Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Tại sao New Zealand ít tham nhũng nhất thế giới?

Tại sao New Zealand ít tham nhũng nhất thế giới?


Theo Tổ chức minh bạch thế giới, New Zealand được xếp là nước ít tham nhũng nhất với số điểm 9,5/10. Có lẽ đó là kết quả của những cam kết mạnh mẽ nhằm xây dựng một chính quyền minh bạch, vắng bóng tham nhũng của quốc đảo này. 

Cũng như nhiều quốc gia, New Zealand là thành viên của Công ước về chống hối lộ các công chức nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từ năm 2001. New Zealand cũng đã ký kết Công ước về chống tham nhũng của LHQ năm 2003. 
Nước này có 2 văn bản điều chỉnh các hành vi liên quan đến các tội tham nhũng, nhận hối lộ, đó là luật Hình sự năm 1961 và luật Các khoản hoa hồng bí mật năm 1910. 


Luật Hình sự New Zealand xác định rõ các đối tượng là chủ thể của tội tham nhũng, nhận hối lộ, đó là các thẩm phán, nhân viên tòa án, công chứng cho đến các bộ trưởng, đại biểu quốc hội, công an, công chức… 
Hình phạt nặng nhất, 14 năm tù, có thể áp dụng với các thẩm phán phạm tội. Đối với các chủ thể còn lại, hay đối với người đưa hối lộ thì hình phạt nặng nhất là 7 năm. Điều đó cũng thể hiện rõ, “người nắm rõ luật mà phạm luật” thì phải bị xử nặng hơn.


Vụ án đại biểu quốc hội nhận hối lộ
Taito Phillip Field, đại biểu quốc hội New Zealand, bị xử 6 năm tù vì tội nhận hối lộ. Theo phán quyết của Tòa án Cấp cao, ông Field đã giúp một số người Thái Lan nhập quốc tịch New Zealand bằng cách liên lạc và gửi thư tới người phụ trách vấn đề xuất, nhập cư. Mặc dù không phải là người có thẩm quyền trực tiếp ra quyết định, nhưng ông đã sử dụng ảnh hưởng của mình trên cương vị là đại biểu quốc hội. 
Trong khu vực tư nhân, các hành vi “đưa và nhận hối lộ” sẽ được điều chỉnh bởi luật Các khoản hoa hồng bí mật năm 1910. Các chủ thể tội nhận hối lộ bao gồm luật sư, môi giới chứng khoán, giám đốc doanh nghiệp… Tuy nhiên, hình phạt được quy định nhẹ hơn so với hình phạt trong luật Hình sự.
Có lẽ số lượng văn bản pháp luật không phải là yếu tố mang tính quyết định. Điều quan trọng là hiệu quả của các cơ chế, qui trình của việc đưa ra ánh sáng các trường hợp phạm tội. 
Để nâng cao hiệu quả trong việc phòng chống tham nhũng, các yếu tố như nguyên tắc pháp quyền, sự độc lập của cơ quant tư pháp, phản biện và trách nhiệm giải trình, minh bạch, tự do báo chí và trình độ dân trí đóng vai trò cực kỳ quan trọng. 

Nguyên tắc pháp quyền
Nguyên tắc pháp quyền bao gồm các yếu tố như quyền lực của các cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, và Tòa án) chỉ được thực thi khi pháp luật ủy quyền; pháp luật phải tuân theo tiêu chuẩn của sự hợp lý, công bình, ví dụ như các đạo luật phải mang tính ổn định, rõ ràng; pháp luật phải đảm bảo các cơ chế chống lại sự lạm quyền của các cơ quan công quyền; mọi người bình đẳng trước pháp luật.

Sự độc lập của tư pháp 
Hệ thống Tòa án được tổ chức theo 4 cấp: tòa án khu vực, tán cấp cao, tòa phá án (phúc thẩm) và tòa án tối cao.
Tòa án khu vực xét xử đối với hầu hết các vụ việc từ dân sự, kinh tế, thương mại đến hình sự. Tuy nhiên đối với các vụ án dân sự, kinh tế, thương mại có giá trị từ 200,000 NZ đô la trở lên hay các tội phạm nghiêm trọng sẽ được xét xử bởi Tòa án cấp cao. 

Báo chí
Báo chí là một phần rất quan trọng trong việc phát hiện, đưa tin, tố giác tham nhũng. Quyền tự do báo chí ở New Zealand được đảm bảo bởi các quy định của pháp luật. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông đa đạng dưới các hình thức khác nhau, cũng độc lập sẽ giúp quyền tự do báo chí được thực thi trên thực tế. 

Trình độ dân trí
Dân trí và tham nhũng có mối quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau. Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa trình độ dân trí và mức độ tham nhũng ở 63 quốc gia đã chỉ ra rằng nước nào tham nhũng càng cao thì nước đó có trình độ dân trí thấp.
New Zealand là nước ít tham nhũng nhất và cũng nằm trong nhóm 5 nước có trình độ dân trí cao nhất thế giới. 

Trách nhiệm giải trình của Chính phủ
Trách nhiệm giải trình của chính phủ là việc các cán bộ của cơ quan công quyền có nghĩa vụ giải thích các chính sách, quyết định và hành vi của họ tới người dân. Trách nhiệm giải trình được thực hiện thông qua các cơ chế khác nhau (chính trị, luật pháp và hành chính) nhằm ngăn ngừa tham nhũng cũng như đảm bảo rằng các cán bộ của cơ quan công quyền luôn chịu trách nhiệm trả lời trước người dân. Sau khi trả lời, các cán bộ này có thể phải chịu những trách nhiệm nhất định, ví dụ như bỏ phiếu tín nhiệm, cách chức…
Ngoài ra, Chính phủ mở và minh bạch cũng là một nhân tố quan trọng.
Dựa trên nền tảng dân chủ, Chính phủ New Zealand luôn cam kết minh bạch hóa các dữ liệu từ các cơ quan công quyền để đảm bảo người dân có thể tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời. 
Đặc biệt, New Zealand đang khuyến khích các cơ quan nhà nước đăng tải dữ liệu và thông tin lên mạng Internet để người dân dễ tiếp cận thông tin hơn, điều này cũng mang lại lợi ích đối với cộng đồng và nền kinh tế nói chung.  Tuy nhiên, các thông tin về bí mật đời tư phải được bảo vệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét