Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Lại sốc vì phát ngôn của lãnh đạo: Văn hóa đọc đã phát triển vượt bậc

Hôm trước đọc tham luận của nhà văn Phạm Ngọc Tiến "Nghĩ về sự đọc đang chết" cho hội thảo khoa học này, đã viết một bài bình luận. Hôm nay được đọc bài này, đúng là đối nhau chan chát. Một đằng nhìn về  số lượng người đọc, một đằng nhìn vào số lượng ấn phẩm in ra mà không cần biết có mấy ai đọc không. Khôi hài là bác Bảo cục trưởng so sánh hiện nay với thời bom đạn trước năm 1975, cách đây hơn 1/3 thế kỷ, để khẳng định văn hóa đọc đã có những bước phát triển vượt bậc. Đúng là văn hóa đọc của người làm nghề in.

Tìm hướng phát triển văn hóa đọc

Chiều 8/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo TƯ và Hội Xuất bản VN tổ chức Hội thảo khoa học "Văn hóa đọc và ngày đọc sách VN" với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa và những người quan tâm đến văn hóa đọc.

Hội thảo tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Thực trạng văn hóa đọc hiện nay và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa đọc; Xu hướng phát triển văn hóa đọc trong thời gian tới; Những cơ sở lý luận, thực tiễn để chọn Ngày đọc sách Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ TT&TT) đánh giá, ở nước ta, trong mấy chục năm qua, văn hóa đọc đã có những bước phát triển vượt bậc. Trước năm 1975, cả hai miền Bắc và Nam xuất bản hàng năm được khoảng chưa đầy 4000 tên sách, đến thời điểm này, toàn quốc đã có 64 nhà xuất bản, với số lượng sách xuất bản xấp xỉ 25000 tên sách/năm, tăng hơn 6 lần, đạt mức hưởng thụ bình quân 3,2 bản sách/người/năm.



Sách, báo, tạp chí, xuất bản được tiêu thụ chủ yếu ở các trung tâm tỉnh, huyện và các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, những năm qua, các thư viện tư nhân, thư viện dòng họ, thư viện gia đình, các điểm bưu điện văn hóa xã… xuất hiện và phát triển rầm rộ. Sự phát triển của Internet cũng đã tạo ra một phương thức đọc hiện đại. Qua đó góp phần tuyên truyền, khích lệ, quảng bá cho văn hóa đọc trong đời sống xã hội, góp phần tạo ra thói quen đọc, từng bước hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn phải thừa nhận văn hóa đọc của VN còn có những mặt hạn chế nhất định: Chưa hình thành được một chiến lược phát triển văn hóa đọc trên bình diện quốc gia, nhằm liên kết, phối hợp các thành phần, các lực lượng cùng tham gia phát triển văn hóa đọc.

Mức hưởng thụ của người dân giữa thành thị và nông thôn còn mất cân đối. Sách, báo, tạp chí, xuất bản được tiêu thụ chủ yếu ở các trung tâm tỉnh, huyện và các thành phố lớn, thiếu vắng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Trong khi đó, văn hóa đọc đang có nguy cơ bị các phương tiện nghe nhìn, du lịch… lấn át và co hẹp lại, làm suy thoái thói quen đọc của công chúng. Chưa có những cuộc điều tra xã hội học cơ bản trên quy mô lớn để xác định tình trạng này ở mức độ nào và tìm ra biện pháp khắc phục, nhằm xây dựng văn hóa đọc của cộng đồng.

Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn toàn xã hội sẽ thấy được ý nghĩa, sự cần thiết của văn hóa đọc đối với từng người, từng gia đình và cả cộng đồng, từ đó lựa chọn một ngày là Ngày đọc sách Việt Nam, để ngày này chính thức trở thành ngày hội khuyến khích đọc, tôn vinh sách, tác giả, tác phẩm, tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh những người làm nghề xuất bản, phát hành, thư viện.

H.Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét