trả lời: tiền đâu để cháu chạy việc bây giờ ạ.
Đồng ý với bạn
Cùng quê với bạn, tôi và rất nhiều bạn bè của tôi hiện đang sống và làm việc tại Tp.HCM đều muốn đem sức mình cống hiến cho quê hương.
Tuy nhiên, mỗi khi bọn tôi gặp nhau, ngồi phân tích lại và cũng không ít trường hợp về quê lập nghiệp rồi lại phải đùm túm nhau quay trở lại Sài Gòn vì về quê "KHÔNG ĐƯỢC TRỌNG DỤNG".
Nỗi lòng của những người con xa quê hương là chỉ mong quê hương có một chính sách ưu đãi đúng cách và kịp thời để thu hút một lượng lớn lao động cũng như "chất xám" của quê nhà đang bị "chảy" đi xa xứ.
sài gòn
bài viết hay lắm, tôi cũng là 1 nguời con ở QNgãi vào đây được 2 năm rồi, tôi cũng rất muốn về quê huơng để phục vụ cho quê nhà, nhưng quê hưong tôi chưa phát triển. với lại chúng tôi là con nhà nông chính gốc thì rất khó để làm việc ở quê nhà vì hầu hết các cơ quan công ty mới thành lập thì đã có các con ông cháu cha giành trước hết rồi.
Sài Gòn không là sự lựa chọn số 1!
Tôi cũng đã đi học và đi làm ở SG đc 7 năm nhưng vẫn 2 bàn tay trắng. Tôi tự hỏi năng lực mình quá kém hay mình không có điều kiện như người khác. nhưng cuối cùng tôi cũng đã tìm đc câu trả lời đó chính là mình đã đặt vị trí của bản thân sai địa chỉ. và tôi đã về Vũng Tàu nơi có thu nhập GDP cao nhất nước, du lịch, khu công nghiệp, dầu khí và đời sống dân trí ở nơi đây rất cao. và tôi nghiệm ra rằng ko phải sống ở SG mới giàu có đc.
tại sao?
Ngày xưa Chí Phèo muốn làm người lương thiện nhưng không được. Còn ngày nay người dân muốn được cống hiến cho quê hương cũng khó, vì sao???
"nhất thân nhì thế tam tiền". Tôi đều ko có 3 cái này, nên đành rời xa quê hương. ?
Tôi bỏ chạy khỏi Sài Gòn để về với Đà Nẵng !!!
Tôi thì sau 10 năm học tập và làm việc ở SG, hít no khói bụi cuối cùng tìm bến đỗ tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam: Đà Nẵng. Cho đến bây giờ tôi thấy quyết định của mình là sáng suốt vô cùng!!! Cuộc sống ở Đà Nẵng chỉ có thể nói 2 chữ: Tuyệt Vời !!!
Ở đâu
Ở đâu cũng phải cố gắng mới thành công được.
Tôi yêu Quảng Ngãi nhưng ....!!!!
Tôi yêu Quảng Ngãi lắm, vì đó là quê hương của tôi mà, nhưng làm sao mà về được bây giờ. Nhiều điều phải băn khoăn, trăn trở và cân nhắc lắm lắm. Thôi thì các công dân Quảng Ngãi tại Sài Gòn lập hội với nhau vậy.
Buồn thay
Mọi người đều đổ xô vào thành phố - rời bỏ quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn của mình - Ôi những gì ông bà tổ tiên để lại, liệu có người chịu về lại để tiếp nối truyền thống cha ông...Người ta có rất nhiều chỗ để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về...Sau này khi mình có việc làm ổn định cũng sẽ về quê sống những ngày tháng êm đềm, không cần bon chen giữa dòng đời xuôi ngược...
Về làm gì bạn hỡi...!
Tôi cũng ở Quảng Ngãi và cũng cùng cảnh ngộ như vậy. Tôi ở đây không quá lâu, cũng chưa quen hẳn với nếp sống ở Sài Gòn, ý định muốn vươn xa trong sự nghiệp thì cũng không đúng vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng tôi vẫn quyết định sẽ không về quê vì bởi chính nơi này không tạo điều kiện cho những người như tôi về quê để góp sức cho quê hương. Còn vì sao nơi đây không tạo điều kiện thì phải để câu hỏi này cho các vị lãnh đạo trả lời?! Cảm ơn những lời chia sẻ thực tế từ bạn.
Về quê không có cơ hội
Tôi cũng ở quê vào Saigon học tập và lập nghiệp. Về quê để làm gì khi ngành nghề tôi không có một miếng đất dụng võ ở quê. Nếu có chăng thì chỉ ở trong các văn phòng nhà nước, nơi mà ghế ngồi đã được sắp sẵn cho các vị con ông cháu cha, cỡ chúng tôi chi nhiều tiền chưa chắc đã vào được trong đó làm công việc rót nước. Quan liêu và cục bộ vô cùng. Ở Saigon ít nhất có nhiều cơ hội hơn, môi trường lành mạnh hơn. Không chen chân vào nhà nước cũng chả sao, tôi vẫn làm việc được cho công ty nước ngoài, ra trường 2 năm lương tháng 15 triệu cũng không đến nỗi tệ.
Cái khắc nghiệt của miền Trung
Tôi và bao lớp bạn bè cũng rời quê hương vào SG học. Khi đi ai ai cũng nuôi một suy nghĩ sau này học xong về quê làm việc, cống hiến cho quê hương, về với mảnh đất một thời gắn bó. Thế nhưng cơ chế, công việc ở quê ko có, ko phù hợp.
Nhà tôi ở một vùng gần núi, giờ đây trở về, ngay cả con đường vào làng cũng bị xe chở gỗ, chở cát cày nát con đường, mưa lũ ko sao đi đâu được .... Nhìn trăm ngàn khó khăn nên rồi ai cũng thay đổi quyết định, lại tha phương làm ăn. Chỉ có cái Tết may ra mới cùng nhau về đoàn tụ, còn ngày bình thường cái xóm nó vắng vô cùng. Một thực tế là ngay cả trong xóm có đám tang cũng ko tìm ra thanh niên để khiêng hòm.
quê là nhất
quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người. quê là nhất, trong này tuy điều kiện sống văn minh hơn nhưng ồn ào, ô nhiễm, phức tạp....
Quê Hương Mỗi Người Chỉ Một
Làm việc và sinh sống. Khi làm việc, chúng ta mong muốn làm ở nơi thuận lợi, thu nhập tốt xứng đáng với công sức bỏ ra. Trong thời buổi ngày nay, khi kiếm tiền con người luôn tìm đến nơi có công việc mang lại thu nhập cao, dễ làm ăn, buôn bán, giao dịch,… Vậy tùy vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi người mà một nơi nào đó mang lại cho họ công việc và thu nhập tốt.
“Quê Hương Mỗi Người Chỉ Một” Dù bạn làm việc ở đâu chăng nữa nhưng hãy cố gắng giữ gìn lấy cái bản sắc của mình. Nơi mà bạn sẽ cảm thấy tự hào về quê hương mình ở đâu đó trong cuộc sống ta bắt gặp, dù biết rằng đôi lúc chúng ta cảm thấy tủi thân vì một số điều không đẹp về quê hương mình. Nhưng cuộc sống là vậy, nó luôn tồn tại những mặt tiêu cực và tích cực. Tôi tự hào về quê hương tôi!
mặt tiêu cực
Tôi muốn phản ánh một khía cạnh khác. "Một ngày ở Sài Gòn kiếm tiền bằng 1 năm ở quê" đúng. Các bác không nghe thấy bán khoai lang nướng ở Sài gòn kiếm tiền triệu mỗi ngày đó à.
"Một số người ở quê chỉ biết chăn trâu, sau khi vào Sài gòn buôn bán lanh lẹ hẳn ra.." đúng.
Tôi đã một số lần mua từ những quầy bán hàng rong, một lần mua hoa lan 120 ngàn 1 chậu, cả hai chậu về nhà phát hiện ra là người bán hàng lừa, cắm cành lan vào. Một vài lần mua trái cây, xoài bày mẫu vàng ươm, bao ngọt, về nhà bổ ra chua... bởi thế mà họ kiếm được tiền triệu mỗi ngày đó. Các cô bác nông dân ơi, những con người bình dị và chân chất ấy đã bị xã hội đồng tiền làm mất đi phẩm chất tốt đẹp rồi.
đừng bi quan
Tôi đã đọc hết các lời bình của các bạn. Tôi cũng từng sống 10 năm Sài Gòn.
Theo quan điểm của tôi, mỗi người có một cách lựa chọn. Các bạn làm ở Sài Gòn cũng tốt, nhưng một năm bạn đã gửi về cho quê hương được bao nhiêu để đóng góp?(cụ thể là gửi về cho cha, mẹ) thì mới nói đến chuyện khác. Còn ở Quê, thì cũng có cách đóng góp khác. Miễn sao chung ta phát triển được quê hương.
Theo quan điểm của tôi, mỗi người có một cách lựa chọn. Các bạn làm ở Sài Gòn cũng tốt, nhưng một năm bạn đã gửi về cho quê hương được bao nhiêu để đóng góp?(cụ thể là gửi về cho cha, mẹ) thì mới nói đến chuyện khác. Còn ở Quê, thì cũng có cách đóng góp khác. Miễn sao chung ta phát triển được quê hương.
Còn xin thưa với các bạn. Ở đâu cũng có việc làm. Đừng trách ai cả, chúng ta cứ trách lãnh đạo không quan tâm, nhưng quan tâm chúng ta có về đâu, chúng ta ko về lấy đâu mà phát triển. Hiện ở Quảng ngãi việc ko nhiều nhưng vẫn đang rất cần đó các bạn, nhưng về khổ quá, lương ko cao nên các bạn bỏ chạy hết thôi.
Theo tôi, các bạn làm cho nhiều tiền vào, 05 đến 10 năm nữa về vẫn chưa muộn.
chào thân ái
chào thân ái
TÔI YÊU QUÊ HƯƠNG BÌNH SƠN - QN
Tôi rời xa quê hương thân yêu của mình được 11 năm rồi các bạn ạ! Tôi hiện giờ vẫn sống ở Sài Gòn, tôi muốn được kết bạn với mọi người ở Bình Sơn nhất là thế hệ 8X, mình làm quen ở trên face các bạn nhé!
ICH KỶ LẠI VÔ TÂM
Chào các bạn! mình đọc bài viết ý kiến của vài bạn xong, mình rất buồn, người xưa có câu "Uống nước nhớ nguồn". Tại sao các bạn lại mau quên đến nơi mà các bạn đã sinh ra và lớn lên?
Sao các bạn lại chóng quên quê cha đất tổ như vậy chứ? Nếu như các bạn cư khăng khăng không về quê mà sinh sống, thì tôi e rằng những bậc cha mẹ của các bạn sẽ chết khô mà mỏi mòn mong chờ những người con xa xứ không hẹn ngày trở về.
các bạn thật nhẫn tâm, các bạn lại một lần nữa lại bỏ quên quê hương, bỏ quên những người cha, người mẹ nghèo ở quê. Mong các bạn hãy quay về khai hoang phát triển quê mình màu mỡ hơn, đất nước có phát triển hay không cũng phải xem lại lương tâm của các bạn nữa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét