Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

‘Nhân tai’ và... hiện tượng bầu Kiên!


Sống chung với thiên tai đã đành, người Việt giờ còn phải biết sống chung với "nhân tai"- thói vô cảm, vô trách nhiệm, thói tham nhũng, giẫm đạp lên luật pháp vì lợi ích riêng. Đó là thứ... tình khốn khổ, và cũng cay cực làm sao!
Hà Nội và nhiều tỉnh phía bắc vừa bị cơn bão số 5 "chạm" phải. Nói như dân gian là thiên tai. Mới chỉ "chạm" phải, bão số 5 tàn phá hàng ngàn ngôi nhà, hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu hư hỏng. Thậm chí mang tang tóc đến cho nhiều gia đình. Thiên nhiên vĩ đại, kỳ thú và thiên nhiên cũng hung hãn, tàn bạo...
Con số 42 người chết, mất tích và bị thương, đặc biệt trong đó, có 1 người lái xe taxi tại Hà Nội chết ngay trong xe vì bị cây đổ bất ngờ, để lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ ngơ ngác đã khiến không ít người xót xa.
Nghìn năm và... tử thần?
Nhưng kinh hoàng nhất, tự dưng, trên dự án đường trục phát triển phía Bắc quận Hà Đông đột nhiên... ngoác ra đến hàng trăm mét vuông, như một "nụ cười" vô duyên,  diễu cợt, tàn nhẫn. Đến nỗi, ngay lập tức, "nụ cười" này được gọi đích danh hố tử thần.
Hố tử thần chẳng...hổ danh. Chỉ trong vài giờ, nó đã "nuốt trọn" cả cổng chào lớn làm bằng inox cũng được lắp đặt từ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (2010).

Hình ảnh hố tử thần cắt đôi đường Lê Văn Lương kéo dài. Ảnh: Anh Tuấn/ VNN


Và giống như "điệp khúc", xã hội đã được "xem bằng tai", cuộc đấu bóng... "đá trách nhiệm", đôi co, cãi vã qua lại, của những bên có liên quan, ngay bên bờ hố tử thần. Một bên là Tập đoàn Nam Cường (chủ đầu tư xây dựng đường trụ). Một bên là Công ty Sông Đà Thăng Long (chủ đầu tư khu đô thị Usilk City).
Ông Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Cường đá trước: Ngoài tác động ngoại cảnh là mưa bão, nguyên nhân góp phần "xây dựng ...hố tử thần", là do Công ty Sông Đà Thăng Long thi công các tòa nhà sát mép đường không đảm bảo an toàn, gây ra sự việc nghiêm trọng này.

Lập tức, ông Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Đà Thăng Long "sút lại", khi cho rằng phát biểu áp đặt như vậy ảnh hưởng tới thương hiệu của công ty, là thiếu căn cứ, vv...và...vv... Dân gian thường triết lý, 3 người đàn bà và 1 con vịt  thành cái chợ. Lầm!
Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội khẳng định chất lượng đường không có vấn đề gì. Bởi nếu đường lún thì các rãnh cao su sẽ bong tróc, đứt gãy.
Thế nhưng, ngay lập tức, báo Người lao động (20/8) đã "lột trần" nguyên nhân- đó là chất lượng công trình:
GS. TSKH Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Đại kỹ thuật công trình VN, Trưởng Ban kỹ sư của Tổng hội Xây dựng VN khẳng định, chất lượng công trình có vấn đề. Theo ông Tiến, hầu hết các vụ sụt lún, trượt lở đều do 3 nguyên nhân chính là nền đất, hệ thống thoát nước phía dưới và con người.
...Tác nhân trực tiếp là trận mưa lớn nhưng nguyên nhân sâu xa là do đơn vị tư vấn thiết kế có thể đã không thẩm định, đo kiểm được toàn bộ địa chất cả tuyến đường, quá trình thi công con đường, hoặc các công trình xung quanh xảy ra thiếu sót trong đào đắp nền móng.
Còn TSKH Vũ Cao Minh, Viện Địa chất, người trực tiếp đến hiện trường, nhận xét: Hố tử thần trên đường Lê Văn Lương kéo dài xuất hiện là do lỗi kỹ thuật trong quá trình thi công, không phải do thiên nhiên như hố sụt dưới lòng đất. Tuy nhiên, lỗi cụ thể như thế nào thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác minh.
Đó là ý kiến của những nhà chuyên môn. Vẫn còn phải đợi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, thẩm định độc lập và kết luận chính thức. Cũng như giờ đây, gia đình người lái xe tội nghiệp và Công ty taxi Mai Linh vẫn chờ đợi cái quả bóng "trách nhiệm" có lăn vào lưới của Công ty công viên- cây xanh không?
Nỗi đau xót của xã hội với cái chết oan uống và số phận khổ đau của gia đình người lái xe, rồi có thể qua đi, và vượt qua. Nhưng còn đó, hiện tượng gần 160 cây xanh bị bật gốc chỉ một cơn bão "chạm" nhẹ, phần lớn là xà cừ, muồng..., những loại cây rễ nông, gửi thông điệp gì cho ngành công viên- cây xanh? Hay tư duy trồng cây gì cho Hà Nội của ngành cũng...có rễ nông như vậy?
Không những thế, nhiều gốc cây còn bị tổn thương bởi có nhiều đường ống, dây cáp... "chạy qua bộ rễ" hết sức tùy tiện. Tùy tiện như cách hành xử, như lối làm việc tiểu nông, trở thành vô trách nhiệm, giờ đây phổ biến khắp "cái Chợ" mang tên Hà Nội.
Vô trách nhiệm, tư lợi, vô cảm, giờ đây liệu có phải là.. .dấu ấn "đặc sắc" đáng xấu hổ in lên các công trình nghìn năm và...nghìn tỷ của Thủ đô không?
Không nói đâu xa, con đường kéo dài Lê Văn Lương là một minh chứng cay đắng. Liệu hố tử thần này có phải là "đồng chí đầu tiên bị lộ" trong những "đồng chí sẽ và sắp... bị lộ" chưa?
Khi người ta đọc một vệt bài điều tra về các công trình nghìn năm và thất vọng quá vì những gì đang diễn ra.
Ví như tuyến đường đoạn Cầu Diễn- Nhổn (thuộc quốc lộ 32), chỉ dài 4 km, cũng được UBNDTP Hà Nội đưa vào công trình trọng điểm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Nhưng 8 năm qua, con đường bò đỏng đảnh với tốc độ...rùa, chả hiểu vì sao. Đến nỗi dân gọi là "con đường đau khổ".
"Con đường đau khổ", rút cục được mệnh danh "con đường lỗi hẹn"- Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé. Bởi con đường này từng lỗi hẹn về sự khánh thành với Đại lễ, rồi lại lỗi hẹn không biết bao lần. Đến giờ, em hẹn tháng 10/2012. Ừ, Bao giờ cho đến... tháng 10 nhỉ?
Ngắn chỉ 4 km như tuyến đường đoạn Cầu Diễn- Nhổn đã vậy. Nhưng dài như Đại lộ Thăng Long (đường cao tốc Láng- Hòa Lạc), gần 30 km, có tổng đầu tư hơn 7500 tỷ đồng, từng được mệnh danh "con đường đẹp nhất VN", mới sau 2 năm cắt băng khánh thành đã rệu rã tuổi... xế chiều. Con đường đẹp nhất VN, giờ thành con đường "vô duyên" .
Ví như Công viên Hòa Bình (Hà Nội), với mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, nhưng tuổi "thụ nghề" xem chừng yểu quá. Chỉ sau 2 năm cắt băng khánh thành, rất nhanh, Công viên Hòa Bình trở thành công viên... bất an. Bởi sự xuống cấp rệu rã, nhếch nhác đã đành, nơi đây còn luôn là bãi đáp của tệ nạn xã hội. Rút cục, công viên lại đìu hiu chợ chiều, vì người tử tế rất ngại đến.
Công trình kỷ niệm nghìn năm, nhưng "hồn vía" được ...mấy năm?
Cây xanh đổ đè phải chiếc xe taxi khiến tài xế thiệt mạng trong ngày mưa giông 17/8 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải/ VNN
Bầu Kiên và... "nhân tai"
Một vụ việc mới xảy ra, để lại cho dư luận nhiều...dư chấn.
Đó là thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, báo chí gọi tắt là bầu Kiên, còn xã hội gọi Bố già (tên 1 bộ phim hình sự, xoay quanh cuộc đời của gia đình mafia gốc Italia Corleone), vừa bị cơ quan công an bắt giam vào chiếu tối 20/8, để điều tra về hành vi "cố ý làm trái" liên quan đến các hoạt động kinh tế. Dấu hiệu phạm tội rõ nhất là "kinh doanh trái phép" trong việc sử dụng 3 công ty con ông này thành lập.
Vừa đúng 49, tuổi vận hạn, theo cách nói của dân gian. Diện mạo khá trẻ, nhưng tóc ông bầu này đã bạc trắng, gương mặt vừa thâm trầm, vừa đa mưu túc kế, vừa khó nắm bắt thần thái, cái biệt danh Bố già, cũng đã nói phần nào tính cách, quyền lực ngầm của ông này trong cả lĩnh vực thể thao kiêm tài chính- ngân hàng.
Trong làng bóng đá, bầu Kiên là Phó Chủ tịch Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội. Người đời còn chưa quên vụ ông ta bất ngờ "cướp diễn đàn", nói sa sả về những điều tồi tệ của bộ máy VFF, của Ban Tổ chức V-League, của đội ngũ trọng tài, giúp ông chủ của CLB Hà Nội ACB nổi danh như cồn. Và giờ đây, vụ ông ta bị bắt còn "nổi" hơn...
Tin về bầu Kiên lập tức trở thành tin hot nhất, luôn nằm ở cột đọc nhiều nhất của tất cả các trang báo.
Bầu Kiên, tức ông Nguyễn Đức Kiên
Từng học ĐH Kỹ thuật quân sự trong nước, tu nghiệp ở nước ngoài, làm việc trong ngành dệt may, rồi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. Ngay khi còn rất trẻ, mới 30 tuổi, bầu Kiên đã trở thành Phó CT Hội đồng sáng lập cuả Ngân hàng Á Châu (ACB), 1 trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất VN. Đồng thời làm CT của hàng loạt công ty thời trang, nhựa đường, thể thao và cả liên doanh KFC.
Năm 2010, trong danh sách 100 người giàu nhất VN, với số cổ phiếu ACB có trong tay, gia đình bầu Kiên đạt tới giá trị khoảng 2000 tỷ đồng.
Từng đó trích ngang lí lịch, phải nói, ở góc độ 1 nam nhi, bầu Kiên thật tài, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng, bậc tiên hiền Nguyễn Du đã từng cảnh báo, chữ tài liền với chữ tai một vần, nếu tài năng đó không dựa trên những phương cách làm ăn chính trực, tuân thủ luật pháp.
Ở đây, như Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận trong phiên trả lời chất vấn. Rằng tuy ông Kiên nguyên là Phó CT Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), song cơ chế Hội đồng sáng lập này lại không có trong bất cứ văn bản pháp luật nào.
Bởi theo luật, các ngân hàng thương mại cổ phần chỉ có HĐQT và ban Điều hành.
Chỉ có điều, Ngân hàng Nhà nước đã để một cơ chế không có trong luật tồn tại lâu như vậy, mà không xử lý. Đến giờ, hóa mù ra mưa...
Bình tâm suy ngẫm, hiện tượng bầu Kiên và vụ việc bầu Kiên bị bắt chỉ là hiện tượng đương nhiên của 1 xã hội đang phát triển kinh tế thị trường. Cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu nhiều khi chen lẫn, trong khi luật pháp lại sơ hở, khiếm khuyết, chưa hoàn thiện, dễ bị những kẻ thông minh và láu cá qua mặt, lợi dụng.
Nhưng cũng vì thế, di họa sẽ xảy ra trong 1 thế giới phẳng, khi mà mọi thông tin từ sạch sẽ, sáng sủa, đến bẩn thỉu, mờ ám đều có thể tung lên mạng. Con người ta phải chịu trách nhiệm về hành vi, phẩm hạnh của mình. Nhân nào- quả nấy. Cái được xen lẫn cái mất. Có điều, cái Mất (thanh danh), mất quyền công dân, có khi không thể bù lại cái Được.
Vụ việc bầu Kiên bị bắt, vô tình làm che khuất đi nỗi nhức nhối của thứ "nhân tai" khác: tham nhũng.
Trong báo cáo các nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 10 của ỦBTV Quốc hội của Thanh tra Chính phủ đã nhận định "Tham nhũng vẫn là thách thức lớn với Đảng".
Một trong những thách thức lớn đó là chưa xóa bỏ được cơ chế "xin- cho", điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản Nhà nước, tổ chức cán bộ, tín dụng, ngân hàng...
Còn trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ Mão thẳng thắn: Ngay bản thân Luật PCTN cũng quy định phải kê khai, minh bạch tài sản. Nhưng ai kiểm tra, ai giám sát, mức độ trung thực của việc kê khai đến đâu thì lại chưa làm rõ.
Phần lớn kê khai thì ít hơn cái thực có, hơn nữa lại chưa có bước điều tra, xem xét xem tài sản đó có từ đâu ra mà chỉ là liệt kê đơn thuần. Do vậy, nhiều tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng nhưng chưa được làm rõ.
Sống chung với thiên tai đã đành, người Việt giờ lại phải sống chung với "nhân tai"- thói vô cảm, vô trách nhiệm, thói tham nhũng, giẫm đạp lên pháp luật vì lợi ích riêng.
Đó là thứ... tình khốn khổ, và cũng cay cực làm sao!
Kỳ Duyên
-------------------
Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét