Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Phi công hạ B-52 Vũ Đình Rạng từ chối danh hiệu anh hùng LLVT


VŨ ĐÌNH RẠNG NGƯỜI ĐẦU TIÊN BẮN RƠI B 52: SỐNG SÓT ĐÃ LÀ HẠNH PHÚC, BÙI NGÙI CHI MỘT CHÚT DANH

-Dù ngay lần đầu tiên phi công Vũ Đình Rạng đối mặt đã bắn trọng thương B-52 vào ngày 20/11/1971, tuy nhiên chiến công này đã không được ghi nhận ngay và khiến cho ông suýt bị khép vào tội “nhụt ý chí, không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ tiêu chuẩn đảng viên.”
- Anh hùng Vũ Đình Rạng sợ cái gì nhất?! “Sợ lịch sử ghi không đúng người đúng việc” – ông nói. Để những sự sai trái đừng làm méo mó suy nghĩ của các thế hệ sau. Còn thế hệ sau đánh giá thế nào, đó là việc mà lớp đi trước không thể nào can thiệp...
- Với Vũ Đình Rạng: “Hạnh phúc là đã sống sót, chiến công là của chung đồng đội và toàn dân tộc. Còn danh không toại cũng là chuyện xưa cũ rồi”?!
- Được biết, ông Rạng cũng trong diện được phong anh hùng đợt cuối của lứa phi công anh hùng ngày ấy, nhưng ông đã từ chối. Nghe đâu vì chi phí ăn đứt cả năm tiền cho thuê cửa hàng ???

Người đầu tiên bắn rơi B-52 là phi công Vũ Đình Rạng, 

đúng một năm trước cuộc chiến “Điện Biên Phủ trên không”

Người đầu tiên bắn rơi B-52 là phi công Vũ Đình Rạng, đúng một năm trước cuộc chiến “Điện Biên Phủ trên không”. Năm 1971, hạ gục B-52 là mục tiêu hàng đầu của Quân chủng Phòng không – Không quân nhằm ngăn chặn các bước leo thang của Mỹ khi sử dụng sức tàn phá ghê gớm của mẫu máy bay ném bom chiến lược này đổ vào tuyến đường huyết mạch Trường Sơn tại Quảng Bình, Vĩnh Linh…


Chỉ riêng việc xuất kich trong đêm, lầm lũi bay tầm thấp trên địa hình rừng núi phức tạp, rồi quay về hạ cánh xuống những đường băng lỗ chỗ hố bom đã là một hành động phi thường.

Ông Rạng vẫn nhớ như in ngày 20/11/1971, lần đầu tiên đối mặt với B-52. Rút kinh nghiệm từ lần tiếp cận B-52 vào tháng 10 trước đó, sở chỉ huy B8 đã đề ra chiến lược, đánh đêm và dùng một MIG 21 bay nghi binh ở độ cao 8.000-10.000m vòng quanh Tân Ấp, đèo Mụ Dạ rồi vòng về Nội Bài hạ cánh để đánh lừa radar của Hạm đội 7, tin rằng MIG của Bắc Việt không còn khả năng cất cánh. Quả nhiên, phi đội B-52 đã chủ quan, ung dung bay vào mà không sử dụng bất kỳ tín hiệu gây nhiễu nào.

Khi chiếc MIG 21 nghi binh hạ cánh lúc 7 rưỡi tối, một tiếng sau, trạm radar 41 thông báo phát hiện một đội 3 chiếc bay B-52 theo đội hình “bàn tay xòe” ở Tây Savanakhet (Lào) khoảng 100km.

9 giờ kém 15, Vũ Đình Rạng âm thầm cất cánh, bay từ Anh Sơn (Vinh) vào Tân Ấp (Hà Tĩnh) trong tầm thấp và tạm thời cắt đứt liên lạc với chỉ huy, không bật radar để tránh bị phát hiện. Bay thấp trong đêm, địa hình phức tạp lại không được bất kỳ trợ giúp nào từ sở chỉ huy đã là một hành động anh hùng của phi công trong đại đội đánh đêm ngày ấy và nhờ kỳ tích này mà Vũ Đình Rạng có thể tiếp cận được B-52.
Khi còn cách máy bay địch khoảng 70km, lúc này sở chỉ huy mới nối liên lạc, chỉ đạo: bỏ thùng dầu phụ, tăng lực... Chiếc máy bay phóng vút lên, rút ngắn khoảng cách. 60km, 45km, 15km… 11km.

Khi còn cách máy bay địch khoảng 70km, lúc này 
sở chỉ huy mới nối liên lạc, chỉ đạo: bỏ thùng dầu phụ, tăng lực

“Bật radar” - sở chỉ huy lên tiếng. Sỹ quan dẫn chính lệnh cho phi công tăng tốc độ lên 1.400km/h. Do cao độ MIG 21 vẫn thấp hơn tốp bay của địch 500m, Vũ Đình Rạng quyết định kéo cao, lấy chiếc B-52 bay đầu tiên làm mục tiêu (cách 11km, chiếc cuối cách 6km). Ngay sau khi mục tiêu lọt cự ly 5km, Vũ Đình Rạng ấn nút bám sát, tiến vào vùng ngắm ổn định, cho phép phóng tên lửa.

“Tên lửa bên trái đầu tiên rời bệ phóng, nổ trùm một bên động cơ B-52, ngay sau đó, tôi kéo cần lái bay lên cao, thoát ly chiến thuật” - ông Rạng kể lại. Khi vừa lên cao nhìn xuống, ông lại phát hiện ra một chiếc B-52 khác trên lưng vẫn còn có đèn nhấp nháy, liền lập tức bổ nhào phóng nốt quả tên lửa còn lại ở cự ly 2km, rồi yên tâm về hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Anh Sơn.

Trong chiến tranh, khi ngồi vào buồng lái, ranh giới giữa sự sống cái chết là một vết cắt sắc ngọt nhưng trong đời thường, thì không phải cái gì cũng rõ ràng như vậy. Quả tên lửa bên trái của MIG 21 đã bắn trọng thương chiếc chiếc B-52H. Do mẫu máy bay được cải tiến đường dầu liệu riêng biệt cho 8 động cơ nên vẫn lết về đến được Đông Bắc Thái Lan rồi buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Nakhom-Phanom. Sau đó chết hẳn.
Khổ một nỗi, trận đánh trong đêm ngày 20/11 đó, tin tức hoàn toàn không được đưa tin trên đài BBC và các đài “địch” khác như mọi khi, kết quả là thành tích này đến tận năm 1973 mới được ghi nhận “nhỏ giọt” qua tài liệu lấy lời khai của chính phi công Mỹ đã lái chiếc B-52H xấu số kia. Lúc này, người ta mới nhớ lại rằng sau trận đánh ấy, B-52 đã ngừng toàn bộ hoạt động suốt một thời gian, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho đường 559 vận chuyển an toàn.

Ông Rạng cũng trong diện được phong anh hùng đợt vét vào năm 2010 cho lứa phi công anh hùng ngày ấy, nhưng ông đã từ chối.
Về bản chất, chiếc B-52H kia cũng bị tính là “hạ gục”, nhưng nó thiếu mất hình ảnh một khối sắt bị bắn cháy bừng bừng trên bầu trời Việt gây hiệu ứng mạnh mẽ. Đấy là cái điều mà phi công Phạm Tuân đã có được một năm sau đó. Chưa hết, trong hoàn cảnh thông tin thiếu thốn và nhận thức có giới hạn, Vũ Đình Rạng còn suýt bị khai trừ khỏi Đảng trong đợt chỉnh đốn đầu năm 1972 với những lời truy kết “không hoàn thành nhiệm vụ”, “nhụt ý chiến đấu”, “tư cách đảng viên cần phải xét lại”!

“Nếu có kinh nghiệm và bắn thêm một quả tên lửa vào chiếc máy bay đó, thì câu chuyện đã khác. Đến khi được công nhận kết quả, thì tôi vẫn được trao Huân chương chiến công hạng 3” - ông Rạng cười bình thản. “Dù vậy, ngay lúc đó, tôi vẫn tin mình đã làm hết sức, thậm chí đã làm đúng giáo trình chiến thuật nên chưa bao giờ thấy hối tiếc”. Giáo trình nào cũng đòi hỏi hạ được địch và bảo toàn mạng sống. Hy sinh không phải là điều được khuyến khích.

Năm nay ông Vũ Đình Rạng đã 67 tuổi, sống đủ với đồng lương hưu thượng tá, 8 năm nâng lương mà không được phong hàm đại tá và chút tiền cho thuê mặt trước căn nhà trên phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) làm cửa hàng sửa chữa xe máy. “Hạnh phúc là đã sống sót, chiến công là của chung đồng đội và toàn dân tộc. Còn danh không toại cũng là chuyện xưa cũ rồi” - ông Rạng chia sẻ.

Được biết, ông Rạng cũng trong diện được phong anh hùng đợt cuối của lứa phi công anh hùng ngày ấy, nhưng ông đã từ chối. Nghe đâu vì chi phí ăn đứt cả năm tiền cho thuê cửa hàng. Dù sao, thêm một danh hiệu cũng chỉ là việc thêu hoa trên gấm. Trong cuộc chiến ấy, có người nào không phải là anh hùng?

Khi người viết chia sẻ với ông nỗi sợ giữa thời bình ngày nay so với ngày đó vừa manh mún vừa… đa dạng biết bao. Từ vặt vãnh như sợ mất cắp, sợ dùng phải hàng Tàu mắc bệnh ung thư đến sợ cả những thứ xa xôi ở tận ngoài biên giới hải đảo… “Còn người anh hùng Vũ Đình Rạng sợ cái gì nhất?! “Sợ lịch sử ghi không đúng người đúng việc” – ông nói. Để những sự sai trái đừng làm méo mó suy nghĩ của các thế hệ sau. Còn thế hệ sau đánh giá thế nào, đó là việc mà lớp đi trước không thể nào can thiệp.

Minh Quốc
( http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/vu-dinh-rang-song-sot-da-la-hanh-phuc-con-bui-ngui-chi-mot-chut-danh)
-----------------------------

VŨ ĐÌNH RẠNG: NGƯỜI ĐẦU TIÊN CỦA KHÔNG QUÂN VIỆT NAM BẮN TRÚNG B-52

SINH RA TRONG MỘT LÀNG QUÊ NGHÈO Ở THÁI BÌNH, VŨ ĐÌNH RẠNG VẪN THƯỜNG NÓI ĐÙA RẰNG: “CHẲNG HIỂU THẾ NÀO, TÔI SINH VÀO ĐÚNG NĂM 1945 – NĂM CÓ BAO NHIÊU NGƯỜI CHẾT ĐÓI MÀ TÔI VẪN KHỎE MẠNH VÀ THẬM CHÍ CÒN KHỎE MẠNH HƠN NGƯỜI” .

Phi công MiG-21 Vũ Đình Rạng.

Tuy gia đình không phải giàu có gì, nhưng mấy anh em Vũ Đình Rạng vẫn được bố mẹ cho đi học. Vậy mà có lần anh suýt bỏ học, vì thấy người anh cùng đi học với mình bị thầy phạt đánh đòn. Rạng cảm thấy rất nản, coi đi học như là ‘sự hành xác, chẳng đem lại kết quả gì, rồi cuối cùng cũng chỉ cày với cấy mà thôi’. Nhưng rồi cuối cùng sau một năm nghỉ học ở nhà cày cấy bố mẹ động viên Rạng nghĩ lại và anh đi học tiếp.
Với Vũ Đình Rạng, từ việc đi học tới việc học lái máy bay, tới việc trực tiếp chiến đấu đều là những việc không phải tự anh mơ ước, ấp ủ mà đều là khách quan đưa lại. Năm 18 tuổi, người ta vận động anh đi bộ đội anh bảo:
- Thưa các anh, không phải tôi không muốn đi, nhưng lúc này cả hai anh trai tôi đều đi bộ đội, chỉ còn cha mẹ già, các anh cho tôi hoãn lại chứ tôi không trốn.
- Nhưng mặt trận bây giờ rất cần người. Quân số cũng đã chốt. Không thể hoãn được.
- Thôi được, các anh không cho hoãn thì tôi đi.
Vũ Đình Rạng đã đi bộ đội trong hoàn cảnh như thế và đầu quân vào Sư đoàn Dù 305. Vào Sư đoàn này được hai năm thì năm 1965 trong đợt khám sức khỏe, anh đã trúng tuyển đi học Không quân ba năm bên Liên Xô (cũ) cùng với một số đồng đội… Anh là một trong số rất ít người được lựa chọn ra từ 120 người trong danh sách học sơ cấp ban đầu. (trong số đó có cả Vũ Xuân Thiều, Phạm Phú Thái).
*
Khi về nước Vũ Đình Rạng được phân công chuyên bay đánh đêm. Anh nhận nhiệm vụ bay đánh đêm với tâm trạng không thích thú lắm vì trên thực tế đánh đêm rất khó, đòi hỏi kỹ năng cao. Vả lại người ta đánh ban ngày có nhiều cơ hội lập thành tích, chứ mấy ai lập được thành tích ban đêm. Hơn nữa đánh đêm toàn phải cô đơn một mình… Nhưng nhiệm vụ đã được cấp trên giao, anh vẫn vui vẻ chấp nhận.

Cấp trên chỉ thị: “Đồng chí có nhiệm vụ vào chiến trường Khu 4, chi viện cho chiến trường trong cuộc chiến tranh hạn chế. Miễn là cậu vào phục kích ở đó. Nếu cất cánh mà không đánh được, thì cũng coi như “dọa” cho B-52 biết rằng vẫn còn có MiG-21 luôn sẵn sàng chiến đấu để cho chúng phải quay đầu lại. B-52 không thể như một nỗi kinh hoàng mãi được”.
Đặc điểm của sân bay ở Khu 4 thường là ngắn hẹp, nên đòi hỏi kỹ thuật bay của phi công phải rất cao, ở đấy nếu bay cao sẽ bị tên lửa ở Hạm đội của Mỹ ở ngoài biển bắn liền, còn nếu bay thấp thì sẽ bị va vào núi Đại Huệ hoặc dãy núi Trường Sơn, vô cùng nguy hiểm.
Ở chiến trường Khu 4 còn phải di chuyển liên tục, có lúc không thể phân biệt nổi đâu là địch, đâu là ta. Bay từ ngoài Bắc vào không có chỉ huy, không có liên lạc, bởi vì chỉ cần chúng phát hiện bằng sóng điện từ có máy bay của ta vào là chúng sẽ cho F105 hoặc F8 đánh chặn ngay. Vũ Đình Rạng và đồng đội phải tìm đường bằng cách nghĩ xem mình đi được mấy phút rồi, mấy phút là sẽ đến đâu… Kể cả khi mưa, gió cũng vẫn phải cất cánh. Kể cả khi biết trong điều kiện như thế có thể đi sẽ không. Nhưng nhiệm vụ là trên hết, không nghĩ đến tính mạng của mình, anh đã cùng với Đinh Tôn luôn trong tư thế sẵn sàng như vậy.

Như thường lệ, 5 giờ hôm ấy (20.11.1971) Vũ Đình Rạng và Hoàng Biểu được lệnh cất cánh từ Nội Bài vào Khu 4. Hoàng Biểu thì hạ cánh ở sân bay Vinh, còn anh thì ém ở sân bay Anh Sơn. Đến 7 giờ 30 phút tối thì Hoàng Biểu báo động cấp 1. Cất cánh lên được vài phút, thì Hoàng Biểu bị địch phát hiện. Chỉ huy lệnh:
- Kéo cao lên nữa! Để cho địch biết là có MiG đang hoạt động!.
Hoàng Biểu lên được một lúc nhưng sợ không tránh được nên đã quay ra. Bọn Mỹ mất mục tiêu cũng quay lại Thái Lan. Đến lúc 20 giờ 40 phút bọn chúng cho rằng mối đe dọa với B-52 đã hết nên quay lại.
Tại Sở Chỉ huy Trung tâm, Tư lệnh Đào Đình Luyện trao đổi nhanh với Phó tư lện Binh chủng Trần Mạnh cho Vũ Đình Rạng xuất kích. Anh cứ theo chế độ đã định sẵn mà bay dọc trên đỉnh Trường Sơn vượt qua Keo Nưa. Lúc này từng tốp B-52 vẫn tiến vào, chiếc MiG-21 của Rạng bay về phía Tây Hà Tĩnh và giãn cách rất tốt. Khi cách mục tiêu 80 ki-lô-mét anh được Đại úy dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên lệnh cho vứt thùng dầu phụ để máy bay tăng lực, linh hoạt hơn.
Vậy là bây giờ mục tiêu chỉ còn cách 60 ki-lô-mét, anh yên trí cải hướng bám sát mục tiêu vì dẫn đường Lê Thiết Hùng đã lên tiếng thì chỉ có trúng. Đường bay của Rạng áp dần vào gần trùng với tốp B-52. Lúc anh kéo lên độ cao 9 ki-lô-mét thì mục tiêu chỉ còn cách 15 ki-lô-mét. Điều kiện để phóng tên lửa rất khả quan. Theo lệnh chỉ huy yêu cầu anh bật ra-đa. Trên thực tế khi nhận được lệnh xong thì mục tiêu chỉ còn chừng 11 ki-lô-mét. Anh vừa lấy độ cao, vừa phải lấy thăng bằng nhằm vào chiếc số Hai mà bỏ qua chiếc số 1 vì cự ly quá gần không thể nào ngắm bắn kịp. Nhìn vào màn hình, mục tiêu rõ mồn một, hình ảnh lên rất đẹp, còn có 2 ki-lô-mét nữa thôi, Vũ Đình Rạng bóp cò phóng một quả tên lửa. Nó lao vút về phía trước. Một chớp nổ lóe lên, lửa bùng ra từ một bên cánh B-52 rồi tắt ngấm. Anh thoát ly ngay và khẳng định đã trúng mục tiêu, chính xác còn hơn bài huấn luyện rất nhiều.
Ở độ cao 9 ki-lô-mét, anh nhìn về phía bên phải trên lưng chiếc B-52 có phát đèn tín hiệu gì đó giống như bên hàng không dân dụng. Vì vẫn còn một quả tên lửa nên anh lại chờ tiếp cận gần 2 ki-lô-mét phóng nốt. Nhưng lần này đường bay hơi vòng, anh không chắc có trúng hay không. Bắn xong, anh lập tức lao vun vút trong màn đêm tối đen quay về sân bay Anh Sơn.
Cách sân bay Anh Sơn 5 ki-lô-mét, Vũ Đình Rạng thả càng hạ cánh, yêu cầu toàn bộ sân bay tắt hết đèn. Đúng như dự đoán của anh, vừa mở cửa buồng lái máy bay bước ra thì đã nghe thấy rất nhiều tiếng máy bay tiêm kích của địch ở trên đầu. Nếu cứ để đèn trên đường băng sáng trưng như lúc đầu, thì e rằng toàn bộ sân bay sẽ bị đánh phá và không còn một mống người.
*
Đêm hôm ấy, Vũ Đình Rạng không tài nào ngủ được vì vừa thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Anh đã vừa làm được việc vô cùng khó khăn, chưa một phi công Việt Nam nào làm được là đã bắn trúng B-52. Phó tư lệnh Quân chủng Đào Đình Luyện biết anh chưa ngủ nên đã cho người gọi anh lên để nghe anh kể hết những tình tiết của trận đánh. Ông bảo:
- Sáng mai, trực thăng sẽ đưa cậu về sở chỉ huy Yên Thành để rút kinh nghiệm với chuyên gia. Chuẩn bị tinh thần nhé!
Bẵng đi một thời gian, đầu năm 1972 trong một cuộc họp chỉnh đốn Đảng, chính ủy Chu Duy Kính nói với anh:
- Các anh ấy đi đánh về có gì đều nói hết, riêng cậu có vấn đề gì khúc mắc, hay dao động, sợ đi đánh thì cứ mạnh dạn trao đổi. Hoặc nếu chưa nói được thì sẽ để thời gian cho cậu suy nghĩ .
- Tôi nói thật, các anh ấy đi đánh ngày dễ dàng lập công liên tục. Tôi nhận nhiệm vụ đánh đêm cũng rất muốn lập công chứ – Vũ Đình Rạng nói – Nếu đã sợ chết, thì tôi đã không thường xuyên xuất kích kể cả những ngày gió mưa. Đã là phi công được Nhà nước cho đi học, về nước chiến đấu tôi chỉ mong muốn được chiến đấu và lập công, sao lại nói tôi “dao động”?
- Cậu cứ suy nghĩ cho kỹ, nếu cậu khó nói thì cứ nói với chính trị viên. Còn nếu cậu không nói ra thì nhiệm vụ sắp tới sẽ phải xem xét lại khi giao cho cậu – Chính ủy Chu Duy Kính lạnh lùng.
- Báo cáo chính ủy, tôi là phi công, là đảng viên, nhiệm vụ cấp trên giao tôi luôn cố gắng làm tròn. Còn nhiệm vụ sắp tới có giao cho tôi hay không là tùy cấp trên. – Vũ Đình Rạng đỏ mặt.
- Cậu không dao động, sợ chết thì sao trong lần gặp B-52 hồi tháng 11 năm ngoái (1971) cậu chỉ bắn có một quả tên lửa rồi quay về? Sao không bắn liền hai quả?
- Việc tôi bắn một quả đầu tiên trúng B-52 nhưng chỉ làm nó bị thương đã được rút kinh nghiệm với các chuyên gia. Theo lý thuyết dù có bắn hai quả liền thì hiệu quả cũng chỉ đến thế – Vũ Đình Rạng bắt đầu run lên vì giận.
- Thôi được. Cậu không phải nói bây giờ. Hãy suy nghĩ thật chắc chắn trong một thời gian nữa – Chính ủy Chu Duy Kính gằn giọng.
*
Tất cả các phi công hôm đó chỉ biết im lặng trước thái độ của Chính ủy, ngoại trừ tôi*. (Vũ Đình Rạng bắn B-52 bị thương chạỵ về Thái Lan, khi họp Đảng bị Chính trị viên hỏi: “Tại sao người ta đi bắn rơi mà lần nào cậu đi cũng về không? Cậu là… tư tưởng sợ chết, không can đảm…”.
Mặc dù, hồi đó ở sân bay U-đom (Thái Lan) người Mỹ đã thừa nhận chính chiếc B-52 này đã bị bắn rơi bởi phi công Vũ Đình Rạng của Việt Nam. Thế nhưng Vũ Đình Rạng lần ấy vẫn bị kỷ luật nặng, suýt khai trừ khỏi Đảng. Mãi sau này vào cuối những năm 70, qua rất nhiều lần ý kiến của các Trung đoàn trưởng, Trung đoàn phó… yêu cầu chính trị viên phải là những phi công bay giỏi, như thế mới có sự thông cảm và có thể lãnh đạo tư tưởng tốt cho phi công. Cũng nhờ đó, tình cảm của phi công với chính trị viên mới dần dần cởi mở hơn).
Cuộc họp kết thúc đã lâu mà Vũ Đình Rạng vẫn chưa hết buồn, anh không ngờ chỉ vì việc anh không bắn liên tục hai quả tên lửa vào chiếc B-52 hôm ấy mà bây giờ anh phải chịu sự nghi ngờ của cấp trên.

Vào thời điểm này phía ta thường nghe tin từ đài BBC, hàng tháng trời nghe ngóng nhưng một tin ngắn về một chiếc B-52 của Mỹ bị rơi hay thậm chí bị thương cũng không thấy gì. Rất có thể người Mỹ vì sĩ diện đã im thin thít không dám nói gì. Nhưng việc Vũ Đình Rạng bắn bị thương B-52 đã khiến cho bọn chúng hoảng sợ phải ném bom ngoài mục tiêu. Những khu vực trọng điểm như Lùm Bùm, Tà-le-phu-lan-nhich hay Xê-pon một thời gian dài bộ đội vận tải rất vui mừng yên tâm làm nhiệm vụ.
Về sau này, vào năm 1999, thiếu tá Không quân Mỹ trong lần gặp cựu dẫn đường Lê Thành Chơn để viết về những trận đánh ông đã tham gia ở Việt Nam có kể lại:
“Vào trung tuần tháng 11 năm 1971, một chiếc B-52 đã bị bắn thủng thùng dầu, cháy nhưng không dập được nên đã hết dầu phải hạ cánh bắt buộc trên sân bay Nathom Phanrom (Thái Lan). Chiếc B-52 bị thương rất nặng sau đó được tháo ra chở về Utapao rồi bỏ đó” .
Trong cuốn “MiG-21 units of the Vietnam war” (Những chiếc MiG-21 trong chiến tranh Việt Nam) của Istvan Toperczer cũng có đoạn viết:
“Air force commanders picked verteran Mig- 21 pilot Dinh Ton to take part in the action, for they believed his vast experience would allow him to cope with the poor weather conditions that plagues the area. On one of his early flight his departed from Noi Bai at 1700 hours then recovered at Dong Hoi to refuel. Taking off again at 1900 hrs, he headed for Roure 9, but the Americans had by then become aware of his flight and pulled all of their AC-130s out of the area for good.
VPAF missions against the B-52s met with less success in the first half of 1971, however, so several air force officers were sent to Mu Gia Pass to observe B-52 attack pattern both during the day and at night. In September of that year, radar units were sent to Ba Don, in Quang Binh province, and to Vinh Linh to track B-52 activities.
On 4 October, commanders of 921st sent Dinh Ton to Đong Hoi, from where he would go “hunting” B-52s. The pilot took off after sunset, but the USAF crews were effectively jamming all communications in the area and he had to fly without ground radio contact. Dinh Ton soon found two b-52s in front of him, but judged the situation unsuitable for caombat and diverted to Tho Xuan.
On 20 November, two more Mig- 21s were sent to Vinh, and another jet to Anh Son. At 2.000 hrs that same day, B-52s were reported 60 ki-lô-mét to the north of Xam Nua. Pilot Vu Dinh Rang was about to become the first fighter pilot within the VPAF to intercept a B-52s.
At 2046 hrs he scrambled from Anh son airfield, and once aloft he was informed by groumd control that his three targets were 100 ki-lô-mét away. He dropped his fuel tank and climbed to 10,000 mét, and at a distance of 15 ki-lô-mét, Vu Dinh Rang switched on his radar and applied full throttle. At eight ki-lô-mét he fired an AAM at one of the B-52s, anf as he brock away from his attack, he spotted another bomber in front of him. Vu Dinh Rang launched his second missile, and at 2115 hrs he landed at Anh Son. There, he was told that the first b-52 had been damaged and had to make an emergency landing in Thailand.
The attempt to shoot down B-52s, as well as an increased movement of North Vietnamese troops towards the south, prompted President Richard Nixon to warn Ha Noi that bombing strike would re-commence if such activities continued. As part of this threat, fighter-bombers started penetrating North Vietnamese airspace once again, and on 18 December the VPAF struck back then Le Thanh Do and Vo Si Giap downed F-4Ds 66-0241 and 65-0799 of the 432nd TRW.
The air war in Vietnmese was about to reach a dramatic climax”

Bản dịch:Chỉ huy lực lượng Không quân Việt Nam chọn MiG-21 thí điểm Đinh Tôn tham gia chiến dịch, vì họ tin rằng kinh nghiệm của anh sẽ cho phép anh ta đối phó với các điều kiện thời tiết xấu trong khu vực hoạt động. Lúc đầu anh này cất cánh từ Nội Bài lúc 17 giờ sau đó hạ cánh tại Đồng Hới để nạp nhiên liệu. Lúc 19 giờ anh cất cánh trỏ lại. Người Mỹ nhận thấy nguy hiểm khi Đinh Tôn xuất hiện nên đã kéo tất cả những AC-130 của họ ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo toàn lực lượng.
Trong thời gian nửa đầu năm 1971, Không quân Việt Nam đối phó với B-52 khá thành công, vì vậy một số sĩ quan quân lực đã được gửi đến Mu Gia Pass để quan sát các kiểu tấn công của B-52 cả ban ngày và ban đêm. Trong tháng chín năm đó, các đơn vị ra-đa được gửi đến Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, Vĩnh Linh để theo dõi B-52 hoạt động.
Ngày 04 Tháng Mười, chỉ huy của 921 cử Biên đội của Đinh Tôn tới Đồng Hới để các phi công sẽ đi “săn” B-52. Các anh này đã cất cánh sau lúc hoàng hôn, nhưng quân đội Hoa Kỳ đã gây nhiễu rất hiệu quả tất cả các liên lạc trong khu vực này khiến cho anh đã bay mà không liên lạc được với đài phát thanh mặt đất. Đinh Tôn sớm phát hiện ra hai chiếc B-52 ở phía trước, nhưng anh đánh giá tình hình không thích hợp để tấn công liền chuyển hướng đến Thọ Xuân.
Ngày 20 tháng 11, thêm hai chiếc MiG-21 được gửi đến Vinh, và máy bay phản lực khác tới Anh Sơn. 20 giờ cùng ngày, B-52s đã được phát hiện 60 ki-lô-mét về phía bắc của Xam Nua. Phi công Vũ Đình Rạng trở thành phi công máy bay chiến đấu đầu tiên của Không quân Việt Nam đánh chặn B-52.
Lúc 20 giờ 46 phút, Vũ Đình Rạng cất cánh từ sân bay Anh Sơn. ở trên trời, anh được sở chỉ huy mặt đất thông báo rằng ba mục tiêu cách anh 100 ki-lô-mét. Anh vứt thùng dầu phụ và kéo lên độ cao 10.000 mét và ở khoảng cách 15 ki-lô-mét Vũ Đình Rạng bật công tắc ra-đa của mình, chuẩn bị sẵn sàng công kích. Lúc chỉ còn cách 8 ki-lô-mét anh bắn một quả tên lửa trúng một trong những chiếc B-52 rồi tìm cách thoát, lúc đó anh đã phát hiện một máy bay ném bom ở phía trước. Vũ Đình Rạng phóng tên lửa thứ hai của mình, và lúc 21 giờ 15 phút anh đã hạ cánh tại Anh Sơn. Ở đó, anh đã nói rằng lần đầu tiên chiếc máy bay B-52 đã bị bắn trúng, và hư hỏng nặng phải hạ cánh khẩn cấp tại Thái Lan.
Những nỗ lực bắn hạ B-52, cũng như quyết tâm ngày một tăng của quân đội Bắc Việt Nam hướng về phía nam đã nhắc nhỏ cho Tổng thống Richard Nixon như một cảnh báo, nếu như ông ta cho ném bom Hà Nội sẽ bị Không quân Việt Nam đánh trả một cách tương tự như vậy. Đó sẽ là mối đe dọa lớn khi máy bay Mỹ thâm nhập Không phận Bắc Việt Nam. Quả đúng không sai, ngày 18 tháng 12 năm 1972 Lê Thành Đô và Võ Sĩ Giáp đã bắn hạ hai chiếc F4D số hiệu 66-0241 và 65- 0799 của TRW.
Thời điểm này, những cuộc không chiến tại Bắc Việt Nam đã trở nên đầy kịch tính.
(Bản dịch của Thủy Hướng Dương).
Ghi chú: Chương này được trích từ cuốn Chúng tôi và Mig 17 (trang 225) xuất bản tại nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2009. Cuốn sách ra mắt công chúng tại Bảo tàng Không quân (171 Trường Chinh – HN) do Tác giả Thủy Hướng Dương ghi chép theo lời kể của Anh hùng phi công Lưu Huy Chao và đồng đội của ông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét