Những tồn tại kinh tế Việt Nam và đề xuất chính sách
|
Những khó khăn
Về sản xuất trong khu vực tư nhân: khó khăn vẫn còn đó. Ngân hàng vẫn hạn chế cho vay (mức tăng trưởng tín dụng 17% chỉ dành cho các ngân hàng cấp 1, trong những năm trước tăng trưởng vào khoảng 35-50%). Mặt khác doanh nghiệp bị sức ép của lạm phát trên giá nguyên liệu thô, tiền lương, phí quản lý và đầu ra, nhưng không thể tăng giá bán sản phẩm. Hậu quả là năm 2011, có 50.000 doanh nghiệp thua lỗ và trong quý I/2012 có gần 12.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động.
Bất động sản vẫn trong những ngày đen tối. Với một thị trường ảm đạm từ mấy năm nay, quyết định đóng băng tín dụng nhà đất và lãi suất khủng đã là những "đòn" hạ gục thị trường bất động sản. Hệ quả là hàng loạt những công trường bị đình chỉ, hàng ngàn căn hộ đã xây xong nhưng bỏ trống vì không có người mua. Nghịch lý là nhu cầu nhà ở vẫn cao, nhưng không mấy ai mua được những căn hộ đã xây xong vì chúng được xây không phải để ở, mà để đầu cơ, mua đi bán lại với giá vượt xa thu nhập của người dân bình thường. Tóm lại, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng đang điêu đứng.
Hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu năm đang ì ạch. Kim ngạch thấp hơn 30% so với tháng trước và 15% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hao hụt khoảng 300 triệu USD. Cụ thể là giá gạo, cà phê, cao su đều xuống, và hiện lúa thu hoạch Đông xuân sẽ phải tồn kho phần thặng dư. Các chuyên gia trong ngành dự đoán thị trường gạo thứ cấp đang xoay chiều và nếu Việt Nam còn ở trong thị khúc này thì sẽ chẳng biết bán đi đâu.
Nhìn chung tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm còn bị chi phối bởi những khó khăn nội tại, cộng vào đó là suy thoái kinh tế thế giới đang gia tăng.
Một vài nguyên nhân
Nhìn nhận về nguyên nhân của những tồn tại nêu trên của nền kinh tế Việt Nam, chuyên gia Phạm Nam Kim cho biết, để tìm nguyên nhân của những tồn tại của kinh tế Việt Nam, ta nên đi ngược dòng thời gian, xem lại lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam để hiểu rõ cái gì đã mang đến sự bất ổn kinh tế hiện tại.
Từ ngày đổi mới và trong những năm đầu, kinh tế Việt Nam đã chuyển mình rất nhanh từ một nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế đa dạng lấy công nghệ làm đầu. Mô hình phát triển công nghệ này là mô hình gia công, nói một cách khác bán rẻ lao động để thu hút đầu tư và công nghiệp hóa đất nước. Chiến lược phát triển dựa trên mô hình này có thể nói đã thành công, những khu công nghệ mọc lên như nấm, với sự đầu tư ồ ạt của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, trong vòng 5- 7 năm qua một khu vực kinh tế mới đã trỗi dậy: đó là thế giới "ảo" của mua đi, bán lại, kiếm lời trên giá thị trường, nói một cách khác, thế giới đầu cơ. Thế giới đầu cơ xâm nhập trước tiên khu vực bất động sản, tạo nên những "bong bóng" lớn, giá nhà đất tăng ngất ngưởng – 90% những dự án chung cư là để đầu cơ, với những “siêu” căn hộ có mức giá xấp xỉ và có khi cao hơn giá ở những quốc gia giầu nhất thế giới; 10% còn lại là bị bắt buộc xây vì khi quy hoạch đất cho chung cư phải xây nhà cho những gia đình bị tái định cư.
Sau bất động sản thì đến đầu cơ thị trường tài chính với những lớp sóng IPO trên sàn chứng khoán mới mở, rồi đến đầu cơ trên đồng USD, vàng…Hiện tượng đầu cơ, phát triển rất nhanh và mạnh (vì làm giầu rất dễ) tạo ra một từng lớp "nhà giầu" với một mức thu nhập và mức sống rất cao. Mức sống cao của lớp người này cũng kéo theo phản ứng dây chuyền về mức sống của những tầng lớp khác và cả quốc gia, đưa đến một mức sống bình quân cao hơn mức sống tương quan với mức sản xuất của quốc gia.
Chính hiện tượng này là mầm mống của lạm phát, lạm phát do chênh lệch cung, cầu. Mức sống tăng cao, nhu cầu tăng, nguồn cung không đủ, giá cả hàng hóa tăng nhanh. Hiện tượng này cũng làm tăng trưởng mạnh khối tiền tệ, không còn tương xứng với khối hàng hóa, dịch vụ và làm tăng giá cả.
Bất ổn kinh tế còn phát sinh ở chỗ hai "bong bóng vỡ" là thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Khi hai thị trường này cùng suy thoái một lúc thì tất nhiên nền kinh tế bị rúng động. Trước tiên là những doanh nghiệp (ngay cả những tập đoàn nhà mước) đã rời bỏ một phần lĩnh vực cốt lõi của họ, đi theo tiếng gọi của lợi nhuận đầu tư vào 2 lĩnh vực này. Sau đó là những cá nhân đã trót đi theo con đường này. Khi bong bong vỡ, phản ứng tự nhiên của người đầu cơ là chạy xa, thoái vốn rồi đổ vào lĩnh vực khác. Khi dòng tiền phiêu bạt như vậy thì tất nhiên kinh tế mất định hướng, xoay ngang xoay dọc cộng với lạm phát tạo nên những bất ổn định của nền kinh tế.
Bất ổn cũng còn ở chỗ, mô hình phát triển công nghệ dựa trên gia công có thời của nó và nay đã đến lúc ta phải tiến thêm một bước để trở thành một nước công nghệ thực thụ. Trên phương diện cạnh tranh, với mức sống đang tăng cao như đã đề cập ở trên, Việt Nam khó giữ vị trí lương thấp và hiện có những nước mới nổi khác có mức lương thấp hơn. Hơn nữa, về phương diện chiến lược phát triển, mô hình gia công chỉ là một giai đoạn. Ngoài ra, với mô hình gia công, sự lệ thuộc vào tình hình và ý muốn của các doanh nghiệp đa quốc gia là quá lớn và đó cũng là lý do của sự bất ổn của nền kinh tế.
Các đề xuất
Trước những phân tích về các vấn đề tồn tại của kinh tế Việt Nam nêu trên, chuyên gia Phạm Nam Kim đề xuất các chính sách để cải thiện tình hình kinh tế hiện nay như sau:
Để cải thiện tình hình kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa ra 2 quyết định quan trọng: tái cấu trúc nền kinh tế và ổn định nền kinh tế (Nghị quyết 11). Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong những nước duy nhất, thay vì nhất thời dập tắt những bất ổn đã dám quyết định tái cấu trúc nền kinh tế.
Nhưng hiện nay, Chính phủ vẫn chưa khẳng định được hướng tái cấu trúc với những mục tiêu cụ thể mong đợi, những biện pháp được đưa ra có tính "giơ cao, đánh khẽ" không đi thẳng và giải quyết những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế.
Về tái cấu trúc nền kinh tế, việc cốt lõi thứ nhất là giải tỏa khu vực kinh tế “ảo”, dựa trên đầu cơ và đưa những dòng vốn đó vào khu vực kinh tế “thực”. Cho dù đây là một cuộc chiến khốc liệt, đụng chạm tới các "nhóm lợi ích", nhưng nếu đầu cơ còn tồn tại với quy mô hiện nay Việt Nam khó lòng có được một nền kinh tế phát triển bền vững.
Vấn đề thứ hai là công nghiệp. Cần đưa Việt Nam ra khỏi mô hình gia công, xây dựng một nền “công nghiệp dựa trên chất lượng”, để tạo ra sự khác biệt tích cực đối với những quốc gia mới nổi và chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Mũi nhọn thứ hai của “công nghiệp dựa trên chất lượng” là thị trường quốc nội, để lấy lại thăng bằng cho cán cân thương mại và chống chọi với suy thoái kinh tế quốc tế. Nông nghiệp Việt Nam còn cần hơn nữa phát triển sản xuất trên căn bản chất lượng và sẽ đạt được những mục tiêu kể trên cho khu vực công nghiệp.
Vấn đề thứ ba là lĩnh vực bất động sản. Đây là lĩnh vực đầu mối để khôi phục lại phát triển kinh tế, nên đưa bất động sản ra khỏi vong xoáy đầu cơ hiện tại bằng những biện pháp mạnh và hỗ trợ những công trình “để ở” với một hệ thống ngân hàng chuyên tài trợ cho bất động sản như ở phần đông các quốc gia khác. Những ngân hàng này sẽ dựa vào vốn dài hạn để cho vay dài hạn, giúp cho sự phát triển ổn định của lĩnh vực bất động sản.
Về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vấn đề cốt lõi đưa đến những yếu kém của hệ thông ngân hàng chính là những yếu kém của thị trường tài chính, quá tập trung vào vốn ngắn hạn và sự biến đổi thành vốn dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và kinh tế quốc gia đã gây ra những rủi ro mà ngân hàng khó đương đầu. Vì vậy, việc đầu tiên là uốn nắn lại thị trường tài chính, tạo dựng một thị trường vốn dài hạn để tài trợ những công trình dài hạn, bất động sản và đầu tư thiết bị công nghiệp. Thị trường vốn dài hạn này cũng giúp ổn định hóa thị trường chứng khoán (còn cần phối hợp thêm với nhiều biện pháp). Việc thứ hai là cấm ngân hàng đầu cơ, trong ngành hay ngoài ngành và kéo họ về cái nghề cốt lõi của mình. Việc thứ 3 là xây dựng một hệ thống ngân hàng hướng tới một mô hình ngân hàng chuyên môn trên một vài lĩnh vực dịch vụ chủ chốt, ngân hàng đa năng chỉ dành cho ngân hàng có quy mô tương xứng. Vậy là việc sáp nhập ngân hàng chỉ nên thực hiện khi biết rõ được là mình muốn đi đến đâu. Sự hấp tấp trong vấn để này chẳng giải quyết được gì và còn gây bất ổn trên thị trường và hoang mang trong dân chúng.
Về tập đoàn nhà nước, việc then chốt là chuyên nghiệp hóa quản lý trên một thị trường cạnh tranh. Việc đầu tiên trong tái cấu trúc tập đoàn nhà nước là chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý, từ con người cho đến quy chế, định ra những mục tiêu lợi nhuận phải đạt được, bắt buộc sự minh bạch trong công việc và trong báo cáo (hiện tại cả tập đoàn không có báo cáo hợp nhất và nếu có thì cũng không thông tin đại chúng). Trong hiện tại tập đoàn nhà nước sẽ là những đầu tầu trong công cuộc "công nghệ chất lượng" và khi thời điểm thuận lợi sẽ được cổ phần hóa, tuy nhiên những công ty và tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực công ích xã hội thì vẫn hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước.
Về nguyên nhân lạm phát rất phức tạp, nó không hoàn toàn vì nguyên do tiền tệ và ta không thể chỉ tuân theo trường phái ‘tiền tệ’, thắt chặt khối tiền tệ để đạt được mục tiêu. Khi thắt chặt khối tiền tệ ta không những "giết chết" động cơ phát triển và còn gây khủng hoảng trên những khu vực kinh tế yếu kém và với phản ứng dây chuyền gây bất ổn cho cả nền kinh tế, điển hình là những gì đã xảy ra khi đóng băng tín dụng bất động sản, làm tê liệt ngành này và các ngành nghề xây dựng liên quan.
Chống lạm phát cũng là một cuộc chiến tâm lý, nếu thấy giá cả gia tăng thì giới kinh doanh phải bằng mọi cách bảo vệ quyền lợi của họ và tăng giá đầu ra. Do vậy phải cương quyết và nhất quán trong việc chống tăng giá. Không thể một mặt chống lạm phát, mặt khác lại cho phép tăng giá khí đốt, giá điện. Làm như vậy người dân cũng như giới đầu tư nước ngoài mất lòng tin ở quyết tâm ổn định kinh tế quốc gia.
Lê Chân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét