Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Xe chính chủ nhìn từ nước Anh


Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com

Cảnh sát sẽ kiểm tra việc chuyển nhượng sở hữu xe trong khi luật sư nói điều này trái luật

Vấn đề xe chính chủ và khoản phạt khoảng một triệu đồng đối với xe máy và có thể tới 10 triệu đối với ô tô không chính chủ trở thành đề tài nóng bỏng ở Việt Nam trong hơn một tuần qua.

Cư dân mạng lồng tiếng vào video có nhân vật Hitler trên mạng YouTube trong đó "trùm phát xít" xỉ vả không tiếc lời "trùm giao thông" Đinh La Thăng. Rồi có người lên Facebook nói "cái gì không chính chủ cũng sẽ bị phạt, chỉ có Hoàng Sa không chính chủ là không bị phạt".

Sau cơn thịnh nộ của nhiều người dân, các luật sư đã giải thích rằng hành vi bị xử phạt là đối với "hành vi không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật" chứ không chỉ đơn thuần là điều khiển xe không chính chủ. Hơn nữa một luật sư cũng nói cảnh sát không có quyền bắt người điều khiển giao thông phải chứng minh xe của họ chính chủ.

Báo chí Việt Nam nói có tới 30-40% lượng xe đang lưu thông là xe không chính chủ.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo nói rằng Nghị định 71 trong đó có quy định về xử phạt xe không chính chủ có những điểm "mâu thuẫn với văn bản khác" và ông khuyên Chính phủ nên dừng phạt trong thời gian từ sáu tháng tới một năm để người dân chuyển đổi sở hữu.

Theo đăng tải của VnExpress, bản thân ông Thảo cũng thừa nhận gia đình ông cũng đi xe không chính chủ khi nói:

"Ôtô của gia đình tôi mua lại của người khác nhưng có hợp đồng công chứng theo quy định, có nộp tiền thuế.

"Tôi có quyền thay mặt chủ đó giao dịch dân sự như bán, vay ngân hàng...

"Nếu có quy định và gia hạn thời gian, tôi sẵn sàng đi chuyển chủ đúng tên mình để tránh phiền phức."

Như vậy có thể thấy các thủ tục hành chính trong vấn đề sang tên đổi chủ vẫn có những nét mà người dân thường nói rằng "hành là chính" dẫn tới tình trạng khoảng một phần ba chủ xe hiện nay không phải là chính chủ.

Các chủ phương tiện giao thông cũng phàn nàn về điều mà báo chí nói là mức lệ phí cao, trị giá 1% đối với xe máy và 12% đối với xe hơi, khi thay tên đổi chủ.

Chủ xe và trông xe

Khi còn ở Việt Nam, tôi mua xe máy mới nên tôi chính là chủ xe.

Khi tôi bán xe vào đầu năm 2010, tôi có viết giấy bán nhưng có nhiều khả năng người sở hữu xe hiện vẫn để tôi là chính chủ như một phần ba số người sở hữu xe khác và chính chủ hiện đã ở Anh.

Tới Anh, cả ba xe hơi mà tôi sở hữu từ năm 2002 tới nay đều là chính chủ cả (với giá của hai chiếc xe đầu tiên (Volkswagen Golf và Ford Mondeo) là 600 và 3000 đô la Mỹ, không đắt hơn là mấy so với chiếc Dream trước đây của tôi).

Xe sang tên đổi chủ tại Anh không phải trả bất kỳ khoản lệ phí nào và thủ tục vô cùng đơn giản.
Trong các giấy chứng nhận người đang giữ xe đều có một mục để người giữ xe mới điền tên vào và gửi đi bằng đường bưu điện tới cơ quan đăng kiểm.

Khoảng một tuần sau người giữ xe mới sẽ nhận được giấy tờ với tên mình.

Nước Anh dùng khái niệm người giữ xe thay vì chủ xe. Nếu người giữ xe cũng đồng thời là người có hóa đơn thanh toán trả tiền thì họ đồng thời là chủ sở hữu.

Nhưng cũng có thể một người trả tiền và giữ hóa đơn nhưng cho người khác đứng tên giữ xe.

Như vậy người giữ xe không nhất thiết là chủ sở hữu mặc dù họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về chiếc xe đó.

Vắng bóng cảnh sát

Những tranh cãi hiện nay ở Việt Nam không thể nào xảy ra tại Anh.

Đơn giản là chỉ có người giữ xe mới có thể hàng năm mua được bảo hiểm và đóng được thuế đường, hai điều kiện cần để xe lưu hành bên cạnh chứng nhận kiểm tra xe định kỳ.

Cảnh sát tại Anh sẽ chẳng bao giờ yêu cầu người giữ xe chứng minh là họ có phải là người giữ xe không. Nếu họ muốn kiểm tra, họ có thể gọi về một số điện thoại và sẽ có mọi thông tin cập nhật nhất về xe đó.

"Người Việt Nam tới Anh có lẽ sẽ ngạc nhiên vì trên đường vắng bóng cảnh sát giao thông vì phần việc của họ do camera đảm nhiệm."

Mới đây nhất cơ quan đăng kiểm gửi giấy báo nhắc tôi thuế đường sắp hết hạn và cho một mã số để gia hạn qua mạng internet. Khi tôi nhập mã số đó vào, máy tính sẽ kiểm tra xem xe có bảo hiểm và chứng nhận kiểm tra định kỳ chưa. Vừa rồi tôi chưa kịp cho xe đi kiểm tra, vậy là ngay lập tức phải đưa xe đến garage để sau đó mua thuế đường.

Tại Anh, người bán xe cũng sẽ không bao giờ để người giữ xe mới cho xe lưu hành với giấy tờ có tên mình. Đơn giản là họ sẽ phải nhận mọi loại giấy phạt cho các lỗi mà người đi xe gây ra, từ đi quá tốc độ tới đi vào làn đường của xe buýt, đỗ xe sai quy định hay đi vào khu trung tâm London mà không trả tiền trong các ngày trong tuần.

Họ cũng có thể bị trừ điểm bằng lái vì các lỗi đi quá tốc độ của người khác. Lỗi này và các lỗi như đi vào đường xe buýt hay vào London không trả tiền đều do camera tự động chụp lại và người ta sẽ in ra để gửi về cho người đăng ký giữ xe kèm theo hình ảnh chụp được.

Người Việt Nam tới Anh có lẽ sẽ ngạc nhiên vì trên đường vắng bóng cảnh sát giao thông vì phần việc của họ do camera đảm nhiệm.

Ý thức tham gia giao thông của người Anh cũng khá cao trong khi việc thi lấy bằng lái xe khá khó khăn và chặt chẽ.

Báo chí Anh nói chỉ có chưa tới 50% đỗ ngay trong lần thi đầu.

Pháp luật khắt khe

Những người lái xe ở Anh không nhất thiết phải mang theo bất cứ giấy tờ gì theo người vì thực tế chỉ cần từ biển số xe, cảnh sát sẽ có mọi thông tin cần thiết khi tra trên máy tính.

Nếu cảnh sát cần xem bằng lái xe mà người lái không xuất trình được ngay lập tức, họ có một tuần để mang bằng lái tới đồn công an địa phương.

Giấy tờ cần mang

Đăng ký xe
Bằng lái
Đăng kiểm (chỉ cho ôtô)
Bảo hiểm

Pháp luật Việt Nam khắt khe hơn và Luật sư Chu Mạnh Cường nói với báo Giáo dục Việt Nam rằng Luật giao thông đường bộ yêu cầu người lái xe phải mang theo đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cũng như giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe.

Nhưng ông cũng nói pháp luật không quy định người điểu khiển phương tiện phải là chính chủ và cảnh sát giao thông không có quyền bắt người điều khiển phương tiện phải chứng minh việc mượn hay thuê xe.

Những cách áp dụng pháp luật không hợp lý và trong nhiều trường hợp thiếu chặt chẽ ở Việt Nam đã tạo cơ hội để cảnh sát giao thông sách nhiễu người dân.

Mặc dù vậy một số cảnh sát sẽ ngại khi gặp phải những người tỏ ra hiểu biết luật và sẵn sàng đấu lý với họ như trong một clip có trên YouTube mà phần âm thanh có dưới đây.

Trong lần gần đây nhất tôi bị cảnh sát chặn lại khi đi vào đường cho xe buýt ở sân bay Heathrow, họ chỉ nhắc nhở vì vi phạm lần đầu. Sau khi lịch sự giải thích rõ tôi vi phạm điều gì, họ cũng đưa kèm văn bản giải thích nếu tôi không hài lòng với cách ứng xử của họ thì tôi có thể khiếu nại như thế nào.

Điều này trái ngược với lần tôi bị cảnh sát dừng ở Việt Nam vì đi vào đường một chiều.

Nếu ở Anh có lẽ tôi sẽ chỉ việc tự động quay đầu và đi theo chiều ngược lại vì chắc chắn sẽ không có bóng cảnh sát nào trên đường.

Còn tại Hà Nội, sau một hồi tranh cãi vì tôi không chịu trả tiền hối lộ, xe tôi được cho lên ôtô đưa về nơi giữ gần cầu Chương Dương.

Kết quả là tôi phải trả một khoản tiền lớn để lấy xe ra và mất vài hôm lo lắng vì bạn bè nói về tình trạng xe bị lấy đồ trong lúc bị giữ.

Mấy lần về Việt Nam gần đây, tôi chỉ đi xe bạn lái hoặc đi taxi.

Cánh taxi kháo nhau cảnh sát giờ còn đòi kiểm tra ví họ và sẽ tự động lấy đủ số tiền mà họ thấy 'hợp lý' cho lỗi vi phạm.

Có vẻ văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân và cảnh sát giao thông trên đường bộ dường như không có nhiều thay đổi trong 12 năm tôi rời Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét