Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Từ “bấm độn” đến… dự báo

Khôi hài về các lời khen đối với công tác dự báo trong bài này. 
Đúng là nhà báo thời loạn, viết kiểu gì cũng được, miễn là không liên quan đến chính trị.
Mình thích môn dự báo nên lưu lại bài này để học kinh nghiệm của các bác.

Từ “bấm độn” đến… dự báo

ĐOÀN TRẦN

picture  
Ở nhiệm kỳ thứ hai, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ngày càng
 trở nên “chín” hơn trong lĩnh vực mà mình điều hành.
 
Dự báo cho tình hình xuất nhập khẩu năm 2012, Bộ Công Thương đã viết riêng thành một chuyên đề gửi Chính phủ, với nội dung chỉ ra rất rõ những mặt nào thuận lợi, mặt nào khó khăn, vì sao thuận lợi, vì sao khó khăn...

Đây là một chuyên đề khá đầy đặn về cả nội dung và hình thức, được chuẩn bị cẩn thận và chu đáo đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao của bộ này. Vì thế, báo cáo được xem như một bước tiến tích cực cho công tác dự báo không chỉ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu - một công tác vốn vẫn được giới chuyên gia đánh giá “vui” là thường chỉ thực hiện như là “bấm độn”, như nhận xét của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá.

Xuất nhập khẩu trong vài năm trở lại đây đã đạt được những “đột phá” trong công tác dự báo khi giữa kế  hoạch đề ra và thực tế thực hiện thường chênh nhau... một trời một vực.

Điển hình như năm 2009, dự báo xuất khẩu được cơ quan chức năng đưa ra sẽ tăng khoảng 18% so với năm 2008, nhưng bàn đi tính lại, Chính phủ trình ra Quốc hội quyết chỉ tiêu cho lĩnh vực này tăng khoảng 13%. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau, chỉ tiêu xuất khẩu được xin điều chỉnh ở mức “lao dốc” mạnh là chỉ xin tăng khoảng 3%.

Và kết quả cuối cùng thực hiện, xuất khẩu năm 2009... âm 8,9%. Khi đó, đã có không ít đại biểu Quốc hội bày tỏ sự ái ngại và hoài nghi về khả năng dự báo của cơ quan điều hành. Giới chuyên gia cũng vậy. Và họ cho rằng chỉ tiêu đề ra được chỉ để cho có cái để quyết mà thôi, chứ cũng không có cơ sở, đáng tin cho việc đề ra chỉ tiêu đó.


Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng không có ai đứng ra nhận trách nhiệm dự báo sai và lựa chọn “khôn ngoan” bấy giờ là thôi không ai dại gì phát ngôn về dự báo nữa, cứ để cho tình hình theo diễn biến “khách quan”.

Song, đối với năm nay thì không còn như vậy. Ngoài một báo cáo chuyên đề chi tiết cho dự báo bức tranh xuất khẩu của năm 2012, đích thân Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói về tương lai cho lĩnh vực này trước báo giới một cách tự tin và cởi mở nhất.

Ở nhiệm kỳ thứ hai, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ngày càng trở nên “chín” hơn trong lĩnh vực mà mình điều hành, cũng như thể hiện một sự tâm huyết và nhiệt huyết nhiều hơn đối với ngành công thương.

Người đứng đầu ngành công thương cũng đưa ra được những lời khuyên thích đáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, không giống như trước kia, doanh nghiệp thường chỉ được nhận lời khuyên từ giới chuyên gia, hoặc phải tự mày mò suy ngẫm, chọn lựa.

Chẳng hạn, đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là thị trường Hoa Kỳ, ông Hoàng nhận định: “Trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Hoa Kỳ có suy giảm, nhưng nhu cầu này giảm đến một mức độ nào đó thì sẽ phục hồi lại. Vì vậy, dự kiến năm 2012, xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng, nhưng mức độ không cao như năm 2011”.

Và ông đưa ra lời khuyên: “Tôi cho rằng các doanh nghiệp cần quan tâm tốt tới bạn hàng, tham gia hội viên của các hiệp hội ngành hàng Mỹ để khi có xảy ra tranh chấp có nhiều người ủng hộ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng lưu tâm đến các thủ tục pháp lý, hàng rào kỹ thuật của thị trường Mỹ. Để cho hàng hóa của Việt Nam có chỗ đứng và phát triển được ở thị trường này, các doanh nghiệp cần sẵn sàng đáp ứng các thủ tục khắt khe của thị trường và cũng sẵn sàng tâm lý cho các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Hơn nữa, các hoạt động xúc tiến thương mại phải chú trọng đến xây dựng quan hệ đối tác dài hạn với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối hàng Việt Nam ở thị trường nước ngoài cũng như tăng các hoạt động xúc tiến thương mại tại các bang của Mỹ”.

Vẫn còn 10 tháng nữa để biết xuất nhập khẩu cán đích ở mức bao nhiêu so với chỉ tiêu đề ra và liệu có lại vênh hàng chục điểm phần trăm so với những năm trước hay không, nhưng với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao trong công tác dự báo như vậy của người lãnh đạo cao nhất của Bộ Công Thương, tình hình xuất khẩu nhập khẩu, có lẽ nếu không sát được đúng như chỉ tiêu đã đề ra thì thực tế diễn ra cũng sẽ tốt hơn.

Không chỉ lĩnh vực xuất nhập khẩu mà trong một số lĩnh vực khác của nền kinh tế, tình hình dự báo cũng đã ngày càng được cải thiện nhiều hơn, không hẳn do năng lực dự báo được nâng lên cao hơn mà nguyên nhân chủ yếu là trách nhiệm đối với công tác này đã tốt hơn. Như thời điểm tháng 4/2011, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đó là ông Võ Hồng Phúc đã cho hay, khi công tác dự báo được thực hiện sát sao với một tinh thần trách nhiệm cao, thì khoảng cách giữa dự báo và thực tế sẽ không còn là bao.

Như về chỉ tiêu CPI, ông Phúc nói: “Các chuyên gia của Tổng cục Thống kê của chúng tôi cho rằng CPI năm nay, mức khả quan mà chúng ta có thể giữ là khoảng 18% hoặc nếu có cao hơn thì cũng chỉ một chút”. 8 tháng sau đó, kết quả kiềm chế lạm phát của cả năm 2011, CPI cán đích ở mức tăng 18,13%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét