Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Thất kinh... “giải quyết nỗi buồn“ khi du lịch tại Việt Nam


Người đứng, kẻ ngồi “giải quyết” trong lùm cây, vệ đường hay nhăn mặt, bịt mũi khi phải đi qua những khu vệ sinh công cộng tạm bợ, nhếch nhác…là những cảnh dễ thấy khi đi du lịch Việt Nam khiến rất nhiều du khách… “thất kinh”.
WC- “anh” ở đâu?
Có lẽ, không đâu đi du lịch lại vất vả vì cái nhà vệ sinh như ở Việt Nam. Nếu như ở nước ngoài, người ta gọi nhà vệ sinh là nơi để thư giãn vì vừa sạch sẽ, thơm tho, lại có cả tiếng nhạc du dương thì ở Việt Nam, không ít khách nước ngoài tỏ ra “thất kinh” khi nhắc tới nơi vệ sinh công cộng.  
Những nhà vệ sinh kiểu này khiến khách du lịch một đi không trở lại
Những nhà vệ sinh kiểu này khiến khách du lịch một đi không trở lại
Thực tế ở Việt Nam là không ít khu du lịch rõ ràng có nhà vệ sinh nhưng lại không thể sử dụng được, hoặc số lượng quá ít, không đáp ứng nhu cầu của du khách. Đơn cử tại khu du lịch Đồ Sơn, bãi biển trải dài, chia thành nhiều khu nhưng chỉ có vài nhà vệ sinh công cộng ở khu 1 và khu 2,  không thể đáp ứng với số lượng du khách đến đây trong những ngày hè lên đến hàng nghìn người. Không ít du khách buộc phải “dựa” vào các lùm cây mỗi khi cần “giải quyết nỗi buồn”.
Tỉnh Phú Yên mỗi năm có trên dưới 200.000 lượt khách đến tham quan các điểm du lịch nổi tiếng như gành Đá Đĩa, núi Nhạn - sông Đà, bãi biển Tuy Hòa và Long Thủy... Nhưng ở những điểm du lịch này, du khách gặp phiền toái khi hệ thống nhà vệ sinh công cộng để phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan. 
Được đầu tư nhiều tiền là một loạt nhà vệ sinh thông minh ở Nha Trang. Du khách có nhu cầu phải bỏ vào máy một đồng xu 2000 đồng mới mở. Nhưng khổ nỗi, loại tiền này hiện nay ít người có sẵn trong túi. 
Còn tại các điểm du lịch khác ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, không ít nhà vệ sinh nồng nặc mùi hôi, bẩn thỉu do không được dọn rửa thường xuyên. Nhiều du khách ra vào khu vệ sinh rồi... bịt mũi bỏ ra: “Hôi quá, chịu không nổi”. 
Ở Việt Nam, nhà vệ sinh được coi là “công trình phụ”. Chính vì cái “phụ” nhưng rất quan trọng này còn thiếu khiến không ít du khách cảm thấy không thoải mái và cảnh quan, môi trường chung quanh các khu du lịch, khu di tích bị ảnh hưởng, ô nhiễm. Thậm chí, nó trở thành “điểm nóng” về ô nhiễm.
Đến tháng 7/2012, du lịch Việt nam thu hút trên 3,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011, khách du lịch nội địa ước đạt khoảng 20,5% triệu lượt khách nội địa, tăng 6,6 % so với cùng kỳ; tổng thu du lịch đạt khoảng 86 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2011.
8 tháng đầu năm 2012, ước tổng sổ khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 4,3 triệu lượt khách tăng 9,4% so với cùng kỳ 2011.      
Chỉ có 50% số điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn.
Tại Hội nghị gia ban trực tuyến toàn quốc về du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại 3 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, ngày 28/8/2012, Ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. 
Trước đó, Bộ Văn hóa- Thể Thao và Du lịch cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẩn trương lập kế hoạch, đôn đốc các đơn vị quản lý, triển khai xây dựng, nâng cấp các công trình vệ sinh công cộng hiện có đạt chuẩn, nhằm phục vụ khách du lịch.
Trước mắt, từ nay đến hết năm 2012 có ít nhất 50% số điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn và trong 2 năm tiếp theo, toàn bộ các điểm du lịch có nhà vệ sinh. Phấn đấu trong 2 năm 2013-2014 toàn bộ các điểm du lịch trên địa bàn có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Để đẩy nhanh việc xây dựng các nhà vệ sinh cộng cộng, thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch ở các địa phương hoàn toàn có thể kêu gọi hình thức xã hội hóa, để tư nhân đầu tư xây dựng khu nhà vệ sinh theo các tiêu chuẩn vệ sinh và tuân thủ theo quy hoạch của địa phương.
Nhà đầu tư sẽ thu lại chi phí đầu tư hệ thống nhà vệ sinh này từ quảng cáo, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán hàng... Ở các thành phố, nếu không thể xây dựng một khu nhà vệ sinh hoành tráng cũng nên tạo điều kiện để có các nhà vệ sinh công cộng lưu động đạt chuẩn và được chăm sóc đàng hoàng. Đừng chỉ vì nhà vệ sinh làm cản bước du khách.                                                                                                                                                                                                       
Thùy Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét