Có lẽ ta tìm được câu trả lời từ một bản phúc trình mới đây do Tổng
cục Kế toán Mỹ (GAO), một cơ quan điều tra của Quốc hội Mỹ, đưa ra hồi
đầu tháng 12/1998. Theo đó, hệ thống dịch vụ quản lý tài sản tư nhân của
ngân hàng Citibank (có trụ sở chính ở New York City, Mỹ, và là một
trong 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới) đã tạo ra một con đường lắt
léo, ngoằn ngoèo, và u u minh minh đến nỗi bất cứ ai truy lùng dấu vết
tài sản của các thân chủ của ngân hàng cũng đành bó tay chịu. Sau tám
tháng điều tra, GAO đã kết luận rằng Citibank đã giúp Raúl Salinas de
Gortari xây dựng “một hệ thống quản lý tiền che dấu nguồn gốc, nơi đến,
và người thụ hưởng của những nguồn quỹ có liên quan”, tức là giúp hắn
chuyển tài sản của mình từ những tài khoản ở Mexico đến những công ty
trá hình không thể truy tông tích ở Quần đảo Cayman.
Salinas, em trai của cựu tổng thống Mexico đã bị phế truất Carlos
Salinas,đã bị tống giam tại Mexico từ năm 1995 về các tội danh mưu sát
và làm giàu bất chính. Hắn đã phủ nhận tất cả mọi tội danh, và vụ án này
vẫn chưa kết thúc ở Mexico City. Hồi tháng 10/1998, chính phủ Thụy Sĩ
đã tịch biên tài sản của hắn trị giá 114 triệu đô-la, cáo buộc hắn tội
kiếm tiền bằng cách bảo kê cho những cartel ma túy. Nhưng Thụy Sĩ đã
nhường quyền truy tố Salinas cho Mexico.
Bằng một giọng văn thẳng thắn và không rườm rà thật khác thường, bản
phúc trình của GAO nặng lời chỉ trích Citibank không những về việc ngân
hàng này không tìm hiểu nguồn gốc tài sản của Salinas, mà còn về việc
Amy Elliot, một chuyên viên về quản lý tài sản tư nhân của ngân hàng
này, đã “vẽ đường cho hươu chạy”, giúp hắn tạo ra một hệ thống rối rắm
gồm những công ty ma và những lần chuyển tiền bằng điện tín khắp thế
giới có thể che dấu danh tánh của hắn với tư cách là chủ nhân của những
tài khoản đó.
Cũng theo bản phúc trình, những hành động của Citibank
trong vụ Salinas “không nhất quán” với những chính sách mà ngân hàng này
đã nêu rõ về việc tìm hiểu các thân chủ và nguồn gốc tiền bạc của họ.
Richard J. Howe, người phát ngôn của Citibank, đã từ chối những câu hỏi
cụ thể về bản phúc trình, nhưng nhận định rằng bản phúc trình này có một
số sai sót về dữ kiện và cách lý giải, và đã không đề cập đến những nỗ
lực của Citibank trong việc đấu tranh chống rửa tiền. Citibank cũng từ
chối không cho Elliot bình luận, nhưng đã khẳng định rằng bà ta cũng như
ngân hàng này chưa hề phạm luật nào cả.
Xét về một số phương diện, tài khoản của Salinas tại Citibank giống
hệt như một trường hợp thông thường trong dịch vụ quản lý tài sản tư
nhân, tức là một chuyên viên giúp thân chủ mua bất động sản và quản lý
những khoản đầu tư của mình. Nhưng cách thức mà những khoản tiền của
Salinas được chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác sẽ khiến cho bất
cứ một thân chủ bình thường nào cũng phải lắc đầu lè lưỡi không hiểu
nổi, mặc dù theo Citibank, những hoạt động đó rất bình thường đối với
những thân chủ sử dụng dịch vụ này.
Theo bản phúc trình, quy trình rửa tiền gồm bốn bước.
Bước 1: vợ của Salinas tự
tay mang những tấm séc từ ít nhất 5 ngân hàng Mexico đến chi nhánh
Citibank ở Mexico City, và theo sắp đặt trước, Salinas chẳng hề có tài
khoản tại đó, và chẳng có gì liên kết cái tên này với những khoản tiền
đó.
Bước 2: Citibank Mexico
City chuyển tiền bằng điện tín đến New York City, tại đó những khoản
tiền đó được đưa vào một tài khoản “tập trung” vô danh, và cũng chẳng có
giấy tờ nào cho thấy mối quan hệ giữa Salinas và số tiền đó. Tiếp đến
là một lớp vỏ bọc dày hơn cho danh tánh của Salinas.
Bước 3: Với sự giúp đỡ
của Amy Elliot, Salinas lập một công ty trá hình tên là Trocca tại Quần
đảo Cayman. “Hội đồng quản trị” của Trocca gồm ba công ty trá hình khác,
còn chủ tịch và là cổ đông lớn nhất lại là một công ty trá hình khác;
tất cả đều được che chở bởi những luật lệ rất khắt khe của Quần đảo
Cayman về việc bảo mật tài chính.
Bước 4: Trocca có mở
những tài khoản đầu tư tại Citibank ở Zurich và Luân Đôn. Những tài
khoản này bao gồm cổ phiếu và trái phiếu, được quản lý bởi Cofidas, một
chi nhánh của Citibank tại Zurich.
Chính qua hệ thống này mà Amy Elliot di chuyển khoảng 100 triệu đô-la
cho một người chẳng rõ danh tánh. Theo bản phúc trình của GAO, Citibank
khẳng định rằng tài sản của Salinas một phần xuất phát từ việc bán một
công ty xây dựng, mặc dù ngân hàng này “không biết chi tiết gì về công
ty xây dựng ấy, trong đó có tên công ty, ai mua, hay doanh số bán là bao
nhiêu”.
Gần đây, do tình hình hoạt động dịch vụ ngân hàng thương mại (tức là
cho các doanh nghiệp vay để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh) có
vẻ “ế ẩm” vì rủi ro cao và lợi nhuận thấp, chiến lược tăng trưởng của
các tập đoàn tài chính chuyển hướng tập trung vào dịch vụ quản lý tài
sản tư nhân. Tại Citigroup, tập đoàn chủ quản Citibank, và những định
chế tài chính tương tự trên khắp thế giới, những người có các danh mục
đầu tư với 6 hoặc 7 chữ số có thể tìm thấy không chỉ những dịch vụ ngân
hàng thông thường như tài khoản séc hay tài khoản tiết kiệm mà còn những
dịch vụ cố vấn tài chính chiến lược; được giới thiệu những phương cách
đầu tư sinh lãi cao chẳng hạn các quỹ đầu cơ chứng khoán; được cố vấn về
thuế và giúp hạch toán tài sản; được giúp hoạch định bất động sản và
tất cả các loại hình bảo hiểm. Họ cũng có thể được hỗ trợ trong việc bảo
vệ tài sản của mình tránh khỏi “ánh mắt dòm ngó” của những người như
chủ nợ hay vợ/chồng cũ; các tài sản đó sẽ được bí mật chuyển từ nước này
sang nước khác. Thông thường, thân chủ của những dịch vụ này phải có sơ
sơ … 1 triệu đô-la.
Mảng hoạt động này vô tình trở thành “cứu tinh” của những kẻ rửa
tiền. Chúng có thể lợi dụng để chuyển tài sản đến những quốc gia như
Thụy Sĩ và Quần đảo Cayman, những nơi được xem là “thiên đường ẩn náu”
vì có những luật bảo mật cho phép che dấu danh tánh của người gởi tiền.
Hoạt động quản lý tài sản tư nhân phát triển quá nhanh, khiến cho một số
cơ quan chính phủ xem đó như một cơn ác mộng của nhà chức trách. Với
những tài sản tản mác ở khoảng 100 nước, Citibank có quy mô quá lớn và
đa quốc gia đến nỗi chỉ một cơ quan hay một chính phủ duy nhất thì không
thể kham nổi công việc giám sát.
Thượng nghị sĩ Carl Levin, Michigan, kêu gọi mở những cuộc điều trần
về những kết quả phát hiện của GAO. Ông đặt câu hỏi: “Có phải các ngân
hàng lớn của Mỹ, vô tình hoặc cố ý, đang giúp những tên tội phạm chuyển
tài sản đến những nơi cất giấu an toàn trên khắp thế giới? Nếu có, thì
Quốc hội cần phải loại bỏ những lỗ hổng luật pháp khiến cho điều đó xảy
ra”. Vào trung tuần tháng 12/1998, những nhà lập pháp liên bang đã ban
hành những quy định mới yêu cầu các ngân hàng phải xác nhận danh tánh
của khách hàng và nguồn gốc của những khoản chuyển tiền lớn.
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng khó có khả năng Citibank sẽ bị
truy tố. Để cáo buộc một vụ rửa tiền, thông thường các công tố viên phải
chứng minh cả hai điều: thân chủ là một tội phạm, và ngân hàng biết
điều đó khi cung cấp dịch vụ. Xưa nay thật khó mà buộc các ngân hàng
chịu trách nhiệm về những điều mà họ không hỏi. Một lý do khác cũng rất
thuyết phục khiến cho khó buộc tội Citibank: chẳng ai muốn một định chế
tài chính lớn của Mỹ bị rút giấy phép hoạt động (một trong những hình
phạt có thể áp dụng cho tội rửa tiền).
–
Bài đã đăng trên Kiến Thức Ngày Nay, số ra ngày 10/1/1999, và in lại trong tập sách “Một góc nhìn – Kinh tế toàn cầu“, trang 198-202, NXB Trẻ, 2005.
Bài liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét