Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

(2) Đọc Hồi Ký “Bên Nhau Trọn Đời” Của Bà Nguyễn Thụy Nga

Đọc Hồi Ký “Bên Nhau Trọn Đời”
Của Bà Nguyễn Thụy Nga
Nguyễn Hồng Trân
27-Jun-2012
PHẦN II
Sau khi chuyến tàu của Ba Lan đưa đoàn người tập kết ra Bắc cập bến Sầm Sơn Thanh Hoá vào dịp Tết âm lịch. Mọi người ở lại ăn Tết vài ngày rồi phân tán đi về các nơi quy định. Mẹ con cô Nga sau đó được đưa về Hà Nội và được các đồng chí lãnh đạo đến thăm hỏi rồi bố trí cho mẹ con cô nơi ăn chốn ở và tạo điều kiện cho cô tham gia công tác ở Hà Nội. Trong thời gian đầu sống ở miền Bắc chưa quen, hai mẹ con gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời sống, cũng như về môi trường thời tiết… Nhưng rồi cô Nga và con gái Vũ Anh cũng vượt qua và quen dần cuộc sống thực tại trong hoàn cảnh khó khăn chung của cả miền Bắc lúc bấy giờ. Trong HK cô đã ghi:
“Mấy ngày ở Thanh Hoá, tôi thấy chị em phụ nữ vác cày, dắt trâu đi cày từ mờ đất, gió thổi, rét lạnh căm căm. Nhớ đến đời sống ở Miền Nam, tôi thấy thương đồng bào Miền Bắc vô cùng…
Từ Thanh Hoá, tôi được đưa về ở một phòng tại số 6 Chu Văn An, Hà Nội. Anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng có đến thăm mẹ con tôi. Sau đó tôi được anh Huỳnh Kim Ảnh (Phó bệnh viện Việt Xô) kêu tôi vào khám thai và giữ tôi lại ở bệnh viện để học “Phương pháp đẻ không đau”. Tôi đem Anh Vũ theo. Nhưng chưa học được buổi nào thì tôi đã đẻ rớt rồi. Chắc vì xa anh Ba tôi buồn và cũng vì đi tàu thuỷ sóng gió vật vã nên tôi bị sanh non. Bác sĩ nói tôi sanh sớm một tháng gì đó. Sanh ra thằng bé da còn nhăn nheo, hai lỗ tai nó còn xếp gấp lại. Vũ Anh nói:
“Mẹ ơi mẹ sanh em sao nhỏ nhoi giống con mèo quá vậy?”

Tội nghiệp con tôi! Vì mẹ không giữ gìn được nên sanh con bé tẹo. Mẹ nuôi con trong bụng không được thì mẹ sẽ rán nuôi con ở ngoài đời vậy. Nhưng làm sao mà nuôi con tốt được? Tôi cũng lo lo…
Sau khi con đầy tháng thì tôi được phân công về công tác ở tòa báo Phụ nữ Việt Nam. Lúc đó ba bà mẹ có con nhỏ là chị Đoan và chị Chẩm và tôi. Mỗi người có 2 con đều ở chung với nhau trong một gara ô tô, mái lợp tôn, nóng ơi là nóng! Mỗi cái giường, nằm một bà mẹ và hai đứa con. Hồi đó lương của tôi chỉ 36 đồng. Tiền cơm hàng tháng là 18 đồng mà chỉ có đậu phụ kho và rau muống luộc. Tiền còn lại thì mua cho con được một ký đường, nửa ký thịt và một ít rau quả lặt vặt ngoài tiêu chuẩn để dành cho con ăn. Lòng thương con của tôi cũng đành chịu với mức sống đó. Tôi khai sanh cho con trai là Lê Kiên Thành (có nghĩa là kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Miền Nam, một khẩu hiệu nằm trong lòng của cán bộ Miền Nam tập kết)… Nhưng không biết trời hiểu lòng tôi thế nào mà dường như trời giúp tôi nuôi con lớn như thổi vậy…
Còn một chuyện nữa, khi tôi ở bệnh viện Việt Xô, cô Thoa lúc đó là y tá (sau này là vợ anh Trần Văn Trà), một hôm cô ấy hỏi tôi:
-Chị có gặp cô Nga chưa? Tôi hỏi lại:
-Cô Nga nào? Tôi thấy cô Nga nói đến đó rồi chựng lại, nhìn sau lưng tôi rồi im lìm. Tôi quay ra sau lưng thấy ông bác sĩ Nguyễn Văn Thủ (Giám độc bệnh viện Việt – Xô), đang khoát tay và lắc lắc đầu, ra ý không cho cô Thoa nói. Tôi thắc mắc mãi không biết chuyện gì cả.
Đến năm 1957, anh Ba ra Miền Bắc, tôi mới vỡ lẽ. Té ra hồi đó có một cô gái tên là Nga vượt tuyến ra Bắc, cô ta khai cô là con của anh Ba, mẹ cô là Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre. Cô ấy độ 16, 17 tuổi, rất đẹp.. Khi cô ra, anh Sáu Thọ và các anh khác đều dấu tôi, đưa cô ấy vào viện Việt – Xô để chữa bệnh. Sau đó xin cho cô ấy học đại học và chăm lo rất chu đáo. Đến khi anh Ba ra, các anh lãnh đạo báo cáo cho anh Ba biết chuyện anh Ba đã có đứa con gái như vậy đó. Anh Ba chưng hửng, anh bảo:
Làm gì có! Tôi có dan díu với ai đâu mà có con?
Và khi tính lại tuổi cô ấy khai thì lúc đó anh Ba đang bị tù giam ở Côn Đảo. Vì vậy vụ này giao qua cho Bộ Nội vụ điều tra lấy khảo cung. Sau mới biết là CIA biết anh Ba ở lại Miền Nam nên chúng đưa cô này ra mạo nhận là con anh Ba. Nếu anh Ba có chết ở trong Nam thì cô ấy lấy lòng các ông lãnh đạo để chui sâu, trèo cao, phục vụ cho mưu đồ của CIA. Tôi kể lại chuyện này để thấy làm chiến tranh với Mỹ, có những chuyện ly kỳ như vậy (Trích đoạn trong HK từ trang 63-67).
Khi cô Nga được làm công tác báo chí Phụ nữ Việt Nam, cô rất hứng thú với nghề nghiệp ấy. Cô rất hăng hái đi thực tế nhiều nơi để nắm bắt kịp thời tình hình dân chúng và xã hội trong tình cảnh đất nước ta còn bị chia cắt hai miền. Những điều gì cô thấy được, nghe được qua các nguồn thông tin trong và ngoài nước đã giúp cô hiểu được nhiều vấn đề sâu sắc tinh vi trong những diễn biến về chính trị xã hội lúc bấy giờ. Trong HK của cô đã viết:
“Tôi về báo Phụ nữ Việt Nam được phân công phụ trách mục Miền Nam. Điều đó cũng phù hợp với nguyện vọng của tôi. Vì làm việc này tôi có điều kiện đi dự các cuộc hội nghị về Miền Nam của ta và của địch. Có một dịp tôi đi máy bay với phái đoàn Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam gồm đại diện của Ấn Độ, Canada và Ba Lan đến tận Vĩnh Linh. Đứng bên này cột cờ, tôi nhìn sang bờ Bắc thấy bộ đội mình bồng súng đổi gác, thấy các mẹ, các chị xuống sông vo gạo, rửa rau… Nước mắt tôi cứ chảy ra. Sau đó tôi viết một bài về “Hai bờ Bến Hải”. Những dòng chữ trong bài này mang cả tình thương của tôi đối với đồng bào, đồng chí bên kia giới tuyến và cũng có cả tâm tình của tôi gửi gắm cho anh Ba ở Miền Nam. 
Một hôm, tôi theo rõi đài BBC, trong một bản tin của hãng Reuter đưa rất cụ thể một danh sách cán bộ cao cấp Miền Nam Việt Nam đi tập kết: “Ông Lê đức Thọ-Phó Bí thư TW Cục Miền Nam ra Bắc làm Trưởng ban Tổ chức TW Đảng, ông Ung Văn Khiêm lẽ ra được phân công ở lại Miền Nam nay ra làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VN, ông Nguyễn Văn Kỉnh nay làm đại sứ VN tại Mạc Tư Khoa v.v… Cuối cùng bài kết luận: “Số cán bộ cao cấp tập kết ra Miền Bắc không có ông Lê Duẩn, vậy là Lê Duẩn ở lại Miền Nam…”.
Nghe vậy tôi rất lo khi địch biết anh ở lại chỉ đạo phong trào cách mạng. Như thế kẻ địch sẽ truy lùng thì anh sống và đấu tranh ra sao đây? Anh thường có những suy nghĩ riêng của anh trong lãnh đạo. Khi trở về Miền Nam chuẩn bị cho cán bộ đi tập kết, điều trước tiên anh nghĩ đến là chỉ đạo các tỉnh chôn giấu vũ khí, công binh xưởng và chọn một số cán bộ quân sự có tài ở lại, trong đó có anh Tám Xuyến (sau này là Trung tướng về hưu)…
Hồi đó, chung quanh tôi ai cũng nói đến đấu tranh hoà bình, nhưng riêng anh, anh đã hình dung ra tình thế giữa ta và địch sau Hiệp nghị Geneve. Anh Ba nói với tôi:
-Không dễ gì kẻ địch chịu hiệp thương Tổng tuyển cử, ta phải đấu tranh gian nan lắm và phải có chính trị, vũ trang kết hợp mới buộc địch thực hiện theo ý ta.
Anh Ba đã thấy trước chuyện đó và chuẩn bị theo hướng đó, nhưng giờ thì anh đang làm gì? Địch đang phá hoại Hiệp định từng bước. Phía ta chưa cho nói đến đấu tranh vũ trang tự vệ, anh phải chống chọi với tình hình ra sao đây? Lòng tôi trăm mối tơ vò!...
Một cái Tết nào đó, tôi bồng cháu Kiên Thành và Vũ Anh về Thăm ông nội và mạ các cháu (bà cả) ở Nghệ An. Tôi mang theo chai mật ong, vài củ sâm và mấy thước lụa Hà Đông để làm quà. Ông nội và chị cả (Lê Thị Sương) cũng rất thương hai đứa cháu nhỏ. Chị ấy có khóc nhưng cũng không phản ứng gì. Khi chị ấy và cháu Lê thị Cừ ra trị bệnh ở Hà Nội, tôi cũng chạy lo xem kết quả xét nghiệm về bệnh tình của hai người như thế nào, rồi chạy mua thuốc để chữa trị, vì tôi biết ở vùng địch, phụ nữ hay bị mắc bệnh hiểm nghèo. Khi chị hết bệnh được về nhà khách TW. Tôi bế cháu Thành đến thăm, chị cũng bồng Thành giơ lên cao, nựng nịu thương Thành lắm. Lúc cháu Lê Thị Hồng đi sang học ở Nam Ninh (TQ), tuy tôi không có tiền nhưng cũng nhín chút tiền mua len đan khăn quàng cổ, may áo mới cho Hồng đi học. Nó mừng nói:
-Con cám ơn dì.
Tôi muốn tạo không khí hoà thuận trong gia đình để khi anh Ba ra, anh ấy dễ xử lý hơn… (Trích đoạn của HK trong mục RA BẮC, từ trang 67- 71).
Cuối năm 1956, có chủ trương của Nhà nước đi sửa sai cuộc Cải cách ruộng đất ở Miền Bắc. Cô Nga cũng được cử đi cùng với một số cán bộ về các tỉnh để thực hiện việc sửa sai. Vốn chưa quen với cảnh khổ nghèo và phong tục tập quán ở nông thôn phía Bắc nên cô đã gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời sống cũng như về công tác sửa sai trong tình thế khó xử lúc bấy giờ. Nhưng cô đã vượt qua tất cả và chỉ đọng lại trong lòng cô một nỗi xót xa của chủ trương chính trị-xã hội giáo điều của nước ta hồi đó đã bắt chước rập khuôn như kiểu Trung Quốc [TQ]. Trong HK của cô có đoạn đã ghi:
“Tôi cũng gửi con ở nhà để đi sửa sai ở tỉnh Vĩnh Phú. Tỉnh này là tỉnh sai lầm nặng nhất về việc chỉnh đốn tổ chức theo kiểu TQ. Họ chọn thành phần trẻ lên làm cốt cán đấu tố những người thành phần lớp trên, mặc dù ai đã có công với đất nước.
Xã tôi đến sửa sai là xã có đồng chí Chủ tịch là người có công, được Huân chương kháng chiến chống Pháp nhưng bị đem ra đấu tố và bị tử hình… Bà con trong xã, nhất là người già khóc thương đồng chí ấy thảm thiết. Làng có bờ tre bao quanh, họ canh gác không cho cán bộ trên về tiếp xúc sửa sai. Tôi về đó với một đồng chí nữa phải ở ngoài rồi bắc loa kêu gọi, giải thích chính sách cho bà con hiểu. Mờ đất, chờ người trong làng ra làm ruộng, gặp những người tốt, chịu nghe, chúng tôi rỉ tai nói với họ và nhờ họ vào làng nói cho người khác biết về chính sách sửa sai của Đảng và Chính phủ. Lần hồi họ mới đồng ý cho chúng tôi vào làng. Muốn làm công tác sửa sai có kết quả thì phải sống 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân. Sáng 4 giờ phải dậy đi cấy. Trước khi ra đồng, mỗi người ăn một bát cơm nhưng chính là bát cháo nấu lẫn lộn với rau như cháo heo trong Nam… Chị chủ nhà chiếu cố tôi đã cho tôi một bát đầy vun. Tôi nuốt không trôi nhưng phải rán ăn để có sức mà đi làm. Đến chiều thì ăn bữa xế, còn tối không ăn. Người ta nói tối ngủ không đói. Tôi thì đói quá không ngủ được, phần thì rét lạnh, nằm trên đống rơm, đắp chiếu, gió lùa hai đầu, tôi run cầm cập…
Còn tắm, tôi không tắm được đầy đủ suốt cả mấy tháng, chỉ ban đêm  xách nước về rửa lau qua sơ sơ rồi đi ngủ thôi. Vì thói quen dân làng, mọi người đều cởi hết quần áo lội xuống một cái ao tắm chung, nam một bên, nữ một bên… Còn nhiều chuyện khác nữa tôi cảm thấy rất ngượng mà phải làm ngơ đi. Tôi thì không “nhập gia tùy tục” được như vậy!
Công tác ở đây đến hết đợt thì tôi mới được về Hà Nội, tôi vừa mừng được gặp lại con, vừa được tắm gội thoả thích… (Trích đoạn HK mục THAM GIA SỬA SAI, trang 72-74).
Do sai lầm về Cải cách rộng đất mà Bác Hồ rất đau lòng đã khóc trong Hội nghị. Bác nói Đảng và Chính phủ ta đã sai lầm trong Cải cách ruộng đất thì phải mạnh dạn sửa sai. Vì thế mà đồng chí Trường Chinh Bí thư Đảng phải thôi chức, đồng chí Hồ Viết Thắng bị kỷ luật. Do đó, TW Đảng và bác Hồ điều đồng chí Lê Duẩn ra Bắc vào tháng 4 năm 1957 để thay đ/c Trường Chinh làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành TW Đảng.
Khi đồng chí Lê Duẩn sắp ra cũng như khi ra rồi thì có nhiều chuyện rắc rối về mối quan hệ gia đình do tác động của bên ngoài dội vào làm cho cô Nga và ông Ba mất ăn, mất ngủ, lao tâm khổ trí trong việc xử lý chuyện đời riêng tư… Thế rồi họ cũng tìm được cách để giải tỏa được mọi sự căng thẳng về tâm lý, tình cảm để cuối cùng họ có được niềm tin và hy vọng quý giá trong đời sống và công việc. Trong HK của cô  Nga đã viết:
“Trước khi anh Ba ra, vài chị em trong TW nói với tôi:
-Anh Ba sắp ra rồi. Trước kia vì sự nghiệp của anh mà chị ưng anh ấy, bây giờ cũng vì sự nghiệp của anh ấy chị cũng nên chủ động ly dị với anh để làm tròn nhiệm vụ.
Chị Mười Thập cũng khuyên tôi như vậy, chị ấy cử chị Liêm là cán bộ Miền Nam gặp tôi để động viên: “Mình cũng trong hoàn cảnh như Nga nhưng mình dứt khoát với người chồng rồi. Giờ mình xây dựng với người khác cũng rất hạnh phúc. Nga còn trẻ tội gì chịu cảnh 2 vợ cho khổ!...”
Tôi trả lời với các anh chị:
-Trước kia chúng tôi lấy nhau thì cũng hai bên bàn bạc đồng ý mới lấy nhau, giờ muốn bỏ nhau cũng phải có ý kiến cả hai bên. Việc này có anh Ba ra, chúng tôi gặp nhau rồi mới trả lời được.
Khi anh Ba ra, các anh bố trí cho tôi gặp anh ấy trước tiên ở số 6 Hoàng Diệu, Hà Nội. Gặp tôi, anh rất mừng. Một hôm, anh nằm trên sàn nhà, gần cửa sổ, đầu anh gối lên đùi tôi để tôi nhổ tóc bạc cho anh. Tôi nói:
-Các anh chị cán bộ TW có đề nghị chúng ta nên ly dị nhau.
Anh đỏ mắt muốn khóc và bảo:
-Trong hoàn cảnh nào chúng ta lấy nhau, giờ trong hoàn cảnh nào mà chúng ta phải bỏ nhau? Lại có với nhau 2 đứa con rồi! Cho dù anh có làm Tổng Bí thư đi nữa mà phải bỏ nhau, trong lòng anh không bao giờ yên ổn được. Người cộng sản thì có thủy chung, có tình nghĩa. Nếu làm như vậy thì không đúng với tấm lòng người cộng sản. Anh không thể làm được. Và như vậy rồi gia đình cũng sẽ tan nát cả thôi.
Lúc đó tôi khóc và nhìn anh ấy khóc mà đau lòng. Tôi thấy anh gầy như que củi, đen như củ súng. Tuy râu anh đã cạo nhưng sự tàn phá của chiến tranh còn in dấu trên người anh. Tôi nghĩ: “Nếu anh hy sinh ở Miền Nam thì cũng mất tất cả rồi. Vì vậy mà tôi nguyện vì anh, vượt qua tất cả khó khăn, cùng nhau xây dựng một gia đình hòa hợp”.
Lúc bấy giờ Quốc Hội có ra luật hôn nhân và gia đình trong đó có ghi rõ: “Gia đình phải một vợ một chồng. Nếu hoàn cảnh đã qua, ai có 2 vợ thì phải giải quyết sao cho hòa thuận. Anh Ba có đưa tôi lên Hội Phụ nữ có đông đủ các chị em. Anh trình bày hoàn cảnh của chúng tôi, mong sự thông cảm của các chị. Nhưng nhiều chị phản đối kịch liệt. Không như khi anh còn cống tác ở trong Nam, chị em phụ nữ Nam Bộ rất thương anh. Giờ đây tôi trở thành đối tượng các chị ghét bỏ. Tôi là Tỉnh ủy viên, khi tôi ra Miền Bắc, mọi chế độ về học tập chính trị, nhận báo học tập của Đảng hằng tháng, tiêu chuẩn nằm viện Việt –Xô .v.v… Không hiểu sao Phụ nữ TW đã cắt hết những quyền lợi chính đáng đó của tôi?  Sao họ coi tôi như một tội phạm chính trị vậy? Thật là khó hiểu!
Mai Khanh (vợ anh Phạm Hùng), chị Tâm (vợ anh Sáu Đê) ở Uỷ Ban Kế hoặch Nhà Nước) đã vào tận Nghệ An để phát động gia đình anh Ba chống lại tôi. Lúc đó mọi người trong gia đình có chỗ dựa để đả kích tôi… Thời kỳ này, ông nội các cháu và chị cả Sương vẫn ở Nghệ An, anh Ba vẫn về thăm. Còn Lê Thị Cừ và Lê Thị Hồng (con gái anh với chị cả) học ở Hà Nội. Tôi vẫn công tác ở báo Phụ nữ. Thỉnh thoảng tôi về thăm anh Ba ở số 6 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Tình hình căng thẳng gia đình, tôi đề nghị anh cho tôi đi xa một thời gian để anh ấy gần gũi gia đình, mọi người sẽ thương anh và hiểu anh hơn. Anh đồng ý và đề nghị với Bộ Ngoại giao thu xếp cho tôi qua Bắc Kinh công tác. Thế là tôi đi khi đang mang thai đứa con thứ ba được 3 tháng. Tôi ra đi mà trong lòng day dứt, rã rời còn hơn lúc chia tay anh ở Miền Nam để ra Bắc. Về thai giáo, tôi sợ con tôi sinh ra lại buồn bã như tôi khi mang thai nó trong bụng thì thật là tội nghiệp cho con tôi quá!...” (Trích đoạn HK mục NHỮNG RẮC RỐI, trang 75-77).
Cô Nga sang Bắc kinh lần này để công tác học tập và nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ báo chí, đồng thời cũng để cho khuây khỏa những điều không vui về những rắc rối trong mối quan hệ với gia đình bà con bên chồng, chuyện vợ cả, vợ hai và mặt khác cũng để tránh những tiếng ra, tiếng vào của một số chị em lãnh đạo Phụ nữ chưa thông cảm cho hoàn cảnh xây dựng gia đình riêng của họ. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến tình cảm và công việc của   anh Ba và cô Nga.
Trong Hồi ký của cô có những đoạn đã ghi lại như sau:
“Sang TQ, lúc đầu tôi làm quản lý lưu học sinh chung một phòng với đ/c Trần Nhâm và đ/c Đặng Nghiêm Hoành (sau làm Đại sứ quán VN tại TQ). Một thời gian dài, trước khi tôi vào Đại học Bắc Kinh, anh Hoành dạy tội học tiếng TQ.
Sau  đó tôi sinh con, thằng con nặng 4 ky lô. Mặt mằy nó giống ba nó như khôn đúc…. Con  khỏe, dễ nuôi. Buổi sáng tôi dậy lúc 4giờ 30, làm vệ sinh cho con gái Anh Vũ 15 phút, cho con trai Kiên Thành 15 phút, cho 2 đứa ăn sáng xong thì cho cho thằng bé út dậy, vệ sinh cho con, cho con bú. Sau cùng, tôi lại làm mọi việc buổi sáng cho mình. Đúng 7 giờ là tôi có mặt tại bàn làm việc. Chiều đi làm về, tôi tắm rửa cho các con, cho các con ăn uống và  lo việc nhà xong tôi đi học Trung văn đến 11 giờ đêm mới về. May sao thằng bé dễ nuôi, không hay khóc. Tôi đặt tên nó là Lê Kiên Trung. Chữ “Trung” ở đây là trung hiếu, trung thực…
Anh Ba ra miền Bắc tháng 4/1957, đến tháng 12 năm đó là tôi sang Bắc Kinh. Thời gian ở bên đó, anh có sang thăm vào dịp anh đi dự Hội nghị 81 Đảng, Hội nghị Quốc tế mấy lần. Có lần anh đi với anh Trường Chinh, có lần anh đi với Bác Hồ và các anh khác. Đoàn Việt Nam sang thường ở lại Điấu Ngư Đài. Các anh cho đón tôi vào ở với anh Ba. Hồi đó, tôi có những bức hình chụp chung với Bác Hồ, với bà Chu Ân Lai, bà Lưu Thiếu Kỳ và các con của bà.
Có lần anh Trương Đức (phiên dịch cho đoàn) đưa chúng tôi vào một công viên, đồng chí phụ trách công viên giới thiệu một cây cổ thụ, một gốc có hai thân vươn lên thẳng đứng. Bác Hồ gọi anh Ba và tôi, Bác bảo:
-Nào! Nào! Cô chú hãy đến đây chụp một bức ảnh, vợ chồng phải chung gốc kề thân như cây cổ thụ này.
Một lần khác anh rủ tôi đi chơi, tôi nói:
-Sắp thi rồi nên em phải ở nhà ôn bài để chuẩn bị thi. Đến giờ đi, Bác vào phòng chúng tôi và bảo:
-Cô đi chơi với Bác đi! Tại sao chú để cô ở nhà vậy?
Thế là tôi mặc áo bông, quần bông như học sinh TQ rồi đi luôn. Đến nơi mới biết là đi xem ca múa kịch. Hôm đó có mặt ông Bành Chân, ông Khang Sinh, ông Bành Đức Hoài… Ngồi trong phòng khách độ 15 phút thì nghe chộn rộn, lao xao, một tấm màn nhung đỏ bên trong kéo lên. Ông Mao Trạch Đông xuất hiện với hai cô gái TQ dìu hai bên nách chậm rãi bước vào. Các ông giới thiệu tôi với ông Mao, ông ấy ngồi xuống bên tôi thay chỗ bà Khang Sinh. Tôi liền hỏi ông:
-Mao Chủ tịch có khoẻ không?  Ông bảo:
-Thì cũng đại khái vậy mà!
Tôi hỏi tiếp:
-Nghe nói Mao Chủ tịch lội qua sông Trường Giang phải không?
Ông nói:
-Ồ! thì cũng đại khái vậy mà!
Nói chuyện một lúc, mọi người chuẩn bị ra xem biểu diễn. Tôi lật đật lùi ra đằng sau lưng ông. Ông Mao quay qua hỏi:
-Đâu rồi! Đâu rồi!
Ông Khang Sinh biết ông Mao tìm tôi nên bước đến dẫn tôi ra chỗ ông Mao. Tôi nói:
-Mao Chủ tịch và Hồ Chủ tịch đi trước, chúng tôi đi sau. Ông ấy bảo:
-Không được! Không được! Phụ nữ là phải đi trước. Ông sợ tôi thụt lui nên hai tay ông cứ đẩy đằng sau lưng tôi. Tôi còn còn lẩn trốn vào đâu được nữa! Hồi đó tôi ăn mặc lôi thôi quá. Trước mặt hai vạn khán giả, tôi ngượng phát khóc lên được.
Lần đi họp 81 Đảng, anh Ba nói với tôi:
-Mình cố gắng giải phóng Miền Nam, giúp bạn giải phóng Lào và Camphuchia. Nay mai 3 nước ở Đông Dương sẽ vững như kiềng 3 chân.  TQ không làm gì được mình.
Nghe như thế, tôi nói ngay: “Y! Làm gì có chuyện đó?”
Lúc bấy giờ trong nước ta có nêu khẩu hiệu: “TQ với VN như môi với răng, môi hở, răng lạnh”, rồi cả câu: “TQ với VN núi liền núi, sông liền sông,  v.v… Cho nên tôi nghe anh nói như vậy tôi quá bất ngờ!...
Tôi thấy anh có tầm nhìn rất xa những điều mà người khác chưa nhìn thấy. Tôi hết sức quý trọng bộ óc sáng suốt của anh… (Trích đoạn trong HK từ trang 78-87).
Sau mấy năm công tác và học tập ở TQ rồi trở về VN, cô Nga không muốn về lại làm việc tại cơ quan cũ ở Hà Nội vì phải ở chung nhà với anh Ba rồi lại có tiếng ra, tiếng vào của những người thành kiến làm cô càng thêm buồn phiền và đau khổ, mặc dù cô rất muốn về sống chung với anh Ba để chăm sóc anh ấy, bù đắp lại những ngày hai người xa nhau. Hơn nữa cô cũng muốn anh Ba được gần gũi các con để dạy bảo các con trong những tháng năm còn thơ ấu.
Thế rồi cô Nga được phân công về công tác trong Ban biên tập báo Hải Phòng. Bốn mẹ con sống trong một phòng do Thành uỷ Hải Phòng cấp. Tại đây cô Nga tất bật suốt ngày lo công việc chung và một mình lo việc gia đình, chăm sóc, dạy dỗ con cái... Rồi bao chuyện hàng ngày của xã hội và gia đình cứ dội vào đầu óc cô, tình cảm cô bao điều trăn trở, bao niềm xúc động…
Trong HK của cô đã ghi lại:
“Khi ở Hải Phòng, cháu Thành đến tuổi nghịch phá. Có phen nó làm tôi hết cả hồn vía. Tôi đi làm về thì thấy Thành đạp xe đạp, phía sau chở em Trung ngồi. Nó ngồi trên yên cao không được mà chỉ đứng trên hai bê đan rồi đạp ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo. Trung thì khoái chí cứ hối:
-Đạp nhanh đi anh Thành!
Thành thì đi học một buổi, ở nhà một buổi, hay rủ bạn bè lấy khăn rằn làm cánh máy bay rồi bay nhảy từ trên cao xuống. Có lần Thành đạp vào một miếng sắt rỉ bị cắt đứt ở gót chân. Được điện thoại, tôi về nhà đưa Thành đi bệnh viện chích ngừa phòng uốn ván. Thành còn nghịch ngợm nhiều trò khác nữa. Tôi phải xin gửi Thành đến học ở một thầy khác. Thầy này nghiêm nghị học trò rất sợ, vậy mà Thành vẫn không sợ.
Đặc tính thương người của Thành đã thể hiện từ nhỏ. Tôi nhớ một lần đi học về, Thành ngồi buồn xo, không muốn ăn cơm. Tôi hỏi vì sao thì Thành bảo:
-Mẹ ạ! Con có một thằng bạn, cha mẹ nó ở Campuchia gửi nó về cho bác nó nuôi ăn học và có gửi tiền cho bác nó, nhưng bác ấy cứ đánh bạn ấy luôn, lại còn bắt bạn đi kéo xe bò xuống cảng. sau đó bạn ấy phải bỏ học, bạn ấy khóc. Chúng con đến nhà thăm bạn, thấy chỗ bạn ngủ trên bộ vạt dưới bếp, quần áo của bạn thì bỏ trong thùng giấy, mèo vào làm tổ. Con thấy tội nghiệp bạn ấy quá! vừa nói, nước mắt Thành chảy xuống chén cơm. Thành nói tiếp:
-Hay là mẹ xin bạn ấy về nuôi đi mẹ!
Tôi nghe con nói rất đúng và tôi cũng muốn xin thằng bé về nuôi cho anh em có bạn. Nhưng khi tôi hỏi dò thì nghe nói ông bác nó khó tính lắm. Nếu tôi xin đem thằng bé về nuôi thì ông ấy sẽ mang tiếng với xóm giềng, có khi ông ta làm hại gia đình tôi nữa. Nghĩ vậy mà tôi thôi…
Còn Trung thì nó thương nhớ ba nó lắm. Tôi phải hứa với nó:
Đến Tết mẹ sẽ cho con về thăm ba. Đến Tết Tây nó lại khóc và nói:
-Mẹ nói Tết mẹ cho con về thăm ba cơ mà! Nó ngồi dưới đất, dựa cột mà khóc. Con tôi lúc đó chưa hiểu Tết Tây, Tết ta là sao cả, nhưng trong lòng nó nhớ thương ba nó nó cứ đòi như thế. Tôi nhìn con khóc ấm ức, tôi cũng khóc theo con. Anh Tô Kỳ ghé chơi thấy hai mẹ con khóc, anh hỏi:
-Sao vậy! Sao vậy!
Lúc đó tôi không nói nên lời. Ai hiểu thấu được lòng mẹ con tôi trong hoàn cảnh bấy giờ?... (Trích đoạn HK mục NHỮNG NGÀY Ở HẢI PHÒNG, trang 87-91).
Sau những năm cô Nga sang TQ rồi về Hải Phòng công tác, trong hơn 6 năm(12/1957-7/1964), đi đâu cô cũng đem mấy đứa con đi theo để lo chăm sóc chu đáo cho chúng. Nhiều người đều biết lòng cô và tình cảm các con luôn gắn bó yêu thương anh Ba. Nhưng anh không thể nào làm gì để lấp hết những gay cấn về tâm lý của hai người vợ trong hai hoàn cảnh khác nhau. Anh đành phải nén lòng buồn bực và thu xếp dần dần cho mọi sự yên ổn để an tâm làm việc lớn cho Đảng cho dân tộc. Các bạn bè, đồng chí và bà con có ai có thể hiểu hết cho anh Ba nỗi niềm ấy không?
Có người nói rằng, thời nay để hai vợ làm gì cho rắc rối phức tạp! nhất là đối với anh là người lãnh đạo cao cấp của Đảng nữa thì khó mà giữ được uy tín. Nhưng anh Ba thì không đành tách vợ nào ra được. Vợ nào cũng là vợ. Vợ cả là vợ hiếu nghĩa trách nhiệm, vợ hai là vợ tình yêu và sự nghiệp. Vợ nào cũng đã có mấy con với anh rồi, làm sao có thể chia lìa ai được! Điều thổ lộ này của anh Ba thì ông già thân sinh, em gái của anh và cả hai người vợ đã hiểu. Chính cũng vì thế mà cô Nga sau khi công tác ở Hải phòng lên lại Hà Nội cô đã bàn bạc với anh Ba đề nghị Ban Tổ chức cho cô đi vào Nam công tác để giữ trọn niềm tin của quê hương, đất nước và cho anh Ba yên tâm công tác. Mặt khác, cô Nga cũng nghĩ rằng, như thế sẽ tạo điều kiện có dịp cho anh Ba bù đắp lại những thiệt thòi làm vợ của chị cả Sương trong mười mấy năm trời xa cách biệt tăm chồng bị tù đày rồi vào Nam hoạt động cách mạng.
Trong HK của cô Nga mục “Chuẩn bị về Nam” đã thể hiện điều đó:
“Tôi bàn với anh:
-Hay là để em trở về Miền Nam chiến đấu, tuy xa nhau, nhưng chúng ta vẫn chung một sự nghiệp, coi như chúng ta vẫn gần nhau.
Anh suy nghĩ và đồng ý. Lúc đầu họ bố trí cho tôi đi cùng chuyến với anh Nguyễn Chí Thanh bằng tàu thuỷ TQ chở vũ khí vào cảng Sihanoukville. Làm thủ tục giấy tờ, tôi giả làm vợ Thuyền trưởng TQ, nhưng ông Sihanouk không cho. Ông nói rằng phụ nữ đi theo trên tàu là xui xẻo. Vì vậy các anh lại tổ chức cho tôi đi “tàu không số” chở vũ khí về Nam. Đi tàu này nguy hiểm hơn nhiều…
Trước khi đi, tôi về số 4 Bà Huyện Thanh Quan ở Hà Nội. Các con tôi có tới lui chơi vài ngày. Đến bữa chuẩn bị đi, Văn phòng TW có chuẩn bị một bữa tiệc tiễn đưa, có mặt các chú theo anh Ba, các đồng chí văn phòng TW. Tất cả trên 20 người. Gọi là tiệc tiễn đưa nhưng tôi chẳng ăn uống gì được.
Độ hơn 12 giờ trưa, cơm nước xong, anh Ba vào nằm trên giường, Vũ Anh con gái lớn của chúng tôi ngồi ngang đó. Tôi thấy anh buồn quá tôi nói:
-Thôi cuộc đời chúng mình đã như vậy rồi, chúng mình lấy lý tưởng sự nghiệp làm chính. Như vậy chúng ta vẫn gần nhau anh ạ.
Lúc đó, anh Ba nằm nhìn tôi và nước mắt anh cứ chảy dài…
Vũ Anh lúc đó mới 14 tuổi, cái tuổi con gái rất cần mẹ. Nó thấy cha mẹ chia tay nhau như vậy nó rất buồn. Sau này khi tôi ra, nghe o Lê Thị Hồ (em ruột của ba nó) kể lại rằng, có lúc nó như người mất trí, nó chạy người đường khóc lóc, mấy chú phải thay nhau đi tìm. Hồi ấy, o Hồ nuôi chị em chúng nó học hành vùng sơ tán ở nông thôn khi giặc Mỹ đánh phá Miền Bắc. Vũ Anh học rất giỏi, mặc quần đen, áo nâu, gánh nước quét nhà, làm mọi việc ở trường và giúp o Hồ nuôi em. Nhờ sự chăm chỉ phấn đấu tích cực nên đến năm 18 tuổi cháu Vũ Anh được kết nạp Đảng. Ở Miền Bắc lúc bấy giờ học sinh Trung học phổ thông được kết nạp Đảng là hiếm lắm. Đó cũng là món quà lớn của con gái tặng cho ba mẹ. Còn Thành mà Trung còn nhỏ cho nên chúng nó có khủng hoảng cũng dưới dạng trẻ con mà thôi…
Sau này Thành viết thư vào Nam cho tôi, nó nói: “Đến kỳ thi, con thấy  mẹ các bạn lo cho các bạn từ cây bút đến sách vở, áo mới để đi thi. Con nhớ mẹ lắm mẹ ơi!”
Bức thư đó tôi đưa cho mấy chị trong hội nghị phụ nữ đọc, các chị khóc ròng. Anh chị em Văn nghệ lấy đề tài đó và trích một đoạn trong thư của Thành để nói lên nỗi đau của mẹ con khi đất nước bị chia cắt hai miền.
Còn Trung thì khi vắng mẹ nó cứ đeo theo ba, ngược lại ba nó thiếu tôi cũng dựa vào nó sưởi ấm tình cảm…” (Trích đoạn HK mục CHUẨN BỊ VỀ NAM từ trang 92-96).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét