Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Đau đớn những phận đàn bà nơi xó rừng góc núi


(VTC News) - Những ngày này, ngày 20-10, ngày vui của chị em phụ nữ cả nước, phố xá tưng bừng cờ hoa. Đâu đâu chị em cũng nhận được những lời chúc tụng, những bó hoa tươi thắm, cả phong bì nữa.

Nhưng, những ngày này, tôi thường nhớ về những phận đàn bà nơi góc rừng xó núi. Có thể giờ này, họ vẫn sống kiếp trâu ngựa. Có thể anhí (em gái) Hà Nhì trong mờ sương Y Tý nơi đầu nguồn sông Hồng vẫn đang phải còng lưng cõng củi.

Những đàn bà Si La nơi ngã ba biên giới vẫn cày cuốc trên nương gieo ngô nuôi chồng. Những chị gái La Chí vẫn lụi cụi trong xó bếp chờ chồng cơm no rượu say, rồi mới len lén vét nồi… Những thân phận đàn bà ấy, cứ nghĩ đến, chỉ muốn ứa nước mắt.

Bài 1: Kiếp đàn bà bên sông Đà

Sông Đà


Tây Bắc, với nhiều người, nhất là cánh nhà báo, bao giờ cũng là một vùng đất mê đắm khó lý giải. Tôi không thể nhớ mình đã có bao nhiêu lần lang bạt kỳ hồ ở vùng đất hoang thẳm, lắm bí ẩn, nhiều nỗi đau này.

Luẩn quẩn trong tâm trí tôi không phải những cánh rừng hoa ban bung nở hai bên sông Đà. Không phải những thung lũng hoa mận, hoa mơ trong nắng sớm. Không phải những nếp nhà sàn lợp gỗ pơ-mu mốc meo cổ tích. Cũng không phải những đêm xòe Thái đắm say… Đeo đẳng mãi, không dứt ra khỏi tâm trí, ấy là những phận đàn bà đắng xót.

Năm ấy, năm 2003, lúc 12 giờ đêm, tôi vẫn phóng xe máy vượt cầu Tạ Khoa, thuộc huyện Bắc Yên, rồi chạy lên TP. Sơn La. Đêm tối mịt mùng. Bên con đường chênh vênh trên sườn núi, sát mép sông Đà, có một túp lều xập xệ hắt ra chút ánh sáng leo lét. Có tiếng khóc dấm dẳng vẳng ra từ sau tấm liếp mục.

Gọi mãi không thấy ai đáp lời nên tôi đẩy cửa túp lều bước vào. Trong túp lều rách, hai người đàn bà đang ôm trong lòng hai đứa con nhỏ. Máu loang trên khuôn mặt tím tái. Hai chị em Lường Thị S. và Lường Thị N. ngồi khóc rấm rứt, xót xa cho phận bèo bọt đời mình.

S. và N. là hai chị em, sinh ra ở một bản của người Mường, mãi huyện Phù Yên, giáp với Hòa Bình.

Cũng như những phụ nữ khác ở đây, hai chị em lấy chồng rất sớm. S. bị bố mẹ gả chồng khi mới 15 tuổi, còn N. 14 tuổi đã phải lấy người đàn ông hơn mình 20 tuổi.

Chồng S. là gã nghiện, tính tình tàn bạo như con thú hoang, nên suốt ngày đánh đập cô. Không có rượu anh ta cũng đánh, không có tiền mua thuốc phiện anh ta cũng đánh. Nhiều lần anh ta đánh chị đến thâm tím mặt mày.


Tôi đã gặp nhiều phận đàn bà bên sông Đà

Khốn nạn hơn nữa là gã thường xuyên đưa bồ nhí về nhà rồi hú hí với ả ngay trên chiếc giường mà xưa kia gã từng đầu ấp, tay gối.

Một lần, gã dẻo mỏ hứa sẽ quyết tâm cai nghiện, rồi bảo S. đi vay tiền ngân hàng làm nhà. Cô tin hắn đi vay. Tưởng gã đã tu chí với gia đình, nào ngờ gã ôm tiền dông luôn theo ả cave, để lại cho S. gánh chịu khoản nợ, trong khi mẹ con cô không còn lấy một miếng ăn vào bụng.

Hàng đêm, cô phải lần mò lên núi bới trộm sắn, nghiền thành bột nuôi con. Nghĩ đời nhục nhã, S. đã lên rừng ăn lá ngón. May mà có người tình cờ bắt gặp đưa đi viện nên cứu được.

Sau khi phiêu dạt gió trăng với ả cave, hết tiền, gã chồng trở về và càng dữ tợn hơn. Gã vác chiếc ghế băng đập vào đầu vợ. Bé Th. lao vào ôm mẹ cũng bị chiếc ghế bạo tàn giáng vào đầu làm lún hộp sọ. Bé Th. vén mái tóc lên, tôi thấy một khoảng trán bị lõm vào trong.


Túp lều nơi chị em S. và N. trú ngụ

Không chịu nổi gã chồng bạo ngược, S. buộc phải ôm con chạy trốn. Mấy mẹ con chạy đến xã Mường Khoa rồi chui vào túp lều tranh xiêu vẹo của công nhân làm đường bỏ hoang từ lâu.

Những ngày đầu phải đào củ sắn, củ mài trên núi. Người dân quanh đó thương tình cho cô vay vốn để tạo công ăn việc làm.

Tại đây, S. mở chiếc quán lá bên quốc lộ 13 để buôn bán. Nhờ chăm chỉ làm ăn mà cuộc sống của mẹ con cô ngày một khấm khá, hai đứa con được học hành tử tế.

Thế nhưng, mỗi khi trái gió trở giời, vết thương do bị đánh vào đầu tái phát, hai mẹ con lại ôm nhau khóc. Cứ mỗi tháng mẹ con cô lại phải xuống Hà Nội hoặc lên Sơn La chữa trị vết thương còn dai dẳng đến bây giờ.

Đó là chuyện của cô chị, còn người em gái của S. cũng cám cảnh chẳng kém gì. Chồng cô cũng là một gã nghiện rượu lại vũ phu.

Hắn hắn đánh cô đến mức bị thần kinh mãn tính. Can ngăn hắn uống rượu là bị hắn đánh. Hắn lột quần áo vợ ra đánh cho thỏa cơn bệnh hoạn.


Cô bé Th. bị bố đánh lõm cả trán

Một lần đi xem đá bóng đá, đội Việt Nam thua Thái Lan, hắn trút nỗi bực dọc bằng cách đá vợ lăn từ góc nhà này sang góc nhà kia như quả bóng.

Mấy năm sống với hắn, N. đã tự tử nhiều lần, thế nhưng đều không chết được. Có lẽ ông giời còn bắt cô phải chịu khổ.

Bất bình với cuộc sống tù ngục, cô đã trốn lên Bắc Yên ở cùng chị và các cháu. Mặc dù ở cách xa chồng gần trăm cây số song hai chị em S. và N. cứ lo nơm nớp, chỉ sợ hắn tìm đến trả thù thì khốn khổ.

Nhưng rồi, chiều hôm tôi lạc vào túp lều bên sông Đà đó, gã chồng của S. đã đuổi kịp và đánh cho chị một trận tơi bời vì dám bỏ trốn và "rũ" trách nhiệm... nuôi chồng. Đánh đập chán, gã bỏ đi uống rượu, hẹn mấy tiếng sau quay lại… đánh tiếp.

Không thể ngờ cuộc đời lại có những góc khuất đau lòng đến thế. Trái đất này, trong đêm nay, có bao nhiêu mái nhà có những người đàn bà ngồi khóc trong tuyệt vọng như thế này?


Cứ mỗi ngày 20-10, tôi lại nhớ đến những phận đàn bà nơi xó núi

Đêm ấy, tôi ôm một cây gậy ngồi ngủ gật ở đầu giường, sẵn sàng bảo vệ người đàn bà nọ. Cũng may, lão chồng nghiện rượu lại vũ phu kia không quay lại. Chắc anh ta say quá nên ngủ vạ vật ở góc núi nào rồi.

Bẵng đi vài năm, cháu Thắm nhỏ xíu ngày nào, còn vén mái tóc khoe vét lõm ở trán vì bị bố cầm ghế băng đập lún hộp sọ, gọi điện nói cười rổn rảng rằng đã đủ 18 tuổi, đã lấy chồng ở tận Yên Bái.

Chồng Thắm là lái xe, tuy còn nghèo khó, bữa rau bữa khoai, song cũng hạnh phúc. Hai vợ chồng được bố mẹ dựng cho một căn nhà tạm nhỏ xíu bên vách núi. Rồi niềm vui nữa đến, Thắm cũng thông báo cho tôi, rằng cháu vừa sinh một bé trai kháu khỉnh, đặt tên là Nguyễn Hoàng Nam. Vậy là cuộc đời Thắm đã có hậu…

Nhớ lại giọng cười giòn tan của Thắm khi báo tin vui, nỗi ám ảnh của tôi cũng nguôi ngoai đi phần nào. Tôi tự nhủ, ông trời còn có mắt, cô bé Thắm đẹp như bông hoa rừng kia sau bao năm sống trong sự đày đọa của ông bố vũ phu rốt cục cũng tìm được niềm hạnh phúc cho riêng mình.

Thế nhưng, niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang. Vào một buổi chiều mùa đông xám xịt, cô bé Thắm lại điện cho tôi trong nước mắt chứa chan: “Chú ơi, bé Nam nhà cháu bị tim bẩm sinh chú ạ. Cháu không biết phải làm thế nào chú ơi! Có cách nào không chú?”.


Th. và cậu con trai bị tim bẩm sinh

Tôi hớt hải phóng xe đến căn nhà trọ dành cho bệnh nhân rộng 4m2 ở đường Lê Duẩn, cách Bệnh viện Tim Hà Nội không xa. Thì ra, Thắm đã cùng con trai nằm ở căn phòng trọ tồi tàn này gần 2 năm nay rồi, kể từ khi cháu bé Nguyễn Hoài Nam chào đời. Thắm không dám làm phiền tôi, nên cứ âm thầm như vậy. Cháu Nam bị tim bẩm sinh, rời bệnh viện, thiếu thuốc men là chết.

Cô bé Thắm ít chữ, học hết lớp 4, đọc còn bập bõm, nên chẳng nói rõ được ngọn ngành bệnh tật. Thắm đưa tôi xem một tập hồ sơ, tôi đọc mà hoa cả mắt.

Thắm vạch bụng cháu Nam cho tôi xem. Bên ngực trái của cháu sưng phồng, to tướng. Trái tim nhỏ bé của cháu phì lên đẩy căng cả lồng ngực. Cháu gần như chẳng ăn gì, khuôn mặt tím tái, thở chẳng có hơi. Đã 2 tuổi rồi mà cháu nặng chưa đầy 7kg.

Thắm nước mắt lưng tròng: “Vợ chồng cháu, gia đình cháu có thứ gì đã bán hết để nộp viện phí rồi chú ạ. Hôm nay, sau khi chiếu chụp, khám xét, bác sĩ bảo chỉ có một cách duy nhất để cứu cháu Nam là đưa sang Malaysia hoặc Singapore mổ, vì kỹ thuật ở Việt Nam chưa đáp ứng được. Chi phí là 500 triệu đồng”.

Thắm nước mắt ngắn dài: “Cháu gọi điện về nhà giục chồng bán căn nhà tồi tàn dưới chân núi, nhưng tổng số tiền bán nhà chỉ được vài chục triệu, chẳng bõ bèn gì. Mà tiền chữa trị còn nợ chồng chất, không biết bao giờ mới trả hết chú ạ”.

Đưa mẹ con Thắm ra ga Hàng Cỏ về Yên Bái, Thắm quay lại, nhắn tôi: “Chú ơi! Khi nào bé Nam ra đi, cháu sẽ báo cho chú!”. Thắm ôm con bước lên tàu trong cái lạnh ngằn ngặt chiều đông.


Chuyên gia Nhật đã từ chối mổ tim cho bé Nam

Đã 10 năm rồi, những phận đàn bà trong gia đình ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Kêu gọi mọi người ủng hộ tiền, nhưng tiền đổ vào nhà nghèo có con mắc tim bẩm sinh chả khác nào gió vào nhà trống, mà vẫn chẳng ăn thua gì.

Tôi chạy đôn chạy đáo, gặp bác sĩ tim giỏi nhất TP.HCM, rồi bác sĩ tim giỏi nhất Hà Nội. Cuối cùng, bé Nam cũng được xếp lịch, chờ chuyên gia từ Nhật sang mổ miễn phí. Chỉ những ca mổ tim đặc biệt mới cần đến chuyên gia này.

Đời làm báo của mình, có lẽ đây là việc có ý nghĩa nhất mà tôi làm được, đặc biệt là với những thân phận đàn bà.

Nhưng rồi, hai lần bác sĩ Nhật thăm khám, đều lắc đầu từ chối ca mổ. Ông kết luận rằng, nếu động dao kéo vào lồng ngực, bé Nam sẽ mất mạng.

Bé Thắm của tôi ngày nào lại ôm con về miệt rừng với nỗi đau không thể nói thành lời.

Và những phận đàn bà trong túp lều rách nát bên sông Đà ấy không biết bao giờ mới hết ám ảnh tôi.

Còn tiếp...





» Nam Định: Người đàn bà nghiện... nước tiểu của mình
» Bí ẩn người đàn bà có khả năng nhìn thấu tương lai
» Bất ngờ “vương quốc khỉ lông vàng” trên núi ở Hải Dương
» Kỳ lạ người đàn bà tự phát sáng
» Quái gở cảnh dùng "năng lượng hồn ma"... chữa bệnh
» Xót lòng những anhí cõng củi, apakhá đẻ ngồi
» Xứ sở của những người đàn bà lam lũ
» Kỳ lạ người đàn bà gần 10 ngàn đêm không thể ngủ
» Người đàn bà bốc mộ từ năm 13 tuổi
» Gặp người đàn ông có 18 con và người đàn bà đẻ 17 lần
» Vì sao đàn bà ở xã Trạm Tấu bỗng dưng bị… móm?
» Chuyện lạ một dân tộc trên dãy Trường Sơn
» Người đàn bà “cướp tử thần” trên quốc lộ
» Bi hài đại gia “săn” đàn bà lỡ thì kiếm quý tử
» Gần 60 tuổi uống nước giếng ở Đường Lâm nên… có sữa?
» Người đàn bà và những đứa con đào hầm sống trên núi
» Chuyện cực kỳ thú vị ở nơi đàn bà làm chủ
» Người đàn bà cùng gia súc chết thảm vì mê tín
» Rơi nước mắt người đàn bà mù và đại gia đình tâm thần
» Số phận đặc biệt của người đàn bà “không muốn ra tù"

Phạm Ngọc Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét