Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Trí thức Việt Nam ở nước ngoài... Từ tiềm năng đến hiện thực”

Trí thức Việt Nam ở nước ngoài...
Từ tiềm năng đến hiện thực”

Tham luận tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần 2 - Chuyên đề “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước – Từ tiềm năng đến hiện thực” (TpHCM, 26-30/9/2012)
  
TsKH Trần Hà Anh
Câu lạc bộ KH&KT NVNONN
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài bao giờ cũng mang lại niềm vui lớn cho các đại biểu tham dự, dù là đại biểu ở ngoài hay trong nước. Trước hết, tôi xin chia sẻ niềm vui đó với quý vị và mọi đại biểu có mặt trong Hội nghị này.
Bài tham luận này đã được chuẩn bị cho chuyên đề “Trí thức”, gồm hai phần, phần một nói về tình hình đóng góp chất xám hiện nay của trí thức kiều bào, và phần hai đề cập đến những việc đã làm được, chưa làm được trong thời gian qua, và một số giải pháp để trí thức kiều bào có điều kiện đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
I. Tình hình đóng góp chất xám hiện nay của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài  
Trong mấy chục năm gần đây, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng chiếm một địa vị quan trọng trong lòng dân tộc: số lượng kiều bào đã tăng lên đến khoảng 4,5 triệu người [1], đời sống ngày càng ổn định hơn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không ngừng được củng cố; nhiều doanh nhân làm ăn phát đạt; một số nhà khoa học đạt được những thành tích chuyên môn đáng tự hào.
Trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, có khoảng 80 % kiều bào định cư tại các nước có nền kinh tế phát triển, và khoảng 10% có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoặc tay nghề cao. Trí thức phần đông được đào tạo bài bản, có kiến thức vững vàng và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác.
Về đóng góp chất xám [3], hằng năm có 2-3 trăm lượt trí thức kiều bào về nước ngắn ngày để hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách phát triển, hoặc hợp tác trong nhiều lĩnh vực như khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế v.v. Trí thức kiều bào còn đóng vai trò là cầu nối, giới thiệu các nguồn đầu tư cho trong nước; tạo điều kiện cho trong nước tiếp cận với các tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện đại. Ngoài ra, mỗi năm đều có một số trí thức kiều bào trẻ cũng như lớn tuổi quyết định hồi hương, về làm việc dài ngày hoặc về đầu tư trong lĩnh vực chuyên môn của mình để trực tiếp đóng góp với quê hương.
Một hình thức đóng góp mới, xuất hiện trong những năm gần đây là viết bài, trao đổi ý kiến theo dạng thảo luận chuyên đề trên các báo mạng. Các diễn đàn trên mạng là nơi giới trí thức trong và ngoài nước gặp gỡ, chia sẻ thông tin, thảo luận và cùng nhau hành động. Một trong những vấn đề mà giới trí thức đã làm tốt trong thời gian qua là tham gia đấu tranh cho chủ quyền biển đảo của nước ta, với kết quả là đã hạn chế được một số tạp chí quốc tế đăng bài của tác giả Trung quốc kèm theo bản đồ có “đường lưỡi bò” phi lý; đã buộc Công ty truyền thông Google phải hiệu chỉnh các bản đồ có thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Và nhiều cuộc thảo luận chuyên môn khác rất lý thú, mà nếu các cơ quan chuyên trách quan tâm nghiên cứu, thì có thể khai thác được một kho tàng trí tuệ quý giá của giới trí thức trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà chúng ta cần tìm hiểu, là vì sao lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, với số lượng đông và chất lượng cao như đã nói trên, nhưng sự đóng góp chất xám với trong nước vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, dù đã có những tiến bộ nhất định? Tại Hội nghị này, tôi thấy cần phân tích cặn kẽ hơn một số khía cạnh liên quan đến vấn đề này để tìm ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả.
II. Những việc đã làm được, chưa làm được và những việc cần làm trong thời gian tới
Trong một tài liệu [4] viết cách nay 5 năm, tại phần về “Những giải pháp để tháo gỡ các rào cản …” tôi đã đề cập tới một số nội dung có tiềm năng ảnh hưởng quan trọng đến việc thu hút chất xám của trí thức ở nước ngoài. Đó là:
1. Chất lượng đại đoàn kết dân tộc;
2. Chế độ, chính sách thu hút sự đóng góp chất xám của trí thức kiều bào;
3. Vai trò của cán bộ các cấp trung gian trong việc vận động trí thức kiều bào; sự cần thiết phải cung cấp các yêu cầu cụ thể từ các cơ quan trong nước;
4. Cơ sở vật chất và cơ chế hoạt động thuận lợi cho việc đóng góp chất xám của kiều bào;
5. Nhu cầu thu thập thông tin về khả năng chuyên môn và điều kiện đóng góp của trí thức kiều bào;
6. Các tổ chức “đầu mối”, “cầu nối’, và “nguồn nhân lực” cần được đầu tư mạnh mẽ.
Từ phân tích này, trong phần tiếp theo về “Những việc cần làm để vận động chuyên gia, trí thức kiều bào đóng góp chất xám cho đất nước”, tôi đã kiến nghị một số nội dung cần thực hiện [4], đó là:
1. Nhà nước cần ban hành chính sách thu hút mạnh mẽ và sử dụng rộng rãi trí thức kiều bào tham gia đóng góp kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, quản lý; chuyển giao công nghệ hiện đại cho trong nước.
2. Nhà nước cần tổ chức những đợt vận động trí thức về nước dài hoặc ngắn hạn để tham gia đóng góp theo yêu cầu của trong nước. Tiến hành vận động khi thực sự có nhu cầu và có khả năng bảo đảm điều kiện thực hiện, và phải kèm theo sự cam kết về chế độ, chính sách sau khi thỏa thuận với các đương sự.
3. Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan có chức năng nên tổ chức trao đổi, đóng góp ý kiến trên mạng về những vấn đề “nóng sốt” đặt ra, qua đó phát hiện những người có năng lực, kinh nghiệm và sẵn sàng tham gia giải quyết những vấn đề đó.
4. Nhà nước cần tích cực xúc tiến cải cách nền hành chính quốc gia, bao gồm cải tổ luật pháp và nâng cao chất lượng cán bộ, để đơn giản hóa và thu ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đối với kiều bào cũng như bà con trong nước.
5. Xã hội cần đối xử đúng mực với người trí thức; đặc biệt có thái độ dân chủ, biết lắng nghe và tôn trọng các ý kiến khác biệt.
Với những phân tích và đề nghị nêu trên, ta có thể xem xét những gì đã làm được và chưa làm được trong thời gian qua [5]–[6]. Với phạm vi thì giờ cho phép, tôi chỉ xin nêu một số ý kiến quan trọng nhất.
A. Trước hết, về các việc đã làm được, phải nhìn nhận rằng công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã được Nhà nước ta coi trọng hơn trước, đặc biệt kể từ khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị được công bố. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại Giao đã được nâng cấp thành Ủy ban Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban là một Thứ trưởng. Luật Quốc tịch được sửa đổi năm 2008, đã mở rộng nhiệm vụ bảo vệ kiều bào là tất cả những người có nguồn gốc Việt Nam, chứ không chỉ giới hạn vào những người có quốc tịch Việt Nam. Việc kiều bào mua nhà ở tại Việt Nam cũng đã được quy định trong Luật Nhà ở. Việc cấp visa cho kiều bào về thăm quê hương đã được thuận lợi hơn và việc quá cảnh cũng được dễ dàng hơn trước đây. Hằng năm, vào dịp các ngày lễ lớn, đại diện kiều bào được mời về tham dự, được đi thăm nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên để hiểu sâu và gắn bó hơn nữa với quê hương. Các cháu thiếu nhi, thiếu niên kiều bào cũng được tổ chức sinh hoạt trại hè để có điều kiện gắn bó với nhau và với các bạn cùng tuổi trong nước. Rõ ràng, đã có những tiến bộ nhất định trong việc nâng cao chất lượng đại đoàn kết dân tộc.
B. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ bức thiết nhưng cũng là một lĩnh vực nhạy cảm, gắn với rất nhiều vấn đề bắt nguồn từ những chính kiến khác nhau, những quan niệm khác nhau về tổ chức hệ thống nhà nước, tự do dân chủ, nhân quyền, cũng như về văn hóa – xã hội, cho nên cần phải có thời gian để mọi người hiểu nhau và thông cảm nhau hơn.
Cũng phải thấy rằng để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, ta phải cố gắng bỏ qua những vấn đề, thậm chí những nỗi đau của quá khứ; việc này không dễ, nhưng vì lợi ích chung, mỗi người cần phải góp phần mình để cùng nhau bước tới trên con đường xây dựng tương lai của dân tộc.
Đại đoàn kết còn phải dựa trên điều kiện có sự thống nhất cao về con đường đi của dân tộc. Một lần nữa, việc hòa hợp để cùng đi chung một con đường cũng không dễ dàng. Vì vậy, Nhà nước cần phát huy dân chủ hơn nữa đồng thời phải cố gắng thuyết phục mọi người về con đường đã chọn, và cách thuyết phục tốt nhất là chứng minh bằng các kết quả thu thập được trong quá trình đi tới. Trong thời gian qua, đất nước Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ về các mặt kinh tế - xã hội được nhìn nhận rộng rãi.
Nhưng liệu ta đã làm tốt tất cả những gì cần làm để tiến nhanh và bền vững trên con đường đã chọn lựa đó chưa? Nếu có những việc chưa làm tốt thì tại sao, sẽ phải khắc phục như thế nào? Ta đã phát huy được tiềm lực chất xám của trí thức ngoài và trong nước đến mức nào? Tại sao đề án về “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước” chuẩn bị từ nhiều năm mà đến nay vẫn chưa ban hành được? Tóm lại, con đường đi tới tương lai cần được chuẩn bị tốt và tập trung hơn nữa, mang tính thuyết phục hơn nữa thì mới xây dựng được khối đại đoàn kết có chất lượng cao hơn.
Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, có một vấn đề gần đây đang nổi cộm, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước đồng thời với nhiệm vụ bảo vệ môi trường hòa bình cần thiết cho sự phát triển bền vững. Nhà nước ta đã thể hiện sự khéo léo trong quan hệ đối ngoại để tranh thủ sự đồng tình của nhiều nước và giữ được môi trường hòa bình và ổn định, nhưng về công tác đối nội, tôi cảm nhận hình như chưa được chú ý đầy đủ lắm.
Trong tình hình hiện nay, nhân dân ta luôn phải sẵn sàng để tự vệ và không giờ phút nào được tự ru ngủ rằng chỉ cần thương lượng ngoại giao khéo léo là có thể bảo vệ được đất nước. Cho nên nếu sách lược khôn khéo để bảo vệ hòa bình là cần thiết, thì chiến lược bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước phải là cơ bản.
Nếu không khéo giải quyết vấn đề đối nội, tạo được sự đồng thuận của toàn dân về cách giải quyết của chúng ta để đạt được các mục đích nói trên, thì Nhà nước sẽ có nguy cơ mất đi hậu thuẫn vững chắc của nhân dân, uy tín của Nhà nước có thể bị giảm sút và cơ sở đại đoàn kết dân tộc để thực hiện con đường tiến đến tương lai tất nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng.
C. Đối với người trí thức, một trong những điều kiện phát triển là cởi mở, dân chủ trong tư duy và trong việc công bố kết quả của quá trình tư duy. Điều có ý nghĩa nhất là có điều kiện để tư duy, và được tư duy mà không phải chịu áp lực nào. Dân chủ cũng bao gồm khả năng công bố kết quả của quá trình tư duy nhằm góp phần cho sự đổi mới của đất nước.
Một điều kiện không thể thiếu cho sự tư duy là khả năng tiếp cận nguồn thông tin một cách cởi mở. Người trí thức cần được quyền tiếp cận thông tin nhiều chiều, trên cơ sở đó vận dụng tư duy của mình để tiến gần thêm đến chân lý. Ngày nay, thông tin qua mạng giúp trí thức ở nhiều nước trên thế giới cập nhật kiến thức, rút ngắn khoảng cách. Ở Việt Nam việc tiếp cận nguồn thông tin này còn gặp nhiều khó khăn.
Nếu không cởi mở, phát huy dân chủ và không có điều kiện nhận được đầy đủ thông tin, thì người trí thức sẽ không thể phát triển được và cũng không thể phát huy hết khả năng của mình được. Như vậy, thì làm sao động viên, khuyến khích, kết nối được trí thức kiều bào, huy động chất xám phục vụ cho Tổ quốc! Nếu không mạnh dạn tháo gỡ những nút thắt này thì việc đổi mới công tác vận động trí thức không thể đạt được kết quả như mong muốn. Thậm chí chúng ta còn có nguy cơ chảy máu chất xám như đang bắt đầu diễn ra với việc gửi sinh viên ra nước ngoài du học, nhưng chỉ có một tỷ lệ hạn chế sẽ về nước sau khi học xong [7].
D. Ngoài ra, các ý kiến khác về những việc cần làm mà tôi đã kiến nghị cách nay 5 năm và nhắc lại trên đây, theo tôi vẫn còn giá trị, mong được Hội nghị, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan ban ngành có liên quan xem xét.
Chúc Hội nghị đạt được trọn vẹn các mục tiêu đã đề ra, và chúc mọi người chúng ta tiếp tục có nhiều đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp phát triển bền vững và trường tồn của đất nước.
                                                                                                                        Ngày 9/9/2012
Tài liệu tham khảo

[1] Huy động nguồn lực kiều bào cho sự phát triển – Hà Minh, SGTT (phỏng vấn thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn)

[2] Kinh tế khó khăn, kiều hối vẫn tăng mạnh – Nam Phong
[3] Cộng đồng Việt kiều: Nguồn chất xám tiềm năng - Nguyễn Hồng Điệp - TTXVN/ Vietnam+
[4] Một số đề xuất về cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
TsKH. Trần Hà Anh, Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật NVNONN – Tháng 11-2007
[5] Định hướng công tác kiều bào trong tình hình mới – TS. Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN
[6] Công tác người Việt Nam ở nước ngoài- Mới làm tốt 50%
[7] Kiều hối chảy về, chất xám chảy đi
bản gốc của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét