Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Thực tế là Trung Quốc chiếm đảo của Việt Nam bằng vũ lực

Tôi luôn luôn nhớ tới a Nghĩa với tình cảm rất quý trọng. Tôi biết anh lần đầu tiên vào cuối năm 1998 tại Bangkok. Anh chủ động làm quen với tôi và nói chuyện với tôi rất thân tình như với một người em, sau đó cùng về Sài Gòn với tôi trên một chuyến bay và dùng xe riêng đưa tôi về khách sạn. Sau này, dù thỉnh thoảng có dịp tôi vẫn gọi điện cho anh song chưa khi nào gặp lại. Đặc biệt khi anh trở thành Đại biểu QH thì cơ hội gặp lại anh rất lớn vì theo nhiệm vụ công tác, tôi thường xuyên phải có mặt tại các kỳ họp Quốc hội. Tiếc rằng chính lúc anh Nghĩa được bầu vào QH thì tôi cũng tạm dừng công việc trong nước để ra nước ngoài sinh sống.

Ông Trương Trọng Nghĩa - ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Thực tế là Trung Quốc chiếm đảo của Việt Nam bằng vũ lực

Thứ bảy, 04/08/2012 10:24
(CATP) Là người được đào tạo chuyên sâu về luật pháp quốc tế ở các trường đại học chuyên ngành luật danh tiếng của Đức, Mỹ, từ năm năm nay dành thời gian nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến biển Đông, luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích thấu đáo giá trị của những tấm bản đồ đối với chủ quyền của một quốc gia.

 
Luật sư Trương Trọng Nghĩa

NĂM YẾU TỐ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN
Để chứng minh chủ quyền của một quốc gia thì phải có chứng cứ, biển Đông cũng không ngoại lệ. Có nhiều phương thức, nhiều phương pháp để thu thập chứng cứ. Cho đến nay, có năm phương thức, phương pháp hay năm loại chứng cứ chứng minh chủ quyền của một quốc gia trên biển.

Thứ nhất, phải căn cứ hành động thực tế diễn ra trong lịch sử. Trong thời nhà Nguyễn và triều Nguyễn của Việt Nam, chính quyền đã có hành động thực tiễn là chiếm hữu và khai thác trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình và liên tục với tư cách nhà nước, khi chưa có bất cứ nước nào tuyên bố chủ quyền ở đó. Chứng cứ hiện nay còn được lưu giữ là các bản chiếu lệnh cử các đội Hoàng Sa, Bắc Hải ra khai thác, bảo vệ hai hòn đảo của ta. Năm 1816, vua Gia Long còn cho thượng cờ trên đảo Hoàng Sa. Trong khi đó, hành động thực tế của Trung Quốc là dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1956 và 1974 trong thế kỷ XX, sau khi nhà nước Việt Nam đã hiện diện, khai thác và quản lý đảo hơn 200 năm. Đó là những hành động với chứng cứ không thể chối cãi.
Thứ hai, căn cứ vào các tài liệu viết, sách báo ấn hành từ trước tới nay. Ví dụ, các tài liệu, sách cổ nước ta từ thế kỷ XVII đã ghi chép việc Việt Nam đã khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XV và chính thức kéo cờ thực thi chủ quyền từ năm 1816. Nhiều sách báo, tài liệu cổ nước ngoài cũng ghi nhận chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ XVII trên hai quần đảo này.
Thứ ba là các bản đồ (chiếm vị trí đặc biệt trong số các chứng cứ về chủ quyền) được phát hành một cách chính thức của nhà nước, thể hiện lãnh thổ mà quốc gia đó thừa nhận là đang có chủ quyền.
 
Bản đồ của nhà Thanh Trung Quốc thể hiện rõ ràng ranh giới cực Nam của họ là đảo Hải Nam
 Thứ tư là các hiệp ước, hiệp định giữa các quốc gia ký với nhau.
Thứ năm là các văn bản, văn kiện nhà nước chính thức của mỗi quốc gia. Ví dụ, các châu bản triều Nguyễn, các chỉ dụ của vua chúa Việt Nam và Trung Hoa hay các quan chức chính quyền địa phương.
TRUNG QUỐC VỐN RẤT NGẠI RA BIỂN
Trong năm loại chứng cứ trên, bản đồ có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt pháp lý. Có bản đồ do nhà nước chính thức phát hành, hoặc các bản đồ lập nên bởi các nhà hàng hải, các công ty hoạt động thương mại trên biển. Ngoài ra còn có các bản đồ do chính quyền địa phương của mỗi quốc gia thực hiện. Tấm Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của nhà Thanh (Trung Quốc) ấn hành năm 1904 vừa được công bố là rất quan trọng, cho thấy lãnh thổ Trung Hoa từ xa xưa không hề có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như nhà nước Trung Quốc hiện nay tuyên bố.
Ngoài tấm bản đồ này, hiện có nhiều nhà nghiên cứu của nước ta và quốc tế đã sưu tầm và lưu giữ rất nhiều bản đồ liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc, do chính Trung Quốc phát hành, cho thấy nước Trung Hoa không hề có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trung Quốc là một quốc gia có kỹ nghệ bản đồ phát triển khá sớm. Một loạt bản đồ về lãnh thổ Trung Hoa cho đến năm 1917 không có Hoàng Sa, Trường Sa mà đều ghi điểm cực Nam Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Đến năm 1917, bản đồ Trung Hoa dân quốc tân khu vực đồ ghi thêm đảo Hoàng Sa bằng một ô vuông phụ, nhưng vẫn chưa có quần đảo Trường Sa. Có nhiều bản đồ của Trung Quốc thể hiện giống như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, và Trung Quốc cũng như nhiều nước khác hiện vẫn còn lưu giữ những bản đồ như vậy. Thạc sĩ Chử Đình Phúc (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) tìm thấy tám bản đồ Trung Quốc ấn hành từ năm 1905 đến 1935 đều thể hiện cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam và không có Hoàng Sa, Trường Sa. Một số lượng không nhỏ bản đồ của Trung Quốc, từ cổ đại, cận đại và hiện đại, đều không hề có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cho nên, lý lẽ của Trung Quốc về “chủ quyền lịch sử” của họ trên hai quần đảo này là không thể chấp nhận được.
Nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo đã chứng minh được rằng theo các sử chí Trung Hoa, gồm cả chiếu chỉ, chỉ dụ của các hoàng đế Trung Quốc, tới thế kỷ 18, vùng biển Việt Nam chiếm gần hết vịnh Bắc Bộ, sát đảo Hải Nam. Do năng lực hàng hải của họ hạn chế, hoặc đã từng tham gia khai thác biển nhưng không thành công, Trung Quốc đã từng có chính sách không hướng ra biển. Suốt hai triều đại Minh, Thanh, Trung Quốc chỉ phòng thủ trên bờ và ven biển, không màng đến biển cả. Ngay cả đảo lớn giàu tài nguyên như Đài Loan, Bành Hồ, cũng từng được liệt vào hàng ngoại quốc trong Minh Sử. Sử sách các thời Càn Long, Quang Tự của họ thừa nhận biên giới biển của Việt Nam về phía bắc là biển Bạch Long Vĩ (không phải đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam) tiếp giáp với Long Môn cảng trấn thuộc vịnh Quỳnh Châu, và về phía đông thì tiếp với đảo Vi Châu (Trung Quốc), phía bắc của đảo Hải Nam, nghĩa là vùng biển Việt Nam chiếm phần lớn vịnh Bắc Bộ hiện nay. Sau Hòa ước Thiên Tân (1885) và các hòa ước Pháp - Thanh sau đó, chính Pháp giao lại cho triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) vùng biển Bạch Long Vĩ của Việt Nam. Nghĩa là cho đến Hòa ước Thiên Tân, sử chí của Trung Quốc ghi nhận biên giới biển của Trung Quốc chưa hề quá đảo Hải Nam, nói gì đến vùng biển Đông rộng lớn và đặc biệt là không hề có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
LÀ TÀI LIỆU CỦA NHÀ NƯỚC THÌ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
Là một luật sư có quan tâm nghiên cứu về công pháp quốc tế, tôi khẳng định, tấm Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ mà chúng ta vừa công bố, cùng với hàng loạt bản đồ khác tương tự của Trung Quốc là chứng cứ có giá trị pháp lý. Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ là bản đồ được lập ra bởi các giáo sĩ và nhân sĩ Trung Hoa và ngoại quốc được chỉ định bởi vua Khang Hy, sau đó được ấn hành bởi một cơ quan nhà nước và lưu hành chính thức, do đó đây là một tài liệu mang tính chất nhà nước.
Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức thận trọng, thông minh và tỉnh táo khi công bố, phổ biến và sử dụng các bản đồ. Phải thu thập tất cả các loại bản đồ cổ và cận đại của Việt Nam, của Trung Quốc và của các nước khác có mô tả biển Đông hay biên giới biển Việt - Trung. Phải mau chóng, nhất thiết có được và gìn giữ kỹ những tài liệu gốc, càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Nếu không có tài liệu gốc, phải tổ chức sao chụp một cách chính xác, khoa học để sử dụng như một chứng cứ pháp lý. Phải tổ chức hệ thống hóa, nghiên cứu, phân tích các loại bản đồ khác nhau của Trung Quốc, kể cả các bản đồ có nội dung khác hay mâu thuẫn nhau, trên quan điểm khoa học và pháp lý. Công việc này cần có sự phối hợp, các cơ quan nhà nước và các nhà nghiên cứu, học giả, luật sư và giới sưu tập tư nhân, trong đó nhà nước giữ vai trò nòng cốt.
Quan điểm nhà nước Việt Nam là giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, và không loại trừ việc đấu tranh tại tòa án quốc tế. Hiện nay, Trung Quốc khước từ tòa án quốc tế, bác bỏ vai trò của quốc tế và phương thức giải quyết đa phương. Tuy nhiên, rất có thể Trung Quốc từ lâu đã và đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đấu tranh pháp lý này. Họ là một nước lớn có thực lực về chính trị, tài chính và chuyên gia. Việt Nam phải chuẩn bị để giành thắng lợi trong cuộc chiến pháp lý này, để làm sáng tỏ một sự thật trước toàn thế giới: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, đã bị Trung Quốc xâm lược bằng vũ lực và chiếm đóng trái phép. Đây cũng là trách nhiệm của thế hệ chúng ta đối với con cháu mai sau.
TRẦN TRUNG SƠN (ghi)


http://www.ykvn-law.com/vn/ttnghia1-vn.html
Ông Trương Trọng Nghĩa, hiện là Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam vừa thành lập, đồng thời là Phó Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Thành Phố Hồ Chí Minh, được công nhận là một trong những luật sư giàu kinh nghiệm nhất của Việt Nam với 25 năm hoạt động về tố tụng tòa án và trọng tài. Ông Nghĩa cũng tư vấn các công ty trong và nước ngoài về luật công ty, mua bán doanh nghiệp và ngân hàng.

Ông Nghĩa đã tham gia nhiều vụ tố tụng phức tạp; trong những thân chủ mà ông đại diện có ExxonMobil, Quest International, American Coffee Corporation, P&G Indochina Capital. Một số vụ điển hình bao gồm:
Đại diện thành công cho công ty con của một công ty dầu khí toàn cầu tại Tòa Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh và Tòa Tối Cao liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng phân phối khí dài hạn (phán quyết chung thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm chấp thuận yêu cầu của công ty).
Đại diện thành công một công ty nhập khẩu Hoa Kỳ tại Tòa Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh yêu cầu một công ty cà phê Việt Nam bồi thường thiệt hại (một trong những công ty nước ngoài đầu tiên được bồi thường thiệt hại bằng phán quyết của tòa án Việt Nam).
Đại diện một trường đại học quốc tế và một tập đoàn thương mại toàn cầu đang đầu tư ở Việt Nam trong việc hòa giải thành công một số tranh chấp lao động.
Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài trong một vụ giải quyết bằng trọng tài một tranh chấp về điều chỉnh giá mua ban đầu từ một hợp đồng mua bán cổ phần riêng lẻ với một công ty niêm yết của Việt Nam.
Từ năm 1982, khi Luật sư Nghĩa bắt đầu hoạt động pháp lý tại Trọng tài Kinh tế Nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh (tiền thân của Tòa Kinh tế hiện nay), ông đã giải quyết hơn 400 vụ tranh chấp kinh tế, đồng thời tham gia bào chữa trong hơn 100 vụ kiện dân sự, hình sự và thương mại.

Các khách hàng của Luật sư Nghĩa gồm các tổng công ty lớn của Việt Nam như Tổng Công ty Bưu Chính Viễn thông, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam, Saigon Petro, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Saigon Coop, cũng như các doanh nghiệp quốc tế và đầu tư nước ngoài như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, P&G, Metro Cash & Carry, RMIT, Vina Capital, Indochina Capital and Pico. Các doanh vụ mà Luật sư Nghĩa đã tư vấn điển hình là:

Tư vấn cho một công ty quảng cáo trong nước liên doanh với một công ty quảng cáo hàng đầu của Nhật;
Tư vấn cho Ngân hàng Đầu tư Châu Âu về một hợp đồng tài chính cấp vốn cho một tập đoàn thương mại toàn cầu nhằm mở rộng dự án đầu tư ở Việt Nam;
Tư vấn một quỹ đầu tư nước ngoài về hợp đồng mua bán cổ phần riêng lẻ nhằm mua lại đa số cổ phần của một công ty viễn thông trong nước; và
Tư vấn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm kiếm đối tác, xin giấy phép đầu tư và triển khai dự án đầu tư tại Thành Phố Hồ Chí Minh và Vùng Kinh Tế Trọng Điểm phía Nam.
Bên cạnh nghề nghiệp và cương vị trong Đoàn Luật sư, ông Nghĩa còn là một đại biểu dân cử của Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1989, ông được nhân dân bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố, cơ quan quyền lực với thẩm quyền bầu ra và giám sát hoạt động của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2004, ông được bầu lại là một trong 95 đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố. Ông được cử làm Phó Trưởng Ban Pháp chế trong nhiệm kỳ IV và là Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách của Hội đồng trong nhiệm kỳ hiện tại kéo dài đến năm 2011.

Từ năm 1996 đến 2008, ông Nghĩa được bổ nhiệm Phó Giám Đốc, sau đó là Giám Đốc Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại Đầu Tư trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh (ITPC). Năm 2008, ông từ chức để tập trung vào hoạt động luật sư. Trong thời gian phụ trách ITPC, ông Nghĩa đã hoạt động không mệt mỏi nhằm phát triển xuất nhập khẩu và đầu tư, đồng thời viết nhiều bài báo được dư luận quan tâm về cải cách luật pháp, phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Từ năm 1998 đến 2006, ông Nghĩa là thành viên Ban Nghiên Cứu của Thủ Tướng, một cơ quan tư vấn do Thủ Tướng thành lập để góp ý cho Thủ Tướng về các chính sách kinh tế, tài chính và pháp luật. Trong thời gian này, ông Nghĩa đã tham gia góp ý cho Chính Phủ trong việc phát triển kinh tế, hội nhập và cải cách hành chính trong nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa.

Là một trong những luật sư tên tuổi của Việt Nam, ông Nghĩa được mời tham gia ý kiến trong quá trình soạn thảo và ban hành một số đạo luật quan trọng của Việt Nam, như Hiến Pháp 1992, Bộ Luật Hình Sự, Bộ Luật Dân Sự, Bộ Luật Lao Động, Luật Thương Mại, Luật Cạnh Tranh, Luật Doanh Nghiệp, Luật Đầu Tư, Pháp Lệnh Trọng Tài Thương Mại và các luật thành lập các tòa án mới của Việt Nam như Tòa Kinh Tế, Tòa Lao Động, Tòa Hành Chính), Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự, Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, Pháp Lệnh Công Chức và những nghị định hướng dẫn thi hành.

Ông Nghĩa đã tham gia các công trình nghiên cứu về cải cách hành pháp và pháp luật Việt Nam. Ông là thành viên chủ chốt của đề tài nghiên cứu “Tham Nhũng Ở Việt Nam – Bản Chất, Xu Hướng Và Làm Gì Để Phòng Chống?” (1992 – 1993). Ông cũng tham gia các đề tài nghiên cứu “Những Quan Điểm Lý Luận Trong Việc Xây Dựng Pháp Luật Kinh Tế Việt Nam - Khung Pháp Lý Của Nền Kinh Tế Thị Trường Ở Việt Nam” (1997), “Cải Cách Quan Hệ Giữa Chính Quyền Trung Ương và Chính Quyền Dịa Phương Ở Những Đô Thị Lớn Của Việt Nam” (1997 – 1998), “Cải Cách Và Tinh Giản Các Cơ Quan Hành Chính Của Thành Phố Hồ Chí Minh” (1996 - 1997).

Năm 1994, ông Nghĩa là một trong những người Việt Nam đầu tiên được chương trình Fulbright tuyển chọn cử đi học thạc sĩ luật tại Đại Học New York. Sau khi tốt nghiệp, luật sư Nghĩa thực tập theo Chương Trình Luật Sư Quốc Tế tại công ty luật Sidley Austin Brown & Wood và công ty luật Paul Weiss Rifkind & Garrison tại Thành Phố New York (1995 – 1996).

Học vấn

Cử Nhân Luật, Đại Học Karl Marx, Đức, 1981
Thạc Sĩ Luật, Đại Học New York, Hoa Kỳ, 1995

Đoàn Luật Sư, Các Cơ Quan Nhà Nước Và Các Tổ Chức Xã Hội

Thành Viên Đoàn Bào Chữa Viên từ năm 1987 và Đoàn Luật Sư từ năm 1996, được bầu làm Phó Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Thành Phố Hồ Chí Minh từ tháng 12 năm 2008
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ tháng 5/2009
Ủy Viên Ban Chấp Hành Hội Luật Gia Thành Phố Hồ Chí Minh từ 1988 đến nay (năm nhiệm kỳ liên tiếp)
Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Khóa IV, Phó Trưởng Ban Pháp Chế Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh (1989 – 1994)
Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Khóa VII, Phó Trưởng Ban Kinh Tế - Ngân Sách Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh (2004 – 2009, gia hạn đến 2011)
Phó Chủ Tịch Hội Hữu Nghị Việt – Mỹ Thành Phố Hồ Chí Minh

Xuất Bản, Tiểu Luận Và Những Hoạt Động Khác

Tác giả cuốn sách Trọng Tài Kinh Tế Ở Việt Nam, 1988
Tiểu luận Nhà Nước Pháp Quyền Ở Việt Nam – Lý Luận Và Thực Tiễn, 2001
Nhiều bài báo về nhiều chủ đề pháp lý của Việt Nam, như Hiệp Định Thương Mại Việt – Mỹ, Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Giảng viên thỉnh giảng về luật thương mại quốc tế và luật kinh doanh tại Đại Học Luật và Đại Học Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh.

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA(TRƯƠNG ĐỨC CẦN)

TruongTrongNghia.jpg 
- Họ và tên : TRƯƠNG TRỌNG NGHĨAĐại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khoá VII.

- Giới tính : nam

- Ngày sinh : 28/02/1953

- Dân tộc : Kinh

- Quê quán : Xã Mỹ Luông, Huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang.

- Trình độ học vấn : Thạc sĩ Luật, Cao cấp Lý luận Chính trị.

- Nghề nghiệp, chức vụ : Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ngày vào Đảng : 29/12/1989

- Khen thưởng : Huân chương Quyết thắng hạng II; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng III; Huân chương kháng chiến hạng III; nhiều bằng khen, giấy khen.

- Nơi làm việc :

- Địa chỉ liên hệ :

(Nguồn : Sở Nội vụ Tp.HCM)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét