SGTT.VN - Mùa nước lũ đến, cầu kênh Lò Gạch (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trở nên nhộn nhịp bởi dân tứ phương đổ về tìm kế sinh nhai và quây quần thành một xóm nhỏ ven kênh, với chuỗi dài những đêm thức trắng, vật vã, hiểm nguy bởi hàng đêm cả xóm nghèo lại bủa ra khắp đồng nước lũ để mưu sinh.
Tìm rắn trong đêm
Sáu Tùng vừa bắt được con rắn ráo trong chuyến săn đêm.
|
Sau bữa cơm chiều vội vã, Sáu Tùng tạm biệt vợ con và bước sang chiếc xuồng nhỏ cạnh bên để thực hiện chuyến săn đêm như mọi ngày. Xuồng rời bến, băng đồng thẳng hướng huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Dãy Thất Sơn hùng vĩ lùi dần sau cánh đồng ngập nước lũ, mặt nước phẳng lặng như hồ thu, chỉ có hai chiếc xuồng của Sáu Tùng và Tư Thương làm xao động đồng lũ cô quạnh. Xuồng vừa rẽ nước phăng phăng, Sáu Tùng nói: “Ở đây kênh nhiều nên chỉ nhắm hướng mà đi”. Sau hơn hai giờ chạy hết tốc lực, trời vừa sẫm tối, Sáu Tùng cho xuồng dừng tại một bìa tràm. Bất chợt có xuồng bơi ngang, hỏi ra mới biết đây là địa bàn thuộc ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất. Vừa rít hơi thuốc, Sáu Tùng nói: “Ở đây, đồng hoang vu và thưa người, nên rắn còn nhiều. Hơn nữa, đồng ruộng bị ngập, rắn rút vào những chòm cây tránh lũ, vì vậy, dân đi săn các nơi thường đổ về đây”.
Bóng tối tràn ngập cánh đồng nước lũ, Sáu Tùng và Tư Thương chia nhau mỗi người một hướng tiến sâu vào rừng tràm. Bên trong, rừng thâm u và màn đêm dày đặc, chỉ thấy choá đèn treo trước trán và ánh mắt thâm quầng của Sáu Tùng dõi theo từng cử động trên thân tràm. Bất chợt một con rắn hổ hành từ dưới nước bơi vội vào hang, nhanh như cắt, Sáu Tùng phóng lên liếp tràm tóm lấy con rắn hổ hành, cuộc giằng co quyết liệt, cuối cùng thì con rắn dài hơn một mét, nặng hơn nửa ký được Sáu Tùng lôi ra từ trong hang, Sáu Tùng nói: “Ban đêm, rắn thường ra ngoài kiếm ăn, hoặc leo lên ngọn cây tìm nơi trú ẩn, nên chỉ dễ săn bắt vào lúc này”.
Tràm dày đặc, những con rắn nằm co ro hay vắt võng trên thân cây đều không thoát khỏi ánh mắt nhà nghề của Sáu Tùng, anh phân trần: “Vùng này còn hoang vu rắn độc nhiều, nên phải quan sát kỹ. Nếu là rắn thường, vừa tầm thì bắt bằng tay, còn rắn độc hoặc nằm xa tầm tay thì phải dùng kẹp sắt”. Kẹp sắt gồm hai mấu sắt hình chữ V gắn ở đầu một cây sào dài, khi phát hiện, Sáu Tùng nhẹ nhàng đưa kẹp sắt vào giữa mình rắn và giật mạnh sợi dây thòng lọng phía dưới, con rắn bị kẹp chặt chỉ còn giãy giụa. Với cách bắt thiện nghệ, Sáu Tùng cam chắc: “95% rắn không thể thoát thân”. Hầu như vừa có dấu vết người đi săn lướt qua nên tìm mãi không còn thấy rắn, Sáu Tùng liền điện thoại cho Tư Thương bọc ra kênh thẳng hướng Kiên Lương (Kiên Giang). Có thêm một thành viên bất đắc dĩ lại vụng về với sông nước, nên chiếc xuồng cứ tròng trành, Sáu Tùng khuyên tôi nằm với tư thế ngã ngửa và lấy tấm nilông trùm kín từ đầu đến chân để tránh nước tạt, vừa để xuồng chạy nhanh và an toàn. Chạy được hơn chục cây số thì trời đổ mưa xối xả, Sáu Tùng và Tư Thương cho xuồng nấp vào một chòm cây để chờ mưa tạnh.
Câu chuyện giữa đồng
Sáu Tùng năm nay 39 tuổi nhưng trông anh già trước tuổi rất nhiều bởi cái nghề luôn phải thức thâu đêm, trùm kín trong tấm nilông, anh nói: “Săn rắn quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa lũ, lũ càng lớn, rắn tạt lên cây càng nhiều, người săn dễ tìm nhưng vất vả lắm, phải thức suốt đêm, nên nhiều khi buồn ngủ đến nỗi giơ kẹp sắt lên mà mắt mở không ra”. Tư Thương ngồi cạnh bên phụ hoạ: “Bắt được con rắn, rồi gặp mưa đêm kéo dài, phải nằm chịu trận giữa đồng chờ sáng mới về. Tuy cực nhưng vui, vì giữa đồng không mông quạnh hễ cứ khuya đến là anh em đậu xuồng chụm lại chuyện trò cho đỡ buồn ngủ, bất kể là lạ hay quen”.
Câu chuyện đang rôm rả thì giọng Sáu Tùng bỗng chùng xuống: “Hành nghề săn rắn, nhưng không sợ rắn độc, mà sợ nhất là nỗi xa nhà, xa cha mẹ”. Sáu Tùng cho biết tên anh là Phùng Văn Tùng, quê ở xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú (An Giang), 15 tuổi, anh theo cha rong ruổi khắp vùng Tứ giác Long Xuyên để hành nghề săn rắn đầy cực khổ và hiểm nguy. Bấm đốt tay, Sáu Tùng tính: “Đến nay, được 24 năm trong nghề, nhưng mà không khá nổi! Phải chi mình có ruộng nương làm phụ thêm, chứ nghề này khô dầm là khô tiền”. Rồi Sáu Tùng tự hỏi: “Cùng trang lứa như tôi sao nhiều người sung sướng, còn mình lại lang bạt, bấp bênh trên sóng nước như vầy”. Ánh sáng từ choá đèn vàng vọt, héo hắt trước trán càng làm lộ rõ ánh mắt quầng thâm và khuôn mặt đen đúa, khắc khổ của Sáu Tùng. Tư Thương còn trẻ, anh ít kể về mình mà chỉ buông câu: “Nghèo quá, ráng làm chứ biết sao”. Không chỉ cái nghèo đeo bám, Sáu Tùng còn mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo mà lâu nay chưa qua khỏi, anh mơ ước: “Tui ráng làm dành dụm trị hết bệnh và mua vài công đất để sống gần nhà, chứ mỗi năm chỉ về thăm quê được ba ngày tết, mà cha mẹ lại già rồi”.
Xóm phiêu bạt
Những đứa trẻ xóm... phiêu bạt đa số đều thất học nửa chừng.
|
Khoảng 6 giờ sáng, xuồng đi săn lần lượt cập bến. Niềm vui của mấy đứa con nít có cha về và nỗi hồi hộp, đợi chờ của các bà vợ có chồng đi săn đêm làm chộn rộn cả đầu kênh Lò Gạch. Bước thấp bước cao vì tối qua Tư Thương mất ngủ và ngồi suốt trên xuồng, anh xách giỏ rắn độ chừng ba ký qua bên kia chợ Lương An Trà, bà chủ vựa thu mua rắn thấy có người lạ giơ máy ảnh lên chụp, bà liệng ngay giỏ rắn xuống đất và mắng Tư Thương té tát: “Tao muốn yên ổn làm ăn nên tao không cần mày dẫn quay phim chụp hình. Mày muốn tao mua rắn của mày nữa không”. Tư Thương tiu nghĩu và như thấy mình có lỗi vì không giúp tôi chụp được cảnh này.
Trở lại cầu kênh Lò Gạch, lúc này, có khoảng 30 chiếc ghe của nhóm thợ săn neo đậu san sát tạo thành một xóm nhỏ mùa nước. Mỗi ghe là một gia đình từ các nơi đổ về, anh Nguyễn Thanh Tâm, 37 tuổi, quê xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, cùng vợ và ba đứa con về sống ven kênh đã bốn mùa nước để hành nghề săn bắt rắn. Anh Tâm cho biết mỗi đêm anh săn được từ hai đến ba ký rắn, chủ yếu là rắn ráo, hổ hành, hổ ngựa, rắn nước... sau khi trừ chi phí, mỗi đêm anh kiếm được hơn 200.000 đồng. Anh Tâm nói giọng buồn: “Cực khổ tui hổng sợ, chỉ tội nghiệp hai đứa con lớn phải bỏ học nửa chừng vì tui phải rày đây mai đó”. Chị Vẹn, vợ anh cạnh bên nghẹn ngào: “Mình dốt đã đành, nhìn con dốt lại càng đau lòng, chứ nó ham học lắm!”
Còn anh Võ Văn Sào, ở xã Ô Long Vĩ ví von: “Tụi tui như lục bình vậy, chỗ nào săn bắt được thì neo đậu lại, khi nào không còn săn bắt được nữa thì dời đi nơi khác. Sống rày đây mai đó, nên con nít ở xóm này hầu hết đều bỏ học nửa chừng”. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng ở ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, huyện Châu Phú cùng hai đứa con sống trên chiếc xuồng nhỏ ở ven kênh, tuy có khá hơn là vợ anh Hùng đưa con đến trường mỗi sáng, nhưng học được bao lâu thì anh không dám chắc. “Sau này, chắc nó cũng theo nghiệp của cha mẹ nó mà thôi”, anh Hùng nói và nhìn ra dòng kênh nước chảy vùn vụt như không thể đoán định được tương lai của mình sẽ dừng lại ở nơi nào.
15 giờ, xóm nhỏ ven cầu kênh Lò Gạch bắt đầu nổi lửa cho bữa cơm chiều, vợ chồng Sáu Tùng và hai đứa con quây quần bên mâm cơm trên chiếc xuồng chật hẹp, trong bữa cơm chiều hôm đó, chỉ thấy có mấy con cá kho quẹt và tô canh chua điên điển, tuyệt nhiên không thấy món nào gọi là “đặc sản” mà anh đã vật vã săn bắt suốt đêm qua, những thứ đó vợ anh đã bán hết cho chủ vựa.
Trên tuyến đường Tri Tôn – Vàm Rầy rẽ vào xóm nghèo du cư ven cầu kênh Lò Gạch, ban ngày, hầu như cánh đàn ông, trai tráng ai cũng ngủ vùi trong những chiếc lều che tạm, hay trong những mui ghe neo đậu san sát ven kênh, ai cũng bảo sao cuộc sống lặng lẽ, êm đềm đến như vậy, nhưng nào có biết rằng, mới tối hôm qua họ phải thức trắng đêm vật vã trên đồng nước lũ để tìm kế sinh nhai. Và cho dù cuộc sống có thế nào đi chăng nữa, họ vẫn không chịu bó gối khoanh tay, mà vẫn can đảm bước tới dù cuộc sống có đầy những bất trắc, lo toan
BÀI VÀ ẢNH: HIẾU THẢO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét