Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Giải Nobel Kinh tế: Khác biệt và thú vị

Giải Nobel Kinh tế: Khác biệt và thú vị

Món quà dành tặng... Nobel
Thực ra, tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel. Đây không phải là một trong 5 giải đặt ra theo nguyện vọng của Alfred Nobel năm 1895. Ngân hàng Thụy Điển đặt ra giải thưởng này và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng và cũng để tưởng niệm Nobel. Bởi vậy, trên tấm huy chương Nobel trao cho các nhà kinh tế mới có dòng chữ “Sveriges Riksbank till Alfred Nobels Minne 1968”.
Ngày nay, do tính chất và quy chế đề cử - bầu chọn đặc biệt cũng như sự vinh quang mà giải này mang lại, người ta mặc nhiên coi đó là giải Nobel Kinh tế. Tương đương với những giải Nobel khác, giải thưởng Nobel Kinh tế trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,2 triệu USD).
Hai nhà kinh tế học Hoa Kỳ, Lloyd S.Shapley (trái) và Alvivin E.Roth vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2012

Giống như những người đoạt giải Nobel về Hóa học và Vật lý, những người đoạt giải Nobel Kinh tế là do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển bầu chọn. Được thành lập vào năm 1739, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển là một tổ chức độc lập có mục tiêu tổng thể là thúc đẩy phát triển các ngành khoa học và tăng cường ảnh hưởng của chúng trong xã hội. Tuy chuyên sâu đặc biệt đối với các ngành khoa học tự nhiên và toán học, nhưng Viện luôn nỗ lực để thúc đẩy việc trao đổi ý tưởng giữa các ngành khác nhau.
Từ năm 1969 đến nay, sau 44 lần giải Nobel Kinh tế được trao, tổng cộng đã có 69 người được nhận giải thưởng này. Hai nhà kinh tế học, Jan Tinbergen người Hà Lan và Ragnar Frisch người Na Uy, là những người đoạt giải Nobel Kinh tế đầu tiên năm 1969 và hai nhà kinh tế học Hoa Kỳ, Alvivin E.Roth và Lloyd S.Shapley là hai người vừa được vinh danh năm 2012.
Theo số liệu của Tổ chức Nobel (Nobel Organizations), cho đến nay, 22 giải thưởng Nobel Kinh tế đã được trao cho một cá nhân, 17 giải được chia cho hai người và 5 giải được chia sẻ giữa ba người. Người đoạt giải trẻ nhất trong lĩnh vực khoa học kinh tế là Kenneth J. Arrow, ông nhận giải lúc 51 tuổi, năm 1972. Người lớn tuổi nhất được trao giải là Leonid Hurwicz, khi được trao vòng nguyệt quế năm 2007 thì đã ở tuổi 90. Ông cũng là người lớn tuổi nhất được trao giải Nobel trong tất cả các hạng mục giải thưởng. Elinor Ostrom là phụ nữ đầu tiên và duy nhất đoạt giải Nobel kinh tế, bà được trao giải năm 2009, cũng là một trong 43 phụ nữ từng được trao giải Nobel.
Người đoạt giải trẻ tuổi nhất hiện còn sống là Paul Krugman (sinh ngày 28/2/1953). Người lớn tuổi nhất hiện còn sống với vòng nguyệt quế vinh quang của giải Nobel Kinh tế là người chiến thắng vào năm 1991, Ronald Coase (sinh ngày 29/12/1910), hiện nay đã 102 tuổi và vào tháng 5/2012 vừa qua, ông vẫn được Khoa kinh tế của Đại học Buffalo (Mỹ) trao bằng Tiến sĩ danh dự.
Trong 20 năm đầu tiên, giải Nobel kinh tế là cuộc cạnh tranh dữ dội và cân bằng giữa châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên từ năm 1990 đến nay, người Mỹ chiếm ưu thế rõ rệt. Có tới 43 người Mỹ và 6 người nước khác mang quốc tịch Hoa Kỳ từng đoạt giải và đồng đoạt giải Nobel kinh tế. Thậm chí giải thưởng này đôi khi bị xem là sự cạnh tranh giữa một nhóm nhỏ các trường đại học danh tiếng ở Mỹ như Chicago, Columbia, Princeton, Harvard và MIT.
Một số người cho rằng, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển “thiên vị” các học giả Mỹ và đặc biệt thích các nghiên cứu của Đại học Chicago. Với 10 giáo sư từng đoạt giải Nobel Kinh tế, trường đại học này đang nắm giữ con số giải Nobel Kinh tế kỷ lục. Thực tế là các chuyên gia Mỹ đang “thống trị” trong các nghiên cứu về kinh tế.
Những dị nghị về giải Nobel Kinh tế
Thường được nhìn nhận đây không phải là giải Nobel “thật sự”. Có hai lý do, một là vì quan điểm của chính một số người nhận giải, mặt khác vì có những thành tựu khoa học mà giải này công nhận lại ít được công chúng chú ý. Người ta cho rằng, tính khoa học của lĩnh vực này là đáng ngờ, nếu không nói là bị xem như những “lạc lối” vào toán học của các nhà kinh tế.
Vào năm 1974, hai nhà kinh tế học Gunnar Myrdal (Thụy Điển) và Friedrich August von Hayek (Anh) cùng đoạt giải Nobel Kinh tế. Hayek cho rằng, kinh tế là một ngành khoa học xã hội, được dựa trên các mô hình và mô hình nào cũng cần phải được thực tế kiểm chứng. Myrdal thì coi kinh tế là một ngành khoa học chính xác và tuân theo những nguyên lý nhất định. Họ có quan điểm về kinh tế hoàn toàn khác nhau, bởi vậy không bằng lòng khi được đem ra so sánh ngang bằng với người đối lập, sau đó họ đã đề nghị bãi bỏ giải thưởng Nobel về kinh tế.
Hai năm sau, năm 1976, Milton Friedman, một kinh tế gia của Hoa Kỳ được trao giải Nobel. Lúc đó, do Friedman làm cố vấn cho nhà độc tài Augusto Pinochet nên đã dấy lên một phong trào biểu tình dữ dội chống lại việc trao giải thưởng Nobel Kinh tế.
Trong những thập kỷ qua, kinh tế thế giới diễn biến khó lường, kinh tế Mỹ nhiều phen lao đao, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu lan rộng không thể kiểm soát đã khiến cho nhiều học thuyết, trường phái kinh tế bị nghi ngờ. Các giải pháp khoa học, các cách tiếp cận thị trường và hành vi kinh tế vào lúc này có thể hợp lý và đúng đắn, vào thời điểm khác và môi trường khác lại hoàn toàn có thể là sai lầm.
Năm 2002, mặc dù có một “tiền lệ xấu” với Hayek và Myrdal, một lần nữa Ủy ban Nobel đã đành phải chọn các đại diện của hai hướng khác nhau - nhà tâm lý học Daniel Kahneman và nhà kinh tế Vernon Smith - để trao giải thưởng. Kahneman đưa những hiểu biết về tâm lý học vào kinh tế, Smith thì đặt nền móng cho lĩnh vực kinh tế thực nghiệm.
Không ai có thể phủ nhận những thành tựu của các nhà khoa học kinh tế được vinh danh đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế xã hội toàn cầu, song nhiều nhà phân tích cho rằng, Hội đồng Giám khảo của giải Nobel kinh tế chừng như khá bối rối khi phải xem xét quá nhiều khía cạnh và “cân đong đo đếm” căng thẳng trước khi quyết định trao giải.
Việc lựa chọn mỗi năm tới 3.000 đề cử và từ đó “lọc” ra 250-350 hồ sơ vào chung khảo để tìm người xuất sắc nhất trong một lĩnh vực “định tính” như kinh tế quả là nan giải chồng lên nan giải. Có lẽ vì vậy mà giải thưởng danh giá này ngày càng khó dự đoán trước khi được công bố.
Nguyễn Tiến Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét