Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

(6) Thoạt kỳ thủy: tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng tiểu thuyết ngắn đương đại

Thoạt kỳ thủy: tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng tiểu thuyết ngắn đương đại

Tác giả: Nguyễn Bình Phương

Hưng lẩn mẩn rê nòng súng vào mấy con trâu. Những cái bụng căng tròn, đen bóng diễu qua diễu lại. Máu trong người Hưng giần giật. Con trâu nhà Lan dừng lại trước nòng súng, nó nghếch sừng, mắt tròn lồi ngơ ngác.
    Hưng lẩm bẩm: “Mẹ, mẹ!” Ngón tay trong cò súng co dần. Phát súng nổ phá tan không khí yên ả. Lũ trẻ ré lên chạy túa đi. Con trâu khựng lại, khuỵu hai chân trước, sau nó vùng dậy, lồng như một cơn lốc.
    Ông Sung giật nảy người, mặt thoắt tái, thoắt đỏ.
    “Nó đấy. Bao vây ngay!”
    Ông Sung hô, giọng vừa trầm, vừa run.
    Ông Phùng đi tắt bãi Nghiền sàng để sang phố cho nhanh. Tay ông Phùng vẫn áp chặt chiếc đài vào tai. Nghe tiếng nổ, ông Phùng ngỡ trẻ đốt pháo nên không để ý. Ðến đầu bãi, ông Phùng nổi da gà liên tục. Bụi Cậm cam rung ầm ầm. Ông Phùng khựng lại thấy Hưng nằm ườn trên cỏ, chăm chăm nhìn mình. Hưng ậm è:
    “Ði đâu đấy?” 


    Mặt ông Phùng dại hẳn, sống lưng tê lạnh. Mãi ông Phùng mới lắp bắp:
    “Họ đang tìm cậu!”
    Hưng cười:
    “Hồi tôi đảo ngũ chúng nó đã tìm rồi. Ði đâu đấy?”
    Ông Phùng trả lời đi sang phố mua com-lê để nhận giải thưởng. Hai tiếng giải thưởng thoát ra khỏi miệng làm ông Phùng mê đi. Ông Phùng cố lắc đầu cho tỉnh, tập trung cảnh giác Hưng. Khẩu súng K44 nằm dọc thân Hưng khiến ông Phùng vụt nhớ hôm đi săn. Ông Phùng nhủ phải chuồn thôi. Lúc ấy đài báo đến buổi phát thanh văn nghệ. Ông Phùng cuống lên, vặn to chiết áp. Nhạc dài, chậm. Ông Phùng đắm vào tiếng nhạc, miệng mỉm cười hí hửng, chân rảo nhanh. Hưng với theo:
    “Này, tôi chưa được bắn ai đâu. Ði nhá!”
    Ông Phùng mải áp tai vào đài nên không nghe thấy. Hưng nhếch mép cười, nâng súng lên. Ðầu ruồi đặt vào lưng ông Phùng, sau dâng đến gáy. Tiếng người léo nhéo vẳng tới. Gáy ông Phùng hiện rõ, đập thẳng vào mắt Hưng. Hưng thấy đấy là gáy con hổ ở núi Linh Nham.
    Ông Sung bắc tay làm loa gọi:
    “Hưng đâu, Hưng đâu, tổ sư mày, ra hàng đi!”
    Hưng nuốt nước bọt, thấy môi khô khốc, thè lưỡi liếm. “Mẹ này, bán cà nhá, bán cà nhá. Bán nhá”. Hưng mê man nói theo cái gáy ông Phùng đang nhấp nhô. Con hổ đang nhấp nhô.
    Nhạc trong đài tắt, tiếng phát thanh viên nữ cất lên, chậm rãi, bình thản. Ông Phùng run rẩy, hồi hộp.
    “Có hai trăm tác giả dự thi. Ban giám khảo...” Ông Phùng vấp mạnh, chúi về trước, tay không buông đài. “Giải nhất thuộc về...”
    Hưng từ từ siết cò. Nòng súng nảy lên.
    Ông Phùng khựng lại, đổ sấp mặt xuống cỏ, chiếc đài văng khỏi tay.
    Ông Sung chồm lên:
    “Nó đấy!”
    Mọi người rầm rập chạy vào bãi Nghiền sàng. Ông Sung lao trước, nắm chặt khẩu súng K54.
    Nam đuổi theo, dớn dác nói:
    “Em vòng sau bọc hậu.”
    Ông Sung gật bừa. Nam lùi lại, lảng xa khỏi bãi Nghiền sàng.
    Thằng Vinh nhăn nhó thét ngang tai Bình Mịch:
    “Chắc nó lại bắn trâu!”
    Ông Sung thấy Hưng chống súng, đứng thẳng sau bụi cây, liền hô mọi người tản ra. Ðầu Hưng vươn phía trước, mồm há, mặt trắng bệch. Ông Sung quát:
    “Bỏ súng xuống, thằng kia!”
    Hưng không nghe thấy gì. Trước mặt, một con bướm trắng bay lảo đảo.
    Chanh Linh nằm chúi mặt vào mông Thiết, thì thào:
    “Em bắn nhá.”
    Thiết đập khủy vào đầu Chanh, rít lên:
    “Mẹ mày, hàng xóm với nhau cả!”
    Tính bỏ những người điên chạy ra cây duối.
    Hưng nhìn theo con bướm, lẩm bẩm “Mẹ, mẹ”, rồi cắp súng lao lên. Con bướm bay về cây duối, ông Sung khua tay:
    “Tính, chạy đi!”
    Tính không nghe, cứ lững thững tiến lại. Hưng băng vùn vụt theo con bướm, hô lạc giọng:
    “Xung phong!”
    Hưng chạy nhanh, mắt nhắm tịt. Con bướm đậu vào thân duối. Tính sững lại. Ông Sung giơ súng lên. Hưng lao sầm vào cây duối, mặt đập giữa chỗ con bướm đậu. Con bướm tung lên, lả tả những mảnh cánh trắng. Hưng bật ngửa, khẩu súng văng ra, rơi ngay cạnh chiếc đài của ông Phùng. Chiếc đài nằm nghiêng đang léo nhéo những âm thanh kỳ lạ khó hiểu.
    Tính nhìn chăm chăm vào khẩu súng dưới chân mình. Ông Sung nhanh nhẹn quơ khẩu súng ném ra sau cho tân binh. Nam hồng hộc chạy đến, gào lên:
    “Trói nó lại!”
    Ông Sung ngồi xổm, vật đầu Hưng sang bên. Mặt Hưng nhuộm đỏ máu. Ông Sung lắc đầu:
    “Chết rồi!”
    Mọi người chạy ùa đến. Tính ngồi mân mê cổ họng ông Phùng. Chỗ ấy bị đạn phá vỡ một nửa.
    Cả xã bu lại. Bà Liên ôm mặt quay đi. Ông Sung nói nhanh:
    "Lấy được súng rồi. Anh em về xe!”
    Tân binh rầm rập ra xe. Mọi người bám theo. Bà Liên, bà Châu Cải, ông Cung ở lại tìm chiếu đắp cho hai người chết. Ông Mịch vừa đi, vừa lầu bầu:
    “Tổ sư nó, đã bảo hôm nay mùng ba mà lỵ.”
    Cánh lái xe chờ lâu, bấm còi inh ỏi. Tân binh trèo hết lên thùng xe. Bà Mịch đứng dưới, hai tay nắm cổ áo hai đứa con, nấc lên. Ông Thụy dặn bâng quơ với những người trên xe:
    “Không đi thì thôi, đã đi thì phải thành anh hùng, nhớ lấy.”
    Cô Nhai vít cổ Hóa thì thào:
    “Mẹ chỉ còn mình mày thôi, cố mà về.”
    Hóa gật gật lơ đãng. Ông Sung lăng xăng đi quanh ba xe đốc thúc. Tính bám cửa, trèo lên xe giữa, bị đẩy xuống. Mặt Tính bấn loạn. Tiếng người loang ra, ầm ĩ, bát nháo. Ai cũng thấy lâng lâng, không thực.
    Không được chọc tiết. Mẹ mày. Phải đi chứ. Ðá vỡ ra, vỡ ra văng đúng mặt anh Hưng. Thế là ngủ. Ðếch ai gọi dậy được. Nó ăn đá thì thành cơm. Cơm nổ to hơn pháo làm ông Sung cười tít mắt. Sao mày khóc. Ngủ thôi, ngủ một tý, rồi dậy, rồi lấy nhiễu quấn vào cổ, đi chơi.
    Bà Thụy đưa bàn tay nhăn nheo lùa quờ trước mặt hai con. Thanh khóc rống lên. Thiết đực mặt nhìn vợ và mấy đứa con, miệng nói vô hồn:
    “Tao chết thì thôi, nhược bằng còn sống tao sẽ về nuôi mẹ con chúng mày tử tế.”
    Còi xe ré ầm ĩ. Ðám người đưa tiễn dạt ra thành hai hàng rào. Ông Sung thắt lại bao súng, nhảy lên bám cửa chiếc xe đầu tiên.
    Gió rít buốt óc.
    Băng khẩu hiệu bằng vải đỏ bay lật phật như dòng suối lửa mê say, cuồng nhiệt.
    Vinh được ông Sung giao cho một bánh pháo dài, dặn khi nào xe chuyển bánh thì đốt. Vinh thẫn thờ nhìn vượt qua đầu mọi người. Qua ngọn sung xanh thẫm, sông Cái mờ ảo thành vệt màu lơ.
    Những người điên bu quanh cột số, tách riêng lẻ. Ông Khoa hớt hải đến, rẽ mọi người, len lên hàng đầu. Ông Sung thấy ông Khoa, mắt gườm gườm. Ông Thụy rỉ tai ông Khoa:
    “Nói với chúng nó một câu.”
    Ông Khoa gật đầu, bắt tay từng tân binh, dặn nhỏ câu gì đó.
    Nam dớn dác tìm Hiền.
    Tự dưng mọi người im phắc. Trong gió, xen đôi ba tiếng nấc.
    Ông Sung nhìn ông Khoa, nhổ nước bọt, gào lên:
    “Xuất phát!”
    Xe rú máy. Pháo nổ. Những mảnh giấy hồng bấn loạn văng tứ phía. Khói che kín cả ba xe.
    Thằng Vinh mếu máo:
    “Bố mẹ ơi, con đi...”
    Ðám người chồm tới. Cô Nhai xổ tóc tung tóe chạy theo xe, cố nắm tay thằng Hóa lần cuối. Vợ chồng ông Thụy ôm nhau ngồi phệt xuống đất. Thiết gọi vợ làm hai đứa con khóc ré lên.
    Những người điên im phắc, mắt trợn ngược.
    Trời bừng dậy đột ngột. Nắng soi vào mặt đường ướt, hắt lên vô vàn tia sáng nhỏ, mảnh, sắc, chói như thủy tinh vỡ.
    Bà Bồi ôm mặt, nấc điên dại. Ông Bồi bặm môi, khua gậy theo đường, ngoằn ngoèo, rối rắm.
    Xe tăng tốc, bỏ rơi những người tiễn. Không khí rực rỡ, khác thường.
    Hiền run lập cập trong góc nhà. Giữa những âm thanh hỗn độn, Hiền nghe tiếng gọi tên mình. Tiếng gọi mơ hồ, thảm thiết, tuyệt vọng. Hình như của Nam.
    Ánh sáng màu hung phủ lên cảnh vật. Băng khẩu hiệu bị gió giật mạnh, bay lên như múa.
    Xe chạy hút về mạn Linh Nham.
    Tính nghẹt thở. Không ai nói gì. Có tiếng chim thê thiết vọng ra từ lùm cây xấu hổ. Lá xào xạc rụng. Ai đó nhích chân làm bùn kêu lép nhép.
    Tính đưa tay giật tung khuy áo ngực.
    Ði hết cả rồi. Ði hết cả rồi. Lạy mày đừng vàng nữa. Lạnh lắm.
    Tính đảo mắt, chân nặng trịch. Những khuôn mặt nhòa nhòa vun vút chuyển động. Những vòng tròn trắng của dân xóm Soi. Nhanh rồi chậm, rồi nhanh, lại chậm... Mặt ông Thụy, ông Mịch, bố, bà Châu Cải, ông Bồi, ông Khoa, lão Quyên. Lại nhanh vun vút.
    Không được chọc tiết nữa rồi.
    Máu trong người Tính căng đột ngột.
    Mấy người khiêng xác ông Phùng và Hưng đi từ bãi Nghiền sàng đến.
    “Anh Hưng!”
    Tính gọi, giọng trầm trầm.
    Mặt trời hé ra. Nắng xuống. Tính điểm mặt từng người.
    Hiền đâu, Hiền đâu, sợ lắm. Nó sắp đến rồi. Vàng vàng lạnh lạnh.
    Ðám đông yên lặng mải mê nhìn theo sáu người khiêng xác chết tiến lại phía mình. Không khí nặng nề, trầm uất. Ông Khoa xoay sang trái, chiếc thánh giá bắt nắng vụt lóe lên rọi thẳng vào mắt Tính.
    “Trăng!”
    Tính lắp bắp rút phắt con dao sau lưng ra, sấn lại chỗ ông Khoa, vung mạnh.
    Tiếng thét đột ngột của ông Khoa làm mọi người bừng tỉnh, vỡ òa ra. Ðôi ba cái bóng chạy vụt đi. Ông Thụy kêu ồ ồ. Lão Quyên thụt lùi mấy bước. Mắt Tính đỏ giật, nháy liên tục. Ông Phước lao vào, nhưng rồi cũng hốt hoảng lánh sang bên.
    Ông Khoa ôm cổ, mặt răn rúm. Máu trào qua kẽ tay chảy thành vệt xuống chiếc sơ-mi xanh bên trong.
    Bà Liên chạy bổ đến, nhìn chăm chăm vào cổ ông Khoa rồi từ từ đổ vật xuống.
    Thương xõa tóc ôm lấy xác Hưng, ngửa mặt tru lên từng hồi dài.
    Tính vung vẩy con dao, vai run run.
    Ông Khoa chệnh choạng cố đứng vững, nhìn xung quanh, rồi ngước lên trời vẻ cầu xin, tuyệt vọng.
    Lúc ấy, có một đám mây mỏng tang bay đến. Chiếc thánh giá trên cổ ông Khoa vẫn lóe sáng rung rinh.
    Tính vươn tay giật mạnh. Ông Khoa chúi về phía trước, mười ngón đan lại bịt vết đâm.
    Tiếng người nhốn nháo:
    “Lấy dao của nó đi!”
    “Khéo!”
    “Khênh bà Liên ra chỗ khác.”
    “Ông Phước đâu?”
    Tính ngoẹo đầu ngắm chiếc thánh giá trong lòng tay. Một đầu sợi dây xích mạ bạc thõng xuống, lủng lẳng. Ông Khoa lại chúi về phía Tính hai bước. Mắt Tính cuồn cuộn đỏ. Tính ghé tai ông Khoa nói câu gì đó rồi vùng chạy. Tự nhiên ông Khoa buông thõng hai tay, mặt bừng sáng, ngã úp vào đám bùn.
    Trời sẫm lại như có vệt gì khổng lồ lướt qua.
    Tính đạp cổng gọi vợ. Không có tiếng thưa.
    Mắt Tính hoa lên, tay vẫn cầm chặt cán dao. Xộc vào nhà, không thấy Hiền, Tính quành ra mép hủng, giật mạnh cửa buồng tắm buộc bằng lá chuối. Hiền đang tắm, ngẩng phắt lên. Tính trợn mắt. Hiền không có quần áo trên người. Hơi nước nóng bốc nghi ngút, quẩn từ chân lên tận ngực Hiền.
    Tiếng chân chạy huỳnh huỵch phía sau.
    Tính dụi mắt.
    Hiền nhìn chồng, mắt mở to, nửa ngạc nhiên, nửa dửng dưng, nửa kính sợ, lại nửa khinh bỉ.
    Nắng rọi chéo sau lưng Hiền.
    Tính thấy trên tóc vợ tỏa ra những làn bụi vàng mờ. Vàng như ánh sáng toả ra từ cây thánh giá của ông Khoa mà Tính đang cầm trên tay.
    Mắt Hiền mênh mông dài dại.
    Mắt Tính tối sầm, bấn loạn.
    Tiếng chân càng ngày càng cuốn lại gần.
    Tính vứt sợi dây chuyền của ông Khoa xuống đất, bước thụt lùi, tay che mặt, tay giơ dao lên phía mặt trời. Bất ngờ Tính quặt đầu dao, ấn mạnh vào cổ mình.
    Hiền im lặng.
    Máu từ cổ Tính trào ra, ấm, nóng. Tính buông dao, ngón trỏ vuốt vuốt dòng máu đang tràn theo hàng khuy áo. Tính cười khoái trá, khuỵu đầu gối, mặt gục lên chiếc vại đựng nước. Bả vai Tính rung rung.
    Ông Mịch đến trước tiên, quay phắt lại bảo mọi người:
    “Con Hiền không sao cả. Hình như nó đang khóc.”
    Tính giật nảy mấy cái rồi cả thân thể mềm xoãi ra.
    Ðám người điên lếch thếch kéo tới vây quanh xác Tính.
    Mười hai giờ.
    Con cú nhắm mắt, sau đó lại mở. Cái xoáy nước chỉ cách nó một chút. Dòng sông chảy băng băng dưới bụng.
    Con cú hít một hơi dài, ngực đau buốt.
    Nó hít hơi nữa. Hơi nữa...
    Hai bên bờ, những vạt ngô lao vùn vụt thành bức tường xanh.
    Mặt đập hiện ra, lừng lững, tàn nhẫn.
    Ðột nhiên, bằng sức mạnh phi thường, con cú kêu một tiếng xé lòng. Nó xòe cánh, cất mình lên theo đường thẳng đứng. Hai chân con cú quặp chặt lấy nước. Dòng sông khựng lại. Nước bị kéo lên như tấm vải.
    Con cú rướn người.
    Dòng sông níu nó bằng toàn bộ khối lượng của nước, lá mục và váng mỡ.
    Con cú đập cánh, vươn cổ ra trước. Nó nhìn thấy bầu trời mênh mông bao bọc lấy đôi mắt đang lồi dần của mình.
    Dòng sông rùng rình, rùng rình.
    Tiếng kêu trầm, lạnh thoát ra từ chiếc mỏ hé mở, con cú rướn lên lần cuối.
    Và dòng sông bị dứt khỏi đôi bờ. Cùng lúc đó, con cú nghe hai tiếng nổ khô khốc quẩn trong đầu. Ðôi mắt nó vỡ tung. Tất cả đều đen đúa, đều nhẹ hẫng.
    Con cú đập cánh dâng cao, dâng cao nữa, nữa... Nó không còn nhìn thấy gì, nhưng nó cảm thấy dưới đôi móng sắc, cứng của mình, dòng sông quằn quại, rồi rũ xuống bất lực như con rắn bị vuốt rãn sống lưng.
    Con cú bay, chẳng cần biết tới phương nào. Bay, cứ bay, miễn là bay.
    Những nhịp cánh vỗ mạnh mẽ, sảng khoái...
    Ở bãi Nghiền sàng, có ba bốn đứa trẻ trâu đang đứng ngửa mặt thi nhau đái vào một tổ kiến. Bỗng một đứa chỉ tay lên bầu trời đỏ rực, kêu khe khẽ:
    “Chúng mày nhìn kìa, chim ưng cắp rắn!”
    C. Phụ chú
    I - Tác phẩm của ông Phùng
    (Lưu ý: Ngoài những tác phẩm gửi dự thi đã được in, ông Phùng còn có sáu truyện chưa hề in nhưng rất tiếc là đã thất lạc hết. Truyện còn lại duy nhất này in nguyên theo bản nháp tìm được ở gậm phản của ông Phùng. Người cung cấp là cô Nhai).
    Và cỏ
    Hai người ngồi dưới trăng, giữa đồng cỏ xanh mướt. Ðêm giàn giụa vàng, màu vàng ngai ngái nhưng trong trẻo. Gió nhẹ qua tóc họ. Cậu con trai đặt tay lên ngực cô gái, hôn vào tay, vào gáy, rồi môi cậu dúi xuống thấp. Cô gái thở dồn dập, mặt hất lên trời, hơi nóng từ hõm cổ phả ra. Cô lén lút đưa tay bật khuy áo ngực. Trăng tràn xuống bầu vú trần... Họ không còn gì trên người. Cậu con trai phủ kín cô gái, còn tay cô gái miết dọc sống lưng cậu...
    Mụ điên tay cầm con búp bê bện bằng rơm, rón chân lách cỏ đi. Mắt mụ bắt trăng loe lóe. Mụ đi âm thầm như cái bóng quanh đôi trai gái. Thi thoảng mụ lại dùng con búp bê gại gại lên cổ. Mụ ở đồng cỏ này đã hai mươi năm. Hai mươi năm đó mụ cô độc sáng tác bao nhiêu lời hát.
    Chạm vào cỏ trắng
    Mình se sẽ hiện về
    Trăng mách rằng có con chim nâu trong bông hoa nâu
    Khuya nào cũng mải mê hót
    Hót vào giấc mơ của trăng...
    Ðêm nào mụ điên cũng mơ thấy một lão già chệnh choạng đến với mình. Lão giật con búp bê vứt đi rồi hăm hở đè nghiến mụ xuống.
    “Ðừng, cỏ sẽ chết mất!”
    Nghe mụ nói, lão già chồm dậy, cau có đi giật lùi, rồi biến mất vào đám bụi trăng đang vẩn cuối đồng cỏ. Khi tỉnh dậy, mụ tiếc đứt ruột, cứ ôm đầu vật vã nguyền rủa cả mình lẫn con búp bê.
    Nhưng lần sau, khi lão già đến, mụ lại thốt ra những lời ngu ngốc đó.
    Hai người uể oải mặc quần áo cho nhau, họ vuốt lại tóc và lặng lẽ ra về. Mụ điên rón chân trở lại chỗ ngủ của mình với con búp bê ở rìa bãi cỏ. Trong đám cỏ bầm giập, chỉ có vài ngọn là cố gắng gượng dậy được. Giữa đêm, có tiếng chửi đau đớn vọng lên từ lòng đất:
    “Mả cụ chúng mày, biết tay ông!”
    Trong đêm trăng, đám cỏ chết theo hình cô gái.
    II- Những giấc mơ
    1- Giấc mơ của Tính:
    Ðêm 17
    Trời trắng xóa. Có một vầng trăng đen, to bằng đít chén nằm ở đỉnh. Trời đổi thành đen, vầng trăng lại đỏ. Cứ thế đổi màu liên tục cho đến lúc choàng tỉnh.
    Ðêm 17 tháng khác
    Kiến nâu kéo hàng ngang đi qua mặt sông. Tiếng người léo nhéo, lộn xộn. Tự dưng núi Hột đến, lừng lững choán hết tất cả. Nặng, khó thở. Người điên cười u ú, răng nhe ra. Trăng mọc chồi từ vách đá xám, lại to choán núi. Ánh sáng sôi ùng ục.
    Bao nhiêu công cống rúc vào lòng tay, con nào cũng cầm một thanh củi vàng.
    Bố cười, tay huơ chai rượu đòi nhốt Tính vào trong. Tính sợ, thét lên. Tỉnh.
    Ðêm 17 tháng sau
    Sông Cái biến thành cái lưỡi, liếm khắp mặt ông Ðiện.
    Rắn bò lúc nhúc dưới chân, Tính chạy, nhưng không được.
    Ông Ðiện xọc dao vào cổ lợn. Lợn kêu, hóa thành ông Khoa.
    Tính vỗ tay cười. Tỉnh giấc.
    Trưa 25 tháng 8
    Sương trắng trôi vùn vụt. Một bàn tay chui lên từ sân nhà. Bàn tay vẫy vẫy. Tính bước lại, thụt xuống cái hố. Rơi thun thút. Kêu. Tỉnh.
    Ðêm 23 năm khác
    Gió thổi. Sương trắng đục quấn lấy tảng đá. Sương tan. Một thằng bé đi ra từ núi Hột. Tóc nó bết máu, hai mắt trắng dã. Tay bấu chặt cổ, thằng bé cười hoan hỉ.
    Sương lại ùa đến xóa đi.
    Thằng bé chập chững tới cột số. Mắt nó trong veo, ngơ ngác. Hai bóng trắng rũ rượi xốc nách thằng bé. Cả ba cúi gằm mặt chui vào cột số.
    Gió thổi. Tảng đá nâu nổi gân hồng. Máu lênh láng tràn từ núi xuống dìm ngập đất. Thằng bé cười ằng ặc. Tiếng cười lạnh, dai dẳng. Ðá vỡ, nổ to như sấm. Tỉnh.
    Ðêm mùng 2
    Con đường sâu hun hút. Có mấy cành khô rơi vãi. Một con dao chọc tiết lợn lơ lửng giữa trời. Con dao tỏa mùi thơm lựng. Tính giơ tay với, không được. Dao cứ thơm ngát, lúc lúc lại chao đảo, lượn vòng.
    Hùng hiện ra, cười, đang cười bỗng kêu eng éc, hóa thành mặt lợn.
    Con dao chuyển màu trắng đục.
    Ông Khoa đến, con dao, thè lưỡi liếm cây thánh giá trên cổ ông. Có tiếng gào rất to. Choàng tỉnh.
    2- Giấc mơ của Hiền
    Ðêm mùng 5 tháng 6
    Hoa nở đặc bãi Nghiền sàng. Hiền mặc áo mới đi tìm rau vừng thấy một con trâu mặt người chạy ra. Sợ, thét lên. Tỉnh.
    Ðêm 31 tháng 6 năm sau
    Bè vó ông Bồi. Cá nổi vây trên sông, ông Bồi đến, quỳ xuống chân Hiền, nói:
    “Giúp tôi với!”
    Hiền cười, ông Bồi cũng cười. Vinh cất vó lên được toàn cá chép vây đỏ. Ông Bồi túm gáy Vinh, tát hai cái. Hiền khóc. Tỉnh.
    Ðêm 20
    Một ông râu rậm rơi từ đâu xuống. Tóc vàng, râu vàng, mắt vàng. Người cởi trần, đóng khố. Ông ta nhìn Hiền, cười. Hiền lùi lại. Sương ùa đến che ông ta. Hiền chạy tìm, nghe tiếng nói buồn rầu, yếu ớt:
    “Tôi khổ lắm. Hỏi Khoa thì biết.”
    Ðêm mùng 8
    Bãi Nghiền sàng trôi nghiêng. Nhiều người lạ mặt đứng cùng Hiền. Không ai nói gì. Trong sương thấp thoáng một cái tai cưỡi trên lưng trâu thong thả đi. Cái tai trong suốt.
    Hiền thấy cái tai ngoảnh về phía mình. Sợ, chạy về. Vấp ngã. Tỉnh dậy.
  
Kết Thúc (END)

Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương rất tiêu biểu cho hình thức tiểu thuyết ngắnThoạt kỳ thủy cũng có  ba phần và được cấu trúc theo hình thức liên văn bản. Phần A (Tiểu sử) chỉ 3 trang, liệt kê vắn tắt tiểu sử 18 nhân vật (cả người và vật). Phần B (Chuyện) 140 trang, là phần trọng tâm của truyện, viết và kể song hành hai câu chuyện: chuyện về con cú bị bắn rơi và chuyện về người dân vùng Linh Sơn.  Thời gian từ lúc con cú bị bắn rơi trên sông đến khi nó tự vùng vẫy rồi cất cánh bay lên là 45 phút. Thời gian từ lúc Tính sinh ra (trùng vời thời điểm con cú bị bắn rơi) đến khi Tính tự kề dao cắt cổ mình là khoảng gần 30 năm. Phần C (Phụ chú) 5 trang, gồm hai tiểu đoạn: I. Tác phẩm của ông Phùng, có nhan đề Và cỏ. II. Những giấc mơ, gồm  giấc mơ của Tính và giấc mơ của Hiền.
Thoạt kỳ thủy là một ý thức phi lãng mạn (không thi vị), phi điển hình (tính cách không đại diện cho một giai cấp, một tầng lớp), nhưng nó có chủ đề, dù nhà văn đã cố tình mờ hóa. Chủ đề thứ nhất gắn với câu chuyện người dân vùng Linh Sơn với đời sống bản năng, ô hợp. Đây là một hình thức tự hủy diệt của con người. Thoạt kỳ thủy ám ảnh người đọc về hình ảnh con người bản năng, vô thức. Thế giới nhân vật trong Thoạt kỳ thủy ít nhiều đều bị bản năng, vô thức chi phối. Tính vừa ra đời đã nhìn thấy trăng với “thứ ánh sáng vàng trắng, lạnh lẽo” của nó. Sau này, vô thức Tính thường liên tưởng màu mắt chó “vàng như trăng”, gợi liên tưởng về sự hủy diệt. Lớn lên, theo ông Điện đi mổ lợn, Tính bị hấp dẫn bởi hành động thọc dao vào cổ lợn, một thẩm mỹ bệnh hoạn. Tính là loại người thiếu khuyết về bản năng truyền giống (lấy vợ nhưng không thích gần gũi vợ), nhưng nó lại thừa bản năng sát sinh (thích chọc tiết lợn, thích giết côn trùng, đã từng cầm kéo đâm vào yết hầu người điên và tự cầm dao đâm vào cổ mình). Nhiều nhân vật khác trong Thoạt kỳ thủy không kìm giữ được những hành động bản năng, vô thức, đôi khi bệnh hoạn: ông Phước nghiện rượu đến mức nhai cả chai thủy tinh, ông Phùng trồng phong lan đặt tên Hiền để hằng ngày “tưới nước cho Hiền”, Hưng rình trộm nhìn Hiền khỏa thân trong đêm tân hôn… Chủ đề thứ hai gắn với câu chuyện về con cú. Cú là một biểu tượng, một điềm báo về sự hủy diệt (theo quan niệm dân gian, khi chim cú xuất hiện và kêu, trong làng có người chết). Con chim cú này đã bị bắn rơi (tức sự hủy diệt đã bị khống chế), nhưng rồi bằng sức mạnh siêu nhiên, nó đã vùng dậy, cất cánh bay lên, khiến cho “dòng sông quằn quại”, “rũ xuống bất lực”, tức là thế giới người đầy bản năng, bệnh hoạn không thể cưỡng chế được cái ác.

Văn xuôi đương đại thể hiện sự gia tăng của ngôn ngữ vô thức như một phương thức biểu đạt trạng thái phi logic trong tâm lý con người, phù hợp với việc miêu tả con người bản năng, con người phi lý trong một thế giới bất an và đầy dục vọng. Đây cũng là bình diện nổi bật trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy. Ngôn ngữ của Thoạt kỳ thủy chứa nhiều tiếng nói của vô thức, với những lời đối thoại, độc thoại không rõ nghĩa hoặc vô nghĩa của Tính, của lũ người điên. Việc dành cho ngôn ngữ vô thức một không gian trong tiểu thuyết khiến văn bản nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương ở nhiều đoạn không tuân thủ tính logic của hữu thức. Có những cuộc đối thoại lệch pha vì một bên là tiếng nói của ý thức, một bên là tiếng nói  của vô thức: “- Anh Tính biết không, ngày bé bao nhiêu lần anh làm em sợ hết hồn/ – Cắn công cống thích lắm/ – Bố anh còn gặm chén không?/  – Mắt chó vàng như trăng”. Nhiều đoạn độc thoại của Tính là tiếng nói của giấc mơ, của vô thức, một kiểu ngôn ngữ phi logic “Đi trên cánh tay mình như đi trên cầu tre, cứ rùng rình, cong cong. Cũng khoái anh Hưng nhỉ? Ông Thụy chạy Tây, móm hết cả răng. Châm một mồi lửa thì ông Điện chết cháy. Nhà không chết. Cô Nheo thổi cho nó sống lại. Đá này, sống lại này…”. Ngôn ngữ ở Thoạt kỳ thủy, thường được/bị xóa mờ các sắc thái xúc cảm, tạo một kiểu ngôn ngữ trung tính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét