Ngày mai (theo giờ Việt Nam), thế giới sẽ biết được ai là vị tổng thống được cử tri Mỹ lựa chọn. Nhưng với ASEAN, rõ ràng ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm nhận được nhiều cảm tình hơn với 10 lý do sau đây.
1. Nhìn chung, lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) muốn Obama tại vị vì như vậy ông có thể tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) sẽ được tổ chức 2 tuần tới đây ở Phnom Penh, Campuchia. EAS lần thứ 7 sẽ là một trong những hội nghị quan trọng nhất giữa lãnh đạo các nước ASEAN và các cường quốc lớn trên thế giới gồm cả Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ khi mỗi nước này đang trải qua những thay đổi quan trọng với những diễn biến chính trị trong nước và môi trường năng động bên ngoài. Với ASEAN, Obama biểu hiện cho sự tiếp diễn các cam kết của Mỹ với châu Á.
ASEAN muốn Obama tiếp tục ở lại làm tổng thống Mỹ
2. Nếu đối thủ Cộng hòa Mitt Romney giành chiến thắng, ông không có lý do để công du tới Đông Nam Á vào bất cứ thời điểm xác định nào trong tương lai. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là sẽ củng cố đội ngũ chính quyền mới cũng như tái định hình chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Đông, tập trung vào Israel và Iran. Nếu châu Á có vấn đề, lúc đó vai trò sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc và Nhật Bản. ASEAN sẽ rơi xuống đáy danh sách.
3. Campuchia, Chủ tịch ASEAN tỏ ra phấn kích tới mức người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố hôm thứ Ba tuần trước ở Phnom Penh rằng Tổng thống Obama khẳng định ông sẽ thăm Cambodia và tham dự EAS. Đó là một minh chứng rõ ràng cho thấy Nhà Trắng tin tưởng vào sự chiến thắng của ông trong cuộc chạy đua ngày 6/11. Sau thất bại không thể đưa ra được tuyên bố chung trong cuộc họp thường niên ASEAN tháng 7 vừa qua, Campuchia thực sự muốn thể hiện chính sách ngoại giao trung lập với các nước lớn của mình, đặc biệt với Mỹ và Trung Quốc.
4. Cả Myanmar và Thái Lan đều nóng lòng muốn biết liệu ông Obama có ghé thăm thủ đô của họ nhân chuyến công cán tới Phnom Penh hay không. Các phái đoàn an ninh cao cấp của Mỹ đã tới những nước này để làm công tác chuẩn bị cho chuyến thăm bất ngờ của Obama trước thềm EAS. Cần thấy rằng, chuyến thăm tới 3 nước ASEAN này sẽ mang tính lịch sử, đặc biệt với Myanmar. Những cải cách gần đây của Myanmar được nhiều nước trên thế giới khen ngợi tới mức ông Obama không thể bỏ qua. Thực vậy, các quan hệ giữa Mỹ và Myanmar đang trên đà chuyển đổi. Đối với Obama, tới thăm Campuhia và Myanmar mà không ghé qua Thái Lan, một đồng minh lâu năm của Mỹ là điều khó chấp nhận. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta dự kiến sẽ có chặng dừng chân tại Bangkok trước khi tới Siem Riem ngày 11/11, còn Ngoại trưởng Hilary Clinton cũng sẽ thăm Bangkok hai ngày trên đường tới Phnom Penh trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton
tham dự hội nghị của ASEAN tại đảo Bali, Indonesia tháng 11/2011
5. Nếu có bất cứ tổng thống Mỹ nào hiểu biết và đánh giá cao vao trò của ASEAN thì đó là Obama. Trong 4 năm qua, ông Obama đã phát triển các mối quan hệ gần gũi trên tinh thần thoải mái với phần lớn các nhà lãnh đạo ASEAN. ASEAN đang cân nhắc về việc lập kế hoạch cho một vòng gặp gỡ nữa giữa các nhà lãnh đạo khối với người nắm quyền tổng thống Mỹ trong tương lai. Các lãnh đạo ASEAN đã tiếp xúc với Tổng thống Obama vài lần trước đây và đều mang lại những kết quả khá tốt. Họ cũng để lại cho ông Obama một niềm tin khi làm việc với các nhà lãnh đạo ASEAN. Do đó, không sai khi nói rằng, Obama giúp định hình và duy trì vai trò của Mỹ trong các mối qua hệ với ASEAN.
6. Chính sách tái cân bằng của Mỹ đã nhận được nhiều tán thưởng của các nhà lãnh đạo ASEAN. Với ông chủ hiện nay ở Nhà Trắng, chính sách này sẽ bước vào giai đoạn hai bằng việc tăng cường sự tiếp xúc hơn nữa của Mỹ đối với các thành viên ASEAN trên tất cả các lĩnh vực. Lịch trình tới thăm Myanmar của Obama sau EAS và việc Mỹ mời Naypyidaw làm quan sát viên cuộc tập trận Hổ Mang Vàng (Cobra Gold) năm tới là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ý định tăng cường hợp tác an ninh với tất cả các thành viên ASEAN của Washington. Với sự hiện diện và cam kết mạnh mẽ, Hiệp ước quan hệ đối tác xuyên thái Bình Dương (TPP) do Washington khởi xướng đang nhận được nhiều sự hưởng ứng trong khu vực khi có thêm các nước ASEAN mong muốn gia nhập tiến trình đàm phán tham gia TPP. Thái Lan là một nước trong số đó. Đối thủ của Obama sẽ không tập trung vào toàn khối châu Á, mặc dù người tiền nhiệm, cựu Tổng thống George W. Bush đã nỗ lực hình thành nền ngoại giao riêng biệt với châu Á và ASEAN, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2.
7. ASEAN muốn một tổng thống Mỹ có chính sách ngoại giao thực tế hơn với Trung Quốc. Ở bên cạnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khiến ASEAN vừa “thoải mái, vừa căng thẳng”. Chính sách ngoại giao vừa cạnh tranh vừa hợp tác của chính quyền Obama đối với Trung Quốc tương đồng với cách tiếp cận của ASEAN với hai nước đối thoại lớn. ASEAN sẽ hưởng lợi từ các chính sách cân bằng này, mang lại cho hai nước đủ không gian can dự và đảm bảo tầm ảnh hưởng theo những phương thức tăng cường uy tín của khu vực chứ không phải làm giảm sút đi.
Tổng thống Obama chụp hình cùng lãnh đạo 10 nước ASEAN trong hội nghị tại Singapore tháng 11/2009
8. ASEAN muốn có một tổng tống Mỹ không xem Nga là kẻ thù vì điều đó sẽ mang lại những tác động trực tiếp tới hòa bình và sự ổn định của toàn khu vực. Nước Nga trong nhiệm kỳ thứ 3 của Tổng thống Vladimir Putin đang trở lại khu vực, đặc biệt là các nước Đông Dương có quan hệ truyền thống. Moscow mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác gần gũi hơn nữa với ASEAN và sẵn sàng hành động nhiều hơn để khai thác các mối quan hệ này.
9. Nếu Obama vẫn tiếp tục làm tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ có thêm thời gian để suy ngẫm về ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc lên nắm quyền vào tuần tới. Thập kỷ vừa qua, ASEAN quá đơn giản khi cho rằng Trung Quốc sẽ không hành động quả quyết vì nước này có lợi ích gắn liền với ASEAN và vẫn sẽ là nước “nhân từ”. Tuy nhiên, những tranh chấp trên biển Đông và hệ quả sau đó đã làm thay đổi nhận thức vốn tồn tại từ lâu này. Từ nay trở đi, đơn lẻ hay tập thể, ASEAN sẽ phải “giải mã” ban lãnh đạo mới của Trung Quốc và động thái của họ đối với khu vực. Nếu không làm được như vậy sẽ chỉ càng làm trầm trong thêm những nghi kỵ giữa hai bên.
10. Lãnh đạo ASEAN, đặc biệt những người đến từ các quốc gia Hồi Giáo, không muốn Mỹ dưới thời Romney lại phát động chiến tranh chống Iran, nước mà họ vẫn duy trì các quan hệ song phương tốt. Bất chấp những cấm vận, một số thành viên ASEAN vẫn tiếp tục giao thương với Iran. Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều có quan hệ kinh tế sâu rộng với Iran.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét