Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Reuters)
Từ Bangkok, Arnaud Dubus, thông tín viên phụ trách khu vực giải thích thêm về lập trường của Thái Lan :
Arnaud : Không thể nói là Bangkok lúc nào cũng thể hiện thái độ thân Trung Quốc. Chính sách ngoại giao Thái Lan luôn luôn mang tính cơ hội chủ nghĩa, thích nghi với tình hình để có lợi nhất cho mình và đôi khi quên đi các liên minh và nguyên tắc. Đó là đường lối ngoại giao ‘gió chiều nào theo chiều ấy’ và đứng về phiá người mạnh nhất.
Trong vấn đề Biển Đông, Thái Lan là nước không có quyền lợi trực tiếp. Ngược lại Thái Lan lại dựa vào Trung Quốc để phát triển kinh tế của mình trong tương lai. Các tài liệu chính thức của Thái Lan chỉ nêu bật Trung Quốc như là đối tác kinh tế ưu đãi của Thái Lan, không rắc rối như Châu Âu hay thậm chí Nhật Bản.
Trong khuôn khổ chiến lược đó, Bangkok mong muốn gìn giữ những mối quan hệ tốt, hữu hảo với Bắc Kinh. Cho dù không đi xa như Phnom Penh - đã hậu thuẫn thẳng thừng quan điểm của Bắc Kinh trên vấn đề tranh chấp Biển Đông, về mặt nội dung, Thái Lan có quan điểm tương tự như Cam Bốt, nhưng trau chuốt hơn về mặt hình thức
RFI : Người ta cũng thấy rõ là Thái Lan không có vai trò nặng ký trên các vấn đề khu vực như vấn đề Biển Đông hiện nay. Trong quá khứ, Thái Lan có như vậy hay không ?
Arnaud : Không phải lúc nào cũng như thế. Thực ra, trong thời kỳ từ năm 2001 đến năm 2006, khi ông Thaksin Shinawatra làm thủ tướng, Thái Lan có vai trò trí đầu tàu lãnh đạo tại Đông Nam Á. Thaksin đã đề ra nhiều sáng kiến và diễn đàn và tích cực can dự vào những vấn đề khu vực. Cho dù vấn đề Biển Đông thời ấy chưa nổi cộm, nhưng chắc chắn là Thaksin sẽ đứng ra lèo lái khu vực trên hồ sơ đó.
Phải nói là nền ngoại giao Thái Lan hiện nay đặc biệt kém cỏi, tồi tệ nhất trong vòng hàng chục năm nay. Nguyên do bắt nguồn một phần từ cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan đã dai dẳng từ sáu năm nay.
Cũng không có gì là ngạc nhiên khi những gương mặt sáng giá nhất trong guồng máy ngoại giao Thái Lan thích làm việc ở nước ngoài nhiều hơn là ở trong môi trường ngột ngạt của Thái Lan. Đó là trường hợp của ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN, hay Supachai Panitchapakdi, Tổng giám đốc hiện tại của UNCTAD.
Ngành ngoại giao Thái Lan hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc, hoàn toàn thiếu vắng sáng kiến, và biểu hiện của tình trạng khủng hoảng đó là việc Thái Lan hầu như lúc nào cũng về hùa với quan điểm của kẻ có vẻ mạnh mạnh hơn, tức là Bắc Kinh.
RFI : Thái độ này của Thái Lan ảnh hưởng ra sao đến khu vực ?
Arnaud : Hệ quả đầu tiên là Thái Lan hoàn toàn phục vụ chiến lược của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh muốn tránh không cho hồ sơ này được thảo luận trong một khuôn khổ đa phương, nơi họ có thể gặp rắc rối.
Chiến thuật của Trung Quốc đến nay là trì hoãn mọi giải pháp và sử dụng phương pháp áp đặt sự đã rồi, điều mà chúng ta đã thấy qua tình hình căng thẳng gần đây trên hòn đảo (bãi Scaborough) mà cả Bắc Kinh lẫn Manila đều tuyên bố chủ quyền. Bangkok hỗ trợ chiến lược này.
Thái độ này của Thái Lan có thể phản tác dụng, bởi vì nó có nguy cơ làm mất uy tín của vương quốc đối với các đối tác khác trong ASEAN. Với thái độ công khai thân Trung Quốc tại cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN vào tháng Bảy, Cam Bốt đã nổi lên thành một quốc gia bù nhìn của Bắc Kinh. Bangkok có nguy cơ rơi vào cái bẫy tương tự, nếu nó không sớm điều hòa lập trường của mình.
Nhìn nhận vấn đề một cách rộng hơn, ta đang chứng kiến sự phát triển của một nghịch lý. Các thành viên ASEAN như Cam Bốt và Thái Lan càng nhấn mạnh là vấn đề Biển Đông không nên được thảo luận trong ASEAN, những căng thẳng trong nội bộ ASEAN càng mạnh mẽ hơn.
Biển Đông là vấn đề an ninh khu vực quan trọng nhất đang đặt ra cho các nước thành viên của Hiệp hội Đông Nam Á sau vấn đề tái lập hòa bình ở Cam Bốt vào đầu những năm 1990. Nếu không kịp thời giải quyết, thì có thể là sự tồn tại, hay ít ra là uy tín của ASEAN bị đe dọa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét