Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

“Giặc khỉ” trả thù

Vui:


Một nhóm khỉ nhà đứt dây tập hợp lại phá phách hoa màu, vườn tược khiến xóm nhỏ nông dân ở Bình Thuận phải kêu trời. Nhóm “hầu tặc” này còn tổ chức ăn cắp trứng gà, trộm điện thoại, giật tiền và… tuột quần người dân!

Hơn sáu tháng nay, người dân ở xóm nhỏ vài chục nóc nhà ở đầu thôn Kim Bình, xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đều mất ăn mất ngủ vì ba con khỉ sổng chuồng tập hợp lại phá phách như giặc.
Đòn thù đầu tiên: Tấn công thằng Tèo!
Xoài, mận, vú sữa ở khu vực này gần như bị vặt sạch không còn một trái. Thanh long mỗi nhà trồng vài ba trăm trụ sau vườn. Bọn khỉ móc ruột hoặc hái trái thanh long ném xuống đỏ cả gốc để… nhìn cho đã mắt. Bàn thờ thiên đơm trái cây để cúng ngoài sân chưa qua đêm đã mất sạch. Thậm chí gia đình nào đi công việc quên đóng hoặc chỉ khép hờ cửa sổ là lập tức nhóm “hầu tặc” liền đột nhập, ngự lên bàn thờ tha hồ ăn bánh trái cho đến khi no kềnh mới thoát thân.
Bà Nguyễn Thị Lan kể, khoảng đầu năm 2001, bà có người cháu làm lâm trường phát hiện con khỉ mẹ đã bị ai đó bắn chết, trên ngực vẫn còn con khỉ sơ sinh nhỏ xíu bấu vú mẹ. Người cháu thấy tội nghiệp nhặt lấy đem về cho bà nuôi. Từ lúc chỉ bằng nắm tay trẻ nhỏ, con khỉ cái mồ côi đã phổng phao lên. “Nó ngoan lắm, biết nghe lời, cho trái cây gì cũng ăn. Có hôm tui xúc đại chén cơm kèm với cá khô nó cũng lặng lẽ ngồi bốc ăn ngon lành” - bà Lan nhớ lại. Bà Lan năm nay đã 70 tuổi, con cái đều lập gia đình ra riêng nên đối với bà, con khỉ giống như con cháu trong nhà.



Trong khi con khỉ đàn em vừa ăn cắp trứng gà ngồi ăn ngon lành (ảnh trên) thì con khỉ đầu đàn no nê núp mát dưới gốc thanh long rất phè phỡn.
Bà kể gần rằm tháng Tư năm nay, sợi dây xích mòn vẹt xích cổ con khỉ bị đứt. “Nó chỉ khọt khẹt một tiếng rồi phóng tuốt ra đám thanh long sau vườn và mất hút”. Bà huy động con cháu hàng chục người tỏa đi tìm kiếm nhưng vô phương.
“Hôm sau, con khỉ quay về. Và việc đầu tiên là nó tấn công thằng Tèo (14 tuổi), cháu trai tui, nhà ở gần đó. Thằng Tèo bị cào xước, chảy máu ở cánh tay, phải đưa lên Trung tâm Y tế dự phòng ở Phan Thiết chích ngừa bệnh dại hơn 1 triệu đồng” - bà Lan kể.
Thằng Tèo chỉ lớn hơn con khỉ ba tuổi. “Hai đứa” đã từng có “ân oán” với nhau khi trước đây thấy con khỉ bị xích, Tèo thường bẹo má, nhéo tai. Thỉnh thoảng Tèo còn chơi trò lớp học, mình làm thầy, khỉ làm trò; thầy buộc trò xòe bàn tay ra rồi lấy thước kẻ đánh đòn, dù trò chẳng có tí lỗi gì.


Trộm cắp và gây rối… có tổ chức
Sau lần tấn công thằng Tèo, con khỉ cảnh giác hẳn, nó không còn thân thuộc đến gần mọi người như trước nữa, kể cả bà Lan.
Khi cho đồ ăn, nó chỉ đứng từ xa nhìn nhưng chỉ cần đặt xuống đất quay lưng là thoắt cái, nó đã có mặt bưng chén cơm nhảy bằng ba chân tót lên cây gòn cao vút sau nhà ngồi ăn. Khoảng một tuần sống kiểu nửa vật nuôi nửa hoang dã, con khỉ bỏ đi đâu ba ngày, không ai thấy bóng dáng. Mọi người chắc mẩm theo bản năng, nó đã đi theo tiếng gọi nơi hoang dã, trở về đại ngàn.
Nhưng không, ba ngày sau, khỉ ta bất ngờ trở về cùng đồng bọn là hai con khỉ cái khác nhỏ hơn. Chúng bắt đầu “triển khai” một cuộc tấn công toàn diện, trong đó con khỉ nhà bà Lan đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Anh Phạm Hùng Phong, con trai thứ ba của bà Lan, cho rằng đây là hai con khỉ nuôi của ai đó bị sổng chuồng và được con khỉ nhà mẹ anh “chiêu dụ” về, chúng bạo dạn và ma mãnh không kém gì con khỉ của mẹ anh.
Cuộc xung đột giữa người và khỉ bắt đầu từ đàn gà mái của bà Lan. Ngoài vườn thanh long, bà Lan thường kiếm tiền chợ và tiêu vặt từ việc bán trứng của đàn gà mái đẻ gần chục con. Tuy nhiên, từ khi đàn khỉ này quậy phá, bà không bán được cái trứng nào. Bọn khỉ “canh me” rất hay, gà vừa đẻ được trứng nào là chúng tiếp cận, lật đít gà mái mẹ lấy trứng. Có hôm chúng túm cả con gà đang ấp ném xuống hốt mỗi con hai trứng rồi bỏ chạy.
Theo bà Lan, chúng ở gần con người quá lâu nên quen, chỉ cần nghe gà cục tác là biết gà vừa đẻ nên chúng ra tay hành động ngay. Nhiều lúc bà Lan bắc ghế ngồi cạnh mấy ổ gà canh chúng đẻ nhưng cũng không giật kịp với bọn “hầu tặc” này.
Anh Phong là nạn nhân thường xuyên của nhóm khỉ này. Vợ bán bánh canh trước nhà, anh thường dậy sớm giúp vợ bưng bê dọn hàng. Những lúc anh bưng mâm có đồ ăn, lập tức nhóm khỉ ma mãnh này liền xông tới… tuột quần đùi anh đang mặc rồi la chí chóe ra vẻ thích thú lắm. “Những lần như thế tôi chỉ biết rùn người xuống chứ đâu dám… thả mâm. Sau này tui mặc quần dài luôn cho chắc ăn!” - anh Phong vừa kể, vừa cười.



Bà Lan chỉ nơi bọn khỉ thường đến lật đít gà ăn cắp trứng gà. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Khỉ “thành tinh”
Cô Ly, con gái út bà Lan, làm tài xế taxi, kể có lần về nhà giặt đồ mang đi phơi, cô để quên điện thoại di động ngoài giếng. Vào nhà nghe tiếng điện thoại reo, cô quay trở ra đã thấy mấy con khỉ cầm điện thoại của mình nhảy tót lên cây gòn nghe nhạc chuông. Sợ la lớn chúng sẽ ném điện thoại xuống hư mất, Ly nhẹ nhàng vào nhà, sau đó quay ra thì thấy điện thoại được để trên giò phong lan cạnh đó. Cũng theo Ly, hôm đó chị vừa mua trái dưa hấu nặng gần 3 kg định rửa xong sẽ đơm bàn thờ, ai dè cả ba con khỉ xúm vào khiêng ra đống đá chẻ sau nhà, quăng mạnh xuống cho vỡ ra rồi chia nhau ăn ngon lành.
Phá nhà người cưu mang mình đã đời, con khỉ đầu đàn còn dắt “quân” đi phá nát mấy chục nhà hàng xóm. Nhà nào rượt đuổi, đóng chặt cửa đề phòng là ngay đêm đó chúng nhổ hết cây kiểng đắt tiền để ngoài sân cho bõ ghét. Nhà bà Điệp ở gần bên được xem là thiệt hại nhiều nhất. Ngoài việc leo bàn thờ cướp trái cây, chúng còn đột nhập vào bếp đổ hết bao gạo ra sàn nhà. Có lần còn giật tờ 100.000 đồng bà Điệp để trên bàn rồi tháo chạy trước sự bất lực của khổ chủ.
Ngày 20-10, chúng tôi có mặt tại đây để canh chụp ảnh nhóm khỉ này thì cũng vừa lúc bà Hiếu, hàng xóm bà Lan, đến “mắng vốn” bà Lan. Bà Hiếu nói bọn khỉ đã hái sạch cả trăm trái mãng cầu trên cây nhà bà.
Anh Phong cho biết trước tình trạng này anh phải mua thuốc ngủ trộn vào cơm đưa cho chúng ăn để canh bắt, xích chúng lại. “Nhưng không hiểu sao cơm ngon hơn mọi ngày mà bọn khỉ vẫn từ chối”. Có lần, anh Phong nhét thuốc vào mấy quả chuối nhử nhưng chúng chỉ ngửi ngửi rồi ném đi. Tức quá, anh Phong đi mua bẫy đập gài ngoài vườn nhưng chưa bao giờ chúng sập bẫy. Đã vậy, chúng còn lấy đá ném méo mó hết cái bẫy mới mua.
Khoảng hơn tháng trước, con rể của ông Ba nhà bên từ TP.HCM về có mang theo súng hơi rình bắn nhóm khỉ này nhưng không trúng. Sáng hôm sau, ông Ba sang cho biết đàn khỉ đã đột nhập vào nhà ông bẻ gãy cổ một con ngỗng và đập nát hết trứng!
Anh Phong nói bây giờ cả xóm ai cũng hiểu khỉ sổng chuồng nên chẳng ai “mắng vốn” nhà anh như trước đây, nhưng cả xóm ai cũng lo lắng vì khỉ gây thiệt hại ngày càng lớn. Anh Phong và cả xóm mong muốn ngành kiểm lâm có giải pháp khống chế thế nào để trả chúng về với rừng cho rồi.


Bọn khỉ nghịch ngợm, quậy phá là thế nhưng chúng rất thương hai con bò của nhà bà Lan. Gần như ngày nào chúng cũng leo lên lưng bò bắt sạch ve, bọ chét. Có lần, hai con bò sút dây chạy băng qua quốc lộ 1 trước nhà. Đàn khỉ bất chấp nguy hiểm cũng chạy theo. đến lề đường, con khỉ đầu đàn dáo dác nhìn quanh, biết vắng xe liền ra hiệu cho cả bọn bò qua đường trước sự trố mắt ngạc nhiên của nhiều người.
Cách nay khoảng ba tuần, mèo nhà chị Ly vừa đẻ, con khỉ đầu đàn đã vào cướp một con mèo con bồng áp vào vú như con của mình và nhảy tót đi…
PHƯƠNG NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét