Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

CHỢ THỊT THÚ RỪNG VIỆT NAM TRÊN ĐẤT... TRUNG QUỐC

CHỢ THỊT THÚ RỪNG VIỆT NAM TRÊN ĐẤT... TRUNG QUỐC 

 

Mai Thanh Hải - Cái gọi là "Chợ đường biên A Pa Chải" nằm ngay đoạn nối Việt Nam - Trung Quốc, trên đường biên A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên) và chia thành 2 khu bán mua: Đông đúc, nhộn nhịp nằm bên đất Trung Quốc; hiu hắt, đơn điệu nằm phía Việt Nam.

Cứ 10 ngày là chợ lại họp 1 phiên, vào đúng ngày có số 3 (mồng 3, 13, 23 dương lịch), thu hút người bán mua của cả vùng rộng lớn cả 2 bên Việt Nam - Trung Quốc.


Mình lên Mường Nhé, ngược lên ngã ba biên giới A Pa Chải - nơi 1 con gà gáy, cả 3 quốc gia (Việt Nam, Lào, Trung Quốc) đều nghe tiếng, lăn lóc xong việc, anh em Đồn Biên phòng 317 gạ gẫm: "Ở thêm 1 ngày, sáng mai đi chợ Trung Quốc!".


Mình lè lưỡi: "Chả dại! Hồi trước đã có mấy ông bà cán bộ Đảng viên 1 cơ quan Đảng ở Trung ương, lên chơi Lào Cai và sang nghía Hà Khẩu theo đường... tiểu ngạch. Vừa xuống thuyền, đặt chân sang đất nó, cả đống Cảnh sát - Biên phòng đã ngồi chờ sẵn và bắt đưa về, cải tạo lao động gần chục ngày, sau phải can thiệp mãi mới được thả về, ăn kỷ luật hết cả lũ!".  


Anh em Biên phòng cười lăn: "Chợ ngay trên đường biên, 1 bước chân là sang đó. Mình sang họ và họ cũng sang mình!", rồi động viên: "Lãnh đạo tỉnh huyện, Công an bộ đội cứ đến ngày này là đổ xô về đây, sang đất họ đi chợ mua đồ mà chẳng bị sao, anh lo gì?".

Buổi sáng, sương còn đặc quánh, đã nghe tiếng xe máy rú ga rầm rầm lên dốc ngoài cổng Đồn 317 khiến mình giật mình bật dậy. Pờ Bạch Quân, Đồn phó Trinh sát của Đồn làu bàu trong chăn: "Đồng bào đi chợ sớm đấy, mình cứ khoảng 8-9 giờ ra là đẹp nhất!" và lại rúc đầu trong chăn ngủ khìn khịt. Chả ngủ được, đành lụ xụ áo trong cái lạnh 7-8 độ, ra đường nghiêng ngó rồi lếch thếch dắt con xe Win biển đỏ QB của Đồn, kì cạch phi lên xem chợ.


Trần đời, lần đầu tiên mình được chứng kiến cảnh mua bán - chém giết - chế biến - ăn thịt động vật hoang dã công khai và tràn lan như vậy, ở ngay chợ đường biên A Pa Chải. Dĩ nhiên, những cảnh này diễn ra bên phần đất Trung Quốc, nhưng "thượng đế" nhâm nhi, thưởng thức thịt rừng, thậm chí mua lại về nhà, đa số là người Việt.

Lẩn mẩn hỏi chuyện, mới té ngửa: Nơi tập trung dân của Trung Quốc cách chợ gần trăm km, bên đó lại chẳng có tý rừng rú, nên có bói cả năm cũng không tìm được con gì sống tự nhiên. Tất cả những loài, giống bán ở chợ A Pa Chải đều được bẫy bắt trong Vườn Quốc gia Mường Nhé, bởi chủ yếu là người Việt địa phương và mang sang bán cho tư thương Trung Quốc.

Đau hơn: Đám tư thương Trung Quốc mua được thú rừng tươi sống với giá rẻ, ngả dao thớt làm thịt - chế biến bán ngay lại cho khách Việt, với giá cao gấp đôi, ngồi đầy ngoài chợ.


Tươi sống và "hiếm có khó tìm" - Chả thế mà cứ đến ngày chợ, xe máy ôtô của cán bộ, công chức, doanh nghiệp làm đường, dự án xóa đói giảm nghèo... cứ rầm rập từ huyện lỵ Mường Nhé kéo lên A Pa Chải, tụ tập ăn nhậu thịt rừng, nói cười rổn rảng và xoèn xoẹt rút cả đống tiền trả cho chủ hàng Trung Quốc. Hình như lúc ăn nhậu "đồ hàng" của nước ta, tại đất ngoại, chả ông bà cán bộ - doanh nghiệp nào để ý đến câu: "Tự tay mình bóp dái mình" và thấm thía: "Người Việt ưu tiên dùng... hàng Việt"!. 

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chim rừng buồn xo bên đất ngoại
Nhím mắt tròn xoe
Bắt hết cả to lẫn bé
Lông nhím sau khi giết thịt, của riêng 1 quán rất nhỏ trong ngày
Chồn rừng hay loài gì đấy nhỉ?
Làm thịt sống
Thú rừng bị thui rơm, chờ mổ thịt
Đường từ chợ vào nội địa Trung Quốc
Thịt rừng sấy khô, gác bếp
Đầu nai vàng ngơ ngác...
Thịt rừng để trong tủ lạnh, mới mang ra
Mới nhú tý sừng, đã phải lên mâm
Bà chủ hàng người Trung Quốc
Đồ tể người Trung
Xót xa cho giống nòi
Bán đầu hươu nai làm đồ lưu niệm
Thịt rừng sấy khô, treo gác bếp
Đầu, chân móng vuốt làm đồ lưu niệm, bày cảnh
Co quắp, lăn lóc
Mua bán chim rừng
Rùa núi
Trong khi đó, hàng bán bên phía Việt Nam rất nghèo nàn và ít ỏi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét