Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Lương không đủ ăn, tiền nhậu ở đâu lắm thế?

Lương không đủ ăn, tiền nhậu ở đâu lắm thế? 
Công chức... nhậu trưa  (xem cuối bài)

"Công chức nhà nước lúc nào cũng than "lương ba cọc bảy đồng" không đủ cho mức sống tối thiểu, vậy tiền ở đâu ra mà công chức nhậu nhiều thế?", một độc giả lên tiếng.
 
Sau khi bài viết Công chức Việt coi chuyện đi nhậu như ăn cơm trưa được đăng tải, báo VietNamNet đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả bày tỏ ý kiến về hiện tượng này. Phần lớn độc giả đều cho rằng đây là hiện tượng có thật và khá phổ biến ở nước ta, một số độc giả còn kể chuyện đi nhậu của mình để làm minh chứng. Một số độc giả cũng lên tiếng phê phán kiểu làm việc ì ạch của công chức, lên án chuyện xay xỉn là một tệ nạn xã hội, một số độc giả còn đặt câu hỏi "công chức lấy tiền đâu ra mà nhậu lắm thế?".

Tình trạng cả nước!

Độc giả Mai Phương cho rằng, chuyện công chức say xỉn ở cơ quan nhà nước nào cũng có loại người này. Thường họ thuộc nhóm không có việc gì làm, hoặc phụ trách những việc không quạn trọng.

"Ai làm tốt thì giao nhiều việc, ai làm không tốt thì giao ít việc, cuối năm như nhau cả. Nhà nước càng nói giảm biên chế thì tôi thấy càng nhiều loại người nhậu này vào biên chế. Hỏi sao mà tăng nổi lương, vì nuôi đám chí phèo ăn không ngồi rỗi này", độc giả Phương nói.
 
Ảnh này dường như được chụp ở quán ăn của Viện Johann Wolfgang von Goethe tại đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Trước đây ăn ở đây rất thú vì vắng vẻ, thanh bình; giờ thì như cái chợ.


Ủng hộ quan điểm bài viết đã phản ánh đúng thực trạng chung của công chức hiện nay, độc giả Tuấn kể câu chuyện của mình: "Chẳng cần phải Trung ương như Bác Việt, ở em đây cán bộ quèn cấp tỉnh cũng tuần 5 bữa (không nhậu trưa nhé) lai rai các quán xá. Giải thích tiền đâu nhậu nhiều thế: 1. Cơ sở lâu lâu lên tỉnh, cơ sở đãi. 2. Công si. 3. Nhậu cơ quan có tiệc tùng... 4. Nhậu kinh phí nguồn (ký sổ), mai mốt có nguồn gì sẽ đắp vào. Cái sự nhậu bây giờ: Tăng 1 = bình thường; tăng 2 = tê tê; tăng 3 rồi tăng 4... - Em nhớ lại, khi mới vào làm năm 2008, ở nhà công vụ; em đếm được chính xác có 21 ngày liên tục e không ăn cơm chiều (vì chiều nào cũng nhậu), bây giờ thì yếu rồi, 5 ngày/tuần."

Độc giả Huy tiếp lời: "Đi đón con (1 - 1.30 giờ trưa) ngày nào tôi cũng thấy người cơ quan ra nhậu tràn lan cạnh trường. Thường không đủ chỗ. Họ lấy tiền ở đâu ra nhỉ? Nhìn thấy các cô gái cơ quan đông đảo ở đó, tôi thấy mình may vì đã lấy vợ lâu rồi. Bài viết hay, nhưng đọc mà muốn...khóc."

Cho rằng việc nhậu trưa là một tệ nạn xã hội, lãng phí thời gian, tiền của xã hội, nhiều độc giả lên tiếng cần có những quy định rõ ràng để chấm dứt tình trạng này.

Độc giả Long chia sẻ: "Gần đây ăn nhậu buổi trưa trở thành thói quen, thành phong trào của các cơ quan Nhà nước, của giới công chức, viên chức. Đây là hiện tượng làm mất rất nhiều thời gian, tốn kém tiền của, ảnh hưởng đến công việc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số cơ quan thường tổ chức đi ăn nhậu buổi trưa, khi ăn thường chúc tụng nhau say sỉn hết, ăn song thường đi hát karraoke để cho hả rượu, coi như buổi chiều không làm việc. Nhà nước nên có quy định cấm uống rượu buổi trưa tại các cơ quan công sở."

Đồng quan điểm, độc giả Hoàng Quốc Hùng tiếp lời: "Đây có thể nói là một tệ nạn cần phải xóa bỏ. Đúng như bài báo nói, vấn đề một phần do ý thức, một phần do ít việc vì vậy chỉ cơ quan quản lý nhà nước mới có tình trạng này. Đi nhậu kiểu đó thì người tích cực đi thường không mất tiền mà là do doanh nghiệp mời, việc này cũng phát sinh nhiều hệ lụy và suy cho cùng đều là lãng phí thời gian, tiền của của xã hội. Vì vậy nên chấm dứt tệ nạn này."

Tiền đâu ra mà đi nhậu lắm thế?


Giới công chức vẫn luôn kêu than là lương cơ bản thấp, không đủ cho mức sống tối thiểu, ấy thế mà họ vẫn đi nhậu như cơm bữa. Điều này thật vô lý. "Xin được hỏi lương của họ bao nhiêu ??? Họ lấy đâu ra nhiều tiền để ngày nào cũng "đi nhậu" ???", độc giả Lê Tuyên đặt câu hỏi.

"Công chức nhà nước lúc nào cũng than "lương ba cọc bảy đồng" không đủ cho mức sống tối thiểu, vậy tiền ở đâu ra mà công chức nhậu nhiều thế?", độc giả Nguyễn Bảo Kim tiếp lời.

Trước câu hỏi của một số độc giả, độc giả Lê Xuân Lực lên tiếng: "Nói thật các bác là công chức trừ những sếp có chức vụ và một số chỗ ngon lành tí còn lại đại đa số đều sống dưới mức nghèo khổ (nghiêm túc luôn) thì lấy tiền đâu mà chè chén. Lương mấy anh em mới vào được gần 2 triệu cả phụ cấp thì tiền ăn trưa theo kiểu văn phòng (25-30k/ suất) còn khó huống hồ gì ăn nhậu phải tính tiền triệu 1 bữa."

Cũng cho rằng công chức nghèo, không có tiền đi ăn nhậu thường xuyên, một công chức tên Thành bày tỏ quan điểm: "Nói thật tôi cũng làm công chức, cũng thèm nhậu lắm mà chẳng bao giờ được vậy, vì chẳng làm quái gì có tiền, thấy được 1,2 thằng có chức tham ô đưa lên báo rồi nói công chức nhàn rỗi với lại nhậu nhẹt xin lỗi đi nhá. Ngày xưa tôi ở doanh nghiệp còn nhậu nhiều hơn. Giờ sang công chức vì một số lý do nhưng đói thối mồm chẳng được bữa nhậu nào, ngoài cuối năm tổng kết cơ quan."

Tệ nhậu trưa không chỉ lãng phí thời gian, tiền của xã hội mà nhiều độc giả còn "kết tội", đây chính là nguyên nhân khiến lương cơ bản không thể tăng.

Độc giả Khánh Hà bày tỏ: "Thế mới biết tại sao lương công chức thấp     Lương công chức chỉ ở mức thấp thôi vì thời gian làm việc của họ một ngày chỉ 1 vài tiếng, còn hành là chính chứ có trình độ gì đâu, phần lớn công chức toàn người dốt thôi, tuần làm việc 5 ngày mỗi ngày khoảng 2 tiếng thôi còn ngồi tán gẫu, nói chuyện, làm việc ì ạch thế mà cứ đòi cải cách tiền lương".

"Tình trạng này cả nước các bạn ạ, làm ảnh hưởng rất nhiều các công chức làm việc nghiêm túc! Cứ tiếp diễn mãi tình hình này thì lương cơ bản chắc cải cách dài dài !!!", độc giả Nguyễn Văn Thành tiếp lời.  

Độ giả Vũ Thảo Nguyên còn cho rằng, cứ tình trạng thế này đất nước ta sẽ khó phát triển. "Đó là 1 thứ "văn hóa" bóp chết" sự cất cánh của Việt Nam, 1 thứ "văn hóa" làng xã còn rớt lại (tiếc thay nó lại đang là phổ biến) của cái tư duy duy tình. Sẽ không thể có 1 Việt Nam năm 2020 là 1 Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nếu nền hành chính quốc gia được giao phó cho những con người được gọi là công chức kiểu như bài báo nêu.

Tiếc thay, nói đã nhiều, phê phán đã nhiều nhưng chuyển biến chẳng bao nhiêu. Không biết khi thấy được hậu quả thì sự "sửa sai" việc này mất mát là bao nhiêu cho vừa. Đã đến lúc phải làm kiên quyết, làm cụ thể, làm cho ra làm - trước khi nói đến việc tăng lương cho đội ngũ được gọi là công bộc của nhân dân này", Thảo Nguyên nói.

La Hoàn (tổng hợp)

Công chức... nhậu trưa
- Có muôn vàn lý do để công chức rủ nhau đi nhậu, nào tiếp đối tác, sinh nhật, khao tăng lương, mừng thăng chức, chia tay sếp chuẩn bị đi công tác xa... hay đơn giản chỉ là "hứng lên thì đi". Một tuần dăm bảy chầu, nhậu được một số công chức dùng thay cơm trưa!

Nhậu là một cách ăn trưa thôi!


Với cái lý "không nhậu khó làm việc được với đối tác", tuần có bảy ngày thì có đến năm ngày D. Tiến, một công chức ở Cầu Giấy, "ăn trưa" ở quán nhậu. Nhanh thì 2-3 tiếng, gặp được bạn chí cốt thì lai rai từ trưa đến chiều.


Sở dĩ Tiến thường tụ tập bạn bè nhậu trưa vì công việc ở cơ quan không nhiều, cũng chả có việc gì gấp gáp nên "hôm nay hay ngày mai giải quyết cũng như nhau". Với lại Tiến đang được cơ quan cử đi học nâng cao ở một trường chính trị, có lỡ nhậu say không về cơ quan làm việc, có người tìm thì vẫn còn lý do bào chữa là "bận đi học đột xuất".


Coi việc đi nhậu trưa như cơm bữa, nhiều lần vác bộ dạng "phê phê" đến lớp học nên bạn bè ai cũng biết anh chàng này "bợm nhậu". Có lần lỡ chén mà vẫn phải vào lớp dự buổi học chiều, không kiểm soát được hành vi của mình, cô giáo đang giảng bài mà anh cứ đứng lên hạnh họe, hỏi hết câu này đến câu khác.
Cả lớp ở dưới ôm bụng cười còn giảng viên thì cứ đứng trên bục giảng thao thao phân tích cho anh đủ điều vì không biết anh này "đang phê".


Nhậu cũng là một cách ăn trưa? Ảnh minh họa
Chuyện công chức nhậu trưa "lẹm" vào giờ làm việc buổi chiều không phải hiếm. N. Việt, một cán bộ cấp trung ương, tiết lộ chuyện đi nhậu buổi trưa ở cơ quan anh là chuyện hết sức bình thường.

"Nhậu cũng là một cách ăn trưa thôi. Thay vì ăn cơm, ăn phở thì người ta làm cốc bia, chén rượu.


Có rất nhiều lý do để anh em kéo nhau ra quán nhậu. Nào ăn sinh nhật, khao tăng lương, mừng thăng chức, đón người mới, chia tay người cũ, tiễn sếp chuẩn bị đi công tác xa hay đơn giản là hứng lên thì í ới nhau đi.


Có rất nhiều kiểu nhậu, nhậu chính thống là cả cơ quan đi với nhau khi có vụ liên hoan, ăn mừng ngày lễ nào đó hoặc tiếp đối tác quan trọng. Nhậu không chính thống là anh em hứng lên thì í ới nhau ra quán nhậu, xong rồi lại về cơ quan làm việc bình thường", anh Việt nói.


"Thường thì nhậu xong lại về cơ quan làm việc, có lỡ uống say quá thì ngủ gục tại cơ quan. Nếu không về cơ quan thì đi tăng 2, tăng 3. Tăng 2 thường là hát karaoke, lúc có tay vịn lúc không. Tăng 3 thì thường dạt vào nhà nghỉ tìm gái", anh Việt nói.


Anh Việt cũng cho biết, anh thường xuyên được bạn bè, đồng nghiệp rủ đi nhậu trưa và thường là anh không từ chối vì nể, vì ngại. Anh cũng nhiều lần ngồi nhậu từ trưa đến chiều vào những ngày "cơ quan hết việc" hoặc tiễn sếp chuẩn bị đi công tác xa.


Nhàn rỗi sinh chè chén


Sẽ chẳng có thời gian dành cho nhậu nhẹt nếu công việc bù đầu, tối mắt tối mũi. Anh Việt cho biết, sở dĩ anh có thời gian đi nhậu trưa cũng bởi vì công việc ở cơ quan "không gấp", làm hôm nay hay ngày mai thì cũng như nhau.


Anh Việt chia sẻ: "Nhậu say rồi thì tắt máy về nhà ngủ. Công việc để sáng mai giải quyết, chết ai đâu mà sợ. Giả nếu có việc gấp mà người ta gọi cho mình không được thì tự khắc có người khác giải quyết. Ai hơi đâu mà dành thời gian đi truy cứu mấy việc cỏn con này làm gì. Có biết thì cũng xí xóa cho nhau, vì ai cũng thế cả.


Chỉ cần không gây chết người, không ảnh hưởng đến anh ninh quốc gia, không ảnh hưởng đến bộ mặt cơ quan, không ảnh hưởng đến bộ mặt của sếp thì anh thích làm gì thì làm, chả ai động đến anh. Có vỡ lở thì nội bộ xử lý với nhau chứ chả ai bị đuổi việc".


Theo anh Việt, chính sự nhàn rỗi ở cơ quan là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chè chén, bệnh ì ở công chức. "Hồi mới vào cơ quan tôi cũng tâm huyết lắm, học thâu đêm suốt sáng. Giờ chả để làm gì vì chả ai quan tâm chất lượng công việc của mình thế nào, làm việc hay dở cũng thế cả, càng giỏi càng chết vì càng phải làm nhiều việc. Bảo sao chả đẻ ra rượu chè", anh Việt nói.


Anh Việt cho biết, đôi khi nhậu cũng là cách để nịnh nọt, lấy lòng cấp trên, một số người sử dụng cuộc nhậu như một hình thức để đút lót. "Bình thường đi nhậu mấy anh em với nhau thì "campuchia", còn khi có sếp đi cùng thì 1 người luôn luôn chi để tỏ lòng thành với sếp", anh Việt nói.


Anh Việt kể thêm: "Có lần tôi cùng một đoàn chuyên gia nước ngoài lên làm việc với một huyện trên Hà Giang. Vừa mới xuống xe đã được mời lên bàn nhậu, ăn trưa cũng nhậu mà tối cũng nhậu, tất tần tật công việc đều giải quyết trên bàn nhậu.


Một bữa bí thư huyện mới mang chai rượu ngô ra giới thiệu với mấy vị chuyên gia nước ngoài là rượu này được bà con nấu từ những bắp ngô chắc mẩy nhất và nước suối tinh khiết nhất. Nghe đến đây vị chuyên gia nước ngoài mới bảo, chắc các anh lấy hết ngô đi nấu rượu nên bà con mới không có ngô để ăn, mới đói kém. Trước đó ông bí thư này có kể lể đủ thứ là đồng bào nơi đây còn đói kém lắm. Đúng là chuyện hài". - Anh Việt kế luận
Phân tích về nguyên nhân vì sao công chức có đi nhậu trưa, PGS.TS Nguyễn Hữu Hải, Trưởng khoa Hành chính học, Học viện Hành chính nói trên báo Kiến thức: "Một trong những nguyên nhân để cán bộ, công chức có thể uống rượu, bia ngay trong ngày làm việc là do quỹ thời gian của họ quá dư dật. Với nhiều người thật sự mang đậm nét của một công chức chức nghiệp, kiểu "sáng cắp ô đi tối cắp về", việc hôm nay không làm thì có thể để đến ngày mai, ngày kia cũng chẳng sao.
Thêm nữa, cơ chế hiện nay đang "cực an toàn" cho cán bộ, công chức, nếu họ có vi phạm chưa đến mức độ nghiêm trọng thì thủ trưởng cơ quan cũng không thể cách chức, đuổi việc họ được.
Do đó, cái gốc của vấn đề là phải để công chức thấy rằng họ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định thì sẽ bị ảnh hưởng đến tiền lương, thưởng, thậm chí là "về vườn"" - ông Hải kết luận.
La Hoàn
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét