Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

(1) Chinh phục Mont Jura: Lên Tiocan và Croisée (1190 mét)

Du lịch chủ nhật - chuyến leo núi cuối cùng trong năm:
Chinh phục Monts Jura: 
Lên Tiocan và Croisée (1190 mét)
Trước khi bắt đầu nhìn ảnh chụp chuyến đi, chúng ta hãy xem trên mạng có những thông tin gì về đỉnh núi này. Điều ngạc nhiên là thông tin liên quan tới nó khá ít. Có thể tóm tắt như sau:
1. Monts Jura (các đỉnh của dãy núi Jura) là dãy núi cao nhất trong toàn dãy Massif du Jura. Dãy này nằm ở phía tây bắc dãy núi Alps, thuộc lãnh thổ ba nước Pháp, Thụy Sĩ và Đức. Jura vừa là tên của một tỉnh của Pháp vừa là tên của một bang của Thụy Sĩ.
Tên Jura có nguồn gốc từ ngôn ngữ Celtic. Người Celts gọi là Massif Jor, người La Mã gọi là Juris, đều có nghĩa là "rừng" hoặc "đất nước của rừng" để nói về các khu rừng rộng lớn trên các sườn núi của dải Jura.


Một đoạn dãy Monts Jura nhìn qua cửa sổ căn hộ của tôi. Trên đỉnh là tuyến du lịch dài 30km, có thể đi bộ liên tiếp từ đỉnh nọ sang đỉnh kia.

Ảnh này và ảnh dưới đây là cảnh núi Monts Jura nhìn từ cửa sổ nhà tôi. Hôm nay 5.10 trời nắng đẹp, nhưng hôm vào núi thì thời tiết xấu, không chụp được nhiều.


Nhà nghỉ và bãi để xe Tiocan, điểm giữa rừng để bắt đầu cuộc leo núi đối với dân đi ô tô lên. Tôi đi buýt nên cần thêm 2h mới tới được Tiocan (1h đi xe buýt từ nhà đến Thoiry và 1h từ tòa thị chính Thoiry đi xuyên rừng lên Tiocan). Nếu tính cả đi cả về là 4h cộng thêm khoảng 8-10h chinh phục các đỉnh núi theo lộ trình dự kiến thì thời gian cho một chuyến leo núi thế này mất hơn nửa ngày.

Ở Pháp, tên hành chính chính thức của dãy núi này là "Massif du Jura" nhưng người dân thường nói ngắn gọn là Jura. Không có sự khác biệt về cảnh quan giữa Jura Thụy Sĩ và Jura Pháp. Một số khoa học cho rằng những cao nguyên đá vôi Alb Swabian và Jura Franconian của Đức về mặt địa lý không thực sự thuộc dãy núi này, nhưng chúng lại có cùng đặc điểm địa chất nên thường được gắn với nó.

Tại Pháp, Jura về cơ bản bao gồm các vùng Franche-Comté, mở rộng về phía nam vào vùng Rhône-Alpes, phía đông là vùng Ain với đỉnh cao nhất (Cret de la Neige, 1 720 m) và phía tây bắc là vùng Savoie. Tại Thụy Sĩ, Jura chạy từ biên giới phía tây với Pháp sang phía đông qua các bang Basel, Aargau, Solothurn, Jura, Bern, Neuchâtel và Vaud. Dãy Jura tiếp tục kéo dài sang Đức bằng hai cao nguyên có độ cao khiêm tốn là Swabian Alb, nằm ở bang Baden-Württemberg, và Jura Franconian, nằm ở bang Bavaria.

Jura là một dãy núi tương đối trẻ về địa chất, có chiều dài tới 300 km, trong đó đoạn Monts Jura dài khoảng 50 km. Đặc điểm nổi bật của dãy núi này là có rất nhiều nếp gấp tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh các ngọn núi với nhiều đỉnh nối tiếp nhau, có thể đi từ đỉnh nọ sang đỉnh kia. Chiều ngang của dãy có đoạn chỉ rộng 2km nhưng đoạn lớn nhất lên tới 70 km tại Besançon (Pháp). Đoạn chạy qua phía tây của Geneva có chiều rộng khoảng 40 km. Jura là dãy núi đá vôi, do đó hút nước và giữ nước bên trong, do đó nó có nhiều hố sụt và hang động... nhưng cũng có các vùng nước đọng (hồ, đầm lầy, đầm lầy ...) chứa nước để thấm dần vào các tầng ngậm nước đá vôi.


2. Những đỉnh cao chính của dãy Massif du Jura là:
3. Các đỉnh Monts Jura mà tôi sẽ lên hôm nay nằm trong đoạn Jura cao giữa Pháp và Thụy Sĩ. Đây là nơi có những đỉnh núi cao nhất của của toàn dãy Jura. Monts Jura nằm trong một công viên và khu vực bảo tồn thiên nhiên rộng lớn.

Điều thú vị là nếu đã lên đến một đỉnh thuộc dãy Monts Jura thì sẽ có đường sống trâu nối từ đỉnh nọ sang đỉnh kia suốt hơn 30 km.

Trong bản đồ dưới đây, đoạn Monts Jura có màu xanh lá cây, nằm gần song song với hồ Genève. Hồ Genève hình lưỡi liềm, màu xanh nước biển (đậm) nằm ở trung tâm bản đồ.


Tuyến leo núi màu đỏ bên trái dài 20km khởi đầu
từ bìa rừng giáp ranh với thành phố Thoiry (Pháp)


Đoạn từ bìa rừng lên đến Tiocan (điểm cuối cùng ô tô lên được - hình ngôi sao đỏ ở góc phải bên dưới trong bản đồ trên) đi bộ xuyên rừng mất khoảng 40 phút. Trong bản đồ không có đoạn này.

Hai điểm tôi dự định lên là "le Reculet" và "le Crêt de la Neige" nằm trên lộ trình màu xanh đậm. Đây là hai đỉnh cao nhất dãy Massif du Jura (1720 mét). Theo chỉ dẫn, cần khoảng 5 giờ 15 phút để đi hết lộ trình mầu xanh đậm.

Tuy nhiên, trong chuyến đi hôm nay, tôi sẽ không thực sự đi theo đường màu xanh mà từ Tiocan sẽ đi Narcerant (cao độ 1337 m) để ghé thăm "Balcon de Léman", một vòng cung từ đó có thể nhìn toàn cảnh thành phố Genève Thụy Sĩ; sau đó mới vòng về "le Reculet" để đi theo chỉ dẫn trong lộ trình, nhưng ngược chiều chỉ dẫn của lộ trình, tức là từ "le Reculet" đi sang "le Crêt de la Neige". Trong bản đồ, Narcerant nằm trên tuyến màu đỏ, dưới đáy bản đồ. Thời gian thực hiện lộ trình khoảng 8-10 giờ, kể cả nghỉ ngơi ăn trưa và lang thang chụp ảnh.




Các chỉ dẫn cụ thể cho chuyến leo núi

Bắt đầu lên đường. Đi xe buýt đến Thoiry. Dãy Monts Jura đã hiện ra

Dự báo thời tiết 14 ngày cho thấy thời tiết trong suốt tháng 9 và 10 đều không đẹp. Nếu như trong tháng 9 trời mưa liên tục thì trong nửa đầu tháng 10, nhiệt độ tụt xuống còn 4-5°C đồng thời sương mù dày đặc trên các đỉnh núi. Tuy nhiên, vì nếu không lên ngay bây giờ thì cơ hội lên trong năm nay càng ngày càng khó vì mùa đông sắp đến. Do đó tôi đã quyết tâm lên đường hôm nay khi thấy dự báo trời không mưa. Từ xa, nhìn thấy nắng ấm trên đỉnh núi nên rất phấn khởi.

Xuống xe tại bên Thoiry Mairie (tòa thị chính thành phố Thoiry)

Bến xe trước toàn thị chính. Phía sau là siêu thị nhỏ.

Đi xuyên qua thành phố để lên núi - Ngang qua nhà thờ thành phố

Từ nhà thờ nhìn về Genève. 
Mới 8h30 sáng nên tất cả đang chìm trong sương.

Thoiry có nhiều vườn nho như thế này.
Lại nhớ 2 tuần trước đi lễ hội nho ở Russin.

Từ sân nhà thờ nhìn lên núi.

Tiến lên núi. Nhà hai bên đường khá đẹp. Nhưng vì biết chuyến leo núi lần này
phải mất ít nhất 10h trở lên nên mình phải đi khẩn trương, không nên mất nhiều thời gian để chụp ảnh.

Đã đến bìa rừng. Biển chỉ dẫn hoặc quay về Thoiry, hoặc lên núi.

Đường nhựa lên Tiocan, còn đường rừng cũng lên Tiocan,
nhưng đi tắt, giảm được 3/4 độ dài chặng đường.

Đường vắng vẻ, mới mưa xong nên ít người đi. 
Gặp 1 anh bạn người Úc cũng lên núi nên nhờ chụp ảnh.

Cứ thế này mà lên Tiocan.

Thỉnh thoang nghỉ chân nhìn về Genève.

Biển chỉ dẫn lên Reculet qua ngả Tiocan.

Đã xuyên rừng lên tới Tiocan, cao độ 860 mét. Nơi đây có 1 nhà nghỉ và bãi đỗ xe ô tô để khách du lịch để xe ở đó và bắt đầu chuyến leo núi. Phía sau nhà nghỉ là Monts Jura chìm trong sương mù. Đây là một nếp gấp của Monts Jura. Vượt qua nó sẽ gặp các nếp gấp khác. Chiều rộng của dải Monts Jura đoạn này khoảng 30-40 km.

Từ bãi xe Tiocan nhìn về Genève. Mặt trời lên, sương mù tan, đã nhìn rõ thành phố.

Bản đồ hướng dẫn leo núi đặt tại Tiocan. Tiocan là điểm nằm giữa bản đồ. Đoạn đỏ dựng đứng nằm giữa bản đồ nối Thoiry và Tiocan là đoạn mình vừa vượt qua. Các đường trắng là đường ô tô có thể đi, nhưng không có đường nào lên Reculet (hướng Bắc).

Vừa loay hoay một lát đã thấy núi lại chìm trong mây.

Xem lại bản đồ treo ở cửa rừng. Rất nhiều biển cấm.

Lối vào. Đến Reculet cần khoảng 2h30' đối với người đi liên tục.
Nhưng nếu lang thang ngắm cảnh và chụp cảnh thì cần trên 3h.

Chơi loanh quanh khoảng 20 phút thì anh bạn Tây đã đuổi kịp tới nơi.
Anh này đi chậm, dự kiến chỉ lên Reculet rồi quay về. Nhờ chụp ảnh hộ.
Đây như khu vực chết, trong vòng 20' ở đây không hề thấy có dấu hiệu của sự sống.

Đây là anh bạn người Úc quen trong chuyến leo núi này.

Mình bỏ anh ấy lại sau, tiến thẳng lên phía trước. Đường khá khó đi vì trơn và nhiều đá. trông vậy chứ đường khá dốc và liên tục liên dốc. Không có thời gian chụp ảnh.

Đã lên tới Croissée. Độ cao 1190 mét.
Trời khá lạnh, sương mù lúc có lúc không.

Từ dưới dốc lên, nếu rẽ phải leo dốc tiếp thì đi Cret de la Neige. 
Mình đi thẳng để lên Narcerant (cao độ 1337 m)

Tại đây đã thấy các bậc dốc để leo.

Đây là đường mình sẽ đi lúc quay xuống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét