ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
--------------
MAI HUY BÍCH
Mấy năm trở lại đây, có một hiện tượng văn học đáng chú ý: gia đình trở thành đề tài được nhiều nhà văn quan tâm. Ma Văn Kháng với tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn, Lê Lựu với Thời xa vắng, Dương Thu Hương với Bên kia bờ ảo vọng, Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn Tướng về hưu, mỗi người mỗi vẻ đã phát hiện ra, khái quát nhiều vấn đề nóng hổi của gia đình hiện nay mà xã hội học gia đình hằng xuyên quan tâm. Tuy nhiên, nguyên nhân của hiện tượng đó chẳng phải chỉ là sau chiến tranh, ai cũng trở về với gia đình mình: cũng không phải như một nhân vật trong Mùa lá rụng trong vườn nói: "Cái khuynh hướng củng cố gia đình, gia tộc, theo con, nó thể hiện một sự phản ứng, chống lại cái vô đạo đức này hình như có hơi nhiều lên", hoặc như lời một nhân vật ở Bên kia bờ ảo vọng: "Con người cần gia đình như con thú cần hang ổ... chúng ta cần nơi trú ngụ, nơi trốn tránh mùa đông với những bão giông". Nói cách khác, việc lý giải nguyên nhân sự quan tâm đến gia đình cũng như cách giải quyết nhiều vấn đề gia đình của một số nhà văn chưa đủ sức thuyết phục. Điều đó đòi hỏi phải xem xét những vấn đề gia đình trong văn học dưới nhãn quan xã hội học để bổ sung cho nhau, nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn gia đình Việt Nam, và nói chung, xã hội, con người Việt Nam hiện nay.
Khoảng 40 năm trước đây, khi những nhân vật như ông Bằng, ông tướng Nguyễn Thuấn đang thời xuân trẻ, đại gia đình "tam, tứ đại đồng đường" (ba, bốn thế hệ cùng sống dưới một mái nhà) nếu không phải một hiện thực phổ biến thì ít nhất cũng là ước mơ cho mọi nhà. Gia đình nói chung còn rất thuần nhất về phương diện xã hội: thời ấy, ông bà, bố mẹ, con cái đều thất học, thường cùng làm một nghề (phổ biến là nghề nông), gia đình là đơn vị sản xuất, các thành viên cùng đổ mồ hôi sôi nước mắt lao động chung nhau, mọi người lúc nào cũng gần nhau, do đó những lo toan, vui buồn của cuộc sống, mọi giá trị cơ bản mọi người đều san sẻ với nhau. Còn gia đình hiện nay, đối tượng thể hiện của các tác phẩm nêu trên mà tiêu biểu là gia đình ông Bằng đang "thấp thoáng những dấu hiệu của sự lủng củng, bất hòa, bất ổn trong các mối tương giao", đang trải qua quá trình phân hóa sâu sắc. Thành công của các tác phẩm này là đã phản ánh chân thực quá trình đó. Trước hết là sự phân hóa không gian sống của đại gia đình, hay nói theo thuật ngữ xã hội học, hạt nhân hóa gia đình, tức là các đại gia đình chia sẻ thành nhiều gia đình nhỏ chỉ gồm cha mẹ và con cái chưa trưởng thành của họ. So với quá khứ, đây là bước biến chuyển lớn lao về cơ cấu, tác động sâu sắc đến quan hệ gia đình.
Trong khi đó, gia đình ba bốn thế hệ, nói theo lời văn hào L. Tolstoi, lại "đau khổ theo cách riêng của mình" mà gia đình hạt nhân không biết đến. Tuy chung sống dưới cùng một mái nhà, nhưng gia đình không thuần nhất về mặt xã hội như xưa nữa: mỗi người một trình độ học vấn, trong đó con cái có bằng cấp cao hơn cha mẹ già, mỗi người một ngành một nghề, một nơi làm việc riêng, do đó có những quan tâm riêng. Tiêu biểu là gia đình ông tướng về hưu: không có sự hiểu biết lẫn nhau ngay cả giữa vợ với chồng thế hệ già ("Tôi chắc mẹ tôi hiểu về cha tôi cũng ít"), giữa thế hệ trung niên với thế hệ già ("khi lớn lên tôi chẳng biết gì về cha mình cả"), giữa thế hệ trẻ với thế hệ già ("Hai đứa con gái của tôi ít gần ông nội"). Khác biệt giữa các thế hệ không chỉ bó hẹp ở những điều tưởng chừng vặt vãnh như thị hiếu, tạo nên "khoảng cách thẩm mỹ" giữa họ (ông tưởng thích thứ sách dễ đọc, cháu ông chỉ có loại sách "đọc rất khó vào"; ông Bằng thích duy nhất bản nhạc Vườn khuya trong khi con ông mê cả nhạc Vécne)... mà còn đụng chạm đến nhiều chuẩn mực đạo đức khá cơ bản. Trong khi ông tướng hết sức bất ngờ biết mình đại diện họ nhà trai một đám cưới mà cô dâu đã không còn "chữ trinh đáng giá ngàn vàng" nữa, còn em họ ông tức giận đuổi con dâu ra khỏi nhà, thì con dâu ông tướng thản nhiên coi đó là thường. Nếu như ông Bằng sống đơn sơ, "con cái được nuôi dưỡng trong tinh thần tu rèn bổn phận, thực bất cầu bão, cư bất cầu an, coi trọng đạo lý, rời xa phù phiếm", ngay Cần, con trai ông, cũng nói: "Nhưng lúc này mà cứ nhấn mạnh đạo đức, e không hợp. Đói nghèo lâu quá rồi", còn Lý phải kêu lên: "Chưa thấy cái nhà nào cổ hủ như cái nhà này. Chỉ thích đạo lý, sách vở... thế thì suốt đời đói nghèo là phải".
Đặc biệt, do kết quả tự do hôn nhân, thế hệ con cái được lựa chọn bạn đời theo ý mình chứ không phải "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" như trước, con cái gần gũi, thân mật, gắn bó với vợ chồng hơn thời trước, và hơn là với cha mẹ. Với con mắt coi huyết thống cao hơn tâm lý, đặt quan hệ cha mẹ - con cái lên trên quan hệ vợ chồng, nhiều bậc cha mẹ thế hệ già khó lòng chấp nhận cảnh đứa con mà họ dứt ruột đẻ ra lại thân thiết với người không phải máu mủ ruột rà hơn là với họ. Ngòi bút sắc sảo của nhiều nhà văn đã thể hiện được điều đó. Nhân vật bà Bằng chỉ thoáng qua chốc lát nhưng đã để lại ấn tượng khá đậm cùng câu tuyên ngôn "nổi tiếng" với con trai: "Này thằng Đông kia, chết mẹ thì hết mẹ, chứ chết vợ này lấy được vợ khác con ạ!" và đòi nọc con trai đã bốn chục tuổi đầu ra quất roi, vì nghe vợ hơn nghe mẹ. Xuất phát từ mô hình hôn nhân cũ, thế hệ già không thấy được vai trò nhân tố tâm lý, tình cảm trong gia đình thế hệ sau họ.
Vậy là các thế hệ gia đình không chỉ khác nhau về thị hiếu nghệ thuật, quan hệ qua lại giữa các giới vốn có nhịp độ đổi mới nhanh chóng và thường hết sức thích hợp để các thế hệ sau tự khẳng định, tách mình ra khỏi thế hệ trước, mà còn ở nhiều giá trị xã hội quan trọng. Khách quan mà xét, những khác biệt đó, về một vài phương diện, nói lên sự giải phóng cá nhân, tiêu biểu cho xu thế phát triển tiến bộ, là điều mà giới xã hội học mệnh danh "sự di động xã hội đi lên giữa các thế hệ" còn dân gian ta gọi nôm na "con hơn cha là nhà có phúc". Nhưng chúng đã làm cho thế hệ già vốn sinh trưởng, và được dạy dỗ trong một nền văn hóa coi mẫu mực là cha ông, đời này về cơ bản giống đời khác, lại ở tình thế đối ngược (đang ở đỉnh cao về công danh, địa vị xã hội chuyển sang địa vị người về hưu bình thường, "di động xã hội đi xuống" như ông tướng), khó lòng hiểu nổi. Từ đấy khác biệt sẽ chuyển thành mâu thuẫn, bùng nổ trong gia đình.
Nhưng sự phân hóa trong gia đình không dừng ở cấp độ từng thế hệ, mà tới tận cấp độ từng thành viên. Các thành viên khác nhau tới mức gia đình chỉ còn là nơi tập hợp những con người mà phần lớn thời gian sống của họ lại diễn ra ở một không gian khác, mỗi người một "vũ trụ" riêng, ngăn cách nhau bằng những bức tường vô hình, không còn "ngôn ngữ chung" nữa; nếp nhà biến thành "buồng ngủ chung" theo cách nói của một nhà xã hội học, trong đó cảnh "đồng sàng dị mộng" khá phổ biến. Tướng về hưu đã nêu bật được tình trạng đó. Các thành viên trong gia đình không ai giống ai, nhưng khác biệt sâu sắc nhất là giữa ông tướng với những người xung quanh, đến nỗi ông phải kêu lên: "Sao tôi cứ như kẻ lạc loài!". Vì sao như vậy? Đó là vì ông tướng xuất thân từ một nhóm xã hội đặc biệt, hết sức khác với các nhóm còn lại. Hàng chục năm chiến tranh không ngớt đã sản sinh ra trong xã hội một nhóm đặc thù - nhóm những quân nhân chuyên nghiệp, "cả đời gắn với súng đạn, chiến tranh", "ít khi về nhà", "những lần về đều ngắn" như tướng Thuấn. Đảm nhiệm một chức năng xã hội lớn lao - chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, - chuyên môn hóa sâu sắc ở chức năng đó, tách hẳn các lĩnh vực sống khác, được tổ chức theo tôn ti cấp bậc chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc, nên nhóm quân nhân có những giá trị đặc thù (lòng dũng cảm, niềm tin, danh dự, tinh thần phục vụ, tình đồng đội), ngay lối sống, hành vi ứng xử hàng ngày (y phục, cách xưng hô, chào hỏi) cũng khác hẳn. Rời môi trường tách biệt khá nhiều với phần còn lại của xã hội, tướng Thuấn đã chuyển thẳng những chuẩn mực, giá trị đạo đức tương đối tĩnh tại, bất biến của môi trường đó ra xã hội hết sức năng động bên ngoài, và như ta đã thấy, ông không sao hòa nhập được vào "xã hội dân sự". Sự không hòa nhập đó không chỉ phổ biến qua các tập tục ma chay, cưới xin, mà trầm trọng nhất là ở cách nhìn cuộc sống giản đơn, tư tưởng bình quân và quá thiên về đạo lý mà coi thường những nhu cầu vật chất đa dạng, tốt xấu tất yếu nảy sinh trong xã hội hiện nay.
Ngoài mặt trận, giữa cái sống và cái chết, tinh thần bình quân giữa người chỉ huy và chiến sĩ, xóa nhòa cấp bậc, đồng cam cộng khổ với nhau theo phương châm cổ truyền "tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" chính là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng khiến ông tướng đinh ninh "bình quân là lẽ sống". Ông không thể ngờ trong đời sống xã hội hiện nay, tư tưởng bình quân đó còn tạo nên mất công bằng, là sức ì ghê gớm kìm chân tiến bộ xã hội. Mặt khác, vị tướng đánh trăm trận đó được hưởng chế độ bao cấp đặc biệt trong quân đội, không phải lo toan cơm áo trong hoàn cảnh giá cả không ngừng leo thang, túi tiền có hạn, một nghịch lý mà có nhà báo gọi là "trận đánh của từng ngày", lại về hưu sống ở một gia đình đầy đủ vật chất, ông không thấy được cái giá của miếng cơm manh áo đó. Khi phát hiện ra cái giá tàn nhẫn (những miếng rau thai nhi v.v...), ông cương quyết không chấp nhận ("Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này!"). Không hòa nhập được với "xã hội dân sự", ông trở lại "xã hội quân sự" của mình, ra mặt trận. Phải chăng chi tiết cả nhà đào chum tìm vàng dưới ao, sau khi ông tướng quay lại đơn vị cũ, hàm ý rằng: đời thường của "xã hội dân sự" - do những đòi hỏi gay gắt, cấp thiết và cả do những lệch lạc của nó - vẫn tiếp tục như trước khi ông về, ai không hòa nhập được với nó, ắt bị đẩy ra ngoài lề?
Cả trong văn học lẫn ở ngoài đời, đây không phải là trường hợp của riêng tướng Thuấn. Trong văn học, về phương diện này, ông có nhiều vẻ giống với Đông, trung tá về hưu, ở Mùa lá rụng trong vườn: cũng xa nhà biền biệt, trong nhà "chỉ là người hưởng thụ chứ chưa hề phải lo toan một trọng trách nào, từ việc nuôi dạy con cái tới miếng ăn hàng ngày", cũng được cuộc sống chiến sĩ tạo cho "một nếp sống, nếp nghĩ lành mạnh giản dị", cũng tình trạng tách biệt, không thích nghi giữa "xã hội quân sự" và "xã hội dân sự". Khoảng cách giữa "xã hội quân sự" và "xã hội dân sự" vốn đã lớn, lại càng thêm sâu sắc sau bao nhiêu khó khăn kinh tế và biến động xã hội: hàng chục năm chiến tranh, cả một thế hệ bạc đầu trong khói lửa, không còn điều kiện học nghề gì khác sinh nhai ngoài binh nghiệp, sự thích nghi, hòa nhập với "xã hội dân sự" càng khó khăn, gay gắt, trở thành một vấn đề xã hội lớn lao. Đặt ra được vấn đề xã hội ít người thấy, hoặc thấy nhưng chưa nhìn nhận đúng mức - đó là một thành công của Tướng về hưu. Còn giải quyết vấn đề ra sao, điều đó vượt ra ngoài khuôn khổ truyện ngắn, và có lẽ cũng vượt quá khả năng tác giả, nhưng chắc chắn phải có những biện pháp mà xã hội học gọi là "xã hội hóa để bước sang tuổi già": chuẩn bị trước về tư tưởng, tâm lý để các quân nhân chuyên nghiệp từng bước về hưu. Và giải pháp khắc phục sự xa cách giữa người với người trong gia đình, củng cố mối tương giao không phải quay trở lại đại gia đình cũ như có nhà văn mong ước. Đời sống xã hội sẽ vận động theo hướng khẳng định cá nhân, cuộc sống gia đình sẽ ngày càng mang đậm tính chất riêng tư hơn; và như vậy, khoảng cách không gian "ở riêng nhưng gần" mới là lý tưởng đối với cha mẹ già và con cái lớn, vì vẫn có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau đồng thời giảm khả năng xung đột thế hệ đến thấp nhất.
***
Trong những vấn đề gia đình hiện nay, một số được các nhà văn tìm các giải quyết trong tác phẩm của mình, một số khác chỉ được đặt ra rồi mở ngỏ. Có nhà văn đề xướng "trở về quy tụ với gia đình, gia tộc", coi gia đình là "lô cốt cố thủ" để "tất cả những mệt nhọc, buồn phiền, kinh sợ đều đã dừng lại ở ngưỡng cửa căn buồng nhỏ", để "con người sống với những tình cảm thật sự": nói theo lời một nhân vật, "chỉ cần khép cửa phòng lại, ôm em với Hương Ly trong vòng tay, anh quên hết mọi khắc nghiệt của cuộc đời". Nhưng giải pháp này rất chông chênh, một mặt vì nó sai lầm trên quan điểm xã hội học: tách rời gia đình khỏi xã hội, coi gia đình như một ốc đảo trên đại dương đầy sóng gió của đời sống xã hội. Cuộc sống bên ngoài tác động vào chúng ta toàn diện và sâu sắc tới mức đâu dễ dàng rũ bỏ ảnh hưởng của nó mỗi lần trở về với gia đình mình như cởi chiếc áo ngoài bụi bặm trước khi vào nhà! Mỗi người giữ vai trò là chồng, là vợ, là cha, là con trong gia đình thì đồng thời cũng giữ các vai trò khác ngoài đời, có thể nào tách bạch rạch ròi các vai trò đó trong cùng một con người? Mặt khác muốn gia đình thật sự là "lô cốt", "vấn đề là phải dìu dắt nhau, tạo ra sự hòa hợp về tâm lý trong cả quá trình chung sống chứ. Nghĩa là cả hai bên phải chủ động". Giải pháp mà Ma Văn Kháng mượn lời một nhân vật tích cực của mình nói lên đã được chính một nhân vật khác trả lời: "Thế thì sống với nhau vất vả quá. Mà đời thì vốn đã khó nhọc lắm rồi". Nghĩa là giải pháp nhà văn đề ra dễ gì được chấp nhận trong bối cảnh xã hội đầy phức tạp này!
Nhưng có lẽ đáng nói nhất là điều này: thông qua Luận, nhân vật tích cực Ma Văn Kháng viết: "Gia đình, đường phố, cơ quan, xã hội, các tập thể con người, những môi trường sống khác nhau mà đồng dạng, gắn liền". "Gắn liền" thì rõ rồi, song nếu thế thì chính tác giả tự mâu thuẫn với mình khi chủ trương biến gia đình thành "lô cốt", tách rời xã hội. Nhưng tại sao lại "đồng dạng"? Trong xã hội cổ truyền từng chịu ảnh hưởng Nho giáo, chính vì coi gia đình và xã hội là đồng dạng, lấy gia đình làm khuôn mẫu để quy chiếu ra xã hội, đưa mục tiêu ứng xử của gia đình - ổn định, hòa mục, trên kính dưới nhường thành mục tiêu của xã hội, thay thế cho tự do, hạnh phúc và tiến bộ, nên người ta đã thủ tiêu đấu tranh, phát triển nhân cách. Và suốt hơn bốn thập kỷ qua, do không ý thức được điều đó, chúng ta cũng đi vào con đường mòn lịch sử này, đã phải trả giá: trong gia đình cũng như xã hội, con người luôn luôn cảm thấy mình là con, là em, phải ăn ở sao cho trong ấm ngoài êm, không bao giờ trở thành một nhân cách độc lập, dám đấu tranh cho công bằng và tiến bộ. Ở ta, ý nghĩa xã hội lớn lao của vấn đề gia đình chính là ở quan hệ đặc biệt giữa gia đình với xã hội này, chứ không bình thường như nhiều xã hội khác.
Suốt một thời kỳ dài, đúng như Ma Văn Kháng nhận xét, một mặt "người ta có ảo tưởng là có thể coi nhẹ các quan hệ gia đình. Các quan hệ cha con, vợ chồng, anh em... hình như không có gì phải bàn bạc nữa", nhưng thực ra mọi nỗi niềm gia đình riêng tư con người phải dồn nén lại do chiến tranh khốc liệt, mặt khác, văn học hầu như chỉ được đề cập đến một vài mảng đời sống gia đình nên gia đình không trở thành vấn đề lớn cả trong cuộc sống cũng như văn học. Bây giờ, do tổng hòa những biến đổi mọi mặt, nhân tố riêng tư, cá nhân bắt đầu "cựa quậy", đòi "xé rào", đòi giải phóng, đáp ứng các nhu cầu ngày càng phong phú của mình, trong khi đó, gia đình kiểu cũ, gia đình thuần nhất nặng về ràng buộc cá nhân, nên chính nơi đây nảy sinh không ít vấn đề, gia đình trở thành "điểm nóng". Có lẽ chính đây là nguyên nhân cơ bản khiến gia đình thu hút sự lưu tâm của dư luận xã hội và văn học đến thế.
Qua việc văn học khai thác đề tài gia đình, có thể nói: trong xu hướng chung văn học ngày càng tiếp cận đời sống xã hội, nếu chỉ riêng khả năng quan sát, nắm bắt vấn đề và tài năng nghệ thuật, vốn sống thôi, chưa đủ. Để nâng cao trình độ phản ánh và dự báo những xu hướng vận động, biến đổi của gia đình hiện nay, thiết nghĩ việc các nhà văn làm quen, tìm hiểu phương pháp và kết quả nghiên cứu xã hội học không phải là vô ích.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 23 (4-6-1988)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét