Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Nguyên mẫu

Phạm Ngọc Tiến:
(Truyện ngắn chủ nhật)

Như bất kỳ người viết nào khác, trong sáng tác của mình tôi luôn sử dụng các nguyên mẫu. Đó là những số phận có phần đặc biệt nhưng đôi khi chỉ là những cảnh đời cảnh người tác động trực tiếp đến xúc cảm và tư duy sáng tạo. Gã là một nguyên mẫu như vậy. Gọi là Gã vì thực đến tận giờ tôi không hề biết tên thật của con người này. Đành gọi Gã là chính xác nhất. Từ Gã tôi đã viết được cái truyện ngắn “Cố hương” rất tâm đắc mươi năm trước và hình bóng Gã phảng phất trong nhiều tác phẩm khác. Và điều này khiến tôi biết ơn Gã.

Hoang dã, gọi như thế chằng biết có đúng không. (Ảnh nuy của nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu)

Gã trạc tuổi tôi. Tôi quen biết Gã qua một người bạn. Anh bạn luật sư Quang của tôi vô tình giáp mối cho tôi gặp Gã nhân một chuyến đi miền núi Thái Nguyên giáp ranh với Tuyên Quang. Tôi thích miền núi. Bản tính hoang dã, đến già vẫn sống bản năng cho tôi niềm mến yêu đặc biệt với rừng rú núi non sông suối. Chỉ đến nơi đó tôi mới thấy mình thật sự được hít thở, con người mình thật sự đang được sống đúng nghĩa. Lần gặp Gã đầu tiên có lẽ phải đến hai chục năm có lẻ. Ngay từ khi chạm mặt, tôi đã linh cảm thấy điều gì đó rất khác người từ Gã. Người Gã không béo không gầy không cao không thấp. Mái tóc dài buông thả tự do che lấp một phần khuôn mặt và cả vầng trán. Nom Gã như một đạo sĩ ở ẩn. Chân một quả núi là nơi gã tọa lạc. Một ngôi nhà chắc chắn với những hàng cột gỗ to làm không ra lối miền xuôi hay mạn ngược. Màn giới thiệu được Gã tiếp nhận một cách hờ hững nhưng cũng không ra lạnh nhạt. Vì nếu có cảm giác ấy tôi đã chuồn chuồn có cánh ngay tắp lự. Bắt tay tôi nhưng mắt Gã lướt lên vách nhà nơi treo khẩu súng tự chế. Dường như không có gì quan trọng với Gã ở nơi chân núi xó rừng ấy cả. Khi tôi chưa kịp đặt mông xuống ghế theo phép xã giao thì đã thấy hai con gà giãy đành đạch sau phát súng nổ đánh đoàng khiến chim rừng từ những lùm cây gần đó bay tao tác. Gã dùng đạn ghém bắn gà nhà nuôi thả. Vẫn lừ lừ như lúc đầu, Gã xách đôi gà xuống suối làm thịt. Nhanh lắm chỉ chưa đến tiếng đồng hồ Gã đã dọn mâm. Gà luộc và canh mướp nấu với hai bộ lòng để nguyên trong xoong bày trên một miếng gỗ tròn làm chức năng mâm. Thịt gà Gã chặt to bày lổn nhổn trên lớp lá chuối lót trải trên miếng gỗ bốc hơi chào mời hấp dẫn. Bê ra cái bình sành đựng rượu ngâm to vật rót ra bát, Gã phẩy tay buông nhõn một tiếng:

-Mời!

Tôi được một bữa ăn nhớ đời ngon như chưa từng bao giờ ngon đến thế. Phần vì đói và phần nữa dạo đó nghèo mấy khi được ăn uống thịnh soạn nhường này. Hai con gà được tẩn vèo vèo chả mấy hồi đã biến thành xương xẩu nham nhở. Tôi bốc bải thịt gà và nốc cật lực. Rượu ngô tự nấu ngâm với chuối hột rừng của Gã ngọt chát, lịm vào từng kẽ xương góc thịt khiến tôi say lử lả. Suốt bữa Gã tịnh không nói một tiếng. Tôi mải ăn uống cũng chỉ ư hừm hưởng ứng lời kể của anh bạn luật sư giới thiệu về Gã. Lạ là Gã không một tán đồng hay phản đối trước lời kể của tay luật sư. Mà câu chuyện có phải tầm phào gì cho cam. Toàn bộ là những lát cắt cuộc đời của Gã. Thái độ này khiến tôi vô cùng ấn tượng. Say thôi rồi, tôi ngủ miên man đến tận sáng hôm sau mới tỉnh. Bữa rượu lúc nhỡ cỡ tầm ba giờ chiều đã quật gục sức trai ở thời cường thịnh nhất của tôi. Buổi sáng mở được mắt tôi đã thấy Gã ngồi đợi ở giữa nhà. Người gã nai nịt gọn gàng. Mái tóc cũng đã được buộc lại. Ông bạn luật sư giờ như ở chức phận phiên dịch bảo tôi ăn sáng rồi đi thăm thú dinh cơ của Gã sau đó vào rừng chơi. Tôi quá oải chẳng mấy hứng thú nhưng bắt buộc phải làm chức phận này của một viễn khách. Quên chưa nói nơi Gã ở cách biệt với dân trong vùng đa phần là người dân tộc một khoảng khá xa. Một mình Gã ngự chốn này, sống hoàn toàn tách ra khỏi thế giới loài người. Hàng tuần gã đi chợ xã một lần cách nơi ở cũng phải dăm bảy cây số để mua bán những vật dụng cần thiết của đời sống. Tóm lại là Gã cô đơn cô độc “cô quả” toàn diện.

Gia sản của Gã chẳng có gì đáng nói. Để duy trì sự sống cho một con người nơi rừng xanh núi thẳm này chẳng cần gì nhiều. Gã không trồng trọt gì ngoài mấy vạt nương gầy ít gốc bí bầu mướp, mùa nào cây ấy. Cũng có một khoảnh rộng trồng ngô lấy thức chăn nuôi. Gạo thì Gã mua của dân bản ở chợ chứ không cấy hái. Cây trồng thì thế nhưng đến đoạn chăn nuôi thì tôi sợ. Sợ hẳn hoi vì cách nuôi của Gã. Từng khu đất được khoanh bằng lưới thép gai quy hoạch cẩn thận. Chỗ này là gà. Có chuồng để tối tối lũ gà tụ về còn thì ban ngày tự túc chạy nhảy kiếm ăn. Lợn cũng vậy, chúng chạy nhanh thoăn thoắt như lợn rừng muốn ăn cũng phải bắn hạ như gà. Nhưng thế thì có gì mà sợ. Xin thưa quá sợ. Tôi chưa thấy ai nuôi như Gã. Đó là khu rắn và chim. Rắn Gã bắt được ở rừng mang về thả ở một khu đất riêng có cây cối tự nhiên rậm rạp chẳng có chuồng. Sẵn thức ăn nên đám rắn toàn hổ mang định cư lại không bỏ đi. Chúng đào hang sinh con đẻ cái nên khá đông đúc. Khu rắn của Gã nổi tiếng khắp vùng. Chuột bọ không một con nào dám bén mảng khu vực nhà Gã. Dân xung quanh có việc đi qua bao giờ cũng phải đi vòng. Ông bạn luật sư kể ngày nắng ráo rắn bò ra khỏi hang vắt mình lên cây trườn bò mặt đất nhìn mà phát khiếp. Thức ăn của rắn bằng chim. Chẳng hiểu sao hắn nghĩ ra được cách nuôi kinh hãi đến thế. Hắn bẫy chim rất tài và mang về. Tất cả các loại chim, nhiều nhất là chim hét, loại chim giống con sáo khi bị bắt thả đều bị cắt cụt cánh. Loài vật biết bay giờ lổm ngổm đi lại đen sì trên mặt đất khiến tôi sợ phát sốt. Gã nuôi chim bằng ngô hạt xay nhỏ. Chim con nào con nấy béo nần nẫn bỏ đi thuộc tính bay, giờ chúng như những con vật vô tri duy trì sự sống chỉ bằng ăn ngủ và tái tạo giống nòi theo cách thức mới. Chúng làm tổ ngay trên mặt đất và sinh trứng ấp con ở đó. Thậm chí chúng dần lai tạo tiếng hót giống nòi thành những tiếng kêu quái đản. Khi rắn đói mồi chỉ cần bò sang sân chim là thỏa thích đánh chén. Chim con mọc đủ lông cánh là Gã cắt. Cứ thế lớp lớp đàn đàn chim thích nghi dần với đời sống không bay. Tôi rùng mình khi nghĩ ngợi đến cái sự không bay của loài chim và ngờ rằng nếu có lông cánh mọc lại chưa chắc những con chim mặt đất kia đã bay nổi. Hoặc giả chúng chẳng còn tư duy bay để cất nổi mình.

Khi tôi ngỏ ý tìm hiểu về những con rắn thì Gã hơi nhếch môi. Gã rút từ cái túi vải ra một ống tiêu khoét từ trúc. Âm thanh chẳng ra kiểu gì chỉ thấy nó rờn rợn ma mị. Một lát thì có vài con chui ra từ hang. Có con quăng mình đến phách từ trên cây xuống ngắc ngư bò lại gần Gã khiến tôi không thể chịu đựng nổi phải bảo dừng lại. Từ khu rắn và chim Gã dẫn chúng tôi vào rừng theo dòng chảy một con suối khá lớn. Trưa đó Gã đãi chúng tôi một bữa cơm hoang dã đúng nghĩa là bắt cá suối nướng, nấu cơm giang và pha trà bằng ống vầu vát đầu đun sôi trong lửa. Cả món canh rau rừng cũng theo cách thức đó. Nếu bình thường thì đấy là bữa đánh chén để đời nhưng ám ảnh rắn tiêu và chim cắt cánh không bay khiến tôi chẳng còn mấy hứng thú. Mấy hôm ở nhà Gã đã gieo vào tôi những ấn tượng thật khó quên và bội phần kỳ lạ về một kẻ muốn lánh mình ra khỏi thế giới con người này. Cái lý do để Gã phải làm thế thực ra chẳng có gì đáng ghê gớm lắm nó chỉ là chuyện cơm ăn nước uống của cuộc sống hiện đại hôm nay mà thôi. Thì ra Gã là bạn thân của Quang luật sư, từng có thời gian về Hà Nội học đại học. Nhà Gã ở một thị xã trên này. Gã có công việc đàng hoàng và cưới được cô gái đẹp nhất nhì trong vùng. Bất hạnh chính ở đó. Khi mê mải kiếm tiền làm giàu thì Gã bị trúng đạn sau lưng. Vợ Gã ngã vào tay một kẻ kém Gã toàn diện. Khủng hoảng và không vượt qua được cú sốc ấy Gã đã tự sát khi không đủ gan để trừng phạt những kẻ phản bội. Nhưng chết đâu phải dễ. Lúc tỉnh táo ngẫm nghĩ lại Gã thấy mình cũng có phần lỗi. Và Gã tha thứ cho vợ nhưng tự trừng phạt mình bằng cách bỏ đi tất cả vào núi sống cuộc sống biệt lập xa lánh cuộc đời.

Sau này vào những lúc chán chường nhất hoặc hưng phấn nhất bao giờ địa điểm đầu tiên tôi tìm đến cũng là khu nhà của Gã. Có lần Gã dẫn tôi vào rừng làm lán ở đến tuần lễ sống như người nguyên thủy. Khi đi Gã chỉ mang diêm lửa, mắm muối, gạo rượu, dao súng, còn thì tất tật phải tự kiếm. Mỗi lần như thế tôi như được tái sinh như là một con người được làm mới toàn bộ. Dù thế tôi vẫn cám cảnh cho Gã. Khuyên Gã nên tự giải thoát mình. Gã chỉ im lặng vào những lần như vậy, chẳng bao giờ hé môi nửa tiếng. Có vẻ như gã đã quyết định đến cùng cố thủ ở đó. Tôi bất lực và cũng thấy mình chẳng có quyền gì để phán xét khuyên bảo gã. Mỗi người tự quyết định cuộc sống của mình. Chắc là Gã sẽ yên ổn với những thú chẳng biết là vui hay buồn với những con vật kia đến tận cuối đời. Nghe nói có lần khu núi Gã ở bị những toán khai thác quặng thiếc xâm chiếm đào bới nham nhở nhưng tiệt chẳng một kẻ bạo gan nào dám xâm phạm đến lãnh thổ của Gã. Đận đó Gã thổi tiêu điều khiển đám rắn tấn công lũ người quyết liệt. Chẳng biết có phải vì thế hay là sự cấm đoán khai thác của chính quyền khiến quả núi nơi Gã sống sót. Đám khai thác quặng thiếc phải bỏ đi vùng khác.

Lần gần nhất vừa viết xong cái kịch bản dài để xả hơi tôi rủ Quang luật sư lên chơi với Gã. Quang ớ ra rồi bảo thôi chết tôi quên béng mất không báo bác. Thằng đó lấy vợ rồi. Lấy vợ? Chứ sao. Một cô người Hải Phòng còn trẻ chưa chồng đi phượt mê cái ống tiêu với đàn rắn thế là cô này bỏ hết ở lại với nó làm cuộc chồng vợ. Tôi không tin. Gã hận đàn bà đến thế cơ mà. Quang cười bảo bác là nhà văn mà ngỗng lắm. Thì cái cô kia dám bỏ hết tất cả mọi thứ từ công việc đến gia đình ở lại với nó, lý do đó chẳng nhẽ không xoay chuyển được hay sao. Đến lượt tôi ớ ra. Ừ nhỉ. Cái lý lẽ giản đơn đến thế mà tôi không hiểu. Gã hận tình bỏ đi thì giờ cũng lại chính chữ tình kéo hắn lại với đời. Quang thông báo tiếp cái nhà đó hắn dỡ ra mang về xuôi tại quê vợ dựng nhà ở rồi. Giờ lập trại rắn kiếm nhiều tiền lắm. Tôi cười thở phào một cái mừng cho Gã nhưng lại thở dài một tiếng tiếc cái điểm đến lý tưởng độc nhất vô nhị giờ đây vĩnh viễn không còn. Tiếc thế nên tôi trách Quang luật sư không báo cho tôi vố lấy vợ của Gã. Quang cười hiền lành bảo đến tôi cũng có biết đâu. Tận tháng rồi tự nhiên vợ chồng nó xuất hiện ở Hà Nội khiến tôi bất ngờ suýt tai biến não. Nó có việc đi qua thông báo tiện thể mời cả bác về thăm nhà hắn ở quê vợ ăn rắn.

Tôi cười sặc. Nguyên mẫu của tôi. Mừng cho bạn. Cái bước ngoặt mới không ngờ này chí ít cũng được cái truyện ngắn chủ nhật. Tôi sẽ thu xếp về chơi với Gã một ngày gần đây nhưng lần này tôi biết sẽ không còn được hoang dã, không còn được tái sinh làm mới như những lần trước đây nữa. Nhưng thà thế vẫn hơn. Tái sinh một niềm vui sao bằng tái sinh một cuộc đời. Khekhe….

Hà Nội 11/11/2012

PNT
  1. Chào bác Tiến. Đọc truyện lần này của bác cũng thú quá. Bác kết luận cũng rất hay: Gã hận tình bỏ đi thì giờ cũng lại chính chữ tình kéo hắn lại với đời, và: Tái sinh một niềm vui sao bằng tái sinh một cuộc đời.
    Nhưng em nghĩ nếu đã thích nghi được như Gã thì cứ nên tiếp tục sống ở trên đó sẽ hay, nhất là khi Gã đã nhiều tuổi rồi. Giờ lại về với cuộc sống bon chen, lại kiếm nhiều tiền mà chẳng biết để làm gì. Vợ Gã thích Gã là trong bối cảnh hoang dã, với ống tiêu với đàn rắn…; nay không còn, không biết tình yêu có kéo dài không ?
    Những đoạn bác tả lại cuộc sống tự nhiên ở miền núi thú quá. Ngày xưa ở chỗ sơ tán, nhà em cũng nuôi chó và nuôi gà thả rông. Bắt chước nông dân, em cũng đặt tên cho chó là Giôn (tên tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson 1964-1968) và Ních (Richard Nixon). Mỗi lần cần thịt gà, chỉ việc gọi Giôn hay Ních, rồi chỉ con gà và xuỵt. Thế là nó hiểu ngay, xông đến ngoạm chặt con gà đưa cho chủ. Nếu dùng đạn bắn, sợ thịt vỡ toác, ăn mất ngon. Còn đi bắn chim thì thôi rồi, sao hồi ấy lắm chim thế. Nhưng bọn em thích dùng bẫy hay súng cao su để đảm bảo chất lượng thịt chim sau khi thu hoạch… hì hì.
    Đọc truyện này của bác mới nhớ hồi đấy sướng thật, tự do kiếm một miếng đất, thậm chí cả quả đồi để ở, chẳng thấy chính quyền hỏi gì, các đoàn thể cũng chẳng quan tâm (họ có đến kiểm tra xem nguồn gốc mình từ đâu, có phải gián điệp từ Nam bay ra nhảy dù xuống không, thế thôi). Giờ đâu còn được thế nữa.
    Vài dòng tâm sự nhân đọc truyện mới của bác. Chúc bác có một chủ nhật cuối thu đẹp như ý.
    • Đọc cái còm của LTM chợt nghĩ cái tay này đúng là toithichdoc. Nhiệt tình và cộng hưởng vỡ ra nhiều chuyện ký ức. Không có những người như LTM chắc gì mình đã đủ kiên nhẫn và xúc cảm để viết đều đặn được.
      Đặt tên chó dạo đó cả nước đặt. Những Giôn những Ních…khekhe. Còn tay Gã sống được như hắn tự giam cầm mình nhưng thực lại là tự do tuyệt đối cũng là điều đặc biệt. Nhưng cuộc đời nó mãi là cuộc đời. Phải chấp nhận thôi. Cuộc dấn thân lần này có thể như LTM nói. Nhưng như thế mới gọi là Sống. Và thế mới là Cuộc đời. Khekhe….
      • C
        Anh Tiến nói chuẩn quá: “Tái sinh một niềm vui sao bằng tái sinh một cuộc đời”. Hihi nhưng mà khen anh Tiến thì khen cả ngày. Cám ơn anh Tiến đã mang đến quà Chủ Nhật là những truyện ngắn mà không ngắn đến cho bạn đọc, truyện của anh thật sâu sắc, nhân bản.
        Bác Toithichdoc oi, nhà mình hồi xưa cũng có con Nick. Hihi, như Trần Đăng Khoa nói: Ngu xuẩn nhất nhì, là Tổng Thống Mỹ mà!
        • Cái chữ C trên cùng có thể là VA viết nhầm. Nhưng nãy giờ nhìn cố nghĩ nó là thứ gì. Vu vơ. Cuộc đời này cũng thế đấy. Chỉ là nhầm lẫn hoặc vu vơ của người này nhưng với người khác…..Khekhe…
          • Hihi, tại lúc đầu em định viết “Chào anh Tiến”, nhưng gõ vào cái dòng chữ “enter your comment here” thế là nhảy xuống dòng mà quên ko xóa chữ “C”. Chủ Blog có thể xóa, chỉnh sửa còm của còm viên, thế mà ko xóa, lại để thành 1 “entry” con con về sự vu vơ, đúng là nhà văn thật rồi!
            Em đọc lại, thấy chữ “C” lại nghĩ tới “C” có thể đọc theo tiếng Anh là “see”, là “thấy chưa, nhìn đây này, thấy bài viết hay chưa…”, hihi.
            • Vừa xem bóng đá thấy cái băng đội trưởng có nhõn mỗi chứ C. Khekhe….
              • Anh Tiến phản ứng nhanh thế, em cũng là fan bóng đá nhưng chưa kịp nghĩ đến chữ C ấy. Nhưng C ấy cũng đúng, đội trưởng thì phải ghi chữ C (see) để cả đội trong trận đấu phải nhìn vào mình mà phối hợp, hihi.
                • Anh Tiến ăn bóng đá ngủ bóng đá mà. Tối nay xem trận Man xanh với Tốt trắng hay đã đời đấy. Khekhe…
            • Mình cứ tưởng chị định viết: Chà, Anh Tiến nói chuẩn quá…
              Thế mới biết mình đọc nhiều nên không còn thời gian mơ mộng, tưởng tượng
          • Còm tiếp nhưng hết chỗ viết nên em phải lên đây.
            Anh xem Man C với Tott làm sao hay bằng Chelsea- Liverpool nhỉ. Xem chú Torres gặp lại cố nhân ra sao, từ ngày nó rời Liv là nó đã để lại hồn vía ở Liv rồi, đá cho Chelsea như cái xác không hồn.
            Hihi lạc đề nhưng tại chủ blog nói chiện bóng đá trước nhé!
      • Già rồi thì chuyện cũ hay tái hiện lại mà, nhất là khi có ai chọc vào đó.
        Em lại nhớ hồi làm TS bên Pháp khoảng năm 1993-1994 gì đó, có ông Tây hay sang VN, gặp em ở Pháp, hỏi em tại sao Việt Nam hay gọi chó là Vàng thế. Lúc đầu em định bảo chó ở VN sinh ra, phát triển hoàn toàn tự nhiên nên đa phần mầu vàng, giống như dân da vàng chúng tao vậy, chứ không lai tạo đa mầu sắc lung tung như chó hay người phương Tây… Nhưng lại nhớ ông này hay kể tội dân VN, dù bị Mỹ xâm lược dã man, nhưng lại yêu Mỹ, trong khi Pháp đã thôi ở VN gần nửa thế kỷ rồi mà vẫn ghét Pháp, sách giáo khoa VN toàn kể tội Pháp chứ ít kể tội Mỹ… nên em quay sang giải thích như sau:
        Chó ở VN khác với chó tây, dân VN coi thường chó lắm vì chúng quá ngu, lúc nào cũng bám dính lấy con người, người bảo sao làm vậy, bảo đúng cũng làm, bảo sai cũng làm, đến bảo ăn C cũng làm (ơ, sao tự nhiên lại có chữ C ở đây nhỉ), mà lại làm ngon mới chết chứ.
        Hồi chiến tranh với Mỹ, dân VN ghét Mỹ lắm, nào là bom B52 rơi khắp nơi, nào là chất độc mầu da cam, nào là lối sống hippi, tự do tình dục ( :) )… Mọi căm ghét được trút lên đầu Tổng thống Mỹ. Thần đồng thơ VN lúc đó còn viết: “Ngu xuẩn nhất nhì, là Tổng Thống Mỹ”. Thế thì là Tổng Thống Mỹ bằng con chó chứ hơn gì.
        Vớ phải đúng lúc Tổng thống Mỹ lúc đó tên là Giôn (Johnson 1964-1968) nên mọi con chó đều được gọi là Giôn để mắng, chửi, sai khiến, thoải mái. Hồi đó chẳng đâu có nhà xí cả nên cứ cần làm sạch môi trường sau khi giải quyết nỗi buồn là lại gọi Tổng thống Mỹ đến. Ở chỗ sơ tán, ăn cơm tập thể xong là thi nhau gọi Giôn, Giôn… Vui phết.
        Mà ông biết đấy, VN là nước nói tiếng Pháp, Giôn tiếng Pháp là mầu vàng. Thế nên dân đều biết tên chó là tên Tổng thống Mỹ nhưng cũng là mầu vàng.
        Sau chiến tranh, cần lịch sự với người Mỹ nên người VN thường không còn gọi chó là Giôn, và họ Việt hóa từ đó thành từ Vàng. Từ nay chó được gọi là Vàng.
        Viết đến đây lại nhớ đến ” Sao không về Vàng ơi” của Trần Đăng Khoa. Anh Khoa sau này đã phải sửa lại câu thơ chị Vân Anh viết đấy.
        Cám ơn bác Tiến rất chuyên cần, mỗi tuần một chuyện. Câu này của Hà Linh đấy, rất thơ.
        • Cái comment này rất hay nó có nhiều thứ trong đó cả chính trị, thơ ca, văn hóa ứng xử…tóm lại là Giôn là Vàng. Cộng lại có rượu phiên ra âm Việt là Giôn vàng loại 18 năm. Vừa hay nhà còn một chai khui ra làm mấy ly xem đá bóng. Cảm ơn LTM. Khekhe…
  2. Nhân Ảnh
    Thưa bác Tiến,
    Nói „ngóng nhiều“ thì sợ cho là … làm khách; Nhưng có „ngóng (đợi ‚Truyện ngắn chủ nhật’)“. Lại cũng sợ … nên đợi luôn, không dám khai mào.
    *
    Ảnh minh họa gợi hai điều:
    + Trao đổi trước, bác dùng chữ „động não“ làm tôi nhớ một lời khuyên của bác sỹ: Những người cao tuổi có thể chống lão hóa não bằng cách học một lớp dạy lái xe. Lý do là khi học, người ta phải ghi nhớ ý nghĩa con chữ và hình ảnh (bản đồ đường đi) là 2 phần do 2 chức năng của toàn bộ não. – Cái này là phụ.
    + Cái chính, bức ảnh gợi đến ý „mờ mờ nhân ảnh“ (Hoa thì không rõ là hoa mai hay hoa cải? Cũng là „phụ“ luôn. Hihi …)
    „Nhân ảnh“ của Hàn Mặc Tử đã có nhiều người bàn rồi; Nhớ cụ Nguyễn Gia Thiều thì nhờ Google (cũng tiện) tìm ra luôn cả đoạn sau:
    087 Cánh buồm bể hoạn mênh mang,
    088 Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh.
    089 Quyền họa phúc trời tranh mất cả,
    090 Chút tiện nghi chẳng trả phần ai;
    091 Cái quay búng sẵn lên trời,
    092 Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
    *
    Chữ „tái tạo một cuộc đời“ rất … gợi. Hình như chuyện này có gì ngược với con đường Từ Thức? Được sống với „ý trung nhân“ là HẠNH (phúc) vậy; Mà Từ Thức thì „Đã lên cõi hạnh, về chi cõi trần?
    Còn việc „tái sinh một cuộc đời“ này, tôi nghĩ, bác Tiến cũng „dự phần“ trong đó! Từ sự cuốn hút của „hoang dã“ (thực chất là „TỰ DO“) đến mê say để „Sau này vào những lúc chán chường nhất hoặc hưng phấn nhất bao giờ địa điểm đầu tiên tôi tìm đến cũng là khu nhà của Gã.“ „Tất tật“ phải và có thể „tự kiếm“, nhưng „diêm lửa“ thì phải „mang theo“. Có lẽ chính việc „tìm đến“ người Bạn của bác đã là lửa làm cháy lại chân lý này: Con Người Sống Cần Có Nhau. Và …
    Mông lung như thế; Lại xin đọc thêm để nghĩ „rút ra“ như vậy có đúng không?
    Kính mến.
    • Kính bác Văn Đức!
      Cái sự thưa gửi này cứ trao đi đổi lại tưởng khách khí nhưng hoàn toàn không phải. Nó là sự trọng thị. Đã đọc comment của bác nhiều (bên trang Thùy Linh) tôi luôn đọc kỹ và trân trọng. Chỉ một lẽ này thôi cũng đã đủ, thời buổi này lo cơm áo gạo tiền mo phú mọi nhẽ sao vẫn có người cẩn trọng đọc, viết đến từng chữ. Thật đáng quý.
      Thế nên bây giờ mỗi lần bác vào trang này, tôi có cảm giác hồi hộp. Không phải vì nội dung nhận xét mà sự hồi hộp ở một nhẽ khác. Cứ mơ hồ mông lung không ra nhưng hôm nay thì đã được bác hóa giải. Mà nó lại là chân lý cơ đấy:
      Con Người Sống Cần Có Nhau.
      Đúng như thế. Đúng như không thể đúng hơn. Cả người viết lẫn người đọc không thể thiếu nhau!
      Cảm ơn bác nhiều!
      PS: Đã sửa (Ý trung nhân) bác ạ.
    • Kính bác Văn Đức. Hai cái comment sau của bác nhắc để sửa cái lỗi chính tả (Ý trung nhân) đã sửa rồi mà bác. Cảm ơn bác đã rất cẩn trọng.
  3. Em nghĩ bác đặt tên chuyện là “Khúc biến tấu của cuộc đời”. Đời người như một bản nhạc có thăng có trầm, lúc lên lúc xuống , có như thế mọi người mới cảm nhận được hết niềm vui và nỗi buồn ở chốn trần gian. Anh là người may mắn được cảm nhận nhiều số phận , nhiều cuộc đời đem đến cho độc giả nhiều xúc cảm của cuộc sống còn nhiều vật vã . Có gì không đúng mong bác thông cảm nhé. HI HI
    BD
    • Tên cái truyện này (Nguyên mẫu) không đúng lắm và lại trùng với một truyện ngắn cũ nhưng kệ nó thôi. Đã trót rồi. “Khúc biến tấu cuộc đời” rất đúng nhưng nó văn vẻ quá. Định đặt là Tái sinh nhưng lại lộ truyện. Khekhe….Cảm ơn cái tên đặt giùm nhé.
  4. Bác Tiến ơi,
    Lóng nga lóng ngóng: „Càng sửa càng sai“; Tôi cũng nghĩ chắc còn thời gian sửa, nhưng … nhanh quá. Cảm ơn bác.
    Vậy là tìm được cách „nói chuyện riêng“ (như thời học trò) rồi.
    Vậy bác đọc xong thì delete mấy ý kiến sau luôn.
    Thân mến.
  5. Nhờ sự cẩn trọng của bác mà tôi vừa nhặt được gần chục lỗi diễn đạt trong bài là những lỗi bị lặp từ. Chắc là phải cẩn thận hơn. Tôi viết nhanh và viết một lần ít khi chịu sửa lại nên hay mắc những lỗi không đáng có. Cảm ơn bác.
  6. Gọi là Gã vì thực đến tận giờ tôi không hề biết tên thật của con người này. Đành gọi Gã là chính xác nhất.
    ******
    Một cách đặt vấn đề thú vị….
  7. Tái sinh một niềm vui sao bằng tái sinh một cuộc đời.
    ************
    Câu này hay quá anh Tiến! dù, có lẽ, đôi khi để hiểu rõ đâu là một niềm vui, đâu là một cuộc đời cũng không giản đơn…
    nhưng dù sao thì cũng vui vì cuối cùng Gã đã có thể trở lại sống một cuộc sống bình thường của một con người bình thường…đến cả” sỏi đá cũng cần có nhau” huống gì là con người, dù cho một xã hội có người này người nọ, nhưng vẫn là một liên kết…tạo nên nhau và níu giữ nhau …
    nhưng mà đúng là cái đoạn anh Tiến tả Gã nuôi chim cho rắn thì đúng là ghê rợn…Gã như là ở những thái cực khác nhau…
    • Không biết tên là vì mình thấy cũng chả cần thiết khi gã không nói. Nhưng cũng là sự vô tâm. Giờ thì ổn rồi.
      Nhìn đàn chim lổm ngổm đen sì nom kinh lắm. Thà rằng nuôi chim lồng. Rắn thì không có vấn đề gì. Đám đó sống tự nhiên.
      • em cảm giác cái cách nuôi chim như thế y như là một sự trả thù ấy, có lẽ đưa đến cho Gã một khoái cảm nào đó..
        những con chim như đưa đến cho Gã chút vui thú khoái trá nào đó…
        Gã đã là nạn nhân rồi Gã lại hành hạ bọn chim, nỗi đau của những kiếp chim phải chăng đem lại chút khoái trá man dại nào đó mang ẩn ức của lần gã bị vợ lão phản bội…Và Gã sống như vậy trong cô đơn chồng cô đơn…
        chỉ có tình yêu thương chân thành, cảm thông vô cùng của người con gái sẵn sàng vứt bỏ tất cả để đến với gã mới đưa gã lại cuộc sống để sống kiếp con người chân chỉ…Thực ra đó mới chính là Gã…Cảm ơn tình yêu! Có lẽ ta nên nói vậy..
        những cuộc viếng thăm chốc lát của người đời cũng chẳng đủ để khơi gợi lại trong Gã nhiều điều về đời sống, Gã cần tình yêu thương, sẻ chia thật sự và ấm áp như thế với người con gái đó…
        • Thì thù hận mới phải lánh đời. Là trong trường hợp này. Thế nên mọi cái gì trái quy luật cũng là bình thường.
          • Chào bạn HL và bác Tiến. Em nghĩ Gã cũng không thù gái đến mức phải hành hạ bọn chim như thế đâu. Em đã chứng kiến nhiều cảnh này. Đấy là 1 cách giữ, nuôi chim sau khi bắt được thôi, rất nhiều người áp dụng. Gã cần nuôi để đảm bảo thường xuyên có đủ nguồn thức ăn cho lũ rắn chứ.
    • Bạn HL vui vì cuối cùng Gã đã có thể trở lại sống một cuộc sống bình thường của một con người bình thường… Mình thì lại buồn vì chuyện đó; cứ sống tự nhiên như gã lại sướng. Cũng như những nhà sư trên núi ấy; ai bảo họ khổ ? Khối người lên thăm Tây Tạng chỉ muốn được sống như họ, nhất là khi đã nhiều tuổi rồi.
      • Hai người này tự trao đổi nhé. Đi xem đá bóng đơi


        • Bác này, đôi bạn đến nhà mà chủ không ngồi cùng, thì hai đứa xấu hổ chít, tự trao đổi như ngoài công viên làm sao được.
          Chắc bác làm hết chai Giôn vàng 18 năm thì chỉ xem được 18 phút đầu là khò khò luôn nhỉ. Tiếc quá, 2 trận đều hấp dẫn. Nếu bác cũng yêu MC và Chelsea như em thì em thông báo tin nhanh cho bác (chắc thức giấc sau 18 giờ ngủ thì việc đầu tiên là bác xem thư mà) là MC lại thắng, còn Che thì lại hòa rồi. Giờ em chuyển sang xem bồ ruột Real gặm cục xương Levante đây.
          Chúc bác có 1 tuần làm việc mới hiệu quả.
          À quên, trong còm về tại sao dân Việt hay đặt tên chó là vàng, em quên mất còn đoạn kết: Ông Tây nghe em kể chuyện dân mình chửi Mỹ như thế, sướng quá, đi đâu cũng khoe, hóa ra dân VN rất thâm, chửi thế mới đúng là chửi chứ. Ông này nghiện thịt chó nên hiểu lắm. Sau này đi với em, gặp ai là lại giục, mày kể lại chuyện sao dân Việt hay lấy tên Tổng thống Mỹ để đặt tên cho chó đi.
          Buồn cười, có hôm ông ấy rủ về thăm bố mẹ già và họ hàng ông ấy, giữa lúc cao trào, mọi người ăn uống đang ngon, ông ấy đứng lên kể, đến đoạn có chữ C, rồi đoạn thi nhau gọi Tổng thống Mỹ tới ăn… thì em ngượng quá… Hi hi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét