Cập nhật lúc :11:52 AM, 23/10/2012
Theo tờ Newstatesman, thái độ hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp chủ quyền tại các vùng biển quanh nước này có thể mở ra một kỷ nguyên bất ổn mới ở châu Á.
Tàu chiến của Hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc. Ảnh chinamilitary.net
Sự quyết liệt của Trung Quốc được bộc lộ rõ nét trong cuộc đối đầu với Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Hồi đầu tháng 9, một loạt các cuộc biểu tình và tẩy chay Nhật Bản diễn ra rầm rộ trên khắp Trung Quốc sau khi chính quyền Nhật Bản quyết định mua lại quần đảo này từ tay người chủ tư nhân.
Chính phủ Trung Quốc đã đáp trả lại rất mạnh mẽ, điều gần 1.000 tàu đánh cá đi cùng 6 tàu chiến và một số tàu hải giám đến gần khu vực biển quanh quần đảo này.
Tham vọng độc chiếm các vùng biển tranh chấp
Nhưng vụ việc này không phải là vụ việc đơn lẻ. Từ lâu, tư tưởng về chủ quyền đã được thể hiện rất rõ nét trong chiến lược của Bắc Kinh đối với khu vực, được thể hiện đặc biệt qua hành động hiếu chiến của nước này đối với các đối thủ trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Kể từ những năm 2000, Trung Quốc đã kiên định theo đuổi một chiến dịch khẳng định chủ quyền đối với các hòn đảo trên vùng biển này, khơi mào cho căng thẳng ngoại giao giữa nước này và một số thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), những nước cũng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Kết hợp các vụ việc trên với chương trình hiện đại hóa hải quân rầm rộ của nước này thì dường như tiếng chuông cảnh báo đã bắt đầu vang lên.
Đối với một số người, đó là những điều báo trước cho tương lai: Trung Quốc ngày càng thể hiện tư tưởng đế quốc. Trên khắp Đông Á, từ Tokyo cho tới Jakarta, ý niệm về việc Bắc Kinh đang thực hiện Học thuyết Monroe của Trung Quốc đang ngày càng trở nên rõ nét.
Một số người khác có thể lập luận rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần đáp trả lại các chính sách kiềm chế của Mỹ, đặc biệt là vào thời điểm mà Washington đang bắt đầu chiến lược ngoại giao và quân sự lấy châu Á làm “trọng tâm”.
Dù hiểu theo cách nào đi nữa, thì các số liệu về quân sự của Trung Quốc cũng đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Chi tiêu quân sự tăng chóng mặt
Theo SIPRI, một viện nghiên cứu độc lập, ngân sách cho quân sự hàng năm của Trung Quốc đã tăng vọt từ 30 tỷ USD vào năm 2000 tới 120 tỷ USD vào năm 2010, tức là tăng 400%.
Lo ngại Nhật Bản và một số quốc gia ASEAN sẽ kéo Trung Quốc vào một cuộc chiến tranh trên Biển Đông, Trung Quốc đã dành phần lớn ngân sách quân sự cho việc mua sắm đủ thể loại vũ khí, khí tài hải quân khác nhau.
Tháng trước, Trung Quốc khai trương tàu sân bay Liêu Ninh – con tàu sân bay đầu tiên của nước này – và có tin nói nước này đang có kế hoạch chế tạo 5 chiếc tàu sân bay khác.
Từ năm 2002 tới 2012, Hải quân Trung Quốc (PLAN) cũng đã nâng số lần chạy thử tàu ngầm lên khoảng 260%, đồng thời cải tiến đội tàu chiến lạc hậu của mình thành hạm đội tàu chiến, tàu khu trục và tàu đổ bộ hiện đại.
Chương trình nâng cấp hàng loạt đó đã giúp Trung Quốc có đủ vũ khí, khí tài cần thiết để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình và phô trương sức mạnh trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Quan trọng hơn, việc Trung Quốc phát triển năng lực “chống tiếp cận/phong tỏa khu vực” – loại vũ khí đặt trên mặt đất dùng để phá hủy các đơn vị hải quân – là mối đe dọa nghiêm trọng đối với những lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.
Với những vũ khí tinh vi như tên lửa đạn đạo chống tàu – loại tên lửa có khả năng phá hủy các tàu sân bay của Mỹ - cùng sự đầu tư mạnh tay cho máy bay tấn công trên biển xuất phát từ mặt đất, dư luận lo ngại rằng Trung Quốc đang tăng tốc đưa lực lượng hải quân của mình tới trình độ ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ nếu các cuộc tranh chấp chủ quyền trở nên nghiêm trọng.
Nhiều học giả cảnh báo về việc Trung Quốc đang thực hiện âm mưu biến các khu vực biển xung quanh mình thành vùng biển đặc quyền để nước này được toàn quyền theo đuổi những tham vọng của mình mà không cần giấu diếm, một khu vực mà kể cả đối thủ lớn nhất của nước này là Mỹ cũng không có chút quyền hạn nào.
Trong khi riêng việc tăng cường năng lực hải quân toàn diện như trên cũng đã đủ khiến dư luận vô cùng lo ngại, thì hành động của Bắc Kinh trong tuyên bố chủ quyền với các hòn đảo tranh chấp lại khiến dư luận thêm lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ở biển Hoa Đông và Biển Đông, ban lãnh đạo Trung Quốc đều xác định vấn đề chủ quyền không thể tranh cãi và đưa ra những tuyên bố không nao núng về chủ quyền tuyệt đối của mình đối với các khu vực tranh chấp. Bất kỳ hành động nào của chính quyền Trung Quốc rút lui lại tuyên bố chủ quyền trên đều sẽ trở thành thảm họa sau khi tinh thần dân tộc được khơi dậy để ủng hộ cho các tuyên bố đó.
Tranh chấp chủ quyền vì dầu mỏ
Các nhà phân tích Trung Quốc ước tính vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể có trữ lượng 160 tỷ thùng dầu và Biển Đông có trữ lượng 213 tỷ thùng, trong khi Saudi Arabia có trữ lượng dầu mỏ là 265 tỷ thùng. Và với việc Trung Quốc đang phải nhập khẩu dầu mỏ thì trữ lượng dầu mỏ của hai vùng biển trên càng trở nên “hấp dẫn” hơn bao giờ hết.
Việc ganh đua giành quyền sở hữu vùng biển giàu tài nguyên này là trung tâm của các cuộc tranh chấp chủ quyền và đã khiến Trung Quốc dấn thân vào vô số các cuộc đối đầu hải quân trong vài năm trở lại đây, trong đó gần đây nhất là các vụ việc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hồi đầu năm nay, Philippines và Trung Quốc đối đầu nhau trong cuộc tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough. Hồi tháng 4, Trung Quốc ngang nhiên mời các công ty dầu khí nước ngoài tham gia thăm dò khảo sát tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Lối hành xử quyết liệt đó của Trung Quốc đã làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung và gần như toàn bộ các thành viên của khối nói riêng. Ngoài ra, việc Trung Quốc lấy cái gọi là “đường 9 điểm” làm cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông đã mở màn cho cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực Đông Nam Á.
Trên thực tế, tất cả các quốc gia tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đều có biện pháp đáp trả lại chương trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc bằng cách hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình. Theo tờ Economist, dự kiến tổng chi tiêu của ASEAN dành cho quốc phòng đã tăng từ 24,5 tỷ USD vào năm 2011 lên tới 40 tỷ vào năm 2016.
Mặc dù cho đến nay các cuộc đối đầu mới chỉ dừng lại ở sự đối đầu giữa tàu bán quân sự và tàu đánh cá, việc Trung Quốc chi tiêu “mạnh tay” cho hải quân và sự hiếu chiến của nước này trong tuyên bố chủ quyền chắc chắn sẽ khiến các nước láng giềng lo ngại.
Và khi bóng ma của một Trung Quốc đầy tham vọng bành trướng lại như con gió mạnh giúp tàu Mỹ “quay trở lại” châu Á thì Bắc Kinh sẽ sớm cảm thấy sự đau đớn của tình trạng bị cô lập.
Nếu Trung Quốc phản ứng một cách tiêu cực, thì điều đó chắc chắn sẽ giáng đòn mạnh vào nền tảng ổn định của châu Á và đẩy tương lai của an ninh toàn cầu vào tương lai bất ổn.
>> Trung Quốc nuôi tham vọng 'bá chủ thế giới'?
>> Lý do Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông
>> Trung Quốc đang 'thu mình trước khi vồ mồi'?
>> Trung Quốc toan tính tiến ra biển Đông với 3 mũi tiến công
>> Chín con rồng khuấy động Biển Đông
>> Cái lưỡi tham vọng
>> UNCLOS và an ninh hàng hải ở Biển Đông
>> Tranh chấp Biển Đông cần giải quyết đa phương
>> Học giả quốc tế bác bỏ 'lưỡi bò' TQ trên Biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét