Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Vui nhất có chợ Ðồng Xuân…

Vui nhất có chợ Ðồng Xuân…


Vui nhất có chợ Ðồng Xuân… 2

(SKDS) - Thật thú vị và cũng rất bất ngờ, mới đây khi các nghệ sĩ của Hội quán Di sản Việt Nam đã chọn ra thời điểm đánh dấu mốc 20 năm dỡ bỏ những đường ray tàu điện ở Hà Nội, để biểu diễn với chủ đề chính của tháng 10/2012. Họ bày tỏ nguyện vọng tôn vinh và bảo tồn một hình loại ca nhạc dân gian độc đáo đã được hình thành qua một thế kỷ. Ðó là “xẩm tàu điện”.
Nếu tính từ 13/9/1900, tàu điện chạy chuyến đầu tiên, đến năm 1992, là thời gian tàu điện bị xóa sổ, thì người dân Hà Nội phần lớn là chỉ đi tàu điện. Vì trước đó, phương tiện giao thông của Hà Nội chỉ có xe tay kéo, đến xích lô hoặc xe đạp, nên tàu điện là người bạn đường thân thiết của bao lớp người dân Hà Thành xưa. Cũng từ đó, những nghệ nhân nghèo đi hát rong trên tàu điện được hình thành khá sớm và gắn bó với đời sống văn hóa Hà Nội như một phần không thể thiếu. Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Anh Tú tâm sự: “Xẩm tàu điện là âm nhạc đường phố, bắt buộc phải biểu diễn sao cho thật đời thường. Muốn vậy, người nghệ sĩ phải tưởng tượng ra đúng thời điểm của nó, để biến ứng, nhập vai cho khớp...”.
Giờ đây, nghe các nghệ sĩ đóng vai người mù hát xẩm, tưởng vui vì đàn sáo rộn ràng, nhưng thực ra tôi lại thấy bùi ngùi vì nhớ lại một thuở lang thang, nay đây mai đó của những người hát rong. Nhất là nghe đến bài“Vui nhất Hà Thành” thì hình ảnh vợ chồng người mù hát xẩm lếch thếch, lập bập bước chân, leo lên sàn tàu điện lại hiện về như ngày nào trong tâm trí tôi... Các nghệ sĩ hát nghe cũng chan chứa lắm, cũng phảng phất nỗi niềm, nhưng chẳng thể có nổi tiếng cô bé hát đế theo người bố, nghe sao mà cô đơn, thắt ruột làm vậy. Vì đời những người hát xẩm rong cực hết chỗ nói.
Vui nhất có chợ Ðồng Xuân… 1
 Các nghệ sĩ của Hội quán Di sản Việt Nam trình diễn xẩm tàu điện.
Nói chữ, thì họ cũng là nghệ sĩ dân gian nhưng lại đều ở cái hạng cùng khổ. Nơi ăn chốn ở của người hát xẩm rong, một đời gắn với xó xỉnh tạm bợ, bên cạnh với rác rưởi, bờ sông, ven chợ mà thôi. Tiếng hát ngỡ như mua vui nhưng ai oán, nẫu ruột. Có bài nghe rộn ràng đấy nhưng lại ẩn giấu nỗi buồn thầm lặng và những giọt nước mắt tha hương... Vì vậy, bài xẩm tàu điện xưa “Giăng sáng vườn chè”, lời thơ Nguyễn Bính lại là khát vọng sống, niềm vui mong manh nhờ vào hoài bão của sự lãng mạn đến kỳ lạ của người nghèo. Có lẽ chính nhờ vào nội cảm ấy mà giọng xẩm còn sống mãi với thời gian, mở lòng với mọi nỗi niềm, chia sẻ cùng những số phận...
Lời ca ấy cứ vang lên cùng tiếng ken két của bánh xe bằng sắt khi rẽ sang ngang và tiếng leng keng của chuông tàu điện. Mọi người đi tàu lắng nghe và ai nấy đều cảm nhận, dường như những người hát xẩm rong kia đang bày tỏ hộ mình một điều gì đó nằm trong miền tâm thức, đã ngủ quên theo thời gian. Thế đấy! Ôi thời gian và giọng hát xẩm tàu điện vọng lên: “Sáng giăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau/ Vì tằm em mới phải chạy dâu/ Vì chồng em mới phải qua cầu đắng cay...”.
Lại nhớ một thuở, tiếng chuông leng keng rung lên, khi thư thả như bản nhạc vui tai để cảnh báo cho các phương tiện giao thông khác trên đường, khi lại dồn dập như nỗi bực mình của người lái tàu và lại có khi rộn rã như báo hiệu tới bến. Cứ thế năm con đường sắt hướng về năm cửa ô Hà Nội, tàu điện cứ reo chuông và tàu điện cứ rít lên tiếng bánh xe khi phanh lại và giọng hát, tiếng nhị cùng tiếng phách luôn luôn theo từng bước chân người đi lại trên mọi tuyến đường. Và biết bao ký ức dội về trong tôi, những chuyến tàu điện nhẫn nại trên đường phố...
***
Nhà máy xe điện được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, ở phố Thụy Khuê, cùng thời với ga Hàng Cỏ và cầu Long Biên cơ đấy. Ngày ấy, tàu điện đều tập trung từ bến Hồ Hoàn kiếm, thường gọi tắt là Bờ Hồ, rồi tỏa đi các tuyến như Bạch Mai, Chợ Mơ, Hà Đông, Cầu Giấy, Chợ Bưởi, Chợ Đồng Xuân, Yên Phụ. Và chẳng ai bảo ai, nếu lạc đâu thì lạc cứ nhảy lên tàu điện về Hồ Hoàn Kiếm, rồi tính tìm đường về nhà sau. Lên tàu lại được nghe hát xẩm ai cũng thấy vui và còn được ngắm nhìn phố phường, người người đi lại, gánh gồng, cãi vã vui đáo để. Hồi ấy, không cậu học trò tinh nghịch nào không nhảy tàu, từ cửa này lại tót sang cửa kia để trốn vé.
Lắm hôm tàu đầy khách, hàng chục người cứ bám lấy bậc cửa tàu, hoặc tay sắt, cố đi cho bằng được, làm con tàu cứ ì ặch, lặc lè đi về bến, chậm như bà già đi trên đường vậy. Nom buồn cười lắm. Ấy là vào cữ tan buổi chợ hoặc tầm đi làm về của những người thợ. Chứ còn bình thường cũng tấp nập mọi người lên xuống nhưng con tàu có vẻ nhàn nhã, rung chuông vui để báo mọi người và xe cộ tránh đường. Mà cũng chỉ lúc đó cánh hát xẩm mới có chỗ leo lên, rộng cánh tay kéo nhị được.
Nhất là vào ngày chủ nhật, tha hồ tàu “nhẹ bụng”, chỉ có người đi chợ sớm, còn nhiều chuyến sau đó chỉ rặt người đi chơi đây đó hoặc thăm nom nhau. Nhất là trẻ con đòi bố mẹ cho lên Bờ Hồ ăn kem và biết rằng thể nào cũng được đi tàu điện, nên chẳng còn gì vui hơn nữa. Nhiều hôm vào dịp cưới hỏi, nhiều gia đình vẫn rủ nhau đi tàu điện vì tiện đường mà lại rẻ. Và nhất là còn được nghe hát xẩm thì còn gì thích hơn nữa nào. Đúng là tàu điện tiện mọi bề.
Lại còn có chuyện nhiều người đi bán thuốc chữa bệnh gia truyền cũng coi tàu điện là phương tiện hữu hiệu để tiếp thị với khách hàng. Ngày ấy còn bé, nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ các loại thuốc được rao bán trên tàu điện như thuốc cam Hàng Bạc, thuốc ho bà lang Trọc, dầu cù là hoặc thuốc chữa đau răng... Người bán thuốc cứ quảng cáo và rao hàng, mặc kệ những người hát xẩm mải miết kéo nhị réo rắt, miễn sao có người mua thuốc. Thậm chí, đôi khi người hát xẩm còn vừa hát vừa bán thêm tăm, nên cũng rao hàng bằng lời ca: “Một hào một gói tăm tre/ Bán cho quý khách đi xe đi tầu/ Xỉa răng rồi lại ăn trầu/ Bán cho quý khách đi tầu đi xe”.
Không khí cạnh tranh có tính tế nhị và có yếu tố văn nghệ làm mọi người thấy vui tai và thêm yêu mến người hát xẩm. Mặc cho sự ồn ào vây quanh, người bán vé tàu điện chẳng bỏ sót một ai, chỉ trừ mấy cậu học trò ranh ma, nhảy tàu như cơm bữa.
Lẽ dĩ nhiên, số người dân của Hà Nội xưa không đông và thành phố chỉ khép trong khu vực 36 phố phường nên tàu điện ra đời là rất hợp lý và cũng là phương tiện giao thông hiện đại lúc bấy giờ. Mãi tới năm 1929, nghĩa là 30 năm sau, ga tàu điện Bờ Hồ mới tỏa đi được 6 ngả đường, đến 6 cửa ô, nối nông thôn với thị thành. Ga tàu điện Bờ Hồ ngày ấy chính là ngôi nhà “Hàm cá mập” mới xây sau này. Ngay cả toa tàu cũng thế, đầu tiên chỉ có 2 toa, sau đó mới có 3 toa, hiếm lắm mới có dịp nối 4 toa vào thời điểm hội hè lễ tết, hoặc để toa cuối chở hàng cho tiểu thương.
***
Có lần tôi được nghe người già kể lại rằng, chính cụ Tùng Nguyên, một nghệ nhân nổi tiếng đã tìm cách đưa hát xẩm lên tàu điện, mượn thơ Nguyễn Bính để hát. Vì thơ lục bát rất hợp với làn điệu xẩm, mà xẩm tàu điện về cơ bản chỉ có một làn điệu, nhưng các nghệ nhân đã vận dụng thêm các câu hát xẩm khác xen kẽ như điệu trống quân, xẩm chợ, điệu huê tình... nên xem ra xẩm tàu điện nghe cũng đỡ nhàm. Chả thế, xưa nhiều bà bán hàng khô ở chợ Đồng Xuân cũng thuộc vanh vách các bài “Anh Khóa”, “Nhị tình”, “Chân quê”, hoặc “Lỡ bước sang ngang”, hay “Lửng lơ con cá vàng”... Chính vì thế, nên xẩm tàu điện cũng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi người.
Hồi đó, khi thấy cái hay của giao thông bằng máy điện, các cụ xưa đã làm những câu vè truyền miệng để ghi lại cái thú vị của nó. Lắm người ở lứa 70 tuổi trở về trước vẫn còn thuộc lòng các câu vè như: “Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài/ Sinh ra đèn điện thắp hoài năm canh/ Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành/ Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường”.
Còn tôi thì đến chết cũng không thể quên bảng giá vé tàu điện qua lời hát  xẩm: “Ba xu ghế gỗ rẻ tiền/ Toa sau thì để xếp riêng gánh gồng/ Năm xu ngồi ghế đệm bông/ Hỏi mình có sướng hay không hỡi mình”.
Vui nhất có chợ Ðồng Xuân… 2
 Tàu điện Hà Nội ngày nào gắn liền với môn nghệ thuật hát xẩm.
Đấy là những chuyện sinh hoạt văn hóa xoay quanh những bánh xe tàu điện, còn chuyện tàu điện trở thành chiến lũy ngăn trở giặc Pháp trong những ngày tổng khởi nghĩa, thì cũng khó có thể quên. Ấy là những ngày tháng chạp năm 1946, trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, nhiều toa tàu điện đã trở thành chướng ngại vật, ngăn chặn có hiệu quả các bước đi của đoàn xe cơ giới của thực dân Pháp gây chiến với chiến sĩ Thủ đô trên các đường phố. Rồi sau này khi đất nước hòa bình lập lại, nhiều chuyến tàu điện đã chuyên chở hàng trăm thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ, hoặc thanh niên xung phong vào phục vụ tuyến lửa. Họ đi từ trung tâm thành phố ra các cửa ô để lên xe tỏa về muôn hướng, làm nghĩa vụ với Tổ quốc...
***
Bất chợt, giọng hát lanh lảnh của nghệ sĩ nhí Thanh Thanh Tấm cất lên, tôi chợt nhớ đến cô bé hát xẩm dẫn người bố què, đi dọc vỉa hè, đang nhỏ lệ dưới trời mưa ngày nào. Họ lẫm chẫm đi về phía cầu Long Biên để lần về xóm trọ An Dương. Trời mưa phùn nghiêng nghiêng trong làn gió rét buốt. Lúc đó tôi như đi cùng họ trên đường. Cứ thế miên man trong tiếng nhị ở đâu đó bay bổng. Và tôi lại chợt mong có một chuyến tàu điện đón họ lên trú mưa, tránh gió. Tiếng chuông leng keng lại vang lên thư thả, an ủi, vỗ về...
Mới đây, ngày 24/10/2012, TP. Hà Nội đã ký dự án khởi công xây dựng một tuyến đường tàu điện, có 4km chạy ngầm và 8,5km chạy trên cao, từ ga Hà Nội về tận Nhổn. Theo thiết kế, tàu có những 5 toa dài. Vậy có tới vài trăm người đi cùng nhau ấy chứ. Vui nhưng chắc chẳng còn bố con nhà hát xẩm nữa. Vậy còn tiếng chuông leng keng thì sao? Họ có thể làm được chứ. Thì hẳn! Rất có thể, trong tuyến đường sắt sang trọng như cung điện kéo dài ấy sẽ có tiếng chuông điện tự động.
Nhưng dù sao cũng thật khó thay thế được những tiếng leng keng dồn dập reo lên từ tiếng dậm chân cuống quýt của người lái tàu khó tính thuở xưa. Hình dung lại thấy nhớ. Tưởng tượng như tiếng nhị lại nỉ non như ngày nào, mà những người hát xẩm than thân, trách phận qua bài “Mục hạ vô nhân”, cùng tiếng phách nghe xót lòng người.   
  Lưu Kường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét