Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Cay đắng xi măng: Tập đoàn đổ nợ cho Chính phủ

- Trong số 5 DN thua lỗ gây nhức nhối trong ngành xi măng hiện nay đã có 4 là do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư. Đó là: Xi măng Đồng Bành, Cẩm Phả, Thái Nguyên và Hạ Long.
 
Đầu tư kéo dài, sản xuất thua lỗ

Nhà máy Xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn) do Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) và Công ty Xi măng Lạng Sơn góp vốn đầu tư, trong đó cổ đông chi phối là COMA góp 88,23%.

Dự án có công suất 2.500 tấn clinker/ ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.298 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án khởi công vào tháng10/2006 và đi vào hoạt động cuối năm 2008, nhưng mãi đến tháng 9/2010, sản phẩm đầu tiên mới ra lò. Sau hai năm chậm trễ, tổng mức đầu tư cũng bị đôn lên rất nhiều. Tại thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động, tháng 9/2010 đã là 1.505 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.
Dự án này nhận được khá nhiều ưu ái từ các ngân hàng, với số vốn vay lớn. Cụ thể vay từ ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 272,142 tỷ đồng; vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam 183,467 tỷ đồng, vay ngân hàng ANZ là 747,850 tỷ đồng; còn vốn tự có của chủ đầu tư 301,542 tỷ đồng tương đương với 20%. Trong đó, phần vốn vay từ ANZ được Chính phủ bảo lãnh.

Đến nay, nhà máy đã dừng hoạt động từ quý I/2012 với số lỗ gần 197 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản vốn vay mà Xi măng Đồng Bành phải trả cả gốc lẫn lãi trong 5 năm tới là trên 600 tỷ đồng.

Thời gian vừa qua do thua lỗ Bộ Tài chính đã phải đứng ra trả 3,5 triệu USD cho ngân hàng ANZ thay cho Xi măng Đồng Bành. Với việc ngừng sản xuất thì các khoản nợ trong thời gian tới Xi măng Đồng Bành không biết lấy đâu để trả.
 

Nhà máy Xi măng Cẩm Phả (Quảng Ninh) do Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư. Dự án Xi măng Cẩm Phả có công suất thiết kế 2,3 triệu tấn/năm với tổng đầu tư khoảng 6.089 tỷ đồng.

Tuy vậy, sau 3 năm hoạt động Xi măng Cẩm Phả lỗ lũy kế lên đến 1.259 tỷ đồng. Năm 2011 Vinaconex đã phải trích lập dự phòng 586 tỷ đồng và năm 2012 dự kiến tiếp tục trích lập dự phòng đầu tư tài chính vào Xi măng Cẩm Phả khoảng 960 tỷ đồng.

Để giải tỏa nỗi ác mộng này, việc tính toán nhượng lại cổ phần của Xi măng Cẩm Phả đã được Vinaconex tính đến. Có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn mua, tuy nhiên mức giá đưa ra rất rẻ chỉ dưới mệnh giá (10.000 đồng) cho mỗi cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc Vinaconex sẽ phải chịu một khoản lỗ lớn.

Nhà máy Xi măng Hạ Long (Quảng Ninh), được khởi công xây dựng từ 6/2006 do Tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng do thời gian thi công chậm 45 tháng, tổng mức đầu tư đã tăng thêm 2.776 tỷ đồng.

Đi vào sản xuất từ đầu năm 2010, nhưng do số vốn đi vay quá lớn (5.196 tỷ đồng), nên đến hết tháng 3/2012 của dự án lỗ 1.215 tỷ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch trả nợ năm 2012, Xi măng Hạ Long phải trả các khoản vay nước ngoài do Bộ Tài chính bảo lãnh, gồm khoảng 437 tỉ đồng cho Ngân hàng Natixis và hơn 28 tỉ đồng cho Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu.

Do làm ăn thua lỗ, nên Xi măng Hạ Long đã phải đi vay hoặc chiếm dụng các nguồn vốn khác để trả nợ các khoản vay trong và ngoài nước đến hạn trả nợ. Hết quý I/2012, Xi măng Hạ Long đã vay vốn để trả hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện tại, Xi măng Hạ Long lại tiếp tục đối mặt với số nợ phải trả trong giai đoạn 2012-2015 là 1.200 tỷ đồng.

Nhà máy Xi măng Thái Nguyên (Thái Nguyên) do Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) đầu tư với công suất 1,5 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 2.775 tỷ đồng, tương đương 185 triệu USD.

Dự án được Chính phủ cho phép thực hiện với nhiều cơ chế hỗ trợ như cho vay lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay vốn nước ngoài,

Sau hơn 1 năm hoạt động, Xi măng Thái Nguyên đã lỗ 77 tỷ đồng và chưa đạt 60% công suất. Với công suất này, giá thành sản xuất không thể chịu nổi được khấu hao và lãi vay. Theo tính toán, để đảm bảo hoạt động hiệu quả, có nguồn trả nợ, thì đầu ra ít nhất phải đạt 80% công suất.

Theo Bộ Tài chính, Xi măng Thái Nguyên hiện không có nguồn trả nợ. Vì vậy, tháng 7/2011, với tư cách là người bảo lãnh, Bộ Tài chính đã trả nợ vốn vay đầu tư đến hạn của Vinaincon tại Ngân hàng BNP Paribas, với số tiền 4,2 triệu euro.

Trước khó khăn sản xuất, không có nguồn trả nợ của Xi măng Thái Nguyên, Bộ Công thương đã phải đề xuất lên Chính phủ cho phép Bộ Tài chính tiếp tục ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả thay cho Dự án khoản vay từ Ngân hàng BNP Paribas (Pháp). Đồng thời, xin khoanh nợ và hoãn trả nợ gốc giai đoạn 2012-2014, giai đoạn 2014-2021 trả nợ với lãi suất từ 5 đến 25%.

Ngoài ra, với việc trả nợ lãi vay, Dự án được khoanh nợ, dừng tính lãi phát sinh từ nay đến năm 2014 và được phép vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Bài học cay đắng

Tất cả các nhà máy trên đều nằm trong quy hoạch phát triển ngành xi măng, được hưởng nhiều ưu đãi… Tuy nhiên, kết quả đến nay là một khối thua lỗ và nợ nần.

Theo các chuyên gia từ Bộ Tài chính, tại các nhà máy này, việc huy động vốn vay quá lớn, trong khi vốn chủ sở hữu thiếu, đặc biệt, việc nhiều dự án không đảm bảo được tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu như quy định là nguyên nhân lớn khiến các nhà máy xi măng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Ngoài ra, các dự án được phê duyệt không sát thực tế, đầu tư không đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài… là những nguyên nhân đẩy nợ lên cao và khó trả nợ sau khi dự án đi vào hoạt động.

Theo Bộ Xây dựng, những dự án này hoạt động kinh doanh không hiệu quả, khó khăn về tài chính kéo dài, không tự cân đối đủ dòng tiền trả nợ vay và duy trì sản xuất, có thể dẫn đến phá sản nếu không có phương án tái cấu trúc DN.

Nhìn nhận thực tế này, các chuyên gia cho rằng, đây lại thêm một bài học cay đắng nữa của phong trào đầu tư đa ngành của các DNNN. Việc các Tổng công ty, Tập đoàn Nhà nước đầu tư dàn trải vào các mảng không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính đã dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền. Bởi nguồn vốn có hạn nhưng lại đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau khiến cho tỷ lệ vay nợ cao.

Bên cạnh đó là thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Nguồn nhân sự cao cấp vốn đã ít ỏi lại bị dàn trải vào nhiều lĩnh vực, mỗi nhân sự quản lý đều nắm giữ nhiều vị trí tại nhiều công ty ở các lĩnh vực khác nhau. Các nhân sự quản lý không có đủ thời gian và kinh nghiệm cũng như chuyên môn để quản lý tốt công việc rất đa dạng.

Trong giai đoạn trước năm 2008, với sự bùng nổ của thị trường bất động sản, đã đưa thị trường xi măng phát triển sôi động chưa từng thấy. Vì vậy, với những điều kiện, như cầu lớn, đá vôi sẵn có, than thì mua không hạn chế, nên việc đầu tư xây dựng nhà máy xi măng đã tạo nên một hấp lực khó cưỡng.

Tuy nhiên, tư duy "thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào" thêm một lần nữa lại chỉ rõ rằng hiệu quả chẳng thấy đâu mà kết cục là hàng chục ngàn tỷ đồng tung ra chỉ để rước về những món nợ lớn.

Trần Thủy
 
Ý kiến bạn đọc
(Đã xử lý 46 / 60 bình luận)
  • không còn là bài học cay đắng
    Đây không phải là bài học cay đắng nữa mà xa hơn là sự yếu kém về quản lý và kinh doanh của chúng ta, không thể cứ làm sai lại sửa, vấn đề đặt ra là ai chịu trách nhiệm về những vụ đầu tư không hiệu quả này? ,tại sao dự án đầu tư lại sai lệch thời gian nhiều vậy..?có phải tiền "ăn hết" rồi không?.thật đau lòng cho nhiều người
    danh Gửi lúc 03/10/2012 09:36
  • môi trường kinh doanh méo mó quá
    Cũng chẳng phải chỉ có doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp khác cũng thế thôi. Các Ngân hàng cổ phẩn, các Tập đoàn cổ phần đều là các ví dụ sinh động. như Habubank... cổ đông gần như mất trắng, cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm, bây giờ biết kêu ai
    Thế Khôi Gửi lúc 03/10/2012 08:59
  • Cần xem lại
    Không thể để vấn đề này tồn tại, cần phải chấn chỉnh ngay không thì lòng dân không phục, bao nhiêu lãi vào túi cá nhân, bao nhiêu lỗ đổ lên đầu nhân dân. Thử hỏi có ông cán bộ nào thuộc các tập đoàn lớn mà không nhà lầu xe hơi?.
    thuc te Gửi lúc 03/10/2012 08:13
  • Còn nhiều
    Còn nhiều đơn vị chưa bị phát hiện thuiI
    Ni già Gửi lúc 03/10/2012 06:53
  • Đổ nợ cho dân đen
    Chính xác là đổ nợ cho người dân vì Chính phủ cũng chỉ là lấy tiền ngân sách ra cứu các DN này thôi.
    Thanh Hải Gửi lúc 03/10/2012 05:24
  • Ai nhận trách nhiệm?
    Như vậy là đã quá rõ ràng. DN càng to, đầu tư càng lớn thì lỗ càng lớn. Và bây giờ lại đổ cho Chính phủ, tức là lại đỗ lên đầu người dân???
    Hoàng Thái Gửi lúc 03/10/2012 12:56
  • Cùng suy nghĩ
    Một đất nước hơn 80 triệu dân diện tích hẹp, nhưng lại phát triển các loại nhà máy tỉnh nào cũng phải có xi măng, bia. .. cán thép, các loại trường đại học còn được mệnh danh tên tuổi thế giới, một năm có rất nhiều sân gols được phê duyệt, rất nhiều ngân hàng kinh doanh tiền, nhiều dự án thủy điện . . .,
    Nông Văn Dân Gửi lúc 03/10/2012 12:17
  • Làm xi măng sao lỗ được?
    Làm xi măng làm sao lỗ đưọc hả trời ơi? - Đá vôi: Việt Nam mình có đầy. Giá rẻ hơn cho. Làm xi măng không hết bán ra ngoài làm đường, xây dựng..vv - Đá sét: Có đầy. Là xi măng không hết bán đi san lấp hoặc bán sang TQ - Thạch cao: Không nhiều lắm nhưng có Bạn Lào đây rồi. Càng mua nhiều thì càng có tiền bỏ túi mình. - Than đá: Than nhà mình chứ ai. mua chịu lâu lâu trả - Điện: Điện nhà mình chứ ai. Mua chịu lâu lâu trả - Thiết bị: Tiền dân mình chứ ai, lại còn vay được lãi suất thấp. trả dần dần. Trả hết thì là của nhà mình rồi - Xăng dầu: Dân mình chịu chứ ai. Chở xa tính tiền xa, chở gần.. ăn tiền xa. Đố ai xây nhà mà không mua xi măng nhà tớ đấy.. Vận chuyển nguyên vật liệu thì mớ nó rán nó thôi. ....... Đố các vị biết chi phí sản xuất 1 tấn xi măng là bao nhiêu và bán là bao nhiêu? Từ đó suy ra lãi (lãi gấp đôi) Vậy lỗ là sao???
    Chu Công Gửi lúc 02/10/2012 11:55
  • n/m bột giấy Phương Nam
    dự án n/m bột giấy Phương nam Long an cũng như thế.khổ thât
    van Gửi lúc 02/10/2012 10:23
  • đến khi nào?
    sẽ còn rất nhiều bài học đắt giá nửa các bạn ah
    đăng đức Gửi lúc 02/10/2012 07:25
     
    • Tất cả là do Tham nhũng
      Những ai đã làm trong ngành Xây dưng đều biết : Không đầu tư thì không có %. vì thế người ta phải đẻ ra dự án và dự án càng nhiều tiền càng tốt, không cần đến tính hiệu quả.
      Hoàng liên Gửi lúc 02/10/2012 05:43
    • Tham nhũng là nguyên nhân chính.
      "Tất cả các nhà máy trên đều nằm trong quy hoạch phát triển ngành xi măng, được hưởng nhiều ưu đãi… Tuy nhiên, kết quả đến nay là một khối thua lỗ và nợ nần." Như vậy, thủ phạm cao nhất của việc đầu tư thua lỗ này là người phê duyệt quy hoạch , Ai thì có thể tìm ra được. Tập thể, cá nhân nào tham mưu, triển khai thực hiện có thể chỉ đích danh được. Vấn đề là có dám làm hay không ? Tiền thuế của nhân dân đang bị phung phí, bị xà xẻo và con cháu chúng ta sẽ phải trả.
      Vũ Minh Gửi lúc 02/10/2012 05:00
    • Nếu không xử lý?
      Phải sớm giải quyết dứt điểm những ông trời con tiêu tiền không ghê tay để đổi lấy phần trăm lại quả này, tránh cho kinh tế đất nước khỏi chìm theo những quả đấm "thép" Vinashine, Vinaline, Vina xi măng và nhiều Vi na khác nữa!!!!
      Nhân dân Gửi lúc 02/10/2012 04:53
    • Đã đến lúc...
      Phải điều tra và có biện pháp trừng trị thích đáng những cá nhân cố ý thực hiện sai phạm. Có thế mới lấy lại lòng tin của người dân.
      Nguyễn Hưng Huy Gửi lúc 02/10/2012 04:42
    • Thích thì cứ làm đấy
      Tôi thích làm xi măng thì tôi cứ làm đấy, ai nói được tôi. Kế hoạch, nghiên cứu thị trường, công nghệ, con người ..... tôi ko cần biết. Chỉ cần tôi thích thì tôi cứ làm, thiệt hại thì dân phải gánh chịu, tiền lại quả thì tôi cầm.
      Do van Chuong Gửi lúc 02/10/2012 04:11
    • Cay đắng xi măng: Tập đoàn đổ nợ cho Chính phủ
      đừng nói từ cai đắng, trước khi làm chúng ta đã nhìn thấy thật bại rồi chứ đừng nói thu hôi vốn. thư hỏi cả thế giới này xem liệu có nước nào như nước ta không, khi chứ trọng đâu tư về cái gì là âm âm các tỉnh làm theo, nhà máy mía tỉnh này có, tỉnh kia cũng phải có, anh có nhà máy sắt tỉnh tôi cũng phải có nhà mày này nhà máy kia, xi măng cũng vậy cả, thử hỏi bao nhiêu nhà máy vậy bán đi đâu cho đủ, rồi mới đây là vụ sân golf rồi sân bay nữa, cứ phải đua nhau như vậy thì lam sao không phá sản cho được, các tập đoàn nhà nước lúc tiêu tiền làm gì biết tiếc đâu, có ai biết được tiền đó từ đâu có đâu. rồi là cơ chế xin cho... những cái đó trách ai nếu không nói là trách nhiệm các bộ. bây giờ đang là thủy diện đó các vị xem thế nào chứ tôi thấy tập đoàn điện lực một tay che trời thật đó, được ưu ái đủ mọi thứ thật đó, nhưng làm ăn có hiệu qua không. hay vài năm nữa kêu trời kêu đất, rồi đổi thưa tại bán điện cho dân giá rẻ. ôi liệu có rẻ thật không. có ai trả lời thật giúp tôi
      chung phạm Gửi lúc 02/10/2012 04:09
    • Các nhà máy xi măng góp phần tàn phá môi trường
      Thiệt hại về kinh tế quá lớn, nhưng vẫn chưa lớn bằng việc tàn phá những ngọn núi đá vôi trong đó nhiều ngọn núi đã đi vào thơ ca, thậm chí là di tích lịch sử, thắng cảnh đẹp của đất nước. Núi non phá hết thì 30 năm sau, con cháu ta sẽ nghĩ gì đây?
      Nam Gửi lúc 02/10/2012 03:46
    • Trách nhiệm thuộc về ai?
      Thực ra tôi nghĩ các ông phê duyệt dự án đủ kiến thức để hiểu có nên đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng nữa không! Chỉ cần quy rõ trách nhiệm cá nhân cho đến cùng mới chấm dứt được. Con nhiều nghành nghề khác nữa. Khổ dân thuế chồng thuế.
      Trương thành Đông Gửi lúc 02/10/2012 03:43
    • Tham wa
      Cho ra toà xử công khai đi thôi. sai thì phải chịu trách nhiệm và hình phạt cao nhất.
      ceylan Gửi lúc 02/10/2012 03:35
    • Phải trừng trị
      đưa ra các dự án xi măng này, đến nay cái thì lỗ lớn, Bộ TC phải đứng ra trả nợ thay một cho một số bảo lãnh. Thật cay đắng!
      Trần Cường Gửi lúc 02/10/2012 03:27
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét