Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

(5) hoạt kỳ thủy: tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng tiểu thuyết ngắn đương đại

Thoạt kỳ thủy: tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng tiểu thuyết ngắn đương đại

Tác giả: Nguyễn Bình Phương

 Mười hai giờ kém mười chín. 
    Con cú mèo kêu mấy tiếng nhỏ. Mắt nó đảo thành vòng, cánh co vào, xoãi ra. Nhấn hai chân xuống, con cú tỳ ngực lên mặt nước. Rõ ràng nó biết mình đang ở giữa luồng chảy mạnh nhất. Dưới chân con cú, một chiếc cửa bằng tấm gỗ lim đen bóng. Nước đổ vào đấy, tạo thành dòng xoáy lõm sâu. 
    Hai bên mép đập, bọt trắng dềnh lên, tan ra, lại dềnh lên. Bong bóng nổi, dính vào các đầu tay tre. 
    Ðôi ba đứa trẻ rụt rè chạm chân xuống nước. Chúng thả những con thuyền làm bằng lá sung. 
    Trời nặng, xám, mê man như người hấp hối. 
    Cá vọt lên, sau lại chìm xuống. 
    Rừng bạch đàn mở thành hàng ngang chắn trước mặt. Tầm mắt bị che kín, chỉ còn lại một mảng xù xì, cau có. 
    Con cú hơi ngoái cổ. Chếch phía trái, tiếng mấy con nghé ọ lên, non nớt, hoang mang. Một đụn khói ngoằn ngoèo vươn vào trời. 

    Con cú nhìn thấy một thanh nứa nhỏ lao sát sạt bên mình, phóng vào chân đập, sau đó mất hút trong cái khoáy nước đen thẫm hơn ánh chút xanh. 
    Bè vó đã áp vào sát bờ. 
    Váng mỡ trôi lềnh dềnh thành các thớ vân ngũ sắc. 
    Con cú vẩy mỏ, rùng mình. 
    Không thể dừng lại được. 
    Tiếng nước trầm trầm miên man. Lạnh lùng và bí ẩn. 
    Sáng, Vinh bán cá trên Ðồng Bẩm về bảo đài thông báo có chiến tranh. Ông Bồi không tin. 
    Chiều, dân quân, công an xã tập trung kín sân ủy ban. Ông Sung thông báo có chiến tranh biên giới. Tối mọi người châu đầu vào chiếc đài ô-ri-ông-tông nhà ông Thụy. Giọng phát thanh viên bi phẫn đọc lệnh động viên nhập ngũ. Ông Thụy ngửa lòng tay ngắm ánh lửa cháy bập bùng, thở não ruột: Lại chiến tranh! Ðêm ấy không ai ngủ. Chó không tru. Gió kéo về từng luồng hun hút. 
    Hôm sau, ông Sung đeo súng ngắn, bệ vệ đến từng nhà. Mọi người lảng hết. ông Sung bảo cô Nhai: 
    “Thằng Hóa nhập ngũ đợt này.” 
    Cô Nhai nhảy thách lên: 
    “Không đi đứng gì cả. Nhà tôi có mình nó là con trai.” 
    Ông Sung giải thích đấy là nghĩa vụ. Cô Nhai the thé, mặt trắng bệch: 
    “Em tôi, chồng tôi đi Bê, chết mất xác rồi.” 
    Ông Sung đặt tay lên bao súng, quát như lệnh vỡ: 
    “Tổ quốc lâm nguy, không được thoái thác.” 
    Rồi vứt tờ quyết định lên bàn, bỏ sang nhà khác. 
    Mặt Hưng nở nang, hoạt bát hẳn. Hưng rủ Tính xung phong đi. Bà Liên nói rin rít: 
    “Cậu điên à?” 
    Hưng gật đầu: 
    “Vâng, người em rạo rực quá!” 
    Nhà ông Mịch cãi nhau với ông Sung vì cả hai đứa con phải đi một đợt. Ông Thụy chắn cổng không cho ông Sung vào. Xã nhộn nhạo, căng thẳng. 
    Những thanh niên nhập ngũ tự nhiên thay đổi hẳn. Chững chạc, nghiêm trang hơn, thương gia đình hơn và cũng thêm chút hung hăng. Thằng Hóa đi đi lại lại, thi thoảng vờ chau mày nghĩ ngợi. Thái, Bình con ông Mịch thì hò nhau bổ củi chất thành đống sau nhà. Thanh, suốt ngày đánh cọ rửa nồi cho ông bà Thụy. Thiết ngồi hút thuốc lào dưới nhà ngang, nhìn vợ con, lẩm bẩm: 
    “Tao mà chết, ai nuôi mẹ con mày!” 
    Vợ Thiết sợ, khóc giàn giụa. 
    Dân quân, công an đi tuần quanh xã. 
    Hưng gặp ông Sung xin tái ngũ. Ông Sung không nghe. Hưng xin mãi, ông Sung quát: “Ai nhận thằng tâm thần!” Hưng quắc mắt: “Tôi không tâm thần, tôi là thương binh!” Ông Sung đuối lý, mệt mỏi xua tay. Hưng về, mặt lạnh tanh. Ông Bồi chống gậy đến bảo ông Sung hoãn cho Vinh. Ông Sung cười khẩy. Ông Bồi chìa ra một gói quà nhỏ, bị ông Sung gạt đi. Ông Bồi chán, bỏ ăn, nằm trên bè không cho vợ con vào. 
    Ngày tập trung, ông Sung đọc danh sách, mắt mở to, mặt hí hửng. Cánh đàn bà bu thành vòng tròn quanh những người nhập ngũ. Khi kết thúc, ông Sung thông báo sẽ huấn luyện cấp tốc tại xã một tuần, sau đó lên thẳng biên giới. Mọi người lục tục về. 
    Xe chở bộ đội, pháo cao xạ rầm rập từ Trại Cau đi qua xã. Bụi cuốn mù mịt. Bộ đội ngồi trên thùng, lấp ló sau lá ngụy trang, mặt lạnh lùng. 
    Ông Sung nhờ gia đình bà Liên nấu cơm cho tân binh, sẽ được trả công. Bà Liên đồng ý, ông Phước không. Ông Sung lại gửi người đặc phái viên của tỉnh đội ở nhà bà Liên. Bà Liên chần chừ, ông Phước đồng ý. Cán bộ huấn luyện cho tân binh tên là Nam, trung úy, mặt đầy mụn trứng cá. Tính hỏi ông Sung, nếu đi thì đi đâu. Ông Sung bảo đi đánh nhau. Tính hỏi, chọc tiết à? Ông Sung cười, bảo lên đấy tha hồ mà chọc tiết. Chỉ sợ không có sức. 
    Hiền giúp mẹ nấu cơm, ngày hai bữa. Nồi cơm, nồi canh to vật vã. Củi thì xã cho người chở giúp. Ðến bữa, cánh tân binh dồn vào sân nhà bà Liên để ăn, vừa đứng, vừa ngồi, bát đũa lanh canh, ầm ĩ. Tính há hốc mồm nhìn. Ông Phước trở thành chỗ cho cánh đàn ông mang rượu đến uống. Bữa nào ông Thụy cũng xách sang nửa can năm lít. Tân binh đòi uống, nhưng bị ông Sung cấm ngặt. Ông Mịch vỗ vai ông Phước: 
    “Giá cứ có thằng con như bác lại hay! Ðỡ lo!” 
    Ông Phước cười khà khà tự hào. Cánh đàn bà nhất loạt kéo sang giúp mẹ con bà Liên. 
    Nam ngủ cùng ông Phước. Mắt Nam sáng, miệng nhỏ, tai nhỏ, mũi xám. Nam thích nhìn Hiền. Bà Liên sợ, bắt con dâu quanh quẩn trong bếp. Tối, Nam sang nhà vợ chồng Hiền. Bà Liên cầm đèn sang theo nói to với con dâu: 
    “Mày đang có chửa, ngủ sớm đi!” 
    Nam nhìn Hiền, nhìn bà Liên. Mặt bà Liên sưng tấy lên. Nam ra cửa, nói nhanh: 
    “Em đẹp thế...” 
    Hiền cúi đầu, giũ chăn, đập chiếu ầm ĩ. 
    Sân kho được dùng làm bãi huấn luyện. Nam dạy tân binh cách tháo lắp súng. Ông Sung dạy đánh giáp lá cà. Ông Sung hô một, tất cả đồng loạt bật lê, hô hai, tất cả lao đến xọc mạnh lê vào thân chuối, hô ba, lê được rút ra, bẻ gập lại. Trẻ con bu quanh xem, khoái chí hò hét, rồi bắt chước, lăn xả vào đánh đá nhau. 
    Tính chầu chực suốt ngày để xem. 
    Hưng lảng vảng bên ngoài, thoắt biến thoắt hiện. Ðám người điên đứng thành khối, lặng lẽ theo dõi. Ông Sung đuổi, họ cũng chẳng đi. Hôm thứ ba thì Tính vác dao nhọn ra tập đâm. Ông Sung bảo Nam: 
    “Nó đâm người một lần rồi!” 
    Nam bâng quơ: 
    “Tội nhỉ!” 
    Nam tranh thủ lúc nghỉ, chuồn về nhà Hiền. Nam đang dớn dác, bà Liên hỏi giật: 
    “Gì đấy chú?” 
    Nam ngượng bảo bỏ quên đôi quân hàm. Bà Liên chỉ ve áo Nam: 
    “Nó nhơn nhơn đấy thôi!” 
    Nam chống chế: 
    “Cháu có hai đôi.” 
    Bà Liên bĩu môi quay ngoắt đi. Hiền nép trong bếp nhìn ra, mắt mênh mông dài dại. Ông Khoa gặp Nam run run hỏi: 
    “Tình hình thế nào, chú?” 
    Nam đanh mặt: 
    “Máu chảy đầu rơi. Chết vô kể, ta thắng địch thua.” 
    Ông Khoa vào bếp, thấy Hiền đang khóc ấm ức. Bèn về thắp đèn nhìn ảnh Chúa. 
    Chiếc loa truyền thanh xã bị hỏng bao năm, giờ được đem ra sửa chữa, sử dụng. Vì chạy ắc-quy, tiếng loa rè méo, càng gây ấn tượng cho tin thời sự. 
    Tân binh được ngủ đêm ở nhà. Những lúc ấy, các gia đình trở nên đầm ấm đôi chút. 
    Ông Thụy ít nói hẳn, còn vợ chồng ông Mịch quyết định cho hàng xóm ăn mía thả cửa. 
    Gió lượn trên nước. Ông Bồi hếch mũi lẩm bẩm: “Tết đến đít rồi!” Tiếng ho của ông Phước vọng trong yên tĩnh, dai dẳng, khổ sở. Ông Bồi nghe ông Phước ho suốt đêm mà lòng dạ hân hoan, phấn chấn. Gần sáng, con cú đập cánh một hai lần, sóng nước loang ra mờ mờ bí ẩn. 
    Dân xóm Soi kéo nhau đến chân mép nước, đi thành vòng tròn. Ban mai ngày đông chầm chậm, hoang vắng. 
    Bà Liên nhìn cây đào ngoài ngõ, giật mình. Tết đang đến. Những nụ đào hé ra, hồng phớt, thấp thoáng trong đám lá trắng nhỏ. 
    Ông Sung khó chịu, cho tân binh nghỉ năm ngày ăn Tết. Trưa mùng ba sẽ lên đường. 
    Cả xã đổ đi sắm Tết. 
    Ngày hai chín, bà Liên cùng con dâu gói bánh chưng. Ông Thụy đụng thịt với ông Bồi, cô Nhai, Hưng đụng thịt với gia đình bà Liên, ông Mịch. Con lợn của ông Mịch ba nhăm cân. Lúc vật lợn, Tính sấn lại bảo: 
    “Tôi chọc!” 
    Nói xong, rút phắt con dao nhọn sau lưng ra. Ông Mịch lùi lại, nghi hoặc, nhìn chằm chằm. Hiền vội giật dao, giấu biến đi. Tiếng lợn kêu sốt ruột. Tính chạy lồng từ nhà này sang nhà khác, mặt hăm hở, đắc chí. Một mình bà Liên sang chợ tỉnh mua sắm. Ông Phước dặn với theo: 
    “Mua cho tôi cái quần dày dày vào.” 
    Chiều ba mươi, ai ở nhà nấy. 
    Ðám người điên lại tụ tập ở cột số. Tính đang chẻ củi, vứt đấy, nhảy ra nhập bọn. Không khí rôm rả hẳn. Tính sờ từng người điên như lâu ngày không gặp. Ông Phước đang lụ khụ hong pháo, nhìn theo chửi đổng. Hiền bật cười khanh khách. Bà Liên đặt tay lên bụng con dâu: 
    “Không thấy gì cả?” 
    Hiền cắn môi lảng chuyện khác. Bà Liên thở dài, đơm xôi vào đĩa. 
    Tính co một chân, nhảy cò cò, sau gập lưng, chổng mông bò thoăn thoắt. Ðám điên cẫng lên. 
    Lão điên: 
    “Mưa xiên khoai.” 
    Cô gái Thổ điên: 
    “Một sọt bã mía. Không về thì thôi. Con ơi, ăn bánh. Mẹ thồ trên lưng đây này.” 
    Người điên khác: 
    “Nheo nhẻo nhèo nheo.” 
    Mụ điên: 
    “Chạm vào cỏ trắng... có con chim nâu trong cái nụ hoa nâu...” 
    Thằng điên mới: 
    “Cù nách.” 
    Tính: 
    “Sư chúng mày, bố chọc tiết hết. Sư chúng mày.” 
    Cô gái Thổ điên: 
    “Bò nữa nhé, không nó cướp mất ghế đấy?” 
    Lão điên: 
    “Mưa xiên khoai!” 
    Thằng điên mới: 
    “Cù nách.” 
    Sẩm tối, bóng những người điên lu dần. Tính mệt phờ, về thay quần áo mới. Tiếng dao thớt băm chí chát. Ðôi ba tiếng pháo, đôi ba tiếng chửi bới, gắt gỏng. Ðôi ba người vội vàng lướt đi. 
    Vợ chồng Tính khóa cửa sang ăn bên bố mẹ. Bữa tất niên khá thịnh soạn. Lúc ngồi vào mâm, ông Phước gật gù: 
    “Năm nay khá hơn năm ngoái.” 
    Bà Liên bảo chồng cho mỗi người nhấp một ly rượu mừng năm mới. Ðến lượt Tính, ông Phước rót còn hở đáy chén, đẩy về phía con. Tính run rẩy tợp một hơi, lưỡi vẫn khô. Ông Phước nói to: 
    “Thằng này chơi nhiều, chỉ uống thế thôi. Ăn đi con Hiền.” 
    Cả nhà gắp chéo cánh sẻ cho nhau. Hương thắp trên ban thờ bốc lên, quyện vào mâm ngũ quả, thơm lừng. 
    Ăn xong, bà Liên làm nồi măng, Hiền rang hạt bí. Tính đem ấm chén đi cọ rửa. Ông Phước quét quanh nhà cho sạch. Hiền gọi chồng ra, dặn nhỏ tối nay không được đi đâu. Tính gầm gừ đòi dao. Hiền không chỉ chỗ giấu. Lúc sau đã thấy Tính lôi ở đâu ra con dao, giơ lên cho vợ xem, rồi chạy biến đi giấu. Hiền không dám nói với bà Liên. 
    Ông Phước uống rượu buồn ngủ díp mắt, chờ mãi chưa đến giao thừa, bèn lén lút ra châm pháo, rồi lên giường trùm chăn. Bà Liên điếng người, đành cắn răng bỏ qua. Lúc ấy mới mười rưỡi. 
    Hiền làm xong việc, lúc về, bà Liên đưa cho một bó hương, một đĩa xôi, bảo khi giao thừa phải thắp hương cho bố mẹ. Mặt Hiền hoang vắng. 
    Mười hai giờ. Pháo ran lên. Tiếng nổ của ống đất đèn lộng óc. Năm nay pháo nhiều, mặc dù xã cấm. Tính run lập cập bấu lấy vợ, rồi chui tọt vào giường trùm kín chăn. Hiền đốt xong bánh pháo, quay sang thắp hương lên bàn thờ. Hiền lầm rầm khấn, pháo nổ át đi. Khói hương bay loạn xạ, lênh láng. Tầm hai giờ, Hiền nằm thao thức, chợt nhớ đến ông Phùng, nhổm dậy tìm đến. Tính vẫn ngủ. 
    Ðêm ba mươi đen đặc, lạnh buốt. 
    Lều ông Phùng tối om. Ðến gần, Hiền nghe tiếng ghi-ta trong đêm. Ông Phùng hát, giọng khàn khàn, thê lương: 
    “Không ai đến thăm ta, hờ 
    Sương trắng nối nhau về trời, hờ 
    Rừng đen, rừng đen, hờ 
    Sao người im lặng, hờ 
    Không ai đến thăm ta, hờ 
    Cành khô hoành vào đêm, hờ...” 
    Hiền nghe, lòng dạ tơi bời, rụt rè gọi. Ông Phùng nhô khỏi đêm, bước ra. Hai người ôm nhau... 
    Chợt có tiếng loạt xoạt. Một bóng người lừ lừ đi tới. Ông Phùng run lên, kéo Hiền nấp vào chân cột. Cái bóng đến trước phản của ông Phùng, rút con dao to bản đâm mạnh vào gối rồi lại lừ lừ quay ra. Ông Phùng thì thào: 
    “Thằng Tính, giời ơi!” 
    Hiền bứt khỏi ông Phùng, chạy xiên đường tắt về, thấy chăn còn ấm. 
    Sáng mùng một. 
    Pháo lại nổ ran. Hiền mặc áo mới, chải đầu cùng chồng sang nhà bố mẹ. Bà Liên đem tiền mới ra mừng tuổi cho mọi người trong gia đình. Hiền cũng mừng lại ông Phước, bà Liên. Tính vọt ra đường. Bà Liên cùng Hiền bóc bánh, xào nấu, ăn sớm để đi chúc Tết. Sân ướt lép nhép, hoa đào rụng hồng gốc cây. Bà Liên hỏi con dâu có sang phố không. Hiền lắc đầu. Ông Bồi khập khễnh chống gậy sang. Ông Phước trốn vào buồng, bà Liên phải tiếp. Chưa uống hết chén nước, ông Bồi ca cẩm: 
    “Thằng giời đánh nhà tôi, lúc giao thừa, loắng quắng thế nào, lại đánh rơi bánh pháo xuống nước. Xúi quẩy quá.” 
    Bà Liên gượng gạo an ủi. Hiền không nhịn được, ra thềm ôm bụng cười. Lúc ngẩng lên, thấy bọn người điên vơ vẩn rìa mương, mặt mày ngơ ngác. Hiền lén vào bếp bê đĩa bánh chưng ra, đặt lên thành mương. Những người điên ngập ngừng một lúc, rồi lần lượt từng người rón rén đến lấy. Hiền bảo ăn đi, đừng sợ. Những người điên nhìn Hiền đăm đăm, mắt long lanh. Hiền xua những người điên về, Tính từ đâu xộc đến quát: 
    “Ai cho chúng mày ăn bánh nhà ông!” 
    Quát xong bèn xông vào, mặt dữ tợn. Cánh điên lảng hết. 
    Trẻ con mặc áo mới rồng rắn sang phố chơi. Bà Thụy vẫy tay ngăn: “Chiến tranh thế này, ai người ta tổ chức hội hè mà sang. Về đi!” 
    Ông Sung khoác bộ ka-ki Tàu phẳng phiu, đeo súng lục trễ hông, xênh xang chúc Tết các nhà. 
    Tới cổng, ông Sung đứng nghiêm nói với ông Phước: 
    “Năm mới chúc gia đình an khang, thịnh vượng.” 
    Ông Phước chưa kịp đáp lễ, Tính đứng cạnh liền vỗ vai ông Sung: 
    “Thằng này khá!” 
    Ông Sung chửi: 
    “Cha mày, hỗn.” 
    Ðang nói chuyện thì cô Nhài, ông Mịch sang. Ông Sung xin phép đi. Bà Liên giữ lại ăn cơm. Ông Sung cố ý nói to: 
    “Dào ơi, cơm với nước gì. Sáng nay tôi nhận lời hai ba đám rồi. Họ mời tha thiết quá!” 
    Ông Mịch nhìn theo ông Sung, bĩu môi nói với cô Nhài: 
    “Lão ấy chó nó mời.” 
    Trưa, bà Liên hỏi Hiền về ông Phùng. Hiền lắc đầu. Bà Liên chép miệng bảo con dâu mang cho ông Phùng một chiếc bánh, một khoanh giò. Hiền chối đây đẩy. Bà Liên thở ra nhẹ nhõm, tự mình đi. Hiền nhìn theo mẹ, lo lắng bồn chồn. Ông Phùng đang ngủ, thấy bà Liên đến, liền chồm dậy. Nhận quà của bà Liên, ông Phùng cảm động, lắp bắp không thành lời. Bà Liên lén lút quan sát ông Phùng. Câu chuyện giữa hai người rời rạc, chiếu lệ. Thi thoảng ông Phùng lại ngúc ngoắc vai, đầu rũ xuống. Bà Liên nói mùng ba tân binh phải đi, ngày ấy rất xấu. Ông Phùng thủng thẳng bảo: 
    “Lão Sung máu lạnh. Ghê gớm lắm.” 
    Chưa dứt lời, Hưng xộc vào, mặt đỏ tưng bừng. Ông Phùng giật thót tim. Mặt Hưng quái dị, lộ đầy hung khí. Bà Liên tránh sang, nhường chỗ cho Hưng. Ông Phùng run lập cập. Hưng suồng sã nói bô bô: 
    “Năm mới, chúc bác đại thọ.” 
    Ông Phùng không biết đáp lễ thế nào, chỉ ậm ừ trong cổ. Bà Liên về. Hưng nhìn theo nhận xét bà Liên trông như rắn hổ mang. Ông Phùng xua tay ngắt lời. Ông Phùng chưa kịp pha nước mời khách, Hưng đã lăn quay ra ngủ. Ông Phùng thấy mồm Hưng ngáp ngáp. 
    Càng về chiều càng lạnh. Không khí nặng nề. Hoa đào ánh lên chút hồng, lạc lõng quái dị. 
    Cánh thanh niên nhập ngũ tranh thủ sang phố chơi. Lúc về cười nói ầm ĩ. Hóa uống rượu, mặt đỏ rực, khoác vai Thái, Vinh nghêu ngao hát. Thanh thủ pháo với thuốc lá đầy các túi quần. Tính lẽo đẽo theo cánh thanh niên lang thang khắp ngõ ngách. Ðến chỗ nào cũng gặp trẻ con đánh đáo. Hóa quay sang trêu Tính: 
    “Mày không được đi chọc tiết như bọn tao. Nhục!” 
    Tính gục đầu tuyệt vọng. Chanh Linh chúm môi chọc nách Tính: 
    “Cho tao sờ vợ mày nhé!” 
    Hiền nghe thấy, xấu hổ bảo mẹ gọi Tính về. Bà Liên không nghe, mãi nghĩ tận đâu đâu. Mặt bà Liên hồng hào khác thường. Hiền lừ lừ đem một cái áo ra sau nhà băm nát nhừ. 
    Cơm chiều xong, Tính về lấy dao ra mài. Tính đưa tay trỏ mâm mê đầu dao, mũi hít hít. Hiền giằng lấy. Tính giật lại, chạy đi giấu biến. 
    Ðêm ấy, Tính ngủ mê mệt, không ngáy, không rên, không trở dậy. Hiền lôi hộp dao cạo râu lấy trộm ở ba-lô của Nam ra ngắm nghía, chốc chốc lại thở dài. Ngoài sông, con cú vật cánh oành oạch. 
    Gần sáng, Hiền cảm giác có nhiều bước chân rón rén đi ngoài sân, không dám mở cửa xem. 
    Mùng hai. 
    Pháo lại nổ ran. Nắng đến một chút rồi đi. Trời xám, ẩm ướt như cũ. 
    Cánh thanh niên đồng loạt mặc quân phục ra đường chơi. Xã xanh rờn, nhốn nháo. Ông Mịch cùng mấy người đến nhà ông Sung, xin hoãn đến mùng bốn đi. Ông Sung bảo đấy là lệnh của trên. Ông Thụy im lặng từ đầu, lúc ra cổng, chửi vỗ mặt: 
    “Mày định thí mạng con cháu chúng tao phỏng?” 
    Ông Sung thanh minh rằng trưa mới đi, lúc ấy đã hết giờ xấu. 
    Chiều. Nam từ nhà sang, hông đeo kè kè súng lục, mũ áo, quân hàm chỉnh tề. Hiền ngắm trộm Nam, lòng ngợp lên. Nam nói chuyện với bà Liên, ông Phước rằng bên thành phố có lính đào ngũ. Ði đâu cũng thấy kiểm soát quân sự. Ông Phước nhận định thế là đánh nhau khá ác liệt. Hiền sang. Nam nhìn như nuốt lấy. Trong bữa ăn, Tính không thích ngồi cạnh Nam. Bà Liên để ý, thấy Hiền gắp cho Nam món gì, Nam đều khen ngon. Tan bữa, ông Phùng sang chúc Tết. Ông Phước, bà Liên tiếp khách. Nam theo Hiền dọn mâm xuống bếp, trông trước sau không có ai, liền cầm tay Hiền. Hiền rụt tay lại, xây mặt đi. Nam nói, buồn rượi: 
    “Tôi vừa bỏ vợ xong.” 
    Có ba chiếc Gát 66 về chở tân binh. Trẻ con chạy ra, tranh nhau trèo lên thùng. Nam tìm ông Sung, nhờ bố trí chỗ ăn ngủ cho cánh lái xe. 
    Trời sầm lại, lây rây mưa. Trong mưa, le lói chút nắng. Pháo nổ thưa thớt, thót nhói. 
    Hưng sang nhà ông Mịch chúc Tết, thấy hai khẩu súng dựng đầu hè, lén xách một khẩu, men theo vườn mía, chuồn về. Nhà ông Mịch nháo lên, báo cho ông Sung. Ông Sung đánh kẻng báo động, tập trung xã. Ðiểm mặt, thấy thiếu mỗi Hưng. Ông Sung khẳng định Hưng lấy. Xộc đến nhà gọi, Hưng mở cửa. Ông Sung lục tìm, không thấy, hầm hầm quay ra. Hưng cười bí ẩn. Khẩu súng ấy, Hưng đem giấu ở bãi Nghiền sàng. 
    Ðêm xuống, không còn ai đi chơi. Mọi nhà đều châu vào chuẩn bị, dặn dò con cái. Ông Sung lồng lộn cùng dân quân săm soi từng bụi cây, hốc đá. Bà Liên nhét vào ba lô của Nam ba chiếc bánh chưng. Lựa lúc thân tình, bà Liên khuyên Nam nên giữ mình. Nam thờ ơ gật đầu. Chơi một lúc, Nam lấy cớ sang xem anh em chuẩn bị, liền ghé vào nhà Hiền. Tính đi vắng. Nam sấn lại ôm Hiền. Hiền gạt ra, sau lại ghì đầu Nam vào ngực mình. Nam dằn Hiền xuống nhưng bị Hiền đẩy ngã. Nam đứng dậy, thu hai tay vào ngực, mặt buồn rượi. Hiền tấm tức nói: 
    “Em khổ lắm rồi. Anh về đi!” 
    Nam về. Hiền sang ông Phùng. Ðang nói chuyện, ông Phùng vỗ đùi: 
    “Mai thông báo kết quả thi truyện ngắn, có lẽ tôi được.” 
    Vừa nói, ông Phùng vừa vuốt dọc cơ thể Hiền. Rồi ông Phùng chép miệng: 
    “Tôi già rồi!” 
    Ông Phùng bảo mai sẽ sang phố, vừa chơi vừa nghe ngóng kết quả. Nếu được giải, nhận xong, ông sẽ về Hà Nội. Ông Phùng chia tay Hiền ở đầu bãi sắn. Lúc Hiền quay đi, ông Phùng kêu to: 
    “Hiền ạ, tôi sẽ về quê!” 
    Hiền vừa đi vừa khóc. Xa xa, tiếng quát tháo của ông Sung vọng trong đêm. Hiền về thấy chồng đã ngủ. 
    Ðêm ấy, cả xã thức. Không khí là lạ, khó chịu. Tính mơ, chân tay giãy đạp. 
    Hiền khoác thêm áo, ra bờ sông đã gặp Nam ở đấy. Hiền ngồi xuống bên cạnh, người Nam run lên. 
    “Anh không ngủ à?” 
    “Không. Tôi bồn chồn quá!” 
    “Em cũng thế.” 
    “Hiền này, mai tôi đi rồi...” 
    Im lặng. Sương lên, trắng, xoắn xuýt. 
    “Chả biết có về được nữa không.” 
    “Anh đừng gở mồm. Em về đây.” 
    “Hiền ơi!” 
    “Có ai thấy, họ lại nghĩ...” 
    “Chẳng ai thương tôi cả!” 
    “Chị ấy làm gì?” 
    “Dạy học.” 
    “Con cú kia, anh thấy không?” 
    “Có!” 
    “Mùi gì thối nhỉ?” 
    Im lặng. Chó sủa rộ phía chân núi. Bè vó ông Bồi vẫn áp sát bờ. 
    “Hiền ơi, bao lần tôi định nói với Hiền...” 
    “Các anh đi thẳng à?” 
    “Ừ, đi thẳng!” 
    “Sao lúc tối, anh liều thế?” 
    “Tôi chẳng biết!” 
    “Lên là đánh nhau luôn à?” 
    “Ừ! Ðánh luôn.” 
    “Anh chia tay với chị ấy rồi à?” 
    “Chia tay rồi. Hiền này...” 
    “Ở đây có con rắn cạp nong đấy. Trông nó vừa sợ vừa đẹp. Anh phải giữ mình.” 
    “Vì sao?” 
    “Em không muốn anh chết...” 
    “Hiền...” 
    Trời sáng, Hiền bỏ về. Nam ngồi lại một mình. Hiền vào nhà, Tính còn ngủ. Hiền nhòm cửa sổ, thấy Nam vẫn ở đấy, lưng khòng xuống, hai tay bưng mặt. Hiền cũng bưng mặt. 
    Mùng ba. Mọi người dậy sớm lịch kịch nấu nướng. Hoa đào đỏ rực sau một đêm. Cỏ non xanh chân hàng rào. 
    Hưng đóng cửa, lén lút ra chỗ giấu súng. 
    Ông Sung vẫn nghi Hưng, cho dân quân đến gọi, không thấy. Ông Sung bảo: 
    “Nó trốn, tìm mau lên.” 
    Trời vẫn xám. 
    Bà Liên bảo ông Phước sang chia tay với những người đi sáng nay. Ông Phước chẳng nói chẳng rằng đến thẳng nhà ông Thụy. 
    Bà Liên ngồi một mình, dáng bồn chồn, hết sửa khăn trải bàn, lại vun gọn đĩa hạt bí. Lúc sau, chú Mười vào chúc Tết. Chú Mười ăn mặc bảnh bao, đầu đội mũ công nhân xanh, chân đi giày ba-ta viền sọc trắng. Bà Liên luống cuống ra mặt. Chú Mười hỏi, bà Liên bảo: 
    “Nhà tôi sang hàng xóm.” 
    Chú Mười bâng quơ: 
    “Chị ăn Tết vui không?” 
    Bà Liên rót rượu, mời bánh kẹo. Khi vào buồng lấy mứt, bà Liên tranh thủ sửa lại quần áo đầu tóc. Chú Mười nhìn bà Liên đầy ngụ ý. Mặt bà Liên thoắt bừng lên, thoắt tái đi, rồi đanh lại. Chú Mười rót thêm chén nước, bưng cho bà Liên. Chú Mười chạm vai bà Liên, chạm lưng, chạm cổ. Bà Liên nhủn người. Chú Mười ôm choàng lấy bà Liên. Bà Liên đỏ mặt kêu khẽ: 
    “Ơ... ơ.” 
    Chú Mười càng ôm chặt. Bà Liên giãy giụa, mắt dè chừng ra cửa. Chú Mười luồn tay, bế bà Liên đặt xuống nền nhà. Bà Liên giãy: 
    “Khỉ ạ, nhỡ người ta thấy!” 
    Chú Mười cười hì hì, đè ập lên bà Liên. 
    Hiền xộc vào, nhìn hai người đang mê mải, mặt từ ngạc nhiên, chuyển sang đờ đẫn, rồi ngoắt đi. 
    Hiền đứng cổng, thấy ông Phước về, bèn ngăn lại: 
    “Bố chưa sang chúc tết nhà ông Mịch.” 
    Ông Phước gật đầu, quay đi tiếp. Lúc sau, chú Mười lén lút ra, vờ như không thấy Hiền. Quanh quẩn ở bếp xong, Hiền vào nhà. Bà Liên đang ngồi thất thần, mắt nhìn xuống chân. Hiền sán lại ôm vai bà Liên: 
    “Trông mẹ trẻ ra đây này.” 
    Bà Liên cười gượng gạo. Hai mẹ con sang lão Quyên chúc tết, sau đó Hiền về đun nước tắm. 
    Mọi người tụ lại ở cột số, nơi ba chiếc Gát 66 đỗ. Ông Sung đang bàn bạc với Nam, mặt căng thẳng. Lúc sau, ông Sung nói to: 
    “Bao giờ tìm thấy súng thì đi.” 
    Dân xã dãn ra. Ông Sung dẫn một tốp, Nam dẫn một tốp, cùng đi tìm Hưng. 
    Bãi Nghiền sàng. 
    Hưng nằm dưới bụi cây Cậm cam, báng súng tỳ má, mắt nhắm tịt một bên. Hơi đất bốc lên đọng lại ở bụng Hưng, bết thành mảnh. Hưng rê nòng súng vào giữa thân cây duối, ngắm kỹ. Chán, Hưng nằm vật xuống thở. Núi Hột lờ đờ sương trắng. Hưng dỏng tai, nhổm dậy. Có tiếng trẻ. Bốn đứa trẻ đi cắt cỏ cho trâu. Thằng Tuân, thằng Cu sứt, con Lĩnh, thằng Nhân. Hưng nâng súng, rên nòng theo bóng thằng Cu sứt. Ðầu ruồi chia vạch giữa mang tai thằng bé. Hưng thở dài siết cò. Nhưng ngón tay cứng đơ không chịu co lại. Cu sứt khuất sau thân duối, Hưng hạ súng, bứt cỏ cho vào miệng nhấm nhấm, đầu óc miên man. 
    Ông Phùng quyết định sang ông Thụy mượn đài. Trên đường về, ông Phùng hí hửng áp đài vào tai, dò sóng phát thanh của tỉnh. Ông Phùng lục tiền ra đếm. Số tiền đủ mua bộ com-lê loại rẻ. Quanh quẩn thu dọn đồ đạc, ông Phùng lẩm bẩm: “Cần mặc com-lê, cần mặc com-lê khi nhận giải.” 
    Ông Phùng sang phố, đi tắt qua bãi Nghiền sàng, tay áp chặt đài vào tai. Lúc ấy đang chương trình ca nhạc bằng tiếng Tày, giọng hát thê lương rờn rợn như đưa ma nhưng ông Phùng nghe vẫn thấy vui. Ðang đi, ông Phùng bị ông Sung chặn lại hỏi có thấy Hưng không. Ông Phùng lắc đầu, miệng lẩm nhẩm: “Không thấy, tôi đi mua com-lê.” Ông Sung lại dẫn cánh tân binh đi tiếp. 
    Thằng Chanh lên đạn sẵn, mặt đằng đằng sát khí, ghé tai Hóa: 
    “Ông Sung bảo, nếu chống cự thì cho bắn.” 
    Hóa rùng mình đi tụt lại. Lùng sục một lúc, thằng Vinh bíu tay ông Sung: 
    “Cho cháu về một tý.” 
    Ông Sung quắc mắt: 
    “Ðể làm gì?” 
    Vinh ngượng ngập, lúng búng trong miệng: 
    “Cháu đi ỉa.” 
    Ông Sung không cho, bắt Vinh đi đầu tiên. Hết mấy khu hủng, vào bãi sắn, không thấy gì, ông Sung quyết định ra sục bãi Nghiền sàng. 
    Tính lẵng nhẵng bám theo, lưng cộm lên mũi dao. Ông Sung đuổi, Tính không về. Mọi người lỉnh kỉnh súng ống. Thi thoảng thằng Dần lại thúc mũi súng vào lưng Thái. Nam đến trợn mắt đe: 
    “Nó cướp cò, đồ ngu!” 
    Ông Sung bảo Nam vòng phía trái, mình sẽ cùng anh em xộc thẳng vào giữa bãi. 
    Bà Liên đứng túm tụm cùng cánh đàn bà ở cạnh xe ô-tô. Mọi người căng thẳng chờ đợi. Ông Khoa bảo bà Châu Cải: 
    “Sao cậu ấy lại thế nhỉ?” 
    Bà Châu nhả bã trầu, vuốt mép không đáp. Ông Phước mặt đỏ gay nói oang oang: 
    “Thế là thằng ấy đi đứt!” 
    Bà Liên vặn các đốt tay khùng khục. Mấy ngày không đập đá, tay bà đâm cứng, nhức đỏ. 
    Cánh lái xe hì hụi thử máy. Tiếng xe rú vang trời, khói tuôn ra khét lẹt. 
    Tính lùi dần khỏi cánh tân binh. Lúc định quay về chỗ cột số thì những người điên đến. Tính chạy ùa lại. 
    Bần thần. Mặt những người điên bần thần. Họ ăn mặc gọn ghẽ, mắt thoáng chút mơ màng. Tính đứng giữa, những người điên vây tròn. 
    Gió nhẹ, mỏng và sắc. 
    Không khí dãn ra một chút. 
    Tiếng ông Sung gọi Hưng loáng thoáng phía trái. Hai con chó đen đuổi nhau chạy vùn vụt qua bãi. 
    Lão điên nhìn lơ đãng vào mắt Tính. Người đàn bà điên khòng lưng bện thoăn thoắt búp bê. Một ông điên tự xoắn tai mình. Cô gái Thổ điên xốc lại quần. Mụ điên vặt tóc mình từng túm. 
    Tính đưa cả bàn tay vào mồm. 
    Sắp đi cả rồi. Chuẩn bị chọc tiết anh Hưng để ăn Tết rồi. Vú chảy máu rồi. Sương lên này, lên này. Mắt chó vàng như trăng. Nó nằm sau lưng. Nó cháy đùng đùng. Nó thiêu chết bao nhiêu lợn, bao nhiêu cú. Ðấy, dưới Ao Lang đấy. Dưới Ao Lang rượu của bố sủi tăm đấy. Lăn tăn bằng mắt ma, bằng mắt trâu, bằng mắt ông Ðiện. Cô Nheo mếu, mẹ nhỉ? Xong rồi, bảo anh Hưng nhe nanh chui vào lò rèn, cắn cổ than cho nó chảy máu đỏ rực. Nung lên để đốt. Nó nổ nhá, nổ suốt đêm. Sau thì ngủ, thì dắt đi, dắt cây đi. Ði xanh lè... 
    Sao lại không được đi chọc tiết? Cha mày, hỗn. Trăng đen trôi, trôi qua gáy anh Hưng. Chú Mười yêu mẹ mày đấy. Một con chó, ba con mèo mắt lồi trắng dã chở chúng nó đi chọc tiết, máu lênh láng đầy trời, đầy đất, ngập tận cổ, bố gánh về tưới rau. Ông Bồi cất lên toàn cá đỏ. Cẩn thận đấy. Chúa tha tội cho chúng ta cháu ạ. Bện xong lại vặt. Chúa bện xong người lại vặt. Một con chó, hai ba con mèo cái, mả mẹ mày. Ngu! Ðừng vặt, nó chết mất còn gì. Ðừng vặt... 
    Tính vụt đến, vung tay giật con búp-bê của mụ điên, mụ ta gào lên the thé. Tim Tính thót lại, tay run run đưa con búp bê rơm lên miệng cắn. Tính day một lúc đầu búp bê rời ra, những sợi rơm lòng thòng. Mụ điên ôm mặt. Lão điên cười hồ hởi. Cô gái Thổ điên vùng múa, tóc rối bời. Ðám người điên nhốn nháo. 
    Cổ dai lắm, chọc tiết thôi, anh Hưng ạ! Chẳng thấy nó khóc gì cả. Máu cũng khô thành sợi. Nó đứt đầu rồi, nó rồng rắn đi tìm anh Hưng. 
    Làm đếch gì được. Chúa cái con khỉ. A! Ông Khoa cười mếu nhé. Cười mếu. Cứ nở ra, nở ra giữa những đụn khói. Bố không có. Ba con chó mở to mắt như cú mèo, thét lên làm rung núi, đá lăn xuống đầu, lăn từ trên đỉnh, ầm ập chảy vào gan bàn chân, chóng mặt, vun vút mở những sợi nhiễu, mất tăm vào mắt Hiền. Hiền về thì về đi, trăng đến rồi, đang đến, chậm rãi, lập cập làm người tôi lục bục lắm. Máy bay đấy! Ðồng bào chú ý, chú ý. Bà Ất không bán chịu, bố đành gặm chén gọi trăng lên. Trăng đen, trăng vàng, mày to bằng quả bưởi, bằng cái nồi, bằng cái mâm, bằng cái hủng, mày che hết tất cả tã lót làm tao rét. Sau đó thì tao nấp vào đám lá cơi. Nó bắc loa gọi dọc sông “A-lô bố cu Việt Minh, mau ra hàng, không quan bắn chết”. Sợ nhỉ, ông Thụy nhỉ, mụ ấy nhà tao sợ vãi đái. Nó bắt được, treo lên cọc Treo thế, không sợ hổ nó bới lên ăn, chừa độc cái đầu. Nhìn vào chuồng lợn nhà Lanh lác, thấy nó ngủ, nó sốt rét ông Thụy mà lị. Xong rồi, xong rồi bỏ đi. Hiền cười khì khì. Anh Hưng thấy Hiền đen đen. Phi lao bạch đàn cũng đen tuốt tuột bên kia sông. Mắt chó vàng như trăng. Nó mọc ở cổ ông Khoa. Chú Mười hỗn, phạt, uống thế thôi. Cứ cấu người ta, bắt người ta nhìn hai con chó dính nhau ở bãi đá. Cành cạch. Cành cạch. Trinh là tóc, trinh là tóc, là tóc, tóc... sao mẹ lại đẻ ở nách. Anh Hưng không thích mình được đẻ. Phải đi tìm công cống, cưỡi lên, đuổi chọc tiết thằng Chanh Linh. Ai bảo nó lấy thịt nhà mình. Anh Nam rờ vào cổ Hiền, cười tít. Leo ơi, chúng mày cười gì thằng kia... 
    Tính đạp thốc vào lưng lão điên, khiến lão ngã sấp mặt xuống đất. Mắt Tính đỏ hoe soi vào mắt thằng điên. Mắt những người điên mơ màng, cánh mũi họ nhúc nhích đánh hơi. 
    Lão điên: 
    “Mưa xiên khoai.” 
    Cô gái Thổ điên: 
    “Lấy lõi của bà, mày chết.” 
    Mụ điên vung con búp bê bện bằng rơm lên: 
    “Nó hót vào giấc mơ của trăng.” 
    Tay mọc đầy rêu. Mặt mọc đầy rêu. Răng mọc đầy rêu. Mắt mọc đầy rêu. Ai lấy ngô mà đòi? Con cú cho bao nhiêu bánh nhá. Mẹ mày. Bố mày có áo mới. Hiền mua đấy. Ông Phùng tưới cho Hiền liên tục. Treo Hiền lủng lẳng trước lều. Cháu giật đổ. Lớn lên, con này đẹp nhất trần đấy. Lấy nó đi. Thế mà vẫn cười. Cười xong ra bãi cỏ chọc tiết. Ngứa lắm. 
    Mụ điên: 
    “Bã mía. “ 
    Người điên khác: 
    “Sục sâu xuống, sục sâu xuống, sục sâu xuống mới có cá. Nhấc giậm lên. Nhấc lên, hề hề, nhấc cả mõ nữa, hề hề...” 
    Thằng điên: 
    “U chẳng biết gì sất.” 
    Một người điên: 
    “Ôi giời, não ruột quá đi mất. Giá thử đừng có ăn lương khô thì chẳng thế. Ôi giời, não ruột quá đi mất. Ôi giời...” 
    Thằng điên mới: 
    “Cù nách.” 
    Lão điên: 
    “Mưa xiên khoai cơ mà. Mưa xiên khoai.” 
    Cô gái Thổ điên: 
    “Mí lỏng à, nó chẳng đặt bánh chưng nữa. Ra mương đi.” 
    Tính: 
    “Mẹ chúng mày, tao chọc tiết hết. Trăng đen này. Ông Sung đến đấy.” 
    Thằng điên: 
    “Ðâu đâu, chó à, đâu đâu?” 
    Mụ điên: 
    “Chạm vào cỏ trắng, se sẽ hiện về...” 
    Tính: 
    “Ra bãi Nghiền sàng đi, chúng mày.” 
    Thằng điên mới: 
    “Cù nách.” 
    Một người điên: 
    “Ôi giời, não ruột quá đi mất. Ôi...” 
    Tính: 
    “Nhảy đi, thằng kia. Tao có cái kéo vàng vàng xanh xanh.” 
    Thằng điên ngoắt người, nhún hai chân như sắp bay. Cô gái Thổ điên cười nắc nẻ. Mụ điên lụi cụi bện lại búp bê. Tính ngồi phệt xuống, mặt chảy xệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét