Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Ông Vũ Thành Tự Anh: “Việt Nam có đủ tiềm năng để tăng trưởng bền vững”


Tăng trưởng kinh tế nước ta rất ấn tượng trong khoảng thời gian từ 2005 - 2007, nhưng kể từ 2008 trở đi, tăng trưởng giảm sút. Đặc biệt trong năm 2012 tăng trưởng ước chỉ 5%, cần điều kiện gì để kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững?

Ông Vũ Thành Tự Anh (trái) tại Hội thảo

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam trước yêu cầu tái cơ cấu và cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán” do VCBS tổ chức chiều 5/10, Ông Vũ Thành Tự Anh - giảng viên Fulbright khẳng định rằng: “Việt Nam có đủ tiềm năng để tăng trưởng bền vững”.

Theo ông, 3 nhân tố cơ bản để Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng bền vững là: (1) Phải xác định mục tiêu tăng trưởng bền vững là mục tiêu cốt lõi, dài hạn; (2) Có một chính sách tiền tệ và tài khóa kiên định, chắc chắn để ổn định tình hình vĩ mô; (3) Tái cơ cấu kinh tế, mạnh dạn phá vỡ các nhân tố đặc quyền đang kìm hãm nền kinh tế.
Trong đó, hai nhân tố đầu tiên phải đi kèm với nhau, một khi xác định mục tiêu tăng trưởng bền vững là cốt lõi, chúng ta phải chấp nhận đánh đổi ngắn hạn để lấy cái dài hạn và bền vững. Nghĩa là với bối cảnh hiện tại phải chấp nhận tăng trưởng thấp trong ngắn hạn, ưu tiên các mục tiêu ổn định vĩ mô như lạm phát, thất nghiệp…Khi có được cái nền móng chắc chắn thì tăng trưởng sẽ bền vững.

Để đạt được mục tiêu ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ và tài khóa phải kiên định. Bởi, để kìm hãm lạm phát, chính sách tiền tệ sẽ là thắt chặt và hạn chế chi tiêu; song điều này đồng nghĩa với tăng trưởng thấp, khi tăng trưởng thấp chính sách áp dụng là nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu, tăng trưởng nóng lại lạm phát cao. Cứ như vậy sẽ hóa vòng luẩn quẩn, không thể thoát ra được, nước ta từ 2007 đã vướng phải cái vòng này.

Như vậy, khi đã xác định mục tiêu hàng đầu, chính sách áp dụng đi kèm phải ưu tiên nó. Theo ông, nếu chấp nhận điều này đồng nghĩa với chấp nhận nền kinh tế tăng trưởng kém trong khoảng 3 năm trở lại đây, từ 2015 trở đi, kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Nhân tố cuối cùng là mạnh tay tái cơ cấu kinh tế. Vấn đề Việt Nam mắc phải đó là năng suất xã hội quá thấp, đặc biệt là trong khu vực nhà nước thể hiện qua chỉ số Icor – chỉ số đo lường số đơn vị cần đầu tư để tạo ra một đơn vị sản lượng. Chỉ số này đang tăng lên đáng kể, trung bình trong những năm 2000-2005 chỉ 4.9, đến giai đoạn 2006-2010 tăng lên 7.4, và trong 9 tháng năm 2012 chỉ số này tăng lên 7.56 lần. Điều này chứng tỏ nước ta đang cần nhiều vốn hơn để tạo ra một đơn vị sản lượng.


Một điều đáng nói ở đây là trong khu vực nhà nước chỉ số này cao hơn tư nhân rất nhiều, cho thấy năng suất trong khu vực nhà nước là điều đáng báo động. Những dự án gần đây có mức đầu tư nhiều nhưng thành quả thu được chẳng bao nhiêu, đơn cử như dải miền Trung nhỏ hẹp đã có đến 3 sân bay (Phú Bài, Đà Nẵng và Chu Lai) nhưng nhu cầu lại không nhiều. Hay dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương ban đầu ước kinh phí 4,000 tỷ đồng, sau đó lên 6,000 tỷ đồng và cuối cùng khi quyết toán lại là con số 10,000 tỷ đồng, cho thấy quá trình thực hiện kém hiệu quả.

Ngoài ra, hệ thống Ngân hàng, kim chỉ nam của nền kinh tế cũng lộ rõ những bất cập. Về biểu hiện bên ngoài, ta có thể nhận thấy được thanh khoản từ căng thẳng đến ứ đọng, cạnh tranh và lách lãi suất, tỷ lệ nợ xấu cao (trong đó nợ xấu công đã chiếm hơn 50%), vỡ nợ tín dụng đen. Còn vấn đề bên trong đó là phát triển quá nhanh, vốn điều lệ tăng nhanh để đáp ứng quy định dẫn đến hệ lụy vốn ảo (vay ngân hàng để góp vốn), sở hữu chồng chéo dẫn đến quản trị bất cập.

Mỹ Hà (Vietstock)

FFN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét