Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Sự trì trệ của nền kinh tế là rất đáng lo ngại


SGTT.VN - Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 16.10, Chính phủ hai lần thừa nhận: “tham nhũng còn diễn biến phức tạp”, “ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã đề ra”. Còn Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thì cho rằng đang có “những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ nền kinh tế”, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đến nay chưa mang lại kết quả rõ nét, tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, phức tạp trên các lĩnh vực đất đai, sử dụng vốn và tài sản nhà nước gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của cán bộ, nhân dân.

“Tham nhũng ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế”



Tồn kho hàng hóa...

Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, bên cạnh những kết quả đạt được như lạm phát được kiềm chế, lãi suất tín dụng giảm, tỷ giá ổn định…, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nêu rõ: kinh tế vĩ mô 2012 chưa thực sự ổn định vững chắc, nguy cơ lạm phát cao trở lại vẫn còn, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng tới 61,4% so với năm trước; tồn kho của nhiều ngành còn ở mức cao; đặc biệt, tham nhũng và các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội mà Quốc hội đã đề ra.

Cụ thể, trong tổng số 15 chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra có năm chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tạo việc làm, giảm hộ nghèo và che phủ rừng. Nguyên nhân, theo Chính phủ, có lý do từ việc tái cơ cấu nền kinh tế kết hợp chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm được triển khai, hiện mới chỉ ở bước khởi đầu; chủ trương hỗ trợ sản xuất kinh doanh cũng chậm được triển khai. Ngoài ra, cũng có nguyên do từ yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước, việc chấp hành chính sách pháp luật không nghiêm nhưng chưa được xử lý triệt để. Thêm vào đó, còn do “tình trạng tham nhũng, sách nhiễu, lợi dụng chức quyền trong bộ máy nhà nước còn diễn biến phức tạp”…

Nhận định của uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thì cho rằng tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, phức tạp trên các lĩnh vực đất đai, sử dụng vốn và tài sản nhà nước gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của cán bộ, nhân dân. Uỷ ban này cho rằng báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế (*); chưa nêu bật được nguyên nhân chủ quan của những tồn tại trên xuất phát từ việc điều hành vĩ mô. “Nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng lại có những dấu hiệu đáng lo ngại về sự trì trệ của nền kinh tế; thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng thừa nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn; tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao, nhưng việc thực hiện trên thực tế đến nay chưa mang lại kết quả rõ nét”, đại diện ủy ban Kinh tế nhận xét.

Tồn kho bất động sản là lớn nhất





... đến tồn kho bất động sản.

Trong bối cảnh vừa nêu, Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát của năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chính phủ cũng đề ra chín nhóm giải pháp về tài chính, tài khoá, gỡ khó cho doanh nghiệp, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các tập đoàn kinh tế... Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng cần tập trung, khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là hàng tồn kho và nợ xấu. “Tồn kho càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, khắc phục nhanh tình hình khó khăn hiện nay”, chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói.

Chủ tịch hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước, đề nghị Chính phủ thống kê đầy đủ giá trị của hàng tồn kho và phải đưa ra các giải pháp lớn, hiệu quả trong vấn đề này.

Theo thông tin của bộ trưởng Bùi Quang Vinh, bình quân chung hàng tồn kho tăng hơn 20% với cùng kỳ năm ngoái, dù có giảm so với thời điểm cao nhất (lên đến 33%) nhưng như vậy vẫn còn ở mức cao, trong đó cao nhất là các ngành sắt thép, nhựa, ximăng với tỷ lệ tồn kho từ 40 – 50%. Riêng bất động sản, theo ông Vinh, hiện chưa thống kê được lượng tồn kho.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải thống kê cho được lượng tồn kho của mặt hàng này và phải tính thêm một loại hàng tồn kho khác là các công trình, dự án đắp chiếu vì chờ vốn do cắt giảm đầu tư thời gian vừa qua. Bà Ngân lưu ý bộ Công thương việc kiểm soát nhập khẩu đối với các mặt hàng hiện trong nước đang tồn kho nhiều. Theo ước tính của ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội, trong 2 triệu tỉ đồng dư nợ thì (có lẽ) bất động sản chiếm đến 1 triệu tỉ đồng. “Tức là bao nhiêu sắt thép, ximăng chôn vào bất động sản, mà bất động sản lại không đưa ra sử dụng được thì làm sao giải phóng được số sắt thép, ximăng khác đang tồn kho được? Chưa kể một số mặt hàng như sắt, thép, ống nhựa phải nhập khẩu về cũng lại đem cất vào kho. Đấy chính là cái kho rất lớn, lớn nhất. Vấn đề tồn đọng hiện nay phải tập trung giải quyết cho bằng được là hàng tồn kho và doanh nghiệp đang chết chứ nghị quyết có nhiều rồi, nói “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “tích cực” nhiều quá rồi, giờ phải làm sao cho nó “chạy” được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cho rằng việc cho vay bất động sản chỉ chiếm 5% trong tổng dư nợ, ông Nguyễn Đồng Tiến, phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lạc quan rằng dù thị trường này có tồn đọng khó khăn song tất cả đều có tài sản bảo đảm với giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ xấu! Chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết có thời điểm việc cho vay bất động sản chiếm 11% khi tổng dư nợ khoảng 2,4 triệu tỉ, song do thực hiện nghị quyết 11 nên tỷ lệ này kéo xuống rất nhanh, vì vậy con số 5% mà ngân hàng Nhà nước nói là không sai.

CHÍ HIẾU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét