Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Cần “biện pháp không bình thường” cho nền kinh tế

Cần “biện pháp không bình thường” cho nền kinh tế

Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yếu tố niềm tin trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2013...


Trong điều kiện nền kinh tế không bình thường thì Quốc hội cũng nên cân nhắc “biện pháp không bình thường”, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói với VnEconomy.



NGUYÊN HÀ
Là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa 9 đến khóa 12, tuy đã rời nghị trường, rời vị trí điều hành các phiên thảo luận nóng bỏng về kinh tế, song ông bảo “nhìn thực tế thấy sốt ruột lắm”. Vì, tư duy nhiệm kỳ vẫn rất rõ, mọi thứ cứ “vê” theo yêu cầu ổn định trước mắt, rồi từ đó có định hướng và điều hành theo yêu cầu ấy chứ chưa nhìn xa, nhìn dài và xuất phát từ thực tiễn khi mà đất nước đã và sẽ hội nhập sâu toàn diện vào thế giới.
“Bạn cứ giở lại biên bản ghi âm tại kỳ họp cuối năm 2007, khi đó điều hành thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, tôi đã đưa ra gợi ý là Quốc hội cần thảo luận là tăng trưởng kinh tế làm gì và để cho ai, bởi kinh tế phát triển suy đến cùng phải nâng cao được đời sống thực tế của các tầng lớp nhân dân. Khi đó cá nhân tôi và một số vị đại biểu cũng đã cảnh báo về sự phát triển nóng và tiềm ẩn nhân tố không ổn định. 

Nếu không nặng bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ thì bước vào khủng hoảng 2008 và những năm sau này cũng không đến nỗi đưa ra nhiều giải pháp sốc như thế. Tiếc là ngay ở Quốc hội khi ấy cũng không nhiều ý kiến thảo luận theo gợi ý đó”, ông nói.

Củng cố niềm tin là quan trọng nhất


Vậy còn nghị trường năm 2012 thì sao, cảm nhận của ông trong vai trò “cử tri đặc biệt” thế nào ạ?
Cá nhân tôi thấy nhiều vấn đề chất vấn rồi để đấy, nghị quyết cũng vẫn chung chung.

Năm 2012, theo tôi nghĩ, Quốc hội lẽ ra phải tạo được điểm nhấn bằng các quyết sách cụ thể để góp sức vào ba việc lớn. Một là ổn định đất nước theo nghĩa rộng chứ không chỉ ổn định  kinh tế vĩ mô. Hai là tạo dựng được niềm tin của cộng đồng mà trọng tâm là của doanh nghiệp và người dân. Ba là trong bối cảnh quốc tế hiện nay cần tranh thủ thêm bạn.

Trong đó, củng cố và tăng cường niềm tin của toàn xã hội phải xác định là công việc quan trọng nhất, không chỉ trước mắt mà còn trong dài hạn.

Cần “biện pháp không bình thường” cho nền kinh tế 1Về lấy phiếu tín nhiệm thì nếu đúng như anh Sang nói, không khéo có thể lại xảy ra lợi ích nhóm không chỉ về kinh tế mà về quyền lực chính trị thì việc lấy phiếu bỏ phiếu cũng méo mó.Ông Nguyễn Đức Kiên

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp thì làm ăn khó khăn, doanh số giảm, nợ nần chồng chất. Người dân không hưởng lương thì thu nhập danh nghĩa không tăng. Với người hưởng lương từ ngân sách thì thu nhập danh nghĩa có tăng, nhưng chỉ tăng vào nửa cuối năm, song việc này được định đoạt từ cuối năm trước nên giá tăng và lạm phát đã “xẻo” bớt túi tiền từ đầu năm nên đời sống thực tế không tăng, niềm tin cũng giảm sút.

Bên cạnh đó, đấu tranh chống tham nhũng nói nhiều mà chưa có chuyển biến rõ rệt. Rồi qua bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, cũng có nhiều luồng tư tưởng, quan ngại về nhóm lợi ích…

Trong bối cảnh đó thì cử tri rất mong Quốc hội tập trung bàn thảo và quyết định các chính sách kinh tế làm cho doanh nghiệp và nhân dân dễ thở hơn. Tôi cho rằng trong điều kiện khó khăn, vẫn có thể khoan sức dân, củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp.

Tại kỳ họp thứ tư vừa qua, Quốc hội đã sửa luật phòng chống tham nhũng và quyết định từ năm sau sẽ tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Ông đánh giá thế nào về tác động của những việc làm này đến chỉ số niềm tin?
Luật Phòng chống tham nhũng được sửa đổi thì cũng mới là lý thuyết, nhân dân trông chờ vào sự ra tay trên thực tế. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng từ Chính phủ sang Đảng thì cũng không vì thế mà tức khắc tham nhũng nó sợ rồi nó giảm ngay đâu. Vấn đề là thực hiện từ trên xuống dưới, tránh tình trạng ở dưới chỉ bé là chết, còn bên trên thì ở chừng mực nào đấy thôi.

Về lấy phiếu tín nhiệm thì nếu đúng như anh Sang (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - PV) nói, không khéo có thể lại xảy ra lợi ích nhóm không chỉ về kinh tế mà về quyền lực chính trị thì việc lấy phiếu bỏ phiếu cũng méo mó. Đại biểu Quốc hội phải có thông tin đầy đủ và bản lĩnh vững thì mới bỏ phiếu được chính xác, nếu thuốc không đủ liều thì dễ dẫn đến nhờn thuốc.

Cho nên tôi vẫn nghiêng về quan điểm phải luật hóa văn hóa từ chức. Trong trường hợp người ta thấy không làm tròn trách nhiệm hoặc có vi phạm mà họ từ chức thì mình nên chấp thuận chứ không cần chờ đến lấy phiếu bỏ phiếu.

Nhiều lần tôi vẫn cứ nói là đại biểu Quốc hội phải có kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh. Ba yếu tố này nó hòa quyện với nhau, nếu đại biểu của dân mà không có bản lĩnh chỉ là bức tranh không ở giữa bức tường mà chỉ ở góc tường mà thôi. Đại biểu Quốc hội không đủ bản lĩnh để phản biện, để giảm sát, tranh luận tìm ra chân lý - dù không phải lúc nào chân lý cũng thuộc về số đông - thì đã tự hạ thấp vai trò của mình và của cả Quốc hội. 

Bây giờ Quốc hội đã khá dân chủ rồi, song cũng chưa có việc gì đi đến cùng. Chất vấn chỉ có hai ngày rưỡi, nói nữa không được, hỏi nữa cũng không được. Quốc hội nhiều nước ban ngày không bàn xong thì đêm bàn tiếp, tháng này chưa xong thì tháng sau tiếp tục họp để đi đến cùng. Ở nước mình thì mỗi phần công việc chỉ có bằng ấy thời gian thôi, nên vẫn nặng về hành chính, chưa đi đến cùng các vấn đề.

Cần biện pháp không bình thường


Năm 2013 trọng trách của Quốc hội cũng sẽ rất nặng nề khi phải đưa ra quyết định cuối cùng về sửa Hiến pháp, sửa Luật Đất đai, rồi lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm… Những việc này cũng sẽ được lấy ý kiến nhân dân rộng rãi. Với kinh nghiệm của mình chắc là ông sẽ tích cực đóng góp ý kiến?

Trong một cuộc hội thảo về sửa Luật Đất đai, một số chuyên gia kinh tế cũng đề cập vấn đề đa sở hữu. Tôi nói, nếu bàn ở hội nghị khoa học thì hãy nên đặt ra vấn đề đó, còn nếu hội nghị bàn về cụ thể hóa cương lĩnh thì không nên đặt ra. Sửa Hiến pháp cũng thế thôi, Hiến pháp cũng không thể nói khác cương lĩnh của Đảng.

Vậy còn tình hình kinh tế năm tới, ông nghĩ thế nào về những việc cần làm để tháo gỡ khó khăn nhưng lại không bị phê phán là tư duy nhiệm kỳ?

Gần đây tôi quan sát thấy có động thái nới lỏng vốn đầu tư, trong điều kiện nền kinh tế chủ yếu dự vào vốn thì nới là cần thiết, nhưng phải theo sát và điều chỉnh kịp thời để tránh lạm phát tăng quá cao.

Hai là  cần tập trung nhiều nữa cho nông nghiệp và nông thôn. Từ 2008 đến nay, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, với vai trò rất quan trọng của “rường cột” nông nghiệp. Việt Nam có ba đặc trưng rất rõ. Một là không phải lo lương thực, lúa ta trồng đủ ta ăn. Hai là có sự đan xen giữa công nông và thành thị, con cái đi thoát ly lúc khó khăn có thể chạy về bố mẹ ở nông thôn xin cân thóc mớ rau. Ba là dân ta có truyền thống tích cốc phòng cơ.

Để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và giải quyết vấn đề dân sinh trong năm 2013 thì cốt lõi là yếu tố niềm tin.

Cần “biện pháp không bình thường” cho nền kinh tế 2Đại biểu Quốc hội không đủ bản lĩnh để phản biện, để giảm sát, tranh luận tìm ra chân lý - dù không phải lúc nào chân lý cũng thuộc về số đông - thì đã tự hạ thấp vai trò của mình và của cả Quốc hội. Ông Nguyễn Đức Kiên

Với doanh nghiệp, trong điều kiện nền kinh tế không bình thường, thì cần áp dụng biện pháp không bình thường. Tôi cho rằng ngoài trần lãi suất huy động thì có thể cân nhắc ấn định lãi suất cho vay. Cứ giữ quan điểm thị trường trong thị trường tiền tệ cũng như với các hàng hóa khác thì không nên, nhất là ấn định lãi suất trần huy động mà cho vay thỏa thuận thì cái đó đã là không ăn khớp với quan điểm thị trường rồi.

Tôi còn nhớ Quốc hội khóa 9  hay khóa 10 gì đó đã từng ấn định chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay chỉ có 0,35%. Tất nhiên bây giờ mức chênh lệch có thể khác nhưng vẫn nên cân nhắc áp mức chênh lệch này. Sau này khi nền kinh tế khác đi thì có thể không cần nữa, nhưng lúc này thì nên tính đến biện pháp không bình thường đó.

Giải pháp nữa theo tôi rất quan trọng là các vấn đề về thuế. Quan điểm của tôi là nên áp dụng thuế suất thấp nhưng hạn chế tối đa các đối tượng miễn thuế và được hưởng thuế suất bằng không.

Bên cạnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì cũng nên giảm cả thuế VAT để tăng sức mua của người dân. Chính sách thuế phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đất nước - doanh nghiệp - nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét