Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Xử lý nợ xấu, nhanh cũng phải 2 - 3 năm

 
04-08-2012 06:39:18
 
 

 
(ĐTCK) TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nguyên nhân phát sinh nợ xấu đến từ cả phía Nhà nước, DN và ngân hàng, nên cả ba bên đều phải có trách nhiệm xử lý. Nhưng về tổng thể, giải quyết nợ xấu cần phải gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
 
    Nhiều ý kiến cho rằng, nợ xấu của ngân hàng chính là nợ xấu của nền kinh tế. Ông bình luận gì về ý kiến này?
    Về bản chất, nợ xấu là khoản nợ không được thanh toán theo đúng hợp đồng cho vay. Về mặt kỹ thuật, việc phân chia các khoản nợ xấu căn cứ vào việc chậm trả nợ, lãi theo thời gian. Thời gian trễ hạn càng dài có nghĩa món nợ đó càng xấu. Tóm lại, về bản chất, nợ xấu là một hợp đồng vay nợ mà bên đi vay không trả được. Như vậy, nợ xấu của toàn nền kinh tế lớn hơn nợ xấu của hệ thống ngân hàng.


    Theo ông, do đâu mà nợ xấu tăng khá nhanh trong thời gian qua?
    Nguyên nhân xuất phát từ cả phía Nhà nước, DN và ngân hàng. Trước tiên, phát sinh nợ không thanh toán được một phần do phía ngân hàng có thể có sai lầm, không thẩm định tốt dự án, quản trị rủi ro yếu, giám sát nội bộ yếu... Bản thân DN cũng kém, vì đánh giá sai tình hình, năng lực quản trị yếu, hoạt động kém hiệu quả...
    Nhà nước cũng có trách nhiệm trong vấn đề này. Thứ nhất, công tác giám sát ngân hàng chưa tốt. Thứ hai, Nhà nước cần xem lại chức năng cung cấp thông tin đối với DN để định hướng cũng như giảm thiểu rủi ro cho DN; hỗ trợ DN trong khâu đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, công tác điều hành chính sách vĩ mô đôi khi chưa tốt.

    Như vậy, việc xử lý nợ xấu cần đến cả ba bên?
    Đúng vậy. Nguyên nhân thuộc về ba bên, nên cả ba bên đều phải có trách nhiệm xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, về trách nhiệm của Nhà nước, cần phải lưu ý rằng, do Nhà nước là người điều hành nền kinh tế, hơn nữa tiền của Nhà nước là tiền của dân, vì vậy vấn đề xử lý ngân sách thế nào phải rất khéo. Vấn đề thứ nhất là chi phí ngắn hạn để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ở đây, dù dưới góc độ ông chủ trực tiếp hay dưới góc độ tổng thể nền kinh tế, thì việc tái cơ cấu phải nhằm mục tiêu làm cả hệ thống mạnh lên. Vấn đề là trong quá trình này, Nhà nước có cần can thiệp hay không, can thiệp như thế nào, chi phí ra sao? Vấn đề thứ hai lớn hơn là có đảm bảo mất chi phí như thế thì trong dài hạn, lợi ích có lớn hơn được hay không.
    Thu hồi nợ không thanh toán được chỉ là một nhẽ, còn lớn hơn là phải tái cấu trúc hệ thống hiệu quả. Về tổng thể, cần phải gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

    Vậy theo ông, cần phải làm gì để xử lý hiệu quả vấn đề nợ xấu?
    Có nhiều hướng để xử lý, trong đó không loại trừ việc thành lập một định chế, chẳng hạn như Công ty Mua bán nợ quốc gia (AMC). Mục tiêu hoạt động của định chế này có thể không phải vì lợi nhuận, mà là làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, để hệ thống ngân hàng đưa vốn vào nền kinh tế thực sao cho hiệu quả, vì lợi ích chung. Bởi vậy, định chế này gần như là một định chế công. Tuy nhiên, phải tối thiểu hóa nguồn vốn từ ngân sách, cần tìm nguồn lực khác trong chừng mực nhất định. Bên cạnh đó, mặc dù không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng phải làm sao để chi phí là thấp nhất, chi phí theo nghĩa là chiết khấu, bây giờ chi ra sau này sẽ lấy lại.

    Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến băn khăn về vấn đề lợi ích nhóm khi thành lập AMC?
    Lo ngại như vậy không phải không có lý. Nếu có tư lồng trong công, tồn tại các mối quan hệ sở hữu chéo, có mối quan hệ lằng nhằng giữa DN, ngân hàng và Nhà nước, thì vấn đề trở nên phức tạp rất nhiều. Chính vì vậy, quá trình này cần phải được giám sát chặt chẽ, gắn với những hỗ trợ mang tính chuyên nghiệp, chuyên gia độc lập, không chịu trách nhiệm lợi ích nhóm. Phải tính hết rủi ro để hạn chế nó, chứ không phải thấy rủi ro là dừng.
    Nợ xấu là vấn đề nghiêm trọng, phải cố gắng xử lý triệt để, quyết liệt, khẩn trương, nhưng không có nghĩa là phải vội vã. Theo tôi, nhanh nhất cũng phải mất 2 - 3 năm để xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

    Tuy nhiên, hiện ngay cả con số nợ xấu là bao nhiêu cũng chưa thống nhất thì làm sao để xử lý, thưa ông?
    Tất nhiên, các con số cần minh bạch, rõ ràng hơn là vấn đề rất quan trọng, vì thông tin có đầy đủ mới có thể đưa ra được giải pháp xử lý đúng và bài bản. Thứ hai, dự tính nguồn lực để xử lý. Thứ ba, để tạo dựng lòng tin cho thị trường, rất cần sự minh bạch.
Hồng Dung thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét