Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Hiện tại hoàn toàn chưa phải là đáy



“Sống dở chết dở”, sinh ra từ chuyện “Nợ đồng lần”- chữ dùng của Nguyên ĐBQH, Chủ tịch Tập đoàn Việt Á Phạm Thị Loan trong cuộc trao đổi với Lao động xung quanh chủ đề những khó khăn của DN hiện nay.
Hàng một đống, nợ một núiPV: Với tư cách là một DN, bà từng có văn bản gửi Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Đó là vấn đề gì vậy? Thưa bà?
Bà Phạm Thị Loan: Chúng tôi xin được đối thoại về một số vấn đề mà DN đang bị áp đặt trong hoàn cảnh đang phải chịu muôn vàn khó khăn. Và khó khăn đó cũng là khó khăn chung của cộng đồng DN. Tuy nhiên, việc giải quyết là chưa thấu đáo trong suốt hơn một năm nay.
PV: Tồn kho? Thị trường thu hẹp? Nguồn vốn bị hạn chế. Đâu là cái khó nhất trong 3 vấn đề mà người ta gọi là “Tam giác quỷ” này, thưa bà?Bà Phạm Thị Loan: Phải nói là chưa bao giờ DN gặp khó như hiện nay. Thị trường bị thu hẹp. Cạnh tranh nhau khốc liệt để giảm giá. Hàng một đống, nợ một núi và càng ngày càng chồng chất, ngày càng không thấy đâu là lối thoát. Công nợ thì không thu đòi được khi mà chính các dự án thuộc NSNN cũng không có nguồn. Vay NH nói thì nói thế chứ có vay được đâu. Vì điều kiện NH đưa ra ngày càng chặt hơn. Phải thế chấp thay vì tín chấp. Phải trả hết nợ quá hạn và qua thời gian thử thách. Thêm vào đó là mức bảo lãnh, chi phí ngất ngưởng khiến cho việc vay tiền gần như bất khả thi.
Trong khi đó, giá cả thị trường thì tăng liên tục, đặc biệt giá xăng làm giá cước vận tải tăng rất cao. DN còn phải chịu áp lực nặng nề về việc nộp thuế trong bối cảnh đang lỗ nặng nề. Rồi áp lực lương công nhân khi lương tối thiểu tiếp tục được điều chỉnh. Rồi bảo hiểm xã hội theo đó cũng liên tục tăng. Tiền thuế đất trước chỉ 2.500 đồng- 3.000 đồng/m2 giờ đã tăng gấp 6,7 lần khi các địa phương bỏ mặc chỉ đạo của Chính phủ vẫn cứ tăng đều. Rồi ngay cả thuế đất phi nông nghiệp giờ cũng bắt DN trả. Có nghĩa là 2 lần nộp thuế. Rồi BHXH phạt. Thuế phạt. Tiền gốc còn chẳng có để trả còn tiếp tục bị phạt. Nhà nước lại vừa bắt DN nhập khẩu phải có bảo lãnh NH về thuế VAT và thuế nhập khẩu mới được nhập khẩu.
Tất cả mọi khó khăn đang đổ ập lên đầu DN và ngày càng nặng nề hơn. Đôi khi chúng tôi không thể xác định được cái nào là khó nhất. Vì cái nào cũng khó. Công nợ là một ví dụ. Hiện rất nhiều dự án sử dụng vốn NSNN 5-7 năm sau khi bàn giao không có tiền trả nợ DN, đẩy DN vào cảnh “mắc phải nợ đồng lần”. Không trả được nợ cho các DN khác. Bị NH xiết nợ. Bị công nhân biểu tình. Bị đối tác thuê xã hội đen đòi nợ. Điều kỳ cục là các “con nợ nhà nước” không bao giờ trả lãi NH cho DN, trong khi sẵn sàng phạt nếu DN chậm. Tôi nói câu chuyện mà cả trăm DN đều nói như một là nếu muốn đòi nợ nhà nước, thậm chí phải mất tiền. Trong khi đó, áp lực nợ DN phải gánh cả.
Thiếu vốn, DN sản xuất đang phải dừng hàng loạt mà đóng cửa nhà máy một thời gian thì máy móc của cải sẽ thành rác hết. Thương mại dịch vụ gặp khó có thể co hẹp, chứ sản xuất mà gặp khó thì chỉ có nước chịu chết. Đôi khi tôi chỉ nhìn thấy sự co kéo. Dân đang co kéo từ những đồng tiết kiệm. DN đang khất, giãn, đảo nợ để co kéo. Nhà nước co kéo bằng việc cắt giảm. Nhưng đến khi không thể co kéo được nữa thì liệu có vỡ chợ! Khi hiện tại hoàn toàn chưa phải là đáy.
Thực tế bất nhẫnPV:Từng là ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, theo bà, chuyện DN không tiếp cận được vốn là vì sao? Và nợ xấu có ý nghĩa thế nào?
Bà Phạm Thị Loan: Thực ra, từ lâu DN đã không trông vào những tuyên bố. Chúng tôi chỉ nhìn vào thực tế. Cái gốc của vấn đề, theo tôi, là từ việc sử dụng nguồn lực xã hội bị mất cân đối nghiêm trọng. Suốt một thời gian dài, chúng ta đổ quá nhiều vào BĐS. Giờ BĐS đóng băng, sinh nợ xấu. Vốn NH đóng băng cùng với BĐS đã ảnh hưởng gián tiếp, nhưng rất nghiêm trọng đến các DN nói chung. Trong khi đó, đầu tư nhà nước, nhất là qua các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước, không những thiếu hiệu quả, thậm chí còn thua lỗ đến mức không thu hồi được vốn, gây tổn thất kinh tế. Nhưng nghiêm trọng nhất, theo tôi, là sự lũng loạn của NH và các tổ chức tài chính khác. Luật lệ thực hiện không nghiêm, dẫn đến sự lũng loạn trong hệ thống NH khiến nguồn lực tài chính bị kiệt quệ. Nguồn tiền khả dụng bị suy kiệt dẫn đến thiếu nguồn cho vay. Đây là nguyên nhân trực tiếp của việc thiếu nguồn cầu. NH thiêu nguồn cho vay. DN không có tiền vay. Và đây là lỗi điều hành chứ hoàn toàn không do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới.
Vừa rồi có câu chuyện giảm nhập siêu được ca ngợi như một thành tích của điều hành. Nhưng tôi nói thật giờ “đắp chăn nằm ngủ” thì nhập siêu cũng giảm. Bây giờ DN nhập về làm gì khi hàng tốn kho chất đống, sản xuất không sản xuất được. Kinh doanh không kinh doanh được. Vấn đề ở đây là cách nhìn. Khó khăn của DN khiến nhập khẩu giảm lại được nhìn nhận như một thành tích điều hành thì liệu với cách nhìn đó, DN còn bao nhiêu cơ may được cứu.
Và có một thực tế là trong khi DN đang chết dần chết mòn, trong khi nguồn vốn bị tắc nghẽn bởi nợ xấu thì các NH đang, như báo chí gọi, “Lãi khủng”. Phải chăng đang xảy ra những thực tế bất nhẫn: NH vay người dân với giá rẻ, cho vay cắt cổ để có được lãi khủng. Lãi đó là từ đâu nếu không phải là từ mồ hôi của người dân và máu của DN!?
Vâng thưa bà, vậy DN cần gì, bên cạnh gói hỗ trợ 29 ngàn tỷ của Chính phủ?Bà Phạm Thị Loan: Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là việc tạo được nguồn lực thực sự, bằng những đồng tiền thực sự. Tạo công ăn việc làm, nguồn vốn vay. Hỗ trợ, ưu tiên, thậm chí đầu tư cho DN khu vực sản xuất. Chẳng hạn với các dự án chế biến nông nghiệp, vì sao Nhà nước không thực hiện cho vay ưu đãi đặc biệt khi đây chính là khu vực tạo của cải, sản phẩm cho xuất khẩu và đảm bảo việc làm cho hàng triệu lao động!?
Vấn đề đầu tư chiều sâu, nên cho DN vay vốn để mở rộng sản xuất, vay ưu đãi đối với các dự án mà các DN tự xử lý vấn đề môi trường, tôi xin nhấn mạnh là với phương thức minh bạch như Ngân hàng thế giới. Vấn đề là phải không chế không để hạn chế việc đầu tư ồ ạt vào những dự án cảng nước sâu, sân bay, thép, xi măng, BĐS.. và sau đó chết vốn để ảnh hưởng đến tất cả cách ngành KT.
Vốn và việc làm mới có thể là thứ cứu được DN trong lúc này. Tất nhiên, vốn phải là tiền mà DN có thể tiếp cận được trên thực tế chứ không phải chỉ được nghe trong các phát biểu.
Xin trân trọng cảm ơn bà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét