Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Bệnh tật và cái chết của văn nhân: Nguyễn Văn Vĩnh

Bệnh tật và cái chết của văn nhân: Nguyễn Văn Vĩnh

 

NGUYỄN VĂN VĨNH (1882 – 1936)
I – Thân thế:
Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 30 – 4 – 1882 tại làng Phương Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, chết ngày 1 – 5 – 1936 tại Tchépone, Ai Lao.
I I -Sự nghiệp văn chương:

 

Ta có thể chia sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh làm hai phần:
1) – Nguyễn Văn Vĩnh ký giả:
a) – Năm 1907, ông làm chủ bút tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ là Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo sau đổi tên là Đăng Cổ Tùng Báo..
b) – Năm 1908, ông sáng lập tờ báo Pháp văn Notre Journal đồng thời làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Notre Revue. Ông cũng lần lượt làm chủ bút các tờ Trung Bắc Tân Văn (1915), Nam Học Niên Khóa (1916) và Annam Nouveau (1931)
2) – Nguyễn Văn Vĩnh dịch giả:
Nguyễn Văn Vĩnh đóng góp nhiều cho văn hóa Việt Nam khi dịch sách chữ Hán hoặc chữ Nôm ra Quốc Ngữ.
Thế nhưng đóng góp lớn lao nhất của ông là quan niệm truyền bá tư tưởng mới của Âu Tây bằng cách dịch ra Quốc Ngữ những tác phẩm kinh điển của nền văn minh Pháp, ngõ hầu đúng là để nước mình mau tiến bộ.
Ông là người đứng ra hô hào lập hội dịch sách gồm các học giả họp tại Hội Quán Trí Tri ở Hà Nội.

Sau đây là những công nghiệp dịch thuật chính yếu của ông:
a) – Sách chữ Hán và chữ Nôm:
- Tam Quốc Chí ra Quốc Ngử.
- Đọan Trường Tân Thanh của Nguyễn Du bằng chữ Nôm ra Quốc Ngữ rồi ra Pháp văn
b) – Sách chữ Pháp ra Quốc Ngữ:
- Dân Ước (Contrat Social của Jean-Jacques Rousseau
- Vạn Pháp Tinh Lý (Esprit des Lois của Montesquieu)
- La Peau de Chagrin (Miếng Da Lừa của Honoré de Balzac)
- Người Biển Lận (L’Avare, kịch của Molière)
- Bệnh Tưởng (Le Malade Imaginaire, kịch của Molière)
- Trưởng Giả Học Làm Sang (Le Bourgeois Gentilhomme, kịch của Molière)
- Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ (Les Trois Mousquetaires d’ Alexandre Dumas)
- Hai Muơi Năm Về Sau (Vingt Ans Après d’Alexandre Dumas)
- Mai-Nuơng Lệ-Cồt (Manon Lescaut de l’Abbé Prévost)
- Tây-Lê-Mạc Phiêu Lưu Ký (Les Aventures de Télémaque của Fénélon)
- Ngụ Ngôn Lã-Phụng-Tiên (Les Fables de La Fontaine)
I I I – Bệnh tật lúc sinh thời:
Nguyễn Văn Vĩnh là người vạm vỡ khỏe mạnh. Ông sống rất điều độ, sáng nào cũng tập thể thao 20-30 phút, trời nóng cũng như trời lạnh.
Ông không uống rượu, không hút thuốc phiện. Ông chỉ nghiện thuốc lào và thích đánh tổ tôm. Chứng bệnh duy nhất là bệnh trĩ (hémorroides)
I V – Cái chết:
Vê cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh, chúng tôi dựa vào những lời nói của hai nhân chứng :
1) – Bà Suzanne, kế thiếp của ông Vĩnh năm 1966 còn sống trong một
trang trại gần suối Lồ Ồ, Biên Hòa:
Đầu thập niên 30, khủng khoảng kinh tế toàn cầu khiến ông Vĩnh phá sản, Tất cả cơ nghiệp cầm cho nhà băng Crédit Foncier đều bị tịch thâu. Ông còn phải chờ ngày ra toà lãnh án vì tội vỡ nợ. Ông bèn trốn tránh sang Lào đồng thời đi tìm vàng với một người bạn tên là Clémenti. Lúc đó nhằm tháng Février 1936, ông ra đi rất khỏe mạnh nhưng 2 tháng sau trở về sức khỏe suy yếu vì mắc bệnh sốt rét rừng tuy đã được chữa trị tại Tchépone.
Về đến nhà ông được tin tòa xử vắng mặt và lên án ông phải ‘’ ở tù vì thiếu nợ’’. Ông bằng lòng ở tù, càng có thì giờ viết văn nhưng bà Suzanne không muốn chồng phải cảnh lao tù nên khuyên ông trốn lên mỏ vàng trở lại. Tại mỏ vàng cách Tchépone 3 ngày đuờng sông, sức khỏe ngày một suy kém vì khoảng giữa Avril mỗi ngày ông 2-3 lần tiểu tiện ra huyết màu đỏ sẫm, người gầy sọc ốm yếu, nóng sốt và da vàng.
Ông Clémenti đưa Nguyễn Văn Vĩnh xuống thuyền độc mộc trở về định ghé Tchépone trước khi về Hà-Nội chữa bệnh. Nhưng khi đến phạm vi làng Ban-San-Khup khoảng 6 giờ chiêu ngày 1er Mai 1936, ông Vĩnh đã trút hơi thở cuối cùng trên thuyền. Xác ông được đưa về Tchépone và tẩm liệm tại đây
2) – Bác sỹ Nguyễn Đình Hào, một thân hữu của ông Vĩnh năm 1966 cư ngụ tại đường Đề Thám, Saigon:
Khoảng Février 1936, khi Nguyễn Văn Vĩnh lần đầu tiên sang Lào tìm vàng thì BS Hào đang nhậm chức ở một y viện nhỏ bé của tỉnh Tchépone. Chính BS Hào săn sóc ông Vĩnh mắc bệnh paludisme với những triệu chứng rất rõ rệt mặc dầu rất tiếc là thiếu dụng cụ thí nghiệm nên không thể thử máu để xác nhận. Sau 1 tuần điều trị bằng Quinine, bệnh suy giảm rất nhiều. Ông Vĩnh từ giã để về Hà-Nội, tuy người còn yếu.
Sau đó BS Hào cũng về và ở luôn Hà-Nội không trở lại Tchépone. Ông Vĩnh thì lại trở lên mỏ vàng lần hai, bệnh rét rừng tái phát làm ông thiệt mạng. Lúc đó BS Hào không còn có mặt ở Lào nữa, song những chi tiết ông kể về bệnh malaria của ông Vĩnh tất nhiên có nhiều giá trị y khoa.
Phụ chú:
1) – Về cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh:
Tản Đà và Nguyễn Văn Vĩnh sống cùng thời, song chết trong hai hoàn cảnh khác biệt hẳn. Tản Đà ngã bệnh tại gia lại không được điều trị gì nhiều ngoài một mũi thuốc khỏe. Trong khi đó trốn tránh nơi rừng thiêng nước độc, Nguyễn Văn Vĩnh ít nhất cũng được cứu mạng khi ‘’ngã nước sốt rét’’ lần đầu được BS Nguyễn Đình Hào chữa trị bằng Quinine.
Nói chung, ở thời điểm đó tổ chức y tế còn sơ khai, tây y chưa thông dụng nên xét nghiệm không có, điều trị còn thiếu sót.. Điển hình là trường hợp sốt rét của Nguyễn Văn Vĩnh nếu được uống thuốc ngừa, có thể bệnh đã không tái phát khi ông trở lại tìm vàng ở một vùng chắc chắn nhan nhản muỗi Anophèles .truyền nhiễm căn bệnh người này sang người kia. Ngày nay mỗi năm bệnh sốt rét còn đưa đến tử vong hàng triệu con người ở những nước thuộc thế giới thứ 3.
Đến đây chúng tôi xin mở một dấu ngoặc để nói về chuyện ‘’thiếu nợ phải ở tù’’. Ngày nay ở những nước tự do dân chủ tân tiến không còn chuyện này nữa mà người khai vỡ nợ còn được luật pháp che chở để có điều kiện sinh sống đầy đủ nhân cách. Cho nên có thể nói rằng Nguyễn Văn Vĩnh vì trốn nợ đi tìm vàng nơi rừng thiêng nước độc mà ‘’chết oan’’. Dĩ nhiên thời buổi nào, kỷ cương nấy!
2) – Về bệnh sốt rét của Nguyễn Văn Vĩnh:
Bệnh sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium gây ra; có 4 loại nhất là 2 loại Plasmodium vivax thông thường dễ tái phát và Plasmodium falciparum rất nguy hiểm cho tính mạng vì hay làm tổn thuơng não bộ (malarial encephalopathy) và thận (hemorrhagic nephritis)
Sốt rét không lây thẳng người sang người mà tại muỗi cái Anopheles hút máu một bệnh nhân rồi nhả sang một người khác khi đốt tiếp khiến người này bị lây bệnh. Ở Việt Nam giống muỗi này sống trong rừng nên có tên sốt rét rừng. Tại các thành phố thường chỉ có loại muỗi Aedes nên không có sốt rét thành thị (urban malaria).
Ký sinh trùng Plasmodium cần muỗi có tuyến nườc miếng mới sinh sôi nẩy nở được. Anopheles cái có tuyến nước miếng trong khi Anopheles đực và Aedes đực hay cái đều không có nên không truyền bệnh sốt rét được.
Ký sinh trùng Plasmodium rất dễ nhìn ra dúới kính hiển vi nhất là với cách nhuộm mầu hiện đại. Chúng có một chu kỳ sống gồm nhiều giai đoạn sinh sản biến dạng khá phức tạp qua nhiều cơ quan trong người, đặc biệt là:
- Hồng cầu trong máu bị ký sinh trùng trong thời kỳ phát triển phá vỡ làm nhiều mảnh (hemolysis) gây chứng bần huyết vàng da vì hémoglobine thất thoát ra ngoài mạch máu. Nếu là P. vivax thì cứ 2 ngày có một cơn vỡ hồng câu như thế nên mới có tên sốt cách nhật. Triệu chứng lâm sàng là rét lạnh run lập cập, phát sốt dữ dội rồi xuất hạt như tắm, hết sốt song đuối sức rất mệt..
- Lá lách (thường mệnh danh là nghĩa địa của cơ thể) chứa chấp hồng huyết cầu chết và ký sinh trùng trong tình trạng tạm ngủ đôi khi qua rất nhiều năm, trở thành một khối lượng rất to gây ra chứng lớn lá lách (splenomegaly) rất dễ bị bể khi va chạm. Một thí dụ cụ thể là mang bệnh sốt rét kinh niên nhảy tắm sông chết vì bể lá lách gây xuất huyết nội trong màng bụng.
Nói chung bệnh sốt rét đã được chữa trị hữu hiệu từ lâu với Quinine, Quinidine rồi sau đó với Chloroquine, Primaquine, Mefloquine…phối hợp với kháng sinh như Tétracycline, Clindamycine…Những thuốc trên đây có thể dùng để phòng ngừa bệnh khá tốt với điều kiện uống thường xuyên hay cà tuần trước khi có khả năng nhiễm bệnh và nhiều tuần sau khi nhiễm bệnh.
Lý do sốt rét còn tàn phá nhiều nơi trên thế giới có thể là vì hiện nay chưa tìm ra thuốc kháng nhiễm (vaccine) ngõ hầu tiêm chích hay uống ngừa một cách quy mô. Hơn nữa nhiều quốc gia không có chương trình diệt trừ sốt rét, nhất là diệt muỗi như chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện trước đây. Ngoài ra người dân quá nghèo ăn còn không đủ nói chi phải ngủ trong mùng hay ở trong nhà có mạng luới tránh muỗi!
Nói tóm lại, qua những điều sơ bản vừa trình bầy trên đây, ta có thể đoan chắc bệnh sử của Nguyễn Văn Vĩnh như sau:
- Lần đầu ông bị sốt rét do Plasmodium vivax gây nên và đã được BS Hào chữa trị thành công bằng Quinine. Chẩn đoán này không xác định đuợc bằng cách phát hiện ký sinh trùng dưới kính hiển vi nhưng P.vivax là loại ký sinh trùng thuờng thấy và những triệu chứng lâm sàng phù hợp với rét rừng cấp tính.
- Lần nhì có thể ông bị P.vivax tái phát vì không uống thuốc ngừa dài hạn dù là ký ninh sau khi đã khỏi bệnh trên phương diện lâm sàng. Chúng tôi e rằng ở thời điểm Nguyễn Văn Vĩnh quan niệm uống thuốc để ngừa sốt rét chưa được phổ thông hóa.
Song chúng ta có thể đoan chắc hơn nguyên nhân là do P. falciparum mà ra. Loại ký sinh trùng này độc địa hơn P. Vivax nhiều vì thưòng nhắm tấn công não bộ và các bộ phận tiết niệu. Ông Vĩnh bị nóng sốt, mê man và nhất là xuất huyết đường tiểu (hematuria) triệu chứng lâm sàng đặc tính (pathognomonic) của viêm thận do sốt rét cấp tình (malarial acute hemorrhagic nephritis)
Cơ chế của triêu chứng tiểu ra máu là vì trong chu kỳ biến dạng P. falciparum đã phá vỡ quá mau và quá nhiều hồng huyết cầu tràn nghẹt các ông dẫn tiểu gây viêm thận và nước tiểu đương nhiên bị nhuộm đỏ thẫm bởi hémoglobine của hông cầu bị vỡ.
Kết luận:
Ở Việt Nam xưa nay , cái nghiệp nhà văn không nuôi sống tác giả, ngay khi kinh tế phồn thịnhn nói chi đang lúc khủng khoảng. Với cái tài của mình,Nguyễn Văn Vĩnh lẽ ra phải có một đời sống vật chất dồi dào chứ đâu đến nỗi phải chết một cách đau thương xa gia đình quê hương, nơi rừng sâu núi thẳm.
Căn cứ vào lời dẫn chứng của BS Nghuyễn Đình Hào, ông chắc chắn mắc bệnh sốt rét rừng. Lần đầu tiên có lẽ do Plasmonium Vivax, ông may mắn được BS Hào ở Tchépone kịp thời chữa trị bằng ký ninh bình phục tuy sức khỏe còn suy kém. Lần thứ nhì có lẽ do Plasmonium Falciparum độc địa hơn nhiều và có thể khi trở lại mỏ vàng ông đã không uống thuốc phòng ngừa. Lần này thì bệnh rất trầm trọng. Theo lời bà kế thất Suzanne, ông đi tiểu ra huyết màu đỏ thẫm, da vàng, người gầy sọc mất hết sức trong có mấy ngày. Đây là biến chứng cấp tính của sốt rét (Fièvre bilieuse hémoglobinurique) làm người bệnh chết rất chóng.
Nguyễn Văn Vĩnh chết mới có 54 tuổi. Trước khi đi Lào, sức khỏe ông rất tốt, trí óc ông hoàn toàn minh mẫn. Nếu không có vụ đi tìm vàng, chác chắn ông vẫn sống khỏe để sáng tác và dịch nhiều sách nữa. Cái chết quá sớm của ông là một mất mát lớn lao cho nền văn học nước nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét