Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

‘Doanh nghiệp chưa bao giờ chết nhiều như 2 năm qua’


‘Doanh nghiệp chưa bao giờ chết nhiều như 2 năm qua’

“Trong vòng 2 năm, dự báo có gần 100.000 doanh nghiệp rời thị trường, tương đương với một nửa số doanh nghiệp đóng cửa trong vòng 20 năm qua”, Chủ tịch VCCI – Vũ Tiến Lộc cho biết.
>Doanh nghiệp thủy sản kêu cứu
>Lao động mất việc hàng loạt

- Ông nhận định tình hình doanh nghiệp trong nước thế nào qua đợt khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP HCM và một số địa phương?
- Khảo sát của VCCI vừa qua là chọn mẫu ở quy mô nhỏ, chúng tôi chủ yếu lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn. Do vậy, nếu thống kê thì ít có tính đại diện. Tuy nhiên, căn cứ vào những số liệu của cơ quan chức năng thì đến nay, có ít nhất 30% doanh nghiệp đã rời thị trường. 70% còn lại cũng hết sức khó khăn, phần lớn là thua lỗ. Thực tế cho thấy hầu hết doanh nghiệp sống được đến thời điểm này là nhờ “lương khô” - những gì họ tích lũy được từ nhiều năm. Nhưng nay lương khô có lẽ cũng cạn rồi. Nếu tình trạng khó khăn này kéo dài, tôi không nghĩ doanh nghiệp trụ được lâu.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì năm nay có khoảng 50.000 doanh nghiệp rời thị trường, cộng với 49.000 của năm ngoái là xấp xỉ 100.000. Con số này tương đương với một nửa số doanh nghiệp “chết” trong vòng 20 năm qua, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp. Chưa bao giờ doanh nghiệp lại chết nhiều như vậy.
- Bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế, theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bết bát của doanh nghiệp hiện nay?
- Trước hết cần thừa nhận các chính sách kinh tế vừa qua đã tác động không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp. Có nhiều vấn đề nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh tính minh bạch trong chính sách. Doanh nghiệp thực ra có sức sống rất bền bỉ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ đều có thể tìm cách sống được. Điều họ cần là tính khả đoán của chính sách, cũng như thông tin đầy đủ về thị trường. Ở Việt Nam trước nay làm việc này chưa tốt.

Thứ hai là khả năng quản trị của chính doanh nghiệp. Qua khảo sát vừa rồi, chúng tôi thấy vẫn có một bộ phận sống rất tốt trong khủng hoảng. Họ đa phần là những công ty có quy mô vừa, được lãnh đạo bởi các doanh nhân trẻ, được đào tạo bài bản, quản trị tài chính tốt. Quan trọng hơn là họ tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính nhưng biết đa dạng hóa thị trường. Những trường hợp “chết” thì ngược lại, họ làm ngoài ngành nhiều nhưng thị trường thì lại bó hẹp.
Một vấn đề nữa là các công ty nhỏ trước đây, mỗi lần kiếm được hợp đồng, làm thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn thì rất yên tâm. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, khi các công trình do doanh nghiệp lớn làm gặp khó khăn, không minh bạch về tài chính, thì nhà thầu phụ bị kẹt vốn, khó khăn theo. Nhiều trường hợp đã “chết theo” những ông lớn.
- Kể từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm “cứu” doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về kết quả của những chính sách này?
- Không thể phủ nhận những kết quả đã đạt được từ những chính sách vừa qua. Tuy nhiên, tôi thấy bản thân những chính sách này chủ yếu vẫn tập trung vào hỗ trợ chi phí, chẳng hạn như giãn - giảm thuế, cho hoãn các khoản phải nộp… Những biện pháp này là đúng nhưng chưa đủ. Chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp là có nhưng chưa thực hiện được nhiều. Tôi cho rằng cần đẩy mạnh việc làm này hơn nữa.
Một vấn đề khác là lựa chọn đối tượng hỗ trợ. Hiện chúng ta mới tiến hành hỗ trợ chủ yếu theo lĩnh vực, theo quy mô trong khi việc lựa chọn thông qua năng lực cạnh tranh còn bị bỏ ngỏ. Điều này đã phần nào hạn chế hiệu quả của chính sách, bởi trong cùng một ngành, có nhiều doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn tạm thời, vượt qua được sẽ phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên cũng có những anh mà chỉ cần dứt hỗ trợ là chết. Những đối tượng như vậy cần phải thanh lọc qua khủng hoảng.
- Vậy theo ông, cần phải làm thêm gì để hỗ trợ doanh nghiệp?
- Tôi cho rằng cần làm 2 việc: không tạo thêm khó khăn và đưa doanh nghiệp tiến mạnh hơn vào quá trình tái cấu trúc. Để không tạo thêm khó khăn, tôi đồng ý là phải hỗ trợ chi phí, nhất là trong các khoản thuế và chính sách lương. Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam hiện cao hơn so với các nước trong khu vực. Như Thái Lan, họ vừa giảm từ 30% xuống 23%. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều đang áp thuế với khu vực vừa và nhỏ là 17%, trong khi ở Việt Nam hiện vẫn là 25%.
Tôi nghĩ cần phải giảm ngay mức thu này. Cụ thể bao nhiêu còn tuy thuộc vào ngân sách nhưng nếu có thể, nên đưa ngay xuống 20%. Vừa qua cũng có ý kiến cho rằng giảm thuế vào lúc này không có nhiều ý nghĩa, bởi thực tế đâu có nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận để đánh thuế. Tuy nhiên tôi cho rằng đây mới chính là lúc cần hỗ trợ số ít các doanh nghiệp đang có lãi, để họ có cơ hội tích lũy, đầu tư trong tương lai.
Về lương, VCCI cùng một số hiệp hội ngành nghề lớn vừa có văn bản kiến nghị lên các cơ quan chức năng về lộ trình tăng lương tối thiểu. Chúng tôi đồng ý cần tăng lương để cải thiện đời sống người lao động. Tuy nhiên, đây là việc ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nên cần tính toán kỹ, có lộ trình cụ thể cho trung hạn, thay vì cứ mỗi năm lại có mức tăng khác nhau.
Cũng cần lưu ý rằng, tăng lương phải gắn với tăng năng suất lao động. Tốc độ tăng năng suất bình quân ở Việt Nam hiện là 4,5 – 5% một năm, trong khi trung bình ASEAN là 10%. Do vậy, sau khi cân nhắc, chúng tôi đề xuất mức tăng lương 15% một năm, trong vòng 3 năm tới. Tăng ổn định như vậy thì doanh nghiệp mới tính toán, đưa vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh được. Cuối cùng, như đã nói ở trên, tôi cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa quá trính tái cơ cấu, tăng cường tính minh bạch trong cả chính sách lẫn tại doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể giữ kín bí mật kinh doanh, nhưng tài chính thì phải công khai, rõ ràng.
- Ở góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ông dự báo như thế nào về triển vọng kinh doanh thời gian tới?
- Với tình hình hiện nay, tôi cho rằng doanh nghiệp sẽ còn khó khăn trong vòng 1- 2 năm tới. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, tôi chưa thấy có nhân tố nào đột biến khi mà đầu tư công sẽ tiếp tục bị kiểm soát chặt, tiếp cận tín dụng khó khăn, thị trường chứng khoán ảm đạm trong khi vốn nước ngoài cũng huy động rất khó khăn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có ánh sáng. Bởi tình thế hiện nay đang buộc doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý thay đổi và tất nhiên, thay đổi này phải theo hướng tích cực hơn.
Nhật Minh (ghi)

Tại sao nhiều doanh nghiệp chết?
Một đất nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi nạn tham nhũng thì các doanh nghiệp chết là điều tất yếu. Tham nhũng đã tạo ra các doanh nghiệp ảo, doanh nghiệp không có trình độ để rồi nuôi dưỡng nó, dùng nó bóp chết các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh khác. Tham nhũng cũng làm tăng các giá trị đầu vào của doanh nghiệp, do đó giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp lành mạnh sẽ không đủ sức cạnh tranh với các h nghiệp được bảo kê bởi tham nhũng, và tất nhiên chưa nói đến yếu tố giá thành do hàng nhậu khẩu cạnh tranh.
Các doanh nghiệp được tạo ra bởi tham nhũng sẽ nếm đòn bước ra sân chơi quốc tế nơi mà sự minh bạch, tài năng được đề cao. Hãy nhìn vào các báo cáo minh bạch của các tổ chức quốc tế. Việt Nam chúng ta đang tụt hậu vì chính sách chưa phù hợp, nạn tham nhũng hoành hành đó là lý do các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chết. Những người kinh doanh cần một môi trường cạnh tranh lành mạnh, không có tham nhũng có như thế họ mới đứng vững được.
Thời thế của nhân tài 8x tỏa sáng?
Thật sự chưa năm nào Khủng khoảng KT lại có sức ảnh hưởng sâu và rộng đến vậy. Mọi năm các doanh nghiệp lớn chao đảo, thì năm nay đa phần các DN đều lung lay, không nhiều thì cũng 1 phần đáng kể. " Qua khảo sát vừa rồi, chúng tôi thấy vẫn có một bộ phận sống rất tốt trong khủng hoảng. Họ đa phần là những công ty có quy mô vừa, được lãnh đạo bởi các doanh nhân trẻ, được đào tạo bài bản, quản trị tài chính tốt. " Trong bối cảnh này, các doanh nhân trẻ tuổi thế hệ 8x đang chứng tỏ bãn lĩnh của mình với những nguyên tắc kinh doanh tiến bộ, linh hoạt trong việc ứng phó với thị trường. Thế hệ 8x vẫn luôn đc dự báo là sẽ tạo ra sự đột phá và kiến tạo tương lai tươi sáng.
Lãi suất ngân hàng quá cao!
Lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng thì doanh nghiệp chết là phải? Tiền lợi nhuận làm ra bao nhiêu cũng chẳng trả nổi lãi ngân hàng thì làm sao mà sống nổi.
Do cơ quản lý lỏng lẻo
Tôi là Doanh nghiệp thương mại.
tôi thấy vấn đề nhà nước là như : thuế, hải quan, cần cải cách thêm,...
Như tôi lấy sản phẩm dầu thực vật công nghiệp do người VN sản xuất bán cho các tập đoàn nước ngoài nhưng trớ trêu thay là khi khai hải quan thì bị làm khó như phải đóng thuế bảo vệ môi trường nhưng nhà nước quy định máy sản xuất thì phải đóng mới được xuất hàng.
VD: DN SX xuất hàng 9 thì đến tận mới khai 20/10 mới đóng thếu nhưng DN thương mại nói hàng của tôi chưa đóng thuế hải quan không chịu. vậy chứng tỏ luật thuế đá ông hải quan và để hàng đến khách hàng thì DN thương mại phải đóng thuế lần 2 . ( tôi nói sẽ ngày 20 tháng sau tôi sẽ bổ sung sau hải quan ko chịu ) vì nếu đóng thì thuế chồng thếu.
DN tôi khi bán hàng cho các tập đoàn nước ngoài thì phải chịu trách nhiệm với khách hàng và cũng phải đảm bảo là ko làm sai pháp luật của VN.
Bây giờ tôi biết kêu ai.
Chính người việt đá người việt.
Doanh nghiệp kêu cứu!
Doanh nghiệp ở Việt Nam thời khủng hoảng phải chống chọi với xu hướng khủng hoảng chung, ngoài ra còn phải gồng mình gánh chịu hàng bao nhiêu cái phí không tên khác, chẳng hạn như Doanh nghiệp chúng tôi thực thi đúng pháp luật, đúng qui định nhà nước, nhưng mỗi khi có phái đoàn thanh tra kiểm tra về thuế, về môi trường ...đều phải thực thi "Luật phong bì", các cuộc ăn nhậu hội đồng sử dụng rượu ngoại đắt tiền nhất, nhà hàng bản địa cấm quay phim chụp hình, và chưa kể rượu ngoại mang về cho sếp thứ n, nếu Doanh nghiệp không muốn bị gây khó dễ, bắt chẹt và hàng tá sai phạm không đáng có. Tại Công ty thì có "Luật " như thế, hàng hóa trên đường vận chuyển thì có "Luật" chung chi không nói nhưng ai cũng hiểu?! Thử hỏi khủng hoảng bóp chết doanh nghiệp hay DN bị chết vì "tham quan "?! Giá tăng vì đâu?! lương công nhân không tăng vì đâu?! Xin nhường câu trả lời cho các Lãnh đạo.
Nền kinh tế bong bóng
Nguyên nhân thì chắc có thể kể đến cả nghìn nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có, tuy nhiên theo tôi nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do bản thân doanh nghiệp và sự điều hành kém cỏi của một số ban ngành liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Sau đó hậu quả là tạo ra những quả bong bóng kinh tế . Đầu tiên là bong bóng chứng khoán rồi đến bong bóng bất động sản và đây là 2 quả bóng lớn nhất gây ra hệ luỵ cho nhiều ngành nhiều cấp bậc khác...Nếu bản thân doanh nghiệp không đa dạng hoá đầu tư (Doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân vừa thấy có tiền là đầu tư ngay vào lĩnh vực Bất động sản mà không cần biết đó có phải là ngành chính của mình hay không...từ đó dẫn đến bỏ bê chuyên môn, lơ là ngành nghề chính của mình) Chứng khoán thì lên vù vù dạng Siêu Phi Mã để rồi ai có tiền cũng mua chứng...Ngân hàng thì liên tục tạo điều kiện cho vay đặc biệt là vay cho đầu tư chứng khoán và bất động sản, đến khi thấy quả bóng phình ra chuẩn bị nổ thì "rụp" cắt hết, thì hỏi kinh tế nào chịu nổi. 2 lĩnh vực này mà sụp thì chẳng có ai mà không bị hệ luỵ cả. Bên cạnh đó là tham nhũng, tham ô, hối lộ của một bộ phận quan chức, sự xuống cấp của đạo đức, học vấn của tầng lớp thanh niên. Nếu ai đã từng đọc Báo Cáo Của Harvard Về Tương Lai Việt Nam 2011-2020 thì sẽ hiểu. Những điều này đều được báo trước.
Nên phát triển những gì mà mình có
Việt Nam là QUỐC GIA có thế manh về đường biển, chưa có một đất nước nào có tỉ lệ diện tích / chiều dài ranh giới giáp biển như VN . Hiện tại nguồn titan giàu có đủ để sản xuất tàu biển đánh cá.....hoạt động trên biển. tại sao không đầu tư mạnh vào tiềm lực này mà đi miên man chẳng vào đâu? hãy đầu tư chính vào tàu biển và các hoạt động biển và có thế mới giữ vững và phát triển ,.. tốt về biển cũng như lãnh thổ VN nói về biển.
Nền kinh tế gia công và dựa vào nguyên liệu thô giá trị gia tăng thấp
Nền kinh tế Việt Nam chúng ta nói thẳng ra là nền kinh tế tạo ra giá trị gia tăng cực thấp. Gia công một đôi giày thể thao Adidas nếu xem giá bán ở cửa hàng thể thao cỡ vài triệu một đôi, thế mà đơn giá gia công của các công ty giày da gia công ở Việt Nam là bao nhiêu, chỉ trên dưới 1 USD/1 đôi là mừng rơn rồi vì có đơn hàng để có việc làm cho công nhân. Khâu thiết kế sản phẩm, sáng tạo mẫu mã, thương hiệu các hãng nước ngoài đã ăn hết trong đó.
Buồn hơn là những khâu gia công các mặt hàng có công nghệ cao như điện tử cao cấp gia dụng, điện toán đã chuyển dịch hết ra các quốc gia khác như Trung Quốc và gần đây nhất là Indonesía, và sắp tới sẽ là Myanmar chăng? Về lĩnh vực phần mềm chất xám đúng nghĩa cũng loay hoay gia công cho người ta từng module, những mảng đòi hỏi tính tỉ mỉ, thời gian tốn nhiều và nhân lực số đông chứ khâu sáng tạo tận dụng đầu óc trí thông minh cũng chưa tận dụng tạo ra sản phẩm nội địa cho Việt Nam.
Các đại gia giàu sụ trong nước chủ yếu dựa trên bóc lột, khai thác tài nguyên đất đai, thiên nhiên khoáng sản, thủy điện ăn vào môi trường, lấy nguyên liệu thô xuất khẩu đến cạn kiệt nhanh chóng hết dành cho thế hệ con cháu mai sau, hiện nay các đại gia này đang nhiều người suy tư và nghĩ đến nguyên lý "cái máng heo" nho nhỏ vậy mà sướng hơn khi giá trị ảo bị đổ vỡ xì hơi.
Nguyên lý thị trường danh nghĩa chứ thật ra là độc quyền nhóm, độc quyền dựa trên lịch sử để lại như ông điện nước, xăng dầu muốn tăng giá nào không ai tẩy chay được vì không dùng của ông thì dùng của ai cung cấp để thay thế cho những mặt hàng các ông này độc quyền? Khi nào các doanh nghiệp đại gia trong nước tiến tới cạnh tranh được với thị trường khu vực gần gần như Asian thôi, cạnh tranh được với Thái Lan sát nách thôi thì cũng đủ mừng rồi, cái này chắc là phải chờ đến vài chục năm nữa với kế sách đột phá dữ dằn mới mong hi vọng.
Ví dụ như thập niên 90, chiếc xe máy Dream Thái đã thống lĩnh trong tâm trí người tiêu dùng hâm một vì nó hiện đại, đẹp, bền vì được chế tạo với lương tâm trách nhiệm của người công nhân được rèn luyện cả tay nghề lẫn đạo đức. Còn hiện nay thì sao? Nền công nghiệp ô tô trong nước lao đao trong khi Thái Lan đã vươn lên thêm đỉnh cao mới cao hơn. Khi mua 1 ô tô nhập khẩu từ Thái Lan đảm bảo là ăn đứt xe nội địa về chất lượng, độ bền, tin cậy cao. Xe hơn trong nước giờ chỉ còn chiếc lá chắn cuối cùng là thuế quan, nhưng rất hiu vì lộ trình xóa bỏ thuế quan trong khu vực mà Việt Nam cam kết đã phải tiến hành theo thời gian năm sau phải giảm thêm so với năm trước.
Nói chung, nền kinh tế Việt Nam hiện nay trụ được là nhờ công lao của bao nhiêu triệu nông dân chắt chiu dãi nắng dầm mưa để tận dụng đất đai thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, ánh sáng mặt trời và kinh nghiệm ngàn đời cha ông để lại để tạo ra sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo giá hạ nuôi sống cư dân, rau trái phong phú để khỏi phải mọi thứ phải mua như Singapore chắc là giờ nay bao nhiêu cư dân phải đói vì thiếu cơm ăn, bạn nhờ cơm gạo thực phẩm tự túc được nên mỗi ngày làm ra 1 USD cũng đủ cơm ăn ngày 2 buổi, vì cơm trắng mỗi phần ăn chỉ vài ngàn đồng thôi.
Văn hóa kinh doanh, văn minh doanh nghiệp cũng chưa được đề cao. Luật thương mại chưa được tôn trọng và đề cao trong làm ăn, chỉ theo cách nghĩ chủ quan kiểu cũ quen biết bao biện cho nhau rồi xảy ra xung đột cứ giải quyết thô thiển mất hết cả niềm tin của khách hàng đối tác.. Còn nhiều thứ khác nữa, nói ra chắc là mất vài ngày để viết. Cảm ơn mọi người đã đọc những cảm nghĩ của tôi. Thân chúc may mắn và thuận lợi thành công đến với các bạn!
Lạm phát mà ra
Lạm phát có nhiều tác động tích cực và tiêu cực khác nhau trên thị trường. Ở khía cạch tiêu cực, khi đồng tiền được in ra quá nhiều để chi tiêu thì giá trị đồng tiền sẽ bóc hơi. Người nào giữ nhiều tiền nhất, ở đây là doanh nghiệp, thì sẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hết tiền thì phá sản là tất yếu.
Điều tất yếu thôi !
DN chết? 2 năm qua là 2 năm bùng nổ những loại DN ăn xổi ở thì, nhập khẩu phân phối hàng ngoại chỉ để kích thích tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, chiến lược phát triển kinh tế bền vững tạo sự thịnh vượng cho quốc gia chính là xuất khẩu đem lại nguồn lực từ bên ngoài về. Việc các DN này chết thì chẳng có gì là quá ngạc nhiên với tình hình bùng nổ quá mức thời gian qua.
Do lãi suất cao
Cốt lõi của vấn đề là chính sách của nhà nước dẫn đến việc tăng lãi suất ngân hàng. khi DN xây dựng phương án kinh doanh trên cơ sở cân đối chi phí cho việc trả lãi suất dưới 10%, thì đùng một cái ngân hàng tăng lãi suất lên đến trên 20% khoản chi phí này không nằm trong tầm kiểm soát của DN rồi cộng với việc siết chặt tài chính làm giảm sức mua trong dân. Như vậy là hàng hóa thì không bán được mà phải còng lưng trả lãi cho ngân hàng nên DN chết là đúng rồi.
Đã quá muộn
Khởi đầu từ việc chống lạm phát, Người ta chống lạm phát thì theo tiến độ, còm mình thì làm đùng đùng, khiến lãi xuất tăng mạnh, thắt chặt tới mức nghẹt thở, chưa kể tới mức "giãm phát" mới chịu buông ra. cho nên đã quá muộn, doanh nghiệp tan tác thì nợ xấu tràn lan chứ sao bây giờ.
DN nước ngoài cũng chết
Bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài khi đến VN còn chết nữa là .
Cần sự ổn định
Theo cá nhân tôi thì doanh nghiệp không thể phát triển trên nền một môi trường chính sách không ổn định. Những doanh nghiệp trụ lại được vẫn đang đối mặt với nguy cơ. Doanh nghiệp giống như Cá, đầu ra như là nước: Cá cần bơi trong nước. Nhưng ở đây chỉ thấy cá mà không thấy có nước thì cá sẽ chết trước khi nước về.
Đó là quy luật của lựa chọn và cạnh tranh
Thời gian qua, tin "hot" luôn là Doanh nghiệp phá sản, lạm phát, thuế...chính sách nhà nước. Sao mỗi doanh nghiệp không tự hỏi bản thân mình...phải làm gì để tăng hiệu quả kinh doanh? phải lựa chọn ngành nghề gì là Thế mạnh của mình? hay gặp chút khó khăn là bỏ cuộc, thấy mảng này hay hơn...bỏ mảng kia. Soi mói nhân viên... Quy luật tự nhiên chỉ ta ràng: thuận theo tự nhiên, biến đổi "gen" để thích nghi là cách hay nhất...để trường tồn Ngành nghề không còn phù hơp nên "đào thải" yếu kém k cạnh tranh dc thì nên rút tạp chung cho các tập Đoàn lớn. Ở Vn cái này còn chưa có Luật. đó là Nhân Viên ở các Cty lớn sau một thời gian họ làm việc tại các tập đoàn về nhà mở daonh nghiệp "làm ăn" tương tự...Kinh nghiệm, vốn, quan hệ, kế hoạch dài hạn...thua kém tập doàn Chết là Chắc.
Bài toán!!!
Trích "Tôi nghĩ cần phải giảm ngay mức thu này. Cụ thể bao nhiêu còn tuy thuộc vào ngân sách nhưng nếu có thể, nên đưa ngay xuống 20%..."Doanh nghiệp thì lúc nào cũng báo cáo là lỗ hoặc lợi nhuận ích để giảm khoản nộp thuế, nếu mà giảm đến mức này thì phải chăng có nên không?
Quy luật tự nhiên
Lạm phát + quản trị kém và tham những = người dân nghèo đi + đất nước kém phát triển và bất ổn.
Doanh nghiep chet
That dang so, neu mot nuoc nao kha kha mot ty thi khi nghe vay chac ho xach dep chay... Thuc ra trach nhiem cua nguoi xay dung luat doanh nghiep phai nhin lai minh , nhung nguoi ky quyet dinh thanh lap cung phai xem lai ngay, dung lam ngheo dat nuoc, kho nguoi ngheo vi bi lua..
Doanh nghiệp chết có tỉ nguyên nhân
Tôi khẳng định doanh nghiệp chết có đến hàng tỉ nguyên nhân khác nhau trong thời buổi này, nhưng có một nguyên nhân xâu xa nhất khiến họ chết đồng loạt là vì lãi xuất ngân hàng không khác gì lãi xuất của giới kinh doanh cầm đồ.
Có chắc chắn về con số
Tôi xin khẳng định, trong tổng số các công ty, doanh nghiệp ở trên, thì đa phần là công ty ma, công ty lập ra chỉ với mục đích mua mấy cuốn hóa đơn đỏ. Ai cũng biết thủ tục và vốn điều lệ để lập ra công ty, doanh nghiệp không hề nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét