Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Chính sách tiền tệ: Mớ bòng bong cần gỡ sớm

Mớ bòng bong cần gỡ sớm
TS. Phạm Đỗ Chí

 
Cần tái lập cơ chế thị trường, thay thế ngay các biện pháp hành chính 
ngày càng dày đặc và kém hiệu quả trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

(TBKTSG) - Chính sách tiền tệ là vấn đề lớn trong hoàn cảnh hiện tại, được nhiều chuyên gia cùng giới truyền thông bàn đến. Theo tác giả, trong hơn một năm qua, chính sách tiền tệ vẫn rối bòng bong, Việt Nam chưa có biện pháp bền vững cho khu vực tín dụng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ lặp lại các biện pháp tình thế.
Nợ xấu: từ nhận thức đến hành động

Tình hình đang có những diễn biến đáng chú ý. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-12 quá cao, đến 2,2% so với tháng trước, lãi suất huy động đang trở lại 11-12% (bán chính thức) cho thời hạn dưới 12 tháng và 13% (chính thức) cho thời hạn 13 tháng trở lên và lãi suất cho vay sẽ “nóng” trở lại, đi ngược với mong muốn của NHNN. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có giải pháp bền vững cho khu vực tín dụng tiền tệ mà vẫn chỉ là các biện pháp tình thế: tăng lãi suất huy động trần, tăng giảm hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng với những kiểm soát được gọi là “chặt chẽ” của NHNN...

Điều mà người viết muốn nhấn mạnh là cần tái lập cơ chế thị trường, thay thế ngay các biện pháp hành chính ngày càng dày đặc và kém hiệu quả trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Những thành tựu nhất định của chính sách tiền tệ trong 12 tháng qua đã được bàn đến trong một bài trước đây trên TBKTSG, từ việc ổn định vĩ mô đến giảm lạm phát (dự báo là 9% cho năm nay), ổn định tỷ giá (quanh mức 21.000 đồng/đô la Mỹ), xuất siêu chút ít trong chín tháng đầu năm và cán cân thanh toán quốc tế dự kiến sẽ thặng dư đáng kể vào cuối năm (một phần với giá phải trả là đình đốn sản xuất) và nhờ đó tăng dự trữ ngoại hối vượt mức năm 2007 (đã là 23 tỉ đô la Mỹ vào tháng 9-2012). Sau đó là việc hợp nhất vài ngân hàng yếu trong khuôn khổ chương trình tái cấu trúc ngân hàng quy mô hơn.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, hệ thống ngân hàng cũng còn nhiều tồn tại cần được xử lý do hệ quả chính sách đang ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Cụ thể là sự nghẽn mạch tín dụng, sở hữu chéo ngân hàng, nợ xấu và thanh khoản ngân hàng.

Nghẽn mạch tín dụng

Thực ra không khó để trả lời cho câu hỏi tại sao lãi suất cho vay khó xuống hơn nữa.

Thứ nhất, việc dùng các biện pháp mạnh của NHNN đồng thời đẩy lãi suất huy động trần từ 14% xuống 9% trong một thời gian ngắn không thể làm giảm lãi suất cho vay xuống nhiều được.

Thứ hai, biên độ lãi suất (NIM) 6% được coi là rất lớn trong hệ thống ngân hàng hiện đại nhưng không thể thu hẹp lại do dự phòng tài chính đã được lập ở mức cao và lợi nhuận ngân hàng tiếp tục bị đe dọa bởi các món nợ bất động sản lớn khó đòi.

Thứ ba, do một số ngân hàng phải cho các xí nghiệp “sân sau” vay với lãi suất thấp, nên họ phải giữ lãi suất cao với các doanh nghiệp khác để cố gắng đạt chỉ tiêu lợi nhuận.

Thực trạng này đòi hỏi phải có các biện pháp thực tiễn và cấp thời nhằm khơi thông sự nghẽn mạch của hệ thống tín dụng trong vài tháng cuối năm.

Tính đến cuối tháng 8-2012, tổng phương tiện thanh toán tăng vừa phải (ước tính trên 10%) tiền gửi tăng khoảng 11% nhưng tín dụng chín tháng vẫn tăng nhỏ giọt (ước tính 2,35%). Đáng chú ý là hiện tượng đảo nợ, luồng vốn mới của các ngân hàng không được đưa vào sản xuất. Vậy tiền đang đi đâu? Theo người viết, câu trả lời rất đơn giản: “Tiền đang chảy vào các công ty sân sau”. Một số ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động là do đang dồn vốn cho các công ty sân sau vay với lãi suất thấp và đang bị mắc kẹt, không có tiền cho doanh nghiệp khác vay hay chỉ cho vay với lãi suất cao vượt 15% để “bù lỗ”.
Ngoài ra một phần lớn tín dụng cũng để giúp các khách hàng cũ đảo nợ với lãi suất thấp hơn. Tình trạng này khiến tiền chỉ chạy lòng vòng trong hệ thống.

Ngoài ra hiện tượng đáng lo song hành là nguồn vốn cạn kiệt cho khu vực tư lại đang chảy vào đầu tư công - là khu vực kém hiệu quả nhất. Tiền gửi tăng dù lãi suất xuống mạnh, ngân hàng thừa tiền nhưng không cho doanh nghiệp vay, tiền đổ vào trái phiếu chính phủ do ngân sách huy động để tăng chi tiêu công.

Như vậy, bội chi ngân sách và nợ công sẽ tăng trong mấy tháng còn lại của năm 2012. Liệu đây có phải là chủ trương của NHNN và Chính phủ?

Sở hữu chéo ngân hàng

Hiện nay, sở hữu chéo ngân hàng gây ra khó khăn lớn trong việc định lượng nợ xấu và chương trình tái cấu trúc. Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ. Một chương trình tái cấu trúc ngân hàng đúng đắn và hiệu quả phải bắt đầu bằng cách giải quyết vấn đề sở hữu chéo, vì chính nó tạo điều kiện cho các hành vi thao túng, lũng đoạn và thôn tính ngân hàng bất hợp pháp (qua việc lập các công ty con, phát hành tín phiếu nợ để mua cổ phiếu ngân hàng, rồi dùng cổ phiếu thế chấp để vay nợ ngân hàng và trả lại tiền vay tín phiếu...).

Nợ xấu


Nợ xấu ở Việt Nam khó giải quyết vì không có thông tin chính xác và quan trọng hơn là không có nguồn lực tài chính để giải quyết.

Thiếu thông tin chính xác là do hệ thống hai sổ sách hiện hữu của các ngân hàng. Hai lý do chính được nêu ra là (i) do các tiêu chí phân loại nợ xấu khác nhau giữa NHNN và các ngân hàng thương mại và (ii) vấn đề sở hữu chéo lan rộng giữa các ngân hàng. Các ngân hàng cố ý khai giảm nợ xấu để tránh mức lập dự phòng rủi ro cao làm giảm lợi nhuận. Họ báo cáo với NHNN một sổ, còn làm cho mình một sổ riêng. Với tình trạng hai sổ sách như hiện nay và nạn sở hữu chéo chưa được làm rõ, nợ xấu sẽ không bao giờ dừng, khó thống kê chính xác nên sẽ khó kiểm soát rủi ro.

Như đã đề cập ở phần đầu của bài viết, với những kết quả đã đạt được trong năm 2012 như dự trữ ngoại hối tăng lên, cán cân thanh toán thặng dư và tỷ giá đã ổn định trong một thời gian khá lâu, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, trong đó quan trọng nhất là tháo nút thắt ở hệ thống ngân hàng. Việt Nam nên hướng tới sự hỗ trợ kỹ thuật của các định chế tài chính quốc tế trong quá trình tái cơ cấu. Ví dụ, hiện nay Ngân hàng Thế giới (World Bank) có chương trình hỗ trợ kỹ thuật kèm theo cho vay “tín dụng điều chỉnh chính sách” cho các nền kinh tế đang trong quá trình tái cơ cấu, rất phù hợp với mục tiêu của Việt Nam. Với sự hỗ trợ kỹ thuật này, có vai trò như một chất xúc tác giúp phối hợp chính sách cũng như giám sát độc lập từ bên ngoài, người viết tin rằng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, và tái cơ cấu ngân hàng nói riêng sẽ được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét