Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Doanh nghiệp đang chết, Nhà nước làm gì?

Doanh nghiệp đang chết, Nhà nước làm gì?
 
Tư Giang
(TBKTSG) - Giới doanh nghiệp tư nhân non trẻ của Việt Nam đang phải đối đầu với một câu hỏi sống còn: Tồn tại hay không tồn tại? Lý do là vì họ đã suy kiệt bởi bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài.
Hoàng Văn Phương, 33 tuổi, bó gối ngồi xem ti vi suốt ngày trong ngôi nhà ba tầng ở làng Phùng Khoang, Hà Nội. Cựu giám đốc một doanh nghiệp tư nhân này giết thời gian như vậy sau khi đã đóng cửa công ty ngay trước Tết. Sau hơn hai năm hoạt động trong lĩnh vực phân phối phụ tùng xe máy, công ty của Phương lặng lẽ phá sản do không thể thu hồi nợ. Các bạn hàng của công ty, theo lời kể của Phương, đã đóng cửa hay chây ỳ trả nợ do khó khăn, kéo theo sự đổ vỡ của công ty anh. Đây là lần thứ hai trong vòng bốn năm qua, doanh nhân trẻ này phải đóng cửa công ty và đành thất nghiệp.
Đầu năm nay, những cán bộ ở Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội đã chi trả mức bảo hiểm thất nghiệp kỷ lục là 60 triệu đồng cho một trường hợp đặc biệt. Chị từng là giám đốc cho hai công ty tại Hà Nội, đại diện cho một tập đoàn chuyên về giao nhận có trụ sở ở Hồng Kông. Doanh thu giảm sút thảm hại đã làm vị nữ giám đốc giàu tự trọng này rời bỏ vị trí. Sau hơn 10 năm làm sếp, Trần Thị Lệ nay lại thất nghiệp ở tuổi 41.

Đến giờ này, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã suy kiệt. Mà không chỉ họ đâu, nhiều ông lớn, đặc biệt là trong ba lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và sản xuất hàng tiêu dùng đang cực kỳ khó khăn.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ
Câu chuyện của hai giám đốc trẻ thất bại kể trên, thật đáng buồn, đã tô thêm những nét màu tối lên bức tranh doanh nghiệp đầy ảm đạm của Việt Nam. Giới doanh nghiệp tư nhân non trẻ của Việt Nam đang phải đối đầu với một câu hỏi sống còn: tồn tại hay không tồn tại. Lý do đơn giản nhất, không giống như trong lịch sử, là họ đã suy kiệt bởi bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài.
Phải tập trung sức để “cứu” doanh nghiệp
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm không biết hai vị giám đốc trên về mặt cá nhân, nhưng ông hiểu tình cảnh của họ. Đó là tình cảnh chung của giới doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam.
Khoát tay tỏ vẻ bất lực, ông Kiêm, người từng giữ vị trí thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói: “Đến giờ này, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã suy kiệt. Mà không chỉ họ đâu, nhiều ông lớn, đặc biệt là trong ba lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và sản xuất hàng tiêu dùng đang cực kỳ khó khăn”. Ông Kiêm cho rằng chỉ số tồn kho cao, sản xuất công nghiệp giảm sút, lãi suất ngân hàng chót vót, thị trường bất động sản đông cứng và hàng loạt những yếu tố tiêu cực khác là nguyên nhân làm phá sản tới 40% doanh nghiệp của Việt Nam.
Với ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bức tranh sức khỏe doanh nghiệp đang gây nhiều lo ngại. “Điều đáng chú ý là gia tốc tăng lên của số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động. Theo xu hướng đó, với đà giảm lãi suất rất chậm hiện nay, có thể dự đoán xu hướng tăng mạnh số lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản, đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, theo ông Thiên, điều đáng lo ngại hơn là tình trạng đa số doanh nghiệp phải cắt giảm công suất hoạt động với mức độ ngày càng tăng. Đây mới đích thực là phần chìm của tảng băng khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Rất tiếc, ông Thiên nhận xét, không có số liệu nào xác thực, cho phép nhận diện chính xác thực trạng của tảng băng này.
Ông Thiên cho rằng nhiệm vụ chủ yếu hiện nay không chỉ là kiềm chế lạm phát mà còn phải chống đình đốn kinh tế, tập trung sức để “cứu” khu vực doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ bị phá sản, đóng cửa, ngưng hoạt động và thu hẹp kinh doanh.
Nỗ lực từ Nhà nước
Bức tranh của doanh nghiệp đầy u tối như trên liệu có là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và tài chính?
Khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận nhiệm sở vào tháng 6 năm ngoái, ông ngay lập tức đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: phải duy trì lãi suất cao để chống đỡ với lạm phát kinh niên, mà hệ quả của nó thì giới doanh nghiệp lãnh đủ.
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân tại một số nước trong khu vực - Ấn Độ khoảng 10%, Philippines 7,3%, Thái Lan 6,9%, Trung Quốc 6,6%, Singapore 5,4%, lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam 20-22% là quá cao.
Mặc dù vậy, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc đào tạo phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng Vietinbank, chỉ 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Bà Mùi minh họa nhận định này bằng con số gần 12.000 doanh nghiệp phá sản và tuyên bố ngừng hoạt động trong ba tháng đầu năm nay. Bà nói: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải là đối tượng ưu tiên cho vay của ngân hàng vì ngân hàng phải đảm bảo sự sống còn của chính mình”. Thống đốc Bình vừa quyết định giảm các loại lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động tiền đồng thêm 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, còn phải chờ xem động thái này sẽ tác động như thế nào lên lãi suất cho vay và khả năng tiếp cận đồng vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về phần mình, Bộ Tài chính đã có những phản ứng ban đầu giúp doanh nghiệp khi ban hành Thông tư 42/2010/TT-BTC tiếp tục giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quí 1 và quí 2-2011 của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong các ngành dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy sản thêm ba tháng nữa. Ước tính có khoảng hơn 160.000 doanh nghiệp được giãn nộp thuế với số tiền thuế hơn 10.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết ngoài chương trình giảm thuế như trên, bộ này đang xem xét, trình Chính phủ một số giải pháp về thuế cho doanh nghiệp để đưa vào nội dung kỳ họp Quốc hội tới đây. Tuy nhiên, để có những giải pháp tài chính cụ thể, Bộ Tài chính đã thành lập một tổ công tác để có đánh giá chính xác về những khó khăn của doanh nghiệp. Ông Huệ nói: “Hiện chúng tôi biết là doanh nghiệp khó khăn. Nhưng khó khăn đến cỡ nào, khó khăn ở đâu, vì lý do gì thì cần phải nghiên cứu thêm”.
Bản thân người cầm tay hòm chìa khóa ngân quỹ quốc gia cũng đang gặp khó khăn. Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-3-2012 chỉ bằng 18,5% dự toán năm (136.900 tỉ đồng), thấp hơn so với trung bình 20-22% trong quí 1 của các năm trước. Cộng với cam kết tăng thu từ 5-8% so với chỉ tiêu đăng ký với Quốc hội, có vẻ như sức ép này đang ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Bộ Tài chính chỉ mang tính đơn lẻ và tình thế. Trong tham luận gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại hội thảo tổ chức ở Đà Nẵng đầu tuần này, nhà kinh tế Phạm Đỗ Chí một lần nữa đã mạnh dạn đề nghị giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 20% để khuyến khích sản xuất trong khu vực tư. Đề nghị của ông Chí chỉ là phần nối dài của những kiến nghị tương tự của cộng đồng doanh nghiệp, và các nhà kinh tế khác trong nhiều năm nay.
Song, ông Chí có một cách nhìn cập nhật khi cho rằng tình trạng đình đốn sản xuất kéo dài từ quí 3-2011 đến nay đang kéo theo sự phá sản của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông thể hiện quan điểm trong bài tham luận: “Dần dà có thể khu vực tư doanh sẽ được thay thế bởi các DNNN vẫn được ưu tiên tín dụng và chúng ta sẽ trở lại thời xưa, khi tỷ trọng khu vực nhà nước phình to hơn với cơ chế xin - cho càng tràn lan, thay vì phải thu hẹp”.
Về phần mình, các giám đốc doanh nghiệp tư nhân trẻ đã phá sản như Phương và Lệ vẫn đang thất nghiệp. Những doanh nhân này, không giống như cha và mẹ họ, thuộc về thế hệ được tự do làm ăn kinh doanh từ thành quả của đổi mới hơn nửa thế kỷ trước. Song, thách thức mà họ đang phải đối mặt cũng không kém phần gay go.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét