Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Nguyễn Văn Bình đã dự báo đường đi của lãi suất trong vòng hai năm tới tại hội
nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp được tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM. Ông
cho biết nếu lạm phát năm 2012 dừng ở mức 7% thì trần lãi suất huy động ngắn
hạn sẽ giảm về 8% từ mốc 9% hiện nay, lãi suất cho vay nhờ đó sẽ giảm thêm. Lãi
suất cho vay có thể xuống mức dưới 10% trong vòng tối đa hai năm nữa nếu lạm
phát được khống chế, thậm chí mục tiêu đưa lãi suất xuống dưới 10% có thể đạt
được vào giữa năm sau nếu lạm phát năm 2013 được chận đứng ở mức 4-6%.
Qua phát biểu này, có thể thấy
đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất là mục tiêu nhắm đến và điều kiện
để giảm lãi suất là lạm phát được duy trì ở mức thấp.
Trong khi đó, các văn bản chính
thức từ Chính phủ đều cho thấy Việt Nam đang theo đuổi chính sách “lạm phát mục
tiêu”, ví dụ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng nhấn mạnh yêu cầu điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%). Một
trong những lý do giải thích chỉ số giá tiêu dùng đang giảm mạnh là nhờ chuyển
từ bị động đối phó với lạm phát, sang chủ động điều hành theo lạm phát mục
tiêu.
Lẽ ra với những công cụ lãi suất
điều hành trong tay như lãi suất tái cấp vốn, NHNN phải lấy lạm phát là mục
tiêu nhắm đến và việc điều chỉnh lãi suất lên xuống như một công cụ là nhằm đạt
được con số lạm phát mong muốn chứ không phải ngược lại. Nói như Thống đốc thì
doanh nghiệp không thể trông chờ vào việc lãi suất sẽ giảm vì còn phụ thuộc vào
yếu tố lạm phát cao hay thấp trong khi nhiệm vụ của NHNN là “ổn định giá trị
đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát” và “sử dụng các công cụ và biện
pháp để thực hiện mục tiêu đề ra” (Luật
Ngân hàng Nhà nước).
* * *
Từ cuộc họp này cũng nổi lên một
nghịch lý khác. Đó là việc nhiều doanh nghiệp “chê trách” ngân hàng không chịu
mở hầu bao cho doanh nghiệp vay, rằng ngân hàng còn xa doanh nghiệp như tít một
bài báo phản ánh không khí cuộc họp. Một số doanh nghiệp khác cho rằng ngân
hàng chỉ mặn mà làm ăn với doanh nghiệp tốt, đang ăn nên làm ra còn rất khắc
khe với doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên không cứu giúp được gì cho đa số
doanh nghiệp cả.
Giới ngân hàng đang canh cánh
nỗi lo nợ xấu, là hậu quả của việc mở rộng tín dụng tràn lan trong những năm
trước đây khi có năm tăng trưởng tín dụng lên đến trên 50%. Nay ngân hàng quản
trị rủi ro chặt chẽ, đưa ra điều kiện khắc khe trước khi cho vay là điều đáng
mừng, sao lại chê trách.
Ngân hàng chỉ là nơi trung gian,
huy động vốn rồi cho vay, nếu chỉ huy động mà không tìm được đầu ra cho nguồn
vốn thì ngân hàng cũng chịu gánh nặng hàng tồn kho – tồn kho tiền và sẽ gánh
chịu nhiều tổn thất. Thật ra, tình trạng ngân hàng không thể cho vay được, vốn
ứ đọng trong hệ thống và tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm dưới 1% là do những
nguyên nhân khác chứ không hẳn vì ngân hàng “xa” doanh nghiệp, ngân hàng thiếu
tích cực, chủ động trong nghiệp vụ.
Ở nhiều nước, cụm từ “bẫy thanh
khoản” được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Đó là tình trạng lãi suất
về gần bằng không, chính sách tiền tệ mất tác dụng, ngân hàng ngồi trên một
đống tiền nhưng không cho vay được. Tình trạng này cũng kéo theo giảm phát, sản
xuất đình đốn, nền kinh tế suy thoái kéo dài, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng
tăng cao.
Ở Việt Nam, không có chuyện “bẫy
thanh khoản” theo nghĩa các nước đang dùng bởi không có chuyện lãi suất về gần
bằng không hay việc tăng cung tiền không nhằm để nới lỏng chính sách tiền tệ mà
chỉ nhằm cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và do bơm tiền đồng mua
ngoại tệ trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, những biểu hiện khác của “bẫy
thanh khoản” là rất rõ ràng. Cho dù lãi suất huy động đã giảm mạnh, ngân hàng
vẫn không thể cho vay được bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện rất
yếu kém. Doanh nghiệp vay tiền, sản xuất ra hàng hóa mà không bán được thì họ
sẽ không vay làm gì; ngân hàng biết doanh nghiệp vay tiền cũng không thể tạo ra
dòng tiền mới để trả nợ thì làm sao họ cho vay. Hiện nay tái cơ cấu các khoản
nợ cũ, tức là đảo nợ, cho doanh nghiệp đã làm cho ngân hàng tiêu tốn hết mọi
thời gian và nguồn lực cũng như tác động rất lớn vào lợi nhuận sắp tới của ngân
hàng nên họ không mặn mà cho vay mới. Vì thế mới có chuyện ngân hàng mạnh tay
mua trái phiếu chính phủ hay tín phiếu NHNN.
Đây là giai đoạn nền kinh tế tìm
cách cân bằng trở lại sau một thời gian dài thổi phồng bong bóng bất động sản
và các loại tài sản khác, đòn bẩy tài chính (vay nợ ngân hàng) được sử dụng tối
đa. Nay giới doanh nghiệp lo giảm tỷ lệ nợ vay trên vốn còn giới ngân hàng lo
giải quyết nợ xấu để làm đẹp sổ sách. Khi đi tìm sự cân bằng thì không ai mặn
mà với tín dụng mới – đây là thực tế phải chấp nhận chứ không có chuyện đối đầu
giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét