Tháng 1/2006, GS Toán ĐH Toulouse Nguyễn Tiến Dũng, nhân vật trong bài "Cần thêm ít nhất 50 TS Toán mỗi năm" đã có bài viết khá kỹ lưỡng "Vài suy nghĩ về Toán học Việt Nam" mà theo anh, "trong quá trình viết bài này, đã nhận được sự góp ý của nhiều đồng nghiệp và người thân, bạn bè, giúp cho bài viết tốt lên".Được sự đồng ý của tác giả, VietNamNet đăng tải bài viết này (tác giả chia làm 7 phần) và mong nhận được ý kiến của bạn đọc, như lời tác giả "nếu bạn đọc nàocó ý kiến phê bình hay trao đổi". Tòa soạn có lược bớt một số đoạn trong bản thảo bài viết. Các đầu đề các mục do tòa soạn đặt.
Phần 1: Toán học Việt Nam: Danh và thực Các nhà toán học thế giới gặp gỡ tại một hội nghị toán học
VN mạnh về Toán: Nhầm!
Rất nhiều người ở VN cho rằng nước ta có một nền toán học mạnh trên thế giới. Nếu tôi không nhầm, báo chí trong nước từng viết "VN là trung tâm toán học đứng thứ 10 thế giới", sau có đổi lại thành "đứng thứ 10 trong số các nước đang phát triển".
Trên thực tế, VN có tổng cộng (tính tất cả các trường ĐH và viện nghiên cứu) quãng trên 1.000 cán bộ nghiên cứu giảng dạy về toán, trong đó chỉ có khoảng 300 người "tích cực nghiên cứu" (theo nghĩa là có công trình khoa học trong thời gian gần đây).
Theo một thống kê gần đây, trong giai đoạn 1995-2004, có tổng cộng 300 bài báo toán của người các nhà toán học VN (ở trong nước) có đăng trên tạp chí quốc tế mà không có đồng tác giả người nước ngoài; nếu kể cả các bài có đồng tác giả người nước ngoài thì con số này được nhân lên quãng 5-6 lần (tính trung bình quãng 150-200 bài một năm).
Tuy nhiên, số bài đăng ở các tạp chí "hạng cao" còn rất ít. Theo một thống kê thì trong 3 năm 2003-2005, ở các tạp chí toán thuộc "top 10" chỉ có đúng 1 bài báo là của một người Việt làm toán trong nước, và nếu điểm qua 30 tạp chí thuộc loại uy tín nhất thì cũng chỉ tìm được quãng hơn một chục bài báo do các nhà toán học trong nước đăng (kể cả các bài có đồng tác giả người nước ngoài).
Để so sánh, ĐH Toulouse (một trung tâm lớn cỡ vừa phải; trên thế giới có cả trăm trung tâm như vậy) có trên 100 người làm toán chuyên nghiệp, mỗi năm công bố hàng trăm công trình, trong đó, có nhiều công trình đăng trong các tạp chí "top 10". Nếu tính về số lượng và chất lượng các công trình toán học thì cả nước VN chưa chắc đã bằng một trường ĐH lớn ở các nước tiên tiến. Theo tôi, nền toán học VN (tính theo đóng góp và ảnh hưởng đến toán học thế giới) vào thời điểm hiện tại chỉ hơn được một số nước Đông Nam Á, những nước rất lạc hậu ở châu Phi, và một số nước rất ít dân.
Sự phát triển toán học hay khoa học nói chung của một nước đi đôi với sự phát triển kinh tế của nước đó, nên chuyện VN nền kinh tế còn yếu và nền toán học cũng còn yếu không có gì mâu thuẫn. Nhưng có những người ở VN hiểu nhầm là VN rất mạnh về toán trong khi kinh tế kém (so với những nước như Nhật Bản không có gì đặc biệt về toán mà kinh tế mạnh !?!) để rồi rút ra kết luận sai lầm là nền toán học VN không đem lại lợi ích gì cho đất nước."Cò gỗ mổ cò thật"
Nói một cách khách quan, nền toán học VN tuy hiện tại còn chưa mạnh so với thế giới, nhưng so với trước đây đã tiến bộ rất nhiều, và trong tương lai chắc sẽ còn tiến bộ nhiều. Trước thế kỷ 20, khái niệm "toán học" hầu như không tồn tại ở VN. Ai có may mắn được học hành, thì cũng học thơ phú, lễ nghĩa là chính. Có lẽ nhà toán học (nói chính xác hơn là nhà giáo về toán) VN duy nhất thời trước thế kỷ 20 có được thế giới nhắc đến là Lương Thế Vinh (1441-1496?) bởi ông có soạn cuốn sách giáo khoa "Đại Thành Toán Pháp".
Vào giữa thế kỷ 20 mới bắt đầu xuất hiện một vài tiến sĩ toán người Việt (du học ở phương Tây). Trong đó có GS Lê Văn Thiêm, bảo vệ Docteur d'Etat (tiến sỹ quốc gia) về giải tích phức ở Pháp năm 1949, người có công đầu trong việc xây dựng nền toán học hiện đại của VN.Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, số lượng người Việt làm toán (theo nghĩa có kết quả nghiên cứu toán học) tăng dần lên từ con số vài người lên đến hàng chục rồi hàng trăm người. Phần lớn những người làm toán Việt Nam hiện nay được đào tào hoặc tu nghiệp ở nước ngoài (các nước xã hội chủ nghĩa cũ hoặc phương Tây). Một số nhà toán học VN đã đạt tầm quốc tế, với hàng chục công trình khoa học đăng trên các tạp chí có uy tín cao trên thế giới, tiêu biểu như GS Hoàng Tụy và GS Ngô Việt Trung.
Có một số người được "dư luận quần chúng" cho là những nhà toán học tiêu biểu nhất VN nhưng lại có đóng góp khoa học ít hơn những người khác.
Có người trình độ "làng nhàng" nhưng báo chí luôn nhắc đến, bởi ngày trước có thành tích cao khi thi HS giỏi toán quốc tế. (Đây là lỗi của một số nhà báo -- người được nhắc đến chưa chắc đã sung sướng gì).
Có người được báo chí lăng xê thành nhà toán học hàng đầu từ khi chưa bảo vệ tiến sỹ. Có người được gắn danh là "người giải được bài toán thế kỷ" trong khi trong giới chuyên môn không ai đánh giá như vậy.
Có vị mang danh "viện sỹ nổi tiếng", "một trong mấy trăm bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ trên thế giới", tự so sánh "cống hiến khoa học" của mình ngang tầm với những nhà toán học tên tuổi như Lobachevsky, trong khi "công trình" của vị chẳng được ai trên thế giới quan tâm đến.
Phần lớn những người làm khoa học thực sự có lòng tự trọng và trung thực trong khoa học. Nhưng có những người giả làm khoa học, "mua danh bán tước" để đạt bằng cấp địa vị .
Ở Liên Xô cũ, trong những năm tám mươi chín mươi của thế kỷ trước, chuyện người Việt "mua bằng", thuê người làm hộ luận án, nghe nói khá phổ biến, và chuyện "bằng rởm" ở VN nghe nói cũng không phải là hiếm.
Hồi tôi học ở Nga (1986-1991), có một anh tốt nghiệp ĐH trong nước được cử sang làm nghiên cứu sinh cùng khoa Toán Cơ trường Lomonoxop. Anh này học kém, đi thi tối thiểu bị thi lại, chủ yếu lo chuyện buôn bán, rồi "mua bằng" từ bằng TS đến bằng TSKH (doctor nauk), những người cùng khoa ai cũng biết chuyện. Về nước được "cơ cấu" vào chức lãnh đạo quản lý khoa học ở một nơi khá quan trọng. Những chuyện "cò gỗ mổ cò thật" như thế thật tai hại cho việc phát triển khoa học ở VN.
Nguyễn Tiến Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét