Từ ngoài khơi khu vực Viễn Đông Nga, qua vùng biển Hàn Quốc đến tận Phlippines, ngư dân Trung Quốc đang ngày càng đẩy Bắc Kinh vào tình thế “đối đầu” với tất cả các nước láng giềng.
Tuần duyên Hàn Quốc diễn tập chống đánh bắt cá trộm.
Ảnh South China Morning Post
Giữa lúc căng thẳng với các nước Đông Nam Á về Biển Đông vẫn còn đó và tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông tiếp tục gay go, ngày 17/10, lại xảy ra sự cố trên biển Hoàng Hải giữa ngư dân Trung Quốc với tuần duyên Hàn Quốc.
Theo AFP, ngày 16/10, lực lượng tuần duyên Hàn Quốc đã mở chiến dịch ngăn chặn khoảng 30 chục tàu đánh cá Trung Quốc bị cho là hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải. Cảnh sát biển Hàn Quốc đã bắt giữ hai chiếc tàu trọng tải gần 100 tấn và kéo về cảng Mokpo (mạn Tây Nam Hàn Quốc), đồng thời giam giữ 23 thủy thủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nguồn tin Hàn Quốc, khi bị chặn bắt, ngư dân Trung Quốc đã dùng dao, búa, gậy gộc và nhiều loại vũ khí khác… đánh lại lực lượng tuần duyên. Một nhóm cảnh sát biển Hàn Quốc đã phải dùng súng bắn đạn cao su để chống trả. Một ngư dân Trung Quốc 44 tuổi đã bị trúng đạn cao su vào ngực và đã qua đời khi được trực thăng chở đến bệnh viện.
Sự cố bi thảm này đã lập tức khuấy động quan hệ Trung Hàn. Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul đã lập tức yêu cầu chính quyền Hàn Quốc là phải điều tra vụ việc “một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc”. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng lên tiếng tỏ ý lấy làm tiếc về cái chết của ngư dân Trung Quốc.
Phát biểu với báo chí ngày 17/10, ông Kang Seong Hee - chỉ huy lực lượng tuần duyên thành phố Mokpo - cho biết là thi hài của người ngư dân Trung Quốc sẽ được xét nghiệm để xác định xem có phải đúng là viên đạn cao su đã gây ra cái chết của nạn nhân hay không. Tuy nhiên, viên chức này xác định : “Chúng tôi không bao giờ sử dụng đến đạn cao su nếu họ không đánh trả”.
Việc tàu đánh cá Trung Quốc ồ ạt lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc trên Hoàng Hải để đánh bắt trái phép không phải là hiếm hoi, và càng lúc càng gia tăng. Theo số liệu của tuần duyên Hàn Quốc, nếu trong năm 2010, chỉ có 370 tàu thuyền đánh cá Trung Quốc bị bắt giữ, qua năm 2011, số lượng này đã lên đến 475 chiếc.
Phản ứng của ngư dân Trung Quốc khi bị chặn bắt cũng càng lúc càng dữ dội hơn, không ngần ngại tấn công vào lực lượng tuần duyên lên bắt họ. Chẳng hạn như vào tháng tư vừa qua, bốn lính tuần duyên Hàn Quốc đã bị thủy thủ Trung Quốc đánh bị thương.
Thậm chí trước đó, vào tháng 12 năm 2010, một ngư dân Trung Quốc đã đâm chết một lính tuần duyên Hàn Quốc và làm một người lính khác bị thương nặng. Vụ này đã làm công luận Hàn Quốc hết sức phẫn nộ và vào tháng tư vừa qua, thủ phạm đã bị một tòa án Hàn Quốc kết án 30 năm tù. Trước đó hai năm, vào tháng 9 năm 2008, một người tuần duyên Hàn Quốc cũng bị chết đuối khi tìm cách khám xét một chiếc tàu cá Trung Quốc.
Theo các nhà quan sát, vấn đề nổi cộm trong các vụ đánh bắt cá trái phép này là thái độ hung hăng của ngư dân Trung Quốc. Trong số các nguyên nhân đã đến thái độ này, có những tuyên bố của giới chức Trung Quốc phản bác các đòi hỏi của Hàn Quốc về vùng đặc quyền kinh tế của mình, qua đó kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa của ngư dân Trung Quốc.
Có tin nói, chính quyền một số địa phương Trung Quốc để cho ngư dân của họ tự vũ trang khi đi đánh bắt tại nhưng khu vực mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền nhưng có tranh chấp với nước khác. Một trong những ví dụ điển hình là tại Biển Đông. Theo “Hoàn cầu Thời báo” (Golbal Times) ngày 28/6/2012, lãnh đạo tập đoàn đánh cá Trung Quốc Bảo Sa ở đảo Hải Nam đã không ngần ngại cho rằng cần phải vũ trang cho ngư dân Trung Quốc “để biến họ thành lực lượng trù bị trên biển và dùng họ để giải quyết vấn đề biển Nam Hải” (Biển Đông).
Minh Châu (theo RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét