Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Phạm Tuân hay Xuân Thiều hạ B52 Mỹ đầu tiên?

Phạm Tuân hay Xuân Thiều hạ B52 Mỹ đầu tiên?

Ba Sàm: Cho tới hôm nay (...) khó có thể phủ nhận tài năng của những người cộng sản một thời đã giúp đem tới bao chiến thắng huy hoàng trong thế như “trứng chọi đá”. Một trong những tài năng đó là trình độ tuyên truyền, cổ võ tinh thần chiến đấu của dân chúng khiến họ dám lao vào cuộc chiến đánh nhau chí chết. Trong chính trị, nhất là giữa lúc chiến tranh ác liệt, tuyên truyền theo kiểu phóng đại, bịa đặt, hay che đậy để phục vụ mục tiêu cuối cùng là giành chiến thắng thì thời nào, phe nào cũng có. (xin lỗi phải cắt bỏ 1 đoạn nhạy cảm).

Anh hùng Vũ Xuân Thiều

Chiến dịch truyền thông rất rầm rộ kỷ niệm 40 năm “Điện Biên Phủ trên không” làm say mê kẻ viết bài này, quyết lần lại quá khứ để hòng góp phần tô điểm thêm cho tài năng của các tiền bối cộng sản trong vụ bắn hạ B52 đầu tiên của Mỹ.
Từ mấy năm trước đã nghe loáng thoáng những thông tin ngoài luồng không như chính thống, thế là phải lần tìm, trước hết lần tới một trong hai tác giả của một cuốn sách công phu có tên “Chúng tôi và Mig 17”. Cô cho biết: “Anh hùng Vũ Xuân Thiều, ngày 28 tháng 12 năm 1972 đã lái Mig 21, cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy – Thanh Hóa, được sở chỉ huy dẫn vòng phía sau đội hình máy bay địch đến vùng trời Sơn La, đã bắn trúng chiếc B52 của quân đội Mỹ bốc cháy. Trong cự ly quá gần, anh đã không kịp thoát ly và anh dũng hy sinh.”
Không thỏa mãn thông tin trên, liền thử tìm trên trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, mục Phạm Tuân, có đoạn: “Vũ Xuân Thiều đã tiêu diệt máy bay B-52 của không quân Mỹ bằng cách đâm thẳng máy bay của mình vào đối phương.” 
Vậy là đã có sự khác nhau rồi, một đằng là bất khả kháng, một đằng có vẻ như chủ động “cảm tử”.
Vụ này xảy ra ngay sau sự kiện Phạm Tuân được chính thức cho là người đầu tiên hạ B52 có một ngày, ngày 27-12-1972.  
Thế rồi mới đây, trên trang FaceBook của mình, sau khi công bố cuốn “Bên thắng cuộc”, Nhà báo Huy Đức đã có những bình luận như sau:
“Những người chỉ huy cuộc chiến Giáng sinh 72’ tin rằng chỉ có phi công Vũ Xuân Thiều là hạ được B52 bằng cách đâm Mig vào B52 đêm 28-12-1972. Tài liệu phía Mỹ không ghi nhận mất B52 trong đêm 28-12. Có thể là do chênh lệch cách tính thời gian (đêm 27 VN bắn rơi 2 B52). Tuy nhiên, phi công Từ Để, người về sau là đại tá Cục phó Cục Tác chiến, nói ông trực tiếp tìm thấy mảnh Mig của ông Thiều dính vào mảnh B52 rơi ở Yên Bái. Quân đội còn tìm thấy đuôi của chiếc B52 được nói là do ông Thiều đâm vào. Sách của tôi không đề cập đến vụ Phạm Tuân (không bắn rơi B52). Nhưng trong hồi ký chưa xuất bản của một sỹ quan Không quân sẽ nói rõ chuyện Phạm Tuân có bắn rơi B52 hay không. Nhiều bạn trẻ shock, nhưng đó là chiến tranh, đó là thời mà ‘Máy bay đằng đông các cụ bắn đằng tây/ Ấy zô trên đất này có cụ già bắn rơi máy bay… hết xăng’.
Ông Phạm Tuân nên chọn thời điểm này để trút cái gánh vinh quang mà ông đã mang nặng trong suốt 40 năm qua bằng cách tuyên bố rằng, ông không hề bắn rơi B52. Nếu ông làm thế lịch sử sẽ công nhận ông thêm một lần anh hùng nữa.”
Tiếp tục tìm trên Wikipedia, mục Vũ Xuân Thiều, có đoạn: “… ông đã phóng cả 2 quả đạn tên lửa nhưng chưa hạ được nó. Ông liền tăng tốc đâm thẳng vào chiếc B-52 còn mang đầy bom chưa ném. Cũng có tài liệu khác cho rằng do tấn công từ cự ly quá gần nên ông đã thiệt mạng do máy bay va vào mảnh vỡ của chiếc B-52 đang cháy.”
Vậy là có 2 luồng thông tin khác nhau.
Đáng chú ý, hôm qua, trong bản Tin thứ Bảy 29-12-2012, một độc giả có nickname “Bản Làng” đã phản hồi trên trang Ba Sàm:
“Ngày chị Ngân, chị của anh hùng Vũ Xuân Thiều còn sống, có lần tôi đến chơi thăm gia đình và được nghe câu chuyện sau: Trong chuyến xuất kích trước, Vũ Xuân Thiều đã bắn B52, nhưng không kết quả. Thiều báo cáo lại và đề nghị cho phép dùng Mig lao thẳng vào B52 như một hành động cảm tử. Nhưng cấp trên không đồng ý, vì sợ các đồng đội khác sẽ theo gương.
Lần xuất kích sau, khi phát hiện được B52, Xuân Thiều xin phép được tấn công, nhưng chỉ huy mặt đất không trả lời vì sợ Thiều sẽ lao máy bay [vào B52 địch]. Mặc dù không được lệnh, nhưng với lòng căm thù địch sâu sắc, với hành động anh hùng, Xuân Thiều đã dùng Mig lao thẳng vào B52. Xuân Thiều hy sinh, B52 bị tiêu diệt. Cùng thời điểm đó phi công Phạm Tuân cũng xuất kích, nhưng không bắn được B52. Cho nên chiến công của Xuân Thiều được gán cho Phạm Tuân, vì: – Có một B52 bị tiêu diệt và cần phải bí mật hành động của Xuân Thiều, vì sợ các phi công khác sẽ dũng cảm học tập tấm gương anh hùng của Xuân Thiều, tiếp tục lao máy bay. Vì bí mật nên nhiều năm sau Xuân Thiều không được nhắc đến. Mãi sau này mới được phong anh hùng, nhưng không nói rõ chiến công cụ thể. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng đến gia đình anh, thông cảm về việc này.”
Tìm hiểu thêm qua báo chí thì anh hùng Vũ Xuân Thiều đúng là có người chị tên là Vũ Thị Kim Ngân.
Trên báo Quân đội ND, một bài viết của Đỗ Sâm có đoạn:
“Anh em trong Trung đoàn, Sư đoàn, Binh chủng, Quân chủng xác định, sau khi phóng tên lửa, Vũ Xuân Thiều đã lao thẳng MIG của mình vào chiếc B-52 vừa bốc cháy. Cả hai chiếc máy bay đều đã bị rơi tại chỗ.”
Như vậy, với từ “đã lao thẳng” trong bài trên, có thể xác định Vũ Xuân Thiều “chủ động” hoàn toàn để lao máy bay mình vào B52, chấp nhận hy sinh.
Thế nhưng, cũng trên báo Quân đội NDTrung tướng Trần Hanh kể, có đoạn:
thật đau xót, lẫn trong xác B-52 là xác chiếc máy bay Mig-21 của Thiều.” Rồi khi được hỏi “Ta có phương án phi công quyết tử lao vào máy bay địch không? Thì ông trả lời: “Không có phương án ấy. Thiều biến máy bay của mình thành “quả tên lửa thứ 3″ tiêu diệt địch, theo chúng tôi là do hoàn cảnh khách quan không thể khác, ví dụ bám sát máy bay địch ở cự ly quá gần và không thể thoát ra được.”
Thật khó hiểu khi một vấn đề hệ trọng là Vũ Xuân Thiều có chủ động lao vào B52 hay chỉ là bị động mà ông Trần Hanh lại trả lời theo kiểu ỡm ờ, như thể cho qua chuyện như vậy? 
Từ những khác biệt, mâu thuẫn trên, có thể tạm đặt ra vài dấu hỏi như sau:
1- Nếu như Vũ Xuân Thiều hạ B52 rồi hy sinh, sau chiến công của Phạm Tuân 1 ngày, tại sao người ta lại không loan báo, ngợi ca không những chiến công của anh, nhất là cả sự hy sinh dũng cảm nữa, mà “cất” bỏ đi phí như vậy, giữa lúc rất cần có nhiều chiến công diệt B52 để động viên quân dân?
2- Tại sao không làm rõ sự hy sinh đó là “chủ động” hay “bị động”, bởi nó vừa rất có ý nghĩa cho tuyên truyền, lại rất quan trọng trong kỹ chiến thuật cần rút kinh nghiệm và với kỷ luật quân đội cần được nêu cao?
3- Nếu như sự hy sinh đó được xác định là “chủ động” thì tại sao không biểu dương, tuyên truyền thật mạnh, làm gương cho mọi cán bộ chiến sĩ giữa lúc cuộc chiến đang tới hồi quá quyết liệt, rất cần những cú “lên giây cót tinh thần”?
4- Tại sao mãi đến năm 1994, nhà nước mới truy tặng anh danh hiệu Anh hùng?
5- Việc truy tặng muộn màng đó có liên quan tới việc anh đã vi phạm kỷ luật quân đội, có ý định cố tình lao máy bay vào B52 trong khi không được phép hay không, hay nó liên quan tới một kiểu chiến công của “Thạch Sanh” đã được gán cho “Lý Thông”?
Và xin đưa ra vài câu trả lời giả định:
1- Đúng là Phạm Tuân có bắn rơi B52 ngày 27. Còn với Vũ Xuân Thiều, cũng hạ B52 vào hôm sau, nhưng lại có 1 trong 3 khả năng khác nhau:
a. Cũng hạ được B52 rồi hy sinh do quá gần nên không tránh kịp.
b. Hạ B52 bằng cách cố tình lao máy bay của mình vào.
c. Không những cố tình, mà trước đó còn nung nấu ý định này, bất chấp lệnh cấm của cấp trên.
2- Không có chuyện Phạm Tuân bắn rơi B52. Trong khi đó, Vũ Xuân Thiều đã hạ B52, cũng với 1 trong 3 khả năng khác nhau như nêu ở trên. Rồi người ta đã gán chiến công của Vũ Xuân Thiều cho Phạm Tuân, để “nhất cử lưỡng tiện”, vừa giấu được vụ hy sinh không như mong muốn của “trên” của Vũ Xuân Thiều, vừa không để “phí” một vụ rơi B52, một hình tượng anh hùng, thứ đang quá cần lúc đó để củng cố tinh thần. Việc chọn thời điểm “bắn rơi” B52 cho Phạm Tuân là vào ngày 27, trước chỉ một ngày Vũ Xuân Thiều thực sự hạ B52 đầu tiên là thuận lợi để đánh lừa tình báo Mỹ, do chênh lệch múi giờ Việt Nam, Mỹ.
Vu-xuan-thieuCả 2 giả định trên kèm theo những giả định phụ, theo lẽ thông thường của lối tuyên truyền phục vụ chính trị, thì ngay trong lúc chiến tranh đang ác liệt sẽ đều không có lợi nếu nói lên sự thực Vũ Xuân Thiều đã phải “cảm tử”.   
Nếu gán cho Phạm Tuân chiến công không có thật của mình, trước tiên sẽ chứng tỏ không quân VN tài giỏi, sau là không thể để cho dư luận thấy phía ta bị thiệt hại nặng nề, lại trong tình huống bi thảm như vậy, sẽ làm nhụt ý chí chiến đấu.   
Nếu Phạm Tuân có chiến công thật, thì nó sẽ bị lu mờ đi nếu như công bố thêm chiến công và sự hy sinh của Xuân Thiều không theo mệnh lệnh chỉ huy.  
Vương vấn những dấu hỏi trên, dù sao cũng làm cho bữa tiệc “Điện Biên Phủ trên không” kém đi phần thịnh soạn.
Tại sao những người cộng sản thời nay không (........) cho công luận biết rõ hết, rằng ngày đó các bậc tiền bối đã chọn lựa một giải pháp hết sức tinh quái, cho liệt sĩ Vũ Xuân Thiều được “hy sinh” một lần nữa cái sinh mạng chính trị của anh, mới góp phần động viên tinh thần chiến đấu hơn, làm nên chiến thắng huy hoàng? Để rồi nhiều năm sau, khi mọi sự đã yên rồi, mới cho anh “phục sinh”. Thế có phải là vẹn toàn không?!
Thử tưởng tượng trong buổi truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 40 năm “Điện Biên Phủ trên không” sáng qua, sau diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tướng Phạm Tuân sẽ bước lên tuyên bố một sự thực đã phải giấu kín suốt 40 năm qua … Cả nước sẽ nức nở về tài tuyên truyền khôn khéo của đảng, về tinh thần hy sinh dũng cảm của Vũ Xuân Thiều và cả người thân của anh đã nén đau thương, cay đắng cho lợi ích chung, về tinh thần minh bạch, hướng tới một tương lai văn minh tươi sáng hơn. Nức nở, ngợi khen, bàn luận … để rồi sẽ quên đi những khố khó trong đời sống hàng ngày, khi năm hết Tết đến, vợi đi nỗi bức xúc vì lũ bành trướng bá quyền Bắc Kinh đang xâm lăng ngoài biển đảo. Còn gì tuyệt hơn?!
BS


Động cơ của máy bay chiến đấu phản lực thường được lắp thêm buồng đốt phụ (afterburner) ở phía sau miệng phun (nozzle) của buồng đốt chính. Nhiên liệu được bơm vào buồng đốt phụ và đốt cháy để tăng cường sức đẩy phản lực cho luồng khí phun ra từ buồng đốt chính. Các phi công sử dụng buồng đốt phụ để cất cánh từ đường băng ngắn hoặc để vượt tường âm thanh.
MIG21 được trang bị buồng đốt phụ rất hiệu quả (tăng gấp đôi sức đẩy phản lực do buồng đốt chính tạo ra) vì vậy trong thập niên 1960 – 1980, được xem là một trong những máy bay chiến đấu có khả năng tăng tốc nhanh nhất.
MIG 21 là máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất, được xuất khẩu đi nhiều nước và tham gia hầu hết các cuộc chiến tranh lớn và nhỏ. Tuy nhiên, trong số 19 phi công đạt hạng ace (thượng hạng, hạ trên 5 máy bay đối phương), có đến 13 phi công Việt Nam, đó là Nguyễn Văn Cốc (hạ 9 chiếc), Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị và Mai Văn Cường (hạ 8 chiếc); Đặng Ngọc Ngự (hạ 7 chiếc), Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Nhật Chiêu, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đăng Kỉnh, Nguyễn Đức Soát, and Nguyễn Tiến Sâm (hạ 6 chiếc) và Nguyễn Văn Nghĩa (hạ 5 chiếc).
Quả là đáng tự hào, vì phi công Việt Nam đã trực tiếp không chiến với những phi công sừng sỏ nhất của Hoa Kỳ, trong điều kiện chênh lệch lực lượng rất lớn.
Theo tôi biết, một số phi công hạng ace của Việt Nam đã phải rất vất vả đối mặt với cái được gọi là nền kinh tế XHCN theo định hướng thị trường. Tôi còn nhớ phi công Nguyễn Đức Soát, ôm hồ sơ với một đống giấy tờ đóng dấu đỏ lòe đến Sở Nhà đất thế mà vẫn bị “tuyên” là ko hợp lệ và đành ngao ngán ra về.
Tôi sẽ kể về Vũ Xuân Thiều và Phạm Tuân khi có dịp. Đó là một câu chuyện rất cảm động giữa hai người anh hùng với nhau và giữa họ với đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đã đến lúc nhân dân cần được biết sự thật và lịch sử Phòng không & không quân VN cần được biên tập cẩn trọng căn cứ trên những tư liệu xác tín, chứ ko phải tư liệu chính thức đã bị chính trị hóa cho dù là rất chính đáng.


Basam: Hà Nội ôn lại chiến thắng chống Mỹ (BBC).  - B52 và MIG 21 – Phạm Tuân và Xuân Thiều - (lạ là web Hiệu Minh hiền khô này cũng bị VNPT dựng tường lửa). “…Phạm Tuân phóng tên lửa cách mục tiêu 2KM nhưng chưa chắc đã diệt được máy bay, bởi lúc đó có tên lửa SAM2 bắn cháy một B52, nên phi công Phạm Tuân lầm tưởng mình đã bắn trúng.” Tiếp nối bài của Ba Sàm, đã điểm sáng qua: 252. Phạm Tuân hay Xuân Thiều hạ B52 Mỹ đầu tiên? (Việt sử ký).
Trong phần phản hồi của bài trên VSK có một chi tiết rất quan trọng, của độc giả Thái Kế Toại(tức Lê Hoài Nguyên, mà nhiều người đã biết về ông): “Tôi đã tham gia viết bộ KÝ SỰ LỊCH SỬ PHÒNG kHÔNG- KHÔNG QUÂN, có biết cả ta và giới khoa học quân sự Mỹ cho rằng lúc đó tên lửa của MIC 21 nhỏ, bắn theo nguồn nhiệt, theo vào đuôi B52, nổ xa B52 vì 4 ống xả của B52 rất lớn. Nên Mic21 không thể dùng tên lửa tiêm kích bắn được B52. Còn nếu bay vào sát B52 thì có 2 khả năng, đâm thẳng vào B52 hoặc có đưa được tên lửa vào B52 thì không thoát được quầng nổ của B52″ Chi tiết này cũng khớp với nội dung trong bài của Hiệu Minh: “… đọc lịch sử về chiến tranh, tài liệu của phía bên kia, thì thống kê về B52 bị bắn rơi, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ thừa nhận SAM2 bắn, không có chuyện MIG21 hạ pháo đài bay.”
- Và để góp phần làm rõ hơn nghi vấn rằng MIG21 có bắn rơi nổi B52 không, và hiểu hơn về bối cảnh khi đó, xin mời đọc tiếp bài 254. NGƯỜI ĐẦU TIÊN CỦA KHÔNG QUÂN VIỆT NAM BẮN TRÚNG B-52 (Việt sử ký).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét