SGTT.VN - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và UNDP cho rằng
người dân Việt Nam đang phải chịu gánh nặng thuế, phí trên GDP cao so
với nhiều nước trong khu vực. Một trong những thứ gánh nặng đó là chính
sách thuế thu nhập. Sau ba năm thực hiện luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN),
khoản thu này tăng từ 0,87% GDP năm 2009 lên 1,37% GDP trong năm 2010
và bằng 2,1% GDP năm 2011.
Thu từ thuế, mỗi năm mỗi tăng!
Bộ
Tài chính cũng thừa nhận từ năm 2009 đến nay nền kinh tế – xã hội nước
ta gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao... Ảnh: Lê Quang Nhật
|
Theo báo cáo tổng kết ba năm thi hành luật Thuế TNCN
của bộ Tài chính, khả năng nộp thuế của người có thu nhập thể hiện rõ
qua các con số. Cụ thể, số người có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ
hơn 7,1 triệu người năm 2009 đã tăng lên hơn 10,2 triệu người và 12,6
triệu người trong hai năm 2010 và 2011. Tương tự, số hộ gia đình, cá
nhân kinh doanh có thu nhập tăng lần lượt từ 2,1 triệu lên 2,47 triệu và
2,84 triệu. Số người có thu nhập đến mức phải nộp thuế cũng tăng lên:
năm 2009 là 3,2 triệu người, 149.741 hộ kinh doanh; năm 2010: 3,97 triệu
người, 169.239 hộ kinh doanh; năm 2011: 3,87 triệu người, 194.863 hộ
kinh doanh. Trong đó, số người phải nộp thuế ở bậc 1 chiếm trung bình
73%, nhưng số thuế nộp chỉ chiếm từ 7 – 10% tổng số thuế thu từ tiền
công, tiền lương.
Cũng theo đánh giá của bộ Tài chính, “thuế TNCN đã góp
phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước”. Cụ thể, tổng số thuế thu
được trong các năm từ 2009 đến 2011 lần lượt là 14.316,4 tỉ đồng;
26.281,8; và 38.520 tỉ đồng. Trong đó, thu từ tiền lương, tiền công lần
lượt là 9.868,9 tỉ đồng, 18.289 tỉ đồng; và 28.625 tỉ đồng. Mức tăng
trưởng số thu thuế TNCN trong ba năm lần lượt đạt 110%; 183,6%; và
146,57%.
Tính đến hết năm 2011, số thu thuế TNCN đạt khoảng 7,3% số thu ngân sách nhà nước và đạt 7,39% tổng thu nội địa, bằng 2,1% GDP.
Dân nặng gánh
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội không lạc quan với những con số đó, khi cho rằng tỷ lệ thu thuế của Việt Nam như thế là quá cao.
Nghiên cứu mới nhất của uỷ ban Kinh tế Quốc hội (phối
hợp với UNDP do nhóm tác giả Phạm Thế Anh, Đinh Tuấn Minh, Tô Trung
Thành, Nguyễn Trí Dũng và các cộng sự thực hiện) đã chỉ ra rằng giai
đoạn 2007 – 2011, trung bình tổng thu ngân sách nhà nước của Việt Nam
vào khoảng 29% GDP. Nếu chỉ tính thu từ thuế và phí, con số này là 26,3%
GDP. Loại trừ tiếp thu từ dầu thô thì số thu còn khoảng 21,6% GDP. Đáng
chú ý là thu từ dầu thô có tỷ trọng ngày càng giảm dần trong tổng thu
ngân sách nhà nước, (khoảng 6,9% GDP năm 2007 xuống còn chưa đầy 3,1%
trong năm 2011). Nghĩa là tỷ trọng của các khoản thu khác đang ngày càng
tăng lên!
Trong khi đó, trung bình trong năm năm gần đây, tỷ lệ
thu từ thuế và phí/GDP của Trung Quốc là 17,3%. Thái Lan và Malaysia xấp
xỉ 15,5%. Philippines là 13%. Indonesia 12,1% và Ấn Độ chỉ 7,8%.
“Như vậy, ngoài việc chịu “thuế lạm phát” hàng năm ở
mức hai con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang
khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp 1,4 – 3
lần so với các nước khác trong khu vực”, nhóm nghiên cứu nhận xét.
Xét riêng về thuế thu nhập, mặc dù Việt Nam có các
thang bậc thuế suất khá tương đồng, nhưng khoản thu nhập chịu các thang
thuế suất tương ứng lại thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Ví dụ
đối với thuế TNCN, khoảng thu nhập chịu thuế suất 10% ở Việt Nam là xấp
xỉ 3.451 – 5.175 USD/năm. Trong khi con số tương ứng ở Thái Lan và Trung
Quốc lần lượt là 4.931 – 16.343 USD/năm và 3.801 – 9.500 USD/năm.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định: “Tổng mức thu
thuế/GDP cao đã hạn chế khả năng tích luỹ, làm giảm đầu tư phát triển,
giảm năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân. Nó cũng khuyến khích các
hành vi gian lận về thuế”.
Giảm thuế phải giảm chi tiêu công
Bản thân bộ Tài chính cũng thừa nhận từ năm 2009 đến
nay nền kinh tế – xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hoá,
dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế, nên “cần
thiết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế”. Cụ thể,
theo thứ trưởng bộ Tài chính Vũ Thị Mai, mức khởi điểm chịu thuế của cá
nhân sẽ được nâng từ 6 triệu đồng dự kiến trước đó lên 9 triệu đồng,
người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng hiện tại lên 3,6 triệu đồng, dự kiến
áp dụng từ 1.7.2013!
Với cách tính mới này, một người nuôi một người phụ
thuộc có thu nhập 12,6 triệu đồng/tháng thì chưa phải nộp thuế, còn
người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng chỉ nộp 120.000 đồng/tháng. Nếu đề
xuất của bộ Tài chính được Quốc hội phê duyệt, 70% người nộp thuế (có
thu nhập từ tiền lương tiền công) sẽ không nộp thuế nữa và tiền thuế thu
cho ngân sách năm 2013 sẽ giảm 5.200 tỉ đồng, năm 2014 là 13.500 tỉ
đồng.
Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng cùng với việc giảm
thuế, cần định hướng cắt giảm chi tiêu công, thu hẹp vai trò Nhà nước
trong nền kinh tế vì chi tiêu công còn “thoáng tay” thì gánh nặng thuế
sẽ còn đè nặng lên vai người dân và doanh nghiệp, hệ thống thuế sẽ kém
hiệu quả do nó khuyến khích việc trốn thuế và bóp méo sự phân bổ nguồn
lực đồng thời làm gia tăng nợ công.
Thảo Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét