Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

10 ngày chiến đấu với tử thần để cứu chồng



Bác sĩ dặn không được phép cho chồng tôi ngủ quá 15 phút, bởi vì chồng tôi bị thương vào đầu, nếu để anh ấy ngủ, rất có thể anh ấy sẽ mãi mãi không tỉnh lại.
Cuộc chiến người mẹ giành cơ hội sống cho con trai 


Tôi tưởng như mình đã có thể quên dần câu chuyện này cùng năm tháng, nhưng rồi khi bắt đầu đặt bút viết, mọi hình ảnh lại hiện ra trước mặt tôi như ngày hôm qua, hôm kia thôi, khiến tôi rùng mình, sởn gai ốc.

Sáng 15/4/2004, đang giờ nghỉ giải lao của một hội thảo thì tôi nhận được tin nhắn của cô cháu (làm cùng công ty chồng): "Cô ơi, hình như chú bị tai nạn giao thông ở Hòa Bình. Cô thử gọi điện xem có đúng không?”.
Đọc xong tin nhắn đó, đầu óc tôi rơi vào cảm giác trống rỗng, trống rỗng đến mức khó tả. Vẻ mặt của tôi lúc đó có lẽ khủng khiếp lắm cho nên cô giáo đứng cạnh tôi hỏi: "Chuyện gì thế em?”.
Không hiểu sao tôi lập bập, lập bập mà không thể thốt ra bất cứ lời nào. Tôi đành phải chìa điện thoại với mẩu tin nhắn cho cô. Cô đã an ủi tôi, dặn tôi phải bình tĩnh, và hãy thử gọi điện thoại cho chồng. Tôi nhấn chuông. Đáp lại tôi là những lời lạnh lùng: "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”.
Lúc đó tôi không dám gọi điện đến cơ quan chồng. Mà cũng may mà tôi không gọi điện, bởi vì nếu gọi điện mà nghe được tin khủng khiếp thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra với tôi.
Nhưng, cũng chính vào những giây phút khủng khiếp đó, dường như đã có ai đó, ẩn sâu trong tim tôi, chỉ đường đi cho tôi, chỉ cho tôi phải có những hành động đúng đắn.

Tôi để lại xe máy, thuê xe ôm đến cơ quan chồng. Anh bạn đồng nghiệp chỉ nói là chồng tôi bị tai nạn, nhưng hiện nay đã được đưa vào bệnh viện Hòa Bình, trong bệnh viện cũng đã có một số anh của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đang ở trong ấy với chồng tôi.

Xe công ty đang lên đường đi Hòa Bình và anh ấy chưa muốn báo cho tôi vì chưa biết tình hình cụ thể. Tôi nằng nặc đòi đi và cuối cùng công ty cũng cử thêm một xe nữa. Có lẽ đấy là chuyến đi dài nhất trong cuộc đời tôi.
Liên tục, liên tục, tôi gọi điện cho anh bạn đang trông chồng tôi, nhưng không có tin gì mới, mà chỉ có câu: “Mọi người sắp lên đến nơi chưa? Bọn mình vẫn ở trong bệnh viện với anh G.”
Xe ô tô đến bệnh viện. Chồng tôi nằm đó, máu me đầy mình. Khuôn mặt anh biến dạng đến mức không thể nhận ra. Phòng cấp cứu bệnh viện tỉnh thật sơ sài, không có phương tiện gì. Không có bác sĩ, y tá nào bên cạnh. Chỉ có mấy người đang đứng cạnh giường chồng tôi, dùng quạt tay quạt cho chồng tôi. Sau này tôi mới biết đó là mấy anh của nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Chính các anh là người đã đưa chồng tôi vào viện và chính các anh cũng cắt cử người làm việc với bác sĩ, trông coi chồng tôi. Còn lúc ấy, tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất trong đầu: phải đưa chồng về Hà Nội, càng sớm càng tốt.
Tôi đi tìm bác sĩ trực nhưng không có ai. Một vài người nói với tôi: tất cả bác sĩ, y tá đang phải đi mổ cấp cứu cho ông lái xe ôm (người chở chồng tôi). Ông lái xe ôm (sau này tôi mới biết là sang hôm ấy ông ấy "ăn sáng" bằng mấy ly rượu đế) chở chồng tôi đi vào đường ngược chiều, bị xe Kamaz - một loại xe tải hạng nặng của Nga, chở cát đâm chính diện.
Cả ông lái xe ôm và chồng tôi đều ngã xuống. Chồng tôi đập thẳng mặt xuống đường bê tông. Ông lái xe ôm đang mổ cấp cứu, không hiểu có sống nổi không, còn chồng tôi vì tỉnh hơn nên vẫn nằm đây.
Tôi xin xe cấp cứu chở chồng tôi về Hà Nội nhưng xe cấp cứu duy nhất của bệnh viện cũng đã bị dùng rồi.
Những người bạn của tôi (những người bạn cũ, những người tôi biết sơ sơ và cả những người lúc đó tôi mới gặp lần đầu) đã dùng hết các mối quan hệ của mình để chúng tôi có xe cấp cứu về Hà Nội. Và cũng chính họ đã giúp chúng tôi có được y tá đi cùng theo chồng tôi về.

Cũng không hiểu sao lúc ấy tôi lại có những quyết định sáng suốt đến vậy. Trên đường về Hà Nội, tôi gọi điện cho bà chị họ tôi, gọi điện cho chị gái, anh trai và em chồng thông báo sơ qua tình hình.
Và trong lúc ấy, tôi cũng yêu cầu những người thân của tôi đừng thông báo gì cho bố mẹ tôi cũng như bố mẹ chồng tôi. Bởi vì, bố mẹ hai bên đều đã lớn tuổi, các cụ lại huyết áp cao. Thông báo cho các cụ chuyện đấy trong lúc này chẳng giải quyết được gì.
Về phần mình, tôi gọi điện thông báo với các cụ là tôi có chuyến công tác đột xuất, nhờ các cụ chăm sóc con gái tôi trong mấy hôm.

Tôi không muốn kể nhiều về những chuyện đã xảy ra trong thời gian chồng tôi nằm viện, nhưng mãi mãi bệnh viện đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với tôi. Thật là kinh khủng và càng khủng khiếp hơn nếu bạn không có tiền, nếu bạn không có người quen.

Xe cấp cứu chở chồng tôi về Hà Nội khoảng 7h tối. Vừa đến bệnh viện liền được bác sĩ đẩy ngay vào phòng mổ. Việc đầu tiên là phẫu thuật chân, khâu miệng (vì miệng anh ấy bị xé làm đôi).
Mổ xong, chồng tôi được chuyển lại phòng cấp cứu để nằm. Bác sĩ dặn không được phép cho chồng tôi ngủ quá 15 phút, bởi vì chồng tôi bị thương vào đầu, nếu để anh ấy ngủ, rất có thể anh ấy sẽ mãi mãi không tỉnh lại.
Thế rồi, cứ khoảng 15 phút bác sĩ trực lại dạo qua một vòng hỏi những câu vô cùng đơn giản, nhưng lại thật là khủng khiếp đối với tôi: "Anh tên là gì, nhà ở đâu, anh có biết 2 + 2 bằng mấy không?”.
Đêm đầu tiên trong phòng cấp cứu bệnh viện lại càng khủng khiếp hơn khi vài phút lại có một ca tai nạn nhập phòng. Ngày hôm sau, bác sĩ trưởng khoa khám, rồi soi, rồi chụp.
Họ nói chồng tôi bị va đập đầu rất mạnh, toàn bộ xương mặt bị vỡ làm 4, còn về não thì cần phải theo dõi, chưa thể khẳng định.
Bác sĩ nói có những ca chấn thương sọ não có thể phát hiện ngay, nhưng cũng có trường hợp não tổn thương một thời gian sau mới phát hiện được. Cần phải theo dõi trong một thời gian.
Tất cả những lời nói của bác sĩ chồng tôi đều nghe thấy. Chồng tôi hoàn toàn tỉnh táo. Đối với người bị thương ở đầu mà tỉnh táo thì lại càng đáng sợ (đấy là tôi nghe người ta bảo thế).
Nhưng lúc ấy việc đầu tiên phải lo là mổ mặt. Lại một hành trình đi tìm bác sĩ. Tôi muốn người mổ cho chồng tôi phải là bác sĩ giỏi. Mổ xong mặt, rồi lại lo đến răng, hàm.
Cho đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu sao tôi lại có thể không ngủ trong một thời gian kỷ lục đến như vậy: 10 ngày liền.
Tôi không ngủ không phải vì không có ai chăm sóc chồng tôi. Xung quanh chồng tôi lúc nào cũng có đông bạn bè, người thân. Lúc ít thì một, lúc nhiều thì cả chục người.
Ngoài bạn bè, người thân, chồng tôi cũng luôn được sự chăm sóc tốt nhất của bác sĩ, y tá (có được điều đó là nhờ sự quen biết, là nhờ bạn bè, người thân luôn chăm sóc, quan tâm đến đội ngũ bác sĩ, y tá).
Nhưng dù như vậy, tôi cũng không thể nhắm mắt, bởi vì tôi chỉ sợ lúc mình chợp mắt, khi tỉnh dậy sẽ không còn nhìn thấy chồng. Cái cảm giác đó quả thật là kinh khủng.

Thế rồi, những chấn thương về thể chất cũng tạm ổn. Chồng tôi được xuất viện về điều trị tại nhà và tiếp tục theo dõi não. Ơn trời, cuối cùng chồng tôi đã tai qua nạn khỏi.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, mà không lường được rằng mình lại bắt đầu đối mặt với một giai đoạn mới: lại bắt đầu những ngày dài căng thẳng đưa chồng về với cuộc sống bình thường.

Ông Trời lại thử thách chúng tôi

Chồng tôi thay đổi tính tình, chợt vui đấy, nhưng rồi lại trở nên cáu kỉnh, khó tính. Cuộc sống của mọi thành viên trong gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn. Cô con gái tội nghiệp của tôi ngơ ngác không hiểu những cáu kỉnh bất thường của bố.

Nhiều lúc, khi hai bố con đã ngủ, nước mắt tôi cứ chảy dài, rồi lại đưa tay gạt nước mắt khi chợt bắt gặp những giọt nước lấp lánh trên mắt chồng.
Tôi đi gặp bác sĩ. Bác sĩ nói đó là biểu hiện tâm lý của những người bị tai nạn như chồng tôi (vì lúc đấy người ta rơi vào tâm trạng mình là một người tàn phế), và đó cũng là do ảnh hưởng của chấn động não.
Để có thể trở lại bình thường cần phải có thời gian và cần phải có sự giúp đỡ, quan tâm của những người thân. Còn cái thời gian ấy là bao lâu thì bác sĩ không trả lời được. Đó có thể là 1 tháng, 2 tháng, nhưng cũng có thể kéo dài trong nhiều năm.
Có lần, chứng kiến một cơn cáu giận bất thường của chồng tôi, mẹ chồng tôi cứ sửng sốt không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bà nói: "Có chuyện gì xảy ra vậy? Thằng Béo chưa bao giờ như vậy?”.
Tôi chỉ nói đơn giản: "Anh ấy căng thẳng quá, cơ thể lại vẫn mệt vì mất máu nhiều sau vụ tai nạn, bây giờ vẫn đang phải tiếp tục điều trị ngoại trú nữa”. Tôi không muốn nói nhiều bởi vì không muốn làm bố mẹ lo lắng. Chẳng ích gì.

Ngày tháng trôi qua. Cuối cùng thì ông trời cũng mỉm cười với gia đình tôi. Chồng tôi đã hoàn toàn bình phục. Và ai cũng bảo đó là điều kỳ diệu của số phận - ai gặp chồng tôi cũng nói vậy.

Đúng, đó là điều kỳ diệu. Nhưng để có điều kỳ diệu này hai vợ chồng tôi đều biết rõ rằng: ngoài sự may mắn, bên chúng tôi luôn có sự hiện hữu của bạn bè. Họ đã ở bên chúng tôi trong suốt những ngày tháng khó khăn đó.
Có những người bạn lâu năm, nhưng cũng có những người chỉ vừa mới gặp, có những người chúng tôi chỉ gặp thoáng qua đôi ba lần trong cuộc đời.
Trong thời gian nằm viện, có người đã ghen tỵ: Ôi, gia đình nhà chị này đông anh chị em, sướng quá. Lúc có việc mà đông người mới thấy quý.
Khi tôi nói đấy chỉ là bạn, họ đã sửng sốt vì tại sao lại có nhiều người bạn đến với chồng tôi như vậy. Họ đã giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khủng khiếp này.
Không ai nói ra, nhưng cả hai vợ chồng chúng tôi đều biết sự kiện xảy ra đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi. Có lẽ, gia đình nào rơi vào hoàn cảnh chúng tôi - khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, ranh giới giữa bình thường và không bình thường - mới thấy quý cuộc sống bình thường này biết nhường nào.
Không những thế, chúng tôi thấy mình thật giàu có, giàu vì có vì quanh chúng tôi luôn có bạn bè và chúng tôi biết họ sẽ ở bên chúng tôi khi cần thiết.
Chúng tôi giàu có vì chúng tôi có những đứa con biết yêu thương và chia sẻ. Vâng, những đứa con của chúng tôi có thể sẽ không thành ông nọ, bà kia, sẽ không thành đại gia, nhưng điều quan trọng là chúng biết yêu thương. Thế là đã quá đủ.
Như dòng sông chảy, cuộc sống hàng ngày vẫn có biết bao buồn, vui, biết bao những may rủi, bao lo nghĩ. Nhưng tôi chẳng nuối tiếc điều gì, bởi vì tôi tin rằng ông trời luôn công bằng, chẳng bao giờ cho tất cả, nhưng cũng chẳng lấy tất cả của ai.
Ông trời đã thử thách bọn tôi. Và khi chúng tôi vượt qua được thử thách đó ông trời đã tặng cho chúng tôi một cậu con trai vào 2 năm sau (cách cô con gái lớn của tôi đúng 10 năm 1 tháng).
Nhiều lúc cậu con trai gây phiền nhiễu nhưng tiếng trẻ thơ đã giúp cho hai vợ chồng trẻ lại. Và nhờ có tiếng trẻ mà nhiều cuộc xung đột sắp bùng nổ giữa hai vợ chồng lại lắng đọng và tan biến.
Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng từng trải qua những biến cố, vui có, buồn có. Đôi khi, chính những biến cố đó đã khiến cuộc đời của ta bước sang một ngã rẽ khác.
Như biết bao người, hơn 40 năm sống trên đời này, tôi cũng đã trải qua biết bao nỗi buồn, niềm vui. Thậm chí, đã có những lúc tôi dường như gục ngã trước đường đời.
Nhưng rồi, chuyện xảy ra đã làm thay đổi suy nghĩ không chỉ của riêng tôi, mà là của cả chồng tôi về cuộc sống quanh ta.
Tôi đã định giữ câu chuyện này cho riêng tôi, bởi vì những gì mà tôi đã trải qua suy cho cùng chỉ là một câu chuyện buồn, rất buồn và có lẽ trên đời này không ai mong muốn chuyện này sẽ xảy ra với mình.
Những bạn nào đã từng rơi vào hoàn cảnh của tôi chắc sẽ thấu hiểu tâm trạng của tôi trong những ngày tháng ấy.
Nguyễn Thu Hoài

Rất cảm ơn chị
Chắc lâu lâu lắm rồi tôi mới đọc được những dòng cảm động như thế này của một người vợ. Cuộc sống quanh chúng ta trăm điều khó khăn, nhưng khi mà cả hai vợ chồng chung tay thì chắc không có khó khăn nào lại không vượt qua. Tất cả đàn ông chúng tôi chắc sẽ cúi đầu cảm tạ long yêu thương vô bờ bến của chị đới với chồng.
Sức mạnh vô hình
Chỉ có tình yêu thực sự mới giúp chị vượt qua.
Cảm động
Đọc bài viết của chị mà e chảy nước mắt vì cảm động, chồng chị thật may mắn vì có người vợ như chị. Em cũng là người vợ người mẹ nên thấy đồng cảm sâu sắc với chị, nhưng không biết mình có thể kiên cường được như chị hay ko! cảm ơn vì bài viết chân thật không màu mè!
Thật Cảm Động
Tôi là một độc giả thưởng xuyên của mục "bạn đọc viết",có lẽ lâu và rất lâu rồi tôi mới có thể được đọc một câu chuyện về hạnh phúc gia đình cảm động đến vậy. Giữa những xô bồ cuộc sống, giữa những cám dỗ vật chất thế nhưng vẩn có những con người đồng cam cộng khổ bên gia đình Chị và cũng thật khó kiếm tìm một người phụ nữ thứ hai như Chị. Cảm ơn Chị cho tôi hiểu rằng cuộc sống sẽ vẫn có yêu thương và sẻ chia. Một lời chúc phúc gửi đến gia đình Chị!
Cám ơn chị đã chia sẻ nỗi lòng
Cảm ơn chị đã viết nên những ký ức đau buồn chân thật. Đọc dòng tâm sự của chị mà rơi nước mắt. Chị thật kiên cường, thông thái, sáng suốt và yêu chồng hết mực. Đọc những dòng tâm sự này, em lại càng cảm thấy yêu vợ mình hơn.
Người phụ nữ tốt.
Tôi cảm nhận được đức hạnh cao quý ở người phụ nữ của chị. Cách cư xử, truyền đạt thông tin, cách thức chị lo lắng cho cha mẹ già yếu khiến tôi tin chị có thêm CÔNG & NGÔN. Vậy là chị đã có 3 phẩm hạnh cao quý: CÔNG - NGÔN - HẠNH Thế thì tôi mừng cho chồng chị rồi, mong chị vui và hạnh phúc với gia đình, với hiện tại chị nhé. Chúc gia đình chị luôn BÌNH AN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét